Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, January 6, 2023

“ĐIỆU HỔ LY SƠN”, TAM QUỐC CHÍ NGOẠI TRUYỆN – Chu Vương Miện



Kế sách này là kế sách thứ 15 (trong Tam Thập Lục Kế)
Nói nôm na diễn giải qua chữ quốc ngữ là "dụ cọp ra khỏi núi"  Kế sách thứ Ba Mươi Sáu là Tẩu Vi Thượng Sách là kế hay nhất, ngược lại kế "Điệu Hổ Ly Sơn" lại là kế khó thực hiện nhất, kế này cũng có phần khó khăn chung như thế “Cưỡi trên Lưng Cọp” có nghĩa là ngồi mãi trên lưng con Cọp cũng rất là khó, mà nhẩy xuống khỏi lưng con Cọp không khéo thì Cọp nhai xương, ăn thịt chính mình, cũng không phải là dễ.
 
"Điệu Hổ Ly Sơn" chuyển ngữ ra Việt ngữ là "Dụ Cọp ra khỏi núi" cho nó giản dị dễ hiểu, thực tế thì không phải là dễ dàng như vậy, từ Điệu không phải là Đi mà cũng không phải là Giải, xin được diễn giải một cách cụ thể rõ ràng, là một người dân phạm tội nhẹ, có thể ông Xã trưởng (hay ông Lý trưởng) dẫn theo lên trên Huyện giao cho trên Huyện xét xử, trường hợp can phạm nặng nề hơn, thì can phạm đi trước, theo sau là hai anh dân đinh, tay cầm gậy và ông xã Trưởng đi theo. Còn trường hợp nghiêm trọng như trong truyện Thủy Hử của đại văn hào Thi Nại Am, thì phạm nhân là giáo đầu Lâm Xung, hai tay bị đóng gông nhẹ, cổ mang gông nặng có dấu ấn niêm phong, đi kèm theo phạm nhân có hai vị công sai cầm giáo mác, hai vị công sai này thường là quân nhân biết võ nghệ. Đến trường hợp của đô đầu Võ Tòng thì trầm trọng nặng nề hơn, hai tay vừa bị xích và bị còng, cổ đeo gông nặng và hai chân bị xích khoảng cách hai đầu dây xích khoảng 3 thước Tàu để cho phạm nhân di chuyển, hai vị công sai ngoài giáo ra còn mang theo đao nặng nữa, bây giờ diễn giải từ "Điệu" gạt bỏ đi những lời giải thích thừa, thì từ Điệu có vẻ khẩn trương và nguy hiểm hơn từ Đi và từ Áp Giải. Đi Điệu Trầm có nghĩa là đi tìm Trầm Hương và kiếm Trầm Hương, người đi Điệu luôn luôn phải trang nghiêm, quần áo phải tề chỉnh đàng hoàng, ăn nói phải nhã nhặn khiêm cung không được nói năng tục tằn thô bỉ, hai tay lúc nào cũng phải chắp trước ngực và miệng lúc nào cũng lâm râm đọc kinh cầu nguyện. Còn Điệu Hổ có nghĩa là phải bằng mọi cách nặng Tay, với đầy đủ dụng cụ nhà nghề đi săn để  "xách cổ con Cọp cho bằng được kéo nó ra khỏi Núi".
 
*
Gia Cát thừa tướng bàn việc riêng với Tiền tướng quân Ngụy Diên. Khổng Minh nói:
 
"Chuyện dàn dựng và ứng chiến với cha con Tư Mã Ý thì bổn tướng lo, trong hang Thượng Phương (tức là Hồ Lô Cốc) dài khoảng một lý đã trang bị đầy đủ, địa lôi thi chôn ở dưới lòng hang, thiên lôi thì chôn dấu trên nóc hang, còn trên lòng hang thì chất lẫn lộn có khô, cành khô, lá khô, bổi khô diêm sinh... chỉ cần gặp lửa là bốc cháy, mà có lửa thì hai thứ lôi đều nổ tung lên cả, ngoài ra trên nóc hang Hồ Lô còn đào thêm những lỗ hổng để địch nhân theo lối đó mà bò lên thì bên trên có nhân lôi, có dụng cụ thòng lọng chờ sẵn tròng vào cổ lôi lên y như bắt chó vậy. Riêng Tiền tướng quân Ngụy Diên với 500 binh sĩ tìm đủ mọi cách dụ cho Tư Mã Ý ra khỏi doanh trại trực chỉ hang Thượng Phương là thành công lớn "đại công cáo thành".
 
*
"Nếu thấy quả Tư Mã Ý thân kéo đi, thì các ngươi lập tức đến cướp trại Ngụy, chiếm lấy Vị Nam".
 
Các tướng ai nấy nghe lệnh. Khi thấy quân Ngụy kéo rốc tới trại Kỳ Sơn, quân Thục bèn hò reo vang rền bốn phía giả vờ ào ạt chạy cả về trại để bao vây. Tư Mã Ý thấy quân địch thấy bốn hướng kéo cả về cứu trại Kỳ Sơn, liền dẫn hai con, đem đoàn "trung quân hộ vệ binh" chạy thẳng đến hang Thượng Phương để đốt lương thảo. Nói về Ngụy Diên ở cửa hang đang mong đợi Tư Mã Ý thì thấy một đoàn quân Ngụy rầm rập chạy đến. Diên thúc ngựa ra trước nhìn xem, thì thấy rõ ràng Tư Mã Ý chẳng sai! liền thét lớn:
-Bớ Tư Mã Ý ! Chớ chạy!
 
Rồi múa đao tới chặn, Ý vung đao đánh Diên. Qua ba hiệp thì Diên bỏ chạy. Ý thúc quân đuổi theo. Diên cứ nhìn về chỗ có hiệu cờ “thất tinh” mà chạy. Ý thấy Diên chỉ có một mình mà quân mã lại rất ít, nên cứ yên chí hăng hái đuổi riết. Ý sai Tư Mã Sư chạy phía tả, Tư Mã Chiêu bên hữu. Ý chạy giữa, ba cha con nhất tề đuổi đánh kỳ cùng. Ngụy Diên kéo năm trăm quân chạy thụt vào hang Thượng Phương mất hút. Ý đuổi đến sát cửa hang, sai quân vào thám trước. Quân trở ra báo rằng:
-Trong hang không có phục binh nào cả. Trên núi thì kho hầm với nhà sàn liền nhau san sát dẫy dài.
Ý nói:
-Hẳn lương gạo chứa hết ở đây rồi!
Liền thúc quân mã ồ ạt tiến vào hang. Vào đến nơi, Ý nhìn lên những căn nhà lợp cỏ, chẳng thấy gạo thóc đâu cả, mà chỉ chứa rặt củi khô, nhìn sâu vào phía trong thì chẳng biết Ngụy Diên mất tích lối nào. Ý đâm nghi ngờ bảo hai con rằng:
-Nếu chẳng may có phục binh chặn lấp cửa hang thì lui đường nào?
Vừa dứt lời đã nghe tiếng reo vang rền hang núi! Những bó đuốc cháy rừng rực lao ra ào ào, đốt chặn tuyệt cửa hang. Quân Ngụy hết cả lối chạy. Rồi thì trên núi chung quanh vô số tên lửa bắn xuống chói lòa cả mắt, địa lôi nổ tung từng đám đất. Các dẫy nhà cỏ bốc cháy, củi khô bên trong bắt lửa rất nhanh. Phút chốc lửa bốc ngút trời, lửa sinh gió gió giúp lửa sức nóng dâng lên ghê gớm. Hang Hồ Lô biến thành cái bầu lửa đỏ khổng lồ!
 
Tư Mã Ý bị vây giữa biển lửa trong Thượng Phương cốc.

 Tư Mã Ý kinh hãi bay hồn! Tay chân bủn rủn bàng hoàng, đành tụt xuống ngựa, ôm lấy hai con mà khóc rống lên rằng:
-Con ơi! Ba cha con ta chết hết ở đây rồi!
Tiếng gào khóc đang vang lên, bỗng trên trời nổi cuồng phong ầm ầm, mây đen kéo tới tối tăm mù mịt, rồi một tiếng sét nổ ran trời đổ cơn mưa như trút nước! Các đám lửa trong hang tắt ngấm một loạt! Thuốc pháo hết truyền địa lôi ngừng nổ. Các đồ dẫn hỏa thành vô hiệu
(Tam Quốc Chí diễn nghĩa của La Quán Trung từ trang 1858-1859 bản dịch của Tử Vi Lang)
 
*
Tiền tướng quân Ngụy Diên đứng chở bên ngoài lưng chừng hang, toán Nhân Lôi thỉnh thoảng kéo theo vài quân Ngụy tay bị trói, cổ có thòng lòng y như bắt chó, ngồi cả lũ dưới đất. Ngụy Diên liếc mắt nhìn qua thây đầy đủ ba cha con Tư Mã Ý, cười rất khoái trá, rồi nói nhỏ gì với một ính tiểu hiệu, người này nghe và tuân lệnh chạy đi. Ngụy Diên tháo bình nước bên cổ ngựa, đưa cho ba người mà nói rằng: " Đại đô đốc gia, đây là chiến trường, mọi tiện nghi đều không đầy đủ, tạm thời dùng tạm bình nước nhà lính, chút nữa quân sư Khổng Minh tới sẽ có giải pháp an bài. Nói vừa xong thì Khổng Minh Gia Cát Lượng tới, nhìn ba cha con họ Tư Mã ngồi dưới đất bèn quay qua Tiền tường quân Ngụy Diên phán:
-Tướng quân cho kiếm đủ ngựa, cởi trói cho ba cha con tướng gia, và mời tướng gia về doanh trại của bổn thừa tướng, cho tắm rửa và ăn uống theo chế độ tiểu táo đầy đủ, chiều giờ Thân thì mời ba vị lên gặp ta và thông báo cho toàn thể các tướng lãnh từ cấp chuẩn tướng trở lên đều phải có mặt ở hiện trường. Riêng phần binh sĩ thì đặc lệnh là khỏi phải canh gác trong ba ngày, có cơm cứ ăn thoải mái, và rượu đế quốc doanh thì uống thả dàn để chờ ngày ban sư về trào.
 
*
Mọi người an tọa, thì thừa tướng Khổng Minh khai mạc. Ngài chúc sức khỏe cả bạn lẫn thù, tuyên dương công trạng của Tiền tướng quân Ngụy Diên cùng quân sĩ nhà Ba Thục. Rồi ngài nói về thành quả của cái kế sách "Điệu Hổ Ly Sơn", nó tuyệt vời ra sao, diệu dụng và thành công ở chỗ nào? khi vừa nói dứt thì mọi người đều vỗ tay. Tướng gia nhìn qua ba cha con Tư Mã Ý an tọa trên ba chiếc ghế không giống như ba người hồi trưa bị bắt ở mặt trận Hồ Lô Cốc. Như hiểu ý của Thừa tướng gia ba người đều đứng dậy, chắp hai tay xá dài Khổng Minh một cái. Người lớn tuổi hơn cả cỡ ngũ tuần, xin được phát biểu ý kiến. Không Minh Gia Cát Lượng gật đầu đồng ý.
-Bẩm Thừa tướng gia , chúng tôi nguyên là kép hát trong đoàn hát Hồ Quảng ở Đông Kinh, hát tại rạp, lâu nay vẫn được Ngụy Vương Tào Duệ và đại đô đốc Tư Mã Trọng Đạt  thuê vào trong quân doanh để đôi lúc phải đóng trò tức là "diễn tuồng ", cái anh chàng đại văn hào La Quán Trung vốn là đại đồ đệ của đại văn hào Thi Nại Am, hai vị viết truyện tiểu thuyết trường giang đại hải, bố lếu bố láo hư cấu hư bẹo uốn sừng sửa xoáy viết tào lao cố đế xuyên tạc lich sử đủ điều. Cái truyện đó không quan trọng, nhưng cho Tiền tướng quân Ngụy Diên (thường chỉ huy một Phương Diện Quân khoảng từ 5 đên 10 vạn quân) mà giờ này đích thân chỉ mang có 500 quân đi dụ Đại đô Đốc  Tư Mã Ý, và lại chính thừa tướng Khổng Minh đích thân đứng chỉ huy cho quân sĩ đào hầm hố trong hang Hồ Lô Cốc (ức là hang Thượng Phương) chuyện không bao giờ có, một vị là đại đô đốc ngang hàng với đại nguyên soái chỉ huy một lúc 15 vạn tinh binh, một vị là thừa tướng đứng đầu bá quan văn võ, nhân vật đứng dưới một người mà trên vạn người không bao giờ làm cái chuyện của tì tướng, tùy tướng và nhất là không bao giờ làm cái chuyện đần độn "ruồi bu"  như vậy!  Hiểu được cái kế sách "Điệu Hổ Ly Sơn" của thừa tường như vậy nên Đại Đô Đốc Tư Mã Ý sai ba anh em chúng tôi vốn là bọn phường chèo ra trận, để cho thừa tướng gia Khổng Minh và Tiền tướng quân Ngụy Diên thắng lợi vui lòng. Đây là sự thật trăm phần trăm thừa tướng gia có an bài số phận của ba kép hát Hồ Quảng chúng tôi như thế nào thì chúng tôi cũng hỉ xả vui lòng đón nhận. Nói xong cả ba kép hát, nhòm về phía thừa tướng Khổng Minh xá dài một cái thật dài...
 
Chu Vương Miện

READ MORE - “ĐIỆU HỔ LY SƠN”, TAM QUỐC CHÍ NGOẠI TRUYỆN – Chu Vương Miện

VÀI CẢM NGHĨ VỀ SÁCH “BÀI LUÂN VŨ GIAO CẢM THI CA, CẢM NHẬN VĂN HỌC II” CỦA NGUYÊN BÌNH - Châu Thạch



Luân vũ là từ Hán Việt, có ngha là một điệu múa vòng tròn. Nhà thơ Nguyên Bình vừa xuất bản tập sách cảm nhận văn học thứ hai của ông với tựa đề “Bài Luân Vũ Cảm Nhận Thi Ca”, tôi hiểu chung chung tập sách mang ý nghĩa là một giai điệu mà ông cảm xúc viết lên từ mỗi bài thơ, hòa âm tất cả giao cảm của ông với thơ để viết nên cảm nhận ấy trong tập sách nầy.
   
Nguyên Bình tên thật Nguyễn Bá Bĩnh, hiện ở Bà Rịa - Vũng Tàu, là một nhà thơ, một cây bút bình thơ được mến mộ. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ và bình thơ gây tiếng vang trên diễn đàn văn học. Quan niệm về bình thơ của ông như ông đã tâm sự đăng ở lời nói đầu của sách là “Tôi yêu thơ và trái tim tôi rung cảm trước vẻ đẹp của những vần thơ mà các bạn dâng tặng cho đời từ trái tim các bạn”“Những gì tôi viết thuần túy là cảm thức, ứa tràn từ trái tim, không mang nặng góc độ nhận xét hay phê bình”“Đó là mục đích của tập sách nầy, nơi ghi lại ngọn nguồn cảm xúc khi tôi đọc những vần thơ tôi yêu”


Quả thật, Châu Thạch tôi rất tâm đắc với quan niệm về bình thơ của Nguyên Bình. Hàn mạc Tử nói “Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu người là cao cả, vô biên và vô lượng, xung quanh người là mơn trớn với yêu đương vây phủ bởi trăm giây quyến luyến- Làm bằng êm dịu, làm bằng thanh bai…” thì người bình thơ cũng vậy. Người bình thơ cảm nhận cái trong trẻo, cao cả. vô biên và vô lượng mà thi nhân tả lại của đất trời hòa điệu với hồn mình, nên cũng phải đem cái “thuần túy là cảm thức, ứa tràn từ trái tim, không mang nặng góc độ nhận xét hay phê bình” để bài bình thơ của mình cũng thành một bài thơ không vần, không khô khan, làm cho người đọc cảm nhận sâu xa hơn, tận gốc rễ bài thơ mà mình đang bình, gởi vào đó chính tâm hồn của mình để lột tả tâm hồn tác giả của bài thơ, mà họ đã chất chứa trong thơ của họ.
   
Với quan niệm bình thơ như thế, nhà thơ Nguyên Bình đã đi vào thơ của mọi tác giả với phong cách như là khách ngao du, thưởng thức và ghi lại mọi cảm xúc của mình. Nhà thơ nhìn bài thơ như nhìn một vườn hoa biết bao nhiêu hương và sắc để nói về màu và độ thơm của nó chứ không phải nhìn bài thơ như một công trình kiến trúc để đếm độ cao mấy tầng của nó. Nhà bình thơ Nguyên Bình nhận định thơ với tâm hồn thi sĩ chớ không phải nghiệm thu thơ để phải tháo ráp thơ ra như tháo ráp từng cơ phận của một cổ máy nào để khen, để chê, để bày hay để góp ý. 
   
Bởi quan niệm bình thơ không phải là thầy dạy làm thơ và đọc thơ, bình thơ không phải là khen và chê thơ, mà bình thơ là diễn tả những rung động của tâm hồn mình khi hiểu thơ, hòa nhập với thơ và thăng hoa trong thơ, không khác gì diễn tả cơn say khi men rượu thấm trong thịt da mình. cho nên đọc những bài bình thơ của Nguyên Bình, tôi cứ tưởng tượng như mình đi trên thuyền hoa vào miền thắng cảnh, nhìn cảnh vật trong thơ, nghe tiếng gió của thơ và ngửi hương thơ thơm ngát trong mỗi bài thơ như ngửi hương của từng vườn hoa khác biệt, của từng loại hoa khác biệt nhau.
   
Tập sách “Bài Luân Vũ Của Giao Cảm Thi Ca” viết về thơ của 32 tác giả. Tất nhiên dưới con mắt biết chọn lựa của Nguyên Bình, thơ của những nhà thơ ấy không dỡ bao giờ, và dưới cây bút điêu luyện của ông đã mở bình hoa thơ cho thứ hương thơm dịu, thứ hương ngào ngạt tự do bay ra. Người viết bài nầy rất tiếc không thể dẩn chứng cụ thể, bởi khó mà viết ra được những ẩn chứa trong những bài bình thơ dài, bằng một bài viết ngắn vài trang của mình, trừ trường hợp bạn đọc mở cửa bước vào tập sách thanh tao kia, để hồn mình đi trên đôi bờ giấy, qua từng trang thơ thơ, là những trang viết về thơ của một tâm hồn thơ Nguyên Bình, thì bạn đọc chắc chắn sẽ thỏa lòng vì sẽ được đi trong “nguồn trong trẻo, vô biên, vô lượng, vây phủ bởi trăm giây quyến luyến” mà thơ của 32 tác giả và lời bình thơ của Nguyên Bình đem đến cho bạn.
                                                            
Châu Thạch

READ MORE - VÀI CẢM NGHĨ VỀ SÁCH “BÀI LUÂN VŨ GIAO CẢM THI CA, CẢM NHẬN VĂN HỌC II” CỦA NGUYÊN BÌNH - Châu Thạch