Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, October 5, 2016

AI LÀ MỘT TRƯƠNG? / Phiếm luận của Chu Vương Miện.


Tác giả Chu Vương Miện

AI LÀ MỘT TRƯƠNG?
Vĩ Văn * Chu Vương Miện
Nay cũng hơi hưỡn, ở không, chúng tôi lại xin được trở lại vấn đề “Một Trương” mà nhà thơ tiền chiến Phan Khắc Khoan đã có lần đề cập tới, nhưng chỉ chút đỉnh là ngưng ngay tức khắc. Tôi tính hay thắc mắc nên dò dẫm xem là Mr “Một Trương” là vị cao nhân xứ nào?
Nói tới thời nhà Đông Tây Châu xứ Ba Tàu có tới 1000 nước nhỏ, thuộc loại chư hầu, là nước trực tiếp với đại quốc nhà Châu, còn những nước thuộc loại phụ dụng như nước Ngô, nước Việt thì Ngô thuộc Tề và Việt thuộc Sở, đánh nhau ròng rã cả 1000 năm. Sau đến thời Xuân Thu thì còn vài trăm mà thôi và đến thời Chiếc Quốc thì còn bẩy trự. Sau đó nhà Tần nuốt trọn thống nhất Chung Quốc, thu gom về thành một mối. Nếu ông “Một Trương” mà xuất hiện vào thời kỳ này chắc chết mất xác, đàn địch cái nỗi gì? Sau đó thì sách báo bị Tần Thủy Hoàng mang đốt hết, vì mấy năm đó thời tiết lạnh kinh khủng, tuyết rơi cả ngày đêm, đốt hết mọi thứ mà dân chúng bá tánh không ấm. Thôi thì trong lúc lâm nguy cứu rét, nhà nào có sách vở thơ văn tiểu thuyết chi đó thì cứ mang ra mà đốt để sưởi cho ấm, mai mốt không rét nữa thì chúng ta tha hồ mà viết sách làm báo, thành ra nếu có vị nhạc sĩ nào chơi hồ cầm thuộc vào danh sư thì cũng chả ai mà biết tới, loạn lạc liên miên, chỉ có thời nhà Đại Đường là thơ phát triển, hy vọng có Mr “Một Trương”, nhưng vào giai đoạn “Giữa Đường” (tức là thời Trung Đường) thì Tiết Độ Sứ An Lộc Sơn ở không cũng buồn, bèn nổi loạn, giết bá tánh, dân số Nhà Đại Đường chỉ còn một nửa. Chắc vị “Một Trương” nếu có thì cũng thác trong giai đoạn tai bay vạ gió này?
Qua thời kỳ Tống Nguyên, dân số Ba Tàu khoảng 200 triệu, dân Mông Cổ (tức là Nguyên Chủ) ra lệnh cho toàn quân được quyền giết dân Ba Tàu tự do, nên sau 90 năm cai trị, nhà Nguyên đi đoong, Chu Nguyên Chương lên làm vua nhà Đại Minh cho kiểm tra dân số, thì lúc đó dân Ba Tàu chỉ còn 65 triệu, phần còn lại thì phiêu diêu miền cực lạc hết trọi, chắc là trong thời kỳ nhà Mông Cổ Mông Đít cai trị không có tiên sinh.
Sách báo tham khảo thì không có. Tư liệu, công liệu, tài liệu thì cũng không, chả lẽ bó tay? Thế là tôi lên đường “một chắc” bằng hai bàn tay không.
Trước khi đi vào thẳng vấn đề, chúng tôi xin vòng vo ra ngoài lề một chút, bản thân gia đình chúng tôi ở tỉnh Quảng Yên (trước là Quảng An Châu) rồi là Hồng Quảng, rồi là Quảng Ninh bây giờ là Hạ Long. 1/3 tỉnh này có Châu Vạn Ninh (tức là Móng Cái) là vủng đất tiếp giáp với Quận Đông Hưng (Tông Hưng) của tỉnh Quảng Tây, đất này ngày thời nhà Đại Lý của ta cho dân Nùng (bộ hạ của quốc vương Nùng Trí Cao đánh nhau với nhà Tống bị thua tạm trú) y như thời nhà Nguyễn cho di thần nhà Minh định cư ở Miền Nam vậy. Muốn tìm ra ngọn nguồn của Mr “Một Trương” mà tìm trong tư liệu thì đến tết Congo cũng chưa chắc tìm ra manh mối, mà phải nói cái chuyện tiếng Ba Tàu.
Dân Nùng là dân thuộc tỉnh Quảng Đông, nhưng định cư ở đất Việt Nam sát nách ngay biên giới tỉnh Quảng Tây (tức Quảng Si). Tuy ở đâu thì người Nùng cũng nói giọng và tiếng Quảng Đông (pha chút tiếng địa phương) và người Ba Tàu vốn là dân đa văn hóa nói sao cũng hiểu được, ví dụ:
Về nhà ăn cơm: “Xực phàn pán nhể”.
Nguyên chữ là: “Xực phàn hồi gia”.
Dịch nghĩa là: “Ăn cơm về nhà”.
Hiểu theo chữ Việt là “Về nhà ăn cơm”.
Nhưng người Ba Tàu thì “pán nhể” hay “pán sẻ” cũng có nghĩa là “về nhà”, mà “xực phàn”, “xực phan” hay “xực phạn” cũng đều có nghĩa là ăn. Chữ “hành”, chữ “hàng”, chữ “hãng” đều là một chữ, tùy theo nó đi với ai mà thành ra “ngân hàng”, “bộ hành”, “hãng xưởng”.
Trở lại truyện Kim Vân Kiều của Tố Như tiên sinh, chúng tôi nhận ra như sau khi tả về anh hùng Từ Hải:
-Gươm đàn nửa gánh giang sơn một chèo.
Có nghĩa là khi đi đâu, trên vai của anh hùng Từ Hải có vác một thanh gươm, có bao gươm đàng hoàng, trên bao thanh gươm eó treo một cái đầu quang, trong cái quang có một cái thúng đựng một cây đàn, chưa biết là cây đàn gì. Tay còn lại là cầm một cái bơi chèo. Cướp ở bên BaTàu cũng chia ra nhiều loại, ở trên núi là sơn tặc, mạn dưới sông dưới biển là thủy tặc, hay thủy khấu, còn giặc lở Lương Sơn Bạc thì vừa núi vừa sông, muốn kêu sao cũng được. Nhìn qua bộ dạng của tướng cướp Từ Hải thì phải nhận ngay ra rằng ông thuộc vào loại thuỷ tặc (giặc ở dươi nước), vì trong tay thủ sẵn một cái “bơi chèo”. Không rõ khi chưa xuống nước hành sự nghề thủy khấu thì trên cạn tiên sinh dùng thứ vũ khí gì? Theo sự suy đoán riêng của chúng tôi thì lúc đó Từ Hải dùng một ngọn côn dài 6 thước Tàu, bằng 2 thước Tây, làm vũ khí tùy thân, Côn hay gậy hay trượng là một loại vũ khí gọi thì khác nhưng chỉ là một thứ, có khi bằng gỗ, có khi bằng sắt. Các vị đại sư thì gọi nó là thuyền trượng như trường hợp của Lỗ Đề Hạt, hoặc thêm cái ngù đầu con rồng ở trên của Kim Hoa bà bà thì là long trượng, của Dương Quá thì là thiết huyền trượng, nói nôm na là chiếc gậy.
Tiếng Ba Tàu thì chữ Trưởng (lớn), chữ Trường (dài) cũng chỉ là một chữ, thành ra Trương, Trượng, cũng chỉ là một chữ mà thôi. Khi làm sơn tặc (tức giặc trên núi) thì anh hùng Từ Hải dùng tay cầm trượng, gọi là “Một Trượng”. Trượng này trung bình nặng từ 50 ký lô trở lên, không ai hai tay cầm hai trượng. "Một Trượng" hay "Một Trương" giống y nhau. Sau khi chuyển địa bàn làm ăn từ núi xuống nước thì dẹp trượng mà dùng bơi chèo, tức “Một Chèo” nhưng thiên hạ quen gọi Từ Hải là “Một Trượng” hay “Một Trương” nó quen miệng rồi, mặc dù bây giờ người anh hùng đã chuyển vũ khí chuyên dùng là chèo. Giang sơn một chèo.
Các bậc thức giả, ngủ giả có vị nào cần dậy bảo xin email về địa chỉ sau: chuvmien@yahoo.com.
READ MORE - AI LÀ MỘT TRƯƠNG? / Phiếm luận của Chu Vương Miện.

THƠ SINH TÔI RA / thơ Phan Nam

Tác giả Phan Nam


THƠ SINH TÔI RA

trong vùng sáng hắt hiu của ngọn đèn dầu
mẹ sinh tôi ra
mẹ sinh tôi ra
vuông đất ngày xưa
chỉ còn bếp lửa
từ mái tranh dặt dìu tiếng hát à ơi
“gió đưa cây cải về trời
rau răm ở lại chịu đời đắng cay” (*)
từ chiếc võng hứng gió triền đồi
bàn tay của mẹ
bàn tay của cha
như vết rạn ngày mùa
như giông bão quê nhà
qua bao trận khát cháy mồ hôi
qua bao lần chạy ăn từng bữa
bữa đói bữa no
bữa nước lèo bữa muối mè
bữa cá đồng bữa mắm kho
bữa khoai bữa sắn
bữa nước cháo bữa cơm trắng
cứ quấn vào đôi mắt mẹ cha

mẹ sinh tôi ra
mái tranh còn rụng nơi đầu ngõ
búp chè đã vươn qua nửa người
cánh đồng lúa chen trong cỏ
lửa đạn còn va vấp bàn chân
không thuốc trừ sâu
không tăng trưởng không chai lọ
khi chum mắm thơm lúc nhúc dòi
nuôi lớn những phận người nhỏ nhoi
tôi về đây
khi mẹ sinh tôi ra
khi thơ sinh tôi ra
con đường vẫn mãi là con đường
dù xói mòn hay bê tông
dù đá chởm hay sắt thép
tâm hồn vẫn chảy ngang lưng suối lưng đèo
trên từng câu nói bâng quơ...

(*) Ca dao.

PHAN NAM


READ MORE - THƠ SINH TÔI RA / thơ Phan Nam

SỰ THẬT KHÔNG THỂ KHÁC / thơ Trúc Thanh Tâm

Tác giả Trúc Thanh Tâm


SỰ THẬT KHÔNG THỂ KHÁC 

 Khi trái đất ngày càng thêm nhiễm độc
 Sự yên bình bị đe dọa triền miên
 Sông cạn nước và để rồi biển chết
 Rừng núi đau ra tới cả bưng biền

 Thời gian chẳng đợi chờ ai cả
 Xin chớ nằm mơ chuyện kiếp mai
 Nghìn xưa cứ ngỡ nghìn sau tới
 Trong tiếng cười giòn buổi sáng nay

 Nghe trong nắng ấm hương của đất
 Cỏ mềm sao cứ vướng bước chân
 Dường như ai đó vừa rơi lệ
 Đau nhói tim ta những giọt thầm

 Quê hương mình mỗi nơi mỗi khác
 Đi hoài chưa giáp một vòng xoay
 Mở to đôi mắt chưa thấy hết
 Đừng bao giờ thề thốt với ai

 Và, có lúc lòng ta tự hỏi
 Mình bước lên hay thả dốc cuộc đời 
 Khi đang được sống trên giả dối
 Nhưng, chết là sự thật, em ơi!

 TRÚC THANH TÂM
(Châu Đốc)  
READ MORE - SỰ THẬT KHÔNG THỂ KHÁC / thơ Trúc Thanh Tâm

GỬI EM SÀI GÒN - Thơ - Ngọc Hùng





GỬI EM SÀI GÒN

Sài Gòn hôm nay mưa hay nắng
Em đi về trong nắng hay trong mưa?
Nắng Sài Gòn em đã quen chưa
Mưa phố có còn làm em xao động?

Anh vẫn mong nắng Sài Gòn hào phóng
Đủ ấm lòng người dấn bước ly hương
Không quắt quay, quang hóa, hanh bụi đường *  
Em bẳn chật: kính, khẩu trang, váy nắng!

Anh vẫn mong Sài Gòn mưa rào, ngắn
Đủ mát con đường em xa xứ lập thân
Không lê thê, cầm chỉnh đổ vũ vần
Em ngơ ngác đắm chìm trên sông phố…

Từ em đi thu vàng ơi, mấy độ
Đèn Sài Gòn xanh đỏ chắc thành quê?
Anh vẫn hỏi hoài chuyện mưa nắng nghô nghê
Nhớ cái dẫu môi: Nói hoài. Thôi mệt quá!

Anh vẫn nhớ Sài Gòn xưa em ạ
Chưa có … ninja, sông chảy trong thành,
Khói bụi, ngập tràn, đường tắt quẩn quanh
Còn mưa giai điệu và có thơ ươm nắng

Em mơ mộng cả một thời áo trắng
Để bây giờ ướt lạnh giữa Sài Gòn
Nghe áp cao, triều cường… lòng có lênh loang
Có nước mắt trong nước mưa, nước ngập?..

…Mưa nhỏ thôi, hỡi những ngày áp thấp
Để em tôi còn lưu luyến với Sài Gòn
Để tôi mãi còn câu hỏi đa đoan:
Phồn hoa ơi, em đi về mưa hay nắng?!

Hiện diện trong trận mưa 26/9/2016; viết xong 4/10/2016.     
NGỌC HÙNG
*quang hóa:  hiện tượng thời tiết  nắng sương do bụi.


READ MORE - GỬI EM SÀI GÒN - Thơ - Ngọc Hùng

CHỦ NHẬT / thơ Phạm Hòa Việt


Tác giả Phạm Hòa Việt


CHỦ NHẬT

Sáng

Chủ nhật trời yên gió lặng
Im nhìn mây trắng chuyển mùa
Hoa cười khoe sắc trong nắng
Em ngồi khoác áo vàng khua...

Bướm đùa mắt em bừng sáng
Tình xưa lãng đãng hoa mua
Em như thiếu thời xa vắng
Đâu còn nặng bước chiều đưa...

Không còn dấu chân lãng mạn
Hoa xuân chạng vạng thu tàn
Cúc vàng nắng tràn nở rộ
Tình yêu không có thời gian...

Chiều nay mưa sẽ rơi rơi
Trái tim ai nói nên lời
Quê hương trải đầy nhung lụa
Lòng ai thổn thức chơi vơi...

Chiều

Chiều nay mưa rơi mênh mông
Trấn Biên phố biến thành sông
Thuyền ai tấp vào chợ vắng
Ngàn xe trôi nổi bềnh bồng...

Chiều nay em đi trong mưa
Bước chân vũ điệu cành tơ
Tóc huyền hoà trong trời nước
Khóc chi áo ướt giao mùa...

Phạm Hoà Việt  
READ MORE - CHỦ NHẬT / thơ Phạm Hòa Việt

CHÉN RƯỢU VU QUY / thơ Nguyễn Thị Giáng Châu



Tác giả Nguyễn Thị Giáng Châu


Nguyễn Thị Giáng Châu

Chén Rượu Vu Quy


Ngày em khoác áo vu quy
Tay nâng chén rượu xuân thì nhắp môi
Lòng vui mở hội rạng ngời
Vân vê tà áo trao lời trăm năm

Hồn lên cung bậc thanh xuân
Gót hài rơi nhẹ nhịp tình ca dao
Em đi nắng gọi hoa chào
Bàn chân nghe chạm lối vào Thiên Thai


Dè đâu nắng sớm mưa trưa
Hồng nhan bạc phận chẳng chừa một ai
Xót đau thay tấm hình hài
Oằn vai em gánh dặm dài áo cơm

Buồn nào chẳng thể buồn hơn
Trăng khuya nửa giấc cứ vờn chiêm bao
Ngoài hiên lá rụng lao xao
Lòng em thấm đẫm lệ trào ướt mi

Đường trần lầm lũi em đi
Bên bờ định mệnh chờ khi rũ tàn
Óc tim nghe đã rỗng rang
Hồn em đi giữa hai hàng nến giăng

NTGC         
(Gò Vấp)  
chau16873@gmail.com
READ MORE - CHÉN RƯỢU VU QUY / thơ Nguyễn Thị Giáng Châu