Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 16, 2018

XUÂN MẬU TUẤT 2018 / LẶT LÁ MAI - Chùm thơ - Trần Hữu Thuần



Chùm thơ Trần Hữu Thuần

Xuân Mậu Tuất 2018 

Xuân đến, mai vàng khoe sắc hương,
Ung dung tiên nữ múa nghê thường,
Âm dương kết hợp thành Xuân mới,
Nâng chén mừng Xuân, chén quỳnh tương.

Mai vàng báo Xuân sang,
Âm vang pháo giao thừa,
U uất buồn xa xứ,
Nặng lòng mơ Xuân xưa.

Tết đến, Xuân về, Xuân tha phương,
U uẩn quê nhà chuyện thê lương,
Ấp úng lời buồn, tim thắt quặn,
Tết đến, Xuân về, đâu cố hương?

(Grand Rapids, Michigan, 01/07/2018)


Lặt Lá Mai

Em xinh em đứng lặt lá mai,
Lặt lá như em lặt tháng ngày,
Em lặt mau cho Xuân đến vội,
Xuân đến em mơ chuyện sau này.

Nụ mai búp, em chúm chím môi,
Nụ e ấp, long lanh mắt nai,
Nụ nở vàng, lúm hồng đôi má,
Tay em thon, thon dài cành mai.

Không biết Xuân về hay dáng em,
Mà nghe rộn rã ở bên thềm,
Xuân của mọi lần hay Xuân lạ?
Xuân ở gần hay Xuân đang dang xa?

Em kéo Xuân về theo lá mai,
Xuân về rồi, ai ngóng đợi ai?
Ai mãi thẩn thờ gom lá rụng?
Và ai thao thức đợi canh dài?

Em xinh em lặt vội lá mai,
Lặt vội nghe em, kịp tháng ngày,
Nỡ để ai buồn, đêm vắng lạnh,
Gối nhẹ cành mai tưởng cánh tay.

Grand Rapids, Michigan 04 th. 02, 1018.
Trần Hữu Thuần











READ MORE - XUÂN MẬU TUẤT 2018 / LẶT LÁ MAI - Chùm thơ - Trần Hữu Thuần

Nhạc Valentine: DẪU CÓ MUỘN MÀNG...Ca sĩ: Lý Thu Thảo - Nhạc & Lời: Mai Hoài Thu

READ MORE - Nhạc Valentine: DẪU CÓ MUỘN MÀNG...Ca sĩ: Lý Thu Thảo - Nhạc & Lời: Mai Hoài Thu

UỐNG RƯỢU VỚI CỐ TRI / TIẾNG LÒNG - Thơ - Hoàng Yên Linh


Tác giả Hoàng Yên Linh
Chùm thơ Hoàng Yên Linh

Uống Rượu Với Cố Tri                            

Ơi bạn cùng ta chén rượu đầy
Rừng chiều sương phủ trắng mây bay
Hai ta mòn gót chân phiêu bạt
Giang hồ thôi đã áo sờn vai.

Này uống thời gian nghiêng bóng cạn
Lối về hun hút chốn sơn khê
Hàn Tín cũng đành thôi thúc thủ
Dòng đời như thoáng một cơn mê.

Cứ xem như bọn mình thua cuộc
Nhấp chén rượu nồng đẫm men cay
Xưa nay suy thịnh là dâu bể
Rồi cũng hư vô cũng cạn ngày.

Này uống cố tri còn gặp lại
Vầng trăng đâu lẽ mãi chia hai
Mai kia chim hót mừng xuân mới
Bạn lại cùng ta chén rượu đầy.
  
          
Tiếng Lòng                           

Vọng mãi cung đàn của Bá Nha
Mà biết tìm đâu bóng Tử Kỳ
Hỏi mây, mây trắng trên đầu núi
Hỏi người, thôi người đã biệt ly.

                       Hoàng Yên Linh


READ MORE - UỐNG RƯỢU VỚI CỐ TRI / TIẾNG LÒNG - Thơ - Hoàng Yên Linh

QUÊN MỜI GỌI HỒN THƠ - Phạm Đức Nhì - Bình thơ



QUÊN MỜI GỌI HỒN THƠ

                          (Bài 2 trong loạt bài về HỒN THƠ)
    
Nhắc Lại Chuyện Xưa

Cách đây mấy tháng tôi đã có hân hạnh viết lời bình cho bài thơ Con Về Ngõ Nhỏ của Ngọc Mai, một thi sĩ tỉnh Bắc Giang. Bài thơ Lục Bát của chị trong sáng mượt mà, có những câu đẹp như một bức tranh:

Con về ngõ nhỏ thoảng hương
Lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều

Theo tôi, Con Về Ngõ Nhỏ tròn trịa, không sai sót, có thể nói là bài thơ hay nhưng khi đọc lên vẫn không thấy cái gì đó thật đặc biệt. Nó như một viên đá quý, không tì vết nhưng lại không có nét riêng để hấp dẫn những tay chơi ngọc sành sõi. Nói rõ ra, Con Về Ngõ Nhỏ là bài thơ thiếu cá tính nên không gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. (1)

 “Hoa đẹp nằm khuất trên giàn
Em xinh đứng lẫn trong hàng, ai hay?” (PĐN)

Sau đó, những câu thơ Lục Bát dễ thương ấy lại rủ rê tôi vào FB để đọc thêm thơ của chị. Cũng giống như Con Về Ngõ Nhỏ, một số bài thơ khác của Ngọc Mai cũng có những nét đẹp chung như: ngôn ngữ bình dị, trong sáng, hình tượng đẹp, nên thơ, tâm tình nhẹ nhàng, rất dễ cảm, dễ thương. Nhưng tại sao thơ đẹp như vậy mà lại thiếu cái hơi nóng cảm xúc để hấp dẫn người đọc?

Vạch Lằn Ranh Và Cắm Cột Mốc

Sau khi viết lời bình cho bài thơ của Ngọc Mai, tôi và chị thỉnh thoảng có trao đổi thêm về thơ qua hộp nhắn tin Facebook. Tôi nhớ hình như có đề nghị chị mở rộng hơn nữa về đề tài để thơ chị đa dạng, mới lạ hơn. Và chị đã trả lời:

“Em không to lớn vĩ đại để làm việc lớn; em chỉ muốn giữ những gì là truyền thống, gia đình bé nhỏ của mình”.

Tôi biết chị là người phụ nữ có tâm hồn “Chân Quê” của Nguyễn Bính - yêu gia đình, làng xóm, quê hương, gìn giữ nếp sống đạo đức theo truyền thống lễ giáo của cha ông. Tôi hoàn toàn tôn trọng ý muốn của chị.

Nhưng tôi tiếc cho vườn thơ của chị, vì tôi nghĩ:

Truyền thống, gia đình, làng xóm, quê hương có những cái hay, những nét đẹp riêng của nó. Nếu thích, chị cứ quay về để gợi lại, sống lại những kỷ niệm khó quên, làm phong phú hơn nữa tâm hồn mình, làm đẹp hơn nữa vườn thơ của mình. Nhưng chị không nhận ra rằng suy nghĩ như thế là chị đã tự vạch lằn ranh giới hạn óc tưởng tượng, tự cắm cột mốc giới hạn tầm nhìn.

Và việc “vạch lằn ranh, cắm cột mốc” đó đã dẫn đến mấy hậu quả sau đây:

Vừa Viết Vừa Run

Trên đầu bài thơ  Trái Tim Điên trên Faceboob NM có  viết câu - để trong ngoặc đơn – sau đây:

(Cũng biết rằng Ngoc Mai viết không tới, không dám đốt cháy mình. Bài này NM tập viết liều mạng một chút).

Tôi đưa cả bài thơ vào phần Phụ Lục để bạn đọc nếu muốn, có thể tìm hiểu xem chị liều mạng đến mức nào. Ở đây chỉ xin trích mấy câu tôi nghĩ là “ghê gớm” nhất:

Giờ tình mình
xác tan tác
có bình yên
Em đâu biết
Hỡi đời kia có biết ..?
...
Bia liệt sỹ khắc tên anh xứ biệt
Bỏ ôm em
Anh ôm đất trọn đời
...
Em ..!
Trái tim điên
Rên xiết chẳng thành lời!

Mấy câu (ý) bình thường như thế mà đã phải “liều mạng” mới dám viết ra thì không biết chị đã “vạch lằn ranh, cắm cột mốc” để bó hẹp “vùng hoạt động” của thơ mình đến mức nào? Làm thơ mà “vừa viết vừa run” thì làm sao cảm xúc có thể dâng trào, lấn át lý trí để tạo hồn thơ?

Hai Bài Thơ Trùng Ý Tứ

Đọc lại thơ của chị trên FB tôi gặp một bài có tựa khác nhưng ý tứ thì rất giống Con Về Ngõ Nhỏ.

VỀ THĂM NHÀ CŨ

Vắng mẹ nắng ngủ trong mây
Ngập bao lá rụng ấp đầy sân rêu
Cây bòng nhớ mẹ bóng xiêu
Cành xoan lặng đứng hoa chiều tím rơi
Bông bưởi trắng đến chơi vơi
Trong hương con thấy nghẹn rời khúc ru
Mỏng xuân, dày lá vàng thu
Trời say mộng, đâu chim gù bình minh
Chỉ còn cây chổi lặng thinh
Nằm queo mặc lá rữa mình mục đau
Mẹ xưa lam lũ đồng sâu
Cái tôm cái tép rầu rầu niêu dưa
Sóng ngầm dưới mái chèo khua
Trên đầu nắng ít, gió mưa lại nhiều
....
Đời mẹ như một cánh diều
Càng thẳng đứng, càng gió xiêu giữa trời

Đã có Con Về Ngõ Nhỏ (Phụ Lục) rồi mà còn viết được Về Thăm Nhà Cũ đẹp như thế, dễ thương như thế tài thơ của Ngọc Mai quả thật đáng nể. Cũng căn nhà ấy, khung cảnh ấy, cũng cây chổi, cây bòng, sân nhà vắng lặng và cũng tâm trạng nhớ thương bóng mẹ liêu xiêu, bằng ngôn ngữ thơ tượng hình, bằng kỹ thuật thơ điêu luyện, NM đã quyền biến chuyển đổi ngôn ngữ, làm mới câu thơ, tạo được bài thơ sau không giống hệt mà vẫn có cái gì đó “khang khác” bài thơ trước. Tôi phục chị ở chỗ đó.

Nhưng “ép” cảm xúc của mình như thế thì rất tội nghiệp cho những câu thơ và ít nhiều đã làm giảm giá trị của cả 2 bài thơ. Theo tôi, có lẽ khu đất “ương thơ” của chị hơi hẹp (giống thành phố Pleiku) nên “đi dăm phút đã về chốn cũ” (2) - chị phải ương rồi trồng 2 cây thơ vào chung một “hố”.

Cân Nhắc Ưu Khuyết Điểm

Cái gọi là khuyết điểm của thơ Ngọc Mai - tôi đã phải dàn trải trên 2 trang giấy để chị và người đọc nhận thấy dễ dàng hơn -  thật ra, chỉ cần một phút bốc đồng, một lần nổi cơn điên hoặc một quãng thời gian tĩnh lặng thả hồn đi hoang là nó tự biến mất. Còn tài thơ, khả năng đưa cái đẹp vào thơ như chị có thể chỉ cần viết vài hàng nhưng để thủ đắc dân chơi thơ có khi phải vật vã cả đời người.

Mời bạn đọc nghe tâm tình của Ngọc Mai qua 4 câu trong bài Sông Đời:

Trông gì về phía dại khôn
Ban mai rờn mỏng, hoàng hôn xơ dày 
Mưa dài đâu vắt kiệt mây
Trời còn bận ngủ, vòm đầy bóng đen

Bằng 3 câu cuối của đoạn thơ Ngọc Mai đã kéo cả những chuyển động của đất trời (ban mai, hoàng hôn, mây mưa, bóng đêm) xuống hòa nhập với dòng Sông Đời mình để tạo thành một bức tranh thê lương của một cảnh đời bất hạnh, theo tôi, thật tuyệt vời.

Đáng mừng cho người yêu thơ là vườn thơ của chị còn khá nhiều những đoạn thơ hay như thế.

Tóm lại, Ngọc Mai có tâm hồn nhạy cảm, kỹ thuật thơ điêu luyện, rất nhanh nhẹn quyền biến trong sử dụng ngôn ngữ, hình tượng thơ ca. Thơ Lục Bát của chị, nếu tuyển chọn nhũng bài thành công, có thể liệt chị vào hạng cao thủ. Chị còn thử nghiệm thêm Thơ Mới, Thơ Mới Biến Thể và kết quả đáng khích lệ. Theo tôi, chị đã có tất cả điều kiện cần thiết để viết bài thơ để đời của mình. Thơ của chị hiện tại đã có sắc hương để chị không phải thẹn thùng khi đứng cạnh những thi sĩ khác, nhưng vẫn còn thiếu loại cảm xúc cao cấp nhất là hồn thơ. Lý do: Chị còn cho phép lý trí điều tiết cảm xúc của mình khi các con chữ từ ngòi bút tung mình nhảy xuống trang giấy.

Kết Luận

Trong “Con Về Ngõ Nhỏ - Bài Thơ Mới Quen” tôi đã viết:

Tôi chọn bình Con Về Ngõ Nhỏ vì quý một tài thơ chưa phát huy hết sức mạnh của mình”

Hôm nay, cũng vì quý tài thơ của chị, tôi quay lại vườn thơ dạo khắp một vòng và có một mong ước nhỏ bé là một ngày nào đó Ngọc Mai sẽ thay đổi nếp suy nghĩ về thơ. Bởi, là thi sĩ:

Cái khoảng trời ở đàng sau cái lằn ranh hay cột mốc đó, có thể bây giờ chị chưa nghĩ đến, chưa dùng đến, nhưng một ngày nào đó, một lúc nào đó, khi ngòi bút cựa quậy mạnh hơn, chị sẽ cần đến nó. Nếu muốn đi đến Bến Bờ Thi Ca chị nên để tâm hồn thoát cũi sổ lồng, bay đến vùng trời tự do rộng mở, mênh mông … bất tận.

Cái vùng trời tự do đàng sau lằn ranh và cột mốc đó không những giúp tứ thơ sáng hơn, tươi hơn mà còn là lời mời rất khéo để hồn thơ bước vào.

Phạm Đức Nhì

CHÚ THÍCH:

1/ Con Về Ngõ Nhỏ - Bài Thơ Mới Quen, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com  
2/ Còn Chút Gì Để Nhớ, thơ Vũ Hữu Định, nhạc Phạm Duy



PHỤ LỤC:

CON VỀ NGÕ NHỎ

Con về ngõ nhỏ thoảng hương
lối vào vẫn lát vàng ươm nắng chiều
đâu rồi bóng mẹ liêu xiêu
đâu rồi dải yếm rất nhiều gió hong

còn đâu chổi quét lá bòng
còn đâu bông bưởi trắng trong rụng đầy
chẳng còn hoa khế tím cây
chẳng còn vai mẹ hao gầy gió sương

mơ màng khói bếp còn vương                       
thoáng hơi nước vối tỏa hương ngọt ngào
gạo khuya ai giã đêm sao
thèm nghe tiếng mẹ ho bào canh thâu

Trăng non (*) khóc đẫm lá trầu
kìa như tay mẹ chải đầu cho trăng!

(Ngọc Mai)

(*) Tác giả ví mình như vầng trăng non, lúc còn bé thơ thường đứng bên giàn trầu của mẹ mà khóc dỗi hờn để được mẹ dỗ dành và chải đầu cho.


TRÁI TIM ĐIÊN

(Cũng biết rằng Ngoc Mai viết không tới, không dám đốt cháy mình. Bài này NM tập viết liều mạng một chút. .... Hj hj)

Trái tim điên ấp mối tình xứ biệt
Khúc nhạc đầu mươn mướt nụ xuân sang
Ủ tia nắng ươm hồn mây ngũ sắc
Mà sóng gầm bão tố thét tàn hoang
Tim điên viết ngàn lời yêu thầm nhắc
Loạn nhịp hồng bóp tím nghẹt máu tươi
Vọt thành tia loang lổ mặt người
Ai từng điên, ai từng đau rền rĩ..?
...
Mối tình em vượt biên ngoài chiến lũy
Nụ hôn yêu môi gắn đến không cùng
Biển nhỏ bé trước vòng ôm ghì xiết
Lời yêu đầu sóng sánh cõi thần tiên
Giờ tình mình
xác tan tác
có bình yên
Em đâu biết
Hỡi đời kia có biết ..?
...
Bia liệt sỹ khắc tên anh xứ biệt
Bỏ ôm em
Anh ôm đất trọn đời
...
Em ..!
Trái tim điên
Rên xiết chẳng thành lời!

Ngọc Mai





READ MORE - QUÊN MỜI GỌI HỒN THƠ - Phạm Đức Nhì - Bình thơ

KHU MẬT XỨ / ĐẦU NĂM - thơ - Hoàng Xuân Sơn

khu mật xứ 

khuya
vẫn ngồi chong
giao thừa
lên nhang cúng phật
lạy mùa linh thiêng
chú.  niệm
ôngbàtổtiên
chị
em
trong cõi tham thiền miên du
cha nghiêng ảnh sóng
mẹ.  bù
chút con thua lỗ
từ du di
đời
nửa khuya lấp lóa
chỗ
ngồi
mê xuân chép.  loáng
vực
đồi
tương tranh


hoàng xuân sơn
ở giữa Đinh Dậu/Mậu Tuất


đầu năm

                             thả hết chuông vào mõ
                             nghe âm lịch vang rền


cứ ru rú ở trong nhà
[lạnh quá]
lâu ngày thành một quả cà héo khô
[hết đường tương chao]
thưa em.  tôi thiệt hồ đồ
[thiệt giả gì nữa]
nhìn con cẩu mộc
tưởng gà cồ bay
[à à    chó ăn đá gà ăn muối]
thong manh cũng tại xứ này


hoàng xuân sơn

Tết Mậu Tuất 2018
READ MORE - KHU MẬT XỨ / ĐẦU NĂM - thơ - Hoàng Xuân Sơn

ĐẦU NĂM ĐI LỄ - Thơ: Như Nguyệt - Nhạc: Mai Phạm

READ MORE - ĐẦU NĂM ĐI LỄ - Thơ: Như Nguyệt - Nhạc: Mai Phạm