Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, September 11, 2021

ÁNH SÁNG - Truyện ngắn Lê Yên

 

Nhà văn Lê Yên

Văn Án


     Chuông đồng hồ báo thức inh ỏi, một ngày mới với bao nhiêu công việc. Cô hé đôi mắt còn ngái ngủ nhìn theo tia sáng đầu tiên của ngày lọt qua khe cửa thầm nghĩ: “Sáng rồi!” Vươn tay duỗi thẳng người rồi quay sang co lại ôm gối, tiếc giấc ngủ chưa đã mắt. Ánh sáng như thì thầm: “Dậy đi…” Không chút do dự, cô bật ngồi lên, đôi chân trần chạm nền gạch mát lạnh, khiến cô tỉnh ngủ hẳn. Mở rộng cửa sổ, cô đứng đó hít thật sâu hơi thở ngày mới, trong cảm giác tinh khiết và khoan khoái. Khu đất trống không bị những tòa nhà cao tầng che chắn, rộn ràng hẳn lên, gió lao xao từ cành ổi qua mảng cầu, rồi đu đưa từng chiếc lá đu đủ… Không dừng lại ở đó, gió cười đùa réo gọi cả họ nhà rau thơm, cùng lá cây ngọn cỏ. Có đôi chim nhảy lách cách tìm chỗ sắp hàng cạnh mấy nàng hoa hướng dương kiêu hãnh, ngẫng cao đầu đón chào ánh nắng ban mai. Cô nhón chân, muốn chen ra ngoài song cửa và lên tiếng: “Tôi ở đây, cho tôi sắp hàng với. Tôi cũng muốn ánh sáng, thứ ánh sáng mang đến sự sống thượng đế ban tặng. Thật rõ ràng và tốt đẹp...”



   ÁNH SÁNG 

  

   Chiều cao nguyên mây xuống thấp, không khí ẩm, lạnh hơn về cuối ngày. Ông Tư lầm lũi trên con đường đất đỏ dính đầy đôi ủng khiến bước chân ông chậm lại. Vùng đất đỏ Bazan chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng dính bết với nhau, khiến việc đi lại khó khăn. Loại đất màu mỡ này rất phù hợp với nhiều cây nông nghiệp. Trận mưa lớn tối qua làm tơi tả cảnh vật, nước vẫn còn chảy dọc theo rãnh hai bên con đường lớn. Băng qua ngọn đồi với con dốc thăm thẳm, thưa thớt mái nhà, thỉnh thoảng ông dừng lại bê những cục đá và dọn cành cây gãy, miệng lẩm bẩm: “Như thế này đi té chết!”  Dõi tầm mắt xa xa đã thấy ánh sáng vàng hắt ra từ những bóng đèn yếu ớt. Hàng xóm láng giềng của ông, khoảng trên dưới chục mái nhà. Nhìn đồng hồ ông thầm nghĩ: “Mới hơn 5 giờ, tất cả đã mờ nhạt…” Trời sụp tối kéo theo gió đông lạnh lẽo, ông bước vội để kịp còn thấy đường qua con suối cạn, bắc ngang hai thân cây chừng một mét, nước trên mắt cá. Ông nghĩ thầm: “Bước hỏng giò, trật chân như chơi.” Con suối róc rách chảy dưới chân ngọn đồi, nước trong veo thấy cả những viên sỏi nhỏ tận đáy. Vào mùa mưa nước đục hơn, chảy xiết. Đêm nằm nghe tiếng nước dồn dập, tìm nguồn, bất tận…


   Vừa bước chân vào cổng, đàn chó đã chạy ra xoắn lấy ông loẳng ngoẳng. Chúng nhảy chồm lên, đuôi lắc lư mừng rỡ. Lúc đầu chỉ mình con Lu, nuôi cho đêm hôm có tiếng, bây giờ mẹ con nó đầy nhà, thôi thì vườn rộng, ông nuôi hết.


  Ngôi nhà gỗ lâu năm nhẵn bóng, được lợp ngói đỏ, nổi bật giữa màu xanh vườn cà phê rộng. Trước đây chủ cũ lợp bằng giấy dầu, khi mua khu vườn ông đã thay lớp giấy bằng ngói đỏ, trước là khoảng sân đầy những loại hoa lan rừng và cây cảnh trông thật đẹp mắt. 


  Một ao cá trắm cỏ, loại cá chỉ cần nước sạch, thức ăn rau cỏ, dễ nuôi. Ông đắp bờ, đóng cọc, dùng lưới mềm vây quanh, tránh những trận mưa lớn. Một năm hai lần ông vớt cá, làm vệ sinh ao, thả cá mới. Thường thì thương lái đến mua tận nhà, chừa lại một ít biếu bà con lối xóm.


    Vườn rợp bóng, ông thả gà, đêm chúng ngủ trên nhánh cà phê, không cần phải làm chuồng. Khi con gà trống đầu tiên cất tiếng gáy sáng, bắt nhịp cho những gà trống khác, tiếng nổi bật giữa trong veo không gian, phá tan sự yên tĩnh vốn có của thiên nhiên.

  

  Đất đồi thoai thoải, từ nhà này có thể nhìn thấy nhà kia xa xa in hẳn lên nền trời. Những ngôi nhà, chênh vênh trên ngọn đồi, hay lọt thõm giữa màu xanh của lá, ban đêm ánh sáng treo giữa lưng chừng bóng tối, dẫn lối cho người đi đường, dưới bầu trời cao nguyên các vì sao như gần hơn. Không gian đặc quánh sương mù và khí lạnh. Ông gắn bó mảnh đất này chỉ một chữ duyên để rồi với tâm nguyện thương lấy nó đến hết đời.


   Nhìn quanh, không thấy con gái đâu? Ông cất tiếng gọi: “Hạ Lan! Con đâu rồi?” Từ trong nhà tiếng cô gái vọng ra: “Dạ. Con trong này.” Bước vào nhà, ông nhìn thấy Hạ Lan đang lau dọn bàn thờ. “Con để đó cha làm cho!” “Con làm được, cha yên tâm.” Quay lại nhìn ông cười, khuôn mặt cô sáng lên, rạng rỡ. Mái tóc dài, thùy mị ra dáng thiếu nữ, nhìn vào không ai biết con gái ông có bệnh. Đôi mắt đẹp không nhìn thấy ánh sáng, bù vào khiếm khuyết đó Hạ Lan rất thông minh và nhạy bén. “Con thay bình hoa, ngày mai giỗ mẹ.” “Dạ. Con sẽ làm ngay.” Ông nén tiếng thở dài, đã mười mấy năm, ông ngỡ như chuyện hôm qua…

 

   Cơn mưa chiều mù mịt cả không gian. Vô mùa, ngày nào trời cũng mưa, nhưng cơn mưa chiều nay thật đáng lo ngại. Ông quay sang nhìn vợ đang ngồi xoa xoa bụng bầu sắp sanh ra dáng mệt mỏi. Theo dự sanh còn một tháng, thấy vợ nặng nề hơn, không còn vẻ linh hoạt thường ngày nên ông lo lắm. Lấy vợ muộn, lớn tuổi mới có được mụn con này. Mấy hôm nay vợ ông đã chuẩn bị đồ để đi sanh, còn nói với ông: “Em chuẩn bị sẵn, đau bụng đi ngay, mấy ai ngày dự sanh chính xác đâu!” Ông nhìn vẻ nhợt nhạt của vợ mà không yên. Chiều nay cơn mưa khiến ông bồn chồn, một cảm giác bất an làm ông khó chịu. Chợt nghe tiếng rên khẽ, ông quay lại, thấy vợ mặt mày tái mét. “Em đau quá!” “Để anh đưa em đi bệnh viện.” Chân tay ông luống cuống. Bên ngoài mưa vẫn không ngớt…


   Chiếc xe máy, bò  lên con đường dốc trơn trợt dưới cơn mưa xối xả. Vợ ông ngồi sau ôm chặt, thỉnh thoảng níu lấy ông xuýt xoa theo từng cơn đau. Con đường hai cây số như dài hơn. Từ xa đã nhìn thấy cổng bệnh viện thị trấn. Bệnh viện duy nhất vùng cao nguyên này, nên đông bệnh nhân. Đưa vợ vào phòng sanh, ruột gan ông cồn cào. Nhìn vợ quằn quại với cơn đau, ông chỉ biết xoa lưng dỗ dành: “Em cố lên!” Cô hộ lý đến mời ra ngoài, bụng ông bắt đầu đau từng cơn nhấp nhổm, chạy vô chạy ra nhà vệ sinh vẫn không hết. Trời sụp tối, hành lang khoa sản đầy thân nhân đưa người nhà đi sanh. Người đứng, kẻ ngồi chờ đợi, lo lắng. Tiếng máy phát điện chạy rần rần tự dưng khựng lại rồi ngắt điện. Bên ngoài trời mưa chưa dứt, bóng tối phút chốc bao trùm toàn bộ. Sự nhốn nháo, cuống cuồng của nhân viên bệnh viện và người thân bệnh nhân như hỗn loạn. Không biết có sự cố gì ở phòng sanh, người vô ra vội vàng. Ông chắp tay cầu xin cho vợ con được bình yên. Nửa tiếng sau có điện lại, cùng lúc một hộ lý bước ra gọi tên ông. “Có tôi!” “Mời người nhà ký vào biên bản mổ gấp!” Hai chân ông đi không vững theo sau cô hộ lý vào phòng gặp bác sĩ. “Xin Bác sĩ cứu vợ con tôi!” Ông lắp bắp van xin như kinh cầu. Lời Bác sĩ nói bên tai tưởng chừng vọng lại từ hành tinh nào đó xa xôi đau khổ. “Chúng tôi sẽ cố hết sức.” Ông không còn khái niệm thời gian từ khi vợ ông được đưa vào phòng mổ. Mọi giác quan căng ra như muốn xé toạc từng chút cảm xúc. Hai bàn tay nhớp nháp với chất nhờn không còn là mồ hôi, cứ chùi mãi hai bên quần không hết. Bụng ông lại quặn thắt từng cơn. Cảm giác đau nhói lan tỏa toàn thân. Ông không phòng bị với nỗi bất hạnh này nên khi nó đến, ông không có ý chí kháng cự. Sự đau đớn như từng mảnh vỡ thủy tinh cứa vào tim, khi ý nghĩ mất đi vợ con như một tia chớp thoáng qua đầu.


   Cửa phòng mổ xịch mở, ông lao đến vội vàng, lắp bắp: “Vợ con tôi sao rồi Bác sĩ?” “Xin lỗi chúng tôi đã cố hết sức, Chỉ cứu được cháu bé. Kết luận: Sanh khó. Sản phụ băng huyết dẫn đến tử vong.” Ông thét lên đau đớn: “Không thể nào?” Ông khóc trong bất lực, kiệt sức. Bỗng chốc ông gào lên: “Tại sao? Sao các người không mổ lúc bệnh nhân bắt đầu xuất huyết?” “Tại cúp điện? Hay tại sự tắc trách?” Ông không chịu được với suy nghĩ: “Vận mệnh con người được ông trời quyết định, nhưng với lương tâm và trách nhiệm, biết tranh thủ thời gian xử lý, có thể cứu được một mạng người.” Ông từng ra chiến trường, từng giành giật sự sống giữa cái chết, quý từng giọt máu đồng đội. Phải biết tính toán ngay từ đầu sự cho phép xuất huyết. Mạng sống con người vốn quý, cần được ưu tiên. Đó là đạo đức! Thứ ánh sáng dẫn lối cho những việc làm tốt đẹp khác.


   Bốn mươi tuổi ông mới lập gia đình. Cứ nghĩ bình yên cho những bước chân lãng du không còn dậy sóng. Có những thèm muốn khiến đời dang dở, có ước mơ lao vào là rơi xuống tham, sân, si, khổ lụy. Từng bước đi qua… Ông dừng lại để trở về với chân thiện ban đầu. Ông muốn vì tình yêu để có sức mạnh. Muốn là thanh củi cháy sưởi ấm mùa đông, tan đi chính mình. Cuộc đời vẫn lặng yên, chỉ có tâm ông lay động trước nghịch cảnh. Ai cũng có một năng lực khổng lồ bên trong, ta có tận dụng nó hay không mà thôi.


    Giọng nói trong trẻo Hạ Lan vang lên kéo ông về thực tại: “Mời cha dùng cơm.” “Un. Ăn cơm thôi!” “Cha!” “Gì đó?” “Có thương con không?” “Sao con hỏi vậy?”  “Con không giúp gì được cho cha cả.” Ông buông đũa nhìn con gái, sóng mũi cay cay trả lời: “Con giúp cha ăn hết nồi cơm là cha vui rồi.” Ông cười thành tiếng nhưng nghe nghẹn đắng nơi cổ. Gắp thức ăn cho vào chén con gái “Cha thương con nhất nhà, chịu chưa?” “Chịu…!” Hạ Lan dài giọng nhỏng nhẻo. Ông vừa làm cha, vừa làm mẹ một đứa trẻ khuyết tật, với nhiều khó khăn. Ông nuôi dạy con bằng bản năng người cha, dẫn con đi qua nghịch cảnh. Chỉ có chiến thắng nghịch cảnh mới là yếu tố quyết định sự thành bại. Ông cẩn thận từng chút một, sắp xếp mọi thứ hợp lý và không thay đổi cho phù hợp với sinh hoạt của con gái. Ông dạy cho cô những kỷ năng cơ bản để phòng thân, dù thế giới bên ngoài có nguy hiểm thế nào? Ông truyền cho con gái năng lượng lạc quan và tình yêu cuộc sống... Có những chiều mưa bên ly rượu, vết thương cũ âm ỷ đau, ông ngồi nhâm nhi, nhớ hai câu thơ cụ Phan Bội Châu: “Ví thử đường đời bằng phẳng cả/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai” Anh hùng thì đâu tranh hơn thua, được mất. Chỉ cần đi qua được nghịch cảnh. Trong trận chiến cuộc đời ông, con gái là ánh sáng còn lại. Ông đã níu lấy để tiến về phía trước.


   Mùa thu hoạch cà phê, ông trích phần tiền lãi với ý định chữa mắt cho con. Nghĩ thương đứa con gái mồ côi mẹ từ lúc mới lọt lòng, ánh sáng mất dần theo từng ngày lớn lên, nếu không may ông không còn phải biết làm sao? “Con gái!” Ông đau đớn khi chưa thấy sự kết thúc bất hạnh. Niềm đau như giông bão, như bóng tối vây kín tâm tư ông. Giữa muôn trùng tuyệt vọng, con gái là đốm lửa, réo rắt cười sưởi ấm cuộc đời ông, không cho phép mình gục ngã.


   Sáng ông dậy sớm với những động tác thể dục quen thuộc. Sương mù giăng phủ và mặt trời còn úp mặt ngủ vùi phía đông. Con đường đất đỏ trở mình, thỉnh thoảng có người qua lại. “Cha ơi! Con ra vườn nhặt trứng gà.” Tiếng con gái quen thuộc khiến ông yên lòng. Tuy không nhìn thấy nhưng tất cả những công việc vặt trong nhà Hạ Lan đều làm được. Từ lúc còn rất nhỏ ông đã dạy con Tin – yêu! Tin vào bản thân và yêu lấy cuộc đời. Đẹp hơn cho những ngày sống.


   Tiếng con Lu loẳng quẳng ngoài sân… Khách quen nó không sủa. “Anh Tư có nhà không?” “Có chi không cô giáo?” Ông lên tiếng từ trong. “Tui đem cho cha con anh ít trái bơ. Hôm qua trời mưa, gió lớn rụng nhiều, đem chia bà con lối xóm ăn lấy thảo. “Cám ơn cô! Năm nào cha con tui cũng được ăn cây bơ ngon nhất xóm.” “Anh lại khách sáo nữa rồi!”


   Bóng cô giáo xa trên dốc đồi, ông Tư còn nhìn theo người phụ nữ cả đời lam lũ một mình nuôi con. Ông đã từng nhìn theo cô ấy trong những chiều nắng, chiều mưa. Đôi khi ông tự hỏi: “Sức mạnh nào bên trong vóc dáng mảnh mai đó?” Có cô, trẻ con trong xóm được học. Hạ Lan con ông đã làm học trò cô từ khi có trí khôn.


Cho đến một mùa hoa. Dã qùy nở rộ hai bên đường, trên triền đồi. Những bông hoa vàng rực còn đọng sương đêm, lung linh dưới tia nắng mai trong suốt. Mùa mưa qua đi. Trên bầu trời lững thững mây xanh ngập nắng, ông thấy lòng mình rộn rã, vui không tả hết khi nhận được tin con gái có trong danh sách chương trình mổ mắt từ thiện. Ông vô cùng biết ơn những vị ân nhân đã đem ánh sáng đến cho trẻ em bất hạnh.

 

Đêm trước khi con gái lên đường, một mình dưới hiên vắng, bình trà đặc giống tâm tư ông nặng trĩu nỗi lo, cứ thế cuốn lấy nhau. Cơn buồn ngủ bay mất, chỉ còn lại ánh trăng trải vàng qua những ngọn đồi. Ngước lên bầu trời đầy sao ông như thấy mẹ Hạ Lan đang cười nhìn ông nói: “Mình lo nhiều rồi.”  Ông thì thầm với người vợ đã khuất: “Làm sao không lo được. Phù hộ cho con. Mình nhé!” Ông đứng lên, giũ chiếc mền quàng qua vai đã ẩm sương đêm, bước vào nhà, khép cửa, trả lại trăng cho đêm yên tịch.


  Có những con đường hẹp, nhưng là con đường dẫn đến hạnh phúc. Ánh Sáng từ bên trong luôn ấm áp, ngập tràn yêu thương!

                                                                                    Sài Gòn 10/6/ 21

             LÊ YÊN

leyen01203028253@gmail.com

   


READ MORE - ÁNH SÁNG - Truyện ngắn Lê Yên

ÁO TRẮNG NGÀY XƯA ƠI! - Chùm thơ Nguyễn Trung Giang

 


 

Chùm thơ Nguyễn Trung Giang

 

ÁO TRẮNG NGÀY XƯA ƠI!

 

Áo không còn trắng nữa

Xa lắm tuổi học trò

Buâng khuâng mùa phượng nở

Xao xuyến nắng vàng thu

 

Áo trắng dậy mùi hương

Tóc đuôi gà biết đợi

Cây si vừa tập nói

Bát ngát những mùa thương

 

Nhớ nhung từng trang vở

Thương quá tuổi dại khờ

Thầy cô ơi! biền biệt

Bạn bè về nơi mô

 

Áo không còn trắng nữa

Rêu phong lớp áo đời

Giữa hoàng hôn thầm gọi

Áo trắng ngày xưa ơi!

 

 

TÂM TÌNH NGÀY HỌP MẶT

 

Thầy cô ơi! Chúng con hội tụ về đây

Với trái tim nguyên sơ ngày khai giảng

Sách vở mái trường bướm hoa phấn bảng

Áo trắng quần xanh mắt nắng thắp đời

Đẹp vô cùng tuổi mộng Hải Lăng ơi!

Tha thiết quá khung trời ăm ắp nắng

Rộn trong nhau khúc tình ca thầm lặng

Ngày tung tăng hoa nắng rộn sân trường

Từng lời Thầy từng tiếng nói yêu thương

Tình bè bạn tơ vương làn mắt biếc

Ngày xưa ơi! mãi gặm mòn nuối tiếc

Ngỡ thời gian đi biền biệt không về

Giờ trùng phùng ngay giữa đất quê

Ngày họp mặt với  muôn vàn thương mến

Nếp thời gian trắng tóc chiều neo bến

Vẫn chắt lòng xao xuyến gọi tên nhau

 

 

TIẾNG QUÊ HƯƠNG

 

Ở trong lòng đất mẹ

Ủ muôn đời nhau rốn của con

Nên tự bao giờ hai tiếng Trung Đơn

Thành tiếng gọi trong tim len vào máu thịt

Trang cội nguồn một đời không đọc hết

Chở che làng lên biếc ruộng vườn xanh

Lớp lớp người con mưa nắng gập ghềnh

Một lối ngọn ngành đi về đất mẹ

Tự ngàn xưa Trung Đơn là đã thế

Chín xóm dài trầm mặc bức tranh quê

Vàng bông lúa trải dài bao thế hệ

Vĩnh Định, Ô Giang dặm dài dâu bể

Vẫn trong ngấn sông nước vỗ tràng giang

Mái đình xưa ngôi chùa cũ hơi thở nồng nàn

Giữa đất trời trầm mặc nét thâm sâu

Làng Kim Sanh đất cát nhiệm màu

Sông nước an bình

Ngân nga hồi chuông xứ đạo

Phong thổ Phước Điền dịu dàng sắc áo

Khoác lên xóm làng nét đẹp quê hương

Những bình minh vang rộn trống trường

Sớm hạ mù sương chân trần đến lớp

Những địa danh hằn sâu trong ký ức

Người trai làng đạp nước cuối Tiền Môn

Nhớ cô gái cấy bên bờ Phú Nội

Tóc rạ rơm khô

Thương nhau rồi lễ hỏi

Lạnh tàn đông pháo cưới rộn Xóm Cồn

Nhớ lưng mẹ già cúi xuống hoàng hôn

Trời chạng vạng chưa ngừng tay cuốc

Nhớ lối đi xưa lối mòn trơn trợt

Dưới heo may bấc lạnh bước cha già

Mỗi tết về làng xóm nở hoa

Mùa xuân nở trên môi bà bỏm bẻm

Trong mắt chị mắt anh mai đào hò hẹn

Trong tiếng cười tiếng pháo rộn bờ tre

Gio thu về dìu dịu nắng Cồn De

Từng bó mạ theo ghe về Hạ chí

Cầu Ông Lô nước bao giờ cũng thế

Mãi lững lờ như thể đứng chờ ai

Bến Cồn soi cầu Ông Hạp Cồn Đìu

Trang ký ức muôn vàn tên để kể

Lũy tre xanh đã bao lần rướm lệ

Khóc những người con

Nằm lại giữa Cồn Lăng

Đêm Xóm Bia vằng vặc trăng vàng

Cát trắng tràn sông đò phiên mắc cạn

Gác mái chèo khuya thao thức chờ sáng

Đáng cờ quân bôi lọ nghẹ

Bàng bạc trăng mờ

Trong mênh mông dìu dặt tiếng ai hò

Tình câm lặng theo em về Xóm Nổ

Quê hương ơi  

Đêm bão bùng giông tố

Sóng vờn quanh gió giật bốn phương trời

Bể nguồn Hàn mây nước đổ ngàn nơi

Lúa vào chắc chơi nơi làn sóng bạc.

Nước lên cao xóm làng ngơ ngác

Gió mưa vờn lao lác ngọn đèn bay

Tóc chị rối bời cầm cập đôi tay

Tiếng chày đêm cối gạo lứt không đầy

Hương lúa chét bếp lửa ngày rơm lạnh

Gìa Nới ơi...Nước vờn lên cô quạnh

Khắp Càng Phường biển bạc vây quanh

Củi rều trôi về tận Xóm Mưng

Nhà cửa sắn khoai

Dầm mình trong bão táp

Nhưng vẫn mọc lên từ trong bùn đất

Những búp măng đầy đặn tương lai

Những chồi xanh thanh lịch trang đài

Thành nét son tô sắc màu đất mẹ

Những đứa con đi giữa mưa nguồn chớp bể

Một lối đi về

Đất mẹ Trung Đơn

 

N.T.G.

 

READ MORE - ÁO TRẮNG NGÀY XƯA ƠI! - Chùm thơ Nguyễn Trung Giang

MỘT NGÀY KHÔNG QUÊN - Nguyễn Đức Tùng




Ngày thứ ba, 11 tháng 9 năm 2001, khoảng sáu hay bảy giờ sáng, tôi đứng trong phòng cấp cứu của bệnh viện Richmond. Tay tôi cầm cái khay nhỏ có bánh xe chứa dụng cụ, từ buồng bệnh đi dọc theo hành lang đến khu vực y tá. Trên hành lang những chiếc giường do xe cấp cứu đẩy vào nằm la liệt, tôi tự nhủ, sẽ là một ngày bận rộn. Tôi dừng lại, một điều gì đang xảy ra, trên màn vô tuyến truyền hình gắn ở cuối hành lang, nhưng không phải chỉ trên màn hình, mà trong không khí lan toả, trên vẻ mặt mỗi người, y tá và bệnh nhân, nhân viên cứu thương và nhân viên bảo vệ, cảnh sát và bác sĩ, một điều gì tựa như sự nối kết vô hình, một thông điệp sợ hãi lập tức nhận ra. Tôi thấy những ngọn lửa đỏ hừng hực, những đám mây đen, những tro tàn lả tả. Người chạy ngược trên đường, tất tả, hoảng hốt, chạy ngược về phía tôi đứng.
 
Đó là một ngày đẹp, quanh tôi trời mờ sáng, mặt trời rẽ mây đi tới, gió mát lướt qua nhấp nhô đồi vàng óng của rừng phong thu đã. Chuyến bay American Airline 11 đã rời khỏi phi đạo ở phi trường Boston, và tiên liệu sáu giờ sau sẽ đáp xuống Los Angles, thành phố thiên thần. Nhưng nó bỗng đổi hướng, về New York. Nó sẽ mang theo chín mươi ngàn lít xăng, với trọng lượng và tốc độ ghê gớm, lao vào toà tháp đôi World Trade lúc 8 giờ 45 phút. Mười lăm phút sau khi chuyến bay ấy cất cánh, từ một phi trường khác, chiếc United Airline 175 cũng lăn bánh chuẩn bị bay về New York. Trên máy bay, một người đàn bà vừa thắt lại dây lưng an toàn, có lẽ đang nhận ly nước ngọt từ tay người chiêu đãi viên, với chiếc khăn lau miệng và gói bánh kẹo ăn vặt, như thường lệ. Mặc dù đói bụng, cô không vội ăn uống, cô rút từ trong túi áo ra chiếc điện thoại di động và nhắn tin cho đứa con gái mười sáu tuổi đang từ nhà tới trường: “mẹ đã lên máy bay, mọi chuyện tốt đẹp, mẹ nhớ các con”. Con bé có một đứa em trai chín tuổi, khi ấy đang ngồi trên xe hơi của ba nó vì chúng học hai trường khác nhau, con bé muốn đi tới trường một mình, đi bộ, vì gần nhà.
Đó là tất cả những gì còn lại, trong điện thoại của đứa con gái, và trong những gì người lính cứu hỏa tìm được dưới đống gạch đá tro tàn.
 
Nhưng vào lúc ấy, những câu chuyện như thế chưa ai biết cả. Vào lúc ấy, thế giới đứng sững lại, nhân loại bàng hoàng, đồng tử mở lớn, chôn chân xuống, bất động, không tin vào điều mình nhìn thấy. Vào lúc ấy, sự sống dừng lại. Tôi cầm chặt tập bệnh án trong tay, cố không để rơi xuống. Trên chiếc xe mà tôi đang đẩy đi có khay dụng cụ để chuẩn bị truyền tĩnh mạch trung tâm cho một bệnh nhân suy kiệt nhiều ngày, không ăn được do ung thư tụy giai đoạn cuối. Đã lâu không làm thủ thuật lấy central line này, tôi nghĩ tôi cần đến sự giúp đỡ của một đồng nghiệp khác, đang chờ anh ta tới, tên này thường xuyên tới trễ. Trên đầu tôi khói bốc nghi ngút, những người chạy trên đường, đàn ông và đàn bà, người lớn và trẻ con. Nhưng chuyện đó không chỉ xảy ra ở New York. Hình như nó đang xảy ra ở nhiều nơi khác, mọi thứ tin tức lộn xộn, tin tức và tin đồn. Chuyến bay American Airline số 77, chuyến bay thứ ba, rời khỏi phi trường Dulles sớm hơn một lát vẽ đường bay qua nước Mỹ trước khi phi công và người lái phụ bị khống chế bởi bọn không tặc và đổi đường bay, lao xuống Ngũ giác đài. Lúc chín giờ sáng ngày 11 tháng 9, một người đàn ông nhắn tin cho vợ mình từ trên chuyến bay 77 ấy, “em ơi, máy bay của anh bị không tặc”. Đó là tin nhắn cuối cùng.
 
Trên tất cả bốn chuyến bay, mỗi chuyến có bốn hay năm tên không tặc Hồi giáo, trong đó có một được huấn luyện kỹ để lái máy bay phản lực. Chuyến bay United Airline 93 bay về hướng thủ đô Whashinton DC đã bị chệch hướng, do những hành khách dũng cảm đứng lên đương đầu với bọn không tặc, cướp lại phòng lái, và cuối cùng tất cả đã lao xuống một cánh đồng gần thành phố Shankville, Pensylvania lúc 10: 03 AM. Những hành khách anh hùng ấy sẽ được tưởng nhớ, không có cố gắng tuyệt vọng của họ, hàng ngàn người khác đã chết ở khu vực gần Bạch cung hoặc đồi Capitol quốc hội Mỹ, một trong hai đối tượng mà chuyến bay nhắm tới.
 
Tôi nhìn ra ngoài cửa, mặt trời đã lên cao, mây bay đầy trời, mỏng dần như những chiếc khăn lụa trắng. Tôi tưởng tượng mặt đất đầy mùi hương của mùa tường vi muộn, oải hương, thanh cẩm tú, hoàng cẩm tú. Một con ong cuối cùng bay qua. Nhưng những bệnh nhân nhỏ tuổi bị gãy xương của tôi vẫn cứ la hét, những người già lú lẫn ngồi trong xe lăn vẫn rên rỉ, xe cứu thương vẫn tới tấp đổ người vào, dây chuyền nước biển vẫn phải tí tách nhỏ giọt, các y tá chạy đi chạy lại, một Code white, một Code blue được phát trên loa đâu đó nhưng tôi không có thì giờ quan tâm đến. Tôi nhìn bảng phân công trên tường biết là chỉ có ba bác sĩ trực, hai nội trú, và một bác sĩ sản khoa hôm nay, trên tổng số giường ba mươi hai, y tá rất thiếu, nhìn quanh toàn thấy khuôn mặt lạ, những nữ y tá giỏi mà tôi trông cậy biến đâu mất.
 
Tôi nhìn thấy một trong hai tòa tháp đôi sụp đổ, trong khi cái kia vẫn còn. Sau này tôi biết đó là South Tower. Cái thứ hai, North Tower, vẫn còn, một lúc nữa. Tôi nhìn thấy rõ như vậy. Tôi biết chắc rằng tôi nhìn thấy cái thứ hai thủng một lỗ lớn, gọn ghẽ, khói đen phụt ra, khoảng nửa giờ sau bắt đầu lảo đảo ngã xuống. Tôi không nhớ đó là cảnh quay trực tiếp, live, hay quay lại, nhưng nếu quay lại thì cũng gần như ngay lập tức. Lúc đó là bảy hay tám giờ sáng, giờ các y tá đang giao ban ở phòng bên cạnh. Nếu có một cảnh tận thế nào cần được dựng lên trong phim ảnh về sự kết thúc của loài người hay trái đất, hay của vũ trụ, hay sự kết thúc của bất cứ điều gì mà bạn hằng tin, tôi không thấy một thí dụ nào hoàn hảo hơn sự sụp đổ của buổi sáng hôm ấy. Khi mọi người nhìn thấy tòa tháp thứ hai đổ xuống, không ai còn tin rằng đó là tai nạn, cũng không ai tin rằng nó là một vụ không tặc thông thường.
 
Đây là sự tiêu diệt nước Mỹ và nhân loại. Đã có 2,977 người vô tội đủ mọi chủng tộc bị giết, trong đó có 340 lính cứu hỏa và 72 cảnh sát, 25 ngàn người bị thương hay tàn tật, hàng ngàn gia đình đau khổ vì mất cha mất mẹ mất anh em. Kinh tế thế giới đình trệ, nhiều người trong các nước thứ ba mất việc lây, lâm vào cảnh bần cùng, bao nhiêu bất trắc và bất tiện cho người đi lại hàng không, cuộc sống vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn, nhân loại trở nên nghi ngờ nhau, khởi động các âm mưu trong bóng tối, các đầu óc bệnh hoạn, các biên giới dựng lên cao ngất giữa các quốc gia và chủng tộc, giữa các tôn giáo và lòng người.
 
Tôi đã gặp một trí thức trẻ, biện hộ cho cuộc chiến đấu của Taliban, những kẻ thời ấy đứng ngay sau lưng bọn khủng bố, nếu không phải chính họ chủ trương. Kẻ nào đổi giọng trước tội ác và sức mạnh chống lại phụ nữ và trẻ em, chống lại giáo dục, tự do, nhân phẩm, không phải là bạn của chúng ta. Tiêu diệt nước Mỹ không phải chỉ là tiêu diệt nước Mỹ, mà là mở đường cho sự tiêu diệt thế giới văn minh. Không có thỏa hiệp nào giữa một bên là những kẻ khủng bố cực đoan, những người bao che cho chúng hay đầu hàng chúng khắp thế giới, và một bên là nhân loại vô tội. Một lần tôi đến New York sau sự kiện 911, khi mọi thứ còn hoang tàn đổ nát, và một lần khác nhiều năm sau, khi khu tưởng niệm đã xây xong, một khu tưởng niệm theo tôi chưa xứng đáng với sự mất mát và những tấm gương quên mình, cũng như bức tường chiến tranh Việt Nam, chưa xứng đáng, mặc dù vậy cũng tạm thu xếp xong. Cả hai lần, tôi đều có cảm giác lạ lùng khi đăm đăm ngước nhìn bầu trời, không hình dung ra điều gì.
 
Nhiều năm sau nữa, ký ức làm việc trở lại, khi tôi có dịp đi qua hành lang cũ của bệnh viện Richmond, gặp đúng chiếc màn hình mới, gắn trên vị trí ti vi cũ, nhưng lớn hơn, sáng hơn. Tôi đứng đó, buổi sáng mùa thu, nhìn ra cửa sổ, sương mờ trên cỏ bắt đầu tan, và tôi nhớ lại. Tôi đã nhìn thấy những chấm đen li ti liên tiếp rơi từ trên hai tòa nhà, mới đầu tưởng đó là những tàn lửa, về sau nghĩ đó là đám chim tan tác bay đi, nhưng bây giờ thì tôi tin rằng tôi đã nhìn thấy những cái bóng người lao xuống. Tất nhiên không có gì chứng minh tôi đúng, vì các hình ảnh quá xa, tôi chỉ biết một mình thầm tin như thế.
 
Mới đây đọc được một bài báo, không nhớ tác giả, kể chuyện một người quay phim đã bắt được cảnh tượng hai người cầm tay nhau nhảy qua cửa sổ từ trên tầng lầu cao chót vót, tôi suy nghĩ thêm.
Tôi tự hỏi: họ là ai? Không ai biết.
Họ là hai người bạn làm cùng phòng? một cặp tình nhân? một cặp vợ chồng? hay một nhân viên trong giờ làm việc đang ngồi tiếp một người khách hàng mua bảo hiểm của cô?
Dưới sức nóng của địa ngục hàng ngàn độ Celcius, họ đã nhảy qua cửa sổ. Không ai có hy vọng nào sống sót từ độ cao khủng khiếp ấy. Họ không đi tìm sự sống, họ biết rõ điều ấy. Họ quyết định đi tìm cái chết, dẫu là tan tác, trên một mặt đất yêu dấu, tráng nhựa hay cỏ mềm xanh, và vào giây phút ấy họ cầm chặt lấy tay nhau, như một phản ứng tự nhiên, dù đó là người họ đã gặp mỗi ngày nhiều năm nhiều tháng hay những người mới gặp lần đầu, không biết họ tên không quê quán. Họ quyết định mang theo số phận kẻ khác, một con người, trong bàn tay nhỏ bé của mình. Tôi thường nghĩ tới hình ảnh hai bàn tay nắm chặt lấy nhau ấy, trong một giây ngắn ngủi và dài vô hạn.
 
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
  9.11.21

READ MORE - MỘT NGÀY KHÔNG QUÊN - Nguyễn Đức Tùng

CÕI TÌNH THU, HƯƠNG THU – Thơ Tịnh Bình

 
 
            Nhà thơ Tịnh Bình


CÕI TÌNH THU
 
Nhặt trong màu nắng cũ
Chút mơ phai thu vàng
Tìm gì trong gió chớm
Thoáng làn hương chưa tan
 
Miên man miền kỷ niệm
Chiêm bao giấc mơ rời
Nhặt bóng chiều hư ảnh
Mơ hồ tiếng thu rơi
 
Hoang vu loài mây trắng
Bay về đâu cuối trời
Nhánh mưa gầy xao xác
Cuối mùa rụng chơi vơi
 
Gió mỏng tang vạt mỏng
Phơ phất áo thu vàng
Mắt em hình hoa cúc
Cõi tình thu nồng nàn...
 
 
HƯƠNG THU
 
Rụng sen...
Gương hãy còn tươi
Ao quê trơ bóng đợi người tình chung
Vài ba cánh bướm buông lung
Hỏi thăm ả nhện giăng mùng đợi ai ?
 
Nghe gì trong gợn heo may
Hồng treo lủng lẳng gọi bầy chim xa
Ngoài vườn nứt mắt quả na
Gió lay khe khẽ
Vỡ òa hương thu...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - CÕI TÌNH THU, HƯƠNG THU – Thơ Tịnh Bình

HAI TẤM HÌNH NHÂN ÁI VÀ MỘT TÂM HỒN NHƯ HOA SEN NỞ - Châu Thạch



 Cuộc chiến tranh giữa hai miền nam bắc Việt Nam đã đi qua gần nửa thế kỷ. Những tấm hình đầy mỹ thuật của các phóng viên chiến trường, của các nhà nhiếp ảnh kỳ cựu, phản ảnh  nhiều mặt của cuộc chiến đã được công bố, đã được tôn vinh, đã được giải thưởng cũng đã chìm vào dĩ vãng. Thỉnh thoảng những tấm hình ấy được đăng lại như sờ vào vết sẹo của một thời đau thương đến nay vẫn chưa lành hẳn. 

 Thế nhưng, đâu đó trong quần chúng nhân dân, vẫn còn  những tấm ảnh của người không tay nghề, ghi lại rất ấn tượng, một vài  khoảnh khắc nào đó tại một góc nhỏ của cuộc chiến. Những tấm ảnh nầy được giữ âm thầm trong tập lưu ảnh để làm kỷ niệm mà bất kỳ ai, tình cờ nhìn thấy cũng  không thể nào không xúc động. 
 

Tôi đã hận hạnh  nhìn được hai tấm ảnh như thế trên trang facebook của một người bạn, cũng là nhân vật trong ảnh từ nửa thế kỷ trước. Hôm nay muốn dùng hai tấm ảnh nầy làm tư liệu để kể về một nhân cách đẹp như đóa hoa sen vươn lên từ bùn.
 
 Hai tấm ảnh dưới đây ghi lại hình ảnh một cô bé còn rất trẻ tuổi, hình như còn vị thành niên, đã lao vào cuộc chiến không phải để bắn giết nhau mà để hàn gắn vết thương chiến tranh trên thịt da những người dân vô tội.
 
Tấm ảnh thứ nhất cô bé đang bồng lên một đứa trẻ chỉ còn da bộc xương trên tay. Đứa trẻ bị cháy bởi xăng bột trong một trận đụng độ bắn giết mà dân lành bị mắc kẹt trong chiến trận. Tấm ảnh thứ hai cô bé đang băng bó vết thương cho một cụ già cũng chỉ thấy xương sườn trên bộ ngực xẹp lép của cụ. Cụ cũng bị thương vì bom rơi đạn lạc. Điều đáng nói là ở thời điểm nầy, cô bé không phải là y tá, nhưng đã tự nguyện lao vào làm công việc của một thiên thần áo trắng, không ngại cực nhọc, không kể máu mủ tanh hôi, với khuôn mặt hiện rõ nét thơ ngây và quê mùa còn đọng trên tấm ảnh đã phai màu, ta thấy được hoàn toàn biểu tượng của một thứ tình nhân ái, chơn chất và trong sáng đến vô cùng! 
 
Vâng, tôi biết cô bé nầy, cô bé tên là Bê, sinh ra tại một miền nông thôn tỉnh Bình Định, nhà rất nghèo, cha chết sớm, tuổi trẻ của cô trải qua mọi gian lao và bất hạnh bởi cái nghèo đem đến. Mười ba tuổi Bê vẫn chưa có quần để mặc, chưa đi học một ngày, nhưng tâm hồn vẫn vô tư vui chơi kéo mo cau, mút cà rem, trèo cây, lội nước bắt cá cùng một người con trai hơn cô mấy tuổi. Chàng trai yêu Bê tự nhiên và thầm lặng mà Bê không hề biết.  Đến một ngày chiến tranh lan đến quê mình, không sống nổi ở đó, Bê rời quê đi tìm việc ở một miền xa xôi đất đỏ Quảng Nam, thì chàng trai cũng chỉ buồn buồn đứng dưới hàng tre, nhìn theo và nói với theo một câu chúc tụng. Khi Bê thành thiếu nữ, hiểu biết được mối tình đầu đời sâu đậm kia. thì chàng trai đã thành tử sĩ, chết trong cuộc chiến. Nàng chỉ thăm được mộ chàng mấy chục năm sau, khi cuộc chiến đã lùi xa. 
 
Mười bốn tuổi (1968) Bê rời quê, đến miền “An Hòa đất đỏ, mưa bùn, nắng bụi mịt mù” tại huyện Dục Đức (nay là huyện Quế Sơn) tỉnh Quảng Nam như Bê viết trong hồi ký của mình. Tại dây cô bé xin vào làm tạp vụ cho bệnh viện Việt Đức, một bệnh  viện của người Đức chuyên cứu chữa cho đồng bào cơ cực  và nạn nhân chiến tranh. Với bản tính chất phác, năng nổ, ham việc, lòng thương người và sự thông minh của mình, Bê đã lao vào phụ giúp bác sĩ, y tá, sai đâu làm nấy, cô bé dần dần thành thạo công việc như một y tá học nghề. 
 
Từ đó, người Đức thương yêu Bê, họ dạy cho Bê học tiếng nước Đức, dạy cho Bê học chữ nước Đức khi cô còn chưa viết được một chữ quốc ngữ nào. Thế rồi, Bê như một cánh hoa sen từ bùn vươn lên, khoe vẻ đẹp, tỏa hương thơm cho một vùng mặt nước. Bê được đưa qua nước người tu học, trở thành một y tá, trở về nước phục vụ nghề từ mẫu bằng cái tên mới của mình: Nguyễn Thị Ngọc Diệp.
 
Cuộc đời cô y tá Diệp không dừng gian khó tại đây. Cuộc biến  động của đất nước năm 1975  cũng là cuộc biến động  của đời cô. Người  thiếu phụ Nguyễn Thị Ngọc Diệp lại tiếp tục bị vùi dập bởi biết bao bão táp trên cuộc đời mình.  Tuy thế, trong mọi hoàn cảnh, con bé Bê  hay y tá Diệp, hay người mẹ tá túc vỉa hè khổ cực để thăm chồng tù tội, nuôi con thơ dại, con người ấy vẫn  như cây tùng đứng trước bão táp, kiên trì, nhẫn nhịn, chịu đựng, cương trực, nhân ái,  mỗi ngày mỗi lớn lên giữa xã hội về đời sống và phẩm giá của mình.
 
Nguyễn Thị Ngọc Diệp viết lại từng đoạn  hồi ký đời mình, đăng trên  facebook tại  trang To Doan, đã làm cho không biết bao người rơi lệ, từ người trí thức đến người bình dân, từ người trẻ tuổi đến người già. Họ rơi lệ không phải  chỉ vì những gian khó mà một đời con Bê gánh chịu, mà còn vì cảm phục trước lòng nhân ái, trước sức mạnh tinh thần mà con Bê thắp sáng cho đời mình và cho những kẻ chung quanh. Đầu năm 2020, Nguyễn Thị Ngọc Diệp đã xuất bản tập hồi ký của mình với tựa đề là “Chuyện Đời tôi”. Sách chưa được biết đến nhiều vì tác giả chỉ dùng để tặng bạn bè mà thôi. Hy vọng một ngày rất gần “Chuyện Đời Tôi” sẽ được phổ biến khắp nơi.  
 
Trong khuôn khổ bài nầy, người viết chỉ có mục đích giới thiệu hai tấm ảnh độc đáo, ghi lại góc cạnh của chiến tranh, của tình người trong tâm hồn một cô bé nông thôn nghèo và chất phác năm xưa.
                                                   
Châu Thạch

READ MORE - HAI TẤM HÌNH NHÂN ÁI VÀ MỘT TÂM HỒN NHƯ HOA SEN NỞ - Châu Thạch