THƠ NHƯ NỖI NHỚ NGẬM NGÙI RỚT TRÊN TAY...
(ĐỌC TẬP THƠ “MƯỜI NĂM BÓNG NGỰA QUA THỀM CŨ” CỦA NGUYỄN AN BÌNH, NXB HỘI NHÀ VĂN, 2016)
Trần Hoàng Vy
Tập thơ gồm 100 bài thơ với 7 phụ bản thơ phổ nhạc của các nhạc sĩ Huy Đạt, Vũ Thế Dũng, Hoài Yên, Nguyễn Trung Nguyên, Huy Thọ, Phạm Minh Thuận, Mộc Thiêng. Bìa tranh Đinh Cường, nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm giới thiệu, đủ sức nói lên độ “dày”, “chiều sâu” và công phu của một người làm thơ có trên 40 năm đắm đuối với nghiệp thi ca. Đó là nhà thơ Nguyễn An Bình, người con của xứ Cần Thơ “Gạo trắng nước trong”.
Thoạt mới đọc qua cái tựa đề tập thơ, ta bỗng liên tưởng đến một “Người khách giang hồ đang vắt kỷ niệm trên cành cây gáo vàng trước sân, mà lòng vẫn sa giông trong tâm trạng phù hư...” (Ngô Nguyên Nghiễm) hay như: “ Mấy mươi năm đã chồn chân sức ngựa/ Chợt nao lòng về uống nước sông xưa”. Cái hình hài bóng ngựa mười năm ấy chỉ là tâm tưởng, ảo hình, ảo ảnh của một hồn thơ thật... hiền lành, gốc gác là thầy giáo dạy Văn, cho nên thơ có “giang hồ” phiêu bồng cũng chỉ là những mong nhớ ngậm ngùi trong những năm tháng đứng trên bục giảng và cả yêu em, rồi xa cách, rồi cuốn theo cuộc sống vốn không thật bình yên và bằng phẳng: “ Chiều biên giới đồng bưng mông quạnh/ Ly rượu cay thơm khói quê nhà...” và “ Mai về phố thành người kẻ chợ/ Thương nước lên chim vịt kêu chiều”. Người thầy ấy đã gửi nhớ gửi thương vào ngôi trường kỷ niệm: “ Ngôi trường một thời tôi nhớ, tôi quên/ Bàn học cũ ngỡ ngàng nghe tiếng mọt/ Bên cửa sổ còn đâu lời chim hót/ Qua bao mùa mái ngói đã rêu phong” (Như màu phấn bảng rơi), tâm sự bời bời: “ Mấy mươi năm tóc đã phai màu nắng/ Người xa người có nhớ tiếng gà trưa/ Bàn tay lạnh nào che đời mưa tạt/ Tiếng chim buồn lẻ bạn gọi mùa xưa?” ( Về Thới Long nghe tiếng chim vườn cũ). Để nghiệm lấy chính mình trong đó: “ Những viên phấn đã cùng tôi đi qua mưa nắng/ Tình yêu của một thời/ Luôn thao thức không thôi/ Bên đám học trò hồn nhiên buồn vui vô cớ...” ( Viên phấn màu hồng).
Chẳng là bóng ngựa hồng năm cũ mà lúc trở về “Trên yên vắng người” của một thuở chinh chiến lẫn giang hồ lãng mạn, khiến người xưa phải buồn xưa vắng. Hình ảnh những người em, người con gái, người... yêu trong thơ Nguyễn An Bình nhẹ nhàng và rất đằm thắm, đó là “ Chiếc lá úa bay theo mùa lưu lạc/ Nhớ áo lụa vàng màu mắt tiểu thư” (Nhớ áo lụa vàng). Rất... thật thà và cũng đầy chất Nam bộ: “Em xa lắc để tình tôi ở lại/ Nơi đầu sông còn rớt tiếng ai hò.” Và “Đêm Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử/ Để biết mình còn có một quê hương/ Để yêu em yêu người dân xứ biển/ Thật ngọt ngào trong từng phím tơ vương” (Đêm Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử”.
Cái cốt cách mẫu mực của người thầy giáo, cùng với những thể loại thơ truyền thống vốn giàu âm điệu, thơ Nguyễn An Bình cứ nhẹ nhàng len nhẹ vào lòng người đọc như cơn gió một ngày bên bờ sông Tiền, sông Hậu, mơn man và man mác nhớ. Gió nhớ biến thành sợi nhớ, và cái nhớ cứ âm ĩ khôn nguôi: “Nhớ người/ Thấp thoáng mưa ngâu/ Gởi hương/ Cho gió/ Gởi sầu cho ai”. Để rồi: “Chiều nay thả lá trên sông/ Thả bao phiền muộn theo dòng nước xuôi/ Nhủ lòng em của tôi ơi/ Gặp người xưa bỗng...ừ thôi lại chào” ( Thả lá trên sông). Cái miền nhớ đã hình thành nỗi nhớ một khung trời xưa xa lắc, nơi có thời nhà thơ đã “dùi mài kinh sử” mong một mơ ước: “Sài Gòn Sài Gòn cà phê/ Hương thơm quyện mùi đặc sánh/ Phía sau ngụm cà phê đắng/ Khung trời mắt nhớ đêm xanh”. Có lúc rồi mơ: “Dấu chân qua thành phố trẻ/ Mang theo gió bụi đường dài/ Tình tôi xin em độ lượng/ Để lòng thương mãi tóc mai”.(Mộng dưới trăng Sài Gòn).
Chút tình run rẩy thế, làm nên những cung bậc phù hợp với những rung động của nhiều người, phải chăng những nhẹ nhàng, man mác, bàng bạc ấy lại phù hợp với âm nhạc? Và có lẽ gần trăm bài thơ được phổ nhạc của Nguyễn An Bình đã chứng minh điều đó? Xin nghiêng người để vui mừng cùng với thi nhân, hy vọng vào một đường bay của thơ, nhạc trong mai sau.
Giờ thì trở lại với “Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ”, dầu bụi chân bon dẫu có nhạt nhòa, thi ảnh của dòng thơ lãng mạn vẫn tình tứ, mà hình như thiêu thiếu chút “khói thuốc” và cả chút “hơi men” thêm ý vị của nhân ảnh thơ phiêu bồng trong cõi nhớ. Song cũng đủ độ để ta cùng với nhà thơ ngâm đắc những câu: “ Lòng vẫn muốn quên đi bao nỗi nhớ/ Sao bỗng dưng lại cất tiếng thành lời/ Rồi tan đi vào không gian vô tận/ Chỉ một lần cho nỗi nhớ chìm trôi.”. Nỗi nhớ vốn dĩ thường ngậm ngùi, khó vơi và khó quên, để một hôm... “Lại nhẹ nhàng rơi không tiếng vang.”(Đêm trăng đọc thơ Đường 2). Và cứ thấm vào ta như những bài thơ thật gần gũi, thân quen...
Gò dầu hạ, tháng 6/ 2016
TRẦN HOÀNG VY