Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 6, 2020

XUÂN NỒNG - Thơ Phạm Hòa Việt




XUÂN NỒNG
Phạm Hòa Việt

Thắp sáng màn đêm ấm lửa hồng
Giao thoa trời đất giữa thinh không
Chúa Xuân nhẹ gót từ đâu đến
Mà đã bắc cầu tiển giá Đông

Ta đợi nàng Xuân trên gác cao
Sương khuya ngây ngất nụ mai đào
Đâu đây vẳng tiếng người xưa lại
Trong khói nhang trầm tỏa ánh sao...

Ta thấy thời gian chậm bước đi
Phương Nam kiều diễm nét xuân thì
Lắng nghe tiếng hát Hà Hồi vọng
Ngàn thớt voi thiêng bước diệu kỳ

Ta uống cùng em chén rượu cay
Rét chung chăn ấm với men say
Ta ôm trời đất cho nồng gối
Kim cổ tứ bàng vũ trụ quay...

Ta muốn bên em ngắm xuân nồng
Trăm hoa đón nắng mới ngoài song
Cho em viết tiếp dòng tâm tưởng
Cho thỏa lòng son với má hồng...

P.H.V.

READ MORE - XUÂN NỒNG - Thơ Phạm Hòa Việt

ĐÊM BA MƯƠI GIÓ THỔI - truyện ngắn Nguyễn Đặng Mừng

 Để tưởng nhớ nhà thơ Hoàng Cầm

Nguyễn Đặng Mừng - Ảnh: Lê Vĩnh Thái



Đêm ba mươi gió thổi
Tôi lại nhớ con tôi
Vợ đói con cũng đói
Khóc lả lặng từng hồi
Mẹ thì nước mắt nhiều hơn sữa
Ngực lép con nhay đã rã rời (1)

Giọng hò lạ lùng lần đầu Bình nghe ấy là của chị Hòa, thiếu phụ người Bắc di cư, vợ lính Cọng Hòa. Chị thuê phòng trong nhà Bình để ở. Chồng chị đi hành quân liên miên, cả tháng mới có dịp về thăm vợ con. Cún Con, tên chị thường gọi đứa con gái bảy tuổi của chị cũng tên Bình. Chị bảo để nhớ một kỷ niệm, một mơ ước không bao giờ có được của mẹ con chị, và Thầy. Chị gọi cha là Thầy.

Chị nỉ non, lúc chị lên năm tuổi, Thầy chị đi Vệ Quốc Đoàn. Thầy bảo hòa bình rồi mẹ sẽ sinh thêm một em bé nữa cho chị ẵm, sẽ đặt tên cho bé là Bình, chị Hòa và em Bình, hòa bình. Chị bảy tuổi mẹ vẫn bắt ngủ trong võng để mẹ ru và hát. Mẹ hát hành khúc, hát quan họ, và khi chị hiu ngủ, bao giờ mẹ cũng hát ru:

Một ngày bốn năm bữa
Con khóc chừng đứt hơi
Sục tìm vú mẹ không còn sữa
Há miệng uống no dòng lệ rơi.

Mẹ người Hà Nội theo Thầy chị về làm dâu xứ Bắc Ninh. Thầy đi xa biền biệt, qua những lá thư mẹ đọc cho nghe hằng đêm chị cứ tưởng tượng về bao vùng rừng núi xa xôi, nơi Thầy đang hành quân. Thầy thường chép nhiều bài thơ hay gửi về cho mẹ như Màu Tím Hoa Sim, Núi Đôi, Tây Tiến... Trong cái thiếu ăn đói rét vùng quê những năm kháng chiến, những đêm đông nghe mẹ hát thơ, buồn lắm.

Ngày đón đoàn quân về thủ đô mẹ con chị ăn mặc thật đẹp, mang theo nhiều hoa để đón Thầy. Đoàn quân đi trong tiếng nhạc hùng tráng, hai bên đường rợp cờ và hoa. Mẹ cứ nhón chân lên reo hò khản cả giọng. Mẹ cứ bảo nhiều lần, hình như Thầy con đi đầu, rồi hình như Thầy con kìa… Rồi đến người cuối cùng cũng không gặp được Thầy. Mẹ con tặng hết hoa cho những chú bộ đội cuối cùng rồi một mình đi giữa phố phường Hà Nội. Trời mùa thu mưa lất phất. Mẹ im lặng, khóc tấm tức. Chị cũng khóc. Mấy ngày sau mẹ gửi chị lại cho ngoại rồi lên đường cùng vài chị bạn chung hoàn cảnh đi tìm chồng. Năm đó chị mười hai tuổi.

Mẹ đi cả tháng không thấy về. Bên ngoại chuẩn bị về Hải Phòng xuống tàu vào Nam không nỡ bỏ cháu một mình. Bà ngoại bảo đi hai năm sẽ trở về, vậy mà...

Tiếng súng ngày mỗi gần, có lúc nổ ran trong thành phố. Những đêm tháng chạp giá rét, thằng Bình mười hai tuổi cuộn mình trong chăn ấm mà lắng nghe chị hát ru con. Giọng chị buồn thê thiết như nhắn vào đâu đó, từ xa vọng về tiếng bom đạn trong đêm giao thừa năm ấy. Giọng hát ru Bắc Bộ nghe thao thiết hơn, “âm điệu” hơn tiếng hò trầm thống ngặt nghèo xứ Quảng Trị của Mạ ru Bình ngày thơ bé:

Gió đưa bụi chuối te tàu
Vợ Nam chồng Bắc làm giàu ai ăn.

Bình khóc lặng lẽ, nhớ về người cha chưa một lần tỏ mặt, lại tưởng tượng về phương Bắc, nơi chưa bao giờ nghĩ sẽ một lần được đến. Nơi có tiếng ạ ời bắt đầu mỗi câu hát ru buồn thảm như tiếng khóc người mẹ ấy. Nơi có cái áo tứ thân và khăn mỏ quạ ấy, với Bình thời đó nó như sắc như không, lãng đãng xa mà lại thao thiết, gần kề.

Bình tìm đọc những tác phẩm trong Tự Lực Văn Đoàn, đôi khi khóc với số phận cô Mai trong Nửa Chừng Xuân, cô Liên trong Gánh Hàng Hoa. Và lại tưởng tượng về những khuôn mặt trái xoan e ấp dưới chiếc khăn mỏ quạ, “lúng liếng” những đôi mắt trong veo, đẹp và buồn đến thi vị.

Bình hay hỏi chị về xứ Bắc để được nhìn chị ngước lên, đôi mắt đen láy, “Cậu hỏi gì cơ! Em hỏi chị về bài hát ru ấy, bài Đêm Ba Mươi Gió Thổi ấy, của ai hay ca dao”. Chị cười, nụ cười mỉm mà đôi mắt thì ươn ướt như khóc, bảo “Tôi không biết. Nhưng cậu hỏi xuất xứ làm gì, điều đó để cho các nhà biên khảo. Còn tôi thấy bài nào hay thì hát ru cho Cún Con ngủ, và để nhớ mẹ tôi đang còn ở ngoài Bắc, thế thôi”. Tôi lại hỏi, “chị có mặc áo tứ thân và chít khăn mỏ quạ không”. Chị lại cười, lần này thì đúng là reo cười, “Tôi có một bộ mẹ tự tay may cho lúc mười tuổi. Mẹ bảo để lớn lên lấy chồng rồi mặc, giờ tôi vẫn còn giữ, ngày tết mới mặc để đi chào bà con lúc còn đi học ở Sài Gòn. Tôi có mang theo đây, đến tết tôi sẽ mặc nó ra chào gia đình cậu, để nhớ mẹ và gia đình thủa bé của tôi ngoài Bắc”.

Mỗi lần chị đi chợ thường gửi Cún Con cho “anh Bình”, tại Cún hay khóc nhè mỗi lần mẹ đi chợ. Bình thường trêu Cún Con khóc nhè răng sún. Còn làm “bài hát” tặng Cún nữa, nhạc rằng:

Bồ ơi hãy cười đi thôi
Cún Con răng sún bỉu môi lè nhè
Bồ ơi đi hội đi hè
Hàm răng sún hết còn đòi me mua quà
Xấu chưa bồ đã khóc òa
Trời ơi răng sún nhà ta khóc rồi.

Mỗi lần Bình hát trêu Cún Con lại khóc dữ hơn. Bình vuốt mái tóc mềm như tơ của Cún xin lỗi, và hứa không gọi Cún Con Khóc Nhè nữa, sẽ gọi là Tiên Nữ Tóc Dài. Cún lại cười toe. Đôi khi Bình tưởng tượng Cún Con sẽ lớn lên và đẹp như mẹ, sẽ mặc áo tứ thân và hát bài Xe Chỉ Luồn Kim như cô bạn cùng lớp lớn hơn Bình hai tuổi trong buổi văn nghệ trường tổ chức thi hát dân ca:

Xe chỉ ô mấy kim luồn kim, ố mấy kim luồn kim. Rồi ngồi í rồi.
May quần, tình chung bằng đôi nhiễu tím, ối a..í a. gửi ra…gửi ra chồng cho chồng.
Xang ù lưu cống xê xàng…

Bình tập Se Chỉ Luồn Kim cho Cún. Giọng Bắc của Cún hát dân ca Bắc Bộ thật hay và mượt. Cún bảo mẹ hát quan họ thường múa tay vậy này, vậy này, rồi múa đôi bàn tay nhỏ mềm mại theo điệu hát. Từ đó Cún không vòi mẹ nữa mà khắng khít với Bình như anh em ruột. Có lần Cún bảo anh em mình chơi trò vợ chồng đi, như hình đám cưới của bố mẹ ý. Bình ngại nhưng không dám từ chối mà khất rằng đến hè đi, sẽ xin Mạ may cho anh bộ khăn đóng áo dài và mẹ Cún sẽ may cho Cún áo tứ thân đã nhé.

Chồng chị Hòa chết trong ngày tết năm ấy. Chị dắt Cún lên chiếc xe nhà binh, tay xoa xoa vào nắp quan tài mà khóc. Bình đứng nhìn theo chiếc xe xa dần, vẫy tay theo, khóc ngất. Trong lờ mờ nước mắt Bình loáng thoáng thấy bàn tay nhỏ xíu của Cún Con vẫy vẫy như đang múa hát với mình.

Vậy là Bình không được thấy chị mặc áo tứ thân như đã hứa. Không được chơi trò đám cưới với Cún Con như Bình hứa. Và hằng đêm gió bấc về Bình lại nhớ da diết những lời hát ru của chị Hòa.

Đêm ba mươi gió thổi
Tôi lại nhớ con tôi…

*

Mấy tháng trời Bình đi tìm đất sống ở Miền Đông Nam Bộ. Mùa đông ở đây thật lạ lùng, nhiều tháng không có hạt mưa, gió lại hú ầm ào suốt đêm ngày như gió Nam Lào từng trận. Lửa rừng rực thiêu cháy những rẩy tre vừa phá, khói bốc lên màu xám tro từng đụn như những ngày chiến tranh mùa hè bảy hai ở quê nhà.

Con đường đỏ quạch chạy vòng vèo qua những cánh rừng mới phá. Nắng chiều tháng chạp cháy rát, nghi ngút khói từ những thân cây đang cháy nham nhở. Người ta phá rừng, đốt để làm rẫy. Cây nào đẹp thì cưa lấy gỗ cất nhà hoặc bán cho cánh lái buôn thông đồng với kiểm lâm chở về Vũng Tàu, Phước Tỉnh. Thường là các loại gỗ dùng để đóng tàu vượt biên như căm xe, sao, bình linh… Còn bao nhiêu là đốt, đốt tất. Tro gỗ tạp màu trắng, rất mịn, được các công ty nhà nước thu mua cho các nhà máy xà phòng đang khát nguyên liệu. Hàng chục khối gỗ mới được một gánh tro. Những loại gỗ chắc hơn được đốt làm than.

Bình mang ba lô, trong đó là những dụng cụ nhà nông như cái cuốc lưỡi gà, cái búa chẻ củi, cái cào sắt. Anh trân trọng nó như gia sản của mạ chia cho từ lúc bỏ làng đi Nam. “Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”. Những đám mây trắng bay về hướng Bắc, nơi xóm làng, bà con Bình đang ở đó. Nơi mạ anh nằm trong mộ lạnh mỗi đêm nghĩ về phận người, về cha anh đang ở đâu đó ngoài Bắc, chưa về.

Bình đã đi nhiều nơi, làm nhiều việc, mà sao nơi đâu cũng còn nghe tiếng kẻng. Mỗi lần nghe kẻng là Bình lại toát mồ hôi, lạnh xương sống. Lần này anh phải đi thật xa, thật sâu vào nơi không còn tiếng kẻng. Bình đi tìm một người bạn đang làm nghề xẻ gỗ ở đây. Tên ấp Cà Tó đủ nói lên sự xa xôi hun hút của nó. Đêm nay giao thừa, được nằm ở căn chòi nào đó, giữa rừng sâu cùng bạn, với Bình là ước mơ. Đã hai ngày đi bộ vẫn chưa đến nơi bạn hẹn. Bình ghé vào một quán tranh nằm cheo leo giữa dốc xin nước uống và kiếm chút gì lót dạ.

Thiếu phụ chừng bốn mươi tuổi ngồi bên một bà già mù chít khăn mỏ quạ. Bà già mù ạ ời hò giọng Bắc đưa nhẹ chiếc võng màu cháo lòng, trong đó là con búp bê lớn “đang ngủ”.

Thiếu phụ chào và hỏi, “cậu mua gì ạ”. Giọng Bắc của chị trong và thật gần gũi, quen quen như đã nghe đâu đó. Bình ngồi xuống trên “chiếc ghế” làm từ lóng gỗ tròn được cưa ra. Sau khi mua nải chuối và ít thuốc rê để lên sạp tre, Bình hỏi, “ấp Cà Tó còn bao xa nữa chị”, “nghe nói đi thêm nửa ngày đường nữa, tôi cũng chưa tới đó bao giờ”. Bình ngồi nhìn lung ra cánh rừng đang cháy, những gốc cây nghi ngút nhập nhòe. Mặt trời đã khuất sau những cây cao còn sót lại, vẽ những hình thù dài ngoẵng.

- Này cậu, từ đây tới ấp Cà Tó phải qua mấy cánh rừng và bốn con suối nữa. Cậu định đi đêm à. Trông cậu thư sinh thế, vào đó để làm gì?

- Tôi định đi xẻ gỗ cùng đứa bạn đang ở đó.

- Cậu ở Sài gòn lên, đúng không? Vùng này dân kinh tế mới từ quân 10 lên đây nhiều lắm. Một số không chịu nỗi đã về lại thành phố, một số còn “bám trụ” như gia đình tôi.

- Không, tôi ở ngoài Trung vào. Ở tận Quảng Trị lận.

- Hồi năm sáu bảy tôi cũng theo chồng ra đó. Nghe nói thành phố đó sụp đổ năm bảy hai hết rồi. Cậu cũng ở thành phố à. Ngày xưa tôi có thuê một phòng ở nhà số… đường…

- Nhà tôi đó. Không lẽ chị là chị Hòa?

- Và cậu là cậu Bình. Trời ạ, cậu Bình thật đây à. Sao ra nông nỗi này. Mạ khỏe không…

- Dạ… Mạ em mất rồi, từ cuối năm 1975. Nghe nói cha em đã có vợ ngoài Bắc nên Mạ em buồn rồi lâm bệnh mà mất.

Bình quay sang chào Bà. Chị Hòa nháy mắt nói nhỏ: “Bà lẫn rồi, và lãng tai nữa. Những ngày ở lại Bắc, bà bị quy vào thành phần tiểu tư sản, có con theo địch vào Nam. Bà trở thành người điên, chạy khắp làng kêu Hòa ơi, Hòa ơi. Sau 75 chị ra Bắc đem bà vào. Ngày nào bà cũng chống gậy mò mẫm đi quanh vườn và hát liền anh liền chị. Mệt thì về ngồi bên chiếc võng ru con búp bê và hò ạ ời đến tối. Đi ngủ bà lại ôm búp bê vào giường và nựng như ấy là chị ngày thơ bé, Cún con ơi ngoan nào, ngoan nào, ngủ cho ngoan nào…”.

Bình hỏi, “em Cún đâu, có chồng chưa hở chị”. Chị như rùng mình, đôi mắt buồn hằn nhiều vết chân chim chớp chớp, nước mắt lăn xuống hai gò má trắng xanh. Chị nấc nhẹ, hai vai rung lên khóc thành tiếng. Bình theo hướng nhìn của chị về phía bàn thờ. Ở đó còn cây nhang đang cháy trước hai di ảnh của chồng chị và Cún Con. Bình đứng lên đi đến trước bàn thờ, nhìn thật lâu vào đôi mắt như cười của Cún Con. Hai bím tóc như đang đung đưa trên má lúm đồng tiền, khuôn mặt thanh tú và đẹp như chị ngày nào. Chị Hòa đặt tay lên vai Bình, nói trong tiếng nấc: “Em nó đi nông trường, rồi lại theo đoàn thanh niên xung phong đi tải đạn. Nó chết ở biên giới Tây Nam năm bảy chín và được chôn ở đó. Chị mới bốc mộ về đây để được gắn bố”. Mình ra thăm mộ em đi, chắc nó còn nhớ anh Bình.

Trăng vằng vặc. Và gió. Gió hú từng nhịp, rồi lặng đi. Rồi hú.

Hai chị em đi thật chậm. Bóng đổ liêu xiêu về hướng hai ngôi mộ.

Chị Hòa thắp một bó nhang lớn, cùng Bình cắm lên hai ngôi mộ đất. Bình gom củi đốt. Lửa bắt ngọn cháy bùng. Bóng hai chị em rung rinh, lung linh lung linh. Họ không nói chi, chỉ nghe tiếng lách tách của sự cháy. Bình nhớ câu kinh thánh, “Này ngươi là tro bụi, hãy trở về với bụi tro”.

Họ lại quay về. Chiếc võng đung đưa đưa theo gió. Con búp bê không còn. Bình bảo, “chị ơi, em sẽ thay con búp bê nhé. Chị ru em ngủ và hát ru đi, Đêm Ba Mươi Gió Thổi đi”.

Gió vẫn hú, từng nhịp. Xào xạc gió và tiếng ru hời của chị Hòa. Rồi bất chợt chị hát, giọng lạc đi. Từng nhịp, từng trận:

Trên nông trường không xa lắm. Có đôi chân đi không ngại ngần... Em bây giờ quen mưa nắng, tóc trên vai vấn vương bụi hồng… Xa nông trường ra biên giới, có đôi khi đi không trở lại”(2).

Chị lại cười ha ha, ha ha. Chị sờ sẫm khuôn mặt ướt nước mắt của Bình, kêu lên thảm thiết, “Cún Con ơi, anh Bình đến thăm nì. Dậy đi, răng sún nhà ta ơi, ơi…”. Bất chợt chị vùng chạy lảo đảo về phía mộ Cún. Tóc chị rối tung lao chao trong gió, cái gì như khăn tang trắng bay dập dờn theo. Bình chạy theo. Chị nằm sấp sóng soải như xác chết vắt qua ngôi mộ đất. “Anh ơi, nằm xuống đây đi, với con cho ấm. Anh về sao không báo với em để em làm cỗ cúng con…”. Chị kéo Bình xuống rồi ôm riết vào lòng, thều thào mấy tiếng nữa nghe không rõ, rồi lịm đi. Gió lặng một lúc, Nghe rõ mồn một tiếng hò của mẹ chị: “ạ ời, à ơi… cha con đánh giặc lập công, cho sữa mẹ chảy một dòng thiên… ờ… thu. Cha đem cái chết quân thù, làm nên sức sống… bây giờ của ờ… con, à ời…à ơi…”. Rồi tiếng bà dỗ dành, “Cún Con ngủ đi, ngoan nào, ngoan nào… chiến thắng rồi, Tây đầu hàng rồi, ngày mai ba con về rồi đó, ngoan nào”.

N.Đ.M
(264/2-11)



-------------
(1) Tâm Sự Đêm Giao Thừa, Thơ Hoàng Cầm.

(2) Nhạc Trịnh Công Sơn.
READ MORE - ĐÊM BA MƯƠI GIÓ THỔI - truyện ngắn Nguyễn Đặng Mừng

DÙNG DẰNG... - Thơ Trần Mai Ngân






DÙNG DẰNG...

Người dùng dằng không về, không ở
Phan Thiết chiều nay chiều cuối năm
Biển dịu êm những con sóng âm thầm
Ngoài khơi xa bỗng tràn bờ khao khát...

Người dùng dằng không về không ở
Mắt níu mắt tay chẳng cầm tay
Một nỗi buồn trôi trượt trên hai vai
Nghe gầy guộc hư hao tình mê mỏi...

Người dùng dằng không về không ở
Cứ ngập ngừng... dấu hỏi đi hoang
Giữa lạnh lùng có một dấu chấm than
Buông nhẹ xuống là trái ngang định mệnh...

Chiều cuối năm loay hoay khập khểnh
Có điều chi rót xuống chiều nay
Hoàng hôn buồn cũng chếnh choáng cơn say
Lòng cứ vậy... mãi không về không ở...

Chiều cuối năm sao trầm ngâm nghi ngại
Về hay không... năm cũ cũng qua rồi!

                                   Trần Mai Ngân
                                        2-1-2020

READ MORE - DÙNG DẰNG... - Thơ Trần Mai Ngân

CÁ NIÊN, RƯỢU ĐOÁC: ĐẶC SẢN NGÀY XUÂN TRÊN NÚI RỪNG MIỀN TRUNG - TS.BS Trần Bá Thoại


 TS.BS Trần Bá Thoại   

CÁ NIÊN, RƯỢU ĐOÁC: ĐẶC SẢN NGÀY XUÂN
TRÊN NÚI RỪNG MIỀN TRUNG
                                             

   Khúc ruột miền Trung đất hẹp, rừng núi nhiều, sông suối độ dốc lớn…Thiên nhiên bù lại: dưới suối nước chảy xiết lại có loài cá đặc biệt, cá tất niên, và trên rừng có vô số cây tà vạt, cây đoát. Người sơn cước ở đây đã biết sử dụng những đặc sản địa phương này chế biến thành một món ẩm thực rất ngon, ý nghĩa và bổ dưỡng mỗi độ xuân về:  Cá niên, rượu đoát.

   Bài viết giới thiệu những thông tin dinh dưỡng về món đặc sản này …      


   Cá niên, cá “tân niên”,  thủy sản đặc biệt của núi rừng

  CÁ NIÊN thường sống ở các sông, suối có nước chảy xiết vùng núi rừng miền Trung; các chợ huyện miền núi Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định mới có loại cá này. Người Hre gọi cá niên là Iling, người Cor gọi là Jia-liếc, riêng người dân ở huyện An lão và Hoài ân (Bình Định) lại tấn phong cá niên là cá “đại gia” vì tính quý hiếm và đắt đỏ của nó, mỗi cân cá niên giá cao đến một trăm rưỡi ngàn đồng. Cũng vì hình dáng, màu sắc đẹp và sống ở nguồn nước trong xanh, ăn rong rêu dưới suối rất sạch nên người Hrê ví cá niên là hiện thân cho cái đẹp và thường dùng cụm từ Lem tia cai-lin (em đẹp như cá niên) để khen cô gái.

 Cá niên hình dáng trung gian giữa cá trắm và cá mòi, thân cá lớn từ hai đến bốn ngón tay, có nhiều vảy trắng vàng óng ánh bạc. Thức ăn chính của cá niên là rêu xanh và hà đá suối. Người miền núi thường câu cá niên với mồi câu là con hà đá này, ít khi họ dùng lưới vì cá niên thường chạy vào hang hốc, khe đá sắc cạnh rất khó bắt và lại dễ bị rách lưới.

  Thịt cá niên trắng vàng, tuy hơi nhiều xương hom nhưng rất thơm và béo. Cá niên có thể chế biến nhiều món ăn: hấp, luộc để ăn với rau rừng, làm mắm ruột cá, làm gỏi; nhưng dễ chế biến nhất, ngon và tuyệt chiêu nhất là món cá niên nướng. Cái “hồn”, cái đặc sắc nhất của cá niên chính là bộ ruột, dân sành điệu thường ăn bộ ruột hoặc theo nguyên cả con cá hoặc lấy riêng ruột ra để làm mắm hoặc pha chế từ ruột cá ra loại “nước chấm xanh”, vừa đắng vừa cay vừa mặn mà, “độc chiêu” để chấm với thịt cá niên nướng và đưa cay với rượu “tà vạt” đặc sản của núi rừng miền Trung.

    Món cá niên nướng thường được thực khách chọn vì có thể chế biến nhanh và vô cùng đơn giản: Cá niên bắt về, rửa sạch có thể để nguyên con hay lấy riêng bộ ruột để chưng làm nước chấm xanh. Kẹp cá vào vỉ san sát nhau, đặt lên bếp than hồng, trở qua trở lại cho đến khi vảy cá chuyển màu hơi cháy vàng và thịt cá tỏa mùi thơm nức mũi là có thể dùng được. Có thể dùng kèm một số rau rừng như rau rắp, rau dớn, rau tàu bay, lộc vừng…



CÁ NIÊN RAU DỚN:  Nếu thư thả thời gian người miền núi làm món gỏi cá niên như sau: Mổ cá niên lấy nguyên bộ ruột, pha thêm muối, tiêu, ớt, bột ngọt…rồi đem chưng chín. Thịt cá niên xé nhỏ trộn vào làm gỏi. Cũng như các loại gỏi cá khác khi ăn cũng dùng thêm nhiều loại rau, dưa khác…đặc biệt với gỏi cá niên người địa phương thường lấy các loại rau rừng trong đó có loại đặc biệt nhất là rau dớn rừng.

    Người dân tộc thiểu số miền núi còn dùng mắm ruột cá niên làm nước chấm “chuyên dụng” dành riêng để ăn với một số rau rừng như rau dớn.

    Với quan niệm cá niên là cá “tân niên”, năm mới, nên mâm cỗ Tết của đồng bào miền núi thường không thể thiếu cá niên, đặc biệt là món gỏi cá.


    Để bảo tồn và phát triển nguồn gien quý hiếm của đặc sản núi rừng vô cùng độc đáo này, kỹ sư Trần Văn Trọng, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi năm 2006 đã nhân giống thành công cá niên và nuôi thí điểm tại huyện miền núi Sơn Hà, bước đầu đã có những kết quả khích lệ.

Thành phần dinh dưỡng của rau dớn rừng và cá niên (Nguồn Bảng thành phần dinh dưỡng Viện dinh dưỡng quốc gia)                                      

* Rau dớn rừng với 100 gam phần ăn được: 16 calo; 86.0 nước; 4.0 chất đạm; 0.0 chất béo; 8.0 chất đường bột chủ yếu dạng xơ cellulose và các hợp chất a xít phenolic, syringic và protocatechic.                                                                                                                                *Cá niên (họ với cá mòi) với 100 gam phần ăn được:  124 calo; 76.2 nước; 17.5 chất đạm; 6.0 chất béo; 0.0 chất đường bột và chất xơ.                            


  Rượu đoác, “nước trời”, “rượu ba không” của người thiểu số 

 Rượu đoác được chế biến từ nhựa của cây đoác. Cây đoác còn gọi là búng báng, tà vạt; thuộc họ Cau; tên khoa học là Arenga pinnata (arenga saccharifera) tiếng Anh là sugar palm. Đoác là cây đặc hữu của vùng Đông Dương, mọc nhiều nơi trên dãy Trường Sơn vùng Thừa Thiên Huế  và Quảng Nam. Cho đến nay, rượu đoác được xem là loại rượu duy nhất được lấy trực tiếp từ trên cây mang về uống, không cần qua chưng cất phức tạp, tương tự một loại rượu trái cây. Do đó, người Tà Ôi và Vân Kiều gọi rượu đoác là “nước trời” hay “rượu ba không”: không nấu (chưng cất), không dùng men và uống vào không say không đánh vợ.  Ở hai xã A Ngo và A Roàng huyện A Lưới, hầu như gia đình người Tà Ôi nào cũng biết làm rượu đoác.



   ĐOÁC Arenga_pinnata_Blanco2.419ĐOÁC 1

 Cây đoác rừng phải từ 5 đến7 tuổi mới bắt đầu được khai thác nhựa để chế biến ra rượu đoát. Các công đoạn lấy rượu cũng đơn giản: chọn cây đoác vừa ý, dùng dao rạch một lỗ ở thân cây, sau đó  đặt  ống nứa lồ ô dẫn xuống can hoặc hũ chứa có sẵn vỏ cây chuồn phơi khô để cho nước đoác lên men thành rượu. Với những cây đoác đã có trái, người ta sẽ cắt cuống buồng rồi hứng nước nhựa từ đây.  Mỗi cây đoác có thể lấy rượu liên tục trong vòng hai tháng, nếu cây có buồng quả phải lấy trong vòng 3 tháng, khoảng 80-100 lít mỗi cây mới hết nhựa. Sau đó cho cây đoác nghỉ ba tháng mới được khai thác tiếp.


    Trước đây, những người A Lưới làm nghề rượu đoác phải đi liên tục,  đi sâu vào rừng để kiếm được những  cây đoác to để lấy cho được nhiều rượu. Do đó, với bà con dân tộc thiểu số sống trên dãy Trường Sơn, số tiền thu nhập từ nghề làm rượu đoác cũng đủ chi phí cho cuộc sống. Sau này, người dân địa phương đã mang hạt giống cây đoác, cây chuồn từ rừng về trồng trong vườn nhà để lấy rượu cho tiện.  

 Thành phần dinh dưỡng của nhựa cây đoác

 Độ pH 4.2; Đường tổng 106.6 g/L; Đường khử 56.7 g/L; A. citric 2.05 g/L; Tinh bột 2.75%; Đạm 0.25 % ; Vitamin C 0.03 %; Vitamin B1 0.4 mg/L; Canxi  13.6 mg/L; Sắt 0.76 mg/L (Luận văn Thạc sĩ Hoàng Thị Thu. ĐH Đà Nẵng, 2012)

   Với thành phần hóa học nhiều đường và acid citric như thế, nước nhựa đoác và rượu đoác khi đã lên men rất có giá trị giải khát, dinh dưỡng. Hiện nay, người thiểu số ở A Lưới còn ngâm thêm các loại thảo dược có tác dụng bổ dương như đỗ trọng, ba kích thiên, hồ đào nhục, nhục thung dung, phá cốt chỉ, cam thảo, dâm dương hoắc, xà sàng tử, xa tiền tử…với hy vọng rượu đoát trở  thành rượu “Minh Mạng thang” hay viagra giúp quý ông mạnh mẽ trong chuyện “chăn gối”.

  Cá niên, rượu đoác: đặc sản “xanh” của núi rừng

  Khúc ruột miền Trung đất hẹp, rừng núi nhiều, sông suối độ dốc lớn…Thiên nhiên bù lại: dưới suối nước chảy xiết lại có loài cá đặc biệt, cá tất niên, và trên rừng có vô số cây tà vạt, cây đoát.

   Nhưng phải nhở sự thông minh vận dụng, người thiểu số sơn cước ở đây đã chế biến ra một món ẩm thực đặc hữu địa phương rất bổ dưỡng, hợp quy luật ẩm thực và đặc biệt là rất ý nghĩa để khai vị mỗi độ xuân về.

  Lên miền núi rừng miền Trung ngày Tết, nhở thưởng thức Cá niên, rượu đoát.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]https://tranbathoaimdphd.wordpress.com/2009/03/22/ca-nien-nui-r%E1%BB%ABng-mi%E1%BB%81n-trung/

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1_ni%C3%AAn

[3]http://www.baoquangngai.vn/channel/2047/201407/thom-lung-mon-ca-nien-nuong-2326360/

[4]http://luanvan.net.vn/luan-van/luan-van-nghien-cuu-len-men-ruou-tu-dich-nhua-cay-bung-bang-52102/

[5] http://baophapluat.vn/song-khoe/de-nhat-ruou-doac-cua-nguoi-ta-oi-138224.html

[6]http://vtc.vn/san-lung-ruou-doac-giup-dan-ong-nhat-da-ngu-giao.394.394456.htm

[7] http://nongnghiep.vn/nguoi-say-ruou-doac-post53771.html

[8]http://www.baomoi.com/Ruou-doac-Dac-san-cua-dan-toc-Ta-Oi-Thua-Thien-Hue/c/6548107.epi



READ MORE - CÁ NIÊN, RƯỢU ĐOÁC: ĐẶC SẢN NGÀY XUÂN TRÊN NÚI RỪNG MIỀN TRUNG - TS.BS Trần Bá Thoại

NGHẸN NGÀO - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: Dạ Lan Hoàng - Ca sĩ: Như Hải Yến

READ MORE - NGHẸN NGÀO - Nhạc: Mai Hoài Thu - Thơ: Dạ Lan Hoàng - Ca sĩ: Như Hải Yến

MỘT SỐ NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM TUỔI TÝ - Đỗ Anh Tuyến

Tượng Trần Hưng Đạo (1228 – 1300)

ĐỖ ANH TUYẾN

MỘT SỐ NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM TUỔI TÝ



Nhân dịp đón xuân Canh Tý 2020, xin gửi tới Quý bạn đọc bài biên khảo MỘT SỐ NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM TUỔI TÝ, tổng hợp từ các nguồn: Webiste Đảng Cộng Sản Việt Nam, sách Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam...

Kính chúc Quý bạn đọc và gia quyến năm Canh Tý thành công và hạnh phúc!

LÝ THÁI TÔNG

(Canh Tý, 1000 - 1054)

Ông sinh ngày 29 tháng 07 năm Canh Tý (1000) lên ngôi hoàng đế năm 1028, sau khi Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn, người có công dời kinh đô Đại Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (Thăng Long) băng hà. Ông là bậc minh quân hết lòng yêu nước thương dân, thường quan tâm đến việc đồng áng của nông dân, ra ruộng đồng động viên dân gặt hái, thu mùa màng cho kịp, nhiều lần đi cày ruộng cùng dân. Ông cầm quân ra biên giới đánh đuổi giặc Chiêm Thành sang quấy nhiễu nước ta, nhờ vậy nhân dân an hưởng thái bình.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Năm Canh Thìn (1040) vua Thái Tông dạy các cung nữ làm ra gấm vóc dùng trong triều đình chứ không phải dùng đến gấm vóc của nhà Tống".

Một trong những thành tựu huy hoàng nhất là năm 1042, Lý Thái Tông cho ra đời "Hình thư" là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta, được các nhà khoa học đánh giá rất cao.

Ông mất vào ngày 03 tháng 11 năm 1054.

HƯNG ĐẠO VƯƠNG (Trần Quốc Tuấn)

(Mậu Tý, 1228 - 1300)

Vị tướng nhà Trần sinh ngày 10 tháng 12 năm Mậu Tý (1228).  Ông được  nhân dân tôn vinh là  Đức Thánh Trần  toàn tài văn võ.

Năm 1258,  nhận ấn tiết chế thống lĩnh quân đội  nhà Trần tiến hành đánh bại cuộc xâm lăng của giặc Nguyên Mông. Trần Quốc Tuấn khéo dùng người, tiến cử những  hiền tài cho kháng chiến như: Yết  Kiêu,  Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu…

Trần Quốc Tuấn soạn "Hịch Tướng sĩ"  một áng văn bất hủ trong văn chương Việt Nam và lãnh đạo tướng sĩ làm nên chiến công Chương Dương, Hàm Tử lừng lẫy trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

NGUYỄN XÍ

(Bính Tý, 1396- 1464)

Danh tướng đời Lê Thái Tổ, gốc quê làng Thượng Phúc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, Sau lên đất Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa tham gia nghĩa quân Lam Sơn làm gia thần Lê Lợi, sau khi Lê Lợi lên ngôi vua, ông được ban họ Lê vì có công lớn trong cuộc kháng Minh.

Năm Mậu Tuất 1418 nghĩa quân Lam Sơn bị vây khổn ở núi Chí Linh, quân sĩ dần dần chán nản bỏ quân ngũ, Nguyễn Xí cùng với Lê Bí, Lê Đạp bí mật nương náu ở núi Chí Linh bên cạnh Lê Lợi. Ngay lúc ấy may nhờ tướng sĩ một lòng trung nghĩa, ông mở vòng vây giặc, lui về đất Lam Sơn cố thủ, chuẩn bị tổng tấn công quân Minh.

Năm Giáp Thìn 1424, Lê Lợi cho rút quân về Khả Lưu thuộc tỉnh Nghệ An để giữ nơi hiểm yếu. Lúc ấy quân Minh tấn công, nhưng quân giặc không lường được khả năng quân sự của nghĩa quân nên bị nghĩa quân đánh tan tác. Các tướng Lê Lễ, Lê Sát.... trong đó có Nguyễn Xí (Lê Xí) cùng nhau tiến lên phá giặc, “chém đầu giặc không sao kể xiết, thuyền giặc trôi ngổn ngang, xác chết đuối nghẽn tắc cả khúc sông, khí giới vứt đầy cả rừng núi” (Đại Việt sử kí toàn thư)

Năm Đinh Mùi 1427, ông cùng Đinh Lễ đem quân đánh tan trận phản công của Vương Thông phía Nam thành Đông Quan khiến lực lượng quân Minh ngày càng suy giảm dần. Trong năm này toàn bộ lực lượng nghĩa quân tấn công quân địch trên khắp các mặt trận, quân Minh ở Nghệ An phải ra hàng, Nguyễn Xí được lệnh Lê Lợi đem đại quân Thiết Đột đến đuổi giặc ở Mi Động và chẳng may ông bị giặc bắt. Nhân lúc đang đêm mưa gió, ông dùng mẹo đánh lừa quân giữ thành trốn thoát được về ra mắt thủ lĩnh Lê Lợi, rồi được cho cầm quân như cũ và ông là một trong các tướng chiếm thành Đông Quan.

Ngày 3 tháng 11 năm 1427 toàn bộ quân địch đầu hàng sau 10 năm quân Lam Sơn kháng chiến anh dũng. Trong đó công lao của Nguyễn Xí đã góp phần quyết định cho chiến thắng.

Sau khi Lê Lợi lên ngôi, ông từng giữ các chức: Tham chính sự, Nhập nội đô đốc, được tặng thưởng biểu ngạch công thần, tước huyện hầu.

Năm Ất Sửu 1445 quân Chiêm Thành vào cướp phá châu Hóa. Ông được triều đình cử vào tảo thanh quân giặc, nhưng gặp lụt lớn nên quân ta bị thua, ông bị phạt tội. Sau đó triều đình xét ông là vị khai quốc công thần nên miễn nghị. Đến đời Lê Thánh Tông ông được phong chức Thái úy vì có công phế truất Nghi Dân để đưa Lê Tư Thành lên ngôi (Lê Thánh Tông). Ông mất năm 1464, hưởng thọ 68 tuổi. Nguyễn Xí là vị tướng tài từng phục vụ từ đời Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông, đem lại nhiều thắng lợi trên hai mặt trận quân sự và chính trị.

VÕ DUỆ

(Mậu Tý, 1468- 1522)

Danh sĩ đời Lê Thánh Tông, quê làng Trình Xá, huyện Sơn Vi, tỉnh Sơn Tây.

Năm Canh Tuất 1490 ông đỗ Trạng nguyên lúc 22 tuổi. Ông làm Tham chính ở Hải Dương đến đời Lê Chiêu Tông (1520), ông được phong Trình Ý công thần, Thượng thư bộ Lại, Thiếu bảo, kiêm Đông các đại học sĩ, tước Trình Khê Bá.

Khi ông làm quan, thấy Mạc Đăng Dung giết hại quan Ngự sử Đỗ Nhạc, bức hiếp vua Lê và các đại thần, ông phẫn uất có ý muốn triệt hạ Mạc Đăng Dung để cứu loạn an dân. Nhưng Lê Chiêu Tông hèn yếu, năm 1522 bỏ ngôi chạy vào Thanh Hóa để tránh sự áp đảo của Mạc Đăng Dung. Ông chạy theo vua. Vào đến Thanh Hóa thì nhà vua bị nhóm Trịnh Tuy bức bách đi nơi khác. Ông già yếu không theo kịp, đau xót tự vẫn, chết khoảng cuối năm Nhâm Ngọ 1522, hưởng dương 54 tuổi. Ngô Hoán và Nguyễn Mẫn Đốc cũng tự vẫn chết theo ông.

Nhà Lê Trung Hưng, truy phong ông vào bậc nhất tiết nghĩa, làm Phúc thần thượng đẳng, dựng đền thờ phụng.

LÊ QUANG BÍ

(Giáp Tý 1504- ?)

Còn gọi là Lê Quang Bôn (vì chữ Bí cũng đọc là Bôn, nên có sách chép là Lê Quang Bôn), Văn thần nhà Mạc, tự Thuần Phu, hiệu Hối Trai. Dòng dõi Lê Cảnh Tuân, con Lê Nại, cháu Lê Đỉnh, cháu ngoại Võ Quỳnh, quê làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương.

Năm Bính Tuất 1526 ông đỗ nhị giáp tiến sĩ (hoàng giáp) 22 tuổi, đời Lê Cung Hoàng. Năm 1527 Mạc Đăng Dung đảo chính, ông thành bề tôi nhà Mạc, làm Tả thị lang bộ Hộ.

Năm Mậu Thân 1548, ông đi sứ nhà Minh, bị vua Minh giữ lại không cho về. Suốt 18 năm bị đày ở Trung Quốc, ông vẫn giữ vững tiết tháo, không quị lụy khiến đám quan lại nhà Minh phải cảm phục tài đức. Vì vậy ông được về nước.

Năm Bính Dần 1566, ông về đến nước nhà tóc đã bạc phơ (62 tuổi) khiến cả triều đình đều cảm động, Mạc Mậu Hợp phong ông làm Thượng thư bộ Hộ, tước Mộ Xuyên Hầu. Sau khi mất được truy tặng Thiếu bảo tước Tô Quận Công. Ông là tác giả sách Tư hương vận lục, trong đó có nhiều thơ vịnh sử, về các nhân vật trong thân tộc như: Lê Cảnh Tuân, Lê Nại....

GIÁP HẢI

(Bính Tý, 1516- 1588)

Danh sĩ đời Mạc, tự Tiềm Phu, hiệu Tuyết Trai, quê làng Sinh Kế, huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang (có sách chép làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh [nay là Hà Nội]).

Năm Mậu Tuất 1538, đời Mạc Đăng Doanh, ông đỗ Trạng nguyên, mới 23 tuổi (có sách chép 32 tuổi), đổi tên lại là Trưng nên cũng gọi là Giáp Trưng.

Ông có tiếng về văn thơ, được sĩ phu đương thời trọng vọng. Mỗi khi có việc bang giao với nhà Minh, ông thường lãnh việc đối đáp và thảo văn thư, khiến họ phải nể phục gọi là Giáp Trạng nguyên.

Năm Quý Tỵ 1583, đời Mạc Mậu Hợp, ông làm Thượng thư bộ Lại, tước Luân Quận Công, gia thăng Thiếu bảo. Năm sau, lại được trông coi cả 6 bộ, kiêm Đông các đại học sĩ, coi cả việc Kinh điển.

Năm Bính Tuất 1586 ông nghỉ hưu ở tuổi 70. Sau hai năm (Mậu Tý 1588), đời Mạc Mậu Hợp ông mất, thọ 72 tuổi.

Ông có soạn một bộ Ứng đáp bang giao cũng gọi là Bang giao bị lãm gồm 10 quyển ghi các công văn ngoại giao giữa Việt Nam- Trung Quốc.

PHÙNG KHẮC KHOAN

(Mậu Tý, 1528- 1613)

Danh sĩ đời Lê Thế Tông, hiệu Nghi Trai, tự Hoằng Phu, quê xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây.

Ông vốn cùng mẹ khác cha với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông nổi tiếng thơ văn, chí khí khảng khái, hào hùng. Năm 1550 đang lúc nhà Mạc áp đảo nhà Lê, ông theo Lê Bá Li vào Thanh Hóa phù tá Lê Trung Tông. Ông ra thi, đỗ đầu khoa thi Hương, được bổ làm Ngự doanh ký lục, coi sóc quân Tứ vệ góp sức chiêu dân vào Thanh Hóa lập nghiệp, được thăng chức Lễ khoa cấp sự trung.

Năm Canh Thìn 1580, ông đỗ Nhị giáp tiến sĩ, làm Đô cấp sự trung, một thời gian bị bãi chức, sau lại được triệu dụng phong Hồng lô tự khanh, rồi giữ chức Thị lang bộ Công.

Năm 1579, ông đi sứ nhà Minh. Với khí phách hào hùng, bảo tồn quốc thể, biện bác áp đảo quan lại cao cấp triều Minh, khiến vua Minh cũng phải chấp nhận những lý lẽ ông bênh vực cho nhà Lê. Vì thế ông được phong làm Thượng thư bộ Hộ, bộ Công, tước Mai Lĩnh Hầu, rồi thăng tước Mai Quận Công. Ông là người nhiệt tình xây dựng quê hương, quan tâm đến đời sống dân làng. Tương truyền ông là người đem nghề dệt lụa về cho dân Phùng Xá và đem giống ngô về vùng sông Đáy, tạo nên một nông sản mới tại đây.

Ông mất năm 1613, thọ 85 tuổi. Nhân dân làng Phùng Xá lập đền thờ ông.

NGÔ TRÍ HÒA

(Giáp Tý, 1564- 1625)

Danh thần đời Lê Thái Tông, quê làng Lí Trai, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An.

Năm Nhâm Thìn 1592, ông đỗ hoàng giáp lúc 28 tuổi. Sơ bổ Án sát sứ Sơn Tây, rồi được chúa Trịnh Tùng tri ngộ, vời làm Đô cấp sự lại khoa. Sau thăng Hữu thị lang bộ Hình và ra làm Kí lục ở trấn Thanh Hóa.

Năm Giáp Thìn 1604, về kinh làm Tả thị lang bộ Lại, được phong tước Phú Lộc Bá. Năm 1606 đi sứ nhà Minh, khi về thăng thượng thư bộ hộ, kiêm Tế tửu Quốc tử giám (Mậu Thân 1608). Năm Canh Tuất 1610, được phong tước Phú Xuân Hầu.

Năm Mậu Ngọ 1618, ông dâng bản triều lên chúa Trịnh nêu 6 việc:

1. Xin sửa đức để cầu mệnh trời giúp

2. Răn trị bọn quyền hào để nuôi sức dân

3. Cấm những việc phiền hà để đời sống của dân đỡ khổ.

4. Bớt xa xỉ để không tiêu hao tài sản nhân dân,

5. Dẹp trộm cướp để dân được ở yên,

6. Sửa sang quân chính để bảo vệ sinh mạng của dân.

Năm Quý Hợi 1623, ông có công dẹp loạn ở Sơn Tây, được gia phong Thiếu bảo, phong Hiệp Mưu tá lý dục vân tán trị công thần.

Ông học thuật uyên bác, có tài trị nước an dân, trải phục ba triều, vua chúa đều tín nhiệm, sĩ phu trọng vọng.

Năm Ất Sửu 1625 ông mất, thọ 61 tuổi, được truy tặng Xuân Quận công.

PHẠM CÔNG TRỨ

(Canh Tý,1600- 1675)

Danh sĩ, đời Lê Thần Tông, quê làng Liêm Xuyên, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương.

Năm Mậu Thìn 1628, ông đỗ đồng tiến sĩ, lúc 28 tuổi. Buổi đầu ông làm Hiệu thảo Viện Hàn lâm, Thái thường tự khanh. Năm Mậu Ngọ 1642 ông ra làm Tán lí đạo Sơn Nam cùng với Thượng thư Nguyễn Duy Thể lo việc biên phòng. Do công dẹp an nhóm Trịnh Sầm nổi loạn, ông được vời về triều làm Phó đô ngự sử, tước Khánh Yến Bá, rồi thăng Đô ngự sử.

Năm Đinh Dậu 1657 ông làm Thượng thư bộ Lễ, tước Yên Quận Công, gia Thiếu bảo, kiêm Đại học sĩ Đông các. Sau ông coi sóc Quốc tử giám, rồi đổi làm Thượng thư bộ Lại (1662) và làm Tham tụng ở phủ chúa Trịnh.

Năm Mậu Thân 1668 ông về hưu, được phong Thái bảo, Quốc Lão. Năm Quý Mùi 1675 triều đình lại vời ông ra làm Tể tướng, coi việc cả 6 Bộ. Đến Ất Mão 1765 ông mất, thọ 75 tuổi, truy tặng Thái tể, thụy Kinh Tế.

Ông có sáng tác văn học, nghiên cứu lịch sử. Khoảng năm 1665, ông cùng một nhóm danh sĩ khảo duyệt và tục biên bộ Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên. Bộ sử này ông có soạn thêm từ đời Lê Trang Tông- gồm cả sử nhà Mạc- đến hết đời Lê Thần Tông (1527- 1662).

NGUYỄN QUÝ ĐỨC

(Mậu Tý, 1648- 1720)

Danh sĩ đời Lê Hy Tông, có tên húy là Tộ, tự Thể Nhận, hiệu Đường Hiên, quên làng Thiêm Mễ, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông.

Năm Bính Thìn 1676 ông đỗ thám hoa, năm Canh ngọ 1690 sung chức Chính sứ sang Trung Quốc, khi về làm Tả thị lang bộ Lễ, rồi thăng làm Bồi tụng trong phủ Chúa Trịnh, tước Liêm Đường Bá. Năm 1695 thăng Đô ngự sử, rồi bị phạm lỗi, giáng làm Tả thị lang bộ Binh, nhưng vẫn giữ chức Bồi tụng.

Năm Giáp Ngọ 1714, cùng Đặng Đình Tướng được thăng Thiếu phó, Đinh Dậu 1717 ông về hưu, được gia phong Thái phó, Quốc lão.

Lúc đi sứ với Nguyễn Đình Sách (1690) ông soạn bộ Hoa Châu tập. Ông hợp tác với Lê Hy xem xét và sửa chữa bộ sử cũ, rồi viết nối từ đời Lê Huyền tông đến Gia Tôn (1663- 1675) bổ sung Bộ Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên.

Ông mất năm Canh Tý 1720 thọ 72 tuổi.

NGUYỄN NGHIỄM

(Mậu Tý, 1708- 1775)

Danh thần đời Lê Thuần Tông, tự Hi Tự, hiệu Nghị Hiên, biệt hiệu Hồng Ngự cư sĩ, quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Năm Tân Hợi 1731 ông đỗ Hoàng giáp lúc 23 tuổi (đỗ cử nhân năm 16 tuổi), Làm đến Thượng thư, sung chức Tham tụng, Đại tư đồ. Ông có công đánh dẹp ở nhiều nơi, làm Đại tư không, tước Xuân Quận Công, rồi trí sĩ (1771).

Năm Ất Mùi 1775 ông mất, thọ 67 tuổi, được truy phong Trung đẳng phúc thần.

Ông cùng Ngô Thì Sĩ có làm lời chú và lời bàn trong bộ Đại Việt sử ký bản kỉ tục biên. Ngoài ra, ông còn soạn các tác phẩm: Quân trung liên vịnh; Việt sử bị lãm; Lạng Sơn đoàn thành đồ chí; Xuân đình tạp vịnh.... Nhà thơ Nguyễn Du là con thứ 7 của ông, con trưởng là Nguyễn Khản đã làm đến Tham tụng. Ông có nhiều bài phú rất hay còn được truyền tụng.

PHẠM ĐÌNH HỔ

(Mậu Tý, 1768- 1839)

Danh sĩ, đời Minh Mạng, tự Tùng Niên, Bỉnh Trực, hiệu Đông Dã Triều. Con quan Tham tri Phạm Đình Dư, nên tục gọi là Chiêu Hổ, quê xã Đan Loan, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương.

Ông đọc rộng biết nhiều, nhưng thi không đỗ, lại gặp thời loạn nên muốn ở ẩn. Năm Tân Tỵ 1821 vua Minh Mạng vời ông ra và bổ làm Hành tẩu viện Hàn lâm, ít lâu ông từ chức.

Năm Bính Tuất 1826, Minh Mạng lại triệu và cho làm Thừa chỉ Viện Hàn lâm và Tế tửu Quốc tử giám, nhưng năm sau ông cũng xin nghỉ dưỡng bệnh rồi từ chức. Sau ông trở lại nhận chức vụ cũ, được thăng Thị giảng học sĩ, đến Nhâm Thìn 1832 ông về hưu luôn.

Năm Kỷ Hợi 1839 ông mất, thọ 71 tuổi.

Bình sinh ông cùng Hồ Xuân Hương thường làm thơ bỡn cợt, còn truyền làm giai thoại. Các tác phẩm chính của ông: Lê triều hội điển, Bang giao điển lệ, An Nam chí, Ai Lao sứ trình, Đạt Man quốc địa đồ (tức Chân Lạp địa đồ)...

HOÀNG DIỆU

(Mậu Tý, 1828- 1882)

Chí sĩ yêu nước, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai, quê làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Trước vốn tên Hoàng Kim Tích, sau mới đổi là Hoàng Diệu. Ông sinh ngày 10 tháng 2 năm Mậu Tý 1828, đỗ cử nhân khoa Mậu Thân 1848 và phó bảng khoa Quí Sửu 1853, lúc 25 tuổi.

Sơ bổ Tri huyện Tuy Phước (Bình Định), rồi thăng Tri phủ Tuy Viễn cũng trong tỉnh Bình Định. Sau đó ông phải giáng, đổi về Tri huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ít lâu thăng Tri phủ Lạng Giang (Bắc Giang), Án sát Nam Định, rồi Bố chính Bắc Ninh. Ông nổi tiếng công minh và thanh liêm. Suốt 30 năm làm quan nhiều nơi, cảnh nhà vẫn thanh bạch, nghèo túng.

Năm Đinh Sửu 1877, ông về Huế làm Tham tri bộ HÌnh, qua Tham tri bộ Lại, coi việc Đô sát và dự vào viện Cơ mật. Năm sau, làm Tuần vũ Quảng Nam, rồi Tổng đốc An Tịnh. Chẳng bao lâu ông được triều đình ủy nhiệm chức Phó toàn quyền Đại thần để hiệp thương với sứ bộ Y Pha Nho (Tây Ban Nha).

Canh Thìn 1880, ông làm Tổng đốc Hà Ninh, lãnh chức hàm Thượng thư bộ Binh, gồm coi cả việc thương chính.

Đầu năm Nhâm Ngọ 1882, đại tá Pháp Henri Rivière đem quânn ra cướp miền Bắc. Ông bất bình, chỉ huy quân sĩ quyết liệt đối phó. Trước hỏa lực của quân cướp nước và một số lãnh binh bỏ thành chạy, Hoàng Diệu vào hành cung, thảo tờ di biểu, rồi ra trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử, hưởng dương 50 tuổi.

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ

(Mậu Tý, 1828- 1871)

Chí sĩ, Danh sĩ, Kiến trúc sư, quê làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Gia đình ông theo đạo Thiên Chúa, cha mất sớm, ông theo học chữ Hán với cụ Tú Giai. Năm 1855, nhà thờ xứ Tân Ấp mời ông dạy chữ Hán, từ đó ông học chữ Pháp và Quốc ngữ với các giáo sĩ. Năm 1858 ông sang Pháp. Ba năm sau (1861) ông về nước. người Pháp có ý dùng ông làm tay sai nhưng ông từ chối, quyết định ở ẩn nơi quê nhà. Ông lần lượt gửi lên triều đình nhiều bài điều trần giá trị, đề nghị chính quyền cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục....

Năm Tân Mùi 1871 ông mất hưởng dương 44 tuổi.

Ông để lại hơn 14 bản trần tình khá về quốc kế dân sinh và khá nhiều bài thơ hay được truyền tụng.

HUỲNH THÚC KHÁNG

(Bính Tý, 1876 - 1947)

Chí sĩ, học giả, quê làng Thanh Bình, tổng Tiền Giang Phương, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Năm Canh Tý (1900) ông đỗ Giải Nguyên. Năm giáp Thìn đỗ Hoàng Giáp (năm 28 tuổi). Ông không ra làm quan, mà nhiệt thành lo việc nước, thương dân, kết bạn thâm tình với các chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Chinh, Trần Quý Cáp. Ông bị bắt năm Mậu Thân (1908), bị đầy Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921) mới được thả tự do vì ông là một trong những lãnh đạo phong trào Duy Tân.

LÊ HỒNG PHONG

(Canh Tý, 1900 – 1942)

Sinh năm Canh tý (1900), Nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, quê huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An. Từ tháng 1/1942 ông đã cùng Phạm Hồng Thái hoạt động cách mạng ở Xiêm La rồi sang Trung Quốc tham gia sáng lập Tâm Tâm xã, được Nguyễn Ái Quốc đưa vào học ở trường Hoàng Phố rồi học tiếp trường sỹ quan không quân Liên Xô, Trường Đại học Phương Đông.

Tốt nghiệp đại  học Phương Đông, ông về Trung Quốc bắt liên lạc với tổ chức Đảng trong nước và thành lập Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài.

Tháng 7/1935 ông được cử đi dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7 và được bầu vào Ban chấp hành Quốc Tế Cộng Sản.

Năm 1936 ông đại diện Quốc Tế Cộng Sản bên cạnh Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, đày ra Côn Đảo. Bị thực dân tra tấn dã man, ông đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo ngày 9 tháng 6 năm 1942.

TÔN ĐỨC THẮNG

(Mậu Tý, 1888-1980)

Nhà cách mạng, sinh ngày 20-8-1888 quê xã Mỹ Hòa Hương, tổng Dinh Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, An Giang). Thuở nhỏ ông học ở quê nhà, năm 1906 lên Sài Gòn học nghề tại trường Bách Công rồi làm việc ở sở Ba Son, năm 1913 theo tàu biển sang Pháp làm công nhân ở Tp. Toulon. Cuối năm 1919 ông bị trục xuất khỏi đất Pháp vì ủng hộ cách mạng Nga năm 1917, trở về sống và làm công nhân ở Sài Gòn.

Những năm 1920-1925 ông tham gia lập công hội bí mật ở xưởng đóng tàu Ba Son. Năm 1927 tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Cuối năm 1928 ông bị Pháp bắt nhân vụ án ở đường Barbier Sài Gòn, bị kết án 20 năm khổ sai lưu đày Côn Đảo. Đến ngày 23-9-1945 mới được trả tự do. Về đất liền, ông tiếp tục hoạt động đến tháng 10 năm 1945 thì tham gia Xứ uỷ Nam bộ rồi năm 1946 đắc cử vào Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1951, ông được bầu vào Ban Chấp hành TW Đảng Lao động Việt Nam. Tháng 7 năm 1960 ông giữ chức Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 2-9-1969, đến ngày 23-9-1969 ông được giữ chức Chủ tịch nước cho đến khi từ trần. Ngày 30-3-1980 ông mất tại Hà Nội, thọ 92 tuổi. Do công lao, ông được Đảng, Chính phủ Việt Nam và các nước XHCN tặng nhiều huân chương cao quý.

NGUYỄN TẤT ĐẠT (Nguyễn Sinh Khiêm)

(Mậu Tý, 1888-1950)

Chiến sĩ Văn Thân chống Pháp, còn có tên là Nguyễn Sinh Khiêm, con trai đầu chí sĩ, phó bảng Nguyễn Sinh Huy (Sinh Sắc), anh ruột Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguyễn Tất Thành), quê làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, sinh năm 1888.

Thuở nhỏ ông cùng em ruột theo thân phụ vào Huế học tập. Đến cuối thế kỉ XIX ông về quê tham gia hoạt động chống Pháp trong tổ chức của nhà yêu nước Lê Quyên (Đội Quyên), Hồ Sỹ Phấn (Đội Phấn) nên bị Pháp bắt năm 1941, bị kết án tù đày đi Quảng Ngãi, Khánh Hòa một thời gian dài.

Năm 1920, Pháp chuyển ông về giam tại Huế, đến năm 1940 ông về lại được quê nhà Nam Đàn. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ông vẫn sinh sống tại quê nhà, đến cuối năm 1946 ông mới ra Hà Nội gặp lại người em của mình lúc bấy giờ là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông mất năm 1950 tại Nam Đàn, thọ 62 tuổi.

TÔN QUANG PHIỆT

(Canh Tý, 1900-1973)

Nhà hoạt động cách mạng, nhà nghiên cứu lịch sử, xã hội, quê xã Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An. Thuở nhỏ ông học ở Vinh, năm 1923 ra Hà Nội học ở trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương. Tại đây, ông tham gia vận động tổ chức đảng Phục Việt (sau đổi là Tân Việt, tiền thân của Đông Dương Cộng sản liên đoàn). Ông lãnh nhiệm vụ thành lập tại Hà Nội một chi bộ đầu tiên. Năm 1926, ông đang học năm thứ hai thì bị tình nghi nên bị đuổi học. Tháng 6-1926, ông cùng các ông Trần Phú, Vương Thúc Oánh sang Trung Quốc gặp các nhân vật trong Việt Nam cách mạng Đảng, phái đoàn vừa đến Móng Cái thì bị bắt.

Một thời gian sau, ông được trả tự do, vẫn hoạt động bí mật cho Đảng. Cách mạng Tháng Tám rồi toàn quốc kháng chiến, ông đại biểu Quốc hội, Tổng thư kí uỷ ban thường vụ Quốc hội. Ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương. Ngày 1-12-1973 ông mất tại Hà Nội.

NGUYỄN VĂN CỪ

(Nhâm Tý, 1912-1941)

Liệt sĩ cách mạng, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Sinh ngày 2-7-1912. Quê thôn Cẩm Giàng, xã Đồng Nguyên, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1927, lúc đang đi học tại trường Bưởi, Hà Nội, ông tham gia vào tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Do hoạt động bí mật, ông bị thực dân Pháp đuổi học. Tháng 6-1929, ông được kết nạp vào chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hà Nội. Sau khi thành lập Đảng (3-2-1930), ông làm bí thư đầu tiên Đặc khu Hồng Gai, Uông Bí. Hoạt động ở đây được một thời gian, ông bị Pháp bắt, kết án khổ sai rồi đày ra Côn Đảo.

Năm 1936, ông được trả tự do về sống ở Hà Nội tiếp tục hoạt động bí mật. Tháng 9-1937, ông được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Năm 1938, ông được bầu làm Tổng Bí thư đảng Cộng sản Đông Dương. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình. Ngày 28-8-1941, ông bị thực dân Pháp xử bắn tại Bà Điểm, huyện Hóc Môn (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Tại pháp trường, ông đã kiên quyết xé tấm băng đen bịt mắt và hô lớn: “Cách mạng Đông Dương thành công muôn năm” rồi gục ngã xuống trước làn đạn địch. Ông hi sinh lúc 29 tuổi.

TÔ HIỆU

(Nhâm Tý,1912-1944)

Liệt sĩ cách mạng. Quê làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hải Dương. Tuổi nhỏ ông học chữ Hán, sau học trường Pháp – Việt, Hải Dương rồi học ở Hà Nội. Năm 1929, ông vào Sài Gòn hoạt động cùng anh ruột là Tô Chấn Trung. Năm 1930, ông bị bắt, đày ra Côn Đảo. Tại đây, ông trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1934, ông được trả tự do về hoạt động tại Hà Nội. Năm 1938, ông phụ trách các tỉnh duyên hải Bắc kỳ và là Bí thư thành uỷ Hải Phòng, đến tháng 12 năm 1939, ông bị bắt và đày lên Sơn La. Tại đây ông bị nhiều cực hình, bệnh nặng nên qua đời ngày 7-3-1944, hưởng dương 32 tuổi.

PHẠM HÙNG

(Nhâm Tý,1912-1988)

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-6-1912 tại xã Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Từ năm 1928-1929, ông là thành viên trong tổ chức “Nam kỳ học sinh Liên hiệp hội” và “Thanh niên cộng sản Đoàn”. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, ông bị bắt và kết án tử hình, sau hạ thành án chung thân, khổ sai, đày đi Côn Đảo. Năm 1946, làm Bí thư xứ uỷ lâm thời Nam bộ. Năm 1951, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được chỉ định làm uỷ viên Trung ương cục miền Nam với chức vụ phó bí thư, rồi làm Chủ tịch uỷ ban kháng chiến hành chính, phân liên khu miền Đông Nam bộ năm 1952. Năm 1956, ông được bầu vào uỷ viên Bộ chính trị. Năm 1957 làm Bộ trưởng.

Năm 1975, ông làm chính uỷ bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau, ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1980). Từ tháng 6-1987, ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Ngày 10-3-1988, ông mất đột ngột vì bệnh tim, thọ 76 tuổi. Ông được Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý trong đó có Huân chương Sao Vàng.

NGUYỄN TRỌNG TRÍ (Hàn Mặc Tử)

(Nhâm Tý, 1912-1940)

Nhà thơ, bút danh Hàn Mặc Tử. Ông sinh ngày 12-9-1912 tại Lệ Mỹ (Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Từ năm 1930-1931, ông làm thơ và bắt đầu có tiếng, nhất là một số bài thơ Đường luật như Thức khuya, được Phan Bội Châu khen là họa. Ông mất ngày 11-11-1940, hưởng dương 28 tuổi. Ông còn để lại cho đời nhiều tập thơ xuất sắc.

NGUYỄN TRỌNG NHÂM (Xuân Thuỷ)

(Nhâm Tý, 1912-1985)

Nhà hoạt động cách mạng, nhà thơ, bút danh Xuân Thuỷ. Ông sinh ngày 2-9-1912 tại xã Xuân Phương, Từ Liêm, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Lúc nhỏ, học tại Hà Nội, tham gia các tổ chức yêu nước chống Pháp. Năm 1932, ông tích cực hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương. Ông bị Pháp bắt giam nhiều lần nhưng vẫn đấu tranh trong nhà tù nên được thả tự do. Sau cách mạng tháng 8-1945, ông lần lượt được đề cử giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ. Ông mất ngày 18-6-1985 tại Hà Nội, hưởng thọ 73 tuổi.

PHẠM THƯ (Trần Duy Hưng)

(Nhâm Tý, 1912-1988)

Bác sĩ, nhà hoạt động xã hội, chính trị, tên thật là Phạm Thư, tên thường dùng là Trần Duy Hưng, sinh ngày 16 tháng giêng năm 1912, tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Thuở nhỏ ông học ở Hà Nội, sau đó du học ở Pháp. Tốt nghiệp, ông về nước hành nghề bác sĩ tại TP Hà Nội, từng tham gia hoạt động xã hội trong các tổ chức cứu tế ở Hà Nội.

Sau cách mạng tháng 8-1945, ông được chính quyền nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mời giữ chức Chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của Hà Nội. Năm 1946, ông được đắc cử đại biểu Quốc hội khóa I. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ như: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, uỷ viên nội vụ trong Hội đồng quốc phòng.

Sau hiệp định Gienèver, ông về tiếp quản Hà Nội, vẫn giữ chức Chủ tịch Uỷ ban hành chính và Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội, liên tục từ năm 1957-1977. Ông mất năm 1988, thọ 76 tuổi.

PHẠM QUANG THANH (Phạm Kiệt)

(Nhâm Tý, 1912-1975)

Tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam, từng là đội trưởng đội du kích Ba Tơ. Tư lệnh kiêm chính uỷ lực lượng công an nhân dân vũ trang. Quê xã An Phú, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1929, trong tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Năm 1931 bị Pháp bắt, kết án tù chung thân, đầy lên Buôn Mê Thuật. Sau cách mạng tháng 8-1945, ông hoạt động và được cử giữ chức vụ quan trọng trong Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa III, IV, được thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Ông mất năm 1975, thọ 63 tuổi.

TÔN THẤT TÙNG

(Nhâm Tý,1912-1982)

Bác sĩ y khoa, Anh hùng Lao động. Quê ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thuở nhỏ, ông học ở Huế, Hà Nội, tốt nghiệp Y khoa bác sĩ, làm việc ở các bệnh viện Hà Nội. Sau cách mạng tháng 8-1945, ông được cử làm giám đốc bệnh viện Phủ Doãn, Hà Nội. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm cố vấn phẫu thuật ngành quân y ở Bộ Quốc phòng. Năm 1947, làm thứ trưởng Bộ Y tế. Từ năm 1954, ông là Giám đốc bệnh viện Việt Đức, Giáo sư tại trường Đại học Y khoa Hà Nội. Ông là Đại biểu Quốc hội nhiều khóa liên tục.

Do cống hiến của ông trong lĩnh vực y học, ông được Chính phủ Việt Nam tặng nhiều huân chương cao quý. Ngày 7-5-1982, ông mất tại Hà Nội, thọ 70 tuổi.

*.

ĐỖ ANH TUYẾN

Địa chỉ: Khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê,

huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

Email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn

READ MORE - MỘT SỐ NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM TUỔI TÝ - Đỗ Anh Tuyến