Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, June 27, 2019

YÊU THƯƠNG LÀ MỐI RÀNG BUỘC LỚN NHẤT - Trần Mai Ngân


                Nhà thơ Trần Mai Ngân


YÊU THƯƠNG LÀ MỐI RÀNG BUỘC LỚN NHẤT

Chúng ta bị ràng buộc bởi tình yêu thương.
Thật vậy, yêu thương rất khó hơn là ghét bỏ một ai đó!
Nếu bạn không thích con người đó, bạn chẳng cần quan tâm cách sống của anh ta, bạn chẳng cần chú trọng lời nói của anh ta và cả đối xử.
Còn khi bạn đặt hết yêu thương vào người đó, bạn luôn luôn cầu toàn. Mà sự cầu toàn này sẽ đem lại cho bạn nhiều tổn thương và khổ đau nếu không như ý!

Bạn yêu thương các thành viên trong gia đình, rất yêu. Nên bạn cứ vun vén hết trách nhiệm, và muốn mọi sự tốt đẹp nhất phải về người thân của mình. Nhưng, cuộc sống bất như ý. Rồi sẽ có những thành viên đi ngược lại điều mong mỏi của bạn. Thể hiện sự không bằng lòng này có khi là thái độ nóng nảy không hoà khí, cũng có khi là sự im lặng dày vò đau xé con tim!
Yêu thương và quan tâm là vậy!
Chi bằng chúng ta chấp nhận khi đã hết tâm ý, hết lòng, cặn kẽ giải thích và giải quyết mọi việc.
Rồi ta không quan tâm và can thiệp vào nữa. Hãy để người sống và làm theo ý họ. Hậu quả thì họ là người chịu trách nhiệm chứ không phải là ta.
Bởi vì, mỗi người phải có trách nhiệm với chính bản thân của mình. Không ai có thể gánh vác cho ai được. Và cũng không ai phải có trách nhiệm với việc chúng ta đã làm ra...

Theo thuyết Phật, yêu thương là món nợ lớn nhất của đời người và chính nó đã làm ra muôn cảnh khổ đau trên trần thế!
Như vậy, không lẽ ta sống vô tri.
Không, ta vẫn yêu thương. Nhưng hãy yêu thương bằng tấm lòng rộng lượng và với tâm từ bi dành cho tất cả. Cố gắng xây dựng đạo hạnh và phá bỏ đi bản ngã của mình.
Hằng ngày, hằng ngày... nhìn đời như không và độ lượng!

Còn trong tình yêu, hạnh phúc lứa đôi cũng thế!
 Bạn đã yêu hết lòng, nhưng người đã không cảm nhận được, không quý trọng. Ngần ấy, thời gian và năm tháng đã đủ.
Bạn hãy lặng lẽ bước ra khỏi họ. Đoạn tuyệt con người đó và quên đi.
Hãy để tâm bình an và thanh thản vì đời người không quá dài để bạn cứ mãi sống trong đau buồn.
Yêu thương là sự ràng buộc của đời người.
Hãy biết thế để ta tháo gỡ cho chính mình. Đừng quấn khổ đau bi lụy vào chính ta.
Nhớ nhé!
Từ hôm nay hãy mỉm cười và bước ra khỏi u uất, trầm sầu.
Ngoài kia, thế giới bao la còn muôn điều tốt đẹp.
Bầu trời vẫn luôn xanh và mây vẫn bay phận mây không dừng lại. Bạn hãy mỉm cười đi. Đẹp lắm!

                                                                Trần Mai Ngân
                                                                    24-6-2019

READ MORE - YÊU THƯƠNG LÀ MỐI RÀNG BUỘC LỚN NHẤT - Trần Mai Ngân

HONG ĐỜI DẤU YÊU - Thơ Hoàng Chẩm





HONG ĐỜI DẤU YÊU

Hồn thắp lửa em hong tình đón hạ
Lả lơi đêm trăng rụng xuống đáy sông
Như chao chát gối chăn đời bỗng lạ
Mộng đầu giường em trải hết mênh mông

Lời ru nhau đợi mùa yêu cất giọng
Hong cả chiều hoa nở muộn đường quê
Em cúi mặt lắng nghe hương tình đọng
Bung cả lòng trổi khúc hát hoan mê

Áo chưa cài nhụy tình hong men lạ
Ta ôm hoài cơn sóng cuộn biển mơ
Dẫu biết ngàn khơi không lời từ tạ
Tương tư ngọn ngành đau buốt câu thơ.

                                      Hoàng Chẩm
                                      25-06- 2019

READ MORE - HONG ĐỜI DẤU YÊU - Thơ Hoàng Chẩm

VỀ ĐI THÔI! - Thơ Phan Thạch Nhân




VỀ ĐI THÔI!

Về đi thôi!
Tìm một chút hương quê
Để ấm lòng đời lữ thứ
Mưa nắng hai mùa mà Nam bộ mù khơi
Tìm lại tuổi thơ ngày xưa xa vời vợi
Ngắm ngọn gió Lào thổi cát trắng bay xa

Về đi thôi!
Bến sông quê vẫn chờ vẫn đợi
Câu hò nào
Ray rứt mãi người đi
Đường Gia Long
Chưa quên chuyện cũ thầm thì
Trăng vẫn sáng
Dưới đường hoa phượng đỏ

Về đi thôi!
Quảng Trị mùa này
Chim bay về hội tụ
Đất mẹ trải lòng chờ đợi những đoàn viên
Nếu một ngày...
Con tim lỡ ngủ quên
Vẫn mỉm cười đi thăm miền đất lạnh.

                            Phan Thạch Nhân
                              VT, 25/6/2019

READ MORE - VỀ ĐI THÔI! - Thơ Phan Thạch Nhân

MƠ XUÂN - Nguyễn Miều






MƠ XUÂN
(Tình yêu học trò)

Em đã trở về sau những ngày dài xa cách, hình bóng kiều diễm của em đã in hằn trong tâm trí của tôi, tôi đã mê những buổi nắng hồng lên nhè nhẹ trong một vườn hoa thơm ngát có bướm vàng bay lượn xung quanh, những buổi chiều gió heo may lành lạnh thổi đã sưởi ấm cỏi lòng của tôi sau những tháng ngày giá lạnh.
Ngày em ra đi tôi nhu một người mất trí những ngày hè nóng nực vì thiếu hình bóng kiều diễm của em, lá vàng rơi từng chiếc tôi đã đem làm nấm mồ để chôn chặt mối tình si.
Tôi mê em như một tên tục tử mơ tưởng đến một nàng tiên, hình bóng đó tôi đem làm niềm vui cho cuộc sống: những đêm dài thao thức, những đêm trăng một mình một bóng tôi thường âu yếm mơ tưởng đến hình bóng của em.
Em như ngôi sao quá xa vời trần thế, bàn tay tôi ngắn quá làm thế nào để nào để ôm trọn được em. Nhưng chính thế mới là tình yêu thánh thiện, mới muôn đời đẹp mãi với thời gian.

                                                                 Nguyễn Miều
                                                          (Sáng tác trước 1975)

READ MORE - MƠ XUÂN - Nguyễn Miều

GIÀ RỒI - Thơ Lương Mùi



              Tác giả Lương Mùi


GIÀ RỒI

Nhìn gương ta thấy mình già
Râu tóc nay ngả phôi pha một màu
Đời ta còn sống bao lâu ?
Vuốt râu vuốt tóc nghĩ sâu cuộc đời
Bao năm bơi lội giòng đời
Đến nay đã thấy rã rời chân chim
Một mình ta vẫn một mình
Thôi đừng suy nghĩ mặc tình thế gian

                                        Lương Mùi
                                         25/6/2019

READ MORE - GIÀ RỒI - Thơ Lương Mùi

ĐOẢN KHÚC CHO EM - Phan Quỳ





ĐOẢN KHÚC CHO EM

Em. Biết bao lần ta tự nhủ, thôi không còn gì để nhớ để quên, để nghĩ để viết, thế mà, tháng bảy về như một lời tình tự, như một hẹn hò đầy trên mắt ta ngọt ngào những nhớ nhung, tràn lên tay ta vụng về từng con chữ với bao ngậm ngùi tiếc nuối xa xăm.

Em. Ta xa nhau ngàn trùng từ dạo ấy. Buổi biệt ly não nùng theo chiến cuộc tràn lan. Ta mang hình em vào trong biển nhớ, dáng em buồn theo mỗi cánh phượng rơi, tiếng ve sầu nhắc mãi chuyện chia phôi.

Em. Ta ra đi theo dòng đời trôi nổi, em trở về bồng bế những buồn vui. Rồi những lúc tĩnh lặng giữa ồn ào bươn bã, em có nghe lòng thương nhớ xa xôi???

Em. Những ngày xưa mây trắng, đường Gia Long ngập nắng ven sông. Áo trắng môi hồng và tình ta sáng trong thuở ấy. Buổi đăng trình ta trao vội dòng thư. Ta để lại một khoảng trời tiếc nhớ, có mắt em vời vợi những chiều thu.

Em. Đã bao mùa ta gói trọn tâm tư, giữa cuộc đời theo nước đẩy mây đưa. Ta trôi dạt qua bao miền viễn xứ, vẫn mang trong lòng một tháng bảy ngày xưa.

Em. Ta nao nức một lần quay trở lại, giữa muôn trùng thương nhớ dáng hình em.Chắc em buồn tay với tuổi xanh êm, làn tóc mộng nay điểm màu sương khói, má môi hồng in dấu vết chân chim. Ta vẫn thương như thương tình mình thuở ấy. Em ngại ngùng gì phai nhạt bởi thời gian.

Em. Ta lại về bên sông như lần đầu hò hẹn, thuở ban sơ còn mãi đến bây giờ. Em cười nhẹ cho lòng anh bối rối, khẽ cầm tay cho mây lặng ngừng trôi.

Em. Tháng bảy về bao ấp ủ trong tôi...

                                                                            Phan Quỳ

READ MORE - ĐOẢN KHÚC CHO EM - Phan Quỳ

BÁNH BỘT LỌC - Quang Tuyết



BÁNH BỘT LỌC

Quê tôi, Quảng Trị… Hay nói rộng ra là miền Trung, cứ mỗi mùa mưa lũ về, là Sắn bày bán đầy chợ. Thuở ấy, xưa thật là xưa, các bà nội trợ chế biên đơn giản thôi, nhổ về bóc hết võ mài ra rồi nhồi vắt thành từng miếng tròn đem hấp, có gđ thế bữa cơm chính luôn đó. Từ tình yêu thương chồng, con. Từ bản năng nội trợ trời phú cho người đàn bà... Nói theo ngôn ngữ trào lưu: “Tư duy được đầu tư, trí tuệ phát sinh”, dù chỉ quanh quẩn hạn chế trong bếp ăn cũng là một sáng kiến. Không biết quá trình chuyển biến thế nào mà sau đó Sắn mài ra hòa nước, nhồi vắt cho ra bột rồi lượt, lọc sạch qua dụng cụ chứa khác. Xác Sắn nuôi heo, bột lóng vài ba lần cho sạch mủ và trắng tinh tươm: Thế là. Bột sắn lọc ra đời. Thời gian này nước về nên tôm cá đầy đồng, người đàn ông không bận bịu đồng áng quay ra chuyên đi cất rớ, be bờ tát cá. Ngoài các loại cá ra còn nặng lưới tôm tép. Vậy là tiến bộ thêm thêm tôm làm nhân bánh cho vị mặn mà, thay vì chỉ mỗi bột. Muốn làm ra món bánh bình dân nầy không dễ đâu nhé, phải qua những cung đoạn khác nhau, bóp nát cho bột tơi ra cho vào thau, vắt ít cục thả vào nồi nước đang sôi bùng luộc hơi chín trong, rồi vớt ra nhồi cùng phần bột còn lại. Nhồi thế nào đó cho cả hai quyện vào nhau thật dẻo tay, bắt từng miếng tròn cho nhân tôm đã xào gia vị thấm tháp, ghép lại thành hình bán nguyệt… nặn kỹ để khỏi bùng khi luộc. Bánh chỉ thả vào luộc khi nước thật sôi, thỉnh thoảng khuấy lên để chín đều, lúc bánh nổi lên là đã chín. Đổ ra rổ thưa xả lại nước lạnh thật sạch rôi xóc ráo, cho vào thau hoặc soong trộn đều mở hành đã phi sẳn cho khỏi bị dính chùm… Sắp vào dĩa, rắc thêm hành lá đã tao chín qua dầu, một ít hành khô phi điểm vài lát ớt đỏ. Tuyệt vời chưa? Nhưng ngon hay không là do nước chấm. Cũng như một chương trình Văn Nghệ, họp hành 2/3 thành công do âm thanh…Các mẹ, các chị miền Trung rất ý nhị trong giao tiếp, và ngay cả món ăn. Không phải kiểu cách mà đó là nghệ thuật thưởng thức. Bánh bột lọc gói lá chấm kèm nước mắm “RIN”, có nghĩa là không pha đường, bột ngọt gì hết, ớt trái xanhh xé ra (không giả nát, không cắt nhé). Mùi thơm và vị cay của ớt, nước mắm nhĩ, tôn vinh mùi vị béo, đậm đà ngọt mặn của bánh là bản tình ca hấp dẫn người thưởng thức. Còn bánh “trần” thì phải ăn nước mắm ngọt, pha đường, bột ngọt và nước sôi để loảng vị mặn, vắt vào tí chanh để thanh thanh hơn. Chan mắm vào đi, chiếc bánh ngập trong nước mắm vị ngọt, hơi có vị mặn cùng ớt, băm nhuyển… Chao ôi! Không tê lưỡi vì ngon, Quang Tuyết xin chịu trách nhiệm
Bánh bột lọc là món ăn xuất xứ từ dân giả, từ từ được vinh thăng lên bàn của người giàu sang, thượng lưu. Bánh là món ăn quốc hồn quốc túy của xứ Huế, của Quảng Trị, nói chung là của miền Trung mưa nắng ngợp ngụa. Bánh bột lọc rất dễ thương, có thể bày hàng ở những vị trí của người dân lao động, chân lấm tay bùn…cũng chễm chệ trong menu của các nhà hàng sang trọng …
Người PN Việt Nam cũng thế, chỉ mong vừa ý chồng, đẹp dạ con. Thân phận như củ sắn, giá trị được minh chứng bằng quá trình gian khổ : “Mài xát với cuộc sống,ba chìm, bảy nổi. gạn đục khơi trong”. Cho dù cuộc đời và số phận vùi dập biết bao lần, thăng trầm trong con sóng định mệnh thì phần đông người PN chỉ mong sao đem lại HP cho gia đình, cho chồng con… Mong rằng các đức lang quân thấy rõ giá trị tâm hồn lẫn mồ hôi nước mắt thực tế của chị em PN để trân quý, thương yêu. Ví như các anh đang thưởng thức những chiếc bánh bột lọc do bàn tay mẹ, vợ, chị làm ra. Trong đó có cả tâm, lẫn sức của họ đấy. Xin mời ăn và ngậm để nghe âm thanh của bản tình ca yêu thương…
(Hì hì…nhớ đừng ăn nhiều mà nặng bụng nhé)

                          Một chiều mưa Sài Gòn nhớ Quảng Trị
                                             Quang Tuyết

* Xin chú thích với anh chị không phải là người miền Trung: Sắn là loại củ mà người miền Nam gọi là củ mì...
* Người miền Nam gọi bánh bột lọc trần (không gói bằng lá chuối) là bánh quai vạc

READ MORE - BÁNH BỘT LỌC - Quang Tuyết

GIẤC MƠ | Truyện ngắn | Lê Yên



Tacs giả Lê Yên
GIẤC MƠ
Truyện ngắn
LÊ YÊN


Chị mới vừa đi chợ về tới đầu ngõ, nghe tiếng nói chuyện hình như nhà có khách. Thì ra anh hàng xóm sang chơi. Nhìn hai ông nói chuyện gì ra điều hăng say, thậm chí chị lên tiếng chào cũng không nghe.
         Không biết hai người đàn ông đang tỉnh hay mơ, chị tò mò lắm. Bưng rổ rau ra ngồi gần ngạch cửa, vừa lặt, vừa lóng tai nghe chuyện đàn ông. Thì ra lại là chuyện “thường ngày ở huyện’’… hết ông A rồi đến ông B…
        Chị là đàn bà, thân ở xó bếp nhưng hằng ngày đi chợ cũng nghe được lỏm bỏm chuyện này chuyện kia. Có một dạo biển miền Trung cá chết, dân miền Trung không đi biển được, thật tội nghiệp, cuộc sống của họ sẽ ra sao? Xót xa cho biển, cho hàng tấn cá chết phơi bụng, đồng nghĩa với sự khốn khó của dân. Ai biết số cá chết đó đi về đâu? Ngộ độc thực phẩm là vấn nạn mà ai cũng lo sợ.
       Chuyện xả lũ làm thiệt hại mùa màng, nhà cửa dân, nhìn những hình ảnh thời sự trên ti vi, thật đau lòng. Người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vào mùa vụ họ phải dậy khi mặt trời chưa thức giấc và trở về nhà khi ánh sáng đã hòa vào đêm tối, tất cả mọi chi tiêu trong nhà đều trong chờ vào mùa thu hoạch, vậy mà sự chờ đợi đó cuốn theo dòng nước, cuốn luôn mái nhà che mưa, che nắng. Thật tội nghiệp.
       Hình ảnh trẻ em đi học ngang qua chiếc cầu tre lắt lẻo, không có được cây cầu chắc chắn bắc qua sông mùa nước nổi. Hình ảnh các em đến trường trong bộ đồng phục đầy sình thấm ướt, lạnh run. Tai nạn luôn chực chờ, làm sao yên lòng đây!
        Đàn bà thì không trăn trở sao?
        Ngày bức bối suy nghĩ. Đêm nằm mơ: chị thấy mình là một nữ tướng, một mình một ngựa với bảo kiếm xông pha, thù trong giặc ngoài nghiêm trị.
      - Đem chúng nó ra đây!
      - Chém!”
- Á!
      Một tiếng la lớn làm chị giật mình, tỉnh giấc bật ngồi dậy.
- Chuyện gì? 
      Hớt hãi nhìn quanh chị hỏi.
      Thì ra tiếng la phát ra từ chồng chị nằm bên cạnh, anh cũng bật dậy.
- Bà làm gì vậy. Đánh tôi một cái đau thấy ông bà, ông vải luôn hà.
      Tiếng chồng chị bực mình hỏi tiếp
       - Hả, bà chém ai?
       - Dạ không, em chỉ mơ. Đánh trúng mình hả?
      Chị không nhịn được cười, thấy chồng dở giấc ngủ, đang cáu nên cố nén.
       - Mình với đầu gì ở đây, bà xáng một cái tôi tỉnh ngủ luôn rồi.
       - Trúng đâu đưa em coi.
       Chị còn chưa hoàn hồn, một tay ôm ngực, một tay xoa xoa bên má chồng bị đánh trúng.
       - Bà bợ cái gì đó, bà làm như nó sắp rơi ra ngoài.
       - Dạ đúng rồi, mình la làm tim em muốn rớt ra ngoài.
     - Đàn bà lo chuyện bếp núc, con cái, lo ở đó mà hóng chuyện đàn ông rồi nằm mơ.
 Chị nghĩ thầm mà tức trong bụng “Lại đàn bà’’.
       - Em xin lỗi, mình ngủ tiếp đi.
       Nói rồi chị nằm xuống, quay lưng, trùm mền qua đầu cười một mình, bụng nghĩ: Phải mà chồng chị la chậm chút nữa đã chém được vài ba kẻ cướp. 
     Chị nén tiếng thở dài, cơn buồng ngủ không còn, đầu óc lan man với bao nhiêu suy nghĩ, không cần phải ngủ mới mơ… Cuộc sống đời thường với ước mơ dung dị, bình yên. Quê chị ngày xưa yên ả biết mấy, những ruộng lúa xanh mút tầm mắt, có thể thấy con sông hiền hòa nghịch ngợm với lũ trẻ trâu trong làng mỗi khi chiều xuống. Hồi cái tuổi thanh xuân của chị, vào những đêm trăng thanh gió mát, nam nữ hẹn hò nhau tản bộ trên những con đường đất ngai ngái mùi cỏ dại quyện lẫn mùi rong rêu sông nước, bóng trăng tò mò dõi theo, vậy mà họ vẫn lén hôn nhau khi ngang qua cây đa rợp bóng đầu làng, con trăng chịu thua trốn trong mây hờn dỗi… Chị mơ màng, hình ảnh đó như mới hôm qua, bày ra trước mắt… Bây giờ “Đô thị hóa…” chị cảm giác như bức tranh không có gam màu chủ đạo… Một sự tùy tiện! Đúng, sai, phải, trái lẫn lộn… “Quay đầu là bờ”, câu này chị đã nghe người lớn nói từ hồi còn rất nhỏ. Con người ai cũng có lúc làm sai, mức độ nặng nhẹ tùy sự việc, nhưng biết quay đầu lại sửa vẫn không muộn. Sự việc dẫu có lớn cũng bớt đi tổn thất.
      Quê hương như mẹ hiền. Đàn bà cũng lớn lên trên mảnh đất quê. Từ lũy tre làng, từ dòng suối ngọt chảy ra từ lòng đất, đàn bà cũng đau nỗi đau quê hương. Được sống trong lòng quê, như trẻ thơ ngủ ấm trong lòng mẹ hiền, làm sao không trăn trở.
      Những người mẹ liệt sĩ, vì yêu quê hương, đã hy sinh chồng, con. Để rồi tuổi già cô quạnh trong căn nhà tình nghĩa mà giá trị duy nhất là những tấm bằng liệt sĩ treo trên vách tường lặng lẽ cùng nhang khói… Những khi đêm về, mẹ hiu hắt nhớ chồng, nhớ con. Nỗi nhớ ăn mòn, bóng dáng mẹ liêu xiêu như bụi chuối sau hè qua cơn giông bão.
      Nếu ta làm nghèo quê hương, làm xấu đi hình ảnh văn hóa dân tộc, có công bằng với những người mẹ này không!?
      Cái xấu giống như những vết loang, hãy làm trắng hơn phần còn lại đễ vết loang đó không nhân rộng ra. Hãy nhìn lại bản thân, hãy suy nghĩ tích cực, tự hoàn thiện chính mình, không ngừng học hỏi để vươn lên. Sự cố gắng như một sức đề kháng với những cái xấu chung quanh ta.
      Đâu cần ông Bụt hiện ra giữa đời thường, trong mỗi người đều có một ông Bụt, hãy mở lòng ra và suy nghĩ đến mọi người chung quanh khi ta quyết định làm một điều gì đó… Ông Bụt là những bữa ăn của nhà giàu không phung phí, biết ý thức tiết kiệm để chia sớt cho những nơi còn đói nghèo. Ông Bụt là những vị bác sĩ có tâm với bệnh nhân v.v… Chúng ta hãy mở lòng để cảm nhận chung quanh và yêu thương. Không cần mơ cảnh thấy thiên đường.
      Quê hương như người mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay, sẽ tự hào cười rạng rỡ khi ta nên người, sống tốt và cũng đau khổ hết nước mắt khi bị dày vò bao lụy phiền, mẹ có bỏ con bao giờ. Hãy là niềm tự hào cho quê hương, cho đất mẹ.
     Trời cuối năm se lạnh! Ngày Đông làm xao lòng những kẻ xa quê, dù xa đến mấy quê hương vẫn là nỗi nhớ thiết tha, họ luôn đau đáu dõi về, nhớ con đường đến lớp, nhớ cô bạn học ngày xưa hai tà áo dài bị một cậu trai nghich ngợm cột chung, nhớ con sông miền Nam đầy tôm cá, nhớ củ khoai nướng mùa mưa lũ miền Trung, nhớ cái rét căm căm miền Bắc với mùa hoa Sữa trắng… Những con đường họ qua vẫn mong đem lại thành quả đầu tiên, vinh dự đầu tiên cho quê hương mình. Mong quê hương được bình yên được giàu mạnh… 
      Miên man với những suy nghĩ, tiếng bà hai Bưng làm chị giật mình, chạnh lòng cay đầu sóng mũi…
     Từ đầu ngõ tiếng bà hai Bưng đã rổn rảng:
      - Út ơi, có ông hai Bưng bên bây không?
      Chị khẽ cười. Là vậy đó! Bà Hai Bưng lúc nào cũng nghe tiếng trước khi thấy người.
      - Dạ có chị.
      - Tới giờ cơm rồi còn chưa chịu về, sắp nhỏ đói bụng ngồi chờ ổng.
      Bà Hai vừa đi, vừa đánh đàng xa ngoe ngoảy cái nón lá.
      - Vô nhà uống nước đã chị.
      Không đợi mời tới tiếng thứ hai, bà Hai Bưng đã sà xuống ngồi cạnh, miệng không ngớt, chuyện nọ, chuyện kia, lại bức xúc trong lòng. Bà Hai nổi tiếng tám chuyện nhất xóm, nhưng cũng có tình, nhà ai hữu sự bà đều xắn tay áo lên giúp. Nghe đâu có chuyện gì bà đi vô, đi ra nhấp nhổm không yên. Phải bây giờ mà có “Bà Trưng, Bà Triệu” chắc bà đã đầu quân… 
      Đàn bà là một nửa của thế gian… Trái tim đàn bà vẫn bơm máu lên não để đau nỗi đau chung. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.” Câu thành ngữ nói lên tầm quan trọng cũng như tâm huyết một người đàn bà luôn dặt trái tim mình trong ngôi nhà yêu thương. Ngôi nhà chung, ngôi nhà lớn đó là quê hương. 
     Tiếng ông Bưng nhà trên vọng xuống
     - Đi về bà ơi!
     - Lại nhiều chuyện gì đó?
      Bà Hai Bưng đứng dậy.
      - Về nghe Út.
      - Dạ chị về.
      Sực nhớ nồi cá kho trong bếp.
      - Chết rồi! - Chị chạy vội vào, may mà chưa khét.
      Nhớ đến giấc mơ hôm qua, chị tủm tỉm cười. Tiếng chồng chị vói theo…
      - Má thằng Tý hôm nay sao vậy?
      Ừ, chị là đàn bà, làm gì cũng phải lo cho cái bao tử chồng, con trước. Chồng thôi cái ngữ điệu: “Đàn bà” nhé! Tối nay em về mơ làm đàn ông bàn chuyện thế nước cho biết tay!!!
Saigon – tháng 5/18                                               
LÊ YÊN


    
READ MORE - GIẤC MƠ | Truyện ngắn | Lê Yên

NHỚ BẠN | Thơ Phạm Hòa Việt

Tác giả Phạm Hòa Việt
NHỚ BẠN

Mưa bay vẫn buốt chiều hương khói
Tôi đếm chưa xong những cánh phiền
Thương nhớ băng qua Cồn Mã đỏ
Nắng dài máy đổ bóng Cồn Tiên

Cỏ hoang nghe gõ từng tên lạnh
Anh bước đi hun hút núi rừng
Thương hởi tình anh Bàu Đá tận
Cho ngày tháng đợi bến Đông Xuân...

Đời tôi vụn qua từng ngọn mạ
Anh đã đi xanh bóng lá tràm
Một sáng sương đồng rơi trên lá
Thở dài dòng Hiếu ngược dòng Lam...

Chiều nghiêng tóc chải dài Phú Hậu
Anh đã đi hun hút xóm làng
Nhớ thuở xa xăm vùng chiến đấu
Lòng ai thổn thức biết ai đang...

PHẠM HÒA VIỆT


READ MORE - NHỚ BẠN | Thơ Phạm Hòa Việt