Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, January 22, 2015

CÁNH CÒ TRẮNG LONG ĐONG… - thơ Hoài Huyền Thanh





CÁNH CÒ TRẮNG LONG ĐONG…

Cánh cò trắng chao nghiêng chiều lẻ bạn
Trời Láng Linh biêng biếc một màu mây
Xa hun hút bao mùa chim đổi xứ
Hơn ba mươi năm không về lại chốn này

Xuôi mái chèo ta về thăm Tà Đảnh
Đụn rơm vàng ,con nước rối xưa đâu?!
Cây gáo khóc tím đồng không mông quạnh
Trăng muộn màng thút thít nát đêm thâu

Đoàn giáo sinh tiễn mùa xuân năm ấy
Áo trắng học trò…trắng cả ước mơ
Thuở thơ dại nào hay trời run rủi
Ngơ ngác lòng ta ,trĩu nặng tim người

Đình Bình Long nắng dài loang nỗi nhớ
Kinh Xáng Vịnh Tre bóng xế ngả nghiêng rồi
Bao nhiêu năm ta không về qua đó
Bình Thủy buồn hờ hững dáng chiều rơi!

Cánh cò trắng long đong …trời viễn xứ
Nhớ cánh buồm thấp thoáng ánh chiều xưa
Tê tái lòng…mùa chia tay thuở ấy
Xuân ngậm ngùi  buồn khắc khoải gió ơi!

              HOÀI HUYỀN THANH

                       Xuân 2014
READ MORE - CÁNH CÒ TRẮNG LONG ĐONG… - thơ Hoài Huyền Thanh

Thơ Vũ Từ Sơn: THANH THẢN NGÀY XUÂN





THANH THẢN NGÀY XUÂN

Hoa kề bên cửa sổ
ghé nhòm bóng thi nhân
trăng lưng trời lả lướt
ngày Xuân đã tới gần

Xuân về đào bung nụ
quất vàng khoe sắc xuân
giao thừa ai khai bút
ung dung lựa đôi vần

Trăng không trung bát ngát
hoa chào xuân khoe màu
thơ “ phu chữ ’’ lưng túi  ‘*’
rượu tưng bừng trước sau

Thanh thản qua bể khổ
từ bi vượt núi sầu
thông giữa trời vi vút
tri thức đời nông sâu …
_____________
‘*’ Từ dùng của Lê Đạt




                                                           VŨ TỪ SƠN
                                             Số 29 , ngõ 137 Hùng Vương
                                                   TP Bắc Giang , tỉnh BG .
READ MORE - Thơ Vũ Từ Sơn: THANH THẢN NGÀY XUÂN

VĂN TẾ TỔNG THỐNG QUÂN VỤ, KHẤM MỆNH ĐẠI THẦN NGUYỄN TRI PHƯƠNG - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba


Cụ Nguyễn Tri Phương


Văn tế Tổng thống Quân vụ, 
Khâm mệnh Đại thần 
Nguyễn Tri Phương

Than ôi!
Thành đã mất rồi(1),
Tướng sao sống được.
Lấy cái chết mà đền ơn thuỷ thổ, trăm năm hơn vẫn nức tiếng trung can,
Gạt tay thù(2) để tạ nghĩa quân thần, bao đời nữa còn vang danh đởm lược.
Kìa áo mão phong ban chẳng hổ, người mất đi chính khí ngút trời cao,
Ấy luỹ đồn tan nát âu đành, giặc xâm chiếm kinh tâm chàm mặt ác.
Gương trí dũng(3) khuyên son trong sử sách, ngàn sau con cháu thơm lây,
Đền hiếu trung(4) sáng rõ giữa đất trời, muôn thuở xóm làng xanh mát.
Đúng kỳ huý kỵ, tưởng nhớ tiền nhân,
Y lệ lưu truyền, kính dâng lễ bạc.

 
Nhớ tướng quân xưa,
Hình thân tráng kiện, tướng mạo khôi ngô,
Trí tuệ phi phàm, tánh tình thuần phác.
Nhà thanh bạch quyết theo nòi thi lễ, từ văn đến võ học cần cù,
Nếp gia phong giữ rạng chốn hương lân, trên tổng dưới làng khen tấm tắc.
Đất Đường Long(5) dùi mài kinh sử, Luận Ngữ Tôn Ngô thông thuộc, tài thư sinh một án lừng vang(6),
Chốn Kinh Thành bàn luận cơ mưu, Binh Thư Toán Pháp thục thuần, thân tiểu lại mấy lần cất nhắc.
Dưới bệ rồng trổ tài nghiên bút, đấng minh quân khôn xiết ngợi khen(7),
Nơi nội các tận sức văn thư, bạn đồng sự vô cùng tâm đắc.
Biên tu rồi Thừa chỉ, chiếu chương nhả ngọc phun châu,
Thị giảng đến Hồng lô(8), sách sử hiểu nam rõ bắc,
Thuở yên bình thanh thản, chốn công đường tu chí phận làm quan(9),
Lúc loạn lạc lan tràn, miền biên viễn can trường thân giết giặc.
Phận Tổng đốc vẫn chan hoà cùng sĩ tốt, nơi trận tiền chẳng sợ mũi tên bay,
Vai Khâm sai mà xông xáo giữa sa trường, chốn binh hoả ngán chi hòn đạn lạc.
An Hà nam phạt, Lạc Hoá thắng, Ba Xuyên lại thắng(10), thổ phỉ hoàn lương,
Chân Lạp tây chinh, Ông Nôn hàng, Phi Nhã cũng hàng(11), lân bang thần phục.
Triều trung danh tước vua ban,(12)
Võ miếu công lao bia khắc.
Rời khổn ngoại kiếm cung mà sự quốc, nghiêm minh thay bậc Phụ chánh Đại thần(13),
Lập đồn điền làng mạc để an dân(14), vất vả bấy quan Nam kỳ Kinh lược.
Mong sao ổn định sơn hà,
Cầu được thái bình xã tắc

Ai hay đâu,
Bọn Tây dương tham giàu hám lợi, nơi nơi tóm thu thuộc địa, nuôi dã tâm chiếm đất gấm hoa,
Dân Nam bang quen cấy rành cày, chốn chốn chịu nạn xâm lăng, vẫn quyết chiến liều thân cỏ rác.
Thây kệ tàu đồng súng thép, đền bồi một kiếp ơn vua,
Cứ việc gươm ngắn giáo dài, báo đáp bao đời nợ nước.
Can đảm có mà thô sơ vũ khí, đồn tiếp đồn Đà Nẵng phút tiêu vong(15),
Đảm lược dư song rời rạc quân phong, trận nối trận Lang Sa thừa loạn sát.
Ải mất binh lui nối tiếp, Lê Đình Lý trí thương thọ tử, tướng quân tuân chiếu giúp binh triều,
Hào sâu luỹ hiểm dọc ngang, Ge-noui-lly(16) tổn thất hồn kinh, quân địch cuốn cờ bày kế khác.
Đà Nẵng bại giặc tấn công Gia Định, máu tuôn xương chất chập chùng,.
Sài Gòn mất(17) địch tập kích Quảng Nam, pháo nổ đạn bay sàn sạt.
Đất tiên tổ há cho Bạch quỉ chiếm, Bến Nghé đón anh hùng(18).
Miếu tiền nhân sao để Tây man nằm, Đồng Nai phơi xác giặc.
Trứng chọi đá không nao thân bách chiến, phất phơ râu trắng trước cờ vàng(19)
Chấu đá xe nào ngán súng thần công, mù mịt khói đen hoà tóc bạc.
Đồn Kỳ Hoà Tán Lý Nguyễn Duy táng mạng(20), Nam quân dăm kẻ sống còn,
Xứ Gò Công Lãnh Binh Trương Định mộ dân, Pháp tặc lắm phen chết ngặt.


Than ôi!
Lửa chinh chiến tràn lan,
Khói can qua chưa tắt.
Tàu địch chìm sông đã lắm, Nhật Tảo hoả hồng(21),
Binh tà bỏ xác quá chừng, Kiên Giang kiếm bạt.
Những tưởng có phen hạnh vận, đuổi được bọn cường đồ,
Ai ngờ gặp buổi mạt kỳ, thua đau bầy xấc xược.
Thời sao chẳng phù người trung hiếu, Trương tướng công tuẫn tiết trước quân thù(22),
Thế lại không giúp kẻ nghị hoà, Phan học sĩ từ trần bằng chén độc.(23)
Đất đai thì có hạn, miền Đông nhượng rồi miền Tây(24) cũng mất, hàng hàng quân tướng sửng sờ,
Giặc cướp lại bên hông, Nam kỳ thua e cả nước đâu yên, lớp lớp sĩ dân nháo nhác.
Thêm loạn đảng viễn biên như kiến, Lạng Tuyên Ninh Thái(25) lao đao,
Còn quân binh tảo phạt tựa mèo, Phủ Huyện Tổng Nha ngơ ngác.
 
May có tướng quân,
Vâng chiếu thiên nhan,
Tảo thanh khấu tặc.(26)
Giặc Phụng, giặc Nùng, giặc Khách, thấy lão thần tham chiến, lũ phỉ teo gan,
Cờ Vàng, Cờ Trắng, Cờ Đen, nghe danh tướng xuất chinh, bọn Tàu vỡ mật(27)
Thắng chen bại biết bao tân khổ, ùn ùn tiệp báo kinh kỳ,
Giáng rồi thăng mấy độ phù trầm, tiếp tiếp danh đề yên các.(28)
Binh triều mấy lần giáp trận, liên miên đánh bại quân Man,
Khâm mệnh hai lượt đốc binh, lần lượt dẹp yên cõi Bắc.
 
Ai hay bọn Pháp,
Nạp tiền cắt đất chưa nguôi,
Chiếm cảng giành sông đã gắt.
Thịt trước miệng hùm thơm quá, nòi thực dân vốn từ bản chất, thoả lòng chi lũ sài lang.
Dê trong vuốt cọp khổ sao, giống đế quốc nguyên tự thâm căn, tha mạng đâu bầy bạo ngược.
Đồ Phổ Nghĩa(29) tham lam hám lợi, dòng Hồng Hà muốn biến của riêng tư,
Gạc- ni-ê(30) xấc láo nghênh ngang, đất Hà Nội xem như miền hoang hoác.
Bắt dân bắt lính nhiều phen,
Hiếp tướng hiếp quan đủ mặt.
Quen thói tệ chúng luôn dối trá, trong lòng bày mưu kế tấn công,
Cả lòng tin(31), ta vẫn đề phòng, ngoài mặt lấy nghị hoà thuyết phục.
Bỗng một phút, đạn tặc tơi bời tám hướng, cửa vỡ thành tan,
Chẳng mấy lâu, binh triều hoảng loạn bốn phương, giáo phơi đao chất.
Sống chết đâu sờn lòng chiến đấu, tan thân bao trẻ mới đôi mươi
An nguy chẳng giảm nỗi căm thù, ưỡn ngực một già hơn bảy chục.
 
Ôi thôi!
Pháo giặc nào kiêng người dũng cảm, lão thần đạn bắn nát chân,
Đạn thù đâu tránh kẻ hiếu trung, phò mã(32) hồn lìa khỏi xác.
Nén thân đau nhìn luỹ cháy đen trời.
Rơi nước mắt trông thành trơ đỏ đất.
Sa tay địch tủi hờn cho thế cuộc, thuốc thang cơm cháo phun tràn,
Ngẫm ơn vua hổ thẹn với tiền nhân, băng bó nẹp dây tháo vất.
Nhịn đói cam lòng,
Chịu đau mà mất.
Trời Đại Nam chợt tối, tướng sĩ luống nghẹn ngào,
Giòng Hồng Lạc nhói đau, lương dân càng quay quắt.
Trụ kình thiên ôi đà gãy đoạn, mai rồi ai bảo vệ giang san,
Bậc lương đống chốc đã về trời, hẳn thiếu kẻ tiểu trừ khấu tặc.

Than ôi!
Đấng hào kiệt tài kiêm văn võ, ngàn năm trí dũng hiếm nghe,
Người anh hùng tâm tải trung trinh, muôn kiếp phương danh còn nhắc.
Xót vì nỗi nước nhà suy thoái, khăng khăng không học nếp văn minh,
Kính bởi lòng sĩ hoạn ưu dân, nhất nhất chẳng dung bầy ác độc.
Dẫu hết lòng cứu nước, xót xa thay, lực bất tòng tâm(33),
Vốn tận sức giữ thành, cay đắng thật, cường năng thắng nhược(34).
Quan phẩm thế mà ở ăn đạm bạc, tấm gương ngời già trẻ xin noi,
Công lao kia nhưng nhà cửa thanh bần, mẫu mực sáng xa gần hãy học.
Càng thương càng kính, thiên niên trung hiếu một nhà,
Thêm phục thêm yêu, vạn cổ anh hùng(35) những bậc.
Triều đình biết, muôn dân cũng biết, bao chốn phụng thờ.
Văn bia ghi, trăm sách đều ghi, mọi người khắc cốt.

Thương ôi! 

Tâm thành lời điếu, nén nhang,
Lễ bạc vành hoa, chén nước.
Sống đã làm võ tướng, diệt tặc an dân,
Chết tất hóa phúc thần, phù gia hộ quốc.
Hồn có hiển linh
Niệm tình thính độc.
 
Nguyễn Phúc Vĩnh Ba
 
Tháng 8 năm Nhâm Thìn (2012)

Chú thích:

1. Thành Hà Nội mất vào tay Pháp năm 1873.
2. Ông từ chối thuốc men của người Pháp mà chịu chết để bảo toàn khí tiết.
3. Năm 1847, cụ Nguyễn Tri Phương được vua Thiệu Trị phong tặng danh hiệu “An Tây Trí dũng tướng” sau các chiến công tại Trấn Tây thành.
4. Đó là Trung Hiếu từ ở làng Đường Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, nơi thờ cụ cùng Nguyễn Duy và Nguyễn Lâm.
5. Cụ Nguyễn Tri Phương, tên thật là Nguyễn Văn Chương, người Đường Long, tổng Chánh Lộc, Huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.
6. Tại huyện đường Phong Điền, cụ đã thành công phá được một vụ án khá bí ẩn, từ đó nổi danh và được bổ làm thơ lại ở Kinh Thành.
7. Vua Minh Mạng từng khen cụ Nguyễn Tri Phương rằng. “Chữ tốt văn hay, dù bậc Đại khoa cũng không hơn được.”
8. Biên tu, Thừa chỉ, Thị giảng học sĩ, Hồng lô Tự khanh,.. là những chức vụ mà cụ từng giữ khi làm việc ở Nội các.
         9. Năm 1840, cụ được cử làm Tuần phủ Nam Ngãi (Quảng Nam và Quảng Ngãi)
        10.Năm 1841, cụ được bổ làm Tổng đốc An Hà (An Giang và Hà Tiên) để dẹp phỉ tặc nổi dậy ở miền Nam. Cụ  thắng nhiều trận, trong đó có 02 trận lớn ở Ba Xuyên và Lạc Hoá, đánh tan quân thổ phỉ.
11.Ông Nôn là vua Chân Lạp có Phi Nhã Chất Tri (tướng Xiêm) giúp sức nổi lên chống đối, không chịu thần phục nước ta. Cụ đã đem quân chiếm Trấn Tây thành để bình định.
12.Vua Thiệu Trị phong cụ là An Tây Trí Dũng tướng; vua Tự Đức cải tên cụ là Nguyễn Tri Phương. (Dựa theo câu nói trong sách xưa, Dũng thả tri phương: Mạnh mà còn có mưu lược)
13.Năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà. Đình thần theo di chiếu tôn cụ làm Phụ chánh Đại thần.
14.Khi làm Kinh lược Đại sứ ở Nam kỳ, cụ thực hiện chính sách khai khẩn đồn điền và đã lập được hơn 100 làng và 21 cơ đồn điền.
15.Năm 1858 Pháp tấn công Đà Nẵng, mở màn cuộc xâm lăng Việt Nam. Giặc hạ đồn An Hải,  Tôn Hải, rồi tấn công Liên Trì, Điện Hải,…
16.Tháng 7 năm Mậu Ngọ (1858)  Trung tướng Hải quân Pháp Rigault de Genouilly đem chiến thuyền Pháp và Y Pha Nho cả thảy 14 chiếc và 3000 quân đánh Đà Nẵng.
17.Pháp tấn công Gia định lần thứ nhất vào năm 1859. Thành Sài Gòn bị chiếm, quan Hộ Đốc Vũ Văn Ninh tự vẫn, rồi bị san bằng.
18.Tháng 7 năm Canh Thân (1860) cụ Nguyễn Tri Phương khởi hành vào Gia Định, xây đồn Kỳ Hoà chống Pháp. Dân ta khinh khi người Pháp và Y Pha Nho, xem như Bạch quỷ, Tây man.
19.Cờ vàng tức cờ của binh triều.
20.Tán lý Nguyễn Duy là em ruột của cụ Nguyễn Tri Phương. Ông mất khi đại đồn Kỳ Hoà thất thủ năm 1861.
21.Hai trận Nhật Tảo và Kiên Giang là 2 chiến công lẫy lừng của Nguyễn Trung Trực. Ở  sông Nhật Tảo ông đã đốt cháy tàu L’Esperance của Pháp.
22.Thất trận, Lãnh binh Trương Công Định tự sát năm 1864.
23.Sau hoà ước Nhâm Tuất (1862) nhượng cho Pháp ba tỉnh miền Đông (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường) và đảo Côn Lôn, ngày 20 tháng 6 năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, rồi chỉ trong 5 ngày (20-24), Pháp chiếm gọn ba tỉnh miền Tây (An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long) không tốn một viên đạn. Sau khi thành mất, ông tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 04.8.1867, hưởng thọ 72 tuổi.
24.Tức ba tỉnh miền Đông (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường) và ba tỉnh miền Tây (An Giang, Hà Tiên, Vĩnh Long)
25.Lạng Tuyên Ninh Thái tức các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, và Thái Nguyên nơi có nhiều loạn đảng.
26. Cụ hai lần ra Bắc (1862 -1866  & 1870 - 1871) làm Tổng thống Quân vụ Khâm mạng Đại thần chỉ huy dẹp khấu tặc nơi đây.
27.Giặc Cờ Vàng (Hoàng Sùng Anh), Cờ Đen (Lưu Vĩnh Phúc), Cờ Trắng (Bàn Văn Nhị) đều là người Tàu, dư đảng của Ngô Côn, một phần còn lại của bọn Thái Bình Thiên Quốc.
28.Yên các: Gác khói, nơi đề tên các công thần.
29.Đồ Phổ Nghĩa tức tên lái súng Jean Dupuis. Y muốn toàn quyền sử dụng sông Hồng để buôn bán vũ khí với Vân Nam, Trung Quốc.
30.Francis Garnier, đại uý Pháp, người chỉ huy tấn công thành Hà Nội.
31.Triều đình Huế vẫn tin Garnier ra Hà Nội nhằm phân xử vụ Đồ Phổ Nghĩa và Pháp không tấn công thành Hà Nội.
32.Phò mã Nguyễn Lâm, con trai cụ Nguyễn Tri Phương, ra Hà Nội để săn sóc cha và cùng cụ  phòng thủ thành Hà Nội.
33.Lực bất tòng tâm: Sức lực không theo như ý muốn.
34.Cường năng thắng nhược: Mạnh thì thắng yếu.

35.Cả ba người anh hùng, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy và Nguyễn Lâm, đều được thờ tại Trung Hiếu từ.
READ MORE - VĂN TẾ TỔNG THỐNG QUÂN VỤ, KHẤM MỆNH ĐẠI THẦN NGUYỄN TRI PHƯƠNG - Nguyễn Phúc Vĩnh Ba

CHIỀU NAY CÓ HẸN - thơ Hoài Huyền Thanh





CHIỀU  NAY  CÓ  HẸN

Vạt nắng thu phai đông ươm nỗi nhớ
Bâng quơ, lòng tự hỏi có gì vui !
Chiều nôn nao nắng trở mình trước ngõ
Hiu hắt mùa xưa tình cũ ngậm ngùi

Chừng ấy năm dây tơ hồng vẫn rợp
Quán của một thời hoa bướm trong tay
Tiếng phone reo,mẹ ơi! hoa cúc trắng
Ba mang về dành tặng mẹ chiều nay

Máy đã tắt lòng băn khoăn tự hỏi
Ủa, sao giờ ta lại đến chốn này!
Căn bếp nhỏ lạnh tanh chiều hoang hoải
Chồng ngóng con mong ta đợi chờ ai ?!

Tìm chi nữa hoài niệm xưa đã khuất
Trăn trở  chi tình cũ đã phôi phai
Cố nhân hỡi! Nắng hanh vàng phía trước
Chuyện tình buồn…lất phất chút mưa bay.

       HOÀI HUYỀN THANH
          Lập đông 2014


From: thanhmanh52@hotmail.com
READ MORE - CHIỀU NAY CÓ HẸN - thơ Hoài Huyền Thanh

ĐỜI ĐI MÃI HẾT ĐỜI CHƯA HẾT - thơ Trúc Thanh Tâm





ĐỜI ĐI MÃI HẾT ĐỜI CHƯA HẾT

Người chối bỏ hay đang tận hưởng
Chơi trò đùa cả chuyện tử sinh
Trói, mở nhau như trò ảo thuật
Giấu bên trong sự thật trá hình

Thời nay mọi thứ đều mua bán
Nên trắng đen lẫn lộn lâu rồi
Nói và làm chướng tai gai mắt
Sống thật người khó lắm em ơi

Có những lúc người cười ta khóc
Ải nhân gian dài lắm cơn mê
Trước lương tâm ta cười người khóc
Đất thương ta dành lối ta về

Mọi tính toán đều cho đáp số
Khi tình người gần lại yêu thương
Sống tự do chan hòa hạnh phúc
Trên thế gian hơn cả thiên đường

Nhưng vạn vật còn trong bể khổ
Em có nghe trên tháng năm buồn
Bởi cuộc sống đâu như ta nghĩ
Mà chực hờ gieo xuống tai ương

Và em ơi, nếu là sự thật
Sáu phần buồn chỉ bốn phần vui
Đời đi mãi hết đời chưa hết
Lệ thiên thu nhỏ xuống ngậm ngùi !

Cuối Giáp Ngọ 2014
TRÚC THANH TÂM
( Châu Đốc )

From: TrucThanhTam <tructhanhtaam@yahoo.com>


READ MORE - ĐỜI ĐI MÃI HẾT ĐỜI CHƯA HẾT - thơ Trúc Thanh Tâm

Thơ Chu Vương Miện: NHÂN TÌNH CUỐI THẾ KỶ 18, THỜI GIAN





Nhân tình cuôí thế kỷ 18

triều [đình] không được ngồi
yến [tiệc] không được dự
chức [tước] không có
mất nước không phải lỗi ở ta
thì trách nhiệm lấy lại nước
cũng không phải ta nốt
         "Hoàng Lê Nhất Thống Chí" trang 244

đất nước có mòn đi một chút
vì họ Mạc dâng cho nhà Minh
đất nước chia làm ba
Cao Bằng Thái Nguyên thuộc Mạc
phần còn lại vua Lê ngồi hữu danh vô thực
chúa Trịnh chuyên quyền
ngoài bắc đằng ngoài
chuá Nguyễn tự trị phương nam đằng trong
Trịnh Mạc đánh nhau
Nguyễn Trịnh chọi nhau
Mạc dứt lại Tây Sơn
ba thầy uýnh típ
loạn cào cào cả ba miền
trung nam bắc
bá tánh [toàn dân] biết bỏ ai ?
theo ai? ai đúng và ai sai?
ai chính nghiã? và ai không chính nghiã?
trên 200 năm chết hoài chết huỷ
chết cho ai? và chết để làm gì?
xin ngỏ lời chân tình
lúc tử biệt sinh ly
cả ba miền đềuViệt Nam mình cả
Trịnh Nguyễn Tây Sơn
mình đồng sắt đá
chết cho ai? xin hãy trả lơì 



thời gian [mùa]

mùa xuân lá mầu xanh
mùa hạ trái mầu đỏ
mùa thu lá mầu vàng
mùa đông trống trơn
trẻ theo cha đi học
lớn dẫn con tới trường
tráng niên ngồi một mình
tuổi già cô độc ?


            chu vương miện
READ MORE - Thơ Chu Vương Miện: NHÂN TÌNH CUỐI THẾ KỶ 18, THỜI GIAN

VẼ NÀNG - thơ Phương Hà



Tranh của HS Trần Thanh Cảnh


VẼ NÀNG

Ta tô sắc trắng cánh hoa quỳnh
Thân nàng, ngan ngát đóa hương trinh
Lấp lánh ngàn sao in đáy mắt
Và nụ cười trong như thủy tinh.

Ta gom ánh sáng mảnh trăng vàng
Tô áo lụa ngà, nét diễm trang
Lối dã quỳ xưa bên dốc vắng
Hoa cài tóc mượt, gió mơn man...

Mượn màu đỏ phượng cuối sân trường
Tô cánh môi nàng, nét dễ thương
Ửng hồng đôi má cười e thẹn
Em khiến lòng ta dậy vấn vương

Đen tuyền tóc mượt, óng như mây
Huyền ảo bầu trời đêm tối nay
Hương bưởi dịu dàng theo gió thoảng
Tình yêu lãng mạn đã dâng đầy...

Tháng ngày vùn vụt thoắt trôi qua
Hình ảnh ngày xưa đã nhạt nhòa
Em đã trở thành người thiếu phụ
Trên đầu, tóc bạc trắng sương pha

Ta viết cho em dẫu muộn màng
Pha màu mực tím đẫm từng trang
Em cầm, hờ hững nhìn xa vắng
Chẳng trả lời nhau lấy một hàng !

Ta đem sắc tím vào nhung nhớ
Vẽ mắt em buồn trong nắng thu
Bức họa nửa đời còn lỡ dỡ
Tin nhạn hồi âm vẫn biệt mù !...

                                Phương Hà



From:  Lê Sông Thu <songthu195@yahoo.com.vn>


READ MORE - VẼ NÀNG - thơ Phương Hà

PHỐ ĐÊM - chùm thơ Trương Đình Phượng





Thơ Trương Đình Phượng

PHỐ ĐÊM

hoang hoác góc phố đêm
những ánh đèn ốm
mỏi mệt phả màu
điếu thuốc tàn
khói buồn còn vảng vất
lưỡi gió liếm dần nỗi niềm chân thật
trả lại cho ta ký dấu giả vờ...
tự nắm tay mình
khát mùi hương meo mốc
gom bước độc hành
nhớ vị bàn tay...
tình yêu hoang vu tự độ xa vời
em thành bài thơ nhàu úa
đem nay ta lục tìm trong ngăn lòng cũ kỹ
chợt thấy hồn xưa tê tái trở mình
hoang hoác góc phố đêm
trơ xác lá vàng
những ánh đèn say ngủ
gió phũ phàng lật tung chăn phố
ta dìu ta về gác nhỏ
mồ côi....

.
CHỪNG NHƯ

Chừng như gió khóc thương mùa
chừng như ai đó mới vừa ra đi
chừng như buồn nhớ định kỳ
chiều nay heo hút
ghé về thăm tôi


LY BIỆT

Ừ em cứ đi
sắp cạn ly ngày
còn lại mình ta và đêm hoang phế
khêu tro tàn tìm dấu tích yêu thương
ừ em cứ đi
khai mạc cuộc đời hương
còn lại ta và vườn xưa
ngút cỏ
miệt mài gom mùa gió
dệt áo ngây thơ liệm xác chân tình
ừ em cứ đi
đừng lần ngoái lại
lối cũ ta về
chiếc lá cuối
vừa rơi


KÌA EM

Kìa em
đừng bẻ vần thơ
cho tôi đi nốt ngu ngơ dặm tình
ừ thì em cứ lặng thinh
quay lưng
bỏ mặc một mình thuyền tôi
chênh vênh lạc bến chợ đời
khản hơi rao bán một trời bão giông




From:  phượng trương đình <phuongtd217984@gmail.com>
READ MORE - PHỐ ĐÊM - chùm thơ Trương Đình Phượng

Ở NƠI NÀO TA CŨNG GẦN NHAU - thơ Hoài Huyền Thanh





 Ở NƠI NÀO TA CŨNG GẦN NHAU

          *Như trái hồn nhiên đã xa cội mất nguồn
            Tình Thơ ơi! Em gởi Anh chút nhớ!

  Buổi tối nằm mơ thấy mình tạm biệt
  Chợt nghe buồn như trời đã vào đông
  Buổi sáng nhìn hàng cây xanh biếc
  Hồn xôn xao nghe chút nhớ mênh mông

  Ở nơi nào ta cũng gần nhau
  Dù cách xa nửa vòng trái đất
  Vẫn nghĩ về nhau gần trong gang tấc
  Chút hương xưa vàng nỗi nhớ nghẹn ngào

  Tình Thơ dấu yêu một thời thơ mộng
  Nắng Hồng nhung tưởng muôn thuở thân quen
  Biết nói làm sao cho anh hiểu được
  Chút mây về quay quắt nhớ trong em

  Đã bảy mùa qua âm thầm lặng lẽ
  Mình vào đời đổi thứ thay ngôi
  Đại lộ hòa bình dập dìu phượng đỏ
  Ngơ ngác nhìn nhau bỡ ngỡ khôn nguôi

  Ôi nhớ làm sao những ngày đưa đón
  Bến cũ hàng giờ chia biệt tiễn đưa
  Không dám nói nhưng tia nhìn đã ngỏ
  Tình Thơ ơi! nhung tưởng mấy cho vừa

  Vẫn muốn nghìn đời anh là thi sĩ
  Bâng khuâng gieo trái ước mơ
  Em là gió là thơ tri âm- tri kỷ
  Như sương khói mùa thu một đời mộng mị

  Ở nơi nào ta cũng gần nhau
  Giờ “Puskin” nhớ anh quá đỗi
  “Lý Luận” về đong khói ưu tư
  Có bao giờ lòng anh tự hỏi
  Em và anh rồi sẽ tạ từ?!

  Em vẫn về qua lối thu mưa
  Nghe hoàng oanh kể chuyện giao mùa
  Chân sáo một lần thôi rộn rả
  Ươm nhớ gởi người chút hương xưa.

           HOÀI HUYỀN THANH
           31.10.79 CĐSP AG


From: thanhmanh52@hotmail.com
READ MORE - Ở NƠI NÀO TA CŨNG GẦN NHAU - thơ Hoài Huyền Thanh

Cô giáo Hoàng giới thiệu sách mới.

   HỘI NHỮNG NGƯỜI YÊU MẶT TRỜI THI CA - Hà Nội 
   rất hân hạnh kính báo:

   Đã ra đời một tác phẩm văn chương:

 
 "PHẠM NGỌC THÁI CHÂN DUNG NHÀ THƠ LỚN THỜI ĐẠI"                               
                             Nxb Văn hoá Thông tin, 2014




      Tác phẩm thi văn đặc biệt này với độ dầy 372 trang sách, rất đẹp và hoành tráng.
      Tác phẩm do Hội của số trí thức Hà Nội, gồm các văn nghệ sĩ và nhà giáo kết hợp cùng với nhà thơ biên soạn cho xuất bản. Một tập sách vừa thi ca vừa tiểu luận phê bình, không thể nói khác hơn là sự... tuyệt vời! Những ai có khả năng nhận thức được giá trị thực của một tác phẩm thi ca hay?... thì với bề dầy và tầm vóc tác phẩm, có đủ điều kiện để khẳng định chân giá trị vào loại tác phẩm thi ca kiệt xuất của văn đàn.
     
     Mời các độc giả đọc bài viết giới thiệu tác phẩm do anh Trần Đức - nguyên CB viện ngôn ngữ & Văn hoá dân gian. Bài đã được đăng trên nhiều trang mạng trong nước và thế giới. 
     
      Với những Hội văn học từ tỉnh, thành tới quốc gia... đến các nhà văn, nhà thơ hoặc nhà lý luận, phê bình văn học nói chung - Nếu có nhu cầu tìm hiểu, thưởng lãm hay nghiên cứu - Có thể liên hệ với nhà thơ Phạm Ngọc Thái theo địa chỉ:                                                                                     
- NR. Ngõ 194/ Nhà 34, phố Quán Thánh, Hà Nội.    
- ĐT  0168 302 4194.  
- Email  ngocthai1948@gmail.com.                                                                                               
Nếu ở các tỉnh, thành xa, không có điều kiện gặp gỡ trực tiếp... thì cung cấp cho nhà thơ địa chỉ nhận sách cùng với số ĐT -  kèm theo tiền cước phí gửi bảo đảm (cước phí gửi nhanh) - Nhà thơ sẽ gửi sách biếu tặng.

Sách đã có bán tại hai cửa hiệu lớn ở Hà Nội - giá bìa sách 80.000đ/q.
1/.  44 phố Tràng Tiền Hà Nội - Cửa hiệu Tổng công ty phát hành sách VN.  
2/.  Số 53-55 cùng phố Tràng Tiền - Cửa hiệu sách Thăng Long.
     
Tổ chức hay cá nhân nào có khả năng dịch thuật sang tiếng nước ngoài, hoặc muốn com măng tái bản để bán trong toàn quốc và ở hải ngoại, cũng đề nghị trao đổi trực tiếp với nhà thơ.     
( Lần đầu xuất bản số lượng ít, chủ yếu chỉ để nhà thơ biếu tặng).


From: 
READ MORE - Cô giáo Hoàng giới thiệu sách mới.