|
Tác giả Lê Hứa Huyền Trân |
CHỈ CẦN TA CỐ GẮNG
Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân
Tôi trở lại trường cũ năm tôi
dành trọn vẹn thời cấp hai non trẻ sau ngót hơn hai chục năm xa xứ. Mọi thứ vẫn
như nằm yên bên dòng chảy thời gian, chỉ có dãy phòng học được tu sửa và nâng cấp,
vài khu được xây mới. Thầy cô, vẫn là những đấng sinh thành ở trường học, qua bấy
nhiêu năm vẫn còn ở lại, chỉ có điều tóc đã phủ sương. Nhiều giáo viên trẻ dần
thay thế nhưng nhiều giáo viên từ thời dạy tôi vẫn còn lác đác như chứng minh
mình vẫn còn sung sức lắm. Thế nhưng, người tôi muốn gặp nhất là Thầy thì đã
không còn ở đây nữa, sau khi tôi tốt nghiệp vài năm, vì sức khỏe yếu thầy cũng
về hưu.
Cầm trên tay địa chỉ được thầy cô
trong trường cho tôi phải mất rất lâu mới kiếm được nhà Thầy trong một căn hẻm
nhỏ. Mở cửa cho tôi vẫn là bóng hình quen thuộc ấy mà dẫu đã hơn hai mươi năm
trôi qua vẫn in đậm trong kí ức cô học trò nhỏ năm nào. Thầy không nhận ra tôi,
tất nhiên, tôi vốn không tin vào những điều được cho là kì tích. Thầy kể, dạy
thêm được vài năm thì sức khỏe yếu hẳn, trí nhớ cũng suy giảm dần, rồi thầy cười
khề khà, hệt như nụ cười năm xưa đã động viên tôi đến trường:
“Đừng buồn thầy khi không nhớ em
nha. Trí nhớ giảm đi nhiều nên thầy cũng nghỉ hưu, măc công lại dạy sai cho học
trò thì phải tội.”
Tôi khẽ cười nắm lấy tay thầy lắc
lắc, cho đến tận bây giờ, dù thầy có
quên tôi đi chăng nữa thì những yêu thương và ân cần mà thầy dành cho bao thế hệ
học trò vẫn còn đọng mãi đâu đây...
***
Từ nhỏ tôi đã sống với bà, tôi vốn
là một đứa trẻ ít nói, có phần khó gần. Một phần tôi mặc cảm hoàn cảnh gia đình
mình, phần khác từ khi còn bé tôi đã được nhiều người nhận xét lạnh lùng và có
phần già trước tuổi. Tôi yêu thơ và cực kì thích viết văn. Ở lứa tuổi của nhiều
đứa trẻ cấp hai, khi đi học là nghĩa vụ và văn chương chỉ là một phần của môn học
thì tôi lại cực kì yêu thích văn học. Lòng yêu thích của tôi không bó hẹp trong
việc thuộc và phân tích những tác phẩm nhà trường mà tôi cực kì thích sáng tác
thơ. Tất nhiên, sở thích ấy tôi giấu tiệt, một đứa trẻ tự làm ra những bài thơ
có phần hơi...kì kì và lập dị. Mà thậm chí bản thân tôi cũng thấy có gì đó quá
bay bổng mà ở lứa tuổi đang tuổi ham chơi không nên có. Bởi ở nhà tôi thường
cùng bà bán rau ngoài chợ nên tôi chỉ có thể “sáng tác” khi ở trên trường, vì
thế tôi hay đi học thật sớm, khi chưa ai tới lớp và ngồi một góc mà viết. Và thầy
cũng đã bắt gặp tôi vào một lần như thế.
“Em luôn đi học sớm nhỉ? Em viết
thơ à? Của em hay em sưu tầm?”
Chẳng hiểu vì gì mà tôi xấu hổ,
tôi giấu biến. Năm ấy, thầy được phân công dạy văn lớp tôi. Tôi vốn yêu thích
văn học nên bài giảng vô cùng lôi cuốn của thầy tôi lắng nghe chăm chú hơn là
những đứa lớp tôi chỉ chú tâm vào những cuốn sách giải đối phó. Biết tôi thích
văn, thầy cũng có phần mở lòng với tôi hơn và khi biết hoàn cảnh tôi thầy vẫn
hay cho tôi mượn những cuốn sách hay về đọc. Thế rồi lâu dần tôi bắt đầu thấy gần
gũi với thầy hơn, lúc này tôi mới đưa “bài thơ đầu tay” của mình cho thầy đọc.
Thầy trầm ngâm hồi lâu không nói gì, phải đến khi tôi hỏi thầy có thấy hay
không thì thầy mới lắc đầu:
“Không! Dở ! Vì câu cú chưa được
trau chuốt và vần điệu. Nhưng thế giới quan thực sự rất phong phú, em rất sáng
tạo.”
Nghe thầy nói tôi cũng buồn nhưng
thầy lại xoa đầu tôi:
“Em chưa biết làm thơ theo luật
vì chưa có ai hướng dẫn em, nhưng cách nhìn nhận của em qua những bài thơ ý tưởng
rất hay, rất có tiềm năng. Ở tuổi em cách cảm nhận thế rất ít. Để thầy hướng dẫn
em, chỉ cần cố gắng em sẽ làm được thôi.”
So với việc bắt tôi học những tác
phẩm chỉ có trong nhà trường, thầy bắt đầu tiếp nhận những gì tôi viết ra một
cách chân thành nhất. Kể từ khi có thầy, tôi bắt đầu viết nhiều hơn để thầy chỉnh
sửa và có phần đi vào “khuôn phép” hơn. Thầy động viên tôi nhưng cũng đặt ra một
giới hạn nghiêm khắc với tôi để tôi không tự phụ. Thầy cổ vũ tôi sáng tạo chứ
không bó buộc tôi. Đó là điều mà ngày đó không một ai làm với tôi cả, “một đứa
trẻ làm thơ” nghe đã thấy thật buồn cười.
Cứ thế suốt ba năm thầy vẫn ở bên
tôi, nghe những bài thơ của tôi và chỉ ra lỗi sai, và thậm chí qua những bài
thơ khi biết được cảm xúc của tôi, vì tôi có thói quen viết về những gì mình
nghĩ từ những gì mình thấy, thầy còn cho tôi những lời khuyên về cuộc sống của
mình. Năm tôi vào lớp chín, một cậu trai trong lớp tình cờ giật được một bài
thơ tôi viết và đọc to trước lớp, vài bạn cười cợt tôi còn cậu ấy thậm chí còn
nói:
“Tớ nghĩ cậu nên lo học hơn là suốt
ngày bay bổng.”
Tôi cảm thấy rất xấu hổ và có phần
hơi tổn thương. Lúc đó, ngay khi nước mắt tôi sắp sửa rơi, thầy ở đâu vừa tới
đã nhẹ nhàng lấy lại mảnh giấy từ tay cậu bạn ấy và nói trước lớp:
“Đúng là em ấy có tâm hồn bay bổng
nhưng đó là sở thích của em ấy. Đã là sở thích cá nhận của mỗi người thì không
ai có quyền được chà đạp, cũng như em thích đá bóng thì bạn ấy thích làm thơ,
người khác cấm em đá bóng em có chịu không. Hơn nữa, (thầy khẽ cốc nhẹ đầu bạn ấy),
tôi thấy trong tiết tôi em nghịch lắm nhé, xét về việc học không biết em có hơn
đứt bạn ấy không.”
Lúc đó lớp tôi bỗng thôi cười, bạn
nam có phần ngỏ ý xin lỗi tôi, vài bạn nữ thì lại vây lấy tôi xúm xít tỏ ý thấn
phục. Tôi đem điều đó khoe với thầy, thầy cười:
“Là tại em không mở lòng không có
nghĩa là họ không tiếp nhận.”
Cũng trong năm ấy, bài thơ tôi viết
được lần đầu tiên đoạt giải nhất thơ ca nhà trường. Tôi đã khoe ngay với thầy “nhưng
vẫn phải ổn định việc học và sở thích nhé”, cái móc ngoéo thay cho lời hứa.
Năm tôi vào lớp chín, tôi được
đưa vào đi thi tuyển Văn và đạt được giải cao trong cuộc thi cấp thành phố, lúc
nhận bằng khen, thầy là người mừng nhất cho tôi. Thực ra, mọi thứ đều là nhờ thầy
đã động viên và hun đúc tài năng cho tôi, nếu không có thầy tôi sẽ chẳng bao giờ
dám bộc lộ những gì mình muốn và có lẽ mãi mãi sẽ là một cô bé thu hẹp trong vỏ
bọc với khát khao của mình. Sau khi tốt nghiệp cấp hai, tôi chuyển nhà lên tỉnh
để theo học trường chuyên Văn, tôi mất liên lạc với thầy từ đó.
“Thế giờ em làm gì rồi?”
“Dạ, em làm ở hội Văn học Nghệ
thuật tỉnh ạ.”
“À một nhà thơ, nhà văn à? Chà,
giỏi thật, cứ cố gắng là mình sẽ làm được mọi điều mình muốn thôi.”
Đúng thế, thầy ơi, thầy vẫn như vậy,
như năm xưa, luôn dạy em những điều hay như thế...
Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định