Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, April 18, 2024

47 RONIN: KHÚC BI TRÁNG TRONG LỊCH SỬ NHẬT BẢN - Nguyễn Khắc Phước

 


Tiểu thuyết “47 Ronin” của Ichikawa


Câu chuyện cảm động về lòng trung thành dưới đây là một câu chuyện có thực trong xã hội Nhật Bản dưới thời Edo và dần dần nó trở thành một câu chuyện anh hùng trong nhân dân Nhật Bản, được các nhà biên kịch viết lại dưới dạng Kabuki (một loại hình sân khấu truyền thống của Nhật Bản) và các tiểu thuyết gia đưa vào trong tập sách “Chushin Gura” (kho tàng các truyện trung nghĩa). Chuyện này đã được đạo diễn thiên tài Akira Kurosawa dựng thành phim và bộ phim này đã được trình chiếu một lần ở VN.

Vào năm 1701, nước Nhật được Tướng quân (Shogun) Tokugawa Tsunayoshi cai trị từ lâu đài Edo (Thiên Hoàng chỉ có hư vị). Mặc dù có tính lập dị, nhưng ông khuyến khích chủ thuyết tân khổng giáo và có biện pháp kềm chế bạo lực của giới quân nhân Samurai.

Hằng năm vào dịp Năm Mới, các Tướng Quân có lệ cho phái đoàn mang lễ vật đến biếu Hoàng Đế ở Kyoto, và vào mùa xuân, Hoàng đế lại cho phái đoàn của mình mang quà đến biếu các Tướng Quân

Lâu đài Edo.


Năm 1701, Tướng Quân Tokugawa chọn hai lãnh chúa trẻ: Asano Naganori từ lâu đài Ako, tỉnh Harima và Date từ tỉnh Sendai để tiếp phái đoàn của Hoàng Đế. Để bảo đảm các nghi thức được tuân thủ và sợ rằng sự thiếu kinh nghiệm của hai lãnh chúa sẽ gây khó khăn, Tướng Quân chọn một vị quan cao cấp hơn tên là Kira Yoshinaka để cố vấn giúp đỡ.

Theo truyền thuyết, Kira là một tay vô lại, tham lam và hách dịch. Ông ta thường xuyên gây sự với Asano, buộc người này tội vô lễ (vì không nộp đủ quà cáp cho ông ta). Sau hai tháng bị công khai lăng mạ và sĩ nhục, Asano không thể chịu đựng được nữa. Ngày 14 tháng Ba, trong lâu đài Edo, Asano phẫn nộ rút kiếm đánh Kira làm ông này bị thương nhẹ.

Đối với Tướng Quân Tokugawa, tai nạn này không thể chịu đựng được. Bao lâu nay nghiêm khắc áp dụng luật để ngăn ngừa bạo lực trong giới Samurai, nay lại phải đối mặt với việc chính người đại diện cho mình bị vi phạm, lại vi phạm ngay trong lâu đài Edo là một điều cấm kị. Quyết định được đưa ra ngay lập tức: Asano phải mổ bụng tự sát hoặc bị treo cổ. (Kira không bị trừng phạt, và sau khi lành vết thương, ông ta lại tiếp tục nhiệm vụ.)

Một quân nhân Samurai trẻ, hầu cận của Asano được gởi về lâu đài ở Harima báo tin dữ. Theo luật, nếu một lãnh chúa bị tội chết, lâu đài và lãnh địa ông ta sẽ bị tịch thu. Asano có 312 Samurai dưới quyền và tất cả họ đều sẽ bị mất nhà cửa, đất đai và lợi tức. Họ trở thành những võ sĩ vô chủ, thất nghiệp.

Chủ tịch hội đồng của tỉnh Hirama tên là Oishi Kuranosuka tức giận vì những trò đốn mạt của Kira và vì ông này không bị trừng trị, đồng thời Oishi phải đối diện với tương lai đen tối và bất an, quyết định tìm cách thỉnh nguyện với Tướng Quân. Ý tưởng của Oishi là xin Tướng Quân cho phép Anaso Daigaku (em trai của Asano Naganori) được thay anh lãnh đạo gia đình (bao gồm cả 312 võ sĩ) với cấp bậc lãnh chúa. Có 60 võ sĩ không đồng ý với việc thỉnh nguyện và rời lâu đài. 

 

Lâu đài Ako.

 

Kế họach này thất bại. Asano Daigaku (lúc đó đang ở Kyoto) gởi thư cho Oishi yêu cầu giao lâu đài lại cho đại diện củaTướng Quân và tuân thủ luật pháp để khỏi làm cho dòng họ Asano bị tiêu vong.

Trước khi rời lâu đài, Oishi và 59 người khác cùng thỏa hiệp quyết báo thù và khôi phục danh dự cho lãnh chúa của họ.

Lo sợ đang có âm mưu báo thù, Kira không dám rời lâu đài Edo nửa bước, đồng thời Asano Daigasu cũng bị Tướng Quân quản thúc chặt trong lâu đài.

Trong khi các võ sĩ vô chủ mỗi người tản mát một nơi, Oishi tìm đến Kyoto và chẳng bao lâu ông ta trở thành tay bài bạc, nghiện ngập, thường xuyên có mặt ở quán Ichiriki để thưởng thức gái đẹp, rượu ngon, thực ra là để đánh lừa. Đồng nghiệp của Oishi cũng tìm cách để Kira tưởng rằng họ đã từ bỏ việc báo thù bằng cách làm nghề thương lái hoặc bán dạo (những công việc không đáng để một võ sĩ thất nghiệp làm) và các hoạt động vô hại khác. Từng người một, giấu nhẹm hành tung, bí mật tìm đến Kyoto và tiếp cận lâu đài Edo.

Sau một thời gian, Kira bớt lo lắng, bắt đầu rời lâu đài ngày một thường xuyên hơn và thường đến quán Ichiriki tổ chức tiệc tùng. Các võ sĩ bắt đầu thu thập về đường đi, chỗ đến và thói quen của Kira.

Tụ họp các võ sĩ lại, Oishi quyết định cùng 46 người sẽ tham gia vào cuộc tấn công.

Ngày 14 tháng 12, 1702, sau khi nhận được thông tin Kira sẽ tổ chức tiệc trà tại quán Ichiriki, 47 võ sĩ vô chủ núp dưới trời mưa tuyết bất ngờ tấn công vào chỗ của Kira.

Trận đánh khốc liệt giữa các võ sĩ và thuộc hạ của Kira diễn ra chừng một tiếng rưỡi, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Tất cả thuộc hạ của Kira đều bị giết hoặc bị bắt. Riêng Kira thì mất tăm. Họ lục lọi tìm kiếm mọi ngõ ngách cho đến khi tìm thấy Kira trong một nhà tiêu bên ngoài. Bị lôi ra giữa sân, ông ta được cho cơ hội chuộc lỗi bằng các tự mổ bụng. Ông ta không chịu và bị chặt đầu. Các võ sĩ tìm đường đến nghĩa trang ở Sengaku-ji, đặt đầu Kira trước mộ của Asano Nagonuri.

Giết một vị quan, cho dù là để báo thù cũng phạm tội treo cổ. Họ biết rõ số phận đang chờ mình. Thế nên, thay vì bỏ trốn, Oishi cho hai võ sĩ đến liên lạc với quan tòa của Tướng Quân và đợi ông ta đến bắt.

 

Đền thờ 47 Ronin ở Sengaku-ji, Tokyo

 

 Hành động ấy khiến cho Tướng Quân Tokugawa rất khó xử. Ông ta có cảm tình với các võ sĩ vì lòng tận tụy trung thành của họ, chứng tỏ họ tin tưởng vào thuyết tân khổng giáo do ông đề xướng. Cho đến lúc bấy giờ, ông đã biết rõ căn nguyên sự xung đột giữa Asano và Kira và ông cũng biết được sự ủng hộ của dân chúng ở khắp nước, đặc biệt ở Kyoto và Hirami và của nhiều thuộc hạ của ông dành cho các võ sĩ.

Treo cổ các võ sĩ phạm tội là đúng luật. Không thực hiện luật là làm nó mất tác dụng.

Rốt cục, Tướng Quân dựa theo luật chiến tranh, thay vì treo cổ họ thì ông ra lệnh cho họ được mổ bụng tự sát . Họ không chết như tội phạm mà chết một cách danh dự như một quân nhân samurai. Tội của họ bị trừng phạt nhưng lòng trung thành của họ được ca ngợi.

Họ chia thành bốn nhóm và lần lượt tự mổ bụng trước sự chứng kiến của bốn lãnh chúa. Hôm đó là ngày 14 tháng Hai, 1703. Chỉ một trong số 47 người đó được tha mạng. Anh là người trẻ tuổi nhất trong nhóm và cũng chính là người đã quay trở lại Hirami để báo tin về cái chết của Asano. Bốn mươi sáu Ronin còn lại được chôn bên cạnh nhau quanh mộ Asano Nagonori.

Khói hương nghi ngút trước mộ của các Ronin.


 

Ronin trong tranh khắc gỗ Nhật Bản.

 

  NGUYỄN KHẮC PHƯỚC

Tổng hợp và dịch từ báo chí nước ngoài.

* Ronin, tức những võ sĩ đạo không có người lãnh đạo, không có lãnh chúa hoặc* *Ronin:  Những võ sĩ đạo không có người lãnh đạo, không có lãnh chúa hoặc người cầm đầum đầu.

 

READ MORE - 47 RONIN: KHÚC BI TRÁNG TRONG LỊCH SỬ NHẬT BẢN - Nguyễn Khắc Phước

TÔI NHỚ THƯƠNG QUÁ NGOẠI HƯƠNG CAU CHOÀNG BƯỚC CHÂN – Trần Vấn Lệ




Ngay cùng trong Tiểu Bang mà nhiều nơi nóng khiếp, nhiều nơi lạnh liên tiếp, nhiều nơi thấy mát rồi!
 
Tại nó lớn quá thôi?  Hay tại trời chia rẽ?  Bỏ đây đi: lớp trẻ!  Chuyển tới đây:  lớp già!
 
Trẻ, già, có cách xa, tuổi và điều suy nghĩ.  Người làm sao trời thế...cho bõ ghét trần gian!
 
Bạn San Diego than:  "Anh ơi, đây nóng quá!". Tôi nói như vuốt má:  "Hồng đi cho mưa về!".
 
Đúng là chuyện bạn bè...Chuyện nhớ quê bớt bớt.  Nhiều người nhìn cỏ lợt thở dài như Nguyễn Du:
 
"Quê người cỏ lợt màu sương, đường đi thêm một bước đường một đau!".  Không ai biết làm sao nâng chiều tà bóng xế!
 
Bà Mẹ cho em bé ngậm vú trong parking, tôi dừng xe giật mình:  May mà trời hết lạnh.
 
Em bé mắt lóng lánh, mùi sữa bay thật thơm.
Bà Mẹ cúi xuống hôn tóc con, tình quá đỗi!
 
Tôi nhớ thương quá Ngoại hương cau choàng bước chân...Quê mình nồng nàn Xuân, bốn chín năm ai biết?
 
Trần Vấn Lệ

READ MORE - TÔI NHỚ THƯƠNG QUÁ NGOẠI HƯƠNG CAU CHOÀNG BƯỚC CHÂN – Trần Vấn Lệ

LÊN NON, NHÀ XƯA – Thơ Tịnh Bình




 
LÊN NON
 
Mệt nhoài lên đỉnh phù vân
Một trời một đất chợt gần gụi nhau
Vốc mây đôi ngụm trắng phau
Này hoa này lá trăng sao mỉm cười
 
Nhủ lòng cõi tạm người ơi!
Đường mây lối mộng rong chơi tháng ngày
Duyên trần ngoại cảnh đừng say
Miền sen tịnh độ thanh bai ta về
 
Hoàng hôn bảng lảng trời quê
Chim dang thêm cánh sơn khê mỏi mòn
Bước đời nặng trĩu đa đoan
Lệ mưa chớm tạnh lòng còn xót đau
 
Mệt nhoài nẻo thấp lối cao
Đỉnh trời bóng núi một màu hư vô
Biển người xao động nhấp nhô
Gánh gồng ước nguyện khổng lồ lên non...
 
 
NHÀ XƯA
 
Ngôi nhà tuổi thơ
Quanh mép hàng rào kẽm gai rỉ sét
Tầng tầng lớp lớp những bông huệ đất mở mắt
Khoác chiếc áo màu cam sặc sỡ trong nắng trưa
Dưới cơn mưa đầu hạ
Xòe nở những ánh nhìn thủy tinh
 
Những buổi trưa trốn ngủ
Khi lũ ve hạ mỏi mồm tạm im hơi
Bọn chuồn chuồn cào cào xanh đỏ bày đặt ra vẻ dỗi hờn
Chỉ những bông huệ chân phương với đóa hoa đôi rực rỡ
Cùng với đứa trẻ ngây ngô là tôi chơi trò dọn đồ hàng
Khách mua là vô số bạn kiến nhỏ
Cười hi hi ha ha...
 
Giấc mơ bay về phía bầu trời
Rất nhiều năm mang tuổi thơ tôi đi mất
Ngôi nhà xưa và bông hoa huệ đất
Vẫn thầm thì câu chuyện dưới mưa trưa...
                                                        
Tịnh Bình                                                                 
(Tây Ninh)

READ MORE - LÊN NON, NHÀ XƯA – Thơ Tịnh Bình