Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, February 11, 2012

KÝ HỮU - Thể thơ Đường luật liên hoàn - Linh Đàn



Ký Hữu
Tặng thi hữu Đinh Vũ Ngọc  (Suối Nghệ)

Nỗi niềm tâm sự gởi Đinh Quân
Lầy chữ thâm giao xướng họa vần
Mấy giọt mưa rào nghe mát dạ
Vài dòng thơ muộn thấy lên gân
Mối tình tri kỷ càng lưu luyến
Chút vốn văn chương ấy nợ nần
Vay trả - trả vay duyên chữ nghĩa
Cuối mùa hoa vẫn đượm hương xuân

Cuối mùa hoa vẫn đượm hương xuân
Nói hết tâm tư chẳng ngại ngần
Trang trải tơ lòng cùng tuế nguyệt
Chan hòa cuộc sống với phong vân
Sắt son nỡ để mờ nhân ảnh
Cốt cách còn dài giữa thế nhân
Cái lớp bên ngoài tô chẳng đẹp
Lấy gì trả nợ chữ kinh luân

Lấy gì trả nợ chữ kinh luân
Mãi đến hôm nay khác bội phần
Dâu bể đành cam phường bạch diện
Tang thương phó mặc cõi hồng trần
Gối yên đã cởi ngoài biên ải
Cày cuốc tìm về chốn thứ dân
Nắng sớm mưa chiều rồi chỉ ước
Lúa vàng nặng hạt trải đầy sân

Lúa vàng nặng hạt trải đầy sân
Bù đắp công nhà dưỡng tấm thân
Nhàn rỗi đôi khi ưa ngoạn cảnh
Vui chơi vài lúc thú buông cần
Bàn cờ cuộc rượu mùi thanh nhã
Tiếng nhạc lời thơ nếp thấm nhuần
Cho bỏ nhọc nhằn vì cuộc sống
Một niềm chung thủy với hương lân

Một niềm chung thủy với hương lân
Có cả yêu thương túng đỡ đần
Có bạn tri tình câu xử thế
Cùng nhau thông cảm chữ nhân quần
Đường đời bằng phẳng là bao thuở
Cảnh vật đổi thay đã lắm lần
Mình lại biết mình ôi thế ấy
Dài dòng văn tự dám lần-khân

Dài dòng văn tự dám lần-khân
Nhờ mối duyên thơ xích lại gần
Đã có những ngày vui hội ngộ
Thì đừng thêm buổi để chia phân
Tiếng thơ dào dạt hồn Đào Lý
Tình bạn bao la nghĩa Tấn Tần
Những ước trước sau cho trọn vẹn
Nỗi niềm tâm sự gởi Đinh Quân

                  Linh Đàn
Bà Rịa 1-6-Canh Ngọ (22-7-1990) 
linhdanhk@gmail.com

0908 857 277

083 715 2407
READ MORE - KÝ HỮU - Thể thơ Đường luật liên hoàn - Linh Đàn

Đoàn Luyến - SAU 37 NĂM TRỞ VỀ QUẢNG TRỊ


Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, vùng đất khó khăn nhất của đất nước, đặc biệt là trong hai cuộc chiến. Người nông dân Quảng Trị "Đập đất chai tay, nắng hè phỏng trán" trên vùng đất "cày lên sỏi đá", cuộc chiến nhiều ngày làm cho Quảng Trị càng hoang tàn. Năm 1972 trong tác phẩm Mùa hè đỏ lửa nhà văn Phan Nhật Nam đã nói về những người dân Quảng Trị: "...rất nghèo, quá nghèo đến nỗi tên gọi của người Quảng Trị cũng không có chữ để lót..."  như Đoàn Luyến, Đoàn Huệ, Trương Giáo, Trương Ũy... Về sau tôi mới nhận thấy cả những vị lãnh đạo cũng "không có gì để lót" như Đoàn Khuê, Đoàn Thuý, Lê Duẫn...Sau nầy khi tái lập tỉnh Quảng Trị cũng tự giới thiệu là tỉnh "Có hai thị xã, hai con sông và... hai Nghĩa Trang", một địa phương chịu quá nhiều thiệt thòi trong chiến tranh.

Cái khổ thường xuyên từ bao đời của Quảng Trị là thiên tai, bão lũ, hình như không năm nào không có.  Chúng tôi ngay từ lúc nhỏ đã biết cách phòng chống, đứa nào cũng biết bơi, và bơi rất tốt, nếu không biết thì không sống đến ngày nay, năm học nào cũng có vài đứa bạn ra đi theo Hà Bá.

Vùng đất Quảng Trị có người Việt từ năm 1558 ( Khi Nguyễn Hoàng tiến về phương Nam mở cỏi), có lẽ từ đó đến nay có quá nhiều cuộc chiến tranh, từ các cuộc chiến tranh giành quyền lợi giữa các dòng họ đến các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong cuộc chiến tranh Việt Nam thời hiện đại, đây là nơi cuộc chiến diễn ra ác liệt nhất, dấu vết để lại quá kinh hoàng khi ta đi qua Quảng Trị nhìn những nghĩa trang, nghĩa địa của vùng này.


 Năm 2009, sau 37 năm tôi trở về Quảng Trị, nơi đầu tiên tôi đến là Mẹ La Vang, đây là nơi có nhiều dấu ấn tuổi thơ tôi tại vùng đất Quảng Trị. Thánh địa La Vang ngày nay đã được khôi phục nhưng dấu vết chiến tranh còn quá nặng nề.  Nếu nhìn La Vang với góc độ người làm kinh tế thì đây chính là một địa điểm du lịch hấp dẫn với hàng triệu khách có Đạo trong và ngoài nước, nhưng hiện nay chưa được quan tâm đúng mức.

Dân Quảng Trị có truyền thống hiếu học, có lẽ không phải học để làm gì  ghê gớm nhưng phải học để thoát nghèo, học để vươn lên trong cuộc sống. Đây là điều kiện thuận lợi nhất để Quảng Trị khôi phục và phát triển kinh tế. 


Thành phố Đông Hà, thủ phủ của Tình hiện nay khá hiện đại và đẹp. Nguyên nhân chính là vùng đất bị tàn phá hoàn toàn và làm lại toàn làm mới cho nên rất đẹp. Tuy nhiên thành phố  phát triển mang tính "Kế hoạch" hơi nặng, chưa có chút bùng phát  của một nền kinh tế thị trường, chưa thấy các trung tâm công nghiệp lớn xuất hiện.
          
Nét văn hoá truyền thống của Quảng Trị là rất quan tâm đến việc xây dựng mồ mã cho người đã khuất, người sống như thế nào thì người chết cũng vậy, cho nên kinh tế càng phát triển thì mồ mã cũng được quan tâm nâng cấp, ông Việt kiều và ông Việt Cộng thi nhau nâng cấp mồ mã, lăng tẩm, đình miếu ... cho nên chúng ta thấy ở đây có những ngôi mộ bạc tỷ, không biết hậu quả sẽ như thế nào ? 
 
Tôi trở về làng cũ, làng Đại Độ, đi dọc theo sông Hiếu Giang, con sông mà ngày xưa khi còn đi học chúng tôi thường xuyên vui chơi nô đùa, ngày nay trở lại quá nhiều thay đổi, không còn dòng nước trong lành như ngày xưa. Làng cũ không còn luỹ tre, không có những "tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ reo", mà cả cái tên cũng sắp biến mất, phường, khu phố thay cho làng xã. Trong lịch sử nhiều nơi trong nước và trên thế giới, quá trình chuyển đổi từ làng xã thành phố thị là một điều tất yếu, nhưng khi đổi người ta cũng để lại tên phố, tên phường như tên của làng xã trước đây, nhất là các làng xã có truyền thống khá lâu đời như các làng ven sông bờ Bắc sông Hiếu (Theo Hoàng Hữu Phong). Thế nhưng! Thế nhưng!
 
       Với truyền thống chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai để bảo vệ cuộc sống chắc chắn trong tương lai không xa Quảng Trị sẽ trở thành một cửa khẩu quan trọng tiến ra biển Đông của vùng đất Miền Trung.
                                                                  
Đồng Nai, 2009
Đoàn Luyến
Thạc sĩ sử học
dmcdoanluyen@yahoo.com.vn
READ MORE - Đoàn Luyến - SAU 37 NĂM TRỞ VỀ QUẢNG TRỊ

VẦN THÁNG GIÊNG - Mai Thanh Tịnh


Màn mưa giêng lất phất
Cỏ lún phún gợi mùa
Ngày vãn chiều lật đật
Áo phủ bụi sương hoa

Lang thang một mình ta
Mắt nhìn miền xa thẳm
Chồi buồn im sau lá
Mầm xanh khoe đẫy đà

Giêng tim tím nụ cà
Hồn nhiên vàng bông bí
Con ong tìm thi vị
Má dậy thì phây phây

Trái đất vẫn còn quay
Giêng không ngoài quy luật
Ta và em có thật
Sao vẫn hoài hư không

Ra vào mỏi ngóng trông
Đứng ngồi dài nỗi nhớ
Nằm nặng đau nhịp thở
Ngủ chùng chình giấc mơ

Giêng níu quằn sợi tơ
Nhện giăng vòm lận đận
Ta yêu thời lẫn thẫn
Lại một mùa giêng hai

 

 Mai Thanh Tịnh

  0913442711

READ MORE - VẦN THÁNG GIÊNG - Mai Thanh Tịnh

Độc Hành - MÙA THU RA ĐI



Ngồi nhớ lại trời thu ảm đạm
Lá vàng rơi như nhắc nhở chia ly
Anh ra đi em nào đã biết gì
Nhìn cảnh vật nhìn em anh khẻ bảo
Mai anh đi em có nhớ không nào
Hãy nhớ nhé! nhớ anh hoài em nhé
Rồi sau đó anh từ từ vuốt nhẹ
Mái tóc huyền buông xõa xuống bờ vai
Liếc nhìn em anh khe khẻ thở dài
Còn gì nữa những ngày qua thân ái
Anh nhìn em với cái nhìn ái ngại
Sao em buồn! đừng buồn nữa em ơi
Nói thế rồi anh nghẹn cả lời
Không nói nữa anh quay nhìn chỗ khác
Cơn gió nhẹ lá vàng bay lác đác
Rạ đầu đường theo gió cuốn bay đi
Ngày ra đi anh nhắc nhở những gì
Em không nói mong em còn nhớ mãi
Và hôm nay tự nhiên em sợ hãi
Cảnh biệt ly ôi! Nức nở nghẹn ngào…

              Độc Hành
  dochanh75@gmail.com
READ MORE - Độc Hành - MÙA THU RA ĐI

Nguyễn Thanh Xuân - LÀNG HƯNG NHƠN CÓ TỰ BAO GIỜ



    Theo sử sách nước ta, trước năm 1975 nhân dân phía Bắc vào Nam có hai đợt lớn: Một là năm 1306 và hai là năm 1558.
    Năm 1306, khi vua Chiêm Thành là Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý (nay là Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) làm lễ vật dẫn cưới Huyền Trân Công chúa (con vua Trần Nhân Tông) thì nhân dân Thanh Hoá, Nghệ An ồ ạt vào tiếp nhận. Đến năm 1558, khi Nguyễn Hoàng, tránh thế kìm kẹp của Trịnh Kiểm, đã xin vào trấn thủ Thuận Hoá (Quảng trị-TTH), nhân dân Thanh Hoá, Nghệ An lại rầm rộ đi theo. Dĩ nhiên, các năm sau đó nhân dân vẫn rải rác vào.
   Tôi được đọc lời tựa trong tộc phã họ Nguyễn (Đức, Hữu, Như), họ xếp thứ tự khai canh thứ hai trong sáu họ của Làng. Lời tựa nói rõ: Ba ngài từ đất Hoan Châu - Nghệ An theo  Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào năm 1558 (Mậu Tý).
   Tôi lại được đọc một cuốn sách nhan đề là Ô Châu Cận Lục ghi chép đề cập đến nhiều phương diện liên quan như núi sông, sản vật, phong tục, thành quách, danh lam, phú thuế, quan chức, nhân vật…của dải đất miền trung đặc biệt là hai châu Ô, Lý. Ô Châu Cận Lục do Dương Văn An - Thượng thư triều Mạc Phúc Nguyên (1547-1553) - biên soạn. Dương Văn An người xã Tuy Lộc, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Năm 31 tuổi  ông  đỗ  Đồng  Tiến  sĩ  khoa  Đinh  Mùi – 1547. Năm 1553, ông dựa vào hai tập sách của hai bạn đồng hương (sử không ghi tên hai vị này -NTX) và thu thập thêm những điều tai nghe mắt thấy, rồi bổ sung, hiệu đính, nhuận sắc… và lưu truyền lại ngày nay.
    Ô Châu Cận Lục gồm 6 quyển, trong đó, quyển ba nói về phân chia đơn vị hành chính. Hai châu Ô, Lý này (gọi Trị, Thiên cho dễ nhớ) chia ra 6 phủ, huyện. Huyện Hải Lăng là huyên duy nhất không thay đổi tên (?). Hải Lăng có 49 xã gồm An Thư (An thơ), Vĩnh Hưng (Hưng Nhơn) Văn Quĩ, Câu Nhi, Hà Lộ (Hà lỗ)… cho đến xã thứ 49.
       Một vấn đề tôi còn phân vân là trước 1553 đã có làng Hưng Nhơn, thế thì ba ngài lập họ Nguyễn không phải theo Nguyễn Hoàng vào năm 1558 được. Đề nghị bà con ai có thêm tín sử xin mách bảo.
       Xin cám ơn.


Nguyễn Thanh Xuân


  ***



Bài viết dự kiến phát biểu trong hội thảo

TẦM VÓC LÀNG HƯNG NHƠN
   
   
Tôi năm nay 83 tuổi, xa quê hơn nửa đời người và đi nhiều nơi, đến đâu tôi cũng khoe làng tôi là một trong những làng đẹp nhất bởi đường ngõ thẳng băng, gọn gàng như bức tranh. Tôi nhớ vào Tết 1956-1957  khi đang học ở trường Trung cấp Nông lâm Trung ương, trên tờ croki khổ 60 x 100 cm, tôi đã vẽ làng ta (khiêm tốn nói rằng) gần đúng 100% tỷ lệ cho từng ngõ, từng nhà…trong đó ghi tên chủ nhà và trong nhà có mấy người. Thú thật xóm ông Dạ (cầu Cừa) chỉ nhớ khoảng 70%. Cái may những năm đó tôi là Uỷ viên hội đồng nhân dân và Trưởng ban Thông tin tuyên truyền xã Hải Phong. Xã Hải phong gồm 6 làng: Hà Lỗ, Câu Nhi, Văn Quĩ, Hưng Nhơn, An Thơ và Phú Kinh (hai xã Hải Hoà và Hải Tân gộp lại). Đoàn tập kết ra Bắc cuối tháng 7-1954 là Đoàn Hải Phong do Nguyễn Ngôn người Hà Lỗ làm trưởng đoàn), Cái chính là làng dễ thấy, dễ nhớ. Tiếc rằng năm tháng di chuyển nhiều nên thất lạc.     
              
Vóc dáng làng 

    Xưa nay hễ đến vùng đất mới người ta thường chọn : một là sườn đồi núi, hai là ven sông. Ông cha ta chọn ven sông: sông Ô Lâu. Nói là ở ven sông nhưng làng ta lại không có sông (có, nhưng chỉ khoảng trên dưới 80 m), có người bảo vì đến sau. Sau trước chưa là vấn đề. Tôi nói đến cùng thời. Đến sau, sao lại có nhiều ruộng canh tác đến vậy. Bình quân đầu người có khi nhiều hơn các làng khác. Chuyện đến sau trước ta sẽ tìm hiểu thêm.
    Ít nhất cũng phải có một hoặc nhiều cuộc họp giửa những người làng giáp ranh nhau để giăng dây đóng cọc : Hưng Nhơn-Văn Quĩ-Hoà Viện và Hưng Nhơn- An Thơ.
    Làng ta được xác định: Đông giáp An Thơ, tây giáp Văn Quĩ, nam giáp Hoà Viện và mấy chục mét của sông Ô Lâu, bắc là đồng ruộng của làng ta.
    Đứng trước vị trí này, các đại gia làng ta với tầm nhìn rộng, trình độ học vấn cao, đặc biệt kiến thức về thiết kế, kiến trúc và chắc có nhiều kinh nghiệm nên đã có khuôn viên làng như hiện nay.
    Khuôn viên làng hình chữ nhật khoảng (300x1000)m ước bằng 1/10 ruộng canh tác-- diện tich ở / diện tích canh tác tỉ số1/9, có nghĩa là ở một làm chín. Thời gian đã xác định con số này là hợp lý. Chắc chắn ruộng sau Rôộc là đất dành cho dân cư khi con cháu đông lên.
    Cái tầm nhìn  như vậy liệu các chuyên gia, kĩ sư trưởng, kiến trúc sư ở thế kỷ 21 có mấy ai làm được?

    Đi sâu vào thực tế
    Phía bắc tuy là ruộng của mình, nhưng bị mưa lũ, gió bão đe doạ nên đã đắp con đường Bạng cao rộng trồng cây làm bức tường luỹ che chắn (chọn trồng cây tre là ngà và chủ yếu là cây mưng) tre là ngà cây to cao nhiều gai , rậm, chẳng ai dám chui vào bụi là ngà. Cây mưng chịu nước chịu hạn tốt, rễ to bám rộng, sâu, cành chắc dẻo, lá rậm quanh năm không những giao cho nó  nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho dân má nó còn cung cấp thức ăn thú vi mỗi khi ra lộc non. Tôi còn nhớ câu ca dao quê ta: Đói nghèo rau má rau mưng/Chồng ăn thiếp nhịn xin đừng xa nhau.
    Phía nam giáp Làng Hoà Viện (chuyện cách sông và chỉ có một xóm của một làng của Thừa Thiên-Huế giáp với hai làng của Quảng Trị- sẽ tìm hiểu thêm sau) các vị đã cho đào một rãnh (hói không phải hói, mương chẳng phải mương) vì không lúc nào có nước, chiều rộng trên dưới một mét chắc là để xác định ranh giới, tiếp đó là một luỹ tre và cây bụi, cũng như đường Bạng nhưng không cần lớn và chắc như đường Bạng. Song song với nó, đào một con hói rộng trên dưới 10 mét chạy dọc từ sông Ô lâu lên đến giáp ranh giới làng Văn Quĩ rồi chạy thẳng ra vừa tưới nước cho đồng ruộng vừa làm ranh giới giửa hai làng. Đất đào hói đem đắp con đường cái . Giữa con đường cái và bờ hói trồng một luỹ tre rợp bóng quanh năm. Dân làng lập từng bến để giặt giũ sinh hoạt. Có nước chảy quanh làng cây cối tốt tươi, khí hậu ôn hoà
    Phía đông đất liền với làng An thơ, lúc đầu e cũng chỉ đóng cọc phân ranh giới, nhưng khi ngài em thứ ba (thành lập họ Nguyễn: Đức, Hữu, Như có ba anh em ruột) tham gia chinh chiến trở về, triều đình phong sắc tặng Võ Địch Đại Tướng Quân và dụ cho làng lập miếu thờ, hằng năm đến ngày 16 tháng 6 Âm lịch làng tổ chức cúng giỗ. Tuân lệnh Triều đình, làng lập miếu thờ ở cạnh biên giới làng An Thơ và đặt tên miếu là Tả Thần hoàng, có nghĩa là ông thần trấn thủ đất ở phía tay trái. Nhân dân thường gọi là miếu Ông. Thế là “lãnh địa” làng Hưng Nhơn chắc chắn biết chừng nào!
   Khu vực dân cư được chia làm ba xóm: giáp với Văn Quĩ là xóm Thượng đến Trung đến Hạ. À lại là chuyện lạ xuất hiện: dòng nước chảy từ hạ lên thượng. Có cái hay là bình độ đất phẳng như tờ giấy nên sáng nước từ sông chảy vào đồng ruộng, chiều nước chảy từ đồng ruộng ra sông. Phong thuỷ ấy tạo cho tâm hồn người dân sống ôn hoà, thuần phác, thuỷ chung.
    Chia ba xóm, mỗi xóm có một đường kiệt (trôn) rộng chạy thẳng ra đồng ruộng và từ đầu làng đến cuối làng cứ cách nhau 25-30m có đường kiệt rộng chừng 3m, hai bên bố tri hai dãy nhà, ngõ thông ra đường kiệt. Mai đây làm biển ngõ, nhà thì “ba mươi giây” là xong.
   Viên đá bí tích ở Càng. Tôi chỉ nhìn được một lần vào ngày giỗ Bà năm 2002 khi cùng đoàn bô lão làng ra cúng. Một viên đá, một bí sử. Ai biết được xin viết bài để nhân dân ta đời đời nhớ ơn.
    Tôi lại chỉ được một lần lên Thượng Nguyên cùng các vị bô lão và cán bộ, nhân dân lên cúng đầu năm vào tết Tân tỵ- 2001. Vùng đất này có lẽ lập sau, nhằm trợ giúp cho ngày ba tháng tám. Phải gian khổ lắm, bởi ở vùng độc canh lúa, ắt phải mang gạo lên rừng đổi lấy củ khoai củ sắn.
    Nói vóc dáng làng mà không đề cập đầy đủ về Cái Bến Ngã Ba là một thiếu sót lớn. Bến Ngã Ba, cái bến huyền thoại, bởi đó là nơi hội tụ sắc thái tươi mát của cả làng. Ngày nào cũng như ngày nào luôn nhộn nhịp trò chuyện râm ran, vui vẻ. Thực thế, ai đang có chuyện lăn tăn gì đó, hễ đến bến cái buồn tiêu tan, tâm hồn được hòa quyện với cái vẽ đẹp thuần khiết của trời mây sông nước tự lúc nào. Bến Ngã Ba, bến thiên nhiên mà như nhân tạo. Đáy cát trắng tinh không một tí bùn, chỗ cạn chỗ sâu: trẻ con vừa tắm vừa vọc cát, con trai đứng nước ngang hông khoe cái bộ ngực nở nang và đôi cánh tay hộ pháp; con gái cố nhấn chìm gần đến cổ thỉnh thoảng nhảy phóc lên cho tia nước phóng ánh hào quang. Cái gì đó khiến người con trai kịp thấy bạn mình quảy đôi thùng gánh nước, lẹ làng vào bờ và đôi tao gióng gọn gàng trên tay với một nụ cười rạng rỡ. Có những “chiếc” tàu ngầm mà cô gái nào đó la lên “chân mình như có bàn tay ai nhầm”… Bến Ngã Ba sáng từng đoàn người gánh nước giặt giũ. Bến Ngã Ba , trưa trâu mẹp; chiều đón khách theo đò dọc vào Huế…Chuyện Bến Ngã Ba làng ta e phải có hằng trăm bài viết cũng chưa đề cập hết. Với tôi nó là huyền thoại mãi mãi là huyền thoại.
     Xin có lời đề nghị các bạn tham gia viết nhiều về vóc dáng làng. Tôi tạm dừng ở đây. Có chỗ nào sai cho ý kiến, xin chân thành cám ơn.



         
                                                

Mấy suy nghĩ về 
            
Viên Đá miếu Bà Giàng ở làng ta

     Bài sự tích Bưng đá ở làng Hưng Nhơn do tác giả Hoàng Thị Ái Hoa sưu tầm, nghiên cứu và công bố.Theo tôi nên đổi đầu đề là truyền thuyết Bưng đá, bởi câu chuyện trên chủ yếu là nghe truyền miệng. Khoảng 14-15 tuổi tôi đã nghe kể Bà Giàng bưng Đả, người kể cười và ai cũng rúc rích. Còn chuyện thành đinh thì tôi không được nghe. Mấy câu hỏi cứ đặt ra chưa tìm được lời giải thoả đáng.

   Năm 2001, lần đầu tiên tôi theo đoàn bô lão và dân làng ra Càng làm lễ giỗ Bà, đươc thấy rỏ cả hai viên. Một là đá tự nhiên, một là “cái trống con” làm bằng chất liệu “đá” bột.
   Theo tôi hai viên này không phải nguyên ở đây. Giửa vũng lầy mênh mông (tôi hình dung nơi đó như một đảo nhỏ giữa Thái Bình Dương của Hải Lăng) tại sao lại có đá mà chỉ có hai viên, một viên là đá tự nhiên, một viên là “một kiệt tác nhân tạo”. Nếu cho rằng những di tích Chàm để lại thì phải khẳng định “thành phố Chàm” bị chìm sâu (cần khai quật), sót một viên không chìm theo. Viên đá nhân tạo và viên đá tự nhiên ai có mặt trước, Rằng viên đá nhân tạo do bà tạo ra nhằm rèn luyện và xác nhận thành đinh thì lại càng không hợp lý, bởỉ dân đinh thì ở trong làng mà tạo viên đá lại ở nơi xa, phư ơng tiện đi lại? Bà ấy nhờ vào kỷ thuật và chất liệu thế nào để làm ra viên đá ấy. Chuyện bà bưng đá là chuyện nói cho vui, lấy chuyện đàn bà tụt váy để…cười, như không tụt váy thì đất ta còn thêm nhiều nữa. Đó là chuyện cuả làng ta, còn chuyện của Mỹ Chánh thì khác, họ bị thiệt thòi là do quan…do vân vân. Giá sử nếu quan chia ranh giới và đồng ý cho làng ta bưng từ mốc tranh chấp đi xuống Mỹ Chánh, thì dại gì làng ta không lấy lực điền để bưng mà để cho một bà làm? Ta bằng lòng với truyền miệng cho ta viên đá lạ, cho ta một bà dũng cảm dám làm một việc “động trời”mà thời đó người đàn bà bị coi thường. Ai dám đọ sức với người phụ nữ hậu duệ Bà ở làng Hưng nhơn!
    Câu chuyên Bưng đá nói trên, khẳng định là các ngài khai canh thuộc các làng Văn Quí, Hưng Nhơn, An Thơ vào cùng thời, chứ làng ta không thành lập sau. 
    Bây giờ chẳng có chuyện tranh chấp. Uống nước nhớ nguồn, ta tiếp tục thờ Bà  ở biên giới phía bắc địa đầu lãnh thổ nơi cô quạnh, heo hút, trăm ngàn khổ cực lưu truyền lại ngày nay với tấm lòng biết ơn như ông cha chúng ta đã thờ từ xưa.
     Để giữ nguyên di tích, cá nhân tôi xin đề nghị các vị chức sắc nên đưa viên trống đá ra Miếu bà như cũ, nếu miếu được tôn tao có cửa cài then khoá cẩn thận.hơn.Ban đầu tôi cũng có suy nghĩ : có thể có ai vô tình làm vỡ viên đá thì ta mất và trách nhiệm chinh, tội lỗi các vị chức sắc phải chịu. Tôi cũng tin rằng linh vật thiêng liêng đó không ai dám đánh cắp nhưng chắc gì, cảnh giác cũng là điều không thể coi thường. Kính xin các cụ minh xét.   
                                                  

Tháng 12 năm 2011
                                         
                                                Xóm Hạ làng Hưng Nhơn
Nguyễn Thanh Xuân (tuổi 83)




Trao đổi:

Vĩnh Hưng, Hưng Nhơn, Kẻ Vịnh
  
    Năm 1954 tôi đã 25 tuổi, nhưng chưa hề nghe ai nói làng ta là Cái Vịnh, chỉ nghe gọi là Kẻ Vịnh. Tôi tự hỏi tại sao làng ta là Vĩnh Hưng đã chính thức đổi thành Hưng Nhơn lại có thêm Kẻ Vịnh. Kẻ Vịnh xuất hiện vào thời kỳ nào?. Chưa được xác định. Khi lớn lên tôi thấy viết ở nhà thờ họ Đạo là Giáo xứ Kẻ Vịnh.
    Vị trí nhà thờ đóng tại làng Hưng Nhơn tại sao lại ghi là Kẻ Vịnh. Thoáng nghĩ:  liệu có dính dáng gì với Kẻ Văn, bởi nhà thờ ở Văn Quĩ cũng ghi Giáo xứ Kẻ Văn. Lẽ nào Kẻ (Vịnh, Văn) dành riêng cho những tín đồ Thiên chúa giáo? Cũng không phải, Vì nhà thờ ở làng An Thơ và nhà thờ làng Hòa Viện (cách nhau 100m và 1000m) không thấy ghi là Kẻ Thơ, Kẻ Viện.
     “Giáo xứ Kẻ vịnh” cũng không thể xem như tên một cửa hàng, tên xí nghiệp thoải mái đặt như hiện nay.
     Trong văn tự đều ghi : Hưng Nhơn ngày…chứ không ghi  Kẻ Vịnh ngày…như vậy rỏ ràng Kẻ Vịnh không phải là đơn vị hành chánh, nhưng khi ai đó hỏi ông (bà) ở làng nào thì có người trả lờì là làng Hưng nhơn, có người trả lời là làng Kẻ Vịnh. Kẻ vịnh mặc nhiên trở thành tên gọi khác của làng Hưng nhơn
    Thử tách hai từ : Kẻ và Vịnh.
    Từ Kẻ tiếng gọi dân làng ở miền Bắc, kẻ chợ là nơi đông người như Hà nội xưa…Ở Hải lăng ta có những 50 làng mà chỉ ba làng dùng từ kẻ là Kẻ Diên (có chợ kẻ Diên-thủ phủ Hải Lăng) Kẻ Văn và Kẻ Vịnh.
    Có người cho rằng đất quê ta là vùng trũng nên đặt tên có chữ Vịnh. Không phải! Vịnh là vùng biển ăn sâu vào đất liền như vịnh Hạ Long, vịnh Cam Ranh…rằng Kẻ là làng, Vịnh là vùng trũng nên gọi là Kẻ Vịnh. Theo tôi, chưa phải!
    Tôi nghĩ rằng từ xa xưa Trong Ô Châu Cận lục () Thượng thư Dương văn An biên soạn, hai dịch giả Trịnh Khắc Mạnh, Nguyễn Văn Nguyên, dịch và chú thích thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn-Viện nghiên cứu Hán Nôm do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành- Hà nội 1997. trong lời bình trang 232 (bản chữ Hán) Vĩnh Hưng chi chí thượng văn, bản dịch (tiếng Việt) trang 48 dịch tương đối sát là Vĩnh Hưng có chí chuộng văn (văn= văn chương chứ không phải văn= nghe). Lại nữa trang 269 (bản chữ Hán) mỹ hóa Vĩnh Hưng, nhưng trong bản dịch (tiếng Việt) trang 71 lại dịch là phong hóa Vĩnh Hưng. Dịch phong hóa không đúng. Phong hóa là phong tục tập quán và nếp sỗng của một xã hội: phong hóa tân tiến, phong hóa suy đồi… Mỹ hóa thì rỏ ràng không có nghĩa khác. Mỹ là đẹp: mỹ nữ, mỹ mãn, mỹ xảo… Phải chăng Thượng thư thấy ở Vĩnh Hưng có nét hào hoa phong nhã, có tư chất về trí tuệ văn chương!.
   Qua bao trăn trở tôi lại thấy: Kẻ có nghĩa là chỉ trống về người: kẻ giàu, kẻ khó, kẻ sang, kẻ hèn… Vịnh có nghĩa là ngâm vịnh; tức cảnh mà đặt thơ: vịnh mùa hè, vịnh cái chổi…Vĩnh Hưng, Hưng nhơn hay ngâm thơ xướng họa mà có cái tên Kẻ Vịnh. Kẻ Vịnh là làng hay vịnh thơ, ngâm thơ. “Biệt danh Kẻ vịnh” này tuyệt nhiên không dính với tên ghi Giáo xứ Kẻ Vịnh nói trên. Có khi là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tôi thích cái ý “nịnh” làng. Nịnh làng thì ai mà chẳng thích nịnh, nhưng cò có cái cớ chi chăc chắc thì nịnh mới có giá phải không các bạn!.
   Xin tạm dừng ở đây. Chúng ta sẽ trao đổi tiếp khi có thêm tư liệu và suy nghĩ mới.




Như là bức thư ngỏ

    Đề nghị các bạn viết về các phong tục tập quán, những lễ hội cỗ truyền, những ngành nghề và các trò chơi con trẻ…
    Những năm yên bình trước 1945 tôi được biết:
    Với trẻ con: Đá banh bưởi, ná bắn chim, thả diều, nạp vụ, đánh căng cù,  đánh đáo, đánh bi, đá kiện một chân, đá hai chân, trốn tìm, đập chúng (đầu trâu).
    Con gái thì: Nhảy chồng chán, ô ăn quan, kẹc khắc, vụ quay tôm cua, thẻ ăn 1 ăn 10…
    Tâp thể thì: Đua thuyền (gọi là bơi trải), đua ghe, đánh bài tới, bài chòi, đánh cờ quân, kết, cờ chòi, tổ tôm.
    Các bài ca dao hò vè, nói lối…rất phong phú.
Làng Lễ : Lên cây nêu ngày 30 đến mồng 7 hạ nêu (Ý nghĩa của cây nêu), Công giáo có kiệu, làng có năm tổ chức đánh đu, những năm 1943-1944 có đóng kịch, múa…
    Các ngành nghề: Làm ruộng (nhớ cái gian khổ nghề ruộng—khác xa bây giờ), nghề thợ mộc, nghề làm nón, tơi, nghề bắt cá, nghề buôn nón lá vào Huế, nghề cắt tóc (cắt kéo, cắt tông đơ), nghề may (may tay, máy Singer), nghề làm xáo, quầy hàng xén v. v…, và các nghệ nhân của các nghề.      

Chúng ta ôn lại những gì đã có trước đây để thấy nét đẹp truyền thống mà ông cha chúng ta đã hun đúc, bởi chúng rất hay, rất khó, rất hấp dẫn, rất bổ ich cho rèn luyện thể chất, thư giản…     
                                          
Thân ái chào bà con quê hương.


Nguyễn Thanh Xuân
Sinh 06-6-1929
Quê quán: Hưng Nhơn, Hải Hoà, Hải Lăng, Quảng Trị
Thường trú: 487/2 đường Cổ Nhuế ,Từ Liêm, Hà Nội
Đt : (04) 62650037---0986 465 346

***
Ảnh minh họa từ trang  nguyennhukhoa.blogspot.com và thithothitho.blogspot.com

***

READ MORE - Nguyễn Thanh Xuân - LÀNG HƯNG NHƠN CÓ TỰ BAO GIỜ