Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, September 6, 2014

Thơ Trúc Thanh Tâm - DÒNG ĐỜI LUÂN CHUYỂN




DÒNG ĐỜI LUÂN CHUYỂN

Yêu cho đi nhận về từ phía khác
Tiếng thời gian bay bổng giữa xa xôi
Ly rượu mời có người khóc kẻ cười
Trên năm tháng chia đôi lời từ tạ

Lạnh mùa đông cớ sao tàn nhẫn quá
Đủ làm đông vết máu của thương đau
Đủ làm quên giây phút nụ hôn trao
Đủ làm chết dung nhan trong khoảnh khắc

Ôm số phận mẹ một đời thổn thức
Em từng đêm vò võ nỗi niềm riêng
Đời mong manh sao giải nghĩa ưu phiền
Cõi tạm trú nên lầm người gian dối

Trong thánh thiện chắc gì không tội lỗi
Kiếp lục bình chưa trả hết long đong
Mỗi người chúng ta đều có con sông
Được tắm mát thời hoàng kim tuổi nhỏ

Chiều vào tối lắng lòng nghe đất thở
Tiếng đàn ai réo rắc giấc mơ yêu
Hồn quê tôi bàng bạc khói lam chiều
Tình dân tộc biết bao điều thân thiết

Hoa mới nở còn nghe mùi trinh tiết
Hương bềnh bồng về tận phía đam mê
Buổi đầu tiên mình nói tiếng hẹn thề
Từng nhịp thở má ửng hồng e thẹn

Em có nghe dòng đời đang luân chuyển
Cho bây giờ và mãi mãi tương lai
Để em thấy tình yêu luôn rất lạ
Sương trên cành lóng lánh buổi ban mai !

                          Mùa Trung Thu 2014
                         TRÚC THANH TÂM
                                         (Châu Đốc) 
READ MORE - Thơ Trúc Thanh Tâm - DÒNG ĐỜI LUÂN CHUYỂN

Huệ Triệu - THƠ VỀ QUẢNG TRỊ : THẠCH HÃN VẪN DÒNG XANH, TRƯỚC DI TÍCH TRƯỜNG BỒ ĐỀ


Tác giả Huệ Triệu. Ảnh từ trang nhavantphcm.com.vn



THẠCH HÃN VẪN DÒNG XANH
                                

Xuôi Thạch Hãn một ngày tháng Bảy
Nước sông trong như chẳng có mùa
Phía bờ vắng, đôi chùm trang đỏ 
Hoa đợi người thao thiết nắng trưa

Tháng Bảy ấy quê mình thành chảo lửa
Máu người hòa nước mắt của sông
Kìa Thành Cổ đất bời bời tiếng súng
Có ai không an ủi mẹ ta cùng

Thạch Hãn nước xanh
Cuộn dòng máu đỏ
Các anh nằm đâu, nằm đâu ?
Mà sóng rưng rưng dọc triền sông chảy
Phù sa đắp đổi
Bờ bãi xanh màu
Em đâu, em đâu ?
Tiếng vọng từ lòng đất
Lá thư thiêng đưa chị về tìm
Ôm phù sa đầy tay
6 ngày làm vợ
30 năm biền biệt dõi nhìn
Thắt ruột sóng xô

Vẫn chang nắng, đất trời  Quảng Trị
Thạch Hãn xanh trong mắt con đò
Bao máu đổ, cát đôi bờ vẫn trắng
Lắng lòng người, trong vắt phía dòng xưa…
                                 Quảng Trị, 7/2014

              (Đã được đăng ở Văn nghệ Công an số ra ngày 18/8/2014) 




TRƯỚC DI TÍCH TRƯỜNG BỒ ĐỀ - QUẢNG TRỊ
             

Chùm phượng cháy quặn lòng tháng bảy
Mảng tường đen ghìm chặt nỗi đau này
Từng hốc đạn trừng trừng như hốc mắt
Bao năm rồi vết sẹo vẫn còn cay
                           Quảng Trị, 7/2014 
                                Huệ Triệu
                      hue.longchausa@gmail.com


*****


Nhà thơ Huệ Triệu tên thật là Triệu Thị Huệ, quê quán ở Hưng Yên, sinh ra và lớn lên tại Phú Thọ. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm I Hà Nội năm 1986. Thạc sĩ văn học. Hiện là giáo viên văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TP.HCM.
Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM.
Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM năm 2010.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013.
Đã có thơ, phê bình văn học đăng trên các sách, báo, tạp chí  trung ương và TP. HCM. Đồng thời có bài nghiên cứu in trong một số sách tham khảo dùng trong nhà trường.

Tác phẩm:
- Mùa cây thay lá (thơ, NXB Thanh Niên, 2008).
- Gặp miền ký ức (phê bình - tiểu luận, NXB  Thanh Niên, 2011).
- Thức một miền xanh (thơ - NXB Thanh Niên, 2011).

                                                   (Nguồn: nhavantphcm.com.vn)


READ MORE - Huệ Triệu - THƠ VỀ QUẢNG TRỊ : THẠCH HÃN VẪN DÒNG XANH, TRƯỚC DI TÍCH TRƯỜNG BỒ ĐỀ

Khánh Hòa - THƠ PHẠM NGỌC THÁI NHỮNG NĂM THÁNG BÈO DẠT MÂY TRÔI

 Thơ Phạm Ngọc Thái những năm tháng bèo dạt mây trôi
 Trích "Phê bình & tiểu luận thi ca", Nxb Văn hoá Thông tin 2013.

 Tác giả: Khánh Hòa
        

              NỖI TRĂN TRỞ 
          NGƯỜI ĐI TÌM VÀNG 
Tôi sống âm thầm trong một đoàn người hỗn hợp
Rời quê qua bên kia biển sóng
Kẻ tìm vàng - Người vì cảnh nghèo đi
Đạo lý có hoá thừa đành giả dại làm ngơ
Đứa mách qué lại vân vi dễ sống.
Hạt muối xót tháng năm và lòng ai đắng?
Tôi nhận chìm tôi vào những lãng quên!

Ai mang bán vàng mười giữa phiên chợ đông? (1)
Tôi tìm chắt những bụi vàng như anh lính lê-dương
                                           lọc sàng từng đống rác...(2)
Dầu kẻ bán - Người tìm vàng có khác
Nhưng giá vàng tính cũng như nhau.
Nhìn cánh dơi đen xao xác trời chiều
Cứ để cho tất cả lãng quên!

Cây lý chiều xưa gió còn đưa lại
Bông đại ở quảng trường hương vẫn giăng tơ…
Chút thơm thảo đoá phù du ngắn ngủi
Giả dại ở đời thường mà khôn lại trong mơ.

Rồi một ngày, sẽ có một ngày qua
Những năm tháng không bẩn đấy,
                                     cũng rộm vàng khói cột
Nhưng tôi đã có một thỏi vàng, thứ vàng rất thật!
Đánh một đoá hồng vàng tôi trao đứa con thơ
Người vợ quê hương mỏi mắt đợi chờ
Một chút nữa với bạn bè thân hữu
Và khi đó tóc có ngả mầu chút xíu
Dù cho tất cả đã quên tôi !?

                                  Phạm Ngọc Thái
                            Nước Đức- Đêm 11/9/1989

(1) Mượn ý trong câu thơ của Nguyễn Duy: " Còn chút vàng mười mang ra bán nốt"
(2) Phỏng theo tích truyện Bông Hồng Vàng của nhà văn Nga Pau-Tốp-xki. 


  
LỜI BÌNH:  Vào những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, các đoàn người xuất khẩu lao động ồ ạt đổ ra nước ngoài. Bối cảnh trong nước hỗn độn. Nền kinh tế xã hội sa sút. Đời sống dân tình, nhất là nhiều vùng quê rơi vào cảnh nghèo khổ đáng báo động. Thế giới thì đảo loạn. Sang thập niên 90 Xô Viết Nga tan vỡ, rồi hàng loạt các nước trong phe XHCN Đông Âu bị sụp đổ. Sương mù chủ nghĩa bao phủ bầu trời. Như ở trong bài "Trở Về" của tập thơ Người Đàn Bà Trắng, tác giả đã viết:   
                        Đông Âu bão giật xiêu Thành Mác
                        Bốn bể chân trời lạc khói sương...
       Bấy giờ nhà thơ còn là một cán bộ ngành ngoại thương  quốc tế. Anh được điều động từ trong nước ra nước ngoài tham gia công tác quản lý một đơn vị xuất khẩu lao động. Đó chỉ là thực cảnh của các đám dân dã đi tha phương kiếm sống. Những trăn trở riêng chung của tác giả trước một thực tế đầy phức tạp, để vào một đêm Nỗi Trăn Trở Người Đi Tìm Vàng đã ra đời:
                        Tôi sống âm thầm trong một đoàn người hỗn hợp
                        Rời quê qua bên kia biển sóng
                        Kẻ tìm vàng - Người vì cảnh nghèo đi
      Bài thơ phác lên một bức tranh được khai thác cả bề diện lẫn bề sâu. Những lớp người này phần lớn đều thuộc con em các gia đình nghèo khổ, tình cảm quê hương gắn bó cũng rất tha thiết. Song cảnh tượng diễn ra nơi đất khách quê người thì thật kinh khủng, đến mức đạo lý sống tưởng chừng như không còn chỗ để dung thân. Nhiều nơi, nhiều chỗ tranh giành, dối lừa nhau làm ăn không kém gì cảnh chợ giời. Nó đã thuộc vào hàng là những lớp chúng sinh tận cùng đáy xã hội rồi:
                        Đạo lý có hoá thừa đành giả dại làm ngơ
                        Đứa mách qué lại vân vi dễ sống...
     Lòng anh luôn bị dày vò, xa xót:
                        Hạt muối xót tháng năm và lòng ai đắng?
                        Tôi nhận chìm tôi vào những lãng quên!
       Sử dụng những cụm từ như: giả dại, làm ngơ, mách qué, vân vi... mà vẫn giữ được phong cách của dòng thơ trữ tình chính thống, bản sắc thêm đậm đà chất văn học dân gian. Người đã phải hoá mình thành giả dại, ngây ngô, cười cợt... mà sống. Nén mình nuốt cái "đạo lý có hoá thừa" kia đi, tự nhận chìm bản thân như là không tồn tại để lãng quên.
      Tiếng thơ từ trong trái tim đau bật ra mặn đắng hơn cả dòng nước mắt.  Đó là sự mở đầu bi hài của cuộc sống trong Nỗi Trăn Trở Người Đi Tìm Vàng này. Ta hãy nghe xem cái giá phải trả của những kẻ đi xuất khẩu lao động đó như thế nào?
                        Ai mang bán vàng mười giữa phiên chợ đông? (1)
                        Tôi tìm chắt những bụi vàng như anh lính lê-dương
                                                             lọc sàng từng đống rác...(2)
                        Dầu kẻ bán - Người tìm vàng có khác
                        Nhưng giá vàng tính cũng như nhau.
         Câu (1) - Sử dụng ý thơ của nhà thơ Nguyễn Duy: Còn chút vàng mười mang ra bán nốt/-  "vàng mười"ở đây chính là thứ vàng của lương tâm. Nghèo cực quá thì đến cả tâm hồn cũng phải mang mà bán cho quỉ sứ! Nền tảng xã hội quá thấp thì cá nhân làm sao có thể giữ cho mình trong sạch được? Huống hồ quan hệ cuộc đời còn có cả gia đình và những người thân. Nếu nhà thơ kia có lúc còn phải mang cả"một chút vàng mười" còn sót lại trong mình ra phiên chợ người mà bán? thì hẳn cái thứ vàng kiếm được của đám người lao động tha phương, giá đổi chua chát hơn nhiều.
      Còn câu (2):
      Tôi tìm chắt những bụi vàng như anh lính lê-dương
                                                     lọc sàng từng đống rác...
       Phỏng theo tích truyện Bông Hồng Vàng của nhà văn Nga Pau-Tốp-xki: Có người lính lê-dương làm cận vệ cho một viên tướng Pháp. Trong chuyến sang chiến trường Đông Dương, viên tướng ấy mang theo một cô con gái nhỏ. Trước khi bị tử trận, viên tướng còn kịp dặn lại người lính cận vệ của mình: Hãy mang cô con gái của ông về trao lại cho mẹ nó ở Pa Ri!
     Trên đường về Pháp lênh đênh qua đại dương, bé gái ngây thơ cứ thầm ao ước có một Bông Hồng Vàng. “Bông hồng vàng" chính là biểu tượng cho ước mơ hạnh phúc của cuộc đời bé gái. Những tháng năm sau đó, cuộc sống cực khổ đã xô đẩy anh lính trở thành một người quét rác nghèo hèn, sống trong một túp lều xiêu vẹo dưới gầm cầu ngoại ô Pa Ri. Ngày ngày khi quét qua các cửa hiệu kim hoàn, người quét rác lại chắt vét lấy những nắm cấn rác có dính chút bụi vàng mang về nơi mình ở. Năm này qua năm khác, dần dà anh ta cũng tích được một ít vàng đủ để nhờ người thợ kim hoàn làm cho cô bé gái một bông hồng vàng nhỏ. Cô bé ấy giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp ở Pa Ri!
      Trớ trêu, bông hồng vàng chưa kịp gửi đi cho cô gái, thì người quét rác đã chết trong đói nghèo và tủi nhục. Xác anh nằm trên một manh chiếu mục, đầu vẫn gối lên bông hồng vàng nhỏ, sau đó bị người thợ kim hoàn đến lấy đi mất… không đến được tay cô gái.
       Vậy là - Thứ vàng mười lương tâm mà nhà thơ kia đã phải mang ra chợ người để bán, cũng như vàng của kẻ quét rác lăn lộn kiếm từ trong rác bẩn cuộc đời, với loại vàng mà đám người lao động làm thuê ở nước ngoài kiếm được:
                        Dầu kẻ bán - Người tìm vàng có khác
                        Nhưng giá vàng tính cũng như nhau.
       Nó đã phải đổi bằng cả sự tủi cực và nhục nhã. Đem cả ba thứ vàng đó đặt lên chiếc bàn giá của lương tri, thì chúng đều phải trả cái giá đổi như nhau mà thôi. Ý thơ thật xót xa. Nó phục lại một bối cảnh xã hội đầy mâu thuẫn, nền đạo lý bị tha hoá, dung lượng thơ có sức chứa tính thời đại rất lớn. Đây là những câu thơ hay nhất bài, như lời một nhà bình thơ đã nhận xét: Nó có thể đạt đến những câu thơ trở thành kinh điển!
       Thông qua sự trăn trở bản thân, tác giả đã khai thác vào nỗi lòng tâm linh của những người lao động, đưa tính nhân bản thơ lên đến tột cùng:
                        Cây lý chiều xưa gió còn đưa lại
                        Bông đại ở quảng trường hương vẫn giăng tơ
                        Chút thơm thảo: đoá phù du ngắn ngủi
        Sự khao khát những chiều hương lý trong kỉ niệm, nhớ đến những bông đại nơi quảng trường quê hương - Nỗi đau và tình thương yêu giằng xé trong lòng những con người ấy, càng thấy sự phũ phàng thực tế mà những kẻ đi tìm vàng đã phải chịu đựng. Kịch tính biết bao khi chính họ lại phải sống với nhau như hài kịch:
                        Giả dại ở đời thường mà khôn lại trong mơ...
       Câu thơ điệp trở lại hai lần để nhấn mạnh, thật là một màn bi hài của xã hội và cuộc đời. Bài thơ tuy là tự sự bản thân, nhưng đã trở thành đại diện cho một lớp dân sinh đông đảo nhất xã hội. Cuối cùng tác giả lý giải về mục đích mà những nỗi đời trớ trêu ấy đã phải chịu đựng:
                      Nhưng tôi đã có một thỏi vàng, thứ vàng rất thật!
                      Đánh một đoá hồng vàng tôi trao đứa con thơ
                      Người vợ quê hương mỏi mắt đợi chờ
                      Một chút nữa với bạn bè thân hữu...
      Vậy nếu khi nhà thơ Phạm Ngọc Thái có phải tự chất vấn về mình:
                     Những năm tháng không bẩn đấy, cũng rộm vàng khói cột 
      Thì cũng giống như cảnh mà Nguyễn Duy đã viết: Còn chút vàng mười mang ra bán nốt/-  Làm sao ta có thể lên án được, bởi những con người đó đã phải đổi cả một phần nhân cách cần thiết chỉ vì lương tri. Những việc làm của họ là xuất phát từ lương tri của lương tri.      
       Chỉ với hơn hai mươi câu thơ: Nỗi Trăn Trở Người Đi Tìm Vàng phục lại không khác gì một pho tiểu thuyết, một tấn đời! Bài thơ có ý nghĩa hiện thực sâu sắc, giá trị nhân văn cũng như tính điển hình xã hội ở trong một giai đoạn nhiều biến động thời đại phức tạp, xẩy ra cả trong nước và trên thế giới.

    KH. 
READ MORE - Khánh Hòa - THƠ PHẠM NGỌC THÁI NHỮNG NĂM THÁNG BÈO DẠT MÂY TRÔI