Tranh gốm thể hiện khát vọng thống nhất dưới chân cột cờ Hiền Lương - Bến Hải |
Quảng Trị -
cái tên ấy đã quá quen thuộc, quá nổi tiếng. Vị trí địa lý, lịch sử và số phận đã
ghi dấu ở Quảng Trị quá nhiều, và quá nhiều nỗi niềm cùng những thăng trầm. Nhiều
lần ghé nơi đây, tôi – cũng như nhiều người - bị ám ảnh bởi hơi thở chiến tranh
dường như vẫn rất gần; để một lần này, cố gắng nhìn với một góc khác hơn, dù chưa
thể thoát khỏi ra ký ức chiến tranh...
Truân chuyên
một miền đất
Quảng Trị là vùng đất khô cằn, với gió Lào cát trắng; khí
hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai; Quảng Trị là khúc ruột miền trung... Đó là những
gì bình thường nhất người ta hay nói về địa lý miền đất này. Nhưng số phận miền
đất này còn long đong và truân chuyên hơn thế nữa.
Tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ nam sông Bến Hải |
Ngược dòng lịch sử; từ thời Hùng Vương – An Dương Vương,
Quảng Trị được cho là thuộc lãnh địa bộ Việt Thường của Nhà nước Văn Lang
- Âu Lạc.
Rồi đến đầu thời Hán thuộc (179 TCN – 192), Quảng Trị là đất của quận Nhật Nam
(thuộc Hán). Cuối thế kỷ thứ 2, khi vương triều Hán sụp đổ, Quảng Trị là đất của
một quốc gia độc lập khác có tên Lâm Ấp, và hậu thân của vương quốc này là Chăm Pa.
Nhà hành lễ Nghĩa trang Liệt sỹ đường 9 |
Trong cuộc nam phạt của nhà Lý nước Đại Việt vào thế kỷ
thứ 11 – năm 1069, vua Lý Thánh Tông và thái uý Lý Thường Kiệt đã tiến quân vào
tới kinh đô Chà Bàn của Chăm
Pa và dành chiến thắng. Hệ quả của
cuộc chiến này là vua Chăm là Chế Củ đã phải nhượng 3 châu Bố Chính, Địa Lý và
Ma Linh cho Đại Việt. Châu Ma Linh được nhà Lý đổi thành châu Minh Linh, được
cho là tương ứng với vùng đất từ Cửa Việt ra tới bắc Quảng Trị; bao gồm các huyện
Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hoá, Đa Krông
và... một phần thành phố Đông Hà hiện nay.
Năm 1306, dưới thời Trần, cuộc hôn nhân lịch sử - huyền
thoại của Công chúa Huyền Trân con vua Trần Nhân Tông; với vua Chăm là Chế Mân đã
tiếp tục ghi dấu bước nam tiến của Đại Việt. Hai châu Ô, châu Rí (Lý) thuộc về Đại
Việt và được đổi tên là Thuận Châu và Hoá Châu. Địa bàn Thuận Châu được cho là
tương ứng với vùng Cửa Việt trở vào nam Quảng Trị, bao gồm các huyện Hải Lăng,
Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và một phần thành phố Đông Hà hiện nay. Như vậy,
tỉnh Quảng Trị ngày nay là sự hợp nhất của hai vùng địa lý, với biến động lịch sử
cách nhau hơn 200 năm.
Thành cổ Quảng Trị ngày hôm nay, chụp phía cửa nam (kiến trúc được phục dựng) |
Trong lịch sử, Quảng Trị là đất thủ phủ thời Tiên chúa
Nguyễn Hoàng ở Đàng Trong, với các dinh Ái Tử, Trà Bát (thuộc huyện Đăng Xương
- nay là huyện Triệu Phong). Đến thời nhà Nguyễn (1802-1945), với việc định đô ở
Phú Xuân (Huế) thì Quảng Trị là một tiền đồn quan trọng ở phía bắc bảo vệ cho
kinh đô Phú Xuân. Thời Gia Long, năm 1806, Quảng Trị là dinh trực thuộc kinh sư
Huế. Từ “dinh”, lên “trấn” rồi thành “đạo”, cho tới năm 1876 thì là tỉnh Quảng
Trị, dưới thời vua Tự Đức.
Suốt thời Pháp thuộc, số phận tỉnh Quảng Trị cũng long
đong nhiều với những nhập, tách, xuống lên... Và ở thế kỷ 20, lịch sử 1 lần nữa
lại cho thấy số phận truân chuyên của một vùng đất. Hiệp định Giơ-ne-vơ năm
1954 chọn sông Bến Hải (huyện Vĩnh Linh) ở vỹ tuyến 17 để chia cắt đôi miền nam
- bắc. 1 tỉnh, một miền đất lại bị chia cắt làm 2. Phần lớn tỉnh Quảng Trị ở bờ
nam sông, vẫn là... Quảng Trị do một chính quyền quản lý (Việt Nam Cộng hoà);
phần còn lại - 3/4 huyện Vĩnh Linh ở bờ
bắc thành đặc khu Vĩnh Linh do một chính quyền khác quản lý (Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà)
Cửa bắc thành cổ Quảng Trị, cửa thành duy nhất còn hình hài sau cuộc chiến |
Quảng Trị lại trở thành tiền đồn phía nam của Miền Bắc
trong cuộc chiến giải phóng - thống nhất đất nước. Chiến dịch giải phóng Quảng
Trị năm 1972, mà tâm điểm trận chiến khốc liệt dài 81 ngày đêm diễn ra ở toà thành
cổ thị xã Quảng Trị một lần nữa để lại những dấu ấn không phai mờ của lịch sử.
Vẫn chưa trọn vẹn... Từ năm 1973, ranh giới bắc – nam đất nước vẫn ở tỉnh Quảng
Trị, lui về phía nam, dời từ sông Bến Hải xuống sông Thạch Hãn.
Đất nước thống nhất vào ngày 30/4/1975 , Quảng Trị vẫn là... Quảng
Trị và đặc khu Vĩnh Linh. Cho tới tháng 3/1976, Quảng Trị... biến mất khi ba tỉnh
Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên và đặc khu Vĩnh Linh trở thành một tỉnh với
tên gọi Bình Trị Thiên. Và phải cho tới tháng 7/1989, Quảng Trị mới trở lại tên
mình cùng hai người láng giếng bắc - nam là Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế.
Miền đất nào, vùng địa lý nào cũng có lịch sử, cũng có
những đổi thay; nhưng truân chuyên, thăng trầm, chứa đựng đầy ắp những khốc liệt,
khổ đau thì có lẽ Quảng Trị là bậc nhất!
Bảo tàng Thành cổ, nằm trong khuôn viên thành cổ |
Nghĩ từ
Quảng Trị
Nhiều lần lui tới Quảng Trị, nhiều lần ngắm Quảng Trị
từ ô cửa sổ tàu thống nhất bắc – nam; và nhiều lần rong ruổi trên những cung đường
đầy nắng – nóng – gió trên đất Quảng Trị; đi về phía Trường Sơn và đi dọc theo
bờ biển; nhiều lần tới những di tích lịch sử chiến tranh và những nghĩa trang
liệt sỹ; người viết vẫn cảm thấy mơ hồ, chưa đủ. Quảng Trị có gì hơn những đạn
bom, những dấu tích chiến tranh, những đau thương mất mát? Dù là người trong
nghề, người viết cũng không tham vọng có một cái nhìn hay nhận định tổng thể ở
góc độ kiến trúc, bởi điều đó là quá sức. Nhưng hình như lần này, trong hoàn cảnh
này; cũng cho thấy được một vài suy nghĩ...
Các kiến trúc sư trẻ khấn nguyện điều gì trên Đài tưởng niệm Thành cổ ? |
Ngày 30/4/2013 ,
dưới chân cột cờ lịch sử Hiền Lương - Bến Hải và ngay trong lễ thượng cờ thống
nhất non sông; hơn 600 kiến trúc sư trẻ đến từ mọi miền đất nước đã khai hội ở
sự kiện “Liên hoan Kiến trúc sư trẻ toàn quốc lần thứ 5”. Sự kiện lần này có tên
gọi “Về miền ký ức”, một cái tên... quá đúng với địa điểm mà nó được diễn ra. Hình
như nhắc tới Quảng Trị là nhắc tới ký ức – ký ức chiến tranh! Đó như một điều mặc
nhiên, luôn thế!
Trở ra xa hơn, nhìn rộng hơn một chút so với sự kiện này;
nhìn về Quảng Trị thấy giống như một đoạn đường khó, một “khúc buồn” trên con đường
di sản miền trung. Quảng Trị không có di sản thiên nhiên như Phong Nha - Kẻ Bàng
của Quảng Bình ở phía bắc. Quảng Trị không có di sản kiến trúc và thắng cảnh mê
đắm lòng người như của Thừa Thiên - Huế ở phía nam. Và tất nhiên Quảng Trị càng
không phải là điểm dừng chân trung chuyển phồn hoa như Đà Nẵng, dù con đường di
sản miền trung càng được kéo dài hơn và di sản (được công nhận) cũng... nhiều hơn.
Nhà tưởng niệm và bến thả hoa đăng ở bờ nam sông Thạch Hãn |
Lại lần ngược lịch sử, cùng với Quảng Bình, Quảng Trị
là những vùng đất Chăm Pa đầu tiên hòa nhập cùng Đại Việt. Quá khứ,
chiều sâu ấy, cùng với bom đạn chiến tranh đã xóa mờ gần như tất cả những gì
thuộc về một nền văn hoá rực rỡ. Quảng Trị không còn những đền tháp Chăm kiêu hùng
và bí ẩn; những gì còn lại chỉ là vài giếng cổ, cùng ít di vật nhỏ nhoi. Mà phần
nhiều những di sản điêu khắc Chăm ở Quảng Trị đã thuộc về... Bảo tàng Điêu khắc
Chăm đặt ở Đà Nẵng từ đầu thế kỷ 20.
Thời thuộc Pháp, Quảng Trị có niềm tự hào với nhà thờ
La Vang (hoàn thành xây dựng năm 1928, thuộc huyện Hải Lăng), sau được phong Vương
cung Thánh Đường. Là một thánh địa, một điểm hành hương quan trọng; song, cũng
bởi chiến tranh, kiến trúc huy hoàng cũng đã trở thành phế tích.
Những điều ước và những điều khấn nguyện sẽ trôi về đâu? |
Thử nhìn vào “cửa ngõ” Quảng Trị; dù cách này hay cách
khác, cũng khó thấy một điều gì ấn tượng. Không có Hoành Sơn Quan như ở Hà Tĩnh
- Quảng Bình; không có Hải Vân Quan như ở Thừa Thiên – Đà Nẵng; không có vũng,
vịnh, đầm phá phía bờ biển... Quảng Trị cũng vĩnh viễn không có sân bay dân sự vì
hai người láng giếng hai phía bắc nam là Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế đã có
trước. Sân bay quân sự Ái Tử (huyện Triệu Phong) thời chiến có lẽ sẽ chỉ còn
trong hoài niệm, không bao giờ cất cánh giấc mơ để thành một hiện thực như mong
ước, dù lãng mạn hay duy ý chí của nhiều người. Cửa ngõ, điểm dừng - đón tiêu
biểu ở Quảng Trị có lẽ mãi mãi là nhà ga xe lửa Đông Hà.
Quảng Trị có một hòn đảo anh hùng, là đảo Cồn Cỏ. Nhưng
ngoài yếu tố... anh hùng, Cồn Cỏ cũng không có (hay cố tình không muốn có?) sự
hấp dẫn, mời gọi như Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), hay Phú Quý
(Bình Thuận)... cùng trên dải bờ biển miền trung.
Địa đạo (Vịnh Mốc) - công trình không có trong những giáo trình đào tạo kiến trúc sư |
Xem lại nhật ký hành trình mà những kiến trúc sư trẻ đã
đi qua trong những ngày cuối xuân đầu hạ ở đất Quảng Trị, thì tất cả những điểm
dừng chân đều là ký ức chiến tranh, mang hơi thở chiến tranh; dù ít hay nhiều. Hiền
Lương - Bến Hải, thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, Nghĩa trang Liệt sỹ Đường
9, Địa đạo Vịnh Mốc. Hai điểm khác (có vẻ) ít liên quan tới chiến tranh và mang
nhiều sự tươi mới là bãi biển Cửa Tùng và Cửa Việt. Đương nhiên, ký ức chiến
tranh không bao giờ phai mờ, đau thương vẫn còn nguyên đó...; nhưng ở con mắt
nghề nghiệp, các kiến trúc sư... nghĩ gì?
Trong những kỳ Liên hoan trước, các kiến trúc sư trẻ
thường có một cái gì đó, làm một điều gì đó cho “chủ nhà”, dẫu có tính hình thức
xã giao, thì cũng là một nét đẹp đáng trân trọng. Lần này cũng không ngoại lệ,
các kiến trúc sư trẻ đã có một món quà - một “Biểu tượng hoà bình” để đặt đâu đó
trong khu di tích Hiền Lương – Bến Hải. Nhưng sau lễ khai mạc ở dưới chân cột cờ
giới tuyến, có ai có đủ thời gian, kịp ngắm nhìn cây cầu lịch sử, cột cờ lịch sử
cùng không gian và những di tích xung quanh? Có ai đã ngắm nhìn và biết, hay liên
tưởng về “cuộc chiến cột cờ”, “cuộc chiến loa” hay cuộc “chiến màu sơn” ở nơi đây
mấy mươi năm về trước? Người viết bài này từng kỳ vọng hơn ở hội thảo tại thành
phố Đông Hà sau lễ khai mạc, trong nội dung hội thảo có chủ đề “Nhà ở vùng gió
nóng”, nhưng nội dung này đã không diễn ra, bởi thời gian không đủ!?
Ga Đông Hà, cửa ngõ đón phần lớn khách tới Đông Hà, Quảng Trị |
Và ở ngay thành phố Đông Hà, nơi tập kết và diễn ra toạ
đàm là Trung tâm Văn hoá tỉnh, theo góc độ nào đó, được coi như một kiến trúc
tiêu biểu thể hiện bộ mặt địa phương (nhất là về văn hoá); có kiến trúc sư nào
bỏ thời gian để xem xét hay ngắm nhìn nghiêm túc ở khía cạnh chuyên môn hay không?
Các kiến trúc sư Quảng Trị nghĩ gì, tự hào hay... tự ti về công trình ít nhiều
có tính biểu tượng này? Trên nhiều băng rôn, tài liệu của sự kiện này, có in hình
chợ
Phải chăng chợ Đông Hà là biểu tượng của thành phố? |
Đông Hà. Phải chăng chợ Đông Hà là biểu tượng của thành phố? Phải chăng đây
là kiến trúc đẹp nhất, hay là một định hướng phát triển trong tương lai? Không
bàn về kiến trúc của công trình này, nhưng người viết bài cứ nghĩ rằng, nếu một
kiến trúc nào đó được lựa chọn để làm biểu tượng thành phố, thì có lẽ không phải
là chợ; vì Đông Hà nói riêng, hay cả Quảng Trị, chưa và không bao giờ là một mũi
nhọn về thương mại.
Ở thành cổ Quảng Trị, khi thắp hương và thăm viếng, rồi
ra sông Thạch Hãn thả hoa đăng, có ai dừng chút ngắm nhìn kiến trúc Đài tưởng
niệm hay Bảo tàng Thành cổ; có ai để ý rằng Đài tưởng niệm Thành cổ đã trở thành
biểu tượng in dấu trên biển tên đường thị xã? Có ai nhìn ánh mặt trời trong chiều
hoàng hôn và nhận thấy rằng dòng sông Thạch Hãn đoạn chảy bên thành cổ theo hướng
nam – bắc, với bờ đông - tây chứ không phải bờ bắc - nam như trong... sách vẫn
ghi? Trước năm 1975, thị xã Quảng Trị là tỉnh lỵ của Quảng Trị; rồi sau tỉnh lỵ
dời về thị xã Đông Hà (nay là thành phố Đông Hà), thị xã điêu tàn trong chiến
tranh cũng như ngủ yên với toà thành đổ nát. Người viết bài này trộm nghĩ, nếu
như không có chiến tranh, nếu vẫn còn thành cổ; biết đâu thị xã Quảng Trị là một
đô thị đẹp, với một toà thành cổ bên một dòng sông!? Và biết đâu... Nhưng lịch
sử đã đặt Quảng Trị, và toà thành này vào một vị trí chiến lược quân sự, một pháo
đài; chứ không phải là một trung tâm đô hội...
Tượng đài Giao bưu – Thông tin liên lạc (Huyện Gio Linh) |
Ở Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9, vội vã sau nghi lễ, rồi
trở về; các kiến trúc sư trẻ nghĩ gì về những kiến trúc tưởng niệm ở khu mộ các
vùng miền, trong đó có địa phương mình; hay có băn khoăn về công trình nhà hành
lễ (mới khánh thành chưa lâu) đang được “trùm mền” tu sửa? Ở địa đạo Vịnh Mốc, có ai tưởng tượng là có một lúc nào đó sẽ phải lập
nhiệm vụ thiết kế và thiết kế một công trình tương tự? Có ai đã hay sẽ tìm hiểu
để biết tổng công trình sư của công trình siêu đặc biệt này là một... đồn trưởng
công an với học vấn vừa hết tiểu học?
Bãi biển Cửa Việt. Kiến trúc đẹp nhất nơi đây là... cái chòi |
Bãi biển Cửa Tùng, bãi biển Cửa Việt là hai điểm dừng
chân cuối của hành trình “Về miền ký ức”. Cửa Tùng, trong quá khứ được các sỹ
quan hải quân Pháp đặt cho mỹ danh "Nữ hoàng của các bãi tắm" ở Đông Dương; nhưng mỹ danh ấy bây giờ rất khó
thuyết phục. Còn Cửa Việt, nhìn đi ngắm lại, chỉ thấy kiến trúc đẹp nhất nơi đây
là... hai cái chòi!
Những ồn ào rồi cũng qua đi, niềm vui rồi cũng qua đi.
Sau “Về miền ký ức” là trở về với thực tại. Chia tay Quảng Trị, không biết có
bao nhiêu kiến trúc sư trẻ có suy nghĩ và nỗi niềm gì với mảnh đất đầy nắng gió
này, mà chắc có lẽ cũng sẽ không nhiều người quay trở lại. Quảng Trị có gì ngoài
ký ức chiến tranh? Quảng Trị có gì để giữ chân, níu lòng người? Quảng Trị chỉ đông
vào “mùa tri ân” tháng 7, là nơi trở về của những con người đã qua một thời lửa
đạn nay đã bạc mái đầu; còn những người trẻ thì “tri ân”, “về nguồn”... ngày càng
giống như một thứ mốt, một kiểu phong trào thời thượng, hời hợt, sáo rỗng. Sau “mùa
tri ân”, Quảng Trị lại lặng lẽ... Nhiều lần ra vào thành cổ, tôi cứ có ý nghĩ rằng,
hãy bỏ hết những khẩu hiệu đang treo kia, những nghi thức rườm rà kia; hãy để
thành cổ thực sự là không gian tâm linh, là nơi người ta vào đó để tự lắng lòng,
hồi tưởng, chiêm nghiệm; chứ không phải nghe đi nghe lại lời thuyết minh, nhìn đi
nhìn lại những nghi thức đến phát nản.
Cũng chẳng trách hay đòi hỏi gì nhiều, bởi tên gọi sự
kiện là... “Liên hoan”, thì vui là chính. Nhưng vẫn cứ hy vọng rằng, có ai đó,
có kiến trúc sư trẻ nào đó, tìm thấy gì, nhìn thấy gì, có duyên gì ở Quảng Trị
hay không? Và những kiến trúc sư ở Quảng Trị, dù trẻ hay già, qua đây, cơ hội
giao lưu này; có thêm được những suy nghĩ, ý tưởng, hay cho mình một khoảng thời
gian, cơ hội nghiêm túc để nghĩ và làm gì cho Quảng Trị hay không? Đó chẳng phải
là đoạn kết có tính hình thức; bởi trong cuộc toạ đàm, khi một kiến trúc sư ở Hà
Nội (không còn trẻ nữa) giới thiệu về những công trình nhà cộng đồng của mình,
anh đã được gợi ý từ phía “chủ nhà” Quảng Trị về một công trình tương tự cho đồng
bào dân tộc Vân Kiều; anh đáp sẵn lòng và tự tin sẽ làm được! Những đốm sáng nhỏ
bé ấy cũng làm tăng thêm niềm hy vọng nào đó sau những cuộc vui ồn ào!
Quảng Trị, và thành phố Đông Hà sẽ như thế nào? Tôi đã
và đang nghĩ vậy. Ký ức chiến tranh, đau thương mất mát là những gì cần gìn giữ
và trân trọng. Nhưng không thể lấy ký ức đó ra thành một phương châm sống, hay
biến thành một sản phẩm du lịch để kiếm tiền. Đến bao giờ việc xây dựng không
quanh quẩn ở “trùng tu, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ” mà để hướng đến những công
trình dân sinh của tương lai? Đến bao giờ nghệ thuật điêu khắc nơi đây không chỉ
dành cho những đài tưởng niệm và tượng đài mang âm hưởng chiến tranh, mà mang hơi
thở mới của thời đại mới, với giá trị nhân văn mới?
Không nản lòng hay thất vọng; cũng không quá kỳ vọng;
tôi nhìn và nghĩ về Quảng Trị trong một tâm trạng có ít nhiều day dứt; với một
niềm tin, một tình yêu vừa đủ cho mình!
2 comments:
Bài viết hay. Rất tâm đắc.
Cám ơn ONB đã bình luận
Post a Comment