Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, December 16, 2022

ÂM HÁN VIỆT TÊN 32 QUỐC GIA CÓ ĐỘI TUYỂN BÓNG ĐÁ NAM DỰ WORLD CUP 2022 (KỲ III) – La Thụy

 Mùa World Cup 2022 diễn ra thật sôi động. Mọi người cùng xem, reo hò và bình luận rôm rả. Tôi đọc trên Facebook, thấy có  vài bạn ghi tên các đội tuyển bóng đá các quốc gia theo âm Hán Việt. Tuy nhiên, đôi khi họ có những sự lẫn lộn giữa BA TÂY với BA TƯ hay giữa Á CĂN ĐÌNH và A PHÚ HÃN...

Tên các quốc gia ghi bằng âm Hán Việt khá thịnh hành ở miền Nam trước năm 1975 và trên sách báo của người Việt ở hải ngoại vài năm sau 1975 rồi từ từ biến mất dần.
Cảm hứng nảy sinh, tôi mày mò tra cứu và viết lên những gì mình tìm hiểu về tên các đội tuyển bóng đá nam tham dự World Cup 2022.

           

19/ CANADA (GIA NÃ ĐẠI)
 
Từ Canada được người Trung Hoa đọc là [Jiānádà], viết là 加拿大
       
加拿大 có âm Hán Việt là Gia Nã Đại
 
Gia Nã Đại là tên Hán Việt của đất nước rộng lớn Canada. Đây là đất nước được hình thành từ 2 lãnh thổ thuộc địa của Anh và Pháp. Vì thế ngày nay, quốc gia này có 2 ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và tiếng Pháp.
 
Diện tích của quốc gia này ngang ngửa với diện tích của cả châu Âu. Đơn vị hành chính gọi là tỉnh bang chứ không phải là Bang (State) kiểu Mỹ. Quy chế quản lý như tỉnh/thành tại Việt Nam chứ không tự trị hoàn toàn.
 
Nước này là một thành viên của Khối Thịnh Vượng chung (Common Wealth) nên không có Tổng Thống. Nguyên thủ đứng đầu chính là Nữ Hoàng Anh Elizaberth II, mặc dù bà ít tới đây. Thủ tướng là người quản lý chính thức. Hiện nay, Thủ tướng của Gia Nã Đại là Justin Trudeau. Ông còn trẻ và có kiến thức về khoa học kỹ thuật rất tốt.

 
ĐỘI TUYỂN BÓNG ĐÁ QUỐC GIA GIA NÃ ĐẠI
 
Đội tuyển bóng đá quốc gia Canada (tiếng Anh: Canada's men national soccer team; tiếng Pháp: Équipe du Canada de soccer) đại diện cho Canada trong các giải đấu bóng đá nam quốc tế ở cấp độ nam cao cấp chính thức kể từ năm 1924. Họ được giám sát bởi Hiệp hội Bóng đá Canada và thi đấu trong Liên đoàn bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF
 
20/ HOLLAND (HÀ LAN)
 
Tên gọi Hà Lan trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung Hoa. Trước đó, toàn thể Hà Lan (Nederland) thường được gọi bằng định danh có từ lâu trước đó là "Holland" (nghĩa là đất rừng).
 
HOLLAND được người Trung Hoa viết bằng chữ Hán là 荷蘭 [Hélán] hoặc 和蘭 [huòlán]
 
荷蘭 có âm Hán Việt là HÀ LAN.
和蘭 có âm Hán Việt là HOÀ LAN.
 
Hiện nay Hà Lan (荷蘭) được dùng phổ biến hơn ở cả tiếng Việt và tiếng Trung. Một cách gọi khác mà sách giáo khoa Lịch sử lớp 8 và lớp 10 sử dụng là “Nê-đéc-lan”, phiên âm trực tiếp từ “Nederland”. Từ 下蘭 (Hạ Lan) có thể được dùng là dịch trực tiếp từ Nederland hay Netherlands có nghĩa là “Vùng đất thấp”.
 
"Holland" theo ý nghĩa nghiêm ngặt thì thuật ngữ này chỉ nói đến Noord-Holland và Zuid-Holland, là hai trong số 12 tỉnh của quốc gia này, chúng vốn là một tỉnh duy nhất và trước đó là Bá quốc Holland. Bá quốc Holland ban đầu là của người Frisia, xuất hiện sau khi giải thể Vương quốc Frisia, về sau nó trở thành lãnh địa quan trọng nhất về kinh tế và chính trị tại Các Vùng đất thấp (Nederlanden). Điều này cùng với tầm quan trọng của Holland trong việc hình thành Cộng hoà Hà Lan
Khu vực được gọi là Các Vùng đất thấp (Nederlanden, gồm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) và quốc gia Hà Lan (Nederland) tương đồng về địa danh học. Các địa danh có Neder, Nieder, Nether và Nedre (trong các ngôn ngữ German) và Bas hay Inferior (trong các ngôn ngữ Roman) được sử dụng trong các địa điểm trên khắp châu Âu. Chúng thỉnh thoảng được sử dụng trong một quan hệ chỉ thị với một vùng đất cao hơn. Trong trường hợp Các Vùng đất thấp / Hà Lan, vị trí địa lý của vùng "hạ" ít nhiều nằm tại hạ lưu và gần biển.
 
Từ giữa thế kỷ XVI trở đi, "Các Vùng đất thấp" Nederlanden và "Hà Lan" Nederland mất ý nghĩa ban đầu của chúng, và là những tên gọi được sử dụng phổ biến nhất. Chiến tranh Tám mươi năm (1568–1648) phân chia Các Vùng đất thấp thành Cộng hoà Hà Lan độc lập tại miền bắc (Latinh hoá là Belgica Foederata, "Nederland liên hiệp", nhà nước tiền thân của Hà Lan) và Miền nam Các Vùng đất thấp do Tây Ban Nha kiểm soát (Latinh hoá thành Belgica Regia, "Nederland hoàng gia", nhà nước tiền thân của Bỉ).
Các Vùng đất thấp ngày nay là một định danh gồm có Hà Lan, Bỉ và Luxembourg, song trong hầu hết các ngôn ngữ Roman, thuật ngữ "Các Vùng đất thấp" được sử dụng dành riêng cho Hà Lan.
 
Trong tiếng Anh, Hà Lan được viết là "The Netherlands" (danh từ số nhiều), còn tính từ sở hữu viết là "Dutch" thì lại là dạng biến hóa từ của "Deutsch" chỉ chung các dân tộc Đức từ thời xa xưa
 

ĐỘI TUYỂN BÓNG ĐÁ QUỐC GIA HÀ LAN
 
Đội tuyển bóng đá quốc gia Hà Lan (tiếng Hà Lan: Het Nederlands Elftal) là đội tuyển đại diện cho Hà Lan trên bình diện quốc tế kể từ năm 1905. Đội tuyển quốc gia được kiểm soát bởi Hiệp hội bóng đá Hoàng gia Hà Lan (KNVB), cơ quan quản lý bóng đá ở Hà Lan, là một bộ phận của UEFA, và thuộc thẩm quyền của FIFA. Họ được coi là một trong những đội tuyển quốc gia xuất sắc nhất của bóng đá thế giới và được mọi người đánh giá là một trong những đội tuyển quốc gia vĩ đại nhất mọi thời đại. Hầu hết các trận đấu trên sân nhà của Hà Lan đều diễn ra tại Johan Cruyff Arena và Stadion Feijenoord.
 
Đội được gọi một cách thông tục là Het Nederlands Elftal (The Dutch Eleven) hoặc Oranje, sau Ngôi nhà của Orange-Nassau và chiếc áo đấu màu cam đặc biệt của họ. Giống như chính quốc gia này, đội này đôi khi (cũng được gọi một cách thông tục) là Holland. Cổ động viên được biết đến với cái tên "Het Oranje Legioen" (The Orange Legion).
 
Hà Lan đã tham dự 11 kỳ FIFA World Cup, góp mặt trong các trận chung kết 3 lần (vào các năm 1974, 1978 và 2010). Họ cũng đã góp mặt mười lần tại giải vô địch bóng đá châu Âu, vô địch giải đấu năm 1988 ở Tây Đức. Ngoài ra, đội đã giành được huy chương đồng tại Olympic vào các năm 1908, 1912 và 1920. Hà Lan có những đối thủ bóng đá lâu đời với các nước láng giềng Bỉ và Đức.
 
21/ REPUBLIC OF KOREA (HÀN QUỐC)
 
KOREA viết theo chữ Hán là 高麗 phiên âm [gāo lí]
 
高麗 có âm Hán Việt là CAO LY
Còn gọi là 韩国 [Hánguó], âm Hán Việt là HÀN QUỐC.
 
Hàn Quốc, tên gọi đầy đủ là Đại Hàn Dân Quốc, là một quốc gia ở Đông Á, cấu thành nửa phía nam bán đảo Triều Tiên và có chung biên giới trên bộ ở phía bắc với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Phía tây là biển Hoàng Hải, phía nam là biển Hoa Đông còn phía đông là biển Nhật Bản. Hàn Quốc là quốc gia dân tộc với đa số cư dân bản địa.
 
Sau khi thành lập, Hàn Quốc trải qua chiến tranh Triều Tiên. Sau chiến tranh, Hàn Quốc phát triển nhanh chóng và trở thành quốc gia thu nhập cao.
 
Những tên gọi "Đại Hàn" (Daehan, Taehan), "Triều Tiên" (Joseon, Chosŏn), "Hàn Quốc" (Han'guk), "Nam Hàn" (Namhan), "Nam Triều Tiên" (Namjoseon) hay "Bắc Hàn" (Buk'han), "Bắc Triều Tiên" (Bukjoseon) tuy đa dạng trong tiếng Việt nhưng khi sử dụng quốc tế hoặc dịch sang các ngôn ngữ phương Tây thì đều được dịch giống nhau. Ví dụ; tiếng Anh dịch thành Korea, tiếng Pháp dịch là Corée, tiếng Nga dịch là Корея (Koreya), tiếng Tây Ban Nha dịch là Corea,... Cách dùng này bắt nguồn từ quốc hiệu Cao Ly (고려/高麗/Goryeo/Koryŏ) của nhà nước từng tồn tại trên bán đảo từ năm 918 đến 1392. Trong thời kỳ này, tên gọi "Cao Ly - Korea" đã thông qua các thương nhân Ả Rập và Ba Tư để tới châu Âu.
 
Tại Việt Nam, trong quá khứ, quốc hiệu của Hàn Quốc thường được gọi bằng các tên gọi như: Đại Hàn, Nam Hàn (theo cách gọi tắt từ phía chính quốc và Trung Hoa Dân Quốc), Nam Triều Tiên (theo cách gọi của phía Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) hay Cộng hòa Triều Tiên (theo cách gọi của phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trước năm 1992). Trong thời kỳ chia cắt (1954-1976), báo chí và truyền thông của Việt Nam Cộng hòa (trước đó là Quốc gia Việt Nam) gọi chính thể này là "Đại Hàn". Sau năm 1975, truyền thông và sách báo của nhà nước Việt Nam thống nhất sử dụng tên gọi "Nam Triều Tiên".
 
Ngày 23 tháng 3 năm 1994, bằng công hàm số KEV-398 gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam, đại sứ quán Hàn Quốc đề nghị phía Việt Nam gọi chính thể của mình là “Đại Hàn Dân Quốc”, gọi tắt là “Hàn Quốc” (từ “Hàn” ở đây không phải “Lạnh” mà là ký âm tự của từ “Han” trong tiếng Hàn Quốc cổ, có nghĩa là “Lớn”), không sử dụng các tên cũ như “Cộng hoà Triều Tiên” hoặc “Nam Triều Tiên” nữa vì “Triều Tiên” gợi nhắc đến danh xưng của Bắc Triều Tiên. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra công văn số 733/ĐBA-NG ngày 21 tháng 4 năm 1994 gửi tất cả các cơ quan bộ, ngành, tổng cục thông tin, truyền thông cùng ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam yêu cầu: “Từ nay gọi chính thể Nam Triều Tiên là ‘Đại Hàn Dân Quốc’, gọi tắt là ‘Hàn Quốc’, không dùng các tên gọi Cộng hoà Triều Tiên, Nam Triều Tiên hay Nam Hàn nữa”.
Danh xưng “Nam Triều Tiên” hiện nay chỉ còn được truyền thông của phía Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sử dụng do nước này không công nhận tuyên bố chủ quyền của Hàn Quốc.
 

ĐỘI TUYỂN BÓNG ĐÁ QUỐC GIA HÀN QUỐC
 
Đội tuyển bóng đá quốc gia Hàn Quốc (Hangul: 대한민국 축구 국가대표팀) là đội tuyển bóng đá nam cấp quốc gia đại diện cho Hàn Quốc trong các giải thi đấu quốc tế và do Hiệp hội bóng đá Hàn Quốc quản lý. Sân nhà của đội tuyển Hàn Quốc hiện nay là Sân vận động World Cup Seoul.
 
Hàn Quốc sớm nổi lên như một thế lực của bóng đá châu Á từ đầu thập niên 1980 và được xem là đội tuyển châu Á thành công nhất trong lịch sử. Tính đến World Cup 2022, đội tuyển Hàn Quốc đã có tổng cộng 11 lần giành quyền tham dự các kỳ World Cup, trong đó có 10 lần liên tiếp - con số này nhiều hơn bất kỳ đội tuyển châu Á nào khác. Thành tích tốt nhất của Hàn Quốc ở đấu trường thế giới là đạt hạng 4 ở World Cup 2002 - giải vô địch bóng đá thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại châu Á nơi họ là đồng chủ nhà cùng với Nhật Bản. Cho đến nay, thành công này vẫn là bước tiến xa nhất của một đội bóng châu Á tại các kỳ World Cup.
 
Ở đấu trường châu lục, đội tuyển Hàn Quốc vô địch Asian Cup trong 2 lần tổ chức đầu tiên (1956 và 1960) và 4 lần giành ngôi Á quân. Đội cũng đoạt 3 huy chương vàng tại Asian Games vào các năm 1970, 1978 và 1986. Bên cạnh đó, đội xếp hạng 4 khi làm khách mời tham dự giải đấu CONCACAF 2002. Ở cấp độ khu vực, Hàn Quốc có 6 lần vô địch Cúp bóng đá Đông Á và đang giữ kỷ lục về số lần vô địch khu vực.
 
Đội tuyển Hàn Quốc được gọi với các biệt danh như "Chiến binh Thái Cực" hay "Hổ châu Á", linh vật của đội là Hổ Siberia.
       
22/ MAROC (MA RỐC)
       
MAROC hay Morocco được người Trung Hoa phiên âm là [Móluògē], viết là 摩洛哥
 
摩洛哥 có âm Hán Việt là Ma Lạc Ca
Tên gọi theo âm Hán Việt này không thông dụng
 
Maroc (phiên âm tiếng Việt: Ma-rốc; Tiếng Ả Rập: المَغرِب; tiếng Berber Maroc chuẩn: ⵍⵎⵖⵔⵉⴱ; chuyển tự: Lmeɣrib, tiếng Anh: Morocco), tên chính thức Vương quốc Maroc (Tiếng Ả Rập: المملكة المغربية; chuyển tự: al-Mamlakah al-Maghribiyah; tiếng Berber Maroc chuẩn: ⵜⴰⴳⵍⴷⵉⵜ  ⵍⵎⵖⵔⵉⴱ; chuyển tự: Tageldit n Lmaɣrib), là một quốc gia tại miền Bắc Phi.
 
Quốc gia này nằm ở tây bắc châu Phi, Maroc có biên giới quốc tế với Algérie về phía đông, đối diện với Tây Ban Nha qua eo biển Gibraltar, khoảng cách 13 km và biên giới đất liền với hai thành phố tự trị của Tây Ban Nha là Ceuta và Melilla. Maroc giáp Địa Trung Hải và Đại Tây Dương về phía Bắc và Đông, giáp với Tây Sahara (Sahrawi hay Các tỉnh phía Nam) về phía Nam và giáp Mauritanie về phía Tây Nam.
 
Maroc là thành viên của Liên minh châu Phi, Liên đoàn Ả Rập, Liên minh Maghreb Ả Rập, Cộng đồng Pháp ngữ, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo, nhóm Đối thoại Địa Trung Hải, Nhóm 77 và là đồng minh lớn (không thuộc NATO) của Mỹ.
 
Trong vòng 44 năm, từ năm 1912 đến năm 1956, Maroc là xứ bảo hộ của Pháp và Tây Ban Nha. Người dân Maroc chủ yếu là người Ả Rập và người Berber hoặc người lai hai dân tộc này. Tiếng Ả Rập và Berber là ngôn ngữ chính thức. Tiếng Pháp cũng được nói ở các thành phố. Nền kinh tế Maroc chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng hai ngành du lịch và công nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng. Maroc là một nước quân chủ lập hiến, nhà vua là nguyên thủ quốc gia, thủ tướng là người đứng đầu chính phủ. Rabat là thủ đô của Maroc, còn Casablanca là thành phố lớn nhất quốc gia này.
 

ĐỘI TUYỂN BÓNG ĐÁ QUỐC GIA MA RỐC
 
Đội tuyển bóng đá quốc gia Maroc có biệt danh là “Những chú sư tử Atlas”, đại diện cho Maroc trong các cuộc thi bóng đá nam quốc tế. Nó được kiểm soát bởi Liên đoàn bóng đá Hoàng gia Maroc, còn được gọi là FRMF. Màu sắc của đội là đỏ và xanh lá cây. Đội là thành viên của cả FIFA và Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF).
 
Trên bình diện quốc tế, Maroc đã vô địch Cúp bóng đá châu Phi 1976, hai lần vô địch African Nations Championship và một lần vô địch FIFA Arab Cup. Họ đã sáu lần tham dự Giải vô địch bóng đá thế giới. Họ đã làm nên lịch sử vào năm 1986, khi là đội tuyển quốc gia châu Phi đầu tiên đứng đầu một bảng tại World Cup. Tuy nhiên, họ thua đội á quân Tây Đức với tỷ số 0–1. Tại Giải vô địch bóng đá thế giới 2022, Maroc trở thành quốc gia châu Phi và Ả Rập đầu tiên lọt vào bán kết, đồng thời là đội thứ ba từng vào bán kết không thuộc UEFA hoặc CONMEBOL, và là đội đầu tiên kể từ Hàn Quốc vào năm 2002.
 
Những chú sư tử Atlas được xếp hạng thứ 10 trong Bảng xếp hạng thế giới của FIFA vào tháng 4 năm 1998. Họ được FIFA xếp hạng là đội tuyển quốc gia hàng đầu châu Phi trong ba năm liên tiếp, từ 1997 đến 1999. Tính đến tháng 10 năm 2022, Maroc được xếp hạng là đội tuyển quốc gia tốt thứ 22 trên thế giới.
 
23/ QUATAR (CA THÁP NHĨ)
 
QUATAR  được người Trung Hoa viết là 卡塔, phiên âm [Kǎtǎ’ěr]
卡塔 có âm Hán Việt là CA THÁP NHĨ
Tên gọi theo âm Hán Việt này không thông dụng
 
Qatar (phát âm: “Ca-ta”, cũng có người đọc “Qua-ta”, tiếng Ả Rập: قطر‎, chuyển tự: Qaṭar), tên gọi chính thức là Nhà nước Qatar (tiếng Ả Rập: دولة قطر‎, chuyển tự: Dawlat Qaṭar) là quốc gia có chủ quyền tại châu Á, thuộc khu vực Tây Nam Á, nằm về phía đông của bán đảo Ả Rập và bên trong Vịnh Ba Tư. Qatar chỉ có đường biên giới trên bộ với Ả Rập Xê Út về phía nam, vịnh Ba Tư bao quanh phần còn lại của quốc gia này. Một eo biển thuộc vịnh Ba Tư chia tách Qatar khỏi đảo quốc láng giềng Bahrain, ngoài ra, đất nước này còn có biên giới hàng hải với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) ở phía nam và Iran ở phía tây.
 
Qatar theo chế độ quân chủ thế tập, vua Emir là nguyên thủ quốc gia cao nhất đồng thời là biểu tượng của đất nước. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều tranh luận về việc Qatar là một quốc gia quân chủ lập hiến hay quân chủ chuyên chế. Năm 2003, hiến pháp Qatar đã được chấp thuận thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý, với kết quả áp đảo là gần 98% người dân nước này ủng hộ.
 
Đầu năm 2017, tổng dân số của Qatar là 2,6 triệu người, trong đó 313.000 công dân mang quốc tịch Qatar hợp pháp và 2,3 triệu còn lại là người nước ngoài bao gồm cả những ngoại kiều cùng nhóm lao động nhập cư. Hồi giáo là tôn giáo chính thức của Qatar. Qatar là một trong những đất nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, được Liên Hợp Quốc xếp hạng là quốc gia có chỉ số phát triển con người rất cao và được coi là quốc gia Ả Rập tiên tiến nhất để phát triển con người.
 
Qatar có diện tích khiêm tốn, song vị trí cùng tầm ảnh hưởng của họ trên thế giới lại không hề nhỏ, quốc gia này là một đồng minh kinh tế - quân sự thân cận của Hoa Kỳ, được công nhận là một cường quốc khu vực tại Vùng Vịnh cũng như cường quốc bậc trung. Qatar sở hữu một nền kinh tế thị trường với thu nhập rất cao và là một quốc gia phát triển, dựa trên nền tảng là trữ lượng khí đốt thiên nhiên được ước tính lớn thứ 3 thế giới cùng nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ. Qatar có mức thu nhập bình quân đầu người cao hàng đầu trên thế giới, được phân loại là quốc gia có chỉ số phát triển con người rất cao và là quốc gia tiến bộ nhất trong thế giới Ả Rập về phát triển con người. Trong thế kỷ 21, Qatar là một thế lực đáng kể trong thế giới Ả Rập, nước này công khai ủng hộ về tài chính cũng như tuyên truyền cho một số tổ chức khởi nghĩa trong sự kiện Mùa xuân Ả Rập thông qua tập đoàn truyền thông toàn cầu Al Jazeera của mình.
 
Mặc dù là một quốc gia giàu có, tuy nhiên, Qatar hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả trong và ngoài nước như bất bình đẳng kinh tế - xã hội đặc biệt ở trong nhóm lao động nhập cư, là đối tượng của lệnh cấm vận ngoại giao và kinh tế của các nước láng giềng: Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Maldives, Mauritanie, Yemen cùng Ai Cập, bắt đầu vào tháng 6 năm 2017, trong đó, Ả Rập Xê Út đã đề xuất xây dựng kênh đào Salwa, sẽ chạy dọc biên giới Ả Rập-Qatar, biến Qatar thành một hòn đảo.
 
Qatar đăng cai Giải bóng đá vô địch thế giới 2022 và là quốc gia Ả Rập cũng như châu Á đầu tiên độc lập tổ chức giải đấu này kể từ năm 2002.
 

ĐỘI TUYỂN BÓNG ĐÁ QUỐC GIA QATAR
 
Đội tuyển bóng đá quốc gia Qatar (tiếng Ả Rập: منتخب قطر لكرة القدم‎) là đội tuyển cấp quốc gia của Qatar do Hiệp hội bóng đá Qatar quản lý. Đội tuyển Qatar hiện là đương kim vô địch châu Á sau khi lên ngôi tại Asian Cup 2019. Ngoài ra, đội có chức vô địch Tây Á 2014 và 3 chức vô địch vùng Vịnh vào các năm 1992, 2004 và 2014, Qatar là đội bóng thứ hai của châu Á và là đội bóng Ả Rập đầu tiên được tham dự Copa América 2019 với tư cách là khách mời. Đội đã một lần tham dự World Cup vào năm 2022 với tư cách là chủ nhà. Tại giải năm đó, đội đã để thua cả 3 trận trước Hà Lan, Sénégal và Ecuador, qua đó trở thành chủ nhà thứ hai bị loại ở vòng bảng, sau Nam Phi năm 2010.
 
24/ ARABIE SAOUDITE (Ả RẬP XÊ ÚT)
 
Ả RẬP XÊ ÚT là cách đọc nôm na dựa theo tiếng Pháp ARABIE SAOUDITE, còn viết theo tiếng Anh là  SAUDI ARABIA
 
SAUDI ARABIA viết theo chữ Hán là 沙特阿拉伯 phiên âm   [Shātè ālābó]
 
沙特阿拉伯 có âm Hán Việt là Sa Đặc A Lạp Bá
Tên gọi theo âm Hán Việt này không thông dụng
  
Ả Rập Xê Út (tiếng Ả Rập: ٱلسَّعُوْدِيَّة, chuyển tự ‎as-Saʿūdīyah, "thuộc về Nhà Saud"), tên gọi chính thức là Vương quốc Ả Rập Xê Út (tiếng Ả Rập: المملكة العربية السعودية‎ ("Vương quốc Ả Rập của Nhà Saud"), là một quốc gia có chủ quyền tại khu vực Tây Á, chiếm phần lớn bán đảo Ả Rập. Quốc gia này có diện tích đất liền vào khoảng 2,15 triệu km², là quốc gia rộng lớn thứ 5 tại châu Á và rộng lớn thứ nhì trong thế giới Ả Rập (chỉ xếp sau Algérie). Ả Rập Xê Út có biên giới với Jordan và Iraq về phía bắc; Kuwait về phía đông bắc; Qatar, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) về phía đông; Oman về phía đông nam và Yemen về phía nam. Ả Rập Xê Út tách biệt với Israel và Ai Cập qua vịnh Aqaba. Đây là quốc gia duy nhất có bờ biển tiếp giáp với cả biển Đỏ cùng vịnh Ba Tư. Hầu hết địa hình của Ả Rập Xê Út là các hoang mạc khô hạn hoặc địa mạo cằn cỗi.
 
Ả Rập Xê Út là một quốc gia quân chủ chuyên chế, thực chất là một chế độ độc tài thế tập do các Hoàng tộc theo các dòng Hồi giáo cai trị. Ngày nay, Phong trào tôn giáo Wahhabi (Wahhabism) theo thiên hướng bảo thủ thuộc phái Hồi giáo Sunni được gọi là "đặc điểm nổi bật nhất của văn hóa Ả Rập Xê Út", phong trào này được truyền bá mạnh mẽ trên toàn cầu nhờ vào tiền tài trợ từ mậu dịch dầu khí. Ả Rập Xê Út đôi khi còn được gọi là "Vùng đất Hai Thánh đường" - để ám chỉ Al-Masjid al-Haram (tại Mecca), và Al-Masjid an-Nabawi (tại Medina), đó là hai địa điểm linh thiêng nhất trong Thế giới Hồi giáo. Ả Rập Xê Út có tổng dân số là 33 triệu người vào năm 2017, trong đó có hàng triệu người là ngoại kiều. Ngôn ngữ quốc gia chính thức là tiếng Ả Rập.
 
Dầu mỏ lần đầu tiên được phát hiện tại quốc gia này vào ngày 3 tháng 3 năm 1938, sau đó là hàng loạt phát hiện lớn khác tại vùng Đông. Ả Rập Xê Út từ đó trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất trên thế giới, với trữ lượng dầu mỏ lớn thứ nhì và trữ lượng khí đốt lớn thứ 6 toàn cầu. Quốc gia này được Ngân hàng Thế giới phân loại là một nền kinh tế có thu nhập rất cao với chỉ số phát triển con người (HDI) cũng ở mức rất cao và là quốc gia Ả Rập duy nhất góp mặt trong G-20.
 

ĐỘI TUYỂN BÓNG ĐÁ QUỐC GIA Ả RẬP XÊ ÚT
 
Đội tuyển bóng đá quốc gia Ả Rập Xê Út (tiếng Ả Rập: المنتخب العربي السعودي لكرة القدم‎) là đội tuyển bóng đá đại diện cho Ả Rập Xê Út và do Liên đoàn bóng đá Ả Rập Xê Út (SAFF) quản lý.
 
Được xem là một trong những đội tuyển bóng đá thành công nhất châu Á, Ả Rập Xê Út bắt đầu nổi lên thống trị đấu trường Asian Cup vào cuối thế kỷ 20 khi vô địch châu lục vào các năm 1984, 1988 và 1996, cân bằng với thành tích vô địch của Iran trước khi bị Nhật Bản vượt lên vào năm 2011. Đội còn nắm giữ kỷ lục về số lần lọt vào chung kết Asian Cup nhiều nhất trong lịch sử giải đấu (6 lần).
 
Ở cấp độ thế giới, đội đã lọt vào vòng 2 World Cup ngay trong lần đầu tham dự năm 1994 và từ đó có thêm năm lần góp mặt, nhưng đều không vượt qua được vòng bảng. Ả Rập Xê Út là đội tuyển châu Á đầu tiên lọt vào trận chung kết một giải đấu cấp cao của FIFA khi giành được ngôi Á quân giải Cúp Nhà vua Fahd 1992, giải đấu tiền thân của Cúp Liên đoàn các châu lục.
 
25/ TUNISIA (ĐỘT NI TƯ)
 
TUNISIA viết theo chữ Hán là 突尼斯 phiên âm [Túnísī]   
 
突尼斯  có âm Hán Việt là ĐỘT NI TƯ
Tên gọi theo âm Hán Việt này không thông dụng.
 

ĐỘI TUYỂN BÓNG ĐÁ QUỐC GIA TUNISIA
 
Đội tuyển bóng đá quốc gia Tunisia (tiếng Ả Rập: منتخب تونس لكرة القدم‎; tiếng Pháp: Équipe de Tunisie de football) là đội tuyển cấp quốc gia của Tunisia do bên Liên đoàn bóng đá Tunisia quản lý.
 
Thành tích tốt nhất của đội cho đến nay là chức vô địch Cúp bóng đá châu Phi 2004 và tấm huy chương bạc của đại hội Thể thao toàn Phi 1991. Đội đã từng 6 tham dự giải vô địch bóng đá thế giới là vào các năm 1978, 1998, 2002, 2006, 2018 và 2022, tuy nhiên đều không vượt qua được vòng bảng.
 
26/ SERBIA (TẮC NHĨ DUY Á)
 
SERBIA được người Trung Hoa viết là  维亚, phiên âm [Sài’ěrwéiyǎ].
维亚 có âm Hán Việt là TẮC NHĨ DUY Á
Tên gọi theo âm Hán Việt này không thông dụng.
 
Serbia (phiên âm là Xéc-bi hay Xéc-bi-a, tiếng Serbia: Србија, chuyển tự Srbija, phiên âm là Xrơ-bi-a), tên chính thức là Cộng hòa Serbia (tiếng Serbia: Република Србија, chuyển tự Republika Srbija) là một quốc gia nội lục thuộc khu vực đông nam châu Âu. Serbia nằm trên phần phía nam của đồng bằng Pannonia và phần trung tâm của bán đảo Balkan. Địa hình phía bắc nước này chủ yếu là đồng bằng còn phía nam lại nhiều đồi núi. Serbia giáp với Hungary về phía bắc; România và Bulgaria về phía đông; Albania và Bắc Macedonia về phía nam; giáp với Montenegro, Croatia và Bosna và Hercegovina về phía tây. Tính đến tháng 7 năm 2007, dân số của nước này là 10.150.265 người.
Serbia từng là một quốc gia có nền văn hóa phát triển cao vào thời kỳ trung cổ trước khi trở thành thuộc địa của Đế chế Ottoman. Năm 1878, Serbia chính thức giành lại được nền độc lập cho dân tộc. Đường biên giới hiện nay của Serbia được hình thành sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc và nước này trở thành một bộ phận của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Nam Tư, một quốc gia xã hội chủ nghĩa nhưng không phải là đồng minh của Liên Xô. Khi Liên bang Nam Tư giải thể vào thập niên 1990, chỉ còn lại Montenegro ở lại với Serbia trong liên bang Serbia và Montenegro. Năm 2006, Montenegro tách khỏi liên bang và Serbia trở thành một quốc gia độc lập. Hiện nay vấn đề vùng lành thổ Kosovo tách khỏi Serbia để thành lập một quốc gia độc lập vẫn gây nhiều tranh cãi trên thế giới.
 
Ngày nay Serbia là một nước cộng hòa đa đảng theo thể chế dân chủ đại nghị. Thủ tướng là người đứng đầu nhà nước và nắm thực quyền chính ở Serbia. Nền kinh tế Serbia hiện nay đang tăng trưởng khá nhanh và thu nhập bình quân của nước này được xếp vào nhóm trung bình trên của thế giới. Serbia cũng là nước có Chỉ số Phát triển Con người (HDI) cao.
 

ĐỘI TUYỂN BÓNG ĐÁ QUỐC GIA SERBIA
 
Đội tuyển bóng đá quốc gia Serbia (tiếng Serbia: Фудбалска репрезентација Србије, chuyển tự Fudbalska reprezentacija Srbije), là đội tuyển của Hiệp hội bóng đá Serbia và đại diện cho Serbia trên bình diện quốc tế.
 
Sau sự tan rã của CHLB XHCN Nam Tư và đội tuyển bóng đá của quốc gia này vào năm 1992, Serbia đã được đại diện (cùng với Montenegro) trong đội tuyển bóng đá quốc gia CHLB Nam Tư mới. Mặc dù đủ điều kiện tham dự Euro 92, đội đã bị cấm tham gia giải đấu do các lệnh trừng phạt quốc tế, với phán quyết cũng được thi hành cho các vòng loại World Cup 94 và Euro 96. Đội tuyển quốc gia đã chơi trận giao hữu đầu tiên vào tháng 12 năm 1994, và với việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt, thế hệ vàng của những năm 1990 cuối cùng đã tham dự World Cup 98, lọt vào vòng 16 đội và tứ kết tại Euro 2000. Đội tuyển quốc gia đã chơi ở các giải đấu FIFA World Cup 2006, 2010, 2018 và 2022 nhưng đều không thể vượt qua vòng bảng trong mỗi giải đấu.
 
Từ tháng 2 năm 2003 đến tháng 6 năm 2006, Serbia tham gia với tên gọi Serbia và Montenegro do sự thay đổi tên quốc gia. Sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2006, Montenegro tuyên bố độc lập, dẫn đến việc các liên đoàn bóng đá riêng biệt dẫn đến việc các đội được đổi tên và thành lập đội tuyển bóng đá quốc gia Serbia có chủ quyền Serbia được FIFA và UEFA coi là đội tuyển quốc gia kế thừa chính thức của cả Vương quốc Nam Tư / CHLB XHCN Nam Tư và các đội tuyển bóng đá quốc gia CHLB Nam Tư / Serbia và Montenegro.
 
27/ SÉNÉGAL (TẮC NỘI GIA NHĨ)
 
SÉNÉGAL viết theo chữ Hán là 塞内加 phiên âm  [Sàinèijiā’ěr].
塞内加 có âm Hán VIỆT là Tắc Nội Gia Nhĩ
Tên gọi theo âm Hán Việt này không thông dụng.
 
 Sénégal (tiếng Pháp: Sénégal, tiếng Wolof: Senegaal; tiếng Ả Rập: السنغال Alsinighal; phiên âm: Xê-nê-gan), tên chính thức Cộng hòa Sénégal (tiếng Pháp: République du Sénégal [ʁepyblik dy seneɡal], tiếng Wolof: Réewum Senegaal, tiếng Ả Rập: جمهورية السنغال Jumhuriat Alsinighal), là một quốc gia tại Tây Phi. Sénégal giáp Mauritanie về phía bắc, Mali về phía đông, Guinée về phía đông nam, và Guiné-Bissau về phía tây nam. Sénégal vây quanh ba phía Gambia, một quốc gia có lãnh thổ là những dải đất hai bờ sông Gambia, chia tách Casamance khỏi phần còn lại của Sénégal. Sénégal cũng có biên giới trên biển với Cabo Verde. Trung tâm kinh tế và chính trị của Sénégal là Dakar.
Sénégal nằm ở cực tây của Lục địa Phi-Á Âu và lấy tên từ sông Sénégal. Sénégal có diện tích chừng 197.000 kilômét vuông (76.000 dặm vuông Anh) và dân số khoảng 16 triệu người. Đất nước được tách ra từ Tây Phi thuộc Pháp sau khi Pháp trao trả độc lập, ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp. Giống như các quốc gia châu Phi thời hậu thuộc địa khác, đất nước này bao gồm nhiều cộng đồng dân tộc và ngôn ngữ, với cộng đồng lớn nhất là người Wolof, người Fula, và người Serer.
 
Senegal được xếp vào nhóm quốc gia nghèo mắc nợ nhiều, với Chỉ số Phát triển Con người tương đối thấp. Phần lớn dân số sống trên bờ biển và làm nông nghiệp hoặc các ngành công nghiệp thực phẩm khác. Các ngành công nghiệp chính khác bao gồm khai thác mỏ, du lịch và dịch vụ. Khí hậu điển hình của vùng Sahel, nhưng có mùa mưa.
Senegal là một quốc gia thành viên của Liên minh châu Phi, Liên hợp quốc, Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và Cộng đồng các quốc gia Sahel-Sahara.
 

ĐỘI TUYỂN BÓNG ĐÁ QUỐC GIA SÉNÉGAL
 
Đội tuyển bóng đá quốc gia Sénégal (tiếng Pháp: Équipe du Sénégal de football) là đội tuyển cấp quốc gia của Sénégal do Liên đoàn bóng đá Sénégal quản lý.
 
Trận quốc tế đầu tiên của đội tuyển Sénégal là trận đấu gặp Bénin vào năm 1961. Thành tích tốt nhất của đội cho đến nay là lọt vào tứ kết World Cup 2002 ở ngay lần đầu tham dự giải và chức vô địch CAN 2021.
 
La Thụy sưu tầm và biên tập
 
(Mời quý bạn đón xem tiếp kỳ 4)
 
READ MORE - ÂM HÁN VIỆT TÊN 32 QUỐC GIA CÓ ĐỘI TUYỂN BÓNG ĐÁ NAM DỰ WORLD CUP 2022 (KỲ III) – La Thụy