Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, October 2, 2017

HẸN EM VỀ XỨ LỆ - Thơ Nguyễn Đại Duẩn


Sông Kiến Giang, thị trấn Lệ Thủy.


HẸN EM VỀ XỨ LỆ
                                              
Anh sẽ lại về xứ Lệ quê em
Bên dòng Kiến Giang trong xanh nước biếc
Có những con người đáng yêu da diết 
Mới gặp một lần đã thấy thân quen
                                              
Dòng Kiến Giang vang vọng đêm đêm  
Tiếng ai hò khoan ngân dài sóng biếc 
Đã in dấu cái tình tha thiết 
Bóng đa cho mình xích lại gần nhau 
                                              
Anh vụng về trao lời nói yêu đầu
Đôi chim giật mình, lá cây xao động
Con dã tràng gương mắt tròn lóng ngóng
Bóng trăng dập dềnh con nước triều lên

Rồi hai đứa xa nhau hai đứa li hương…
Anh vào miền Tây em lên xe hoa dạo đó
Để bến sông xưa mãi còn bỏ ngỏ
Con cuốc vấn vương khản tiếng những đêm thâu

Bến đợi xưa giờ vươn cao nhịp cầu 
Như cần cẩu khổng lồ nối Xuân – Liên gần lại
Cho giọng hò ai trong đêm dài ngân mãi
Ngẩn ngơ bến cũ đợi chờ…!

Dòng Kiến Giang vẫn trôi lững lờ
Con gái Kiến Giang tóc vẫn xanh như dòng suối
Người Kiến Giang ủ ấp bao điều mong đợi
Nhịp sống hiền hòa bên dòng sông êm

Anh sẽ hẹn về xứ Lệ quê em…

Nguyễn Đại Duẫn
Tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

nguyenduanqh@gmail.com
READ MORE - HẸN EM VỀ XỨ LỆ - Thơ Nguyễn Đại Duẩn

CÁM ƠN... - thơ Trúc Thanh Tâm


  
 
CÁM ƠN..

- Tặng tất cả bạn bè của tôi

 Cám ơn hạnh phúc một ngày
 Với ta cũng đủ đời nầy nợ em.


 Cám ơn dù chỉ người dưng
 Cám ơn ngọn gió làm giông bão đời
 Cám ơn em tặng nụ cười
 Cám ơn trái đất có thời chứa ta

 Cám ơn quê mẹ hiền hòa
 Cám ơn dân tộc màu da vàng nầy
 Cám ơn rừng núi luống cày
 Cám ơn đất nước trên đài vinh quang 

 Cám ơn địa ngục thiên đàng
 Cám ơn cha mẹ cưu mang một đời
 Cám ơn sống chết kiếp người
 Cám ơn dâu bể đến hồi cáo chung 

 Cám ơn nỗi khổ tận cùng
 Cám ơn lệ mẹ chín dòng sông đau
 Cám ơn mưa nắng mai sau
 Cám ơn đời biết tặng nhau hoa hồng!

 TRÚC THANH TÂM
 (Châu Đốc)
READ MORE - CÁM ƠN... - thơ Trúc Thanh Tâm

HAI BÀI THƠ VỀ HUẾ - Huy Uyên

Ảnh của Che Trung Hieu


Gởi người con gái Vĩ-Dạ

Mưa chiều ngang thôn Vĩ-Dạ
Tình có theo em về kịp Ngọc-Anh
Đã xa rồi tháng ngày thương nhớ
Dấu kín vào tim lặng lẻ mối tình.

Đứng lại bên đường phiên chợ Mai
Bà con nghèo trơ vơ lều chỏng
Thương quê mưa giọt ngắn giọt dài
Buổi đi xa không người đưa tiễn.

Vườn nhà em trái hoa mật ngọt
Bên giếng ngày nào tôi cùng em
Gởi tình theo đám mây trời
chiều đi không hết
Đành đoạn xa em hai mắt nhung đen.

Xa quê,em,những buổi quân-hành
Bao nhiêu năm chưa hề quay lại
Khế trong vườn cây trái còn xanh
Mộng đầu chắc có người đã hái.

Hôm qua ngày tôi quay lại
Hết rồi hình bóng xa xưa
Chiều Ngọc-Anh đốt sầu tê tái
Nhớ em nói mấy cho vừa.

Ngoài kia em,nắng ngập con đường
Tim treo lên đoạn sầu phiêu-hốt
Tình một thời tôi gởi cho em
Người ở lại tháng năm 
làm sao quên được.

Huy Uyên


      Còn lại em và Huế

Em cúi xuống cầm tù dĩ-vảng
Để Huế một mình ấm lạnh khói sương
Sáng chiều Huế đi về chiếc bóng
Để cho ai gởi lạnh vào hồn.

Tôi vội về băng bó vết thương
Bao năm qua mù lào cùng Huế
Ngã ba sông Đông-Ba, Bến Ngự
Gởi nhớ cho ai xa xót trăm miền.

Con đường dài Huế đau một đời
Những cột đèn đêm về đứng khóc
Mưa vội vàng rớt Hoàng-thành chơi vơi
Sót lại ngã ba Tuần ly thuốc độc.

Chiều ngỡ ngàng trong tôi với Huế
Ở lại cùng em trú-ngụ sau cùng
Ở lại núi và trời đầy nhớ
Ngọn cỏ tím màu dầu dải sông Hương .

Vắng rồi người yêu và nụ cười
Vĩnh-biệt môi hôn nồng cháy
Trong vườn hoa sứ và tiếng thở dài
Đọng lại bên thành xưa lời ru của quỷ.

Còn áo tím bên đường thời con gái
Nghiêng nắng về che nón bài thơ
Tóc mây đen bờ vai em thả
Để hồn tôi chết tận bây giờ.

Đêm ai soi nhịp bóng Tràng Tiền
Thả xuống đó trái tim dịu cháy
Đò của người chèo nhịp trôi nghiêng
Dấu dùm tôi muôn ngàn thương nhớ.

Thắp trên môi em ngọn lửa
Ngỡ trong chiều Đại-Nội hoang trôi
Các em lung linh trọn đời thiếu-nử
Xếp tàn y xếp vội nụ cười.

Em để lại trong tôi dấu tích mũi tên
Bắn vào tim một thời máu chảy
(Maria ớn lạnh linh-hồn)
Khúc tình xưa chôn theo về biển cả.

Em đứng bên sông tiếc thời con gái
Mắt chong sâu cuối bến đợi đò
Ngày tiễn đưa nhau một lần xa mãi
Để Huế dài sầu mãi khúc tương-tư.

Huy Uyên
READ MORE - HAI BÀI THƠ VỀ HUẾ - Huy Uyên

Thơ đồng hương Quảng Trị: QUÊ TÔI LÀNG GIÁO LIÊM – Trương Đình Bảng


Ảnh của Đinh Thanh Hải


Làng Giáo Liêm quê tôi

Quê tôi làng Giáo Liêm
Đi xa lắm nỗi niềm
Đầu làng ngôi chùa cổ
Hai xóm sống bình yên

Mỗi sáng mặt trời lên
Người ra đồng cày cấy
Kẻ xuống chợ bán mua
Gà xôn xao tiếng gáy

Những lúc hoàng hôn xuống
Nhà nhà khói chiều buông
Đàn gà quay lại ổ
Lối cũ trâu về chuồng

Quê tôi hai cuộc chiến
Bom đạn trút đau thương
Bao người con ngả xuống
Tôi thành kẻ tha phương

Tháng năm xa quê cũ
Giờ trở lại xóm làng
Tiếng reo cười rộn rã
Báo đông tàn xuân sang.

Trương Đình Bảng
READ MORE - Thơ đồng hương Quảng Trị: QUÊ TÔI LÀNG GIÁO LIÊM – Trương Đình Bảng

ĐỌC TẬP THƠ "GIẤC THỤY DU" CỦA TRẦN MAI NGÂN - Châu Thạch





ĐỌC TẬP THƠ "GIẤC THỤY DU" CỦA TRẦN MAI NGÂN
                                                  Châu Thạch

Trông chờ vừa nóng ruột thì quà đến: Tập thơ “Giấc Thụy Du” của Trần Mai Ngân. Phải nói đây là món quà tôi mong đợi vì không dấu diếm gì khi nói, tôi là người mến mộ thơ Trần Mai Ngân. Tác giả cũng là người bạn thơ mà tôi có dịp gặp được một lần tại Vĩnh Long, để lại cho tôi và các bạn tôi có nhiều dấu ấn thân thương của một cô em gái tuyệt vời. Săm se tập thơ trên tay, nửa muốn đọc hết một lần, nửa muốn ngâm lại để đọc từ từ. Lý do vì hình thức tập thơ quá đẹp, còn nội dung thì biết chắc là hay vì Trần Mai Ngân, một nhà thơ mà tôi và hầu hết các bạn thơ của tôi đều từng khen ngợi.
Tôi nhớ có ai đó nói tập thơ nầy là thi ảnh. Quả đúng vậy. Tập thơ cầm vừa tay với 54 bài thơ in trên giấy tốt, chữ đẹp. Đặc biệt kèm theo mỗi bài thơ là hình ảnh của tác giả. Tác giả đã là một người đẹp, ảnh chụp lại nghệ thuật, từ đó cái đẹp của thơ và đẹp của người hòa quyện với nhau thật thú vị.
Chỉ cần mở trang đầu tiên của sách, ta gặp ngay lời đề bạt, thì ta có cảm tưởng mình bước vào trong giấc thụy du rồi. Người viết xin trích lượt một vài câu thôi:
“Trong đêm tỉnh mịch, trong đêm u hoài tôi luôn thầm gọi yêu dấu” “Trong đêm như thế tôi làm thơ” “Mai nầy một sớm Thu hay Đông tôi sẽ thành tro bụi” “hãy nhớ đến cuộc tình của tôi nó là GIẤC THỤY DU có thật”.
Mở tiếp trang thứ hai, ta đọc ngay một bài thơ hay “Có những điều đốt mãi chẳng thành tro…” kèm theo hai tấm ảnh tác giả mặc váy đen hoa, quàng khăn đỏ vừa đoan trang lại vừa quý phái. Bài thơ có 12 câu, vui lòng cho tôi cắt bớt còn lại 6 câu, 6 câu nầy nói lên cái ý chính của thơ:

“Có những điều đốt mãi chẳng thành tro
Như vậy đó – bởi tình em bất tử”
“Một đóm lửa trên môi dù rạng ngời
Làm ấm áp và soi vào Đông tối”
“Vắn hay dài – Hoang vu hay đông đảo
…Có những điều đốt mãi chẳng thành tro!”

Chỉ cần đọc hai trang đầu ta có thể khái niệm hồn thơ trong “Giấc Thụy Du”, một hồn thơ chất chứa nhiều suy nghiệm với những băn khoăn của một giấc mơ dài trong cuộc đời hiện thực. Có người nói rằng chưa bình thơ mà khen là đi trước bạn đọc, áp đặt sự suy luận của bạn đọc. Nói như thế không đúng chút nào, vì người bình thơ cũng là bạn đọc, được quyền trằm trồ, khen ngợi, hoan hô trước khi kêu gọi mọi người đến xem cái đẹp với mình. Bởi thế, người viết không ngại chút nào khi nói “Giấc Thụy Du” có 54 bài thơ thật hoàn hảo.
Trần Mai Ngân viết về tình yêu, thì tình yêu như cơn mơ nhưng không huyễn hoặc, thắm thiết trong từng sát na và đẹp như trăng huyền ảo.
Bài thơ có 19 câu, người viết xin rút ngắn lại:

“Em biết
Trăng thu huyền ảo lắm”
“Em biết
Trong khúc quanh đồng vọng
Dư âm của dấu yêu”
“Em biết và em sống
Trong từng sát na yêu
Nghe hương đời tan biến
Rót trong nhau đủ điều!
Em biết và em sống! Em biết và em sống!”
                                     (Khúc Thụy Du)

Đọc bài thơ nầy tôi gần như bật lên tiếng khóc khi nhớ lại “những khúc quanh” của đời tôi “đồng vọng” tiếng yêu. Chỉ một tứ thơ trên cũng đủ làm cho bài thơ bay lên trời cao, huống chi còn “trong từng sát na yêu/ Nghe hương tan biến/ rót trong nhau đủ điều” và nhiều tứ thơ không thể nói hết trong bài bình thơ ngắn gọn nầy.
Trần Mai Ngân tương tư ư? Nỗi niềm chỉ bằng “hạt bụi” mà làm vàng cả thế gian: (Bài thơ cũng được cắt gọn)

“Tương tư em hạt bụi
Tàn phai đóa hoa môi”
“Vàng cả thu không ngủ
Ngoài phố xe chạy vòng
Đường nhuộm vàng thinh không!”
        (Tương Tư Đêm Mầu Vàng)

Với tôi cái tứ thơ “ngoài phố xe chạy vòng” đã lột tả hết tâm trạng của người tương tư. Những hình ảnh khác còn lại trong thơ chỉ là gam màu để hình ảnh chính nổi lên trong bức tranh màu vàng tuyệt  vời
Trần Mai Ngân uống rượu ư? Tôi nhớ mình đọc thơ uống rượu đã nhiều, thơ hay thì có nhưng làm cho tôi xúc động thì không. Một lần nhờ đọc bài thơ uống rượu của Trần Mai Ngân, tôi xúc động và cảm tác được một bài uống rượu, nhận được nhiều lời khen nức nở. Hãy nghe cái say của Trần Mai Ngân trong chiều ba mươi tết. Bài thơ tuy dài cũng được cắt gọn lại còn mấy câu nhưng nỗi niềm của thơ chắc chắn kéo dài trong lòng ta khó mà quên được:

“Tiễn năm cũ
 Tớ một ly, cậu một ly”
“Tà huy trên tóc cậu
Vàng cả lòng, Tớ nao nao”
“Tiễn năm cũ
Tớ, cậu không ai bịn rịn
Tớ một ly, Cậu một ly
Không nói nhau câu phân kỳ”
“Sao cậu lại lệ tràn mi
Nào
Tớ một ly, Cậu một ly!”

Chỉ mấy ý thơ thôi nhưng làm ta cảm thấy ly rượu tràn tình bạn thắm thiết, tràn nỗi buồn diệu vợi của thời gian trên mái tóc, tràn màu sắc của buổi chiều ba mươi tết trong tâm trạng của hai người và của cả trong ta một chiều ba mươi nào đó trong đời.
Trần Mai Ngân nói về mẹ ư? Tôi đọc xong bài thơ “Nói Với Mẹ- Mùa Xuân” liền đến đứng trước di ảnh mẹ tôi  rất lâu vì cảm nhận được đôi mắt Trần Mai Ngân trong đôi mắt mẹ cô đã tỏa đầy hương trong thơ, nhờ đó tôi cũng thấy đôi mắt tôi trong đôi mắt mẹ tôi trên di ảnh đang thờ. Bài thơ cũng xin cắt bớt mổ số câu:

“Chiều nay về con cùng ngồi với Mẹ
Con nói nhiều và Mẹ chỉ lặng im”
“Chiều nắng tắt chẳng muốn rời xa mẹ
Đôi mắt con, đôi mắt mẹ vẫn nhìn”
“Năm sắp hết nhà mình sẽ đón Tết
Hoa đầy nhà hương tỏa mãi ngày xưa...”

Cái hay của bài thơ ở đâu? Ở chỗ mắt Trần Mai Ngân và mắt mẹ trong nhau, ở chỗ hoa ngày tết vẫn còn tỏa mãi hương ngày xưa dẫu rằng không còn mẹ nữa. Hai tứ thơ khác với mọi tứ thơ thường tình đã làm cho mắt kia âu yếm, mùi kia nồng nàn của Mẹ còn quyện mãi bên ta.
Trần Mai Ngân viết về đời ư? Có nhiều! Người viết không thể đem hết vào đây những bài thơ hay câu thơ mình tâm đắc. Chỉ nói rằng trong “Giấc Thụy Du” những bài thơ viết về đời không đem cái suy tư do học, do đọc mà có. Đó là những suy tư bởi một tâm hồn thơ trải nghiệm trong đời sống của chính mình, nhờ đó ta đọc thơ như thấy những bức tranh “treo lên” đẹp và lạ trước mắt ta:

Treo trái tim với vạn lần thành ý
Cứ đong đưa một cõi đi về
Cơn mai dài ngộp thở bến mê
Và tỉnh giấc…Tôi ơi! độ lượng!
                                   (Treo…)

Ta như hoa – mai rồi cũng xa
Người như sương – mai rồi cũng tan
VẾT DẤU CŨ IN TRONG NẮNG MỚI
VƯƠNG ĐỌNG DƯ HƯƠNG VẪN NGỠ NGÀNG!
                                                     (Sương Và Hoa)

“Tôi khắc bức Phù Điêu
Lên Tâm tường vách em”
“Ai đọa đày bổn tôi
Tấm tường vách bạc tôi
Yết Đế ! Yết Đê!...Tôi
Ba La Tăng Yết Đê!!!

Bài thơ “Yết Đế! Yết Đế! Yết Đế!” có 20 câu, người viết xin cắt gọn lại còn sáu câu để chấm dứt phần trưng dẫn thơ trong “Giấc Thụy Du”. Đọc bài thơ ta thấy cái triết lý “qua bờ bên kia cùng reo vui” của Phật giáo khao khát biết bao trong lòng tác giả khi cuộc đời đã khắc bức phù điều đọa đày lên tâm hồn tác giả như “tấm tường vách bạc”. Đọc bài thơ ta cũng thấy Trần Mai Ngân viết về đời trong sự suy nghiệm bởi chính mình, mượn triết lý sống của đời làm bối cảnh để gởi cái ý tứ của mình vào đó, không nói lại cái của người.
Có người cho rằng bình thơ là thầy thơ, dạy cho người viết, dạy cho người đọc. Tôi không nghĩ thế, tôi nghĩ rằng bình thơ là ăn theo thơ, là đầy tớ thân tín của thơ, là người công kênh thơ lên để thiên hạ thấy và chiêm ngưỡng dung nhan của thơ. Vậy nên tôi bình thơ thì tôi là nô lệ của những nàng Ly Tao. Đừng bắt tôi chê, vì tôi không thể chê những nàng Ly Tao tôi yêu quý, tôi tôn sùng và tôi thấy cái đẹp trong cả  cái mà người đời cho là khiếm khuyết. Tất nhiên, khi tôi công kênh thơ lên, thì thơ ấy phải là nàng Ly Tao tuyệt sắc trong mắt tôi, và khi tôi chịu đặt nàng trên vai tức là tôi tự nguyện làm một giám khảo trung thực để chấm điểm nàng rồi.  
Với thơ Trần Mai Ngân trong “Giấc Thụy Du” tôi tiếc rằng không thể nói nhiều, nói nữa, nói cho hết cái mà tôi yêu mến trong thơ. Bài nầy tôi viết mau như bốc nóng mà ăn, để thổ lộ cái háo hức của mình nên tất nhiên nó chỉ là những gì chỉ mới lướt qua trong mắt.
Ước mong còn nhiều cây viết kỳ cựu, tài hoa và bạn đọc thẩm mỹ yêu mến “Giấc Thụy Du” đi sâu vào bình luận thêm để cái hay được trưng bày, niềm vui thanh tao dạo chơi trong miền “trong trẻo vô biên”  được tăng lên. Cảm ơn ./.
                                                       
                                                             Châu Thạch    

READ MORE - ĐỌC TẬP THƠ "GIẤC THỤY DU" CỦA TRẦN MAI NGÂN - Châu Thạch

NƠI CUỐI CÙNG BA TÔI ĐẾN - Hồi ký của Lâm Bích Thủy


    

NƠI CUỐI CÙNG BA TÔI ĐẾN 

Sáng nay, ngày 2/10.2017;  trời mưa rả rích; chung cư cao tầng lại có một đám ma không kèn trống, buồn lại càng buồn. Mở di động, trên FB có bài của anh - nhà văn Mang Viên Long viết về cha mình. Tôi cảm động lắm. Bao giờ cũng vậy, anh là người sống trọn tình, trọng nghĩa với ba tôi; tôi rất cảm ơn anh về bài viết.
  Cách đây 19 năm (15/8 âm lịch nhằm ngày 5/10/1998 dương lịch), ba tôi-nhà thơ Yến Lan đã  vào cõi vĩnh hằng. Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ông là linh lân trong tứ linh thuộc miền “đất võ trời văn) của Bình Định; lại ra đi đúng vào rằm trung thu. Khi còn sống, cứ mỗi độ rằm trung thu sắp đến thì mẹ tôi chộn rộn, luôn nhắc nhỡ các con ở xa về làm giỗ cho cha. Ngày giỗ năm nay mẹ tôi không còn để nhắc nhỡ, chúng tôi lại ở hai đầu đất nước, tuổi cũng đã cao, sức khỏe lại có vấn đề nên chị em tôi chủ trương ai ở đâu giỗ đấy. Chắc giỗ ở quê năm nay buồn lắm!

                  

 Cứ mỗi lần nhớ lại ngày đi xa của cha, lòng tôi lại thấy cảm thương. Chết rồi thì nằm đâu chẳng được, miễn quê hương nhã ý cho nơi để đến. Nơi cuối cùng ba tôi đến là nghĩa trang ở Huyện, nay lên thị xã rồi. Xét ra quê hương cũng có đôi chút ưu ái cho nhà thơ rồi đấy chứ! Còn nếu đem so sánh với cụ Phan Khôi thì ba tôi có lẽ còn may mắn hơn nhiều, vì bây giờ gia đình ông cũng chưa tìm được mộ phần của ông. Năm ông mất; do có trận cuồng phong của cái gọi là NVGP đã không cho ông một chỗ nằm tử tế! Ông là chí sĩ yêu nước, đa tài nhưng do không gặp thời!!!
    Nhưng giá như bức điện này đến sớm hơn thì có lẽ số phận ba tôi có thể khác đi:
“Chúng tôi được biết, trước khi mất, nhà thơ Yến Lan có để lại một di chúc và tỏ ý mong muốn về nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng tôi kính mong các đồng chí giúp đỡ để ý muốn cuối cùng của nhà thơ xuất sắc của chúng ta được toại nguyện.   (Nguyễn Hữu Thỉnh)”           
Nội dung bức điện khiến tôi tiếc từ bấy đến giờ! Song le, chắc gì điện của ông Nguyễn Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn VN đến sớm hơn thì liệu có tác động gì đến các nhà lãnh đạo trẻ của quê Bình Định, vì “Vua cũng phải thua lệ làng” mà!!!
    Nhà thơ Chế Lan Viên từng tâm tình với bạn văn:
 “Chính Yến Lan đã dẫn dắt tôi vào làng thơ” điều đó càng chứng tỏ suy nghĩ của tôi: “Ba tôi - là nhà thơ luôn là người luôn đi trước nhưng mãi vẫn về sau”.

Nhớ lại, mấy tháng trước khi ba tôi còn tại thế, cả ông và tôi có nghe mọi người bàn tán về nơi dành cho nhà thơ cuối cùng của Tứ Hữu Bàn Thành. Người này bảo « Họ sẽ đưa ông vào nghĩa trang tỉnh ở Qui Nhơn, người kia nói “Họ sẽ đặt ông cạnh Hàn Mặc Tử, để sau này nếu thuận lợi sẽ qui tụ toàn bộ “Tứ Linh” về nơi này, lập nên “Đồi thi nhân” trong quần thể du lịch Thành phố biển”.
Những gì nghe được tôi đều khấp khởi mừng thầm cho hậu vận của ba tôi. Nếu được nằm ở nghĩa trang tỉnh thì ông đỡ quạnh hiu, hoặc giả sử được nằm cạnh ông Hàn, ít ra ở đấy, hàng ngày khách du lịch viếng thăm khi thắp cho Hàn Mặc Tử (gốc người Đồng Hới, Quảng Bình) nén tâm hương, tiện thể cũng không nỡ quên thắp cho Yến Lan (sinh tại thị trấn An Nhơn Bình Định) nén hương ấm áp tình nhân văn! Nhưng, thực tế không diển ra như vậy ?!  Sự lạnh lùng này, âm thầm gặm nhấm lòng con cháu ông đến tận giờ. Có lẽ Trời muốn ông phải là người đi trước nhưng không có ngày về !…”

Ngày ba tôi mất, chúng tôi ở xa, chỉ nhờ con, cháu cô họ bên cạnh giúp hết mọi việc. Tôi về tới nhà thì mọi việc đâu vào đó: Quan tài ba đặt ở giữa phòng khách, nhà của em trai trưởng gia đình. Trên quan tài, ba cây nến to, đặt ở đầu, giữa và cuối, đang leo lét cháy! Thời gian trôi qua khá lâu, ngoài con, cháu mà chẳng thấy người của chính quyền huyện nào đến chia buồn cả! Quang cảnh lễ tang thật buồn! Nỗi đau trong lòng tôi tràn ra khóe mắt!

 Ba đi xa thật rồi! lặng lẽ và cô liêu như cái “Bến My Lăng” mà trong thơ ông dự báo; Đó là trong đêm vắng, trên bến sông, chỉ mình chàng kỵ mã trơ trọi đứng gọi đò, gọi mãi vậy thôi!…
 Tôi bùi ngùi so sánh lễ tang cha mẹ của các bạn tôi ở thành phố; hết đoàn ra lại đoàn vào. Còn ba tôi, dù sao ông cũng là nhà thơ lớn, là người đã bằng văn chương của mình làm rạng danh cho quê hương xứ sở Bình Định với bốn bài thơ có tên là Bình Định 1935, 1945, 1947 - 1975, Hơn nữa ông cũng được mệnh danh là danh nhân của đất võ Bình Định, mà tang lễ lặng lẽ, ảm đạm, hẩm hiu đến là vậy !!!???

Rất lâu sau đó, lèo tèo học sinh, hàng xóm đến thắp cho ông nén nhang! Bỗng một người đàn ông trẻ, khuôn mặt sáng sủa, tôi đoán là nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha? vì tôi chưa có dịp gặp anh lần nào, chỉ dựa vào bài viết của anh sau đó. Anh đã chạm vào nỗi đau trong tôi.
  Cảnh tượng tang lễ của một danh nhân Bình Định, khiến anh bất bình hỏi: 
- “Người nhà của nhà thơ đâu?”. Thằng em trưởng nam của tôi đứng cạnh anh trả lời: dạ, tôi đây”, vậy là anh thốt lên với nó  
- “Trời ơi! sao lại thế này! Ban tang lễ đâu? Lãnh đạo huyện, tỉnh đâu? sao gia đình không yêu cầu lãnh đạo làm gì cho nhà thơ? Phải làm cái gì đi chứ, sao để nhà thơ thế này? Không được rồi, không được rồi! Ai lại thế này kia chứ!!!
  Thằng em trưởng nam của tôi, nó không giảo hoạt như anh nhà báo. Nghe anh giục, nó ừ ừ, hử hử, ngơ ngác như người ở hành tinh khác tới trái đất lần đầu!
Tôi cũng không hiểu vì sao mà như vậy! Buồn lắm! Tình trạng như vậy kéo dài hơn ngày rưỡi. Khi chỉ còn mấy tiếng nữa, gia đình phải thực hiện nội qui của huyện:
  “Không để người quá cố trong nhà quá 24h”. Tối qua, lãnh đạo huyện cũng vội cử người đến dặn gia đình: Không được rải vàng, tiền âm phủ khi qua quốc lộ làm mất vệ sinh đường phố, làm ô nhiễm môi trường v.v...! Gia đình tôi chấp hành triệt để mọi thứ huyện đề ra.

Mãi đến hơn 8 giờ ngày 7/10/1998 gia đình được lệnh “khiêng nhà thơ ra đặt tại Nhà Văn Hóa huyện” gọi là để tổ chức cho xứng tầm với một nhà thơ tiền chiến! Lệnh này tôi thấy sờ sợ vì thi hài cụ đã đặt ở gia đình gần hai ngày giờ lại nhất lên để ra đặt ở Nhà văn hóa huyện, như vậy động quan làm hai lần; không biết có ảnh hưởng gì đến tương lai con cháu? Mà để di chuyển thi hài ba tôi, gia đình phải thuê bốn người gánh quan tài như khiêng hàng hóa, trông rất thê thảm mà gia đình chúng tôi cũng phải nghe.

 Đến 9 giờ Ban tang lễ mới bắt đầu làm việc. Lúc đó mới có điện, hoa của bè bạn, đồng nghiệp và người hâm mộ từ các nơi gửi tới chia buồn cùng gia quyến. Đặt biệt CTy Animex – cơ quan của vợ chồng tôi, từng giờ đã fax tất cả các mẫu báo viết về sự ra đi của nhà thơ Yến Lan…
Hơn 60 bức điện chia buồn, bức điện của nhà thơ Nguyễn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn viết :

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
       Độc lập-Tự do – Hạnh phúc
           Hội Nhà Văn Việt Nam
        
Hà Nội, ngày 6 tháng 10 năm 1998
Kính gửi:
    -Tỉnh Ủy tỉnh Bình Định
    - Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định
    - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định
      Các đồng chí kính mến!
Hội Nhà văn Việt Nam vô cùng xúc động khi đột ngột nhận được tin cụ Yến Lan, nhà thơ xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, người con thân yêu của Bình Định đã tạ thế
   Nhà thơ Yến Lan (lức Lâm Thanh Lang) sinh ra trên đất Bình Định 82 năm trước, trong một gia đình nghèo khó và sớm có lòng yêu nước, yêu quê hương. Trước cách mạng, Yến Lan đã tích cực hoạt động yêu nước trong nhà trường, viết kịch diễn cải lương, lập quỹ cứu tế xã hội. Yến Lan tham gia cách mạng tháng tám, cướp chính quyền ở huyện An Nhơn và là Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện An Nhơn ngay từ tháng 9 năm 1945. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp Yến Lan đã lần lượt tham gia nhiều công tác kháng chiến: Trưởng ban tuyên truyền khu vực Bình Định: Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Văn Nghệ Liên Khu Năm kiêm chấp hành Phân hội Văn Nghệ Bình Định
 Tập kết ra Bắc 1955 ông tiếp tục có nhiều đóng góp cho Hội Nhà văn, cho Nhà xuất bản Văn học, trong công tác biên tập cũng như đào tạo các tài năng trẻ.
  Trong sáng tác, gần 60 năm liên tục ông đã cống hiến nhiều chuyện ngắn, kịch thơ, ca kịch trường ca và thơ, ở thể loại nào cũng có thành tựu.
  Chính vì vậy, cùng với Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tế Hanh và nhiều nhà thơ cùng thế hệ Yến Lan đã có nhiều đóng góp lớn cho văn học và để trở thành bậc thầy mẫu mực cho nhiều thế hệ các nhà văn noi theo.
  Chúng ta cùng chia sẻ nỗi buồn đau và tổn thất to lớn. Tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức long trọng lễ tưởng niệm nhà thơ Yến Lan.
  Tham gia lễ tang tại Bình Định, chúng tôi trân trọng cử nhà thơ Giang Nam, nguyên Ủy viên Đảng Đoàn, Ủy viên Ban thư ký Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt Hội Nhà văn tham gia Ban Tổ chức
   Chúng tôi được biết, trước khi mất, nhà thơ Yến Lan có để lại một di chúc và tỏ ý mong muốn về nơi an nghỉ cuối cùng.
  Chúng tôi kính mong các đồng chí giúp đỡ để ý muốn cuối cùng của nhà thơ xuất sắc của chúng ta được toại nguyện.

                                       TM HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
                                 PHỔ TÔNG THƯ KÝ THƯỜNG TRỰC
                                                  Nhà thơ Hữu Thỉnh

   Trong hơn 60 năm làm thi sĩ, cùng thời với Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… nếu xét về công và tâm huyết thì ba tôi không thua kém ai về tri thức, về tài năng đối với nền Văn học  nước nhà. Song khi xét về quyền lợi, ngay cả ở chính nơi ông được sinh ra và dâng hiến cũng không được như bạn cùng thời. Những gì mà ông để lại thực tế, ngoài đời ông được giới văn chương, người yêu thơ kính trọng và hâm mộ ông về đức, tài và tình người:
 “Về bài “Bến My Lăng” thì ai cũng kính phục tài của cố thi sĩ Yến Lan. Cái tài là làm cho phong cách nhà thơ trội vượt khác xa hẳn với những người đương thời. Nó đi vào lòng từ thuở sinh viên cho đến lúc già. Ấn tượng khó quên nhất là khí chất “ông lão say trăng” cho đến bây giờ và có lẽ còn lâu nữa vẫn không phai”.
                                                      Nguồn binhdinhquetoi


  Dấu chân ông đã in khắp các miền quê, mỗi nơi đến đều để lại cho nhà thơ bao kỷ niệm đẹp như lời ông tâm sự: “Tôi đến tôi yêu, tôi về tôi tiếc” Những năm cuối đời ông vẫn say mê sáng tác, thơ tứ tuyệt của ông trước sau ông vẫn là nhà thơ đôn hậu, luôn muốn dâng tặng nghệ thuật thơ cho đời. Những vần “thơ lưu” của ông là cuộc sống được chắt lọc qua tim, qua tâm hồn thi sĩ, là nghệ thuật điêu luyện về ngôn từ, hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu…là thế giới tình cảm bao la, là tiếng thơ của những cảm xúc chân thành”.                                                                                                     Thanh Hải:
Nhưng giờ đây thì sao: “Bây giờ ông đang nằm ở nghĩa trang huyện, hiu quạnh bên chân núi. Thỉnh thoảng tới ngày giỗ, tết chỉ có mấy người thân của ông tới đốt hương, nhổ cỏ. Bạn cùng thời ông, các thi sĩ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, vẫn ít nhiều có may mắn hơn ông. Người được xây đắp mộ phần, nhiều lần khang trang, người được dựng tượng, làm nhà lưu niệm, đặt tên đường phố. 
   Với bài viết này tôi không có ý so sánh văn tài hay chế độ đãi ngộ mà chỉ nêu chút chua xót hậu sinh, rằng, số phận của một thi sĩ có thể bi đát hay được tôn vinh lúc còn sồng nhưng giá tri thực của thi sĩ chắc chắn sẽ còn lại với muôn đời.
                                                                 (Lê Hoài Lương)
   
Điều tôi bắt gặp ở một số nhà thơ trong đó như Yến Lan là họ xa lạ với những ồn ào, những giải thưởng, những vinh danh rầm rộ của nhà cầm quyền hay các tổ chức nghề nghiệp, mà lẽ ra đúng đạo lý, họ phải được nghĩ tới trước tiên. Đúng ra, họ cũng là con người chứ không phải thánh nhân, ban đầu họ cũng có nghĩ, nhưng sự nhiêu khê của bao nhiêu thủ tục, cơ chế đã làm lòng tự trọng của họ bị tổn thương. Và cái họ hơn người là họ đều bình thản chấp nhận sự thiệt thòi không đáng có và họ rất e dè khi nhắc đến cái tôi của mình, cho đến lúc “Một mai ba tấc đất vùi- Trần gian gửi lại nụ cười cho hoa” như nhà thơ Quách Tấn từng tự trào. Hình như những nghệ sĩ thứ thiệt đều cùng một bản chất như vậy và nhờ đó, những hình tượng và tư tưởng nghệ thuật trong tác phẩm của họ thêm lý do để hồn hậu ngẩng đầu giữa trái tim tri kỷ của độc giả, khán thính giả đương thời và nhiều thế hệ.
 Họ có thể không nghĩ đến ân sủng cho bản thân họ, nhưng những người có trách nhiệm có những hình thức tôn vinh họ, mảnh đất này sẽ dày lên bao ân nghĩa và ghi những dấu ấn độc đáo với cả nước. Một người bạn tôi nói vui, An Nhơn từ huyện lên thị xã mừng thì là mừng, cũng đúng thôi, nhưng đừng quên trong lịch sử, mảnh đất này từng hai lần kinh đô và một lần tỉnh lỵ rồi. Mà tính chất của một kinh đô trong truyền thống, là hội tụ là kết tinh, chứ không hề đơn giản. 
                                                  Nguồn binhdinhquetoi

 Chính ba tôi cũng thấy mình bị thiệt thòi nhưng lòng ông vẫn đủ tự tin để chèo chống con thuyền gia đình đúng quỉ đạo; không vì thế mà lao tâm khổ tứ. Lúc ốm nặng, biết quỹ thời gian của mình không còn nhiều, ông gọi hai chị em gái tôi lại, tâm tình :
“Riêng hai con là phận gái ba mới nói điều này, ba nghèo không có gì để lại cho hai con, nhưng bù lại, suốt đời ba đã phấn đấu, đến giờ các con có quyền tự hào - mình là con của một người làm thơ biết tự trọng và khiêm tốn. Điều này còn quí hơn tiền bạc, nhà cửa đấy các con ạ”.   
             Thực ra, chúng tôi rất tự hào về người cha thi sĩ của mình, bởi vì, hai đức tính này nghe thì rất bình thường, nhưng đã mấy ai làm được, nhất là vào thời điểm mà chân giá trị đích thực của con người chưa được đặt đúng vị trí.

                                                                     Lâm Bích Thủy

READ MORE - NƠI CUỐI CÙNG BA TÔI ĐẾN - Hồi ký của Lâm Bích Thủy