Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 10, 2012

Truyện ngắn của Phan Trang Hy - BỘ ÓC RÔ-BÔ


Không ai biết ông ta tên thật là gì. Người ta gọi danh ông ta dựa vào tấm quảng cáo treo ở góc đường. Nhà Đại Tiến Sĩ - đó là biệt danh của ông ta. Khắp xứ đều nhắc tới tên ông như một vị anh hùng của thời đại với chiến công hiển hách chưa từng có trên thương trường từ trước đến nay. Các buổi tiệc tùng của chính quyền đều mời ông ta tới dự, bởi vì hai phần ba ngân khoản dành chiêu đãi là do lòng hảo tâm của ông ta đóng góp. Các quỹ bảo trợ xã hội đều có phần ông ta tài trợ. Nói chung, ông ta là “Mạnh thường quân” đáng mặt để mọi người học tập.

Người ta không thể đoán biết vốn liếng kinh doanh của ông ta là bao nhiêu. Nhiều tin đồn đại, có thể vốn ông ta khoảng một thùng phuy vàng là ít. Ông ta bắt đầu phất khi nền kinh tế của xã hội chuyển sang sự cạnh tranh của cơ chế thị trường. Quả thật bộ óc ăn nên làm ra như thế thật là hiếm, thật là mẫu điển hình để mọi người ham có vàng phải bắt chước.

Ông ta về thành phố này cách đây vài năm. Món hàng kinh doanh của ông ta thật là lạ : Kinh doanh óc. Nó cũng kì lạ như con người của ông ta. Đầu ông ta là một khối vuông nhỏ xíu được gắn trên cơ thể lập phương. Chưa hết, mọi vật ông ta sử dụng đều vuông vắn đến cỡ nếu dùng thước đo có sai số một trên một triệu cũng không tìm ra độ chênh lệch. Và điều kì lạ hơn nữa, mặc dù ở độ tuổi năm mươi, ông ta vẫn còn trinh trắng.

Nhiều cô gái đẹp ngấp nghé muốn thân trao phận gửi cho ông ta nhằm kiếm nơi yên phận cái kiếp làm đàn bà, nhưng ông ta nhìn các ả bằng cặp mắt dửng dưng. Nhiều người cho ông ta khó tính. Nhưng điều đó trái ngược với bản chất của ông. Tới một con rắn hổ mang, ông cũng không dám xuống tay hạ sát khi nó leo lên người và liếm vào môi ông. Ông chỉ cười với nó. Và rồi khi thấy ông bị lâm nguy, các nhân viên giúp việc cho ông phải tìm gậy gộc để đánh chết con rắn. Hú hồn, hú vía, may cho nhà Đại Tiến Sĩ không hề hấn việc gì. Ông cũng chỉ cười khi thịt rắn trở thành món nhậu cho đám nhân viên. Bữa tiệc chiến thắng rắn, ông hào phóng xuất tiền để mua thêm thức ăn và nước để uống.

Và rồi, cả xứ đều xôn xao khi đọc mục quảng cáo nhắn tin trên tờ báo Kim Tiền : Nhà Đại Tiến Sĩ - chuyên kinh doanh các loại óc văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, bác sĩ, kĩ sư, luật sư, bác học - muốn tìm vợ tuổi khoảng 15 đến 25. Ai muốn làm vợ Đại Tiến Sĩ hãy nộp đơn đăng kí từ ngày 1 tháng Giêng đến ngày 31 tháng Chạp năm nay. Mọi thủ tục xin liên hệ tại văn phòng của Đại Tiến Sĩ số 666, Đại lộ 13.

- Ôi ! Ông Đại Tiến Sĩ chuẩn bị lấy vợ. Tuyệt thật !

- Ôi ! Ngài Đại Tiến Sĩ sẽ có vợ. Chắc chắn đất nước này còn duy trì được gien của những người tài.

- Ông ta lấy vợ thật à ?

- Đây nè ! Đọc kĩ thì rõ ! Thật là phước đức cho nòi giống chúng ta…
Cứ thế, một đồn mười, mười đồn trăm, đồn theo cấp số nhân. Cả làng cả nước chờ đón tin mừng Đại Tiến Sĩ kén vợ.
*
* *
Việc định lại biên chế cho tờ báo Kim Tiền làm nát óc chủ nhiệm kiêm chủ bút. Để phóng viên, biên tập viên nào ở lại công tác, cho người nào về. Khi cần thì nhận, khi không cần thì thải sao ? Nhưng đã hạch toán kinh tế thì phải sòng phẳng, phải tính công sức của từng người để chi trả lương. Mà ở cơ quan này tính đi tính lại thừa 12 người trong tổng số 21 người. Giảm biên chế những trên 50%. Không lẽ chủ nhiệm kiêm chủ bút Thức Thời phải về vườn. Không lẽ Nữ Sĩ, người yêu trẻ của ông ta, phóng viên trẻ nhất trong số nữ phải nghỉ việc ?

Ông ngồi thừ trước bàn làm việc. Nữ Sĩ vai mang xách chạy vào cười nũng nịu với ông :

- Nè anh ! Tối nay chúng mình đi khiêu vũ nhé?

Ông im lặng.
- Chiều em một tí đi nào ! - Nữ Sĩ quàng vai ông, tựa má sát vào hàm râu đen rậm của ông.

- Anh bực muốn chết được !

- Chuyện gì mà bực ? Ai làm anh bực ? Ai qua mặt được anh ở cơ quan này ? - Nữ Sĩ hét toáng lên khi buông tay ra khỏi con người ông…

- Thì chuyện giảm biên chế đó ! - Ông vừa nói vừa thở dài.

- Hơi đâu anh lo cho mệt xác. Không lẽ anh không giữ được em ở lại làm việc sao ? Hơi sức đâu anh nghĩ thế. Ai lo cho mình cái ăn cái mặc. Đời này không đạp nhau thì làm sao sống nổi ? - Nữ Sĩ vừa nói vừa khoanh tay, ngước mắt nhìn cái quạt trần đang quay chậm rãi - Anh không đạp họ thì anh có chỗ để đứng không ? Anh và em chết đói trước hay họ chết đói trước ? Tùy anh !
*
* *
Đã hơn sáu tháng mà Đại Tiến Sĩ vẫn chưa kén được vợ cho nên mục quảng cáo nhắn tin phải in đi in lại nhiều lần trên báo kèm theo ảnh toàn thân của ông ta để các cô gái lượng sức nộp đơn đăng kí. Bên cạnh đó, báo cũng giới thiệu một phần tài sản của ông ta. Mục giới thiệu tài sản gồm có một số nội dung chính như sau: Ngài Đại Tiến Sĩ làm chủ một cao ốc trên 1000m2. Trang bị 5 karaôkê ở phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, phòng tắm và cầu tiêu. Có 2 xe hơi kiểu tiên tiến nhất của Nhật Bổn còn chờ người lái v.v… và v.v… Nếu đọc hết nội dung đó, có thể chúng ta choáng ngợp trong số tài sản đó.

Mọi lo âu đều hiện trên gương mặt của những người chăm chú vào thời cuộc. Ngài Đại Tiến Sĩ sẽ chọn ai trong 6 tháng cuối năm để làm vợ. Người ta bàn bạc, kháo nhau và cá độ về đường tình duyên của Đại Tiến Sĩ.
*
* *
Người yêu của Đại Tiến Sĩ là Nữ Sĩ. Nàng thường cặp kè bên cạnh ông, trở thành thư kí riêng cho ông. Sau khi bàn bạc với chủ nhiệm tờ báo Kim Tiền, nàng đã đăng tin : “Nữ Sĩ, phóng viên tờ Kim Tiền, tuổi 24, đẹp, dễ thương, cần tìm chồng khoảng 50 tuổi, giàu có…” Nhờ tin ấy, nàng cùng Đại Tiến Sĩ trở thành đôi tình nhân tuyệt vời. Mọi bí mật làm ăn của Đại Tiến Sĩ nàng hầu như biết gần hết. Nhân viên khi gặp nàng đều bẩm thưa “bà chủ”. Thế nhưng, họ vẫn chưa làm lễ cưới. Họ đợi đến gần tiết Tiểu Hàn sẽ tổ chức vì khí hậu hợp với chuyện ăn nằm. Còn khoảng 25 ngày nữa mới đến thời điểm làm lễ động phòng hoa chúc.

Gần đến ngày cưới, một hội nghị khoa học kinh tế được tổ chức dưới sự bảo trợ của Viện Hàn lâm khoa học, có các đại trí thức của thời đại tham dự để nghe Đại Tiến Sĩ báo cáo tham luận kế hoạch kinh tế một thiên niên kỉ tới. Bản tham luận của Đại Tiến Sĩ dày trên ba ngàn trang in. Ông ta đã bỏ vốn ra in trên triệu bản phát trước cho các nước có tham dự hội nghị và ông ta dự tính bỏ ra một số tiền thù lao cho những vị chịu đến tham dự Hội nghị để nghe ông ta đọc tham luận. Cứ một trang in, ông sẽ chi trả cho mỗi người nghe một đô la. Vị chi, một người ngồi nghe tham luận, ông sẽ chi trả trên ngàn đô la. Mọi người đều phấn khởi mong đến ngày Hội nghị khai mạc.

Dù bận bịu với công việc sắp đến của Hội nghị, Đại Tiến Sĩ vẫn không quên ngày cưới của ông ta sẽ tổ chức một tuần lễ sau đó. Ông dành thời gian rảnh rỗi đưa Nữ Sĩ giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng.

Cơ sở làm ăn của ông, nàng đều biết và quen thuộc cả. Ngoại trừ trại cấy giống lấy óc, nàng chưa một lần ghé thăm. Nàng ao ước được đến đó. Nàng đã rủ rỉ bên tai Đại Tiến Sĩ. Cuối cùng, ông ta bằng lòng dẫn nàng đến trại.

Một buổi sáng đẹp trời, cả hai đáp phi cơ trực thăng đến trại giống. Sau khi các nhân viên ở trại làm thủ tục chào đón ông chủ và vị hôn thê của ông ta xong, họ đâu vào đấy trở lại vị trí làm bổn phận của mình. Đại Tiến Sĩ dẫn Nữ Sĩ đi từng lán trại để nàng tham quan. Hàng đàn khỉ được nhốt trong các chuồng trại. Nàng ngợp với quang cảnh kì lạ của khỉ. Tới một chuồng khỉ, Đại Tiến Sĩ khoe với Nữ Sĩ :
- Đây là chuồng nuôi óc kinh tế. Ai mua óc của lũ khỉ này sẽ ăn nên làm ra.

Nữ Sĩ trố mắt nhìn từng con khỉ đang học cách mua bán. Từng chỉ vàng, từng lượng vàng được chúng chuyền nhau. Chúng ngửi, thè lưỡi liếm, chúng giấu vào tai, vào háng, vào hậu môn…

Qua khỏi chuồng kinh tế, trước mắt Nữ Sĩ một chuồng khỉ có đầy đủ các nhạc cụ. Nào là pianô, viôlông, ghi ta, măngđôlin v,v…được các con khỉ đang chơi những bản nhạc tuyệt vời của Bêthôven, Môda…

Nàng sửng người lắng nghe những âm thanh kì vĩ. Một cái đập vai nhẹ nhàng làm nàng giật mình. Đại Tiến Sĩ cười nói :

- Em thấy lạ lắm hả ? Đây là chuồng nuôi óc nhạc sĩ. Chính những con khỉ này sẽ cung cấp óc cho các nhạc sĩ đại tài trong tương lai…

Chưa hết, nàng được Đại Tiến Sĩ dẫn thăm các chuồng trại, cả thảy 33 chuồng, đủ mọi ngành nghề, đủ mọi tri thức và đều có thể bán ra thị trường dưới dạng óc.
*
* *
Trong hội trường đông nghẹt người chờ đón Đại Tiến Sĩ đọc tham luận. Gần đến 11 giờ mới đến phiên ngài. Ngài bệ vệ tiến lên bục diễn thuyết. Pháo tay vang lên như sấm dậy tưởng bay trần ximăng ở trên đầu. Không có việc gì xảy ra cả. Chỉ có sự hoan hô nồng nhiệt.
Khi ngài Đại Tiến Sĩ cất giọng như catxet, cả hội trường im phăng phắc. Ngài say sưa đọc. Các phóng viên chụp ảnh, quay phim lia lịa.

12 giờ, ngài Đại Tiến Sĩ đọc đến trang 101.

12 giờ 30, ngài đọc đến trang 162.

13 giờ, ngài đọc đến trang 222.

14 giờ 30, ngài đọc đến trang 402. Cả hội trường không có một tiếng thở để nghe ngài đọc.

14 giờ 32, ngoài căng tin, mọi người đang kháo nhau sẽ sắm được những gì qua đợt Hội nghị này bởi đồng tiền hào hiệp của Đại Tiến Sĩ.

14 giờ 36 phút, ngài Đại Tiến Sĩ vẫn đọc.

15 giờ, ngài vẫn đọc. Và mọi người ở căng tin đang say mèm, nằm dài trên sàn nhà, trên cả lối đi và kể cả nơi vệ sinh.

15 giờ 10 phút, ngài Đại Tiến Sĩ vẫn say sưa đọc.
*
* *
Hai ngày sau, tờ báo Kim Tiền phát một tin giật mạch máu :

“Lúc 15 giờ 20 phút ngày 25-12-…, ngài Đại Tiến Sĩ đã đột ngột xỉu khi đọc tham luận. Các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, nhưng vì tuổi cao, sức cạn, Ngài đã từ trần, hưởng 52 tuổi”.

Và trong tờ báo này cũng đăng tin cuộc giải phẫu bộ óc kì vĩ của Đại Tiến Sĩ, nguyên văn như sau :

“Sau khi tiến hành phẫu thuật bộ óc của Đại Tiến Sĩ, các bác sĩ, tiến sĩ, bác học trên thế giới vẫn không xác định óc của Ngài thuộc chủng loại nào vì không có não bộ. Và sau khi làm việc suốt 24 giờ liền, máy vi tính đã xác định : óc Ngài Đại Tiến Sĩ thuộc chủng loại rôbô ra đời cách đây 4 tỉ năm”.

1991
Phan Trang Hy
READ MORE - Truyện ngắn của Phan Trang Hy - BỘ ÓC RÔ-BÔ

HAI LẦN NHỚ - Nguyễn Như Xuân


   Nhớ trước 1945





    Xa quê rậm rật nhớ quê
Nhớ quê tôi lại tìm về với quê
     Ở quê tôi lại nhớ quê
Rộn ràng thơ ấu  ùa về xốn xang






     Cây cừa rợp bóng đầu làng
Cành sà mặt nước mơ màng chờ ai
     Chờ học trò, lũ con trai
Mỗi thằng một nhánh chân xoài chân co
     Đứa thì đã ngáy o  o
Đứa sợ rơi tõm, đứa lo xào bài
     Bổng nghe tiếng trống đổ dài
Ba chân bốn cẳng trổ tài hét la


     Nao nao nhớ bến Ngã Ba
Trung tâm huyên náo: nhớ xa, nhớ gần
     Ô Lâu nước biếc trong ngần
Có điều chi, lại tần ngần dòng trôi
     Rót bầu vú sữa chia đôi
Ruộng đồng khát nắng đầy vơi sao đành
     Đến mùa nước cả mông mênh
Trải lòng dâng hiến, nặng tình phù sa






     Cứ về đến bến Ngã Ba
Hiện thân của sự phồn hoa đô thành
     Dưới thềm mát bóng tre xanh
Hương ngào ngạt toả bánh canh tung hoành
     Có ai mời đón đâu anh
Mà chân như đã trở thành tri âm






     Tiếng Xanh-rê chạy rì rầm
Đổi thay đường chỉ loăng ngoăng thuở nào
     Sơ mi trắng, cổ cồn cao
Yếm hồng cánh tím má đào thêm xinh
     Những đêm gió mát trăng thanh
Ngã Ba lay động bóng cành chơi vơi






     Tông-đơ thay kéo rẽ ngôi
Tóc cua chãi mượt “con ruồi trượt chân”
     Các cô gái Huế tần ngần
Dùng dằng đò dọc tuần tuần vào ra






     Đón nàng cập bến Ngã Ba
Dòng thơ Tố Hữu đã ra đến mình
     Dúi tay, dấu kín, chép nhanh
“Đồi Thông Hai Mộ” đây anh đọc dần
     Còn đây là “Nửa Chừng Xuân”
Buồn vui xáo trộn có phần nghiêng nghiêng,
     Giao lưu văn hoá hai miền
Đô thành thức tỉnh thanh niên quê nhà






     Bước chân đến bến Ngã Ba
Bao nhiêu nắng cháy như là tiêu tan
     Trên sân lộng gió bóng bàng
Xoè trăm tán rộng, mấy hàng dương xanh
     Ổ chim ác toạ trên cành
Đôi chim chèo bẻo liệng vành ra oai
     Dưới sông, ơi bạn thuyền chài
Với cô vợ trẻ đôi tai đỏ nhừ
     Áo dài nghiêng nón che hờ
Đàn trâu mẹp cũng ngẩn ngơ một hàm
     Mây trời lơ lững xanh lam
Quyện hoà sóng biếc toả làn gần xa






     Chiều chiều đến bến Ngã Ba
Ào ào nước khoả, loà loà sóng xao
     Nổi chìm mặt nước thấp cao
Từng đôi mắt “họ” đổi trao thay lời
     “Chị em ta đua nhau bơi
Ai chìm thì đã có người vớt ngay”
     “Con này bạo phổi quá thay
Chân mình như có bàn tay ai nhầm”
     Tiếng cười oà vỡ ầm ầm
Xa xa một quảng “tàu ngầm” nổi lên
     “Gặp chân chị chị để yên”
Lại cười lại véo đôi bên rộn ràng






     Chiều chiều gió giục mơ màng
Trai cuồn cuộn bắp như đang thượng đài
     Gái ùm cả chiếc áo dài
Ô Lâu thong thả trổ tài giao thoa
     Ngã Ba, huyền thoại Ngã Ba !!.








         Nhớ 1945-1954
                               (Trích)






     Xa quê đã mấy mươi năm
Bồi hồi tôi nhớ, bâng khuâng tôi nhìn
     Ngồi nghe kể chuyên quê mình
Đã như mẹ ước ông Tiên về rổi






     Nhớ ngày cờ đỏ rợp trời
Mùa thu Cách mạng sáng ngời lòng ta
     Việt Nam Dân Chủ Cọng Hoà
Tự do độc lập ta là chủ nhân
     Vui sao lớp học bình dân
Chạy quanh mấy lớp chi phân trẻ già
     Lớp trường đơn giản thôi mà
Bảng là chiếc mẹt phấn là thỏi than
     Trải mâm úp thúng làm bàn
I t hai chữ muôn vàn thân thương






     Nhớ xưa cả Tổng một trường
Chỉ trăm trò học mà toàn con trai
     Có đâu bóng áo trắng dài
Mẹ cha nắng một sương hai dãi dầu
     Tuổi lên năm đã chăn trâu
Áo nhiều mảnh vá phơi đầu đen thui
     Bữa ăn ít gạo nhiều khoai
Nhờ ơn Cách mang đổi thay cuộc đời
     Hũ gạo cứu đói kịp thời
Xóm thôn tiếng hát tiếng cười hân hoan
     Ào ào lính Pháp lan tràn
Ì oàng súng trận xóm làng chơi vơi
     Trâu không chổ mẹp nữa rồi
Đàn chim mất tổ không nơi náu mình
     Tan hoang đường bạng cây xanh
Bốt đồn lính gác vây quanh đêm ngày
     Nhà dân tường phải đắp dày
Hố đào khắp lối luôn đầy người chui
     Gian nan nguy hiểm vẫn vui
“Anh mình bộ đội con nuôi mẹ mình”
     Trọng liên chúng xả thình lình
Son ơi (1)  ngã gục, cháu nhìn lên ông
     Mắt cháy lửa, đôi má hồng
Máu ra lênh láng, cháu không… nữa rồi
     Ngời ngời gương mặt sáng tươi
Gió un khí uất, bầu trời kín mây
     Ca nông dội tiếp ngày ngày
Xoài ơi (2)  thịt cháu vắt đầy ngọn tre
     Bàn tay ác quỷ máu me
Côn đồ một lũ, một phe hại nòi
     Dù cho gian khổ chẳng lùi
Kề vai sát cánh không rời quân dân






     Đường lên Hải Đạo lên Trầm
Đường đi vận tải lách gần đồn canh
     Ơi các chị ơi các anh
Phá đường vây hãm chúng đành co chân
    Giật mìn xa, cắm chông gần
Xe nhào lính chết nhăn răng cả bầy
     Long lanh đôi mắt thơ ngây
Cười toe răng sún, hây hây má đào






     Ôi đất thấp, ôi trời cao
Kiên trinh kháng chiến không nao núng lòng
     Xã ta được tặng anh hùng
Gái ngời mắt biếc trai bừng chí cao
     “Ông bà ơi thật tự hào”
Tiếng cháu nói như năm nào tiếng ông./.






                                          2002






(1) (2) Son và Xoài, hai thiếu nữ tuổi vừa 16 bị 12,7 mm và canông giết chết trong vòng mấy ngày.





READ MORE - HAI LẦN NHỚ - Nguyễn Như Xuân

BIỂN GIÓ CHIỀU NAY - Lê Cảnh Biểu




Gió chiều thổi nhẹ cuốn chân ngà,
Mây lửng lờ trôi phía trời xa,
Đêm xuống biển thức cùng vạn vật.
Môi mềm hôn nhẹ bóng trăng tà,
Sóng khẻ ru hồn người lữ khách,
Chỉ lại mình em ngắm Hằng Nga,
Cô đơn đời ta thành vô nghĩa,
Anh đến bên em, đánh thức hoa.

Biển chiều ru nhẹ khúc tình ca,
Giai điệu du dương nghe mặn mà,
Lớp lớp sóng xô tình phiêu lảng,
Vị ngọt đâu rồi nghe xót xa,
Anh kẻ si tình, em ngây dại,
Hôn nhẹ bờ môi thắm hương hoa,
Thủ thỉ bên tai ngày duyên trọn,
Đừng kẻ bạc tình, phụ lòng ta.

Biển chiều gió thoảng cứ bay là,
Giai điệu oán than đời phôi pha,
Sóng dập lòng ta, tình bất hạnh,
Vị đắng trên môi, nước mắt sa,
Em hỡi đôi mình, duyên trời định,
Nặng gánh đôi vai, nợ nước nhà,
Hận đời đen bạc, xui vận số,
Biết tỏ cùng ai, lệ nhạt nhòa.

Tháng 6/2012
READ MORE - BIỂN GIÓ CHIỀU NAY - Lê Cảnh Biểu