Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, November 21, 2011

LÊ NGỌC PHÁI - NGUYỄN BIỂU và bài thơ Cỗ đầu người

Đền thờ Nghĩa Vương Nguyễn Biểu tại Đức Thọ, Hà Tĩnh


Nguyễn Biểu  là tướng nhà Hậu Trần, quê quán làng Bình Hồ, huyện La Sơn, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ông đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) cuối thời Trần, làm quan đến chức Điện Tiền Thái sử (Ngự Sử). Khi quân nhà Minh xâm lược Đại Ngu, ông đã phò vua Trần Trùng Quang  tức là Trần Quý Khoách (1409-1413) tổ chức cuộc kháng chiến.

Năm 1413, quân Minh đánh vào Nghệ An, vua Trùng Quang Đế chạy vào Hóa Châu, sai Nguyễn Biểu đi sứ giảng hoà, gặp Trương Phụ xin cầu phong, cốt thực hiện kế hoãn binh, kéo dài thời gian để cho Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị xây dựng binh lực. Tướng Minh Trương Phụ tiếp sứ thần rất khinh bạc, ngạo mạn, sai quân dọn ra một mâm cỗ chỉ có một cái đầu người luộc chín, ép Nguyễn Biểu ăn, cốt để thị oai và thử lòng gan dạ của người An Nam.
Nguyễn Biểu ung dung ngồi vào mâm, nói rằng: "Mấy thuở được ăn thịt người phương Bắc (người Tàu)!" , nói đoạn, lấy đũa khoét đôi mắt, chấm muối ăn. Vừa ăn, vừa ngâm bài thơ Cỗ đầu người khiến Trương Phụ cũng phải kính phục, toan tha cho ông về. 

Hàng tướng là Phan Liêu lúc ấy ton hót với Phụ rằng Nguyễn Biểu nói: "Năng sảm nhân đầu, năng sảm Phụ" (có khả năng nuốt được cỗ đầu người, tất cũng có khả năng nuốt tươi được Trương Phụ). Trương Phụ giận lắm, đưa câu ấy ra bắt ông phải đối lại. Đối được mới cho về, không đối được thì chém. Nguyễn Biểu ung dung đối lại rằng: "Hựu tồn ngô thiệt, hựu tồn Trần" (còn ba tấc lưỡi của ta, nhà Trần vẫn còn!). Trương Phụ quá tức giận, đổi ý không tha nữa, lại sai cắt lưỡi của ông và nói.”Thử xem cắt lưỡi nó đi, nhà Trần có còn được nữa hay không ???” 
  
 Đền thờ Nghĩa Vương Nguyễn Biểu tại Hưng Lam, Hưng Nguyên, Nghệ An

Nguyễn Biểu khẳng khái mắng Trương Phụ rằng “chúng bay trong bụng thì chỉ lo đường chiếm giữ, ngoài mặt lại giương tiếng đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp; trước thì nói sang lập họ Trần, sau lại đặt quận huyện để cai trị, rồi tìm kế để vơ vét của cải, ức hiếp dân sinh; chúng bay thật là đồ ăn cướp hung ngược!”. Phụ tức giận đem giết.
 Phụ sai trói ông vào chân cầu, để cho nước thủy triều lên cao dìm chết. Tương truyền ở dưới chân cầu ông dùng móng tay vạch vào thân cầu tám chữ: "Thất nguyệt, thập nhất nhật Nguyễn Biểu tử" (Nguyễn Biểu tử tiết ngày 11 tháng 7). Nhân dân miền Nghệ An - Hà Tĩnh lập miếu thờ, suy tôn ông là Nghĩa vương. Các triều đại sau cũng đều truy phong ông làm Phúc thần. Hiện nay tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ có đền thờ Nguyễn Biểu được xây dựng vào thời nhà Lê để tưởng nhớ công lao của ông.
           CỔ ĐẦU NGƯỜI
Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi
Gia hào thêm có cỗ đầu người
Nem cuông chả phượng còn thua béo
Thịt gũ gan lân cũng kém tươi
Ca lối lộc minh so cũng một
Đọ bề vàng sắt bội hơn mười
Kia kìa ngon ngọt tày vai lợn
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời.
Bài thơ trên được học giả Hoàng Xuân Hãn công bố năm 1941 trênKhai trí tiến đức” trong “Nghĩa sĩ truyện” . Đây là một trong những bài thơ Đường thể thất ngôn bát cú bằng chữ Nôm đầu tiên của nền văn học cổ nước ta.Về kỹ thuật bài thơ có niêm luật đúng mực, đối ngẫu nghiêm chỉnh. Bố cục chặt chẽ, đề, thực, luận, kết phân minh.

Hai câu đề:
Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi
Gia hào thêm có cỗ đầu người
Cỗ là một bữa tiệc.
Ngọc thiện: các thức ăn quý giá.
Trân tu: món nem quý.
Gia hào: thức ăn để nhắm rươu rất ngon
Tác giả ăn đã đủ mùi rồi, nay ăn thêm cỗ đầu người cho biết như thế nào.

Hai câu trạng:
Nem cuông, chả phượng còn thua béo
Thịt gũ, gan lân cũng kém tươi
Nem cuông: nem công. Món ăn này béo lắm, nem công, chả phương còn thua.
Thịt gũ: thịt gấu. Thịt con gấu, gan con lân cũng không tươi bằng.

Hai câu luận:
Ca lối lộc minh so cũng một
Đọ bề vàng sắt bội hơn mười

Nguyễn Biểu đã sử dụng điển tích trong bài Lộc minh của Kinh Thi. Lộc minh chính là bài thơ đầu tiên ở phần Tiểu nhã của bộ Kinh Thi; bài thơ này ca ngợi
mối quan hệ gần gũi giữa vua và bầy tôi.
Bộ Kinh Thi gồm 311 bài, chia làm 8 quyển (Chu Hy năm 1117)
Lộc minh là bài số 1 trong 10 bài của cụm Lộc minh chi thập, phần Tiểu nhã, quyển IV.
Phần Tiểu nhã là nhạc dùng ở yến tiệc, phần nhiều do Chu Công Đán chế tác. Bài lộc minh có 3 chương, 24 câu.
Yến Lộc minh: Là yến  tiệc vua ban cho quân thần. Yến giống như cỗ thường nhưng có thêm những món đặc biệt.
Ở nước ta, ngày yết bảng thi Hương, các ông Cử  được ban mũ áo, hôm sau đãi yến, thường gọi là yến Lộc minh, là yến vua ban cho.. Yến giống như cỗ thường, có thêm bánh bằng bột mầu sặc sỡ, cũng có khi cầu kỳ : trên mặt bát nấu bầy hình long, lân, quy, phụng bằng giấy trang kim.
Cỗ đầu người so với lộc minh cũng chỉ là một.
Đọ với vàng sắt, miếng ăn này hơn thập phần.

Hai câu kết:
Kia kìa ngon ngọt tày vai lợn
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời
Miếng ăn ngon ngọt như thịt vai con lợn
Ăn một miếng để đời sau được cái tiếng như Phàn tráng sĩ.
 Phàn tráng sĩ là Phàn Khoái, dũng tướng của của vua Hán Cao Tổ và cũng là em rể của vua. Lúc trẻ ông bán thịt chó ở chợ, sau theo phò Hán Cao Tổ, đánh nhau với Tần, lập được nhiều chiến công lớn. Khi vua Hán hội ẩm với Hạng Vũ ở Hồng Môn, quân sư của Vũ là Phạm Tăng xúi Vũ nên giết vua Hán để tránh hậu họa. Trương Lương là tham mưu của Hán Cao Tổ biết ý Phạm Tăng bàn với Phàn Khoái tìm cách bảo vệ vua. Khoái cầm kiếm đi vào nơi hội ẩm, trừng mắt nhìn Hạng Vũ, làm cho Vũ có ý sợ và kính phục. Vũ sai đem tặng cho Phàn Khoái một đấu rượu và một vai lợn sống. Hạng Vũ khen Phàn Khoái là tráng sĩ.

Để kết thúc bài viết, tôi xin được cảm tác một bài thơ về sự khẳng khái, gan dạ của Nguyễn Biểu, cũng là sự kính phục của kẻ hậu sinh đối với bậc tiền nhân vậy.

KHÍ PHÁCH NGUYỄN BIỂU

Nguyễn Biểu bao năm dưới suối vàng
Anh hùng khí phách rạng trần gian
Chê quân Trương Phụ đồ vô lại
Mắng tướng nhà Minh kẻ bạo tàn
Muôn triệu kỷ sau rèn ý chí
Sáu trăm thu trước cháy tâm can
Thương dân yêu nước lòng trung dũng
Tưởng niệm người xưa mắt lệ tràn!
                              
                             LÊ NGỌC PHÁI


                                          
 
READ MORE - LÊ NGỌC PHÁI - NGUYỄN BIỂU và bài thơ Cỗ đầu người