Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, August 19, 2020

THẾ NHÉ! - Thơ Trần Mai Ngân






THẾ NHÉ!

Thế nhé!
Cho dù mình không còn là của nhau
Trời vẫn xanh màu bình yên như cũ
Mây trắng bay vỗ về mùa Thu ngủ
Để anh đàn - em ngồi hát tình ca!

Thế nhé!
Chúng ta - chúng ta đôi mắt vẫn cười
Đi qua trăm nỗi đời đầy cay đắng
Xuân Hạ Thu Đông bốn mùa mưa nắng
Chỗ ngồi xưa nên chắc đã phôi phai...

Thế nhé!
Tạ tình nhau mà tình vẫn nối dài
Từ tim em tổn thương đến tim anh đổ nát
Lời dấu yêu thoát thai cho bát ngát
Răng cắn môi mình chặt đến rướm đau...

Thế nhé!
Người ta hay nói chuyện ngày sau
Còn đôi ta nghẹn ngào mắt lệ
Chuyện cũ xưa thôi đừng kể lể
Chuyện hôm nay thì đã mịt mùng...

Thế nhé!
Môi cười em vẫn hát tình ca
Đôi tay cũ phiếm ngà lạc phách
Nghìn trùng đã nghìn trùng xa cách...
Thế nhé anh và thế nhé em !

                               Trần Mai Ngân

READ MORE - THẾ NHÉ! - Thơ Trần Mai Ngân

MỐI TÌNH QUÂN VƯƠNG DANG DỞ - Hoàng Hương Trang


               Nhà văn Hoàng Hương Trang



MỐI TÌNH QUÂN VƯƠNG DANG DỞ
                                            Giai thoại Huế

Nữ tướng Bùi Thị Xuân là một nữ tướng tài ba của nhà Tây Sơn, đánh trận rất giỏi, thường cưỡi voi ra trận. Chồng bà là Trần Quang Diệu cũng là một vị tướng tài của nhà Tây Sơn. Năm đó, bà đã có thai, vẫn nai nịt gọn gàng, lên mình voi đi đánh trận. Vì vậy bà sinh ra một bé gái nhỏ thó, yếu ớt, đặt tên là Trần Bích Xuân.

Đồng thời lúc bà sinh nở thì vợ của người lính hầu cận của bà cũng sinh một bé gái. Vì công việc trận mạc cần yếu, bà đã trao con mình nhờ vợ người lính hầu cận nuôi cặp cùng con của người ấy luôn, để bà toàn tâm toàn ý ra trận. Bà lại nai nịt gọn gàng lên mình voi xông pha trận mạc.

Khi Nguyễn Ánh đánh thắng vua Quang Toản, tiêu diệt nhà Tây Sơn, sự trả thù vô cùng dã man, cùng với triều đại Quang Toản bị trả thù, bà Bùi Thị Xuân cũng cùng chung số phận, bà bị xử voi chà ngựa xéo cùng toàn bộ gia đình và quân lính của bà, trong đó có cả người con gái nhỏ của bà. Khi bị hành hình người con bé nhỏ kêu lên “Mẹ ơi, cứu con với!”. Lời kêu cứu này đã làm cho quân Nguyễn Ánh đinh ninh mẹ con bà đều đã bị xử cùng chết với nhau.

 Tuy nhiên, điều không ai ngờ tới là, chính người lính hầu cận trung nghĩa của bà đã đưa con gái ruột của mình ra chịu hình phạt. Còn đứa con của bà Bùi Thị Xuân đã được vợ của người này bồng trốn vào núi để tiếp tục nuôi dưỡng. Cuộc trả thù khủng khiếp của Nguyễn Ánh chỉ đến cuối đời là thôi không trả thù nữa, không truy lùng tàn quân Sơn Tây nữa.

Đến đời vua Minh Mạng thì đã hoàn toàn xóa bỏ trả thù Tây Sơn. Người con gái của nữ tướng Bùi Thị Xuân thoát khỏi lưới thù, được vợ người lính hầu cận lúc trước của bà đem vào nuôi trong vùng rừng núi đã lớn lên an toàn. Một ngày nọ, vua Minh Mạng đi tuần du vùng rừng núi ấy, tình cờ gặp một cô gái, tuy nghèo nàn, ở vùng núi non hiểm trở, nhưng tư chất thông minh, sắc đẹp dịu dàng, đàn hay, hát giỏi, thơ phú xuất sắc và văn võ song toàn. Vua rất ngạc nhiên và cảm phục, vua đem lòng yêu quý người con gái ấy. Vua muốn đưa nàng về cung cho thỏa lòng yêu mến.
Vua Minh Mạng là một vị vua có nhiều vợ nhất triều Nguyễn, ông có trên hai trăm người con. Nhưng vua chưa gặp người con gái nào xinh đẹp và tài ba như người con gái ở vùng rừng núi này. Sau khi vua có ý định rước nàng về cung, vua liền sai cận thần thân tín của vua đi dò la, tìm hiểu xem gốc gác của nàng như thế nào. Cận thần đã tìm hiểu tin tức và tâu lên cho vua biết nàng chính là người con gái của nữ tướng họ Bùi đã lọt thoát sự hành hình năm xưa.

Vua ngậm ngùi cho số phận nàng và cũng ngậm ngùi cho mối tình của vua, nếu đưa nàng về cung thế nào cũng bị triều thần khám phá ra sự thật và không tránh khỏi bị xử tội. Vua đành chia tay để bảo toàn mạng sống cho nàng trong sự luyến tiếc vô vàn của trái tim một đấng quân vương.

                                                       Hoàng Hương Trang

READ MORE - MỐI TÌNH QUÂN VƯƠNG DANG DỞ - Hoàng Hương Trang

LỆ NGÁT, LINH HỒN NHỮNG CHIẾC GHẾ, LỜI CỦA GIÓ - Thơ Lê Văn Trung






LỆ NGÁT

Giọt nắng vàng thu buồn vướng lại
Cho màu hoàng yến cũng vàng hơn
Tôi thấy mây chiều như cánh bướm
Vờn theo áo lụa cuối sân trường

Từ buổi chưa rằm trăng đã hương
Từ buổi tóc huyền lóng lánh sương
Em qua chiều tím mềm như gió
Rung nhẹ vào tôi một phím buồn

Ta mộng về đâu? Mơ về đâu?
Mà lòng nhau như ngỡ tìm nhau
Ngày nắng, ngày mưa, ngày gió lạ
Trang thơ dang dỡ tự ban đầu

Em thắp hoàng hôn thơm ngát lệ
Tôi thắp tình tôi trầm hương bay
Và tan vào mắt, chìm trong mắt
Lệ người đẹp như giọt rượu cay

Từng giọt thu vàng rơi nhẹ quá
Tóc người cũng nhuộm cả hồn thu
Làm sao tôi níu chiều thu lại
Cho thắm nguyên sơ giấc mộng đầu!
                               

LINH HỒN NHỮNG CHIẾC GHẾ
Gửi Ngói

Mỗi khi đi ngang qua công viên
Tôi thường tự hỏi
Trên chiếc ghế đá này ai đã từng ngồi
Ngồi một mình tư lự nhìn vu vơ
Ngồi một mình đếm những chiếc lá rơi
Ngồi một mình nhìn những cặp tình nhân
Tay trong tay lang thang vòng vo không điểm dừng
Nhìn những chú chó thả rong chạy tung tăng trên cỏ
Và nhìn bàn tay mình khói thuốc vàng rưng rưng
Mỗi khi đến sân ga
Những chuyến tàu đến và đi liên tục không ngừng
Ai đứng vẫy tay
Cay sè đôi mắt
Ai ngồi bên hai đường ray sắt
Chiếc túi trên vai
Mắt mỏi một phương nào
Trên chiếc ghế chờ
Có hai người hôn nhau
Khi tiếng còi vang từng hồi giục giã
Hai kẻ hôn nhau không hề hối hã
Gì rồi cũng phải chia tay
Sớm hay chầy rồi tay cũng tuộc khỏi bàn tay
Bỏ lại nền đá sân ga lạnh ngắt
Một giọt buồn không là nước mắt
Mà cả hồn người ra đi
Mà cả nỗi đau của kẻ đứng chờ
Có niềm vui nào đọng lại ở công viên
Có nỗi đau nào còn đọng lại ở sân ga
Những chiếc ghế nằm buồn hiu hắt
Người bỏ đi lạnh ngẳt chỗ ngồi
Có hai người mà hai cõi đơn côi
Chiếc ghế trống
Một chỗ ngồi cũng trống
Tôi vẫn tự hỏi mình sao muôn đời vẫn ngóng
Một đôi lần người trở lại công viên
Chiếc ghế ấm nụ hôn tình đến muộn
Một đôi lần người trở lại sân ga buồn
Chiếc ghế trống còn vương mềm sợi tóc
Tôi biết chắc có một người sẽ khóc
Tôi sẽ chép thơ lên dòng nước mắt
Của linh hồn những chiểc ghế yêu nhau.
                        

LỜI CỦA GIÓ

Một chiều người đến bên tôi
Chỉ màu mây trắng bên trời còn bay
Bảo tôi rằng cuộc tình này
Trăm năm cũng chỉ như mây phiêu bồng

Rồi một hôm người qua sông
Mình tôi bến vắng mênh mông bãi chiều
Người đi nước chảy cùng người
Tôi vàng lá rụng ngậm ngùi trôi theo

Người đi mà chẳng quay đầu
Nhìn sông vàng nhuộm một màu quạnh hiu
Hình như giọt lệ tình yêu
Vừa rơi đâu đó trong chiều hồn tôi.

                                               Lê Văn Trung

READ MORE - LỆ NGÁT, LINH HỒN NHỮNG CHIẾC GHẾ, LỜI CỦA GIÓ - Thơ Lê Văn Trung

VỀ TÌM RU LẠI TUỔI MƠ, RƯỢU CHIỀU CÔ LỮ - Thơ Nguyên Lạc





VỀ TÌM RU LẠI TUỔI MƠ

1.
Tôi về ru lại bóng tôi
Tôi về ru lại một thời xưa xa

Bóng tre ngậm ánh trăng tà
Gió đưa bụi chuối tiếng gà sớm mai

Tôi về ru lại tình hoài
Về tìm ru lại hình hài chân quê

Đòng đòng lúa ngả bờ đê
Thương ai mưa nắng đi về sớm hôm
Trâu về nghé ngọ chiều buông
Trăng thanh giã gạo vui luồn vào tâm

Tôi về tìm lại mùi hương
Tôi về ru lại cố hương ngày nào

2.
Xa quê từ thuở ba đào
Tôi về tìm lại thấy bao đoạn trường
Đâu rồi dáng cũ quê hương?
Đâu rồi rám nắng hồng thương má nào?

Hai mươi năm vậy đó sao?
Hai mươi năm đủ nỗi đau đổi dời?

3.
Tôi về ru lại tình tôi
Tôi về ru lại một thời cố quên
Cố quên có nghĩa không quên
Tôi về ru lại... mình ên bóng mình!

Đâu rồi hình dáng thân quen
Em ơi có biết tìm em tôi về?
Tôi về bóng rũ đường đê
"Kêu chiều chim vịt buồn thê thiết buồn" [*]

Tôi về cùng nỗi hoài hương
Ru tôi đỏ mắt tà dương rụng sầu!

Về chi tôi hỡi còn đâu?
Động chiều chuông vọng não câu vô thường

Hai mươi năm phải tha hương
Một đời lữ thứ đầy hồn quê xưa
Về tìm ru lại tuổi mơ
Còn chi đâu nữa... thẫn thờ... Quê ai?!

..........

[*] Chiều chiều chim vịt kêu chiều/ Bâng khuâng nhớ bạn, chín chiều ruột đau - Ca dao

 
RƯỢU CHIỀU CÔ LỮ

Rượu rót về một phương
Đời sầu "khúc đoạn trường" *
Lữ khách hồn cô quạnh
Chiều nay nhớ cố hương!

Bao năm rồi tôi hỡi?
Từ cuộc thế tang thương
Đâu rồi người tri kỷ?
Từng say khướt Hồ trường

Bao năm rồi tôi hỡi?
Tóc đời đà điểm sương
Rượu "bên trời lận đận" **
Khóc xuân mộng lụi tàn

Bao năm rồi li biệt
Tình chia cách nghìn trùng
Đắng giọt chiều... nuối tiếc
Nhan sắc giờ mù sương!

Tri kỷ!
Này chén tiễn
An nghỉ nơi viễn phương
Tình ta!
Này chén nhớ
Ngất cạn tưởng mùi hương

Trong tận cùng ngăn nhớ
Nhức nhối còn chữ ai
Biết làm sao đây hở?
Thôi
Một tiếng thở dài!

Ai đã rồi miên viễn!
Ai đã rồi sương tan!
Ôi! một đời mộng vỡ
Chiều thống hận Hồ trường!

Nâng chén
hồn cô lữ
Mời ai cùng ta say
Bao nhiêu năm có đủ ...?
Chiều. Giọt đắng. Tình hoài...

.......

* "Cuộc vui gảy khúc đoạn trường ấy chi" - Đoạn Trường Tân Thanh - Nguyễn Du
** "Cùng một lứa bên trời lận đận": Phan Huy Tḥực dịch từ câu thơ Bạch Cư Dị

                                                                  Nguyên Lạc

READ MORE - VỀ TÌM RU LẠI TUỔI MƠ, RƯỢU CHIỀU CÔ LỮ - Thơ Nguyên Lạc

ĐỌC TẬP THƠ “BÀI THƠ VUI TẶNG CUỘC ĐỜI TÔI” CỦA TẦN HOÀI DẠ VŨ - Châu Thạch


                   
                                                  
     Tần Hoài Dạ Vũ, thi nhân mà tôi yêu mến thơ ông từ khi còn rất trẻ. Cho đến nay, sau bao nhiêu đổi thay của lịch sử - xã hội, tôi lại càng cảm thấy yêu thơ ông nhiều hơn trước nữa . 

     Tần Hòa Dạ Vũ, là một trong những người có tác phẩm văn chương mang dấu ấn thời đại, để lại cho thế hệ sau dấu vết của một thời nhiễu nhương và một thời yên tịnh, vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. 


     Tập thơ “Bài thơ Vui Tặng Cuộc Đời Tôi” vừa phát hành, in 100 bài thơ của Tần Hoài Dạ Vũ; sách in rất đẹp, trang nhã, sang trọng. 

     Tôi hoàn toàn đồng ý với TS. Huỳnh Văn Hoa, người viết "Lời giới thiệu" tập thơ, rằng: "Nhà thơ muốn đem tiếng thơ vui tặng cho chính lòng mình, lại có tiếng thơ buồn, tiếng gọi nhân sinh, tặng cho cuộc đời này". Vì thế, tôi sẽ chỉ gọi tên tập thơ này là "Bài thơ vui Tặng Cuộc Đời". 

     Và tôi hân hạnh được thưởng thức tập thơ nầy trong những ngày cơn dịch Covid-19 vây hãm xã hội. 

     Tiếng thơ Tần Hoài Dạ Vũ đưa tâm hồn tôi đi đến xứ sở của Cái Đẹp. Tôi thấy vẻ đẹp trong thơ Tàn Hoài Dạ Vũ không khác chi chiếc cầu vồng bảy sắc hiển hiện ở chân trời trong một bình minh hay một hoàng hôn nào đó. 

     Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc tập thơ này là:
 
     1. Thơ Tần Hoàn Dạ Vũ, tiếng thơ của lương tri: 
     Lương tri là khả năng hiểu biết, nhận thức đúng đắn điều phải trái, đúng sai hình thành ở con người, qua thực tiễn cuộc sống. Như Vương Dương Minh, người xướng thuyết lương tri, thì lương tri chính là "tính linh của tạo hóa phú bẩm cho con người, kết tinh lại trong tâm ta". Vậy, khi nói tiếng thơ của Tần Hài Dạ Vũ là tiếng thơ của lương tri, nghĩa là chính tiếng thơ ấy thể hiện lương tâm con người. 

     Hãy đọc những vần thơ trong bài thơ đầu tiên in trong tập sách: 

     “Anh sẽ đi xuyên qua nỗi buồn và số phận cô dơn bắng trái tim tĩnh tại. 
Anh sẽ gọi nắng về trong đêm tối tâm hồn và sẽ đọc lời chúc phúc cho mọi nỗi thống khổ nhân gian” 
… “Hãy cho anh được dành hết cuộc phiêu lưu diệu kỳ của một kiếp người khốn cùng trong niềm tin vĩnh cửu.” 
… “Hãy cho tôi được ở bên cạnh bạn, những người khốn cùng, và hãy cho tôi hôn cuộc dời nầy, như hôn chính trái tim tôi!” 
                               (Hãy Cho Tôi Hôn Cuộc Đời Này!) 

     Vậy đó, thơ Tần Hoài Dạ Vũ không phải là thơ của một tu sĩ, thơ Tần Hoài Dạ Vũ cũng không phải là thơ của người đấu tranh cho công lý, nhưng thơ Tần Hoài Dạ Vũ mang bản sắc cúa hai nhân vật nầy

     Trong toàn bộ tập thơ, Tần Hoài Dạ Vũ cũng yêu như mọi người, mà còn hơn thế nữa; cũng đau như mọi người, mà còn hơn thế nữa; nhưng nhà thơ mang tình yêu đó, mang nỗi đau đó, như hình ảnh của người tự nguyện đi qua trủng bóng chết vì ước nguyện tìm một thiên đàng thanh bình cho em, cho bạn, cho mọi người và trước hết là cho chính mình. 

     Cảm nhận thứ hai của tôi khi đọc tập thơ nầy là: 
     2. Thơ Tần Hoài Dạ Vũ, là tiếng thơ cúa trải nghiệm cuộc sống: 

     Nhà thơ nào cũng phải trải nghiệm cuộc sống thì thơ mới hay, nhưng thường họ làm thơ như rơi vào hố sâu, như đi vào ngõ cụt, như tiếng rên cho thân phận, trên linh hồn khô héo cúa mình. Tần Hoài Dạ Vũ thì khác, nhà thơ chấp nhận nỗi đau, bước qua mọi nghich cảnh và trải nghiệm mọi nỗi đời như chính nó là cứu cánh, để cuộc sống được thăng hoa trong cõi con người.: 

Anh bơi qua đời cạn 
Bằng trái tim chân thành 
…Chưa bao giờ ân hận 
Dẫu đời cho đắng cay 
...Cũng chưa hề hờn tủi 
Trong ngõ cụt phận mình 
…Rồi một ngày hy vọng 
Gõ cửa lòng bất ngờ 
Anh đón nhận câu thơ 
Tặng hồn mình nắng mới… 
      (Hồn Như Nắng Mới) 

     Thơ đối với Tàn Hoài Dạ Vũ là phần thưởng nhận được sau trải nghiệm cuộc đời. Phần thưởng đó là niềm vui bắt được điều mà nhà thơ hằng ngưỡng vọng: 
Cơn gió về rồi mùa mới xuân sang 
Số phận nào neo bến bờ thao thức 
Mặt trời em soi lòng anh náo nức 
Đời sẽ vui hơn, nhịp sống mới hương tràn? 
                                          (Ngưỡng Vọng) 

     Và khi “Đời sẽ Vui hơn, nhịp sống mới hương tràn” là khi nhà thơ thấy được chân hạnh phúc của cuộc đời: 

Đến một lúc nào đó 
anh chợt nhận ra 
chính sức mạnh tình yêu giữa con người với con người 
đã dắt anh đi qua những nỗi đời thống khổ 
để biến đổi tâm hồn anh 
và đưa anh đến gần hơn nữa
với hạnh phúc của sự an bình. 
                        (Hạnh Phúc Của Sự An Bình) 

     Cảm nhận thứ ba của tôi khi đọc tập thơ nầy là: 
3. Thơ Tần Hoài Dạ Vũ, tiếng thơ của Cái Đẹp hài hòa: 

     Tình yêu nam nữ là động lực tạo cảm tác nhiều cho mọi nhà thơ. Người đẹp trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ không phải là người đẹp nguyệt thẹn hoa nhường, nhưng là người đẹp nhân cách; người đẹp có dung nhan và nhan sắc tâm hồn hài hòa nhau, như “Trang sách thơm giữa đời”, như “dòng sông xanh vẫn trôi chảy an lành” và như “Bầu trời đêm ánh sao sáng thanh bình”: 

Em là trang sách thơm giữa đời mà anh chưa đọc 
Em môi hoa ngắm mãi chiếc gương đời 
Nỗi buồn âm thầm như ánh lửa xa khơi 
Trong đêm tối lòng anh về ám ảnh 
                                   (Tiếng Chim Hót Bên Hồ) 

Em là cánh chim báo một mùa hy vọng 
Là ánh dương quang chiếu lại cuộc đời anh 
Là dòng sông xanh vẫn trôi chảy an lành 
Trong tâm thức của một mùa khổ nạn 
Em là giọt mưa lành trên lòng anh hạn hán 
Là bầu trời đêm ánh sao sáng thanh bình 
Khi em về lòng đã gọi bình minh 
Và anh đón tiếng đời vui câu hát. 
                                      (Giấc Đời Ân Sủng) 

     Ai đó là người đẹp của Tần Hoài Dạ Vũ trong đời, chắc hẳn sẽ nghe “Tiếng chim hót bên hồ” trong lòng mình mãi mãi; người đó sẽ cảm nhận được “Giấc đời ân sủng” mà mình nhận được từ chính những dòng thơ này. 

     Đọc thơ về “Em” của Tần Hoài Dạ Vũ, lòng ta dậy lên một thứ men tình yêu làm cho ấm áp tâm hồn, nhận lãnh sự ban cho của người nữ trong trái tim mình. Nhận lãnh một thứ hương tình yêu tinh khiết của bầu trời, của ánh dương quang chiếu rọi, để “đón tiếng đời vui ca hát” cả khi trong tâm thức ta đang là “một mùa khổ nạn”. 

     Cảm nhận thứ tư cúa tôi khi đọc tập thơ nầy: 
     4. Thơ Tần Hoai Dạ Vũ là, tiếng thơ của tình yêu đắm say cao thượng: 

     Trong 100 bài thơ in trong tập “Bài Thơ Vui Tặng Đời” thì hầu như thơ tình yêu chiếm gần trọn. Thơ tình yêu của Tần Hoài Dạ Vũ không có bài nào không cho ta thứ hương rất thanh và vị rất lành, cả vẻ đẹp trang nhã. Nhà thơ yêu với tất cả linh hồn, tôn vinh người yêu đến tận cùng cái đẹp, nhưng nhà thơ không yêu cuồng loạn, không si mê đến dại khờ, không sa đà trong men rượu hay khóc lóc trong tình trường: 

Em sáng danh cánh chim trời cao quý 
Em tài hoa thần nữ của niềm vui 
Trong cuộc đời anh là kẻ quay lui 
Em ánh sáng soi đường anh đi tới. 
                    (Hoa Trái Thơm Đời) 

     Em, trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ là “Hoa Trái Thơm Đời”, không phải ma túy cho anh khát khao đắm duối, không phải là men rượu làm anh say túy lúy, mà “Em" là đôi cánh thiên thần bay trong bầu trời thơ trong trẻo vô biên của anh. 

     Còn Tình Yêu trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ là thứ tình yêu cao thương, vị tha. Chắc hẳn nhà thơ cũng “Yêu là chết trong lòng một ít”, “Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu”, giống như thơ Xuân Diệu. Thế nhưng, Tần Hoài Dạ Vũ không một lời trách móc người yêu “Em đài các, lòng cũng thoa son phấn/ Đôi bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ” như Đinh Hùng, hay như bao nhiêu nhà thơ khác đã bi lụy, hư cấu nỗi sầu làm cho trời đât ngã nghiêng, mà Tần Hoài Dạ Vũ luôn: 

Anh yêu em trăng đợi phía chân trời 
Và đêm lạnh rất dài trong nỗi nhơ 
Môi hôn cũ còn lửa nồng trong gió 
Yêu một ngày mà nhớ ở muôn nơi 
                        (Lặng Lẽ Đời Chia) 

Anh viết cho em câu thơ dài bối rối 
Chuyến xe đi chiều nắng lạnh trong lòng 
Vẫn yêu người chuông đổ phía chờ mong 
Câu son sắt chưa một ngày quên lãng. 
                     (Chưa Một Ngày Quên Lãng) 

     Trong tập thơ, Tần Hoài Dạ Vũ viết nhiều đề tài. Nếu phải nhận định hết và đủ ý những đề tài ấy, có lẽ phải viết 100 trang chưa đủ. Vậy nên, cuối cùng tôi xin trình bày cảm nhận khái quát cúa tôi về tập thơ nầy: 

     5. Thơ Tần Hoài Dạ Vũ, bài thơ vui tặng đời: 

     Nhan đề của tập thơ, như tôi cảm nhận, là “Bài Thơ Vui Tặng Đời”. Tôi nghĩ toàn bộ sự nghiệp văn chương của Tần Hoài Dạ Vũ cũng gói gọn trong cụm từ nầy. Vì tâm huyết đó mà Tần Hoài Dạ Vũ đã lặn lội 30 năm nơi đèo heo hút gió, nơi thâm sơn cùng cốc để sưu tầm, biên soạn lại vốn văn học dân gian xứ Quảng và sáng tác những vần thơ trữ tình tặng đời, như những vần thơ hay sau đây: 

Em là hoa hay là hương của đất 
Hương của đời và hương của trời thơ 
Đêm sẽ tan ngày mở của đợi chờ 
Bàn tay lạnh trong tay đời nồng ấm 

Ngày em tới trời xuân mây xuống chậm 
Áo không bay hồn phất phới bay về 
Em mở lòng hoa cỏ mở sơn khê 
Và anh mở cơn mơ vào nhan sắc 
          (Bài Thơ Vui Tặng Cuộc Đời tôi) 

     Thế đó, em của Tàn Hoài Dạ Vũ không chỉ là một mỹ nhân, một đóa hoa hay một vầng trăng. Em của nhà thơ này là hương nồng của đất, hương sắc của đời và của hoa cỏ sơn khê; nghĩa là, em mang linh hồn của thơ, hay đúng ra, em của tác giả chính là linh hồn của tác giả, của con người yêu thiên nhiên, yêu đời và yêu những cơn mơ nhan sắc. 

Hãy tiếp tục đọc bài thơ: 

Trời buổi ấy như mắt người khuê các 
Như hướng dương không cần thấy mặt trời 
Như thuyền yêu đậu lại bến tình tôi 
Và sóng gió đêm dịu dàng trăng mật 

Em say rồi lệ ngời nơi cuối mắt 
Và mùa xuân nép bên ngực ân tình 
Anh bồi hồi lòng mới chạm bình minh 
Đời mới chạm ánh sáng ngày ân sủng 
      (Bài Thơ Vui Tặng Cuộc Đời Tôi) 

     Em của Tần Hoài Dạ Vũ không như Thúy Vân “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”, cũng không như Thúy Kiều “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, mà em của Tần Hoài Dạ Vũ chính là mây, là tuyết, là hoa, là liễu, là một bài thơ chất chứa vẻ đẹp của thiên nhiên và của cả con người. Em của nhà thơ là sự hài hòa êm đềm, vô vi trong ân sủng của Con Tạo mà nhà thơ hằng nhận lãnh. 

    Rồi cuối cùng, Em của Tần Hoài Dạ Vũ là con thuyền đưa nhà thơ vào sâu trong dòng chảy của thạch động, đậu vào bến an lành, để nhà thơ thực chứng, chiêm ngưỡng và chiêm nghiệm sự lung linh huyền diệu của hạnh phúc ngày xanh, trong cơn mưa ân sủng của đời: 

Em là mộng mở cửa đời thực chứng 
Gọi hồn anh về bên bến an lành 
Hương của đời hay hạnh phúc ngày xanh 
Mở hết dạ đón cơn mưa trần thế! 
           (Bài Thơ Vui Tặng Cuộc Đời Tôi) 

     Tần Hoài Dạ Vũ sáng tác bài thơ nầy thật tuyệt vời. Bài thơ không chỉ để tặng em mà còn làm “Bài Thơ Vui Tặng Cuộc Đời”. Qua em, nhà thơ cảm tạ ân sủng của cuộc đời đã ban cho mình. Lầy nhan đề bài thơ làm tựa đề cho cả tập thơ của mình, tôi nghĩ Tần Hoài Dạ Vũ muốn bày tỏ tấm lòng mình với đời: chan chứa yêu thương, mở rộng vòng tay đón những cơn mưa trần thế và mơ ước sự nghiệp của mình, tuy nhỏ nhoi, nhưng cũng làm được như một “Bài Thơ Vui Tặng Đời” vậy. 

    Hãy bước vào vườn thơ của Tần Hoài Dạ Vũ, để thấy đời đẹp như vạn luống hoa, để thấy niềm đau cũng có nhan sắc của Cái Đẹp, của hương vị thanh bình, của ước mơ hướng thượng, và để tâm hồn ta mở rộng như tấm lòng ta, cánh tay ta âu yếm nhận và trao, trao và nhận muôn vàn tinh túy ẩn, hiện trong thơ giữa cuộc đời nầy! 

                                                                     Châu Thạch 

READ MORE - ĐỌC TẬP THƠ “BÀI THƠ VUI TẶNG CUỘC ĐỜI TÔI” CỦA TẦN HOÀI DẠ VŨ - Châu Thạch

TRẦM LUÂN - Thơ Lê Phước Sinh





TRẦM LUÂN

bong bóng nổi
sau cơn mưa
lang thang

chùm ý tưởng băng rả
nghiệm suy
vô vọng

mồng một tháng bảy âm lịch
sụt sùi

trời cúi xuống nhìn đất
hỏi
về đâu?

Lê Phước Sinh

READ MORE - TRẦM LUÂN - Thơ Lê Phước Sinh