TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Wednesday, October 7, 2020
THU KHÔNG… - Thơ Hồ Viết Thắng
THU KHÔNG…
Thu dấu gì trong sắc vàng của lá
Để mùa về cúc rưng rức màu hoa
Em dấu gì trong ánh mắt kiêu sa
Ta lòng nhớ ngày qua ngày ủ rũ...
Bài thơ tình đã bao ngày viết dở
Bao ưu tư chất nghẹn ứ trong tim
Nổi thế nhân như giấc mộng nổi chìm
Bao lần viết... bấy nhiêu lần vội xóa...
Nỗi buồn đau không thể nào lấp khỏa
Như mùa thu ai ngăn được lá rơi
Như hoàng hôn mây tím phủ lưng đồi
Đêm nguyệt tận... đâu cung thiềm ngời tỏ...
Một thoáng nhớ chạm vào miền trăng vỡ
Trùng âm ba đồng vọng sóng thẳm sâu
Nỗi thương xa trùng điệp bóng mây sầu
Giăng mắt nhớ... cho bầu trời tím thẩm...
Thu trút lá câu thơ buồn ngùi ngậm
Hồn thu đau thơ thấm giọt lệ lòng
Khúc tình thu vàng nổi nhớ thương mong
Rơi chấp chới... giữa thu không vời vợi...!!!
Hồ Viết Thắng
05.9.20
NGƯỜI ĐÀN BÀ SINH CON MỘT MÌNH | MÙA THU LOANG TRONG VẠT NẮNG VÀNG NHUỐM BẠC | RỤT RÈ CÓ MỘT GIẤC MƠ - Thơ Lê Thanh Hùng
Người đàn bà sinh con một mình
Trời nín gió, tảo tần nắng xế
Nghe ong ong từng vệt lấm lem
Xa đăm đắm, mắt mòn dấu lệ
Tiếng ru con ngắt ngứ bên thềm
*
Hâm hấp một nỗi buồn tĩnh lặng
Người đàn bà sinh con một mình
Trong những ngày chợt mưa, chợt nắng
Quặn thắt đời lao nhọc mưu sinh
*
Bóng nắng dội chùng chình trên vách
Chút phiêu sinh, hồi tưởng ân tình
Chiều quê nghèo, hoàng hôn đỏ quạch
Vẫn cưu mang, em tự trở mình
*
Đong đưa một dặm đời vỡ nát
Lời ru buồn nghe như thở than
Bong lên mảnh nhớ đời rời rạc
Còn nguyên nỗi trầm tư dịu dàng
*
Nắng dịu rồi, lời ru ẩn ức
Cũng ngập ngừng trong nỗi nguôi ngoai
Một quầng sáng nữa hư nữa thực
Em bước qua, cay đắng lạc loài ...
Lê Thanh Hùng
Mùa thu loang trong vạt nắng vàng nhuốm bạc
Tiếng hát, gợi lại một mùa thu khác
Rực rỡ sắc cờ, hồn vía của núi sông
Tiềm thức cộng đồng
Đứng dậy
Bước những bước dài, về phía biển mênh mông
Lê Thanh Hùng
Rụt rè có một giấc mơ
Đã là cây to, sao lại đòi làm tằm gửi
Lóng cóng mùa, đứng đợi gió nồm lên
Lao xao sóng, theo dòng giăng mắc cửi
Trong nắng mới vần xoay, mờ dấu vết gập gềnh
*
Sao không chịu vặn mình lên, để thấy
Không phải muốn làm cái gì, mà phải cần không nên làm cái gì?
Thói quen dựa dẫm vào tập thể, để cò cưa đùn đẩy
Biết đâu trí tuệ tập thể, còn có ngu xuẩn tập thể, biện chứng ỷ y
*
Chỉ là cây lưu niên với giấc mơ trở thành cổ thụ
Già thì đã sao! Bao phận người đã không kịp đến già
Phấp phỏng mơ hồ, quanh những điều tập chú
Rợn ngợp điệu đà và niệm khúc hoan ca ...
*
Sự việc không đánh giá đúng, mà cứ loay hoay đổi mới
Dẫu đã biết “Ai thực sự làm việc mà chẳng có lúc mắc sai lầm?!” (*)
Nhưng thất bại trong công việc của mình, sao lại còn răn đời nhắn gởi
Rơi vương vãi trên đường trong nắng sớm vang âm
*
Những bàn chân tướp máu, vạch nên đường, sao lãng quên con đường đó
Không phải ta già đi, mà ngày một đã lỗi thời
Kiêu hãnh còn lại chỉ là tuổi tác, chập chờn xiêu xó
Thì trong suốt niềm tin, cố đừng để hao vơi ...
Lê Thanh Hùng
Bắc Bình, Bình Thuận
________
(*) V.I Lênin
HẠNH PHÚC - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân
HẠNH PHÚC
Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
Cái cách bà Sáu nhớ về chồng luôn khiến người trong xóm tôi
xót xa. Cứ mỗi buổi sáng sớm bà sẽ đun một ấm nước nhỏ, đi hái một ít lá trà
non rồi cứ thế đun trần, chờ hương trà bay đi phảng phất khắp xóm cũng là lúc
lũ trẻ chúng tôi mụ mị dậy đi học. Bà sẽ nhẹ nhàng thay trên bàn thờ tách cúng
ông, đều đặn mỗi ngày đều thay trà mới cho ông vì ngày còn sống ông sáng nào
cũng thích nhâm nhi một tách trà. Rồi cứ đến khi chiều tà, bà hay ngồi phía trước
căn thềm nhỏ, nhìn xa xôi vô định vào một nơi nào đó, đôi mắt nheo lại trên gò
má nhăn nheo, nước mắt cứ chảy ra không ngớt, có lẽ vì buồn, cũng có lẽ vì mắt
người già vốn yếu. Bà không nói gì đằng đẵng, cứ ngồi im cho đến khi có ai đó gọi
nhắc bà đi ngủ bà mới vào. Mẹ tôi mỗi khi thấy vậy lại bảo:
-Chắc bà lại nhớ ông. Ông và bà trước cứ giờ này lại ngồi
trước hiên buôn chuyện già.
Ngày ông Sáu mất, bà không khóc mà chỉ đứng chết lặng. Trong
khi các con bà gào khóc.
Bên linh cữu thì bà chỉ ngồi im bất động một góc nhà. Mẹ tôi bảo dường như cả ông và bà đều biết khi nào ông mất, nghe cứ như tâm linh, nhưng trước khi ông mất ít hôm, đột nhiên ông đi thăm khắp hàng xóm, lại dặn dò nếu ông ra đi thì chăm sóc bà hộ ông. Tôi còn nhớ như in ngày đó, khi tôi đang ngủ trưa thì ông ghé chơi nhà, nói chuyện với mẹ tôi rất lâu, vì nhà tôi ở sát nhà ông, rồi tôi thấy mẹ tôi khóc… Hôm sau, ông mất.
Sau khi ông mất, căn nhà nhỏ của ông bà thường được các con
ghé lại nhà. Nhà có ba cô con gái mà ồn ào thành cái chợ. Miếng đất nhỏ bỗng
thành thước đo đong đếm tình người. Ngaỳ ông còn sống, họ nhất quyết không về
thăm lấy một lần, lấy chống rồi theo chồng, khi có việc gì cần tiền lại về bòn
rút của vợ chồng ông bà. Thương con, bà Sáu còn dấm dúi cho chứ ông cấm tiệt.
Nay ông mất, lại đua nhau về năn nỉ ỉ ôi mẹ để cho mảnh đất, dù bà Sáu còn sống
sờ sờ nhưng cứ đòi bán mà thậm chí về phần nuôi bà thì lại không thấy ai lo. Những
lúc ấy, mẹ tôi thường từ bên nhà vác chổi qua đuổi đi hết, bà Sáu lúc ấy chỉ biết
khóc vì biết đó là những gì cuối đời ông dặn dò mẹ, lại đau xót vì con cái vốn
xem nhẹ chữ tình.
-Tôi bàn với các chị như thế này, bà Sáu lạ mẹ các chị, xét
cho cùng dù thương bà tôi cũng chỉ là người ngoài. Tài sản bà Sáu có cũng sẽ vì
thương các chị mà để lại cho các chị nhưng các chị phải sống sao cho xứng đáng
với những gì được nhận chứ. Thôi thì các chị thay phiên nhau chăm dưỡng bà những
ngày tháng còn lại, rồi tự khắc sẽ được đền đáp chữ hiếu xứng đáng.
Dù không hài lòng nhưng các cô con bà cũng thuận nghe theo,
vì không biết cãi đâu cho được, rồi cứ thế chia nhau ra mỗi người một tháng
nuôi bà. Nhưng được non tuần, bà lại về căn nhà nhỏ, quẩn quanh trong nhà, cố gắng
giấu mình tới mức nghĩ rằng một bóng dáng nhỏ thó của bà cũng đủ để người qua
đường bắt gặp nhưng cũng không thoát khỏi ánh mắt của mẹ tôi. Tại mẹ khi bà vắng
nhà vẫn hay tạt qua quét dọn bàn thờ ông để căn nhà bớt hiu quạnh.
-Sao bà lại về? Còn các cô?
-Tôi không quen cô ạ. Nhà chúng nó còn chồng, còn con… Tôi
già rồi nhưng tự lo mình được, tụi nó gồng gánh cả gia đình riêng cũng khổ rồi.
Ấy là bà nói thế chứ mẹ tôi biết trong mắt bà ánh lên sự cô đơn quá rõ. Có lẽ lòng tham của mỗi con người chưa đủ để có thể níu kéo sự hiếu thảo quay trở lại. Phải đến tận hôm sau các con bà mới biết bà đã bỏ về nhà, lại ì xèo cả xóm, lại thấy người ta bu lại thì ỉ ôi mẹ bỏ nhà ra đi không nói một tiếng làm tìm hết làng trên xóm dưới. Lúc ấy mẹ tôi chỉ bảo:
-Bà đi cả ngày trời các chị mới biết thì các chị có quan tâm
tới mẹ không? Bà chỉ có mỗi nhà này để ở, các chị không về tìm tự dưng đi khắp
nơi rồi than van làm gì?
Thấy người ta xì xào các cô lại lườm nguýt mẹ tôi rồi bỏ về,
không quên văng lại một câu:
-Cô coi mẹ như ruột thịt thì để phần cô. Gớm, mẹ xem cái ngữ
này, nó cũng nhắm vào cái nhà của mẹ thôi. Mẹ liệu mà nhắm mắt xuôi tay xem con
ruột là hơn hay cũng để phần người dưng nhé.
Rồi cứ thế những tháng ngày còn lại bà cứ quanh quẩn dọn dẹp cần mẫn. Khi bà buồn, mẹ lại hối tụi tôi sang chơi, thi thoảng cũng thấy các cô con gái tạt ngang nhưng thấy mẹ tôi đứng ngoài sân ngó vào thì lại lủi đi đâu mất. Ít năm sau, vào một ngày thu sang như năm ấy, bà lại sang nhà tôi, và mẹ tôi lại khóc…
Bà mất và các cô con gái lại kéo về khóc vang cả một xóm. Mẹ tôi quấn vành khăn tang được bà ủy thác không nhìn lấy một lần nhưng cũng không có quyền ngăn các cô cúi lạy. Lại sau ít hôm các cô kiện cáo lên chính quyền đua nhau mảnh đất, mẹ chỉ xin cho di ảnh ông bà về thờ. Các cô lại như bắt được vàng rồi quay sang thân tình với mẹ nói ở chung nhà chồng khổ lắm, và thông cảm các thứ, mẹ tôi chỉ im lặng.
Hương trà mà ông thích vẫn được đun đều vào mỗi sáng ở nhà
tôi, cái hương ngai ngái nhưng khiến người ta thèm thuồng. Mẹ vẫn dặn tôi thường
xuyên lau bàn thờ và cứ mỗi khi rảnh lại kể về ông bà Sáu với sự yêu thương và
biết ơn khi mẹ mất đi người thân đã cưu mang như thế nào. Bỗng dưng tôi nhìn
lên di ảnh, ông bà dường như đang rất hạnh phúc, cuối cùng họ lại được ở cạnh
nhau, như thế là hạnh phúc rồi.
Tác giả: Lê Hứa Huyền
Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
ĐÓN CÁC ANH VỀ QUÊ HƯƠNG - Thơ Trường Hải Lê Văn Đông
ĐÓN CÁC ANH VỀ QUÊ HƯƠNG
Các anh ra đi lứa tuổi thanh xuân
Nghĩa vụ công dân khi Tổ Quốc cần
Tạm biệt gia đình, quê hương, bè bạn
Phơi phới niềm tin ngày chiến thắng trở về.
Bảo vệ biên cương, nghĩa tình quốc tế,
Chiến trường xa rộn bước quân hành.
Bom đạn mịt mù, trời chẳng màu xanh,
Nhắm thẳng quân thù vững vàng tay súng.
Anh ngã xuống cùng với bao đồng đội,
Một lần ra đi và mãi mãi không về.
Cha mẹ người thân cạn khô dòng lệ,
Nghĩa trang Tây Ninh, Bình Dương, Long Khánh…
Mong tìm nơi anh nằm để được viếng thăm!Thông tin báo về nơi đó có các anh.
Khát vọng quê hương bao năm chờ đợi,
Những người thân yêu đi đón các anh về.
Mừng tủi rưng rưng chờ ngày gặp lại
Về với quê ta nay đổi mới nhiều rồi.
Thêm lần nữa vành khăn tang trắng đội,
Yên lòng người, tiện hương khói thăm nom.
Xe đưa các anh về dọc chiều dài đất nước,
Các anh vẫy chào đồng đội thân thương.
Về đây các anh, quê hương đang chào đón,
Giấc ngủ vĩnh hằng nơi Đất mẹ Con Cuông !
Trung Thu 2020
Trường Hải Lê Văn Đông
MẪU ĐÀO NƯƠNG: VỊ SƯ TỔ CỦA MÔN HÁT CHÈO - Đặng Xuân Xuyến
Lễ hội
Đào Nương
Đền Mẫu hay còn gọi là đền Đào Nương, nằm bên đường 39B, thuộc
địa phận xã Đào Đặng, tổng Cao Cương, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu, nay là
làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên.
Sự tích kể rằng, vào cuối đời nhà Hồ, khoảng cuối thế kỷ XV,
ở làng Đào Đặng có một ca nữ họ Đào tên Huệ, nổi tiếng khắp vùng là người xinh
đẹp, hát hay múa khéo. Năm ả Đào 18 tuổi, quân giặc phương Bắc (nhà Minh) lúc bấy
giờ đã mượn cớ "phù Trần diệt Hồ" xâm lược nước ta. Khi giặc kéo đến
làng Đào Đặng, nàng ca nữ họ Đào và mấy chị em chậm chân không trốn được đành
chịu ở lại. Chúng bắt nàng phải múa hát, hầu hạ trong các dịp yến tiệc. Nhờ có
tài nghệ xuất sắc, các nữ nhi làng Đào Đặng đã biến nhà ca lâu thành nơi đi lại,
nghỉ ngơi của bọn giặc. Rượu tiệc no say, chúng lăn ra ngủ. Vừa sợ lạnh, vừa sợ
muỗi đốt, chúng nảy ra "sáng kiến" làm những chiếc túi bằng bao tải
gai. Đêm đến là chui vào ngủ, buộc túi lại sáng mai mở túi ra. Đào Thị nhiều lần
được chúng tin tưởng giao cho việc thắt và mở túi.
Quen với việc, nàng đã nghĩ ra kế để giết giặc. Nàng bí mật
tìm các bô lão và trai tráng đang ẩn nấp trong làng, ước hẹn cứ đêm khuya khi
giặc đã ngủ say, anh em đến khiêng từng túi vất xuống sông Mai Nguyên. Khi vất
xuống sông lại buộc thêm đá, nút thắt chặt phía ngoài, dù chúng có tỉnh dậy
cũng chịu chết đuối, làm mồi cho cá. Cứ như thế, quân số của giặc ngày càng hao
hụt mà không biết duyên cớ tại đâu, cuối cùng chúng tin rằng vùng đất này
"động", "nghịch", "linh thiêng".. không thể ở được,
chúng sợ hãi liền nhổ trại kéo đi. Dân làng Đào Đặng được trở về làm ăn sinh sống.
Sau khi bà Đào Nương mất, dân làng đã lập đền thờ Bà ngay
trước chợ làng Đào Đặng (nay là làng Đào Xá) để bà con qua lại hàng ngày tưởng
nhớ công lao to lớn của người liệt nữ tài hoa, mưu trí.
Đất nước thanh bình, vua Lê Thái Tổ xét công trạng dùng mưu
giết giặc cứu dân giữ nước của bà đã phong bà làm "Phúc thần", sai
trích tiền kho, tu tạo lại đền thờ cho thêm tráng lệ và ban ruộng Tự Điền để
dân làng đèn hương cúng tế hàng năm.
Lễ hội hàng năm được tổ chức từ ngày mồng 1 đến mồng 6 tháng
2 âm lịch. Lễ hội được tổ chức tưng bừng, nhộn nhịp với nhiều cuộc vui như đấu
vật, ném vòng... đặc biệt là hội chọi gà và thi hát chèo.
Bà được suy tôn là một trong những vị sư tổ nghề hát chèo của
nước ta, nên trong những ngày hội làng không thể thiếu được những làn điệu chèo
truyền thống cùng những tiếng "tom, chát" của tiếng trống đế chèo.
Đặng Xuân Xuyến
.....................
(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân
Xuyến; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)