Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, August 11, 2013

MỘT THỜI - thơ Lê Ngọc Phái

Lê Ngọc Phái


Một thời đã trôi xa
Với bao điều chưa nói
Hai bàn tay buốt tê
Khóc cho tình nhân ái.


Đất nước thời lam lũ
Bão giông xô tốc nhà
Bao ngày dài nắng nỏ
Bao đêm buồn mưa sa.


Một thời con thiếu ăn
Một thời em thiếu mặc
Cuộc sống nổi gân xanh
Đường chỉ tay lưu lạc.

 ………………

Bây giờ vui trở lại
Đôi má em ửng hồng
Mùa xuân chim ríu rít
Nắng tỏa đầy bến sông.  


Lê Ngọc Phái
READ MORE - MỘT THỜI - thơ Lê Ngọc Phái

CHIA TAY- thơ Nguyễn Đức Tùng - nhạc Phạm Anh Dũng







 Chia tay một giọt sương hồng 
 Sớm mai ngày cũ tuổi bồng bềnh xa 
 Chia tay không chén quan hà 
 Bỏ nhau đời lạnh mưa sa mái chiều 
 Bỏ mùa nước lũ rong rêu 
 Bỏ sông cát lở bỏ diều gió bay 
 Chia tay một giọt rượu này 
 Em ăn năn để trăng đầy quán không 
 Chia tay một giọt lệ thầm 
 Một bình minh: vỡ. Một trăm năm: về 
 Chia tay một sợi tóc thề 
 Trong chăn chiếu cũ còn mê hơi người


***
Phạm Anh Dũng
phamanhdung1@gmail.com

READ MORE - CHIA TAY- thơ Nguyễn Đức Tùng - nhạc Phạm Anh Dũng

Mùa Vu Lan: CON ĐI - thơ Nguyễn Thu




Chiều nay trở về phố thị
Rời quê để lại mẹ già
Hoàng hôn rơi vàng mái lá
Giọt lòng mặn đắng trên môi

Long lanh mắt buồn ngấn lệ
Mẹ choàng nắm lấy vai con             
Loay hoay tay gầy năm ngón
Sợ xa vuột mất, có còn...

Bên tai giận hờn, to nhỏ
Đi rồi thì nhớ về nghe!
Vấn vương bao lời rất nhẹ
Cây cao - tuổi mẹ chín muồi

Đôi chân tần ngần xa ngõ
Thoáng nhìn bóng mẹ liêu xiêu
Lớn rồi, con giờ mới hiểu
Mẹ ơi! Biển lớn Tình Yêu

Nguyễn Thu
READ MORE - Mùa Vu Lan: CON ĐI - thơ Nguyễn Thu

Mùa Vu Lan: THĂM MỘ MẸ - thơ Tâm Thường




Hôm nay con về thăm mộ Mẹ
Giữa trời thu nắng sớm vừa lên 
Những dảy nhà san sát hai bên
Sương còn đẫm đường về  nghĩa địa
Dưới nắng mai muôn hồng nghìn tía
Xe cộ đi về tấp nập bon chen
Những trụ điện cao còn sáng ánh đèn
Sừng sững đứng bên đường trơ trụi
Không như ngày xưa mưa bùn nắng bụi
Ổ trâu ổ gà nghiêng ngã mỗi lần đi
Tám năm rồi cách biệt chia ly
Hình bóng Mẹ vẫn còn nguyên ngày cũ
Mẹ nằm đó  giữa trời mưa nắng gió
Mỗi năm một lần con mới về thăm
Đốt nén hương thơm con khấn nguyện thầm:
“Mẹ vẫn thế như ngày xưa còn sống
Tình thương Mẹ  tựa trời cao biển rộng
Xin Mẹ đi về  phù hộ cháu con
Dù cho âm dương hai ngã nước non
Công ơn Mẹ con nguyền ghi tạc” 
Hôm nay gió thu về sầu vương man mác
Mẹ linh thiêng chứng giám tấm lòng con. 
Sài Gòn, ngày giổ lần thứ 8 của Mẹ

Tâm Thường
08.08.Kỷ Mảo – 08.08.Đinh Hợi
1999 - 2007
READ MORE - Mùa Vu Lan: THĂM MỘ MẸ - thơ Tâm Thường

NGHĨ TỪ QUẢNG TRỊ ***************************************** Bài & ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

Tranh gốm thể hiện khát vọng thống nhất 
dưới chân cột cờ Hiền Lương - Bến Hải

Quảng Trị - cái tên ấy đã quá quen thuộc, quá nổi tiếng. Vị trí địa lý, lịch sử và số phận đã ghi dấu ở Quảng Trị quá nhiều, và quá nhiều nỗi niềm cùng những thăng trầm. Nhiều lần ghé nơi đây, tôi – cũng như nhiều người - bị ám ảnh bởi hơi thở chiến tranh dường như vẫn rất gần; để một lần này, cố gắng nhìn với một góc khác hơn, dù chưa thể thoát khỏi ra ký ức chiến tranh...

Truân chuyên một miền đất
Quảng Trị là vùng đất khô cằn, với gió Lào cát trắng; khí hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai; Quảng Trị là khúc ruột miền trung... Đó là những gì bình thường nhất người ta hay nói về địa lý miền đất này. Nhưng số phận miền đất này còn long đong và truân chuyên hơn thế nữa.

Tượng đài “Khát vọng thống nhất ở bờ nam sông Bến Hải
Ngược dòng lịch sử; từ thời Hùng Vương – An Dương Vương, Quảng Trị được cho là thuộc lãnh địa bộ Việt Thường của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc. Rồi đến đầu thời Hán thuộc (179 TCN – 192), Quảng Trị là đất của quận Nhật Nam (thuộc Hán). Cuối thế kỷ thứ 2, khi vương triều Hán sụp đổ, Quảng Trị là đất của một quốc gia độc lập khác có tên Lâm Ấp, và hậu thân của vương quốc này là Chăm Pa.

Nhà hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ đường 9
Trong cuộc nam phạt của nhà Lý nước Đại Việt vào thế kỷ thứ 11 – năm 1069, vua Lý Thánh Tông và thái uý Lý Thường Kiệt đã tiến quân vào tới kinh đô Chà Bàn của Chăm Pa và dành chiến thắng. Hệ quả của cuộc chiến này là vua Chăm là Chế Củ đã phải nhượng 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt. Châu Ma Linh được nhà Lý đổi thành châu Minh Linh, được cho là tương ứng với vùng đất từ Cửa Việt ra tới bắc Quảng Trị; bao gồm các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hoá, Đa Krông và... một phần thành phố Đông Hà hiện nay.

Năm 1306, dưới thời Trần, cuộc hôn nhân lịch sử - huyền thoại của Công chúa Huyền Trân con vua Trần Nhân Tông; với vua Chăm là Chế Mân đã tiếp tục ghi dấu bước nam tiến của Đại Việt. Hai châu Ô, châu Rí (Lý) thuộc về Đại Việt và được đổi tên là Thuận Châu và Hoá Châu. Địa bàn Thuận Châu được cho là tương ứng với vùng Cửa Việt trở vào nam Quảng Trị, bao gồm các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và một phần thành phố Đông Hà hiện nay. Như vậy, tỉnh Quảng Trị ngày nay là sự hợp nhất của hai vùng địa lý, với biến động lịch sử cách nhau hơn 200 năm.

Thành cổ Quảng Trị ngày hôm nay,
chụp phía cửa nam (kiến trúc được phục dựng)
Trong lịch sử, Quảng Trị là đất thủ phủ thời Tiên chúa Nguyễn Hoàng ở Đàng Trong, với các dinh Ái Tử, Trà Bát (thuộc huyện Đăng Xương - nay là huyện Triệu Phong). Đến thời nhà Nguyễn (1802-1945), với việc định đô ở Phú Xuân (Huế) thì Quảng Trị là một tiền đồn quan trọng ở phía bắc bảo vệ cho kinh đô Phú Xuân. Thời Gia Long, năm 1806, Quảng Trị là dinh trực thuộc kinh sư Huế. Từ “dinh”, lên “trấn” rồi thành “đạo”, cho tới năm 1876 thì là tỉnh Quảng Trị, dưới thời vua Tự Đức.

Suốt thời Pháp thuộc, số phận tỉnh Quảng Trị cũng long đong nhiều với những nhập, tách, xuống lên... Và ở thế kỷ 20, lịch sử 1 lần nữa lại cho thấy số phận truân chuyên của một vùng đất. Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 chọn sông Bến Hải (huyện Vĩnh Linh) ở vỹ tuyến 17 để chia cắt đôi miền nam - bắc. 1 tỉnh, một miền đất lại bị chia cắt làm 2. Phần lớn tỉnh Quảng Trị ở bờ nam sông, vẫn là... Quảng Trị do một chính quyền quản lý (Việt Nam Cộng hoà); phần còn lại  - 3/4 huyện Vĩnh Linh ở bờ bắc thành đặc khu Vĩnh Linh do một chính quyền khác quản lý (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà)
Cửa bắc thành cổ Quảng Trị,
cửa thành duy nhất còn hình hài sau cuộc chiến
Quảng Trị lại trở thành tiền đồn phía nam của Miền Bắc trong cuộc chiến giải phóng - thống nhất đất nước. Chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, mà tâm điểm trận chiến khốc liệt dài 81 ngày đêm diễn ra ở toà thành cổ thị xã Quảng Trị một lần nữa để lại những dấu ấn không phai mờ của lịch sử. Vẫn chưa trọn vẹn... Từ năm 1973, ranh giới bắc – nam đất nước vẫn ở tỉnh Quảng Trị, lui về phía nam, dời từ sông Bến Hải xuống sông Thạch Hãn.

Đất nước thống nhất vào ngày 30/4/1975, Quảng Trị vẫn là... Quảng Trị và đặc khu Vĩnh Linh. Cho tới tháng 3/1976, Quảng Trị... biến mất khi ba tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên và đặc khu Vĩnh Linh trở thành một tỉnh với tên gọi Bình Trị Thiên. Và phải cho tới tháng 7/1989, Quảng Trị mới trở lại tên mình cùng hai người láng giếng bắc - nam là Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế.

Miền đất nào, vùng địa lý nào cũng có lịch sử, cũng có những đổi thay; nhưng truân chuyên, thăng trầm, chứa đựng đầy ắp những khốc liệt, khổ đau thì có lẽ Quảng Trị là bậc nhất!

Bảo tàng Thành cổ, nằm trong khuôn viên thành cổ

Nghĩ từ Quảng Trị
Nhiều lần lui tới Quảng Trị, nhiều lần ngắm Quảng Trị từ ô cửa sổ tàu thống nhất bắc – nam; và nhiều lần rong ruổi trên những cung đường đầy nắng – nóng – gió trên đất Quảng Trị; đi về phía Trường Sơn và đi dọc theo bờ biển; nhiều lần tới những di tích lịch sử chiến tranh và những nghĩa trang liệt sỹ; người viết vẫn cảm thấy mơ hồ, chưa đủ. Quảng Trị có gì hơn những đạn bom, những dấu tích chiến tranh, những đau thương mất mát? Dù là người trong nghề, người viết cũng không tham vọng có một cái nhìn hay nhận định tổng thể ở góc độ kiến trúc, bởi điều đó là quá sức. Nhưng hình như lần này, trong hoàn cảnh này; cũng cho thấy được một vài suy nghĩ...

Các kiến trúc sư trẻ khấn nguyện điều gì
 trên Đài tưởng niệm Thành cổ ?
Ngày 30/4/2013, dưới chân cột cờ lịch sử Hiền Lương - Bến Hải và ngay trong lễ thượng cờ thống nhất non sông; hơn 600 kiến trúc sư trẻ đến từ mọi miền đất nước đã khai hội ở sự kiện “Liên hoan Kiến trúc sư trẻ toàn quốc lần thứ 5”. Sự kiện lần này có tên gọi “Về miền ký ức”, một cái tên... quá đúng với địa điểm mà nó được diễn ra. Hình như nhắc tới Quảng Trị là nhắc tới ký ức – ký ức chiến tranh! Đó như một điều mặc nhiên, luôn thế!

Trở ra xa hơn, nhìn rộng hơn một chút so với sự kiện này; nhìn về Quảng Trị thấy giống như một đoạn đường khó, một “khúc buồn” trên con đường di sản miền trung. Quảng Trị không có di sản thiên nhiên như Phong Nha - Kẻ Bàng của Quảng Bình ở phía bắc. Quảng Trị không có di sản kiến trúc và thắng cảnh mê đắm lòng người như của Thừa Thiên - Huế ở phía nam. Và tất nhiên Quảng Trị càng không phải là điểm dừng chân trung chuyển phồn hoa như Đà Nẵng, dù con đường di sản miền trung càng được kéo dài hơn và di sản (được công nhận) cũng... nhiều hơn.

Nhà tưởng niệm và bến thả hoa đăng
ở bờ nam sông Thạch Hãn
Lại lần ngược lịch sử, cùng với Quảng Bình, Quảng Trị là những vùng đất Chăm Pa đầu tiên hòa nhập cùng Đại Việt. Quá khứ, chiều sâu ấy, cùng với bom đạn chiến tranh đã xóa mờ gần như tất cả những gì thuộc về một nền văn hoá rực rỡ. Quảng Trị không còn những đền tháp Chăm kiêu hùng và bí ẩn; những gì còn lại chỉ là vài giếng cổ, cùng ít di vật nhỏ nhoi. Mà phần nhiều những di sản điêu khắc Chăm ở Quảng Trị đã thuộc về... Bảo tàng Điêu khắc Chăm đặt ở Đà Nẵng từ đầu thế kỷ 20.

Thời thuộc Pháp, Quảng Trị có niềm tự hào với nhà thờ La Vang (hoàn thành xây dựng năm 1928, thuộc huyện Hải Lăng), sau được phong Vương cung Thánh Đường. Là một thánh địa, một điểm hành hương quan trọng; song, cũng bởi chiến tranh, kiến trúc huy hoàng cũng đã trở thành phế tích.

Những điều ước và những điều khấn nguyện
sẽ trôi về đâu?
Thử nhìn vào “cửa ngõ” Quảng Trị; dù cách này hay cách khác, cũng khó thấy một điều gì ấn tượng. Không có Hoành Sơn Quan như ở Hà Tĩnh - Quảng Bình; không có Hải Vân Quan như ở Thừa Thiên – Đà Nẵng; không có vũng, vịnh, đầm phá phía bờ biển... Quảng Trị cũng vĩnh viễn không có sân bay dân sự vì hai người láng giếng hai phía bắc nam là Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế đã có trước. Sân bay quân sự Ái Tử (huyện Triệu Phong) thời chiến có lẽ sẽ chỉ còn trong hoài niệm, không bao giờ cất cánh giấc mơ để thành một hiện thực như mong ước, dù lãng mạn hay duy ý chí của nhiều người. Cửa ngõ, điểm dừng - đón tiêu biểu ở Quảng Trị có lẽ mãi mãi là nhà ga xe lửa Đông Hà.

Quảng Trị có một hòn đảo anh hùng, là đảo Cồn Cỏ. Nhưng ngoài yếu tố... anh hùng, Cồn Cỏ cũng không có (hay cố tình không muốn có?) sự hấp dẫn, mời gọi như Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), hay Phú Quý (Bình Thuận)... cùng trên dải bờ biển miền trung.

Địa đạo (Vịnh Mốc) - công trình không có
 trong những giáo trình đào tạo kiến trúc sư
Xem lại nhật ký hành trình mà những kiến trúc sư trẻ đã đi qua trong những ngày cuối xuân đầu hạ ở đất Quảng Trị, thì tất cả những điểm dừng chân đều là ký ức chiến tranh, mang hơi thở chiến tranh; dù ít hay nhiều. Hiền Lương - Bến Hải, thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, Địa đạo Vịnh Mốc. Hai điểm khác (có vẻ) ít liên quan tới chiến tranh và mang nhiều sự tươi mới là bãi biển Cửa Tùng và Cửa Việt. Đương nhiên, ký ức chiến tranh không bao giờ phai mờ, đau thương vẫn còn nguyên đó...; nhưng ở con mắt nghề nghiệp, các kiến trúc sư... nghĩ gì?

Trong những kỳ Liên hoan trước, các kiến trúc sư trẻ thường có một cái gì đó, làm một điều gì đó cho “chủ nhà”, dẫu có tính hình thức xã giao, thì cũng là một nét đẹp đáng trân trọng. Lần này cũng không ngoại lệ, các kiến trúc sư trẻ đã có một món quà - một “Biểu tượng hoà bình” để đặt đâu đó trong khu di tích Hiền Lương – Bến Hải. Nhưng sau lễ khai mạc ở dưới chân cột cờ giới tuyến, có ai có đủ thời gian, kịp ngắm nhìn cây cầu lịch sử, cột cờ lịch sử cùng không gian và những di tích xung quanh? Có ai đã ngắm nhìn và biết, hay liên tưởng về “cuộc chiến cột cờ”, “cuộc chiến loa” hay cuộc “chiến màu sơn” ở nơi đây mấy mươi năm về trước? Người viết bài này từng kỳ vọng hơn ở hội thảo tại thành phố Đông Hà sau lễ khai mạc, trong nội dung hội thảo có chủ đề “Nhà ở vùng gió nóng”, nhưng nội dung này đã không diễn ra, bởi thời gian không đủ!?

Ga Đông Hà, cửa ngõ đón phần lớn khách
 tới Đông Hà, Quảng Trị
Và ở ngay thành phố Đông Hà, nơi tập kết và diễn ra toạ đàm là Trung tâm Văn hoá tỉnh, theo góc độ nào đó, được coi như một kiến trúc tiêu biểu thể hiện bộ mặt địa phương (nhất là về văn hoá); có kiến trúc sư nào bỏ thời gian để xem xét hay ngắm nhìn nghiêm túc ở khía cạnh chuyên môn hay không? Các kiến trúc sư Quảng Trị nghĩ gì, tự hào hay... tự ti về công trình ít nhiều có tính biểu tượng này? Trên nhiều băng rôn, tài liệu của sự kiện này, có in hình chợ 

Phải chăng chợ Đông Hà là biểu tượng của thành phố?
Đông Hà. Phải chăng chợ Đông Hà là biểu tượng của thành phố? Phải chăng đây là kiến trúc đẹp nhất, hay là một định hướng phát triển trong tương lai? Không bàn về kiến trúc của công trình này, nhưng người viết bài cứ nghĩ rằng, nếu một kiến trúc nào đó được lựa chọn để làm biểu tượng thành phố, thì có lẽ không phải là chợ; vì Đông Hà nói riêng, hay cả Quảng Trị, chưa và không bao giờ là một mũi nhọn về thương mại.

Ở thành cổ Quảng Trị, khi thắp hương và thăm viếng, rồi ra sông Thạch Hãn thả hoa đăng, có ai dừng chút ngắm nhìn kiến trúc Đài tưởng niệm hay Bảo tàng Thành cổ; có ai để ý rằng Đài tưởng niệm Thành cổ đã trở thành biểu tượng in dấu trên biển tên đường thị xã? Có ai nhìn ánh mặt trời trong chiều hoàng hôn và nhận thấy rằng dòng sông Thạch Hãn đoạn chảy bên thành cổ theo hướng nam – bắc, với bờ đông - tây chứ không phải bờ bắc - nam như trong... sách vẫn ghi? Trước năm 1975, thị xã Quảng Trị là tỉnh lỵ của Quảng Trị; rồi sau tỉnh lỵ dời về thị xã Đông Hà (nay là thành phố Đông Hà), thị xã điêu tàn trong chiến tranh cũng như ngủ yên với toà thành đổ nát. Người viết bài này trộm nghĩ, nếu như không có chiến tranh, nếu vẫn còn thành cổ; biết đâu thị xã Quảng Trị là một đô thị đẹp, với một toà thành cổ bên một dòng sông!? Và biết đâu... Nhưng lịch sử đã đặt Quảng Trị, và toà thành này vào một vị trí chiến lược quân sự, một pháo đài; chứ không phải là một trung tâm đô hội...

Tượng đài Giao bưu
– Thông tin liên lạc (Huyện Gio Linh)
Ở Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9, vội vã sau nghi lễ, rồi trở về; các kiến trúc sư trẻ nghĩ gì về những kiến trúc tưởng niệm ở khu mộ các vùng miền, trong đó có địa phương mình; hay có băn khoăn về công trình nhà hành lễ (mới khánh thành chưa lâu) đang được “trùm mền” tu sửa? Ở địa đạo Vịnh Mốc, có ai tưởng tượng là có một lúc nào đó sẽ phải lập nhiệm vụ thiết kế và thiết kế một công trình tương tự? Có ai đã hay sẽ tìm hiểu để biết tổng công trình sư của công trình siêu đặc biệt này là một... đồn trưởng công an với học vấn vừa hết tiểu học?

Bãi biển Cửa Việt.
Kiến trúc đẹp nhất nơi đây là... cái chòi
Bãi biển Cửa Tùng, bãi biển Cửa Việt là hai điểm dừng chân cuối của hành trình “Về miền ký ức”. Cửa Tùng, trong quá khứ được các sỹ quan hải quân Pháp đặt cho mỹ danh "Nữ hoàng của các bãi tắm" ở Đông Dương; nhưng mỹ danh ấy bây giờ rất khó thuyết phục. Còn Cửa Việt, nhìn đi ngắm lại, chỉ thấy kiến trúc đẹp nhất nơi đây là... hai cái chòi!

Những ồn ào rồi cũng qua đi, niềm vui rồi cũng qua đi. Sau “Về miền ký ức” là trở về với thực tại. Chia tay Quảng Trị, không biết có bao nhiêu kiến trúc sư trẻ có suy nghĩ và nỗi niềm gì với mảnh đất đầy nắng gió này, mà chắc có lẽ cũng sẽ không nhiều người quay trở lại. Quảng Trị có gì ngoài ký ức chiến tranh? Quảng Trị có gì để giữ chân, níu lòng người? Quảng Trị chỉ đông vào “mùa tri ân” tháng 7, là nơi trở về của những con người đã qua một thời lửa đạn nay đã bạc mái đầu; còn những người trẻ thì “tri ân”, “về nguồn”... ngày càng giống như một thứ mốt, một kiểu phong trào thời thượng, hời hợt, sáo rỗng. Sau “mùa tri ân”, Quảng Trị lại lặng lẽ... Nhiều lần ra vào thành cổ, tôi cứ có ý nghĩ rằng, hãy bỏ hết những khẩu hiệu đang treo kia, những nghi thức rườm rà kia; hãy để thành cổ thực sự là không gian tâm linh, là nơi người ta vào đó để tự lắng lòng, hồi tưởng, chiêm nghiệm; chứ không phải nghe đi nghe lại lời thuyết minh, nhìn đi nhìn lại những nghi thức đến phát nản.

Cũng chẳng trách hay đòi hỏi gì nhiều, bởi tên gọi sự kiện là... “Liên hoan”, thì vui là chính. Nhưng vẫn cứ hy vọng rằng, có ai đó, có kiến trúc sư trẻ nào đó, tìm thấy gì, nhìn thấy gì, có duyên gì ở Quảng Trị hay không? Và những kiến trúc sư ở Quảng Trị, dù trẻ hay già, qua đây, cơ hội giao lưu này; có thêm được những suy nghĩ, ý tưởng, hay cho mình một khoảng thời gian, cơ hội nghiêm túc để nghĩ và làm gì cho Quảng Trị hay không? Đó chẳng phải là đoạn kết có tính hình thức; bởi trong cuộc toạ đàm, khi một kiến trúc sư ở Hà Nội (không còn trẻ nữa) giới thiệu về những công trình nhà cộng đồng của mình, anh đã được gợi ý từ phía “chủ nhà” Quảng Trị về một công trình tương tự cho đồng bào dân tộc Vân Kiều; anh đáp sẵn lòng và tự tin sẽ làm được! Những đốm sáng nhỏ bé ấy cũng làm tăng thêm niềm hy vọng nào đó sau những cuộc vui ồn ào!

Quảng Trị, và thành phố Đông Hà sẽ như thế nào? Tôi đã và đang nghĩ vậy. Ký ức chiến tranh, đau thương mất mát là những gì cần gìn giữ và trân trọng. Nhưng không thể lấy ký ức đó ra thành một phương châm sống, hay biến thành một sản phẩm du lịch để kiếm tiền. Đến bao giờ việc xây dựng không quanh quẩn ở “trùng tu, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ” mà để hướng đến những công trình dân sinh của tương lai? Đến bao giờ nghệ thuật điêu khắc nơi đây không chỉ dành cho những đài tưởng niệm và tượng đài mang âm hưởng chiến tranh, mà mang hơi thở mới của thời đại mới, với giá trị nhân văn mới?

Không nản lòng hay thất vọng; cũng không quá kỳ vọng; tôi nhìn và nghĩ về Quảng Trị trong một tâm trạng có ít nhiều day dứt; với một niềm tin, một tình yêu vừa đủ cho mình!

Hà Nội 14/05/2013

Nguyễn Trần Đức Anh










READ MORE - NGHĨ TỪ QUẢNG TRỊ ***************************************** Bài & ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

THÁNG TÁM GIỌT BUỒN - thơ Đan Thụy



Trời tháng tám mưa sao buồn thế!
Chiều ngã nghiêng ướt áo vội vàng
Nhũng giọt xiên dệt thành cung nhớ
Những giọt nào theo gót lang thang

Trời tháng tám sao mưa buồn thế!
Giọt giăng giăng lạnh buốt vai gầy
Giọt bờ môi bỗng dưng nghe mặn
Còn giọt nào làm mắt em cay

Trời tháng tám mưa sao buồn thế !
Giọt đam mê giọt hoá dại khờ
Giọt khát nào chở điều chưa ngỏ ?
Đêm chập chờn viết dở câu thơ...


Đan Thuỵ
damhaitn@gmail.com
READ MORE - THÁNG TÁM GIỌT BUỒN - thơ Đan Thụy

ĐIỀU DỄ HIỂU - thơ Hoàng Yên Linh

Hoàng Yên Linh


Em không nhận ra tôi cũng là điều dễ hiểu
Tôi không là gì trong nỗi nhớ của em
Khi tôi không còn là tôi như những gì em mong ước
Tôi thua ở đời và thua cả tình yêu.
                    

Em không nhận ra tôi hơn ba mươi năm xa cách
Ta chẳng nợ nần nhau sau cuộc bể dâu
Nên có bao giờ tôi trách cứ ai đâu ...
Em ngỡ quên hay thật lòng không nhớ
Dẫu thế nào cũng chỉ thế thôi
Nếu ngày xưa tôi chỉ biết mình tôi
Trốn chạy cùng em cho hạnh phúc đời mình
Hẳn bây giờ mình đã nhận ra nhau ...
Cuộc đời nảy biết bao điều được mất
Giữ lại cho nhau những dòng nước mắt
Tiếc nuối đau thương cho dù không thật
Cũng ấm lòng khi nắng xế chiều buông .
Em không nhận ra tôi cũng là hạnh phúc
Nếu có buồn chỉ trách tôi thôi
Em là em ... Tôi là tôi
Tiếp cận nhau nhưng không bao giờ nên một
Nên không nhận ra nhau ...
Cũng là điều dễ hiểu


HOÀNG YÊN LYNH
READ MORE - ĐIỀU DỄ HIỂU - thơ Hoàng Yên Linh

Mùa Vu Lan: HỤT HẪNG – thơ Trương Nguyễn


Trần Tư Ngoan và Trương Nguyễn


Hỡi mẹ ơi !
Điều mà con hoảng sợ
Lẽ vô thường cướp mất mẹ tôi !


Con xót xa đau đớn ngậm ngùi
Không dám khóc nhưng tim con chết lặng
Nhìn quanh đây phủ màu tang trắng
Là từ đây chẳng có mẹ bên đời


Chẳng còn ai chia xẻ buồn vui
Để thương cảm giận hờn trách móc
Gia tài mẹ là trân châu vàng ngọc
Là niềm thương dong ruỗi suốt đời con


Mẹ từ bi tỏa sáng ánh trăng tròn
Là nguồn nước rưới lòng con diụ mát
Mẹ bao dung tựa trời cao bát ngát
Mùi hương hoa phủ khắp chúng con


Ở nơi kia không biết mẹ có buồn
Có nhìn thấy chúng con quỳ bên mộ
Đang dâng cúng mà cõi lòng nức nỡ
Chén trà thơm và miếng trầu cay


Rồi từng ngày từng bữa dọn cơm chay
Lau nước mắt nhìn nụ cười trong ảnh
Mẹ còng lưng vì vai gầy nặng gánh
Nuôi chúng con khôn lớn trưởng thành


Khổ đau nhiều nên thân mẹ mong manh
Chợt vụt tắt rồi đi vào yên lặng
Mùa VU LAN con sẽ cài hoa trắng
Kỷ niệm ngày mẹ dõi bước xa chơi


Rồi mai đây Người không nói không cười
Không hờn giỗi “tao không cần mi nữa”
Đêm nay đây con mãi ngồi trăn trở
Viết bài thơ năm ngoái dỡ dang


Một bài thơ con viết vội vàng
Chưa kịp đọc sợ ngày này sẽ đến
Con bất hiếu và nhiều lỗi hẹn
Khi mất rồi chợt tiếc nhớ vu vơ


Nghi ngút khói nhang bên cạnh bàn thờ
Nói với mẹ những lời chưa kịp nói
Tám mươi năm trôi nhanh quá đỗi
Đã làm gì đền đáp ơn thâm


Bao nỗi đau đay nghiến âm thầm
Con quỳ lạy mong mẹ hiền tha thứ
Con niệm phật cúi xin ngài tế độ
Cho “hương linh “ mẹ được siêu sanh


Thoát khổ đau đến chốn an lành

Không ngụp lặn trong biển đời sanh tử.

Trương Nguyễn
truonguyen49@gmail.com
READ MORE - Mùa Vu Lan: HỤT HẪNG – thơ Trương Nguyễn