Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, July 22, 2017

XỰC CHÁO LẬU - Truyện ngắn của Thủy Điền

  
                       Tác giả Thủy Điền


   XỰC CHÁO LẬU

   Mặt trời gần đứng bóng. Mụ sẩm Muối mặt đỏ, hầm hầm, đi tới, đi lui tức giận. Cái lão Bành nầy chỉ có đi xực bát cháo lậu, dẫm ly Cà- Phê thôi, mà từ lầu sáng lến giờ vẫn chưa thấy về. Vậy là một  thúng giò cháo quẩy và mấy thùng cải chua của ngộ chắc phải tự xực hết quá, trưa trờ, trưa trật như thế nầy ai mà mua nữa.

      Vào những năm 77- 80 của thế kỷ trước, khi đất nước đã thâu về một mối, chiến tranh đi qua. Nói chung là hoà bình được lập lại. Lẽ ra hồi ấy tất cả cái gì cũng được tự do thì dễ thở hơn. Nhưng ngược lại, tất cả đều bị cấm. Mà hễ càng nghiêm cấm, thì người ta lại càng làm chui nhiều hơn. Đó là sự cân bằng của cuộc sống. Nếu không làm chui, làm lén thì lấy gì mà nhai, chẳng lẽ ngồi chịu chết sao?

      Bởi khi có những lệnh ấy được ban ra, các người dưới cấp thi hành một cách rất tích cực, luôn luôn nghe ngóng, tìm tòi những ai đã làm sai những luật lệ nầy. Hầu bắt bớ, tịch thâu và lập thành tích.

      Lão Bành là một người Hoa kiều được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhưng giọng nói vẫn còn người Hoa chánh cống luôn nói lợ lợ chữ nào dường như cũng có chữ (L) đi đầu, nhất là chữ Đ lão hay đọc thành chữ L và lão là một nạn nhân trong vụ việc như sau:

     Gia đình lão có cái nghề làm Giò cháo quẩy và muối Cải chua gia truyền. Ngày nào cũng thế, đúng tám giờ sáng là lão mang những thứ nầy ra chợ bỏ mối cho các tiệm nhỏ. Thấy công việc rất đơn sơ, nhưng lão kiếm được khá lời và nuôi sáu đứa con khỏe re. Trong khi một người Công chức hay một anh Nông dân làm lụng cả ngày mà nuôi hai đứa con rất là vất vả.

      Sáng nào cũng thế, khi phụ vợ chiên Giò cháo quẩy xong, chờ nguội, rỏ dầu để đi bán là lão ra đầu chợ ăn bát cháo đậu đen dưa mấm và uống ly Cà-phê rồi mới về mang hàng đi bỏ mối.

      Trên đường về, lão gặp ông Trưởng thôn và vài ba Du kích đang đi tuần tra đêm .
Bác Trưởng thôn hỏi ?
- Ông Bành, ông đi đâu về sớm thế ?
- Ngộ đi xực Cháo lậu
- Cháo lậu bán ở đâu vậy?
- Thì gần gần đây nè.
Bác Trưởng thôn nghĩ lão đi ăn cháo lợn về và gần đây hình như có người đang làm lợn lậu, định đến bắt và tịch thâu.
- Xin ông vui lòng đưa chúng tôi đến đó được không?
- Ngộ mậu thì giờ ló, ngộ phải về phụ a phò ở nhà ló. Nị có muốn xực thì cứ lến ló mà xực, nị lâu phải con lít lâu mà bắt ngộ lẫn lường.
- Tôi bảo anh phải đưa chúng tôi đến đó ngay.
   Lão nổi nóng. Cự lại !
- Nị muốn xực thì nị li tìm mà xực. Tại sao nị bắt ngộ phải chỉ nị chứ. Nị cha ngộ à. Rồi bỏ đi một nước.
Ông Trưởng thôn càng nghi lão thêm
- Anh Bành, anh đứng lại, anh không khai và không hợp tác với chúng tôi, anh ngoan cố. Vậy mời anh về Trụ sở ấp làm việc.
- Li thì li Ngộ lâu có sợ, ngộ lâu có tội gì, muốn li xực cháo lậu, thì tự li mà xực. Tại sao bắt ngộ phải lẫn lến ló chứ, ở ló ai mà không biết. Rồi tự dưng bắt ngộ về bót, vô lý thật.

      Hai tay Du kích kè lão về trụ sở, bắt lão viết lời khai, lão đâu có biết viết tiếng việt đâu mà viết, chỉ biết nói  sơ sơ. Bởi, xưa nay lão chỉ được học ở trường tàu mà thôi.

      Chờ mãi đến trưa, ông Trưởng thôn chẳng thấy lão viết chữ nào nên hỏi?
- Anh Bành, anh định ngoan cố, che đậy người làm lợn gian đến chừng nào?
- Nị nói cái gì ?
- Ông Trưởng thôn đập bàn, tôi muốn anh khai, ai là người bán cháo lậu ngày hôm nay. Anh hiểu ý tôi chứ ?

      Lão ngồi im ru và nói thầm: Trời lất ơi, thét rồi xực cái gì cũng phải khai cái người bán, may mà lão A Tỷ ở gần lây, phải lão A Tỷ ở Chợ lớn chắc chết cha ngộ rồi.

      Sẩm Muối ở nhà trông đứng, trông ngồi chẳng biết lão đi đâu nên cùng các con đi kiếm. Thì té ra lão bị bắt và giam tại Trụ sở ấp.

      Vào đến, sẩm hỏi lão: Nị làm cái gì mà người ta bắt nị vậy?
Ngộ có làm cái gì lâu, trên đường về họ hỏi ngộ li lâu về sớm vậy. Ngộ cỏn, ngộ li xực cháo lậu về, thì bị bắt vậy thôi.

Sẩm quay qua hỏi?
- Ông Trưởng thôn ? Chồng ngộ li xực cháo lậu cũng không được sao, vậy mỗi sáng chồng ngộ lược xực cái gì ?
- Cái gì cũng được, nhưng không được ăn cháo lợn, ăn cháo lợn là tiếp tay cho ngững người mổ lợn lén bà biết không?

      Thưa ông, chồng ngộ không có xực cháo lợn mà chồng ngộ xực cháo đậu đen, tại chồng ngộ nói tiếng việt không có rành, giống y ngộ vậy ló.
Thì ra, tôi hiểu.

      Vậy chúng tôi xin lỗi ông bà và ông Bành có thể ra về được rồi. Lần sao tôi hỏi xin ông từ từ giải thích cho tôi nghe để tránh phiền hà như hôm nay. 
                                                                     Thủy Điền
                                                                    19-07-2017

READ MORE - XỰC CHÁO LẬU - Truyện ngắn của Thủy Điền

GỞI ANH MỘT CHÚT NIỀM TIN - Thơ Tịnh Đàm


                    Tác giả Tịnh Đàm
 


GỞI ANH MỘT CHÚT NIỀM TIN
(Tặng bác G.T.ĐIỆP,những ngày nằm bệnh)

Gởi anh, một chút nắng hiền
Về bên cưả sổ gợi miền ước mơ.
Chuyện xưa nào đã phai mờ
Bóng người năm cũ bây giờ tìm đâu ?.
Gởi anh, một chút đêm thâu
Nằm nghe câu hát đêm "vì nhau" mới buồn.
Dòng sông cứ mãi xa nguồn
Đời Người cũng vậy vẫn luôn đổi dời.
Gởi anh, một chút tơ trời
Cho lòng rộng mở những lời thơ hay.
Đưa nhau tàn cuộc mộng này
Thì trăm năm ấy đợi ngày hóa thân.
Gởi anh, một chút duyên phần
Có từ kiếp trước hẹn lần đến nay.
Gặp nhau vui buổi sum vầy
Thơ ngâm hào sảng ngất ngây ý tình.
Gởi anh, một chút niềm tin
Sống trong hy vọng với nghìn yêu thương.
Dẫu đời còn lắm sầu vương
Không làm chùn bước nẻo đường ta đi.

                                         Tịnh Đàm
                                         (TPHCM)

READ MORE - GỞI ANH MỘT CHÚT NIỀM TIN - Thơ Tịnh Đàm

NỖI ĐAU NÀO CŨNG QUA - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

Tác giả Lê Hứa Huyền Trân


NỖI ĐAU NÀO CŨNG QUA
Lê Hứa Huyền Trân

Tặng em gái H.T của tôi.

            Cứ mỗi khi nhâm nhi trà gừng thì tôi lại nghĩ về em, nỗi nhớ như quẩn quanh ở một góc nào đó trong tâm trí tôi khiến tôi bần thần. Cũng chẳng phải là tôi không gặp lại em, chúng tôi vẫn sống ở đây, trong một thành phố nhỏ, nơi mà dẫu con người có đông đúc đến thế nào thì chỉ cần muốn, chúng tôi sẽ tìm ra nhau. Có điều, rồi vì bận, rồi vì mỗi người đều có những mối quan hệ khác nhau mà chúng tôi lại không gặp nhau, rồi lãng quên nhau trong dòng đời như thế. Bỗng nhiên hôm nay, được một ngày nghỉ, tôi quay trở lại quán trà ngày xưa mà chúng tôi vẫn hay ngồi. Trong muốn vàn những quán café hay trà sữa mọc lên đúc đông, nhộn nhịp thì quán trà của tôi trở nên nhỏ bé và lọt thỏm, chẳng thế còn hay lưa thưa người. Có lẽ bởi thế nên tôi và em hay đến đây, em sợ ánh mắt người, còn tôi sợ xô bồ quá. Em thích trà gừng, cái thứ nước có vị cay nồng mà tôi thì cực kì ghét cái vị ấy. Thế nhưng lúc nào khi hai người đi với nhau em cũng sẽ chủ động gọi hai ly trà gừng. Chẳng phải vì em không biết tôi không thích mà vì em cố tình:
     -Thói quen phải thay đổi thì mới biết được cuộc sống có những thứ khác ngọt ngào hơn nhường nào.
     Nhưng tôi vẫn chẳng thích nổi, dẫu thế tôi vẫn chiều em.     
     - Chị, là chị đúng không?
     Tôi ngẩng lên. Ơ, là em. Sao hôm nay em lại lạc bước đến chốn này thế này? Em không khác lắm, chỉ không ngừng cao lên, em mặc chiếc áo croptop bên trong để lộ vòng em thon, chiếc áo khoác ngoài dài và môi son màu tím.
     - Em vui quá, sao lại gặp chị ở đây thế này?
     - Chị cũng bất ngờ quá, hôm nay được ngày rảnh nên ghé lại quán cũ, lại gặp em.
     - Thế mới là hữu duyên chị ạ, em vui lắm luôn.
Liếc nhìn ly trà gừng trên bàn tôi, em nở nụ cười thật tươi và gọi cho mình một ly tương tự. Những nụ cười quen, kí ức quen và tự nhiên nghĩ dễ chúng tôi quen nhau cũng đến hơn tám năm rồi.

***
            Tôi lớn hơn em một tuổi, chúng tôi học cùng trường cấp ba. Ngày đó khi tôi còn là một cô học sinh khoa xã hội bình thường thì em đã là một nàng hoa khôi nổi tiếng, Hoa khôi ở một trường nổi tiếng về học khác xa với những ngôi trường khác, nó thành cái gì đó xa lạ, thành cái gì đó khác biệt, giống như vượt ra ngoài nề nếp vốn có của trường. Dẫu thế không ai có thể phủ nhận nét xinh xắn của em, một cô bé lớp mười phổng phao, biết chăm chút nhưng học lực lại rất khá. Tính em lại khá hòa đồng và hiếu động. Là một đàn em dưới một lớp, lại là lớp xã hội ít ỏi nên chúng tôi có nhiều dịp để tiếp xúc lẫn nhau, vì thế tôi quen em. Ngay khi vừa biết tên tôi, em đã vội nói:
     - Em tên Trâm, còn chị tên Trân, mình khác nhau có một chữ thôi chị ạ. Ngay cả tên lót cũng giống nhau luôn đấy chị.
      Tôi bật cười. Nhưng lúc ấy chưa hẳn là chú ý đến     em. Chỉ thấy đây là một cô bé khá vui nhộn. Cho đến một ngày sự việc không may xảy đến với em. Việc đã rất lâu rồi tôi cũng không buồn nhắc đến nguồn cơn chỉ biết rằng việc đó làm ảnh hưởng em rất nhiều, ảnh hưởng tiêu cực. Tôi còn nhớ trường tôi khi ấy, ai cũng muốn tìm tới em để nhìn mặt, còn lớp của em lúc nào cũng đóng cửa im ỉm để tránh những ánh mắt tò mò. Lúc bấy giờ, nhiều hơn cả sự quan tâm, tôi tò mò và rồi thân với em lúc nào không biết. Tôi không còn nhớ rõ sao tôi thân với em và từ lúc nào, tôi chỉ nhớ mang máng lúc em xảy ra chuyện cũng là lúc tôi bắt đầu gần gũi với em hơn. Việc xảy ra trong một buổi ra về, khi tôi về trễ vì hoạt động nhóm, sân trường chỉ còn mỗi chiếc xe của tôi nằm trơ trọi, tôi nghe tiếng khóc, ở góc khuất của cây bàng cổ thụ, tôi thấy em. Hính ảnh ấy có lẽ là hình ảnh khó quên trong tâm trí tôi, khi có một cô bé tóc xõa dài ngồi khóc sau gốc cây:
     - Trâm, em, sao lại khóc ở đây? Sao chưa về?
     - Chị, chị à.
     Em ôm tôi nức nở. Cho tới bây giờ tôi chưa một lần hỏi em về việc đã xảy ra với em, về nỗi buồn em đã chịu đựng như thế nào, và thậm chí dù luôn thân với em tôi cũng chưa bao giờ biết được sự thật đằng sau những câu chuyện ấy ra sao. Em cũng thế, em không hỏi tôi sao ngày đó lại ở cạnh em, sao không tò mò như những người khác, hay hoặc giả liệu có phải vì muốn biết sự thật đằng sau câu chuyện nên mới ở cạnh em hay không. Và có lẽ cũng bởi thế, chúng tôi mới ở cạnh nhau lâu như vậy.
           
     Cuộc đời tôi không phải hiếm hoi thấy được người khác khóc mà thấy em khóc thì tôi lại muốn ở bên. Đơn giản vì với tôi lúc đó những gì mà em đang chịu đựng với một cô bé lớp mười, những điều ấy thật quá lớn lao. Vẻ ngoài cho em sự ngưỡng mộ nhưng sự ngưỡng mộ ấy lại mang đến cho em những tin đồn không đáng có. Trong tôi dấy lên sự thương cảm, đến mức khâm phục. Mà cũng có lẽ lúc ấy tôi lại có cảm giác khác lạ, nó vượt hơn cả sự tin tưởng, cảm giác khi đi cạnh người có những tin đồn, làm tôi thấy thương cảm và tin người áy hơn. Thời gian cấp ba sau đó chúng tôi hay đi với nhau, dù ở trường chúng tôi ít khi tỏ ra quen nhau, chỉ vô tình người này gặp người kia rồi nở nụ cười. Em lo nghĩ cho tôi, còn tôi thì ngại. Em hay dẫn tôi đi uống trà gừng:
     - Uống trà gừng sẽ làm mình thấy ấm nóng trong người, cảm giác ấy rất thích.-  
     - Không biết sao chị thấy nó hợp với những người mạnh mẽ như em.         
     - Mạnh mẽ ư? Cũng không hẳn đâu chị. Nhưng nếu mình không mình mạnh mẽ lên thì yếu đuối để ai xem?
      Nói câu đó nhưng miệng em nhoẻn nụ cười. Chúng tôi thân với nhau bằng một tình yêu thương chị em thân thiết suốt cả quãng cấp ba cho tới khi vào đại học. Ngộ thay chúng tôi vẫn học chung trường, thế nhưng khác khoa, tôi vẫn theo đuổi con đường văn chương, còn em lại chọn khoa tiếng Anh, chúng tôi ít gặp nhau hơn vì những ngày học trái buổi và lịch học ngày một dày đặc. Thi thoảng gặp lại nhau trong trường em vẫn cười thật tươi chào tôi khiến cho đám bạn tôi kháo nhau:        
     -Mày quen nhỏ đó à? Hoa khôi tiếng Anh đấy.
     À ra là lên đại học em vẫn là một hoa khôi. Đùng một phát, em báo với tôi em nghỉ học để thi lại. Nhận được tin nhắn đó tôi tức tốc hẹn em ra quán trà gừng quen. Lần này thì tôi hỏi em:      
     - Năm hai rồi, sao dễ dàng bỏ cuộc?    
     -Em của chị mà, luôn cô gắng đến phút cuối cùng, em sẽ thi lại, tìm một môi trường khác hợp với em hơn.
      Và tôi không hỏi gì thêm. Chỉ tiếc nuối hai năm qua không hẹn nhau lấy một lần, chỉ gặp bâng quơ vài lần dù chúng tôi chung trường như thế, để giờ đây khi em sang thành phố khác, ít có dịp gặp lại. Chẳng vì lẽ gì mà lần này tôi “ nhiều chuyện”, lân la dò hỏi về em. Lên đại học, em lại bị thị phi vùi dập. Người ta dễ dàng có thiện cảm với những người có bề ngoài xinh đẹp và cũng dễ dàng ghen ghét khi lòng chứa đựng sự nhỏ nhen ích kỉ. Một vài khoản tiền bị mất, một vài thói quen đi học của em, giờ em thường đi học lại trùng với giờ mất tiền, và… Tôi nhắn tin cho em:” Ở ngôi trường mới, em có ổn không?” “ Chị đừng lo, em luôn luôn ổn mà. Nếu mình không mạnh mẽ, mình yếu đuổi để ai xem?”. Đó cũng là tin nhắn cuối cùng tôi nhắn cho em, thi thoảng những dịp lễ em vẫn hay nhắn tin cho tôi nhưng tôi bận quá không trả lời, rồi tôi ra trường, vào làm ở một công ty, tin tức về em cũng bặt vô âm tín. Rồi cũng vì bận rộn quá mà tôi quên, cho tới ngày gặp lại như thế này.        
     -Dạo này em làm gì rồi?        
     -Em làm kinh doanh, em có mở một quán café nhỏ và cũng mở một shop thời trang. Công việc cũng khá ổn định.        
     -Chồng con thế nào rồi?        
     -Có người yêu mà chưa có chồng chi ơi. Nhưng chị đừng lo, anh ấy thương em lắm.
     Nhìn em nở nụ cười hạnh phúc lòng tôi chợt mãn nguyện. Thì ra sau bấy lâu lòng tôi vẫn còn thương em như một người em gái nhường vậy. Tôi tin chắc em hạnh phúc như em đã nói, vì đôi mắt ấy chưa bao giờ nói dối tôi, và cũng bởi tôi tin, một người lúc nào cũng có những lạc quan như em và nỗ lực không ngừng như thế, nhất định sẽ được hạnh phúc.

Tác giả  : Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

<phongtruongtu201@gmail.com>
READ MORE - NỖI ĐAU NÀO CŨNG QUA - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân