Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, April 4, 2016

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI CỦA TÁC GIẢ KHA TIỆM LY



                                   Tác giả Kha Tiệm Ly


GIỚI THIỆU SÁCH MỚI CỦA TÁC GIẢ KHA TIỆM LY

Hân hạnh thông báo cùng quý văn thi hữu cùng quý độc giả thân mến,
Tập truyện ngắn, XÓM CÔ HỒN
Sách dày 270 trang
Với 19 truyện ngắn chọn lọc của Kha Tiệm Ly
Với 1000 ấn bản và sẽ ra mắt quý văn thi hữu cùng toàn thể quý độc giả
Vào cuối tháng 4/2016
Giá: $50.000/1cuốn + cước phí





Đây là tác phẩm xuất bản đầu tay của Kha Tiệm Ly. Hy vọng sách được quý văn thi hữu cùng quý bạn đọc đón nhận trong tình thân thương và xin được giới thiệu cùng thân hữu của quý vị.

Mua sách, XIN THÔNG BÁO VỀ ĐỊA CHỈ 

Tiền ấn phí và cước phí xin vui quý vị vui lòng gởi về địa chỉ:
Thái Quốc Tế (Kha Tiệm Ly)
99/5 Đinh Bộ Lĩnh, Phương 2, TP Mỹ Tho Tiền Giang

 Tel: 0987 701 952

READ MORE - GIỚI THIỆU SÁCH MỚI CỦA TÁC GIẢ KHA TIỆM LY

NẮNG MỚI THANH MINH - Thơ Nguyễn Khôi


 
                        Tác giả Nguyễn Khôi


NẮNG MỚI THANH MINH
       (Tặng Chu Văn Tùy)
                   ------
"Thanh minh, trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh " (1)
                         Truyện Kiều
                   
 Xuân rét âm u cả tháng trời
Sớm nay trời hửng nắng hồng tươi
Quần áo đem phơi thơm mùi nắng
Thịt da được tắm nhẹ cả người...
                    
Cây lá non xanh tới ngoại thành
Lầu hoa khoe sắc với trời xanh
- Mấy em dạo phố xông xênh váy
Hở cả lưng trần trêu mắt anh ?
                    
Nắng mới Thanh Minh báo được mùa
Về quê Tảo mộ tự tinh mơ
Giẫm lên bờ cỏ xuân mơn mởn
Nghe bàn chân xạo mấy vần Thơ.

Quê, 4-4-2016 (27-3-Bính Thân)
             NGUYỄN KHÔI
  ----
(1) Đạp thanh : đi chơi giẫm lên cỏ xanh.

READ MORE - NẮNG MỚI THANH MINH - Thơ Nguyễn Khôi

NÓI CHUYỆN BÂNG QUƠ - Tạp bút của Hoàng Đằng


           
                      Tác giả Hoàng Đằng 




NÓI CHUYỆN BÂNG QUƠ                                                                                                                     Hoàng Đằng

Ông Nguyễn Tấn Dũng thôi chức Thủ Tướng ngày 06/4/2016. Trong thời gian gần 10 năm làm người đứng đầu chính phủ, ông đã để lại cho đất nước, cho nhân dân, cho những người kế nhiệm nhiều di sản.
Tôi không có khả năng và thẩm quyền đánh giá những di sản ấy. Ít nhiều là một con “mọt sách”, thích tìm hiểu chữ nghĩa, tôi chỉ để ý đến, trong những bài phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng, những từ ngữ “hữu nghị viển vông” và “ ráng làm người tử tế”; những từ ngữ này đã khiến các “bậc thức giả” và báo chí quan tâm, tốn nhiều giấy mực giải thích, bàn luận; thành thử, theo tôi, đó cũng di sản “phi vật thể”.
Tôi không phải là “thức giả”; tuy nhiên, sau khi nghe hội luận “Làm người tử tế ở Việt Nam có khó?” của BBC tiếng Việt phát lúc 19:30 giờ ngày 31/3/2016, rảnh rỗi, tôi muốn góp ý kiến cho vui, thế thôi!  

Trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines vào tháng 5 năm 2014 trên cương vị Thủ Tướng, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Việt Nam sẽ giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc bằng biện pháp quân sự hay nộp đơn kiện Trung Quốc theo cơ chế luật pháp quốc tế, ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam sẽ không dùng biện pháp quân sự trừ khi bị bắt buộc phải tự vệ; còn về phương án đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế thì Việt Nam đang cân nhắc. Việt Nam kiên quyết bảo vệ những điều thiêng liêng: chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo và lợi ích chính đáng, và Việt Nam “nhất định không chấp nhận đánh đổi những điều thiêng liêng ấy để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viễn vông, lệ thuộc nào đó”, dù Việt Nam luôn mong muốn hòa bình, hữu nghị.
Từ kép “Viễn vong” được các phương tiện thông tin đại chúng viết thành hai chữ “viển vông”.
Trong bài “Viễn vông” hay “viển vông?” đăng trên Tuấn Công Thư Phòng ngày 23/5/2014, Hoàng Tuấn Công cho rằng đúng ra phải là “viễn vông”; “viễn vông” là biến âm của “viễn vọng” – viễn là xa, vọng là trông; viễn vọng là trông xa; còn có nghĩa bóng là “mong mỏi chuyện xa xôi”. Tuy nhiên, nhiều từ điển (Từ Điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, Từ Điển Chính Tả Tiếng Việt của Nguyễn Trọng Báu, Từ Điển Từ Láy Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, Từ Điển Việt Hán của Đinh Gia Khánh) đều viết “viển vông”, thôi cứ theo số đông mà viết “viển vông”..
Tôi lại nghĩ khác – nghĩ khác là quyền của mỗi người. “Viễn” là xa xôi và “vong” là mất, không còn trong thực tế; vì vậy, phải viết là “viễn vong”.
Còn vì sao ông Nguyễn Tấn Dũng lại dùng cụm từ “hữu nghị viễn vong”?
Trung Quốc và Việt Nam là hai nước ‘núi liền núi, sông liền sông”, nhân dân hai nước gần như có chung một nền văn hóa, chính quyền hai nước cùng theo một ý thức hệ nghĩa là có tình đồng chí, đáng lẽ hai nước tôn trọng, đùm bọc nhau mới đúng, đằng này, chính quyền Trung Quốc trong thâm tâm và trong hành động luôn “ăn hiếp” Việt Nam, cưỡng chiếm biển đảo Việt Nam, lủng đoạn nền kinh tế Việt Nam …, nhưng ngoài mặt tung hô tình hữu nghị, vậy nên ông Nguyễn Tấn Dũng gọi hữu nghị kiểu ấy là hữu nghị viễn vong.

Gần đây thôi (26/3/2016), trong phiên họp chính phủ, chỉ còn vài ngày nữa là nghỉ giữ chức Thủ Tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng có phát biểu chia tay với các cộng sự (người về vườn cũng như người ở lại chức hoặc lên chức).
Trong lời phát biểu nhắm đến số người sắp về vườn, ông Nguyễn Tấn Dũng nhắn nhủ: “ … Chúc các đồng chí và chúc luôn tôi, kỳ này nghỉ chính sách, … RÁNG làm người tử tế …”  Báo chí đều ghi RÁNG. Vậy RÁNG hay RÁN?
Là người Quảng Trị, xưa nay, nghe phát âm RÁN, giờ thấy báo chí viết RÁNG, tôi hơi bối rối, lật mấy quyển tự điển, từ điển đang có trong tay ra tra cứu.
Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của viết RÁN (ra sức); Từ Điển Việt – Anh của Đặng Chấn Liêu – Lê Khả Kế viết RÁN (try); Từ Điển Việt – Pháp của Lê Khả Kế - Nguyễn Lân viết RÁN hay RÁNG (faire des efforts) đều được Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học cho rằng có thể viết RÁN mà cũng có thể viết RÁNG.
Tôi nghĩ rằng RÁN đúng hơn RÁNG. Trước đây, người ta viết RÁN (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), sau này, do dựa theo cách phát âm của một vài vùng miền, người ta viết RÁNG. RÁN (cố gắng) và RÁN (làm cho chín trong dầu mỡ đun sôi) là một chữ. RÁN là cố gắng làm một việc khó (“Rán hành ra mỡ”: làm cho hành thành mỡ); RÁN phát âm đòi hỏi lưỡi uốn cong - một động tác cố gắng, còn RÁNG phát âm thì động tác của miệng buông thả. Bảo “RÁN làm người tử tế”, ông Nguyễn Tấn Dũng muốn nói để trở thành người tử tế cần phải  có sự cố gắng.
Vậy người tử tế là người như thế nào?
Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của định nghĩa “tử tế” là “chín chắn, kỹ càng; tốt”; Hán – Việt Tự Điển của Thiều Chửu định nghĩa “tử tế” là “kĩ lưỡng”; Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học định nghĩa “tử tế”: một là “ đủ những gì thường đòi hỏi phải có để không bị coi là quá sơ sài, lôi thôi hoặc thiếu đứng đắn – đi ra đường phải ăn mặc tử tế …”, hai là “tỏ ra có lòng tốt trong đối xử với nhau – ăn ở tử tế với nhau …” Vậy người tử tế là người đàng hoàng, chỉnh chu, tốt đẹp trong ăn mặc, nói năng, xử sự khi tiếp xúc với thân nhân, bằng hữu, cộng đồng, làng xóm, đất nước, thậm chí với đồng loại và với các loài vật khác.
Vì sao làm người tử tế phải RÁN?
Người giữ chức vụ cao cấp trong chính quyền, khi mãn nhiệm kỳ, thường đã cao tuổi, lại có “công trạng” với chế độ, hiểu biết nhiều về thời sự, ở với cộng đồng, nhiều khi tỏ thái độ “kiêu binh”, ỷ “ta đây” mà nói năng phách lối, hành động kiểu “công thần”, khinh thường cán bộ cơ sở. Vì vậy, ông Nguyễn Tấn Dũng đưa ra lời khuyên: ”phải “RÁN làm người tử tế” để nêu gương cho mọi người.
Ngoài ra, xưa nay, thế thái nhân tình cho thấy nhiều trường hợp một người nào đó, khi có chức có quyền, thì nhận được sự kính trọng, nể vì, nịnh bợ, tâng bốc, nhưng khi hết quyền, hết chức, thì bị người đời xa lánh, xem thường, nhiều khi nói xấu, “vạch lá tìm sâu”, thậm chí bắt tội những việc mà người ấy làm khi còn tại chức.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, trong lời phát biểu: “RÁN làm người tử tế”, chỉ nhắn gởi đến những vị sắp mãn nhiệm; tuy nhiên, giữa hội trường, người lưu nhiệm và người thăng nhiệm cũng có, lại thêm, các phương tiện thông tin đại chúng tường thuật cho nhân dân bằng truyền hình, truyền thanh và báo viết, báo mạng; thành ra, lời phát biểu ấy nhắm đến mọi người.

Cách giải thích và diễn dịch các cụm từ ấy là ý kiến riêng của người viết. Lẽ dĩ nhiên chắc chắn có độc giả nghĩ khác – quyền tự do tư tưởng mà!
Người viết mong được nghe những ý kiến khác ấy.

                                                          Hoàng Đằng
                                            03/4/2016 (26/2/Bính Thân)

READ MORE - NÓI CHUYỆN BÂNG QUƠ - Tạp bút của Hoàng Đằng

NHỚ - BÀI THƠ HAY CỦA THI SĨ ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Ái Nhân Bùi Cao Thế




     Ái Nhân Bùi Cao Thế


NHỚ - BÀI THƠ HAY CỦA THI SĨ ĐẶNG XUÂN XUYẾN

NHỚ
- Tặng V yêu -

Đêm tỉnh giấc
Khát mắt cười chiều qua lăn trên chiếu
Căng người
Run rẩy cuộc yêu.

Đêm dài quá
Gió trườn qua khe cửa
Mưa rỉ rả
Tiếng cười rúc rích vọng từ xa...

Hà Nội, 14 tháng 04 năm 2015
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


LỜI BÌNH:

Đời người có muôn vàn nỗi nhớ...
Nhưng có lẽ cồn cào mãnh liệt nhất là nỗi nhớ “Yêu”!
Nỗi nhớ ấy khao khát lắm
“khát yêu uống cạn bầu trời
Tắm mênh mông biển mà lời vẫn khô!”
        Ái Nhân
Nỗi nhớ “vợ” (đúng ra phải gọi thẳng là nhớ người yêu, người tình) của thi sĩ họ Đặng thì cũng cồn cào âm ỉ... và khát khao lắm lắm.
“Khát mắt cười chiều qua lăn trên chiếu”
Chiều qua?
Có lẽ những chiều đã qua chăng?
Đặng thi sĩ nhớ những ngày hạnh phúc, những đêm thăng hoa tột đỉnh đến “căng người” “run rẩy cuộc yêu”!
Đọc câu thơ này ta thấy khoai khoái... Anh khái quát về cuộc ái ân của vợ chồng thật là tinh tế... Mấy từ vẻn vẹn thôi mà ta như thấy được hai kẻ YÊU “run rẩy” mơ màng... Các giác quan như căng cứng, gồng lên dâng hiến. Ta như du miên ngây ngất!
Đột ngột tiếp sau là câu thơ:
“Đêm dài quá
Gió trườn qua khe cửa”
Làm ta chạnh lòng liên tưởng những đêm không “vợ” của anh, những đêm tê tái “gió luồn”. Những “đêm thừa năm canh” khắc khoải, cô đơn, đằng đẵng... “rỉ rả” mưa lòng!
Và câu kết :
“Tiếng cười rúc rich vọng từ xa”
Nghe như tiếng vọng về của một thời hạnh phúc
Như hạnh phúc xưa cứ mãi mãi xa dần.
Càng làm cho nỗi nhớ như dài thêm, đằng đẵng nỗi niềm!
Bài thơ chỉ bốn câu thôi mà cho ta biết bao điều suy tưởng...
Nỗi khát khao nhớ “vợ”, nhớ những “cuộc yêu” mây mưa ân ái đến “căng người”....
Những phút giây thiêng liêng “run rẩy” mãi vẫn ùa về ăm ắp trong anh, bất chấp cả mưa rơi “rỉ rả” “khe cửa” “gió luồn”...vẫn luôn hiện hữu hân hoan “rúc rích” tiếng cười của những ngày hạnh phúc!
Bài thơ như kín đáo thổ lộ một thông điệp “Người yêu ơi hãy về với anh!”, hãy về với những “cuộc yêu” “run rẩy” ngập tràn hạnh phúc và “rúc rích tiếng cười”!
Tôi như thấy như anh đang khóc. Những giọt nước mắt âm thầm “rỉ rả” chảy mãi vào thơ!

                                                    Ái Nhân - BÙI CAO THẾ

READ MORE - NHỚ - BÀI THƠ HAY CỦA THI SĨ ĐẶNG XUÂN XUYẾN - Ái Nhân Bùi Cao Thế

ĐÔI LỜI CẢM NHẬN TẬP THƠ "TRẢ LẠI NHỮNG ĐAM MÊ" CỦA TÁC GIẢ PHẠM THỊ DIỆU THU - Hồng Tâm


      



ĐÔI LỜI CẢM NHẬN TẬP THƠ "TRẢ LẠI NHỮNG ĐAM MÊ" CỦA TÁC GIẢ PHẠM THỊ DIỆU THU

Hồng Tâm vừa nhận tập thơ  "Trả lại những đam mê" của tác giả trẻ Phạm Thị Diệu Thu từ Hà Nội gửi vào  . Ấn tượng những tứ thơ ngọt ngào , dễ thương dễ nhớ đi sâu vào lòng tôi .
"Trả lại những đam mê" là đứa con tinh thần thứ hai sau khi chị ra tập tản văn "loa kèn trắng đợi anh" . Là tập thơ được công bố đứng thứ tư được độc giả bình chọn trong đêm trao giải tác giả được yêu thích nhất của SunFolower Books .
Dù chưa gặp chị , tôi chỉ xem ảnh chân dung và đọc những bài thơ hay, ngắn gọn, súc tích, dễ thương .
Tác giả  tên thật là : PHẠM THỊ DIỆU THU
Sinh ngày : 08/08/1976
Tốt nghiệp khoa Báo chí trường Đại học xã hội và Nhân văn Hà Nội
Dù có bằng tốt nghiệp nhưng chị không vào ngành báo chí mà là nhân viên phụ trách trang web của một sở tại Hà Nội .  Nhưng có lẽ vì đam mê văn chương ngấm vào huyết quản nên hằng ngày  chị dành thời gian để ghi lại những cảm xúc rút ra từ cuộc sống
Tình yêu đôi lứa là đề tài muôn thuở , nỗi nhớ nhung da diết ,cái giận hờn vô cớ , ghen trong thơ chị tôi thấy rất nhẹ nhàng  , sâu lắng và chị tự hỏi mình và người ấy :
" Em chờ anh đến đã lâu
Sao anh chẳng nói một câu hẹn hò
Hay là anh đến bất ngờ
Hay là anh chẳng bao giờ gặp em "
                             (Nhớ anh )
Và nỗi nhớ tác giả tự hỏi mình phải biết làm sao :
". Nếu nhớ anh em biết phải làm sao
Khi mùa đông đang tràn về hối hả
Khi dòng đời vẫn trôi đi vội vã
Chỉ mình em lạc lõng giữa bao người
  Bởi nhớ anh chẳng nói nên lời
Cổ nghẹn đắng con tim buồn nức nở
Tự nắm bàn tay , tự xoa mềm nổi nhớ
Để ngực run xiết chặt trái tim mình "
(Trích : nếu nhớ anh em biết phải làm sao )

Rồi nhớ _ giận _ nhớ rồi lẩn quẩn trong tình yêu :
" Tại anh nên viết vần thơ
Nên em
Em cứ
Ngẩn ngơ nhớ người " ( Tại anh )
Đặc biệt chúng ta sống trong thời đại thông tin Internet chắc hẳn biết chiếc điện thoại , những dòng tin nhắn yêu thương khi chờ đợi , khi người ấy giận chị tự hỏi :
". Anh ơi có thật anh quên
Người em bé bỏng ngày đêm đợi chờ
Một dòng tin nhắn vu vơ
Tiếng chuông điện thoại thẫn thờ lòng em " 
                                                 ( nhớ anh )
Khi chia tay vĩnh viễn cái đau khổ nhất là đem trả lại cho người bằng những lời thơ có cánh khiến tôi đọc rơi nước mắt thương phụ nữ làm sao :
". Em trả lại những đam mê , trả lại cho anh khúc tình xưa lỡ làng
Nơi em vá víu bầu trời lên hàng cúc nhớ
Nơi em vá víu niềm thương  anh trên dòng duyên nợ
Nghẹn đắng  trong tim người con gái năm nào " ( trích trong trả lại những đam mê )
Tập thơ chị là sự khao khát được yêu  , là sự chờ đợi khoắc khoải của người phụ nữ , sự hững hờ  quay lưng  ra đi vì lý do  nào đó  của chàng trai khiến tôi thốt lên :  thơ chị lãng mạn  ,hay , dễ đi vào lòng người đọc  trong đó có tôi .
Nếu ai từng yêu và trải qua cuộc chia tay  ắt hiểu , dễ cảm thông với những bài thơ của chị .
40 bài thơ đánh dấu sự ra đời đứa con tinh thần thứ hai  . Xin chúc mừng tác giả . Chúc chị vui khỏe _ thành công trong cuộc sống .

                                                Tây Ninh, ngày 27/03/2016
                                                               Hồng Tâm

READ MORE - ĐÔI LỜI CẢM NHẬN TẬP THƠ "TRẢ LẠI NHỮNG ĐAM MÊ" CỦA TÁC GIẢ PHẠM THỊ DIỆU THU - Hồng Tâm

TA NỢ ƠN NGƯỜI - Tạp bút của Nguyễn Thị Thúy Ngân

                          

            
                     Tác giả Thúy Ngân
         


               TA NỢ ƠN NGƯỜI *
                          (Tâm sự của Anh)

                                      Tạp bút: Nguyễn Thị Thúy Ngân
                                             
         Cây bút rớt lúc nào anh cũng không hay. Ang ngời bất động nhìn ra cửa sổ. Nói là cửa sổ cho oai vậy thôi chứ thực ra nó đựợc làm bằng mấy đoạn tre khoảng 50 cm cột chồng lên nhau thành cái khung có những ô vuông tí xíu. Khung được buộc vào vách của ngôi nhà cũng được che chắn bằng đủ thứ vật liệu tự chế. Mặc kệ, ngôi nhà có làm bằng bê tông cốt thép, bằng lá, bằng đất thì nó cũng là nhà. “ Ngôi nhà có cao sang quyền quý mà bên trong lạnh lẽo thì thà…!” Anh bỏ lửng câu nói, mơ màng nhìn ra của sổ

          Bên ngoài nắng rung rinh, đôi chim sẻ đùa nhau ríu rít trên nhánh mù u. Anh lắng nghe chúng trò chuyện, lắng nghe tiếng lòng mình khắc khoải… Anh nén tiếng thở dài!

- Cha… cha .. - Con trai gọi mấy tiếng anh mới giật mình quay lại.

- Chi đó con?

- Cha, bà Ba lại sang đòi… Thằng bé không nói hết câu nhìn anh đầy lo âu

- Ừa, cha biết rồi. Bà Ba có sang nữa con nói: “ Xin bà thủng thẳng cho thêm ít bữa nữa cha con kiếm được sẽ mang sang” – Nhớ lễ phép nha con, anh dặn.

- Dạ…! Thằng nhỏ  quay ra nhưng vẫn không quên ngoái nhìn cha đầy thương cảm.

          Anh cúi nhặt cây viết định chấm bài tiếp nhưng không thể nào tập trung được. “ Có lẽ mình bất tài, bất  lực không lo nổi cho các con. Con trai anh mới hơn chục tuổi đầu đã phải cùng cha làm đủ việc kiếm tiền nuôi các em. Tội nghiệp con tôi – Cha xin lỗi …” Anh thầm trách mình, mắt thấy cay cay nước như muốn ấng ậc trào ra. Anh bỏ dở trang giáo án.

         Trên lớp về tới nhà mặt trời đã quá trưa. Anh thay bộ quần áo lao động rồi dắt ngược chiếc xe đạp cà tàng ra cổng, tiện tay mức luôn ca nước ở cái lu đầu hiên tu một hơi. Anh xin làm phụ hồ thêm nửa công, hay bất cứ việc gì để có thêm thu nhập. Bất kể việc gì: bốc vác, sửa xe, rửa chén..v..v Miễn là công việc lương thiện.

         Không phải anh không chạnh lòng với chính mình. Đường đường là một giáo sư ( Theo cách gọi xưa, nay là giáo viên THPT ) Với đồng lương bèo bọt không thể đắp đổi qua ngày cho mấy cha con. Nhà anh luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Thời thế thay đổi kéo theo bao số phận con người xoay vần đến chóng mặt. Đã có lúc anh muốn buông xuôi tất cả. Song nhìn lại sắp nhỏ lòng anh thắt lại đau đớn: “ Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm” Câu nói xưa vận vào cha con không sai tí nào.

- Anh giáo, thêm nước, thêm hồ cho tui lẹ lên. Anh thợ chính hối làm cắt ngang dòng suy nghĩ. Anh rối rít

-  Có ngay, có ngay.

- Này anh giáo, học cho lắm vào rồi cũng làm  phu như tụi này thôi. Hồi xưa mấy thầy lên lớp há… Áo somi trắng, quần âu, giày da lai lịch gọn gàng. Ra đường ai gặp cũng thưa gởi: “ Một ông giáo, hai bà giáo. Còn bây giờ thì thầy giáo = tháo giày chạy ăn… ha ha…” Anh ta nói xong cười ha hả làm mấy người cũng cười theo. Anh lặng thinh.

         Đêm rất sâu. Mảnh trăng cuối tháng bé như chiếc lá đa vướng trên nhánh lá. Gió đêm mát lành, nhè nhẹ như muốn vít mảnh trăng rơi xuống trang thơ. Tâm hồn anh lai láng, trái tim anh nhạy cảm chấp bút cho những vần thơ sâu lắng đi vào lòng người. Anh đã cố căng mình ra, dang rộng đôi tay vẫn không che nổi căn nhà trống hươ, trống hoác. Ngước nhìn bầu trời qua những lỗ thủng trên mái rọi xuống lấp lánh muôn ánh sao ly ti. Đêm đẹp đến huyễn hoặc. Đống bài tập của học trò anh mới chấm xong. Anh yêu tiếng cười trong trẻo của chúng, anh yêu ngôi trường anh đã gắn bó bao năm. Anh yêu con sông Tiền Giang hiền hòa, những điệu ru ngọt ngào trĩu nhánh mù u, những bài thơ tình êm ái. Anh yêu tất thảy mọi thứ xung quanh anh và anh nhớ chị da diết.


  NHỚ VỢ *

Mấy chục năm rồi mới ngỡ đây,
Đèn khuya dầu cạn lại châm đầy.
Áo mang kỉ niệm hơi còn ấm
Ảnh phủ thời gian má vẫn hây!
·          
Nửa kiếp vắng mình, bao nỗi nhớ,
Suốt đêm cùng rượu, mấy cơn say?
Bỗng thèm môi mọng em mồi thuốc,
Lặng lẽ trên bàn hương khói bay!
                    ( KHA TIỆM LY )*

           Chị lại dẫn anh về quá khứ. Ngày quê hương anh mới được tiếp quản, anh chưa xong đợt học tập dành cho quân nhân chế độ cũ thì được tin vợ anh qua đời vì căn bệnh ung thư phổi. Anh về dưới sự quản thúc của địa phuơng. Bao năm chinh chiến rày đây mai đó, bỏ người vợ trẻ với đàn con dại. Chị cũng là giáo sư như anh. Tình yêu, hạnh phúc chẳng tày gang. Chị đi, bỏ lại cha con anh bao nuối tiếc, đau đớn, côi cút. Anh vào phòng ôm chiếc gối của chị vào lòng lặng lẽ: -“Nhớ em quá mình ơi…!”

          Cuộc sống cơm, áo, gao, tiền lôi anh vào dòng chảy không ngừng. Đám bạn thân tình thấy cảnh gà trống nuôi con cũng mai mối cho anh vài đám. Cũng có cô thương anh thật lòng. Song anh lại không thể bắt họ lại chung gánh khổ như mình, nên thôi. Anh biết cũng có thể tình yêu đến sau hôn nhân. Noí thì đơn giản vậy chứ bao gia đình rô rá cạp này không chuyện này cũng chuyện kia. Biết đâu con cái lại khổ… Có một vài người mê thơ anh có tìm tới làm quen… Mê thơ chứ không có mê người. Cuộc đời như vài cảnh tuồng hài dở khóc, dở cười.

- Anh cho tôi hỏi nhà thầy Kha ở đâu ạ. – Cô gái hỏi

- Vâng, tôi đây. Cô hỏi có việc chi? Anh trả lời

- Nhà anh đây há, anh ở đây há..há.? – Giọng cô gái đầy ngạc nhiên. Cô nhìn lại anh từ đầu đến chân, rồi nhìn một vòng khắp nhà như phân định. Xong không nói , không rằng leo lên xe rồ ga mất hút.

           Anh đứng sớ rớ chẳng hiểu đầu đuôi tai nheo, Rồi chợt nhớ ra, anh phá lên cười ha hả mà lòng đắng chát: “ Tại ta nghèo đây..” Từ đấy anh không còn có ý định tìm người chấp nối nữa.

         Trên đường lo công việc anh gặp người bạn thơ

-  Ông, ông cố bài đăng trên tạp chí nước ngoài đấy . – Người bạn hồ hởi nói.

- Thiệt à,  đâu cho tôi coi. - Anh đón lấy quyển tạp chí cười hiền hòa

- Ủa, ông không vui à. – Bạn thắc mắc.

- Vui chứ, Cám ơn ông. Chuyện nhỏ mà, tui phải học hỏi nhiều. Ông đừng có tâng tui lên mây nhen, mũi tui nổ xí lão lắm à nghen.

- Ngồi uống với tui tách trà, ông thì lúc nào cũng khiêm tốn, nhường nhịn. Có mấy ai được như ông. Tui phục ông lắm đó – Bạn vỗ vai anh tâm đắc. Hai ông bạn già hàn huyên không dứt.

          Thời gian thấm thoát trôi, các con anh đã trưởng thành. Tóc anh đã trắng màu sương. Anh dồn tất cả thời gian cho thi ca,  thơ phú. Anh muốn trả nợ áo cơm, trả nợ công sanh dưỡng cho mẹ cha, trả nợ chữ nghĩa mà bao năm anh đã học được ở trường đời.

                                                                               Thúy Ngân

   Đ/C: 39/46 Từ Văn Tư - Phú Trinh - Phan thiết - Bình Thuận
   Email: nganthuybt@yahoo.com.vn  
   ĐT: 0917 137 333

* Xin mượn bài thơ của nhà thơ Kha Tiệm Ly.

READ MORE - TA NỢ ƠN NGƯỜI - Tạp bút của Nguyễn Thị Thúy Ngân