Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, July 5, 2017

THI CA THI NHÂN: XUÂN LÝ BĂNG - Chu Vương Miện & M.Loan Hoa Sử


      

        XUÂN LÝ BĂNG - THI CA THI NHÂN
                 Chu Vương Miện & M.Loan Hoa Sử

Nhà thơ Xuân Lý Băng hay Đức Ông LM JB Lê Xuân Hoa hiện đã về hưu dưỡng ở Tòa Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).
Ông tên thật là Lê Xuân Hoa, sinh ngày 23 tháng 4 năm 1926 tại Diễn Châu tỉnh Nghệ An, ông thường theo học ở Diễn Châu, Nghi Lộc, Hà Nội, Sài Gòn, Gia Định. Ông được thụ phong chức Linh Mục vào ngày 19-7-1959.
Đến ngày 25-1-1998 được phong Giám Chức danh dự của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ Đệ Nhị
Các tác phẩm đã xuất bản :
    1- Nỗi Niềm
    2- Hoa Vàng Sa Mạc
    3- Thơ Kinh
    4- Hương Kinh
    5- Hình Thơ
    6- Xin Một mảng chiều
    7- Kinh Trong thời gian
    8- Sẽ như thế nào
    9- Sử thi
   10- Thơ từ chuỗi ngọc
   11- Tuyển Tập thơ  Xuân Lý Băng

   

            Nhà thơ Chu Vương Miện


Cảm hứng trong dòng chảy của thơ Xuân Lý Băng bắt nguồn từ Đức Tin Thiên Chúa. Nhà thơ như một nhà sứ giả giúp cho chúng ta thấy được niềm tin. Thơ Xuân Lý Băng rất gần gũi với cuộc đời chúng ta, tỏa ngát một tình thương cao cả, tinh thần và lòng trung hậu, thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp những nét lãng mạn trong thơ Xuân Lý Băng thì cũng chỉ là một thứ lãng mạn đã được thăng hoa, được gột rửa những trần trụi của đời thường để  hóa thân thành thơ Kinh.

         Mẹ cho con một mảng chiều
         có mây giăng tím chở nhiều nhơ nhung
         có đàn sáo lượn bên song
         lưng trâu có chú mục đồng thổi tiêu
                                  (Một Mảng Chiều)

         Tôi nằm xuống quả đất vẫn quay đều
         mặt trời lên xuống mỗi sáng chiều 
         trăng tròn trăng khuyết theo ngày tháng
         lãng đãng mây chiều gió đìu hiu.
                                (Tôi Nằm Xuống)

Đọc hai đoạn thơ trên, chúng tôi nhận thấy rất khoái hoạt và nhuốm vẻ thơ Thiền thơi Trung Đường :

        Phiến phiến bạch vân Thanh Sơn nội
        Phiến phiến bạch vân Thanh Sơn Ngoại 
        nội ngoại Thanh Sơn giai bạch vân
        bạch vân phi khứ Thanh Sơn tại

        Dịch ra âm Quảng Đông 
        Phến phến bài duyển Sinh san nại
        phến phến bài duyển Sinh San ngại
        nại ngại Sinh San giai bài duyển
        Bài Duyển phi khứ sinh san tại

        Chuyển ngữ ra tiếng Việt 
        từng mảng mây trắng trong núi xanh
        từng mảng mây trắng ngoài núi xanh 
        trong ngoài núi xanh mây trắng cả
        mây trắng bay đi còn núi xanh

Con người là hữu hạn, sông núi vũ trụ là vô biên ?
thiên nhiên thì cứ bốn mùa Xuân hạ thu đông, đến rồi đi đi rồi đến, mùa thu đông hoa tàn, lá rụng, mùa xuân hoa nở nước suối nước sông vẫn chẩy quanh năm ? Con người có đau có khổ,  có nghèo có đói thì chim vẫn hót và mây vẫn bay hàng ngày?

        sao em không lần chuỗi
        những lúc trời gió mưa
        khi đêm về tăm tối
        khi lá rụng vườn trưa
        (Sao em không lần chuỗi)

        Noel
        Chúa đâu ở đền thờ
        Ngài đang nằm trên hè phố
        mưa gió bơ vơ
              (Noel không có Chúa)

Ôi , đời không đạo là đời vô đạo, Đạo không đời thì Đạo với ai ? Tu là cõi phúc tình là dây oan, có tu có lành, đường về cõi thiên đàng nhiều ngả, tu cũng có nhiều đường, phước cho kẻ nào không biết Chúa mà tin ? Kiếp người kiếp phù sinh có đó mà mất đó,
tìm chốn nao ? là cõi vĩnh hằng ? Ôi, một cõi mà chả khác gì thơ Ôn Như Nguyễn Gia Thiều :

       Lờ mờ nhân ảnh như người đi đêm 
                       (Cung oán ngâm khúc)

Ta từ đâu đến đây? đến đây rồi mai sau đi đâu ? về đâu ?  về chốn nào ? Câu hỏi muôn đời chưa có câu trả lời. Cả một bề sâu im lặng trừu tượng.

       Linh mục người là ai ?

       mở được mắt cho người mù
       để họ thấy được Mặt Trời
       mở được tai cho người điếc
       để họ nghe Lời hằng sống
       ban Bánh Tràng Sinh
       cho người  lữ thứ
          (Linh Mục người là ai ?)

Trong Thi ca Việt Nam từ thế kỷ thứ 20 đến bây giờ, có hai nhà thơ viết về Đạo Chúa, có hai người lừng danh: nhà thơ Hàn Mạc Tử thì đã qua đời vào đầu năm 1940, còn một người nữa là thi sĩ Đức Ông LM Xuân Lý Băng đang ngồi chờ ở Hành Lang Thiên Đàng, Hàn Mặc Tử là người làm thơ phàm tục, có cái hay và tuyệt vời của phàm tục, còn nhà thơ Xuân Lý Băng trao trọn đời cho Thiên Chúa thì thơ hay theo kiểu thanh thoát thăng hoa từ đời qua đạo, như con tằm hóa thân thành bươm bướm bay đi, nhàn du trong vườn cây hoa lá, hoa đồng nội cỏ, thế giới an lành.

                                                           Chu Vương Miện

     

         TRÍCH THƠ XUÂN LY BĂNG

         TÔI NẰM XUỐNG

         Tôi nằm xuống quả đất vẫn quay đều.
         Mặt trời lên xuống, mỗi sáng chiều.
         Trăng tròn trăng khuyết, theo ngày tháng.
         Lãng đãng mây trời gió đìu hiu.

         Tôi nằm xuống, hoa vẫn nở bốn mùa.
         Ngát tỏa hương trời, theo gió đưa.
         Rực rỡ bướm tiên, phô màu sắc.
         Sau trời đổ nắng, trời lại mưa.

         Tôi nằm xuống, vẫn tiếng hót chim trời.
         Nhí nhảnh trên cành, mỗi sáng mai.
         Sương đọng cành khuya, như giàn ngọc.
         Tí tách trong vườn, từng giọt rơi.

         Tôi nằm xuống, màu biển xanh cứ xanh.
         Trăm muôn đợt sóng, vẫn tung hoành.
         Thủy triều lên xuống, là con nước.
         Dã tràng xe cát, vẫn đều nhanh.

         Tôi nằm xuống Hòn Bà vẫn hiên ngang.
         Đội trời đạp nước, giữa đại dương.
         Núi Cú trầm hùng nhìn âu yếm.
         Một vùng Bình Thuận một Hàm Tân.

         Tôi nằm xuống, vẫn cuồn cuộn dòng sông.
         Dẫn nước bao la, tưới ruộng đồng.
         Núi rừng còn đó, cây xanh biếc.
         Quang cảnh thiên nhiên đẹp lạ lùng.

         Tôi nằm xuống, lịch sử cứ vận hành.
         Hết hòa bình thời lại đến chiến tranh.
         Ngai tòa sụp đổ, ngai tòa dựng.
         Lãnh thổ theo thời đổi lằn ranh.

         Tôi nằm xuống con trẻ cứ sinh ra.
         Đẩy về đất lạnh lớp người già.
         Hỗn loạn tiếng cười chen tiếng khóc.
         Xe tang đụng độ với xe hoa.

         Tôi nằm xuống vẫn chảy dòng sông Dinh.
         Bãi bến nhấp nhô lắm thuyền mành.
         Phố thị La Gi thừa tấp nập.
         Màu sắc âm thanh đủ loại hình.

         Tôi nằm xuống vẫn uốn khúc Li Li.
         Nối vùng Tân thiện với La Gi.
         Gió mát bốn mùa lâng lâng thổi.
         Đàn cò bay đến lại bay đi.

         Tôi nằm xuống chuông vẫn vọng thánh đường.
         Mỗi ngày hai buổi sáng chiều buông.
         Chuông chùa Quảng Đức thỉnh đêm lạnh.
         Gọi về cõi đạo, khách bốn phương.

         Tôi nằm xuống có ai khóc thương tôi ?
         Không khóc thì thiếu, khóc thừa thôi !
         Thương xót làm chi, lộ trình ấy.
         Mọi người sớm muộn phải qua rồi !

         Tôi nằm xuống cuộc đời vẫn cứ đi.
         Tôi có hay không ? chẳng hệ gì.
         Cái có của tôi: là Đức Mến .
         Về cõi Vĩnh Hằng dẫn tôi đi.
             

          MỘT MẢNG CHIỀU

          1.
          Mẹ cho con một mảng chiều
          Có mây giăng tím chở nhiều nhớ nhung
          Có đàn sáo lượn bên song
          Lưng trâu có chú mục đồng thổi tiêu
          Hoàng hôn lá rụng thật nhiề
          Khói lam tỏa nhạt xóm nghèo bơ vơ
          Mẹ cho con một trời thơ
          Trong chuông nhật một nhà thờ xa xa.

          2.
          Mẹ cho con thêm một mảng chiều
          Có tên của Mẹ trên trời yêu
          Trong mây ngũ sắc in hình Chúa
          Có nhạc thiên đàng trong tiếng tiêu
          Mẹ cho con thêm một mảng chiều
          Có tà áo Mẹ đẹp trời yêu
          Có mây lộng lẫy gối chân ngọc
          Bên Mẹ sao trời lượn phiêu diêu
          Mẹ ban cho con một mảng chiều
          Bầu trời giăng mắc lưới tình yêu
          Cho người nhân thế cảm nhận được
          Lòng Chúa yêu họ biết bao nhiêu.

          3.
          Mẹ ban cho con một mảng chiều
          Đẹp như hạt ngọc mắt người yêu
          Trong như suối nhạc thơm vườn ngự
          Với Mẹ nữa là thật phong nhiêu
          Mẹ cho con thêm một mảng chiều
          Đẹp như xuân đến giữa trời yêu
          Có hoa nở rộ vườn thơm ngát
          Có bướm vàng giỡn nắng đìu hiu
          Mẹ cho con thêm một mảng chiều
          Có nhạc mưa buồn phổ cành tiêu
          Như lời tình tự trái tim Mẹ
          Nhắc nhở con rằng hãy mến yêu.

          4.
          Mẹ cho con một mảng chiều
          Có mây giăng thấp chở nhiều nhớ nhung
          Có đò đưa khách sang sông
          Có mưa gió giữa một vùng hoàng hôn
          Mẹ cho con một mảng chiều
          Bên tòa Đức Mẹ rụng nhiều lá khô
          Có đoàn em bé bi bô
          Đua nhau lượm lá đốt cho sạch vườn
          Tòa cao con thấy Mẹ buồn.

          5.
          Mẹ cho con thêm một mảng chiều
          Có bài hòa tấu giữa cô lieu
          Lời ca óng chuốt bay như ngọc
          Vun vút lên trời một cõi yêu
          Mẹ cho con một mảng chiều
          Lá hoa không rụng mặc nhiều gió mưa
          Con sông vắng tiếng đò đưa
          Chiều mưa ngâu, báo thay mùa Mẹ ơi!
          Mẹ cho con thêm một mảng chiều
          Mặt trời lưu luyến mặt trăng yêu
          Bên thì đỏ ửng bên xanh xám
          Phút giây giã biệt… gió đìu hiu.
          Mẹ cho con một mảng chiều
          Mặt hồ thu nở thật nhiều hoa sen
          Trông hoa mà nhớ gót tiên
          Dấu hài chân Mẹ ở miền trăng sao
          Mẹ cho con một mảng chiều
          Trời cao vun vút sáo diểu vi vu
          Một mùa xuân giữa mùa thu
          Chân trời cũ ấy xa mờ Mẹ ơi!
                       

NOEL KHÔNG CÓ CHÚA 

NOEL !
Chúa đâu ở trong đền thờ
Ngài đang nằm nơi cổng đền thánh
Cao quá đối với Ngài
Vì Ngài không bằng viên đá thấp nhất
Sang quá đối với Ngài
Vì tất cả Ngài
Giá  không bằng vòng xích sắt
Đẹp quá đối với Ngài
Vì da dẻ Ngài nhăn nheo
Không được mịn màng như màu sơn Bạch Tuyết

NOEL:
Chúa đâu ở đền thờ
Ngài đang nằm trên hè phố
Mưa gió bơ vơ
Nghe nhạc rượu say sưa
Và tiếng ly chén chạm nhau loảng xoảng
Ở một tầng lầu cao trên đầu Ngài
Làm Ngài tưởng nhớ
Hình ảnh một đống rác nham nhở
Ở ngoại ô
Và Ngài bị đánh vì mẫu xương khô

NOEL:
Chúa đâu ở đền thờ
Ngài ở trong tay một thiếu phụ
Tím bầm như miếng thịt trâu
Lạc lõng giữa đêm trường phố thị
Khi đại lộ lên ánh đèn nâu
Mẹ Ngài không tìm ra lối thoát
Đặt Ngài trên cống rảnh tanh hôi
Rồi bà biến mất

NOEL:
Chúa đâu ở trong hang đá
Ngài đang quỳ đó
Ở dưới đáy đền thờ
Bên anh và bên tôi
Ngài đã già cả
Rét run quần áo tơi tả
Ngài đang lo chốc nữa lễ hết rồi
Chống gậy lối nào cho xe người ta đừng tuông ngã
Và đứa cháu thức dậy đòi quà
Biết lấy gì cho nó
NOEL:
Chúa đâu ở trong hang đá
Ngài đang úp mặt nơi nghĩa trang
Dưới chân Thánh Giá
Khi chiều buông
Khóc thét
Nỏ cần ai nghe
Vì chỉ một người nghe thì đã chết rồi
Còn lại bảy đứa bé mồ côi
Sau một phát súng nổ
NOEL:
Chúa đâu ở trong hang đá
Ngài đang chống nạng đi trên vỉa hè
Lê la kiếp sống
Mải nghe nhạc khúc hoà bình
Hay Ngài đang nằm dài trên chõng
Mỗi chuyển dịch đều nhờ đứa con côi
Mẹ nó sang sông hơn một mùa thu rồi
Nhìn tường nhà thương phế binh màu trắng
Thấy trắng cả cuộc đời
Cố gắng giữ nụ cười
Vì không khóc được nữa
NOEL:
Chúa đâu ở đền thờ
Ngài cũng không ở nơi hang đá
Ngài chen chúc trong xóm nhà lá
Hay lác đác dưới gầm cầu
Hay đội nón mê lặn lội dưới bùn sâu
Hay vác súng nặng hơn người đi lang thang giữa trời mưa gió
Chịu đựng thật nhiều
Những mảnh đời không căn cước
NOEL !
Chúa đâu ở trong đền thờ
Ngài cũng không ở trong hang đá
Nếu không gặp Ngài trong tối tăm
Chẳng bao giờ thấy Ngài trong ánh sáng
Nếu không gặp Ngài trong nghèo khổ
Chẳng bao giờ thấy Ngài trong cao sang
Nếu không gặp Ngài ở dưới đất
Chẳng bao giờ thấy Ngài cõi Thiên Đàng
NOEL !
Chúa đâu ở trong đền thờ
Ngài cũng không ở trong hang đá
Ta tìm Ngài và muôn năm không gặp Ngài
Nếu lòng ta không mở
Cho những ai thiếu ánh sáng mặt trời
Lây lất trong vũng đời u thảm
Của một xã hội thừa súng đạn và thiếu bánh cơm.
                                               

LINH MỤC, NGÀI LÀ AI?
(Lắm lúc lẩn thẩn Linh mục cũng chẳng hiểu nổi chính mình)

Linh mục, ngài là ai? 
Có những lúc người ta thượng tôn ngài như là sứ Đức Chúa Trời, là cha phần linh hồn.Vì ngài là Người của Thiên Chúa, là người quản lý và ban phát các mầu nhiệm Nước Trời.
Nhưng cũng đã có thời người ta hốt hàng trăm, hàng ngàn Linh mục dốc xuống sông, biển hoặc đưa lên máy chém.
Thời gian bách hại người ta săn đuổi Linh mục như săn đuổi dã thú trong rừng sâu. 
Linh mục, ngài là ai?
Mở được Cửa Trời.
Và khoá được Cửa Ngục.
Khiến Thiên Thần Chúa reo mừng.
Và Quỉ ma khóc lóc.

Linh mục, ngài là ai?
Mở được mắt cho người mù.
Để họ thấy ánh Mặt Trời.
Mở được tai cho người điếc.
Để họ nghe Lời hằng sống.
Ban bánh Trường Sinh cho người lữ thứ.

Linh mục, ngài là ai?
Mà Giáo hội không thể thiếu vắng ngài?
Để muối đời cho mặn lại.
Để giải sáng cho thế giới khỏi tối tăm.
Để gặt hái về bao nhiêu lúa đồng đang rục chín.
Để kéo dài Ơn Cứu Độ của Chúa trong thời gian.

Linh mục, ngài là ai?
Ngài chỉ là một người tầm thường như mọi người tầm thường khác.
Cũng yếu đuối mỏng dòn, và bất tất.
Có lúc ngài nằm bên lòng Chúa trong bữa Tiệc ly.
Và có lúc ngài hèn nhát trong sân Thượng Tế.
Có lúc ngài hào phóng như Maria rửa chân Chúa.
Và có lúc ngài nói như tên phản bội. “các ông cho tôi bao nhiêu…”

Ôi Linh mục, ngài là ai?
Câu trả lời nằm gọn trong Trái Tim Chúa.
Xin Chúa thứ tha, gìn giữ và thánh hóa Linh mục mọi nơi và mọi thời                                                                

           SAO EM KHÔNG LẦN CHUỖI

           Sao em không lần chuỗi ?
           Những lúc trời gió mưa,
           Khi đêm về tăm tối,
           Khi lá rụng vườn trưa.

           Sao em không lần chuỗi?
           Khi trời mới rạng đông,
           Khi sương mai ngọt bùi,
           Tỏa ngát trên ruộng đồng.

           Sao em không lần chuỗi?
           Cảm tạ MẸ nhân lành
           Ơn MẸ như mưa tưới,
           Hồn em cánh đồng xanh.

           Sao không lần chuỗi?
           Sao không lần chuỗi?
           Bước đường em đi tới,
           Lần chuỗi nhé em ơi!

           Sao em không lần chuỗi?
           Mái tóc thề chấm vai,
           Bâng khâng ngày dong duổi
           Nhung nhớ bóng hình ai.

           Sao em không lần chuỗi?
           Khi lặng ngắm chiều buông,
           Trong cô đơn ngậm ngùi,
           Lệ đắng chảy vào hồn.

           Sao em không lần chuỗi?
           Cảm tạ MẸ nhân lành
           Ơn MẸ như mưa tưới,
           Hồn em cánh đồng xanh.

           Sao em không lần chuỗi?
           Khi trái gió trở trời,
           Em mong manh yếu đuối,
           Đến cùng MẸ em ơi.

              XUÂN LY BĂNG


READ MORE - THI CA THI NHÂN: XUÂN LÝ BĂNG - Chu Vương Miện & M.Loan Hoa Sử

NGẬM NGÙI CHO MỐI TÌNH PHAI - Thơ Trúc Thanh Tâm



NGẬM NGÙI CHO MỐI TÌNH PHAI

Ngày xuống, nắng trườn qua kẽ lá
Gió đi bộ mỏi gót chân son
Ta nghe giờ giấc đang di động
Chim nhắc giùm ta một khúc buồn! 

Ta đứng bên nầy con sông lở
Nhà em ngó mặt phía bãi bồi
Vậy mà, ta vẫn chưa qua được
Dõi mắt hoài đám lục bình trôi!

Bữa đám giỗ sang nhà thằng bạn
Ta giật mình, em cũng đến đây
Áo tím bà ba, bờ tóc mượt
Cuốn hồn ta, gói hết tình si!

Hơn bảy năm rồi ta lưu lạc
Chưa lần thăm lại một góc quê
Nhớ doi, nhớ vịnh mùa nước rút
Nhớ tiếng ve ngân phượng đỏ hè!

Năm ngoái, ta về thăm quê ngoại
Buồn xưa chưa tắt tới buồn nay
Cậu nói, con nhỏ gì bên ấy
Tết về chơi, gởi cháu quà nầy!

Quỳnh ngát hương thơm, trời trở gió
Bên hè dế gáy điệu nam ai
Tiếng vạc như đời em lẽ bóng
Xin ngậm ngùi cho mối tình phai!

Nếm trải giang hồ dừng chân lại
Ta cắm sào sâu để biết quên
Những chuyến phà xưa đâu còn nữa
Cầu ngang rồi, bên ấy không em!

Tình hỡi, một đời ta xin lỗi
Riêng với ta, em vẫn là trăng
Xin cảm ơn tình yêu giú ép
Chín mà chua nhớ đến kẽ răng!


TRÚC THANH TÂM
(Châu Đốc)
READ MORE - NGẬM NGÙI CHO MỐI TÌNH PHAI - Thơ Trúc Thanh Tâm

THỜI ÁO TRẮNG NGUYỄN HOÀNG - Bành Phi Lân

Tác giả Bành Phi Lân


Ký ức Trường Nguyễn Hoàng (Quảng Trị):
THỜI ÁO TRẮNG NGUYỄN HOÀNG
Bành Phi Lân

Thuở nhỏ hồi còn ở Cam Lộ tôi thường mơ ước một ngày nào đó trên túi áo của mình có chữ thêu màu xanh tên trường trung học Nguyễn Hoàng. Vì lúc đó học sinh đệ nhất cấp (cấp 2) chữ thêu màu đỏ và chỉ về tỉnh học đệ nhị cấp (cấp ba) mới thay đổi màu chữ trên áo được.Thật vậy biết bao nhiêu tự hào,vinh dự khi trở thành học sinh của một trường công lớn nhất tỉnh- Nguyễn Hoàng.

Ở quê tôi, mặc dù là vùng đất hiếu học, nhiều người nổi danh trong đó có thầy Thái Mộng Hùng, nhưng không phải ai cũng có điều kiện “xuất ngoại” về “du học” ở thị xã.Trước tôi một số anh chị đã là học sinh trường Nguyễn Hoàng và những hình ảnh ấy cứ thôi thúc chúng tôi phải làm sao tiếp tục theo bước.

Năm 1966-1967, tôi và Phùng Đình Ước, một người bạn thân  cùng học Cam Lộ, xin vào học lớp đệ tam B1 của trường Nguyễn Hoàng, còn một số bạn khác vào các ban A và C. Riêng ban B (ban toán) có bốn lớp: 2 lớp Pháp văn (B1 và B2) và 2 lớp  Anh văn (B3 và B4). Phần lớn học sinh giỏi toán tập trung vào lớp này. Tôi nhớ lớp tôi có 5 nữ sinh đều học giỏi và dễ thương như: Lê Thị Ly (sau này học Y khoa Huế và làm việc ở Pasteur Nha Trang), Phan Thị Thanh Tâm (sau học ĐHKH Huế), Cao Thị Nguyên, Bùi Thị Xuân (sinh viên Sư Phạm), bạn Hoa (quên họ mất rồi! hình như Lê Thị Hoa thì phải,học cán sự y tế).

Lần đầu tiên xa nhà nên nỗi nhớ cứ ám ảnh hoài, khiến những lần ra chơi hay đi học về thường ghé qua bến xe (ở phía trước cổng trường, bên kia đường) để mong gặp người Cam Lộ.

Năm học đệ tam, tôi trọ ở nhà người quen trong khuôn viên nhà thờ Thạch Hãn (đường Quang Trung).Từ đây đi bộ đến trường không xa và cùng đi với bạn như Nguyễn Đắc Ninh, Lê Ngọc Sử… nên đường xa hóa gần.

Năm đệ nhị, tôi ở xóm Thạch Hãn, nơi đây có những luỹ tre xanh, con đường làng nho nhỏ, người dân hiền hoà mến khách đã làm ấm lòng những người xa quê.Trong hai năm này tôi may mắn được học với quý thầy cô như môn toán có thầy Lộc, thầy Đồ.., Anh văn có thầy Tấn, cô Quỳnh, thầy Anh;Việt văn có thầy Bá, thầy Diên; Pháp văn có cô Thanh, thầy Hụê.., Sử, Địa có thầy Sang.., Lý Hoá có thầy Lâm, thầy Tường..,vạn vật cô Toàn, cô Lan…Cuối năm đệ nhị (1968) đi thi Tú tài 1 ở Huế tôi cũng đã vượt qua với hạng bình thứ.

Năm đệ nhất (1968-1969), một số học sinh chuyển qua ban A (vạn vật) trong đó có 5 cô bạn khả ái trên và làm cho lớp trống vắng ít nhiều. Lớp chỉ còn 34 bạn (toàn nam), giáo sư hướng dẫn (chủ nhiệm) là thầy Phan Văn Tường dạy hoá, thầy Lê Văn Gioang dạy Pháp văn, thầy Lê Mậu Tâm dạy triết, thầy Đào Hữu Suyền dạy toán, cô Phan Thị Ngọc Lan dạy vạn vật, thầy Hồ Sĩ Châm dạy Anh văn,thầy Lê Văn Mãn dạy sử - địa, thầy Trương Văn Bính dạy lý..

Phải nói chương trình lớp đệ nhất khoa học toán rất khó, chúng tôi không những học sách của các tác giả trong nước mà còn học và làm toán của các tác giả nước ngoài, trong đó có cuốn “Le Bossé" kinh điển, vì toán hệ số 5. Năm này cũng là năm cuối cùng của thời học sinh nên bạn bè rất quý nhau. Ai cũng biết thời gian chia xa sẽ đến nên tạo nhiều cơ hội để có kỷ niệm như tổ chức đi chơi. Liên hoan cuối năm có mời thầy Hùng hiệu trưởng, thầy Thanh tổng giám thị, quý thầy cô dạy bộ môn kể cả dạy những năm trước tham dự rồi chụp hình lưu niệm. Những tấm hình năm xưa mặc dù có tấm đã bị hư hỏng phần nào, nhưng mỗi lần nhìn kỷ niệm lại hiện về rất thân thương và gần gũi. Năm này tôi làm précepteur (gia sư) cho các con của anh chị Phan Quang Cầu (nhà Thầy trợ Đãi) ở đường Phan Thanh Giãn nên thời gian khá bận bịu.

Kì thi Tú tài 2 năm 1969 có nhiều bạn thi rớt phải đi lính hoặc kíêm cách nào đó bươn chải để mưu sinh. Tôi may mắn vượt qua và ghi danh vào trường ĐHKH Huế, học lớp dự bị 1.Thế là từ giã Quảng Trị, trường Nguyễn Hoàng thân yêu để vào Huế làm kiếp sống sinh viên

Tổ chức Chi hội Ai hữu Sinh viên_Học sinh Quảng Trị tại Huế:
          
Tôi viết thêm mục này để cùng các bạn cựu học sinh Nguyễn Hoàng gợi nhớ lại quãng thời gian đã cùng nhau vào đất Thần Kinh trọ học. Đặc biệt sau “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, chiến tranh ác liệt xảy ra ở quê nhà, khiến cho biết bao gia đình li tán, không thể về lại quê mình như trước đây.
          
Năm 1973-1974, khi tôi đang học năm thứ 4 trường ĐHSP và ĐH Văn Khoa Huế đã cùng một số bạn bè cựu học sinh Nguyễn Hoàng ở Huế như ở  ĐH Sư phạm có Lê Bân, Diệu Hoà, Hoàng Triều, Thái Mạnh Hoài, Lê Thị Ba… Văn khoa có Trương Công Hải..., Luật khoa có Trương Thị Sinh..,Y khoa có Lê Thị Ly..và nhìêu bạn khác ở trường ĐH Khoa học, mỹ thuật, cán sự y tế, vv... thành lập chi hội Ái hữu Sinh viên, Học sinh Quảng Trị tại Huế nhằm kết nối tất cả các bạn để có điều kiện giao lưu, giúp đỡ nhau trong những tháng ngày xa quê. Chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi đã tổ chức được đại hội bầu ra ban đại diện. Khách mời rất đông như quý thầy cô lãnh đạo viện đại học, các khoa, các trường cao đẳng, chuyên nghiệp.Trong đó có thầy Lê Đình Cai (dạy ở ĐH Văn khoa Huế), thầy Nguyễn Ngọc Cư (công tác ở Sở Nông Nghiệp), thầy Nguyễn Châu (giáo sư triết trường Quốc học).. và nhiều mạnh thường quân khác. Số sinh viên học sinh tham dự đông chật kín ở hội trường Quảng Trị. Đại hội rất hoành tráng và thành công tốt đẹp. Ban chấp hành chi hội Ai Hữu quy tụ nhiều thành viên đại diện cho các trường Đại Học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp ở Huế trong đó tôi (Bành Phi Lân) được bầu làm chi hội trưởng.
          
Sau đại hội, những thành viên trong BCH Chi hội Ái hữu thường gặp nhau để bàn bạc tổ chức các chương trình tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng SVHS. Chúng tôi đã liên hệ vối hội Chữ Thập đỏ ở Đà Nẵng và vào nhận tặng phẩm để đưa ra Huế  trao lại cho SVHS khó khăn.Tổ chức được 2 chuyến cho SVHS ra Quảng Trị thăm quê và phát quà cho đồng bào nghèo ở Hải Lăng, dự ngày lễ Đại trai đàn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cầu siêu cho những người tử nạn trong chiến trận Trị Thiên năm 1972 ở Cầu Dài. Một kỷ niệm không thể nào quên là chúng tôi tổ chức đêm họp mặt cuối năm âm lịch thật trang trọng với một chương trình văn nghệ phong phú, có cả tiết mục hợp xướng của ban chấp hành chi hội. Những ngày đầu năm âm lịch, chúng tôi có chương trình thăm tết đến gia đình các bạn đang sống tạm cư ở Đà Nẵng. Chúng tôi còn tổ chức lễ cầu siêu tại chùa Diệu Đế Huế và cầu hồn ở nhà thờ Huế cho đồng bào của mình trong những ngày lễ lớn.
          
Từ những hoạt động thiết thực, chi hội Ái hữu trở thành cầu nối cho tất cả sinh viên, học sinh Quảng Trị đang học tập tại Huế để có điều kiện gần nhau hơn,hiểu biết, chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Những năm tháng xa quê làm nghề “gõ đầu trẻ”:
          
Sau khi tốt nghiệp ĐHSP Huế, năm 1974 với hạng bình thứ tôi chọn nhiệm sở Bình Thuận rồi đến năm 1988 xin chuyển về BRVT và ở đó cho đến nay. Xa Quảng Trị, xa Nguyễn Hoàng từ năm 1969 đã được 40 năm. Trong khoảng thời gian này tôi chưa có dịp gặp được nhiều thầy cô, bạn bè xưa.
         
Hè 2008 tôi về lại Quảng Trị gặp được một số bạn bè trong đó có CHS Nguyễn Hoàng như Trần Văn Thiết, Hoàng Cầm, Thái Văn Phúc, Hồ Ích và ngồi “lai rai” với nhau ở bên bờ sông Hiếu....

BR-VT, 23-8-2008.
Bành Phi Lân
READ MORE - THỜI ÁO TRẮNG NGUYỄN HOÀNG - Bành Phi Lân

TÔI ĐỌC THƠ LA THỤY - Trần Mai Ngân


 
    

    TÔI ĐỌC THƠ LA THỤY

... Tôi cũng được nhà giáo, nhà thơ La Thuỵ tặng quyển THƠ ĐỜI NGÂN VỌNG.
Tập thơ không dài, không ngắn. Tròn bốn mươi lăm bài. Theo tôi, mỗi bài là một tiếng ngân vọng khác nhau - vì thế, đã tạo nên một âm thanh du dương, trầm bổng trong lòng người đọc rất tuyệt vời...
Với tôi, tôi yêu thích nhất là bài THẢ của La Thuỵ. Tôi đọc bài THẢ khi buồn, khi vui và cả khi hồn mình thanh thản hay đang tuyệt vọng...
         Chừ đây mình thả hương nồng
         Phiêu phong hoài vọng rêu rong cõi người 
Không biết có phải tác giả muốn nói hãy THẢ vào cuộc sống này những "hương nồng" cho nhau dẫu chỉ còn là "hoài vọng" trong cuộc đời ta...
"Hương nồng" này không phải chỉ dành cho tình yêu mà là cả tình người trong tất cả chúng ta! 
Đọc hai câu này tôi cảm nhận được thiện tâm của nhà thơ - thật chan hoà, nhân ái. Mà tại sao lại không cho nhau để...
        Mai kia thả nốt tuổi trời
        Thời gian cuốn hút phận đời mong manh
... Đời người tưởng dài nhưng đôi khi như thoáng qua và mong manh lắm ! La Thuỵ nói đúng . 
Hãy bỏ hết đi những đôi mắt trần gian, những tia nhìn ganh ghét, thù hằn - để ta nhẹ nhàng và sống trong yêu thương chân thành nhất . Vì đời vốn vô thường, vốn hợp tan... 
        Sắc không ừ thả bồng bềnh
        Mộng lòng dù đã ươm xanh ... thả dần
Cuối cùng là gì...
Là sắc không, không sắc... trong đạo thuyết của nhà Phật - trong Bát Nhã tâm kinh...
Ta không quá vui, quá đau buồn khi được mất. Hãy hiểu, hãy thấu "phận đời mong manh" lắm ! 
Và có yêu thuơng đến đâu, oán hận đến đâu cũng có một lúc ta phải buông và thả đi... Thiết tha cũng vậy, cách xa cũng vậy . 
Tôi xin được bắt chước nhà thơ La Thuỵ... 
       "Mộng lòng dù đã ươm xanh ... thả dần"
Đây là cảm nhận của riêng tôi về bài thơ THẢ. Tôi viết lên như một lời cảm ơn gửi đến La Thuỵ quý mến.
Nếu có sai sót hoặc không đúng ý nhà thơ mong không chấp nhé ! 
Chúc La Thuỵ luôn thành công và hạnh phúc trong cuộc sống . 
Thân mến !

           


                               THẢ
                          (Tặng TMN)

              Chừ đây mình thả hương nồng
              Phiêu phong hoài vọng rêu rong cõi người
              Mai kia thả nốt tuổi trời
              Thời gian cuốn hút phận đời mong manh.
              Sắc không ừ thả bồng bềnh
              Mộng lòng dù đã ươm xanh... thả dần.
                                                           La Thuỵ

READ MORE - TÔI ĐỌC THƠ LA THỤY - Trần Mai Ngân

TÔI VỀ TÌM LẠI - Thơ Bành Phi Lân


Bành Phi Lân
Sinh Ngày: 25-11-1951.
Quê gốc: Cam Lộ, Quảng Trị.
Địa chỉ hiện nay: Thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh BR-VT.

Số điện thoại: 0643.882.779, 
DĐ: 0986.291.118.




TÔI VỀ TÌM LẠI

Tôi về tìm lại chốn xưa
Dòng sông Thạch Hãn nắng mưa đợi chờ
Non Mai ẩn hiện sương mờ
Tiếng chuông Sắc Tứ lặng tờ sớm mai
Tôi về tìm lại dấu hài
Gót son phố nhỏ tóc mai thuở nào
Chiều nghiêng Thành Cổ hanh hao
Giáo đường xưa ấy nẻo nào tìm đâu
Tôi về tìm lại sắc màu
Tuổi thơ đánh mất nét nhàu thời gian
Còn đâu những buổi trường tan
"Ngày xưa Hoàng Thị" nắng vàng theo em
Tôi về lặng đứng bên thềm
Ngẩn ngơ trường củ lòng mềm cỏ hoa
Nguyễn Hoàng ơi nỗi thiết tha
Bên thầy bên bạn có ta có mình
Ngày vui hop mặt thắm tình
Tôi về tìm lại chính mình ngày xưa.

Bành Phi Lân
READ MORE - TÔI VỀ TÌM LẠI - Thơ Bành Phi Lân

MỘT… - Thơ Lê Mai



         Nhà thơ Lê Mai


MỘT…
                        
Một ánh mắt chơi vơi
Đủ bầm trời thương nhớ
Một nụ cười hé nở
Đủ ngỡ ngàng ban mai
Một giây chờ đợi không dài
Đủ cho mong nhớ một đời nôn nao!
Nhớ!
                                       Lê Mai

READ MORE - MỘT… - Thơ Lê Mai

CHIẾC LÁ VÀNG RƠI - Thơ Lệ Hoa Trần






CHIẾC LÁ VÀNG RƠI

Ngày ấy thư sinh thuở học trò
Tao, mầy cái tuổi chẳng biết lo
Vui say bên cánh thu vàng lá
Hai đứa cùng mơ, ước hẹn hò

Thời gian nhanh quá, vừa mới đó
Bọn mình giờ mỗi kẻ, mỗi nơi
Con thơ tay bế, bồng chờ đợi
Trông chồng tựa cửa, ngóng mòn hơi

Tòn ten chiếc võng nghe buồn tủi
Đời mãi trao ta cái thiệt thòi ?
Cứ ngỡ “ Tình luôn là mộng đẹp “
Ai ngờ ! Như chiếc lá vàng rơi.

                      Lệ Hoa Trần
                      05-07-2017

READ MORE - CHIẾC LÁ VÀNG RƠI - Thơ Lệ Hoa Trần

MỘT NGÀY KHÔNG CÓ NHAU - Thơ Thủy Điền

  
                       Tác giả Thủy Điền


MỘT NGÀY KHÔNG CÓ NHAU

Một ngày không có anh
Tiết trời như lắng đọng
Đại dương dừng cơn sóng
Vạn vật dìm ngủ quên

Một ngày không có em
Như  mùa xuân thiếu hoa
Bình minh vắng tiếng gà
Rừng thu thôi lao xao

Một ngày không có nhau
Không gian dường tê tái
Đôi tim non oằn oại.
Đất trời như đảo điên

Một ngày không bình yên
Ngày dài. Ôi ! Vô tận. 

                 Thủy Điền
               04-07-2017

READ MORE - MỘT NGÀY KHÔNG CÓ NHAU - Thơ Thủy Điền

LỜI VỌNG CHÂN MÂY- La Thụy cùng thi hữu





LỜI VỌNG CHÂN MÂY
(Cảm đề "Hát giữa rừng chiều" của ĐHT)
Non thiền lắng bợn sắc không
Suối nguồn lờ lững một dòng chân như
Hương Tây phương giũ phù hư
Thoát trùng bể khổ Thuyền Từ phiêu diêu
Hòa mình cùng chốn tịch liêu
Chuông mai Suối Đó, kinh chiều Chùa Đây
Thì thầm lời vọng chân mây
Rừng chiều ai hát riêng tây vô thường
                                       La Thuỵ

HỌA:

LỜI VỌNG CHÂN MÂY
Tâm thiền từng trải sắc không
Hữu thân hữu động lội dòng chân như
Lý tìm chân lý thực hư
Xả thân mới có hồn từ phiêu diêu
Khi rậm rực lúc hoang liêu
Vòng xoay nhật nguyệt sớm chiều là đây
Buồn vui trắng tải ngàn mây
Hạc vàng để lại lầu tây y thường
                          Võ Sĩ Quý 
           (Nha Trang,30.01.2013)

LỜI VỌNG CHÂN MÂY
Lắng lòng nuôi dưỡng tâm không
Vui cùng tuế nguyệt thuận dòng chân như
Sắc hồng mây thả phù hư
Hoa trôi suối bạc hiền từ phiêu diêu
Đâu quang đãng, đâu tịch liêu
Sắc không, không sắc những điều đó đây
Cuốn theo cơn gió đùa mây
Ngàn sao bóng nguyệt lắt lay vô thường
                                            Nhã My

VÔ THƯỜNG
Hồng trần sắc lập dị không
Cuộc đời vốn dĩ là dòng chân như
Tịnh tâm mặc lẽ thực hư
Tạm rời bể khổ hồn từ phiêu diêu
An nhiên giữa trốn cô liêu
Ươm vần gieo ý vui nhiều từ đây
Thả hồn theo gió cùng mây
Sầu như tan biến ngất ngây vô thường
                                           Clover

VỌNG TỪ HƯ KHÔNG
Lòng trần đón gió hư không
Đường trần vô trước suối dòng như như
Cõi trần sạch bóng phù hư
Tây phương: Bến đó, thuyền từ tiêu diêu
Đất trời đâu chốn hoang liêu
Tâm bình ý tịnh sớm chiều: Chùa đây
Gió yên biển lặng quang mây
Bát phong bất động phương tây: Tâm thường
                                           Lê Văn Thanh

SUY NIỆM BIỂN TÌNH
Đường trần ảo mộng có, không
Tâm hồn hướng thượng chung dòng sông như
Trái tim nhân ái nào hư
Mênh mông sóng vỗ biển Từ phiêu diêu
Sắc hồng nhân thế cô liêu
Bỗng nghe tiếng vọng về chiều đâu đây
Biển tình tỏa sáng trời mây
Tâm linh suy niệm đẹp thay vô thường.
                                       Đức Hạnh
                                        4.7.2016

ĐÂU DỄ BỎ BUÔNG!
Mây chiều bàng bạc chốn không.
Suối danh gió lợi níu dòng ngỡ như.
Biết không không biết thực hư,
Tình đau tim nát cũng từ lá diêu.
Bao lần cười khóc cô liêu.
Bỗng nhiên chợt tĩnh một chiều về đây,
Cao xanh vẽ chó trên mây,
Bỏ buông nói dễ tâm lay chuyện thường.
                                      Hoành Trần                  

KHÁT VỌNG BÌNH THƯỜNG 
Hương đời bay thoảng trong không
Nửa chừng lạc lối xa dòng tâm như
Cho đời một cõi mong hư
Nỗi buồn xa vắng, khóc từ (ngữ) Tiêu diêu
Rùng mình bỗng thấy cô liêu
Màn sương trắng mỏng cuối chiều đó đây
Không gian sụp tối chùn mây
Mong ngày mai sáng xin vay chữ...Thường.
                                      Tuấn Nguyễn
 
                                        4.7.2016


BUÔNG !
Ta về vui với thềm Không 
Nghe hồn thanh thản bên dòng Chơn như 
Sá gì một gánh thực hư
Thỏng tay rẽ sóng bến Từ tiêu diêu 
Cho dù giữa chốn hoang liêu 
Lời kinh nhịp mõ sớm chiều từ đây
Nguồn tâm hoà quyện trời mây 
Thả trôi sạch sẽ niềm tây cõi thường !
                        Sắc Tứ Minh Thiện

                       (Thích Thiện Thông)


GỬI LẠI...
Chuông chiều điểm tiếng thu không
Lá vàng rơi nhẹ thấy lòng hình như ...
Chút tình nửa thực nửa hư
Phù vân một thoáng cũng ừ, phiêu diêu
Bến đời quạnh vắng cô liêu
Chuỗi Kinh làm bạn ít nhiều từ đây
Mai về giữa chốn ngàn mây
Gửi cho làn gió cuốn bay mộng thường .
                                       Ngọc Liên
                                        05.07.16


CÕI TU !
Cõi tu có chữ tình không ?
Đi theo Đức Phật chẳng tòng " Xuân như " 
Niết bàn là chốn thực - hư 
Đã thành chính quả mơ gì tiêu diêu 
Một đời nước lọ cơm liêu 
Phồn hoa phù phiếm nhiễu điều từ đây 
Vui cùng với gió ngàn mây
Lâu rồi cũng thấy tâm linh khác thường !
                                     Nguyễn Tiến
                                       05/7/2016 


TÂM THIỀN
Sắc trần vạn pháp thảy hoàn không
Tâm trì chỉ quán suối dòng như như
Thất tình lục dục giai hư
Vượt qua bể ái, lòng từ tiêu diêu
Cần chi nương chốn hoang liêu
Không kinh, chẳng kệ - Tỏ chiều ý đây
Vô tâm đối cảnh tựa mây
Chu du khắp chốn - Phương Tây nào thường !
                                            Hồ Trọng Trí
                                              05.7.2016 
  
LỜI VỌNG CHÂN MÂY
Non cao có biết hay không
Suối trong được lọc bởi dòng huyền như
Hương trầm thỉnh Phật miền hư
Thoát ra cõi tục tạ từ..., tiêu diêu...
Hòa vào tiên cảnh bồng liêu
Chuông đồng lảnh lót vui chiều đó đây
Thì ta đón gió cùng mây
Rừng xưa vọng tiếng đông - tây thói thường...
                                             Tau Dotrong 
                                      Bắc giang, 04/7/2017

VỀ MIỀN NGUYÊN NHƯ
Bợn trần ảo sắc huyền không

Hai bờ rẽ nhánh chia dòng nguyên như
Lầm mê bỏ thực vào hư…
Hoát nhiên mộng tỉnh đại từ tâm diêu
Phiêu du vô tận trùng liêu
Chẳng mai tựa đó,không chiều nương đây
Bạch vân lướt nhẹ thuyền mây
Trừng thanh tiếp hiện trời tây chân thường
                                         Lý Đức Quỳnh

             
READ MORE - LỜI VỌNG CHÂN MÂY- La Thụy cùng thi hữu