Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, November 24, 2014

GIÓ TRỜI NAM - Thơ Trúc Thanh Tâm



          Tác giả Trúc Thanh Tâm


GIÓ TRỜI NAM

Những nhánh sông chở phù sa tăm tắp
Lúa đồng xa, hoa trái nhởn nhơ cười
Em, thôn nữ vẫn làm duyên e ấp
Anh, trai làng mơ mộng tuổi đôi mươi !

Trưa nắng nóng, uống nước dừa ngọt lịm
Cơm trắng đậm đà sau buổi vần công
Cá lóc nướng trui chấm cùng muối ớt
Kèm rau đắng đồng vị ngọt lâng lâng !

Điệu nhạc quê hương gió hòa sóng lúa
Tiếng hót của chim thanh thoát lòng người
Ai gọi ai giữa chiều quê êm ả
Hay tiếng đời rớt khẽ với riêng tôi !

Hỡi em yêu, còn thương mưa nhớ nắng
Thuở mùa xuân hoa lá chẳng muộn phiền
Thuở tiếng ve, tôi yêu người nông nổi
Thuở biết buồn nhìn lá rụng cuối hiên !

Như thế đó, tình ơi, sao quên được
Bóng dừa lung linh ru nhịp thở ngoan hiền
Tôi cúi xuống nghe tình yêu của đất
Lắng tiếng chim gù thong thả, bình yên !

                         TRÚC THANH TÂM
                                 (Châu Đốc )
READ MORE - GIÓ TRỜI NAM - Thơ Trúc Thanh Tâm

CHÙM THƠ PHAN KỶ SỬU: Chuyện ngày xưa, Duyên dáng áo dài xanh, Thầy ơi! Con nhớ mãi, Con đã hiểu thầy rồi



        Tác giả Phan Kỷ Sửu


CHUYỆN NGÀY XƯA

Ngày xưa xa lạ
Gặp nhau làm ngơ
Tôi nào dám mơ
Người trên cao quá

              Người đi hối hả
              Chẳng một cái nhìn
              Dòng đời tất tả
              Cũng đành lặng thinh!

Phố chiều náo nhiệt
Sao lòng vắng im
Cứ muốn lãng quên
Nhưng hoài nuối tiếc

               Đôi khi bất chợt
               Ngoảnh mặt không lời
               Kẻ sau người trước
               Mà xa mấy trời!

Rồi tháng ngày trôi
Tóc phai màu rồi
Mà khi xuống phố
Bóng hình nhớ ơi!

                   Còn chăng  chút nắng
                   Xưa hôn tóc mềm
                   Cho tôi một thoáng
                   Dấu vào trái tim

                       

DUYÊN DÁNG ÁO DÀI XANH
              (Tặng NQ)

Em duyên dáng áo dài xanh
Ùa vào anh cả mông mênh biển tình
Em tha thước,em lung linh
Trời Gò Dầu cũng giật mình vì em
Bây giờ đâu phải là đêm
Mà quanh đây ánh trăng em đã rằm
Cho anh lạc bướcdừng chân
Giữa đào nguyên suối trong ngần áo ơi!

                                  

THẦY ƠI! CON NHỚ MÃI..!

Thầy ơi!
Năm tháng
Lẳng lặng
Thầm trôi
Biển trời
Vạn dậm
Thăm thẵm
Dáng người
Đâu rồi
Phượng đỏ ?
Để ngỡ 
Tháng hè                        
Tiếng ve 
Đâu đó                                              
Để nhớ
Thềm rêu
Hắt hiu
Bóng nhỏ
Một thuở
Thầy ơi!
Bùi ngùi
Con gọi
Sương khói
Trả lời                          Chiều rơi
                                      Quá vội
                                      Diệu vợi
                                     Ngày xưa
                                     Không mưa
                                     Một hạt
                                     Mà mắt
                                     Ai..mưa !
                                     Thầy xưa
                                     Trường củ
                                     Sân cỏ
                                     Lá vàng
                                     Mênh mang
                                     Biển nhớ                                       
                                     Thầy ơi!
                                     Thầy ơi
                                                                          

CON ĐÃ HIỂU THẦY RỒI!

Làm thầy, mới hiểu thầy thôi
Mới hiểu độ mặn mồ hôi đời người!
Lặng thầm bao tháng năm trôi
Bao con đò khẵm niềm vui,nỗi buồn!
Lòng thầy mới rõ ngọn nguồn
Mênh mông, vô tận khó lường,khó đo
Có bao nhiêu nữa vần thơ
Cũng không  nói đủ bao giờ, công lao!
Và bao sợi bạc mái đầu
Thầy ơi con hiểu  chiều sâu nghĩa tình!
Đấy là cách sống quên mình
Vì bao ước vọng màu xanh nẩy mầm...
Giờ thì người mãi xa xăm
Còn chăng cõi nhớ trầm ngâm bóng hình
Trường xưa, thầy cũ lung linh
Con soi để mở tầm nhìn rộng hơn!

                               20/11/2014
                           PHAN KỶ SỬU




READ MORE - CHÙM THƠ PHAN KỶ SỬU: Chuyện ngày xưa, Duyên dáng áo dài xanh, Thầy ơi! Con nhớ mãi, Con đã hiểu thầy rồi

TỨ TUYỆT CHO EM - Trần Ngọc Hưởng

     Tác giả Trần Ngọc Hưởng


TỨ TUYỆT CHO EM

Lại muốn tặng em bài tứ tuyệt,
Tứ thời thơ biếc tứ thời duyên.
Vàng hoa thu muộn, đông sim tím,
Xuân rực mai vàng, hạ thắm sen.

Tứ tuyệt bốn câu đều tuyệt bút,
Em từ thiếu nữ đã giai nhân
Lớn lên hạt gạo  ngời nhan sắc,
Nước đục lửa rơm vẫn trắng ngần.

Hy sinh trọn một thời son trẻ,
Tần tảo nuôi con chỉ một mình.
Độ lượng sá chi người phụ bạc
Đêm tàn đối bóng ngọn đèn xanh

Ai tỏ giùm anh lời ngưỡng mộ,
Đêm dài lắm mộng chúc em vui.
Má hồng xuân sắc luôn tươi đẹp,
Môi thắm thơm duyên mãi nụ cười

Tứ tuyệt  dăm bài anh viết vội,
Chút lòng bé mọn sính văn chương
Phả vào câu chữ gieo vần điệu,
Gửi tặng riêng em đọc đỡ buồn

                  Trần Ngọc Hưởng  
   
READ MORE - TỨ TUYỆT CHO EM - Trần Ngọc Hưởng

CHÙM THƠ HUY UYÊN


Tác giả Huy Uyên



TỪ ĐỘ XA NGƯỜI

Đồi cát đầu làng kề bên ga tạm
tôi chùng lòng mỗi lúc chiều vương
em rạng rở môi cười với nắng
hai mắt em sao hoài lúng liêng .

Từ em bỏ tôi về phương Nam
bỏ ai ngẫn ngơ quanh quán
nhớ em những lúc tôi buồn
tàu qua rồi sao tôi mãi đứng .

Kể từ khi tôi làm lính chiến
đã bao lần tôi đi kiếm em
Phố Tam-Kỳ bơ vơ cùng trăng muộn
Chu-Lai xa ngày tháng đi tìm .

Gặp lại nhau nước mắt bể dâu
em qua sông chuyến đò đưa người khác
vẫn nhìn tôi hai mắt đăm sầu
nắm tay hình như em khóc .

Bên sông Hàn tiếng ai buồn hát
bài tình đau "Thu hát cho người"
bao năm gặp nhau rồi lạc mất
để em hoài in đậm tim tôi .

Căn-cứ buổi chiều tình treo lên cao
những hàng bạch-đàn bên kia rụng lá
thương em đi ôm mối tình đầu
để khi xa mang theo hoài nổi nhớ .
      
Bước chân xa nghe đâu tới Mĩ
tôi ghé qua nhà ru hát con em
đường vắng chao khuya đèn đường Thanh Thuỷ
mai xa thôi tôi mất em ...buồn   .

Mấy chục năm chia biệt mối tình
em theo chồng về bên kia biển cả
tôi chốn quê mãi đợi chờ mong
tháng ngày trong tim
nghe lạnh nhiều và gió .

Trời Pennsyl mây bay đâu đó
có làm em xao xuyến cô đơn
mới đó mà hình như tôi ngỡ
mới hôm qua gây nhớ trong hồn !

Thôi tôi đã mất em
nơi quê người em già đời hiu quạnh
kể chi em thêm những chuyện sầu vương
mail cho em kèm khúc ca "Lời buồn Thánh"

Lạy Chúa ba ngôi dòng đời lưu lạc
trần gian chưa đi hết đường trần
mai bên nghĩa-trang ai đứng hát
tiễn đời nhau 
hoàng hôn hình như phủ đầy sông .


Ở LẠI CHÚT TÌNH QUÊ

Còn lại nơi anh
thôn làng bờ ao giếng nước
là những chiều kỹ-niệm lên xanh
là con đường đê làng dấu chân ai bước  .

Trong vườn xưa gặp em từ thuở
chùm hoa ly nở đỏ cháy quanh tim
nắng chiều bổng vàng từ dạo đó
chơi vơi đêm ai mãi đi tìm .

Có phải em về ẩn kín đời tôi
nghiêng cánh bên trời che khuất
tôi hằng mong có một ngày về
nhìn em đứng buồn bên ao nhà thả tóc .

Mênh mông hồ,sương chiều xa xứ
quán cà-phê ngũ giấc mê ngày
áo trắng xưa phai người còn nhớ
cuộc tình rồi trôi như gió như mây .

Có phải em về bên sông mắt đỏ
tôi bạc lòng theo hạnh-phúc mù sa
em để lại trong tôi nhung nhớ
bên hàng cây xưa nép bóng bơ phờ .

Từ em đi bỏ lại thị thành
về với mùa gió lào cát trắng
chùm bần xưa chao nước ven sông
em buồn hái trái sầu chôn dĩ vảng .

Xóm nhỏ nằm dưới đồi cô quạnh
em bước đi còn có đợi tàu
thơ thẩn quanh ga
vẫy tay chia hai đời sao buồn thế
thôi hẹn hò cũng vội qua mau  .

Sóng dưới chân đê xao nổi dịu dàng
làng quê bao tháng năm chờ đợi
tóc em xưa thơm mùi hoa bưởi
hoa khế tím chiều có đợi tôi sang .

Buổi ấy em về bên ga nhỏ
thương người đi nhớ tiếng còi tàu
sân-ga-tạm buồn đưa mắt ngó
cát trắng bờ đau xót trong nhau .

Em từ đó xa tôi,chiều nắng tắt
đường tàu cũng ngút mắt xa trôi
em về cầu xưa lòng quặn thắt
xao xác tiếng ai trong xóm chợ nghèo  .

Mắt em còn bi-ve lung linh
những hàng thông buồn chiều cô quạnh
trăng vàng ngọn tre treo nghiêng
còn trộm nhìn ai mà sao trời đen nhánh .

Tôi chôn tình em nơi ga nhỏ
dấu trong tim một ký ức buồn
sông thả tình trôi về cùng núi
tàu đêm nay ai đi
xao xuyến nặng lòng .


QUẢNG BÌNH QUAN

Sau làng là những mái tranh
đồng xám xanh và bãi đá
em mang tình ghé chợ Ba-đồn
để đàn trâu quê Ròn ở lại
sao lòng quá nhớ .

Tình ai ấp e cười nón lá
sông dưới kia đồi chia hai
sáng mai nắng lên em rạng rỡ
xa Cảnh-dương rồi em có nhớ ai .

Nhớ lắm tình chuyến phà đêm Gianh
vết thương treo đầu ngọn núi
đèn hắt hiu tội nghiệp chi đành
qua sông tim người nghe gió thổi .

Dốc cao em nhẹ bước Lý-hòa
mắt sao ngũ dưới chân đèo Đá-nhảy
bãi cát vàng đời xen màu phù-sa
nắng hồng theo môi ai về Đồng-hới .

Chân người thoắt dịu dàng đồi cát
em thả theo tình xóm nhỏ Quán-hàu
bát phở khói bay chiều chất ngất
ly cà phê cay đắng duyên trao .

Thuyền tôi đêm nay xuôi Nhật-lệ
đò em có về đậu lại bên sông
về Bảo-ninh cầm tay em kể
đạn bom qua mang hết căm hờn .

Rực rỡ mai chiều lấp lánh dòng sông
ngày ấy xa rồi thời đạn lửa
thôi Quảng-bình-quan có luống đợi mong
dấu tim ai nổi niềm nhung nhớ .

                                        Huy Uyên
                                     (Tháng 11-14)

READ MORE - CHÙM THƠ HUY UYÊN

NGUYỄN ĐỨC TÙNG, SỰ HOÀ HUYẾT VÀO THƠ - Thanh Thảo


Nguyễn Đức Tùng (Ảnh: Nhà thơ Thanh Thảo cung cấp)
Nguyễn Đức Tùng (Ảnh: Nhà thơ Thanh Thảo cung cấp)

NGUYỄN ĐỨC TÙNG, SỰ HOÀ HUYẾT VÀO THƠ

                                              Thanh Thảo


Nguyễn Đức Tùng vốn là một bác sĩ yêu thơ và viết phê bình hiện đang sống ở Canada. Ông được biết đến khi thực hiện cuốn “Thơ đến từ đâu?” phỏng vấn các nhà thơ Việt và Hải ngoại qua mạng internet. Một Thế Giới giới thiệu bài viết của nhà thơ Thanh Thảo đánh giá sơ lược về chân dung này và một cuốn sách mới của ông, giới thiệu các nhà thơ Mỹ với bạn đọc Việt.

Đọc Nguyễn Đức Tùng, thấy thơ và văn hóa Mỹ đã vào anh rất sâu. Cái nhìn của anh không còn đơn thuần là cái nhìn của một người Việt đọc thơ Mỹ nữa. Nó hòa trộn (mélange) giữa cảm tính của người Việt và lý tính của người Mỹ, thơ trừu tượng – cụ thể của người Việt và thơ cụ thể – trừu tượng của người Mỹ.
Nó tìm đến chiều sâu của câu thơ, hoặc vài ba từ trong câu thơ bằng “kỹ thuật thăm dò” của phương Tây, và bằng cảm xúc của phương Đông, chứ không đơn thuần bằng cách phân tích của người Mỹ và bình tán của người Việt. Điều đó khiến những bài viết về các nhà thơ Mỹ rất khác nhau của Nguyễn Đức Tùng lại mang được một phong cách thống nhất. Vì anh vẫn là người Việt. Tuy vậy, anh đã là người Mỹ (Bắc Mỹ).
Hai cái này không hề chỏi nhau trong cách bình thơ của Tùng. Ngược lại, nó tạo ra sự khác biệt trong phong cách của anh. Cái này, người Việt đọc thấy thích thú, và tôi nghĩ, có lẽ người Mỹ đọc cũng vậy. Ở Việt Nam người ta hay nói : “Hòa nhập nhưng không hòa tan”. Tôi lại nghĩ khác. Khi hòa nhập, chúng ta phải hòa tan, thì sự hòa nhập ấy mới tạo ra được giá trị mới, phẩm chất mới. Chứ nếu cứ trơ trơ ra, cứ “cái gì ra cái ấy”, không tạo nên bất cứ phản ứng nào, thì làm sao có được sự “hòa huyết” để có những “đứa con” là kết quả của hai dòng máu?
Đọc Nguyễn Đức Tùng, thấy anh hòa nhập khá nhanh vào văn hóa Mỹ, và khó hơn, nhưng thú vị hơn, là hòa nhập được vào thơ ca Mỹ (chủ yếu là Bắc Mỹ). Thơ Mỹ khác với thơ châu Âu, khác cả với thơ Anh – dù chịu ảnh hưởng “nguồn” của nền thơ này.
Nhưng khi thơ Mỹ là của người Mỹ, được sáng tạo bởi người Mỹ, thì nó lại được đón nhận như thơ của phần nhân loại ngoài Mỹ, được đón nhận như một phần độc đáo của thơ nhân loại, chủ yếu là trong thế kỷ hai mươi. Bởi đó là thế kỷ chín rộ của thơ Mỹ.

nguyen-duc-tung-hinh-anh1
Bìa cuốn sách "Thơ đến từ đâu?'
phỏng vấn các nhà thơ Việt và Hải ngoại qua mail điện tử của tác giả Nguyễn Đức Tùng 

Những nhà thơ Mỹ mà Nguyễn Đức Tùng chọn giới thiệu và phê bình ngẫu hứng trong tập sách này đều tiêu biểu về nhiều mặt của thơ ca Mỹ. Mỗi người mỗi kiểu, thơ họ rất khác nhau, nhưng đều là thơ Mỹ chính hiệu. Đọc vào là thấy ngay.

Bất cứ cái gì di chuyển đều trắng muốt
(Leonard Cohen)



Và Nguyễn Đức Tùng bình luận: “Một ngôn ngữ thơ nặng về xúc cảm ít làm ngạc nhiên. Nhưng Cohen chống lại quy ước ấy. Ngôn ngữ dù rõ ràng, hình ảnh vẫn mờ ảo.” Đó là lời bình ngắn gọn và chính xác. Ngôn ngữ rõ ràng thuộc về phong cách thơ, còn hình ảnh mờ ảo thuộc về bản thể của thơ.

Văn học trong sáng và sòng phẳng. Trong lĩnh vực này, anh tới đâu thì là tới đó. Không ít hơn. Cũng không nhiều hơn. Vì thế, phải hết sức bình tĩnh.
Tôi đã học sự bình tĩnh trong nhiều năm, nhưng tôi biết, đây là bài học không dễ dàng. Có những bài thơ khi mới viết, mình cảm thấy hay. Rồi qua nhiều tháng năm đọc lại, hình như không còn hay nữa. Ngược lại, có những bài thơ ban đầu mình không để ý nhiều, thậm chí mình vứt đâu đó trong những cuốn sổ tay nhỏ. Bao năm sau, chợt lấy ra đọc lại, như có gì hút mình vào nó, hay một va đập mới từ nó khiến mình bồn chồn. Bài thơ như tự lột xác trước mắt mình.
Nó đòi mình phải nhìn nó bằng ánh nhìn khác, chấp nhận nó bằng giác cảm khác. Đó không chỉ là thơ mình, mà thơ người khi mình đọc nhiều khi cũng vậy. Tôi có cảm giác Nguyễn Đức Tùng đã “đọc lại” nhiều nhà thơ Mỹ, nhiều bài thơ Mỹ, như anh đã viết về xuất xứ của tiếp xúc với bài thơ, dù là nghe hay đọc. Hầu hết là tình cờ, như ngẫu nhiên. Nhưng chính những lúc ấy, thơ vào ta trọn vẹn nhất.
Bản năng gốc của nhà thơ chi phối thơ họ. Nhưng cũng còn bản năng gốc của cộng đồng, nơi cư trú, cũng góp phần rất lớn chi phối thơ của nhà thơ. Bản năng gốc của cá nhân nhà thơ tạo nên sự khác biệt riêng và bản năng gốc của cộng đồng và nơi cư trú tạo nên sự khác biệt chung cho nhà thơ. Nguyễn Đức Tùng đã tinh tế khi so sánh Cohen với Bob Dylan: “Thơ Cohen đầy thành thị.” Lại một nhận xét ngắn gọn nữa của Nguyễn Đức Tùng, không quá khó, nhưng đúng. Từ đó phăng ra, ta sẽ gặp thơ Leonard Cohen.
“Có một vài tương tự giữa Leonard Cohen và Bob Dylan, người bạn của ông, thi sĩ, người soạn nhạc, cùng Do Thái. Tuy nhiên Dylan càng công chúng chừng nào thì Cohen càng riêng tư chừng ấy, một bên là sân khấu, một bên là gác đêm, ngọn đèn mờ bí ẩn. Ví dụ, trong âm nhạc, tôi nghĩ, Trịnh Công Sơn gần với Cohen hơn là Dylan.
Trong thế hệ ngay sau Đệ nhị thế chiến, con người vẫn còn gắn bó với địa chỉ cư trú, nơi lớn lên. Chủ nghĩa hiện đại, và sự nối dài của nó, trong thơ, xuất phát từ mối gắn bó với đời sống đô thành. Thơ Cohen đầy thành thị.”
Có thể dẫn chứng nhiều nhận xét xác đáng của Nguyễn Đức Tùng khi bình và soi chiếu thơ Mỹ bằng trái tim của một người Việt, bằng sự hội nhập vào văn hóa bản địa Mỹ của một người Việt biết “hòa tan” để tạo ra giá trị mới cho kiến văn và kiến giải của mình. Lại xin trích một đoạn của Nguyễn Đức Tùng:

“Thơ tự do dùng ngôn ngữ gần với văn xuôi. Tuy nhiên sự khác nhau giữa văn xuôi và thơ là trong thơ không có một trật tự thứ hai. Trật tự của các chữ chính là hiện thân thực thể của một cấu trúc cao hơn. Ví dụ như là nhạc điệu. Nhạc điệu là một vấn đề riêng tư, cá nhân, như vân tay, như tiếng nói, là cái nền của bất kỳ sự đổi mới nào, nơi các nhà thơ từ bỏ các truyền thống. Những hình thức thật sự mới bao giờ cũng phản ánh nhận thức mới. Hơn thế nữa, nhịp điệu trong thơ của một nhà thơ chính là nhịp điệu của đời sống thật của anh ta, của hơi thở, của nhịp đập trái tim. Nó là phương cách duy nhất mà nhà thơ giữ gìn các sự vật, đời sống, các ý tưởng và cảm xúc, cố gắng bảo tồn chúng như hoá thạch trong thời gian.”


“Trong thơ không có một trật tự thứ hai. Trật tự của các chữ chính là hiện thân thực thể của một cấu trúc cao hơn”. Đúng như thế. Thơ bị qui định một lần và duy nhất bởi một cấu trúc chữ, ẩn bên trong nó là nhạc điệu, còn cao hơn nó, trùm lên nó là nhịp điệu. Đó là sự vận động của hình tượng thơ, mà hướng của sự chuyển động nhiều khi khó xác định, nhất là trong thơ của nhiều nhà thơ Mỹ. Nó tạo nên sự bất ngờ trong cái giản dị, thậm chí, trong cái tối giản:


“Một kẻ không nhà

Tháo giày ra
Trước căn phòng bằng giấy các tông của mình “
(thơ Naomi Nye)

Còn có thể trích dẫn nhiều đoạn trong cuốn sách này của Nguyễn Đức Tùng. Tôi chỉ muốn nói: anh đã quá tâm huyết với thơ, nhất là với thơ Mỹ. Anh đã yêu thơ bằng một tình yêu cụ thể, giản dị, sống động, một tình yêu như nắm lấy được, sờ thấy được mà chúng ta luôn cảm nhận trong thơ Mỹ.

Cuốn sách này, vì vậy, rất có ích cho những ai muốn tìm hiểu ở một chiều sâu về thơ Bắc Mỹ và những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ấy. Nó cũng cần thiết cho những người Việt muốn hiểu sâu hơn về ngôn ngữ Anh qua thơ, về những khác biệt và tương đồng trong một câu thơ giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Cuối cùng, nó đưa ta đến với những nhà thơ Mỹ mà lâu nay ta ngưỡng mộ nhưng ít có dịp hiểu sâu về họ và thơ của họ.

                                                                              Thanh Thảo

READ MORE - NGUYỄN ĐỨC TÙNG, SỰ HOÀ HUYẾT VÀO THƠ - Thanh Thảo