Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, September 10, 2014

NHỮNG VÌ SAO - Nguyễn Tường




NHỮNG VÌ SAO
(Lời thuật chuyện của một gã chăn cừu)
Tác giả: ALPHONSE DAUDET
Bản dịch văn xuôi: TRÚC HUY
Chuyển thành văn vần: NGUYỄN TƯỜNG

Trong thời gian tôi đi chăn cừu
trên vùng sườn núi Luberon,
có khi liên tiếp suốt mấy tuần
tôi không thấy một người lui tới,
chỉ thui thủi một mình tôi với
con chó Labri và đàn cừu.
Thỉnh thoảng cũng có một thầy tu
sống ẩn dật ở vùng núi Ure
đi qua đây kiếm loài dược thảo
hoặc thấy nét mặt các thợ mỏ
đầy bụi bặm xứ Piémont,
nhưng họ là những người làm công,
người chất phác, lầm lì quen thói,
sống cô đơn quen nên ít nói,
và hơn nữa họ chẳng biết gì,
về những chuyện bàn tán dưới kia.
Vì thế cứ khoảng chừng nửa tháng,
khi nghe tiếng lục lạc văng vẳng
từ chỗ đường mòn dưới núi lên
của con la nông trại vùng bên
mang lương thực cho tôi đến hẹn,
rồi tôi thấy dần dần xuất hiện
bộ mặt thằng nhỏ miarro
hay chiếc khăn hung đỏ trùm đầu
của thím già Norade giúp việc,
là lòng tôi sướng vui muốn chết.
Tôi yêu cầu họ kể cho nghe
về những chuyện dưới đồng bằng kia,
những buổi lễ nhà thờ rửa tội,
những đám cưới, đám hỏi, lễ hội...
Nhưng điều tôi thích nhất vẫn là
tin tức về cô gái chủ nhà,
vị tiểu thư Stéphanette,
nổi tiếng toàn vùng về sắc đẹp.
Cố làm như chẳng mấy quan tâm,
thỉnh thoảng tôi buông lời hỏi thăm
nàng có thường hay đi dạ hội,
có chăng nhiều chàng đang đeo đuổi.
Và nếu ai hỏi lợi ích chăng 
cho cái thân phận kẻ nghèo nàn
của một tên chăn cừu miền núi,
thì tôi rằng tôi hai mươi tuổi 
với tôi Stéphanette là người 
thiếu nữ đẹp nhất trên trần đời.

Thế rồi, một hôm Chủ nhật nọ,
tôi chờ lương thực cho đợt đó,
nhưng sao lần này chưa thấy ai.
Từ sáng, tôi nghĩ bụng thế này:
"Có lẽ nhà thờ đang lễ lớn."
Đến trưa, một trận mưa đổ xuống,
tôi lại cho rằng bởi đường trơn,
nên con la chưa thể lên đường.
Mãi đến ba giờ chiều, mưa tạnh,
trời quang đảng, sườn núi lấp lánh
nước mưa và ánh sáng mặt trời.
Tôi nghe trong tiếng giọt nước rơi
trên cành lá và róc rách suối
sau cơn lũ ào ào chảy vội,
tiếng lục lạc leng keng con la,
ôi vui tươi nghe cứ như là
tiếng chuông Lễ Phục Sinh tuôn đổ. 
Nhưng không phải lần này thằng nhỏ,
cũng chẳng phải thím Norade già.
Bạn thử đoán là ai không à?
Chính vị tiểu thư của tôi đấy!
Stéphanette đích thân đến vậy.
Nàng ngồi ngay ngắn trên lưng la,
má hồng vì khí núi thổi qua
và gió sau cơn mưa dịu mát,
giữa những chiếc giỏ mây nâu nhạt.

Thằng nhỏ đang bị bệnh hôm qua,
còn thím Norade về thăm nhà.
Nàng Stéphanette xinh đẹp tuyệt
vừa trên lưng la xuống cho biết.
Nàng còn nói thêm vì lạc đường
cho nên không thể đến sớm hơn.
Nhưng trông nàng ăn mặc đẹp đẽ, 
trên đầu kết băng hoa gọn ghẽ
và chiếc váy thêu đăng ten hồng,
tôi thấy nàng có vẻ vừa xong
một buổi dạ vũ vui nào đó
hơn là đã dọ dẫm trên cỏ
đi tìm đường nên chậm đến đây.
Ôi, người đâu xinh đẹp thế này!
Tôi đắm nhìn nàng không rời mắt.
Thật tình nói chưa hề được gặp
hoặc thấy nàng gần sát thế này.
Mùa đông, khi cừu đã lùa bầy,
tôi về nông trại dùng cơm tối,
thỉnh thoảng thấy nàng ngang qua vội,
chẳng mấy khi dừng lại chuyện trò
với kể ăn người ở bao giờ,
luôn trang điểm kiêu kỳ đúng mực....
Thế mà bây giờ tôi diễm phúc 
có nàng đứng ngay trước mặt tôi,
và chỉ có một mình tôi thôi,
vậy sao tôi không bối rối chứ?

Sau khi lấy đồ ăn các thứ,
nàng bắt đầu đưa mắt rảo quanh.
Nàng vén nhẹ chiếc váy mỏng tênh
để khỏi lấm, bước vào xem thử 
chỗ góc lán hàng đêm tôi ngủ,
tấm da cừu và chiếc ổ rơm,
cái áo choàng rộng móc trên tường,
chiếc gậy và cây súng bắn đá ...
Các thứ ấy làm nàng thấy lạ.

- Thì ra chỗ ngủ có vậy thôi,
anh mục đồng tội nghiệp của tôi! 
Sống một mình chắc buồn lắm nhỉ?
Thường làm gì? Có hay suy nghĩ? 

Tôi muốn nói, "Chỉ nhớ cô thôi,
thưa cô chủ đáng quý của tôi."
Phải như thế mới là trung thực,
nhưng bối rối tôi không nghĩ được
phải nói với cô những lời nào.
Tôi tin chắc nàng hiểu tại sao,
nhưng cô nàng quả là tinh nghịch
lại lấy đó làm điều vui thích
và cố tình trêu chọc hỏi tôi:

- Thế anh mục đồng của tôi ơi
cô bạn gái thân của anh đấy
có thỉnh thoảng đến thăm không vậy?
Cô ấy hẳn là con dê vàng
hay nàng Estérelle cao sang
múa trên các đỉnh cao vòi vọi?

Trong lúc nàng đang đặt câu hỏi
chính cô dáng điệu giống nàng tiên
Estérelle xinh đẹp dịu hiền.
với nụ cười vô cùng duyên dáng,
đầu hơi ngả ra sau một thoáng
vẻ vội vàng như muốn ra về.

- Thôi chào tạm biệt mục đồng nhe!

- Dạ, xin chào tạm biệt cô chủ.

Thế là nàng không còn chỗ cũ,
ra đi thoăn thoát bỏ lại tôi.
Khi nàng đã khuất sau lưng đồi,
tôi tưởng chừng những viên sỏi nhỏ
dưới chân la đang rơi đâu đó
trong lòng tôi vang vọng từng viên.
Tôi cứ nghe tiếng đó liên miên
suốt buổi chiều không thèm nhúc nhích,
chỉ sợ tan tành giấc mộng tuyệt.

Chiều xuống, thung lũng ngả sang lam
và súc vật chen lấn theo đàn 
be be kéo nhau về chuồng trại,
tôi bỗng nghe tiếng ai vọng lại
từ phía dưới sườn núi không xa,
và kìa vị tiểu thư chúng ta,
nhưng không còn nét vui tươi nữa
mà run rẫy vì lạnh và sợ.
Có lẽ khi vừa xuống lưng đồi
nàng đã gặp con suối ngập bồi
sau trận mưa giông chiều bất chợt,
nàng suýt bị trôi theo dòng nước
sau khi cố tìm cách vượt qua.
Nghiệt một nỗi nông trại còn xa,
nàng một mình không sao về được,
còn tôi thì đàn cừu đang ướt
không thể bỏ chúng lại mà đi.
Ý nghĩ phải ngủ lại đêm khuya 
làm nàng băn khoăn nhìn thấy rõ
phần sợ mẹ cha trông vò võ.
Tôi cố lựa lời để trấn an:

- Trời tháng bảy đêm ngắn tựa gang...
Không sao đâu, cô nên chịu khó.
Tôi vội vàng nhóm ngọn lửa nhỏ
để nàng hơ chân và hong khô
bộ áo ướt sũng tự bao giờ.
Nhìn đôi mắt nàng rươm rướm lệ
tôi cũng muốn khóc theo như thế.

Rồi bầu trời buông hẳn màn đêm.
Chỉ còn chút vầng dương thoáng êm
trên đỉnh núi, và làn hơi sáng
mong manh ở phía mặt trời lặn.
Tôi muốn nữ chủ nhân vào trong
ngủ trên chỗ tôi vừa dọn xong.
Tấm da cừu đẹp còn tinh mới
trên ổ rơm hương thơm phơi phới;
tôi chúc nàng một giấc ngủ ngon,
tôi ra ngoài, để nàng bên trong...
Xin có trời đất chứng giám hộ,
mặc dù lửa tình tôi hực hở
nhưng không có ý xấu trong lòng,
tôi hãnh diện nghĩ tới phía trong,
bên cạnh đàn cừu có cô gái -
như con cừu non nhất trang trại - 
đang nằm ngủ một giấc an bình,
nàng là con gái ông chủ mình.
Đêm nay bầu trời rất thăm thẳm
đẹp như tôi chưa hề được ngắm,
những vì sao lấp lánh trên cao....

Bỗng chấn song xịch mở phía sau,
nàng Stéphanette đang dạo bước.
Nàng không tài nào chợp mắt được
vì đàn cừu chốc lại cựa mình
làm đống rơm sột soạt thình lình
hoặc chúng be be khi mơ ngủ.
Nàng thích ra ngồi bên đống lửa.
Thấy vậy, tôi vội lột khỏi ra
khoác lên vai nàng tấm áo da,
rồi khơi ngọn lửa cho thôi lạnh
và hai chúng tôi ngồi bên cạnh,
im lặng không biết nói năng gì.

Nếu bạn ngủ ngoài trời một khi,
bạn thừa biết trong lúc đang ngủ
cả một sự nhiệm huyền vũ trụ
đang bừng lên trong cõi vắng thanh.
Lúc ấy tiếng suối rõ tinh anh,
những ao hồ nhen tia lửa lạ.
Những thần linh từ đâu thong thả
đi lại tự do quanh núi rừng,
và trong không gian nghe bỗng dưng
tiếng sột soạt xen lời khe khẽ
tưởng chừng như cành cây vươn nhẹ
mọc dài thêm sau phút chuyển mình.
Ban ngày là đời sống tạo sinh
như con người, chim muông, cầm thú,
còn đêm là đời sống thật sự
của thực vật, sự vật quanh bên.
Nếu chưa quen sự sống về đêm
có khi ta vô cùng sợ hãi.
Thế nên tiểu thư ta cũng vậy,
cứ mỗi lần nghe tiếng động gì
dù rất xa và nhỏ li ti,
cũng run lên nép vào thật sát
làm tôi không còn cách chạy thoát.
Có lần, từ phía mặt hồ kia
bỗng vọng lên tiếng hú não nề.
Và trên trời ngôi sao sáng rực
xẹt qua đầu chúng tôi cùng lúc,
tựa như là chính tiếng than van
từ mặt hồ nghe thấy đã mang
luồng ánh sáng lạ lùng sáng chói.

- Cái gì thế? Tiểu thư khẽ hỏi.

- Thưa cô, đó là một linh hồn
vừa được bay lên chốn thiên đường.

Nói xong tôi làm dấu thánh giá.
Nàng cũng làm như tôi, thật lạ,
vừa ngửa cổ lên trời hồi lâu, 
vẻ trầm ngâm suy tưởng đâu đâu.
Rồi quay lại bên tôi, nàng hỏi:

- Tôi nghe có lời thiên hạ nói
các mục đồng phù thủy đúng không?

- Thưa không. Nhưng chúng tôi mục đồng
gần trăng sao hơn người dưới đó
nên chúng tôi hiểu biết rất rõ 
những sự việc xảy ra trên trời.

Nàng vẫn nhìn lên cõi xa khơi,
đầu tựa vào lòng bàn tay nhỏ,
vai khoác áo da cừu tôi đó,
trông nàng như mục đồng thiên cung.

- Ôi nhiều sao quá! Đẹp lạ lùng!
Nhiều tôi chưa bao giờ từng thấy.
Thế mục đồng biết các sao ấy
tên là gì xin kể tôi nghe?

- Biết chứ ạ, thưa cô, này nhe!
Ngay trên đầu, Con đường thánh Jacques (la Voie lactée, dải Ngân Hà) 
Chạy từ Pháp sang Tây Ban Nha,
thánh Jacques de Galice vạch ra
chỉ cho Charlemagne dũng cảm
đánh giặc Sarrasins, đại thắng.
Xa hơn, Chiếc xe chở linh hồn (la Grande Ourse, sao Bắc Đẩu)
với bốn bánh xe sáng rực hơn.
Ba ngôi kéo trước: Ba con vật (les Trois Bêtes)
và có một ngôi sao nhỏ nhất
ở ngay sát ngôi sao thứ ba
là Người đánh xe đấy cô à. (le Charretier)
Cô có thấy chùm sao rơi rụng
nơi chiếc xe ở không xa chúng?
Đấy là những linh hồn lạc sai
Thượng Đế không cho ở gần Ngài...
Xin tiểu thư đảo mắt nhìn thử
ngay ở phía dưới một chút nữa 
là sao Bừa cào, hay Ba vua. (Râteau hay Orion, sao Sâm) 
Mục đồng chúng tôi dùng coi giờ.
Lúc này quá nửa đêm rồi đó.
Cũng hướng Nam, nhìn tay tôi trỏ,
phía dưới, sao Jean de Milan,
ngọn đuốc sáng của các tinh hằng. (Sirius)
Về sao đó, mục đồng thường kể:
Jean de Milan, một đêm biệt lệ 
cùng được mời như sao Ba vua
và còn có mặt cả sao Rua (la Poussinière, la Pléiade)
đến dự lễ cưới ngôi sao bạn.
Sao Rua một mạch vội đi thẳng,
theo con đường cô thử nhìn lên
ở chỗ rất cao tuốt phía trên.
Sao Ba vua theo con đường tắt,
phía bên dưới, đã mau kịp bắt,
riêng có mỗi anh chàng Milan
vì lười biếng cứ thích ngủ lăn
bị bỏ quên lại còn nổi giận.
Chàng quăng cây gậy quyết ngăn chận.
Bởi thế, tên chòm sao Ba vua
còn gọi là Chiếc gậy đấy cô,
gậy Jean de Milan cô ạ...
Nhưng ngôi sao đẹp hơn tất cả
là ngôi sao chúng tôi, Mục đồng, (Étoile du Berger)
nó soi đường từ phía cao không
để chúng tôi lùa cừu ra bãi
và xua về khi hoàng hôn lại.
Chúng tôi gọi sao Maguelonne,
chạy theo Pierre de Provence (Saturne, Thổ Tinh)
nàng bám theo chàng mong đợi mãi
bảy năm một lần kết hôn lại.

- Thế vậy hả? lại chuyện không ngờ,
các vì sao cưới hỏi nữa cơ?

- Có chứ ạ, kính thưa cô chủ.

Và trong khi tôi giải thích đủ
những nghi thức hôn lễ vì sao, 
thì tôi thấy có một vật nào
nhẹ nhàng, mịn màng, tươi mát lạ
đè lên vai tôi êm ái quá. 
Thì ra nàng, buồn ngủ ấy mà.
Dải đăng ten, mái tóc mượt mà
những gợn sóng ôi sao tuyệt thế.
Nàng ngồi yên không lay động nhẹ,
đầu cứ tựa sát vào vai tôi
cho đến khi những ánh sao trời
đã bắt đầu mờ dần gợn nhỏ
theo ánh sáng bình minh vừa ló.
Còn tôi, chỉ dám trộm nhìn nàng,
trong đáy lòng rộn mấy xốn xang,
nhưng vẫn giữ tâm hồn thanh khiết
vì đêm sáng vô cùng diễm tuyệt
bao giờ cũng gợi tôi nghĩ suy
về những điều cao đẹp diệu kỳ.
Chung quanh chúng tôi muôn tinh tú
vẫn tiếp tục hành trình vũ trụ
ngoan ngoãn, lặng thầm như đàn cừu,
và đôi khi cảm tưởng trong đầu
giữa số kia, có ngôi sáng nhất,
trên con đường vô tình lạc mất 
đến dựa vai tôi ngủ giấc ngon lành...

Nguyễn Tường
Forest Hills, New York
September 06, 2014
READ MORE - NHỮNG VÌ SAO - Nguyễn Tường

SỢI TAO NÔI - thơ Đoàn Vũ

Tác giả Đoàn Vũ



SỢI TAO NÔI

Tôi sinh ra cuối ngày mưa hạ
con lũ Nhâm Thìn liếm sát sợi tao nôi
ổ sinh buộc tận dạ đà
bà mụ làng phải đi xuồng chăm sóc

Mẹ kể:
ngày đó làng tôi lắm người thất học
ruộng đồng neo chặt thắt lưng cong
tôi sinh ra ngập ngụa lũ trên đồng
cọng nhau phải đợi ngày nước rút
giữa biển đời mẹ tôi lặn hụp
cụng ngày
        tháng
                 năm chông chênh

Ngày đó – chiến tranh
cha chưa về bế bồng tôi một bận
           trên đôi má non tơ chưa được nghe mùi thuốc lá
bao giờ!
gió ngóng chiều khép nép đứng bơ vơ
con chim cú đập cánh chiều tái mặt
tiếng lắc võng đọng màu chiều khoan nhặt
bên thềm đời rớt lại một vành khăn...

Mưa nắng lần hồi qua hai cuộc chiến tranh
sợi tao nôi nối đôi bờ thương nhớ
sợi tao nôi mẹ đã âm thầm cất trong trang vở
ửng cả màu phù sa.   


Ðoàn Vũ – Hội viên hội Văn Nghệ Bình Thuận
Địa chỉ: 48 Trần Hưng Đạo, Phan Rí, Tuy Phong, Bình Thuận.
Điện thoại: 0915748434.
Email: vudoan0102@gmail.com.


READ MORE - SỢI TAO NÔI - thơ Đoàn Vũ

Trạch An-Trần Hữu Hội - MIỆNG CON TRẺ - truyện ngắn

Tác giả Trần Hữu Hội


 MIỆNG CON TRẺ
Truyện ngắn  
 
Ba người đàn ông cẩn thận đưa con Hường ra khỏi đám rễ lòa xòa của cây cổ thụ bên suối, họ gọi to cho trên bờ biết là đã tìm thấy xác, cùng với sự tiếp sức của những người khác, họ dưa lên nằm trên bãi cỏ. Mọi người biết là không còn cách gì có thể làm cho nó sồng lại được bởi đã quá lâu. Từ chiều hôm qua đến trưa nay, ai cũng tưởng đã bị nước cuốn đi xa rồi, ai dè nó bị kẹt lại trong mớ rễ cây cách chổ nó xuống tắm chỉ chừng hai mươi mét!
Chị Lành, mẹ của nó ngất đi bên xác con, hai tay, hai chân chị xoải ra, tóc chị rối bù, đôi mắt nhắm nghiền, bên mép chị dính một lọn tóc…thỉnh thoảng người ta nghe tiếng chị gào thảm thiết, giọng khào như tiếng mèo con:
-Ôi... con... ơi… ơi!
Chiều qua, khi đi thị xã về, chị dựng chiếc xe trước hiên nhà, không thấy con bé chạy ra như mọi khi, chị hoảng hồn nhớ lại câu nói của nó hồi đêm, “không lẽ nó làm thật!”.
Chị chạy ngay ra suối, đôi dép chị mới mua cho nó mấy hôm, nằm ngay ngắn nơi gốc tranh!
-Xóm làng ơi, con Hường nhà tui… con Hường nhà tui té suối u… hu… u... hu !
Người đi làm rẫy về ngang qua, kẻ trong xóm gần đó, nghe tiếng chị, chạy vội ra, hớt hải hỏi:
-Nó té chổ nào, chỗ nào?!
Chị Lành không ngừng khóc chỉ đôi dép nơi gốc tranh…    
Hai ba ngưới nhảy xuống, ngụp lặn tìm con bé, từ chiều hôm qua đến tối mit, họ thất vọng trở về… Sáng nay lại tiếp tục, họ lội xuống xa hơn nhưng cũng không thấy, cho đến khi không còn hy vọng gì tìm được, quay trở lui thì một người thấy dòng nước xoáy chổ gốc cây có vẻ khác thường, lại gần quơ chân xem thử, đụng mớ tóc lòa xòa của nó, anh ta la lên, mọi người xúm lại ngụp xuống, nó bị mắc trong đam rễ cây, người nó đã nhơn nhớt như rêu !
Nhìn cảnh tượng chị Lành như thế, ai cũng xót xa… Trên trán con Hường có một vết cắt sâu, có lẽ do va vào đá. Dòng máu ở miệng đã khô nay lại chảy ra thêm một dòng nhỏ lấp lên vết cũ. Có tiếng ai đó nói to:
Không cứu được nữa thôi thì đưa chàu nó về nhà chứ nằm trên cỏ tội lắm, mới mười bốn tuổi đầu mà đi tắm suối một mình làm chi cho thiệt mạng cháu ơi!
Đám người đi trong tiếng bàn tán thầm thì, ai cũng cho là nó tắm rồi vô tình sẩy chân chứ mùa này có lũ lụt gì đâu, nước đâu có chảy xiết như những ngày mưa!
Căn nhà cấp bốn được xây năm trước, cấp cho hộ nghèo, chật chội với đám đông, ai cũng muốn nhìn con bé lần cuối. Nó lễ phép lại miệng mồm, gặp người lớn là nó chào hỏi từ xa. Ai cũng thương nó, thương cảnh côi cút của hai mẹ con.
Mấy người xúm lại thay áo quần cho nó, lục tung chiếc rương, tìm mải mới có bộ đồ tươm tất, cô Hoàng là giáo viên của Hường, tìm trong chiếc tráp của chị Lành, lấy hộp phấn thoa đều lên khôn mặt đã chuyển qua tái sậm, cô lấy thỏi son bôi lên môi làm cho mặt con Lành tươi lên, trông như đang ngủ.
Khi việc thay áo xong, họ ra hiệu cho cánh đàn ông, xúm nhau bưng chiếc giường ra đặt giữa nhà, ngay cửa chính, trước bàn thờ…
Ông Thoại, có vẽ rành rẽ, ông cũng là người cao niên nhất, nghiêm trang đốt ba cây nhang lên bàn thờ, trước tấm ảnh của anh Thực, chồng chị Lành, chết lâu rồi, từ khi chị chưa về ở trong thôn này.
Vài người thì thào:  Nghe đồn hồi còn sống anh hư hỏng, một hôm quá say, chở gái sau xe…chết vì tai nạn!
Mọi người rồi ai cũng về nhà nấy, cánh đàn ông cẩn thận bắt thêm mấy bóng điện xung quanh, làm cho căn nhà bớt lạnh lẽo hoang vắng. Cón lại môt mình, chị Lành ngồi bệt xuống nền xi-măng, úp mặt lên ngực con Hường, hai bàn tay ôm lấy hai má con, khóc thảm thiết:
-Ôi con ơi, sao dại vậy con ơi, mẹ xin lỗi con, hu…hu…. ôi, mẹ xin lỗi con.Hu.. Hu…Con có biết là mẹ cần ông ấy lắm không, ông ấy cũng sẽ thương con như con ruột mà… con ơi…hức… hức, con không biết là cha con đã tệ bạc với mẹ con mình  lắm sao… hức…hức...Hường ơi…Hường!!!

oOo

Cân xong mớ phế liệu ít ỏi cho nơi thu gom, bà chủ đếm tiền đưa cho chị rồi hỏi cho có hỏi:
-Hôm nay sao ít vậy Lành, con bé có khỏe không?
-Dạ cũng thường chị.
Phủi nhanh bụi và ten rỉ sét từ mớ phế liệu dính nơi quấn áo, chị Lành ra chố dựng chiếc xe cũ nát, đạp máy rồi ra ngõ quành theo hướng về làng…
Chị Lành ngừng lai nơi cây xăng đổ xăng, tiện thể mua cho con một mớ táo, xong, chị leo lên xe, đạp mãi không nổ! Hai ngưới đàn ông cũng vào đổ xăng đi ra, dứng lại,  người ngồi sau nhảy xuống đạp giúp một hồi nhưng chiếc xe cứ xình xịch rồi như cũ, một người chỉ tay về hướng ngược đường vế làng:
Phải nhờ tới thợ rồi, có thể tại cái “Bu ri”. Gần đây có chổ sửa xe, chị đẩy một lát…
Căn nhà xây chỉ bốn bức tường, nền nhám nhuốc dầu mỡ, người thợ đang dọn mớ đồ nghề cho vào chiếc thùng gỗ…nhìn chị, hỏi với giọng buồn buồn chán nản:
-Xe sao vậy chị?
-Không biết sao đổ xăng xong, đạp hoài không nổ!
Người thợ leo lên xe đạp mấy cái rồi  lắc đầu…
-Cái bình xăng con…Thôi chị lấy xe tôi về, mai tính, giờ tối rồi !
Hôm lên trả xe, mới sáng sớm nên chưa sửa được, anh bảo chị cứ lấy xe anh đi mua phế liệu… Chiều về, trả xe thì anh mời chị ngồi uống nước, không lấy tiền công…Những lần sau, khi thì bơm, khi thì vá, khi thì thay cái bố thắng….anh đều không lấy tiền. Chị Lành cố nài nỉ nhưng anh cứ lắc đầu:
-Có đáng chi, tui là thợ mà, khi nào hư cái gì đáng giá thì tui lấy tiền, đi mua đi cho kịp…
Anh  Phúc và chị quen nhau như vậy.
Một hôm, cây mít trong vườn chin mấy trái, mùi thơm lừng, chị nghĩ đến anh Phúc. Cắt một trái vừa vừa, chị bỏ vô chiếc giỏ móc sau xe đem cho anh . Nhà vắng, biết anh Phúc ở một mình, chị vào bếp định lấy dao xẻ giùm…anh lặng lẽ đến sau lưng chị, gần đến độ chị nghe hơi thở dồn dập bên tai, tay anh vuốt lên mái tóc, chi quay lại, muốn đưa tay đẩy anh ra xa, nhưng thấy dôi mắt anh hiền lành đắm đuối nhìn chị, chị thấy tồi tội.
-Lành…Tui thương Lành!
Hai tay anh vòng ôm lấy chị, người chị run nhè nhẹ, bàn tay chị cố giữ bàn tay anh, nhưng rồi cứ đi theo nó đến những vủng da thịt mềm mại trên thân thể đã từ lâu rạo rực, khát thèm trong cô quạnh. Anh dìu chị đến chiếc giường hẹp, chị lim dim, đôi tay ghì chặt thân thể anh Phúc, miệng bật ra những tiếng rên khe khẻ, thì thào… vô nghĩa!
Sau hơn hai tháng, họ gần nhau hơn, chị đến với anh dù xe không hư hỏng gì. Một hôm mưa tầm tã, xe thủng ruột xẹp lép, chị gởi xe chạy về với anh, nhờ anh đem xe đến sang mớ phế liệu chở đến đại lý cân. ..Xong việc, anh chở chị về làng, chi không muốn anh vào nhà vì sợ con Hường trông thấy, anh nói :
Anh thương Lành thiệt tinh, từ khi vợ anh theo trai biệt tích. Buồn cảnh đời mình, anh đã thề cứ ở vậy không thèm lấy vợ nũa! Nhưng rồi gặp Lành, hoàn cảnh mình cô quạnh giống nhau, anh hứa sẽ thương con em như con ruột, chúng ta cho con  nó biết rồi mình sống với nhau em ạ…
Khi hai ngưới vào nhà, con Hường cứ lấp ló, chị Lành gọi mãi nó không ra. Nghỉ là trẻ nít, thấy người lạ nó sợ nên anh  Phúc đi vào chổ nó đứng định làm quen, ai dè nó vùng chạy theo ngả sau. Anh cưới buồn chào chị Lành, trước khi ra xe, anh nói với chị:
Em cứ nói thiệt với con, nói anh sẽ thương nó như con đẻ, sẽ lo cho con học hành tử tế như con người ta, em đi mua phế liệu, anh sửa xe…không lẽ  không nuôi con tươm tất được !
Tối hôm đó, con Lành nhắm mắt nằm im bên chị, khi chị định mở lời, con Lành quay mặt vào trong tường. Chi Lành ngồi dậy, dặt tay lên vai con lay khe khẽ. Con Hường bỗng ngồi dậy nói giọng tức giận:
Mẹ đừng nói gì cả, con khống muốn có thêm người nào nữa trong nhà mình!
Chị lại nằm xuống, con Hường cũng nằm xuống, tính con bé chị biết, tuy ngoan nhưng trái ý nó việc gì là nó hờn cả mấy ngày. Đêm đó chị thao thức, con bé cũng trở người mấy lần.
Hôm sau anh Phúc lại chạy xe theo chị về nhà, con Lành lại bỏ trốn ! Tối lại nắm ngủ, con Lành nói với chị:
Mẹ không thương con thì con cũng sẽ như con Tuyền !
Chị giật mình nhớ tới con Tuyền. Năm ngoái, cha dượng nó tát nó mấy cái vì ham chơi trốn tìm để em nó té chảy máu đầu, nó bỏ chạy rất nhanh, trong khi mọi ngưới ai cũng xúm lại xem em nó thế nào…ai dè con Tuyền chạy ra suối, nhảy ngay xuống, đang mùa mưa lũ, nước cuồn phăng phăng không ai kịp cứu, chẵng ai dám nhảy xuống khi dòng lũ ngập bờ, ngập luôn cả đám tranh hai bên…Mấy ngày sau, nó tấp vào bờ ở làng dưới. Người nó trông thật thảm!
Sáng nay khi ra đi, chi bần thần trong lòng nhưng rồi tự nhủ:
Thôi, chuyện đâu cón đó, từ từ rồi con nó cũng quên, hơi đâu lo miệng trẻ con, với lại anh ấy đã về ở trong nhà đâu !

oOo

Mấy ngày tang con Hường, anh Phúc ra mặt lo lắng, quán xuyến…Trong làng xầm xì nhỏ to nhưng anh cứ vờ như không nghe gì, có ai hỏi, anh nói là anh họ của chi Lành. Chị Lành như không còn chút sức lực nào, hai người dìu chị đi mà đôi chân chị cứ như khụy xuống, từ mộ trở về, chi nằm mê mệt!
Anh Phúc nhờ y sĩ chuyền nước biển mấy ngày, chị có vẽ khà lên. Phục hồi dần sức khỏe. chị Lành nói vói anh Phúc:
-Em cảm ơn anh.
Anh mừng rỡ nhìn chị, nói:
-Sao em nói thế, Con Hường mất đi, em càng cô quạnh, anh phải chăm sóc em chứ còn ai…
Chị Lành lắc đâu rồi lặng im không nói, trong trí chị nhớ lại lời con Hường:
“Mẹ đừng nói gì cả, con khống muốn có thêm người nào nữa trong nhà mình!”
Nước mắt chị trào ra theo tiếng khóc rấm rức, một lúc sau chị nói, giọng  nghẹn ngào, xót xa:
-Em cũng thương anh, nhưng chúng mình không thể sống cùng nhau anh Phúc ạ! Không thể, không thể nào được !
Anh Phúc quỳ xuống gục mặt vào đôi chân chị:
-Anh xin em, Lành, cho anh sống cùng em, hôm sớm có nhau…
Chị bỗng khóc òa rồi hét lớn:
-Con Hường chết vì em… vì em… vì anh! Ôi con ơi… Mẹ chưa khi nào có được hạnh phúc hức... hức… từ cha con, giờ mẹ cũng sẽ không bao giờ có thể có hạnh phúc … vì con, hức… hức… con ơi con!!!
Anh Phúc không hiểu chị nói gì, vụt đứng dậy trố mắt nhìn chị:
-Không phải nó đi tắm…?!
Không, không phải, hu… hu…hu..., con ơi, con!!!

Sài gòn, 11. VIIII. 2014.
Trạch An Trần Hữu Hội

                                                                        
      
       
READ MORE - Trạch An-Trần Hữu Hội - MIỆNG CON TRẺ - truyện ngắn