Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, July 6, 2020

VỜI QUÊ, TÌNH BUỒN CA DAO LỤC BÁT 1 - Thơ Nguyên Lạc



                    Nhà thơ Nguyên Lạc


VỜI QUÊ

“Sương khói chạnh niềm riêng cố xứ
Dõi mắt, xuân không, lệ đắng lòng!”
                                                (NL)

Lam dương hướng ấy chiều đến vội
Thấy những tàn phai mộng cuối trời
Đồng vọng mùa sang lời rất khẽ
Vời nhớ quê hương ngút phương đoài

Sao nhớ chi câu thơ ly khách
Chuyện ngàn xưa buồn tiếp đời nay
Sầu ly hương đong đầy mắt khách
Sao chẳng say ly rượu chiều này ?

Nhớ lắm cố hương dòng sông Hậu
Ròng lớn hoa trôi thắm biếc màu
Thương lắm quê tôi vườn trái ngọt
Sầu riêng môi mật mớm tình nhau

Ra đi là biết rồi không thể…
Mang theo hồn thơ cổ người xưa
Mang theo chút tình quê để nhớ
Chiều nay vời đó ngất một màu !

Tha hương luân lạc đầu có bạc
Vẫn mãi trong tôi cố quận nào
Bạc đầu tình ấy làm sao bạc?
Cách chi phai nhạt vị ngọt ngào ?

Vẫn mãi trong tôi vườn trái ngọt
Trăm năm môi mật mớm tình nhau
Lữ khách vời quê đoài đoạn mắt
Tri kỷ người đâu? Nắng quái sầu!


TÌNH BUỒN CA DAO LỤC BÁT 1


I. Tình Bậu Duyên Quê

“Bậu như con vịt chết chìm
Thò tay qua vớt, cá lìm kìm cắn tay” [*]

Rạch nhỏ hai bên có hàng bần
Rụng bông quyến dụ cá lòng tong
Trên bờ thương bậu tìm lưới vó
Vớt cá lòng tong, cá ròng ròng

Lòng tong và cá ròng ròng
Kho tiêu cho bậu đừng hòng quên qua
Ví dù bậu có xa ta
Mùi cá kho tộ chắc là... khó quên?

Bậu xa qua sống mình ên!
Chiều chiều ra rạch buồn tênh... qua tìm
Lục bình trôi xuống trôi lên
Bậu như con cá lìm kìm... mất tăm

Bậu còn nhớ cá lòng tong
Kho tiêu cùng cá ròng ròng. bậu ăn?
Tình qua bậu nhớ hay không?
Duyên quê kho cá lòng tong... ròng ròng! [**]

......

[*]  Má ơi ! Con vịt nó chết chìm
Con thò tay xuống vớt cá lìm kìm nó cắn tay con" [Ca dao]
[**]  Ròng ròng: - Cá lóc con/ - Khóc ròng ròng


II. Bậu Đi

Tìm bậu “mút chỉ cà tha” *
“Mút mùa lệ thủy” xót xa khôn cùng
Thấy trăng rụng xuống đáy sông
Nghe sầu trĩu nặng đoạn lòng bi thương

Bậu quên lời hứa tình chung
Bao năm qua kíếm nghìn trùng dấu chim
“Tìm em như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc anh tìm biển Đông”

Buồn tình cá đớp bóng trăng
Buồn qua đêm vắng trái bần rụng rơi
Vị bần chua lắm bậu ơi
Vị đời cay đắng bậu rồi mù không

Huơ tay lạnh một chỗ nằm
Chăn nghiêng gối lệch mất tăm bậu rồi
Ngã ba ngã bảy dòng đời
“Mút mùa lệ thủy” tìm “lòi con ngươi”

Bậu rồi như áng mây trời
Sông xưa tím biếc hoa trôi lục bình
Bậu đi để lại mùi hương
Bậu đi để lại đoạn trường trong qua

Nhớ bậu nhớ cháo le le
Ngọt canh bông bí ngọt chè hột sen **

                                    Nguyên Lạc

..........

* “Mút chỉ cà tha”, “Mút mùa lệ thủy” : Phương ngữ Nam bộ với nghĩa hoài hoài, tận cùng, rất xa ... Cũng có nghĩa là miên viễn.
** Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh bông bí nấu chè hạt (hột) sen - ca dao

READ MORE - VỜI QUÊ, TÌNH BUỒN CA DAO LỤC BÁT 1 - Thơ Nguyên Lạc

CHÙM ẢNH TRÁI PHẬT THỦ CỦA CHU VƯƠNG MIỆN








READ MORE - CHÙM ẢNH TRÁI PHẬT THỦ CỦA CHU VƯƠNG MIỆN

TIỄN HẠ, TRĂNG MƯA - Thơ Tịnh Bình





TIỄN HẠ

Tiễn mùa con nắng nói mê
Trâu nằm nhai gió bờ đê hạ nồng
Tiếng gà trưa vắng mênh mông
Tàn sen mà vẫn xanh lòng trúc tre

Buồn chi day dứt khúc ve
Bốn mùa thắp mãi nắng hè trong tim
Vườn trưa lá ngủ lặng im
Cành cao thưa thớt tiếng chim gọi đàn

Bâng khuâng gió tiễn mùa sang
Ngậm ngùi nhớ nắng thênh thang thuở nào
Cánh diều lưu luyến nghiêng chao
Vẫy tay từ giã nhé màu trời xanh

Chạnh lòng thoáng hạ hao hanh
Phượng thôi thắp lửa trên cành hoa xưa
Cuối trời lơ đãng hạt mưa
Nghe trong sương khói về chưa thu vàng...?


TRĂNG MƯA

Hình như trăng khóc bên trời
Nghe mùa lá cũ rụng rơi hiên thềm...

Hình như vườn vắng lời chim
Buồn chi cơn gió đi tìm chơi vơi...

Hình như phố vắng một người
Bờ môi tắt hẳn nụ cười ngày xa...

Mưa rơi khắp chốn không nhà
Gieo chi nhung nhớ ướt nhòa tim đau...

                                            Tịnh Bình


Địa Chỉ : Nguyễn Thị Bình (Tịnh Bình)
20AB Khu phố 1, Thị Trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh

READ MORE - TIỄN HẠ, TRĂNG MƯA - Thơ Tịnh Bình

CHÙM ẢNH HOA THƯỢC DƯỢC CỦA CHU VƯƠNG MIỆN





 

READ MORE - CHÙM ẢNH HOA THƯỢC DƯỢC CỦA CHU VƯƠNG MIỆN

CHẤP NHẬN DUYÊN PHẬN - Thơ Đỗ Anh Tuyến



CHẤP NHẬN DUYÊN PHẬN

Ngày đầu xuân không em
Con đường về không lối.
Tình yêu đi quá vội
Không theo kịp bước đường!

Tình yêu quá bình thường
Anh không sao hiểu được
Dù thời gian trôi ngược
Vẫn không hiểu được em.

Anh vội vàng nhìn xem
Bầu trời bao sao sáng.
Ánh trăng trải lai láng
Lóng lánh bóng mặt hồ.

Anh nhớ em vô bờ
Lòng trải dài vô tận.
Cuộc đời là duyên phận,
Anh đành chấp nhận...buồn!
*.
ĐỖ ANH TUYẾN
Thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
READ MORE - CHẤP NHẬN DUYÊN PHẬN - Thơ Đỗ Anh Tuyến

THẰNG HOANG - Truyện ngắn Nguyễn Đại Duẫn

Tác giả Nguyễn Đại Duẫn
                        
THẰNG  HOANG 
                                                       
Truyện ngắn
Nguyễn Đại Duẫn


 Tôi dừng xe máy bên vệ đường để tránh lối cho một đám tang. Đoàn người kéo dài trong im lặng, nghiêm trang.  Đợi cho đám tang đi qua, tôi định lên xe thì thấy cháu tôi trong đoàn người.   Tôi liền cất tiếng:
- Ê, Thắng! Đám tang ai vậy cháu?
- Thằng Hoang bạn cháu! Nói rồi nó vội vàng chạy đi …!
Tôi đi theo đám đông ra nghĩa địa, nơi an táng thằng Hoang. Huyệt đã đào xong. Mọi nghi lễ được tiến hành. Chiếc quan tài vừa hạ xuống, tôi cùng mọi người xúm lại bỏ cho nó nắm đất để vĩnh biệt. Tội nghiệp, nó là một đứa con hoang bị bỏ rơi…không có gia đình.           
Ngày đó thằng Hoang đang còn đỏ hỏn như miếng thịt bò, nhỉnh hơn bắp chuối một tí. Chị Mai đã nhặt nó trong một chiếc thùng tôn nơi đống rác. Một bé trai quấn trong tả lót, da nhăn nheo, miệng đang khát sữa khóc nấc từng cơn, chị sợ, mặt tái xanh định bỏ chạy. Nhưng tiếng khóc đã níu chân chị lại. Chị lấy nón úp lên người nó và bế về. Chị Mai sống độc thân trong căn nhà lá đầu xóm. Ngày xưa, chị cũng là cô gái xinh đẹp trong vùng. Nước da trắng ngần, khuôn mặt trái xoan, mái tóc đen mượt thoảng thơm mùi hương bưởi, trai làng anh nào cũng muốn tán tỉnh. Từ ngày đi Thanh niên xung phong về, những cơn sốt rừng dai dẳng đã làm tàn phai nhan sắc của chị. Không có anh nào lui tới, chị  đành ở vậy.
Hôm nghe tin chị nhặt được đứa con bỏ rơi, hàng xóm đến chơi chật nhà, mừng cho chị từ nay có trẻ con chị sẽ vui thêm. Ngày chị lên Ủy ban trình báo và khai sinh cho nó, chị cứ lúng túng không biết đặt tên là gì, rồi chị cứ khai cho nó cái tên là Hoang.
Cu Hoang lớn lên trong sự yêu thương của chị Mai, sự đùm bọc của chòm xóm, lớn lên nhờ củ khoai, củ sắn, con tép, con ốc mà mẹ nó kiếm được. Khi nó được mười ba tuổi, chị Mai cứ ốm vặt. Bẵng đi một thời gian, chị ngã bệnh nặng. Bác sĩ cho biết chị bị ung thư do nhiễm DIOXIN.  Như sét đánh ngang tai, chị quay cuồng trong đau khổ, tuyệt vọng. Không phải chị uổng, tiếc thương cái thân chị mà chị thương cho thằng Hoang rồi đây không ai chăm sóc, không ai giúp nó học hành…
 Cái ngày chị Mai qua đời, thằng Hoang cứ ngơ ngơ, ngác ngác như gà mất mẹ. Nó sinh ra lầm lì, ít nói, cáu kỉnh. Rồi nó bỏ học . Nó trở thành đứa cô đơn, không nơi nương tựa. Nó lên chợ ăn xin, ai cho gì cũng lấy, thấy gì cũng xin. Tội nhất là mấy ngày mưa, đầu trần đội trời, quần áo ướt tả tơi, không ai cho nó gì cả, cơn khát, cơn đói cứ dày vò cái dạ dày làm cho nó muốn ăn cắp quá! Nhưng tâm trí nó cũng cưỡng lại được, nó không muốn mang tiếng con của người có công cách mạng lại đi ăn cắp. Nó đành cho cái dạ dày kêu gào, nó đành uống nước lã cho căng bụng thay cơm…        
Tôi sang nhà anh chị chơi và thăm các cháu. Gặp thằng Thắng ngay đầu cổng, tay cầm thẻ nhang. Thấy tôi, nó mừng rối rít:
May quá! Gặp chú đây rồi, cháu định sang nhà rủ chú cùng đi.
Đi đâu vậy?
-  Đi thắp nhang cho thằng Hoang! Nói dứt lời không để cho tôi kịp phản ứng nó kéo tôi đi luôn.
Hai chú cháu đi nhanh ra nghĩa địa. Trên mộ thằng Hoang, ánh lửa tàn nhang đang còn lập lòe, hình như có ai cũng vừa thắp nhang cho nó. Thắng đưa bật lửa cho tôi, nó đi tìm được một nắm cỏ khô làm mồi cho nhang bén lửa nhanh hơn. Tất cả những thao tác của nó như người từng trải. Đột nhiên, nó quay sang tôi và bảo:
- Chú thắp nhang khấn vái mà xin lỗi thằng Hoang về cái vụ chú lở tay đánh nó dạo trước đó!          
Đúng rồi! tôi nhớ lại cách đây không lâu, tôi về quê. Trên đường đi  có một đoạn lầy lội xe khó đi qua, tôi nhờ một toán trẻ con đẩy giúp. Tôi dựng xe, cảm ơn chúng nó và đi rửa tay. Tự dưng nghe tiếng xì rất mạnh phát ra từ chiếc xe. Tôi vội chạy lại xem. Một chiếc lốp xì hơi lép kẹp, chiếc xe mất thế đổ kềnh. Bọn trẻ con hốt hoảng bỏ chạy. Tôi đuổi theo túm lấy một đứa trong bọn, đó là thằng Hoang. Trong tay nó đang cầm một chiếc đinh còn mới. Bụng bảo dạ, thằng này đâm thủng lốp rồi hoảng quá bỏ chạy đây. Chưa hỏi han gì tôi đã tát cho nó một cái “bốp” rất đau. Nó mếu máo rồi òa khóc: “Chú! Chú.. sao chú laị đánh cháu…cái đinh này..!” Không chờ nó nói hết, tôi quay lại dựng xe và đẩy về. Hôm sau, nghe Thắng kể lại là cái đinh găm vào lốp xe của tôi từ trước, thằng Hoang thấy vậy liền lôi chiếc đinh ra. Tiếng xì của chiếc lốp làm bọn chúng hoảng quá mà bỏ chạy. Tôi cứ thấy ân hận đã lỡ tay đánh thằng bé, muốn xin lỗi nó nhưng chưa gặp. Vậy mà giờ đây thằng bé đã ra đi, mong chút lòng thành này, thằng bé sẽ tha lỗi cho tôi!           
Hai chú cháu đã làm xong những thủ tục cần thiết. Thằng Thắng ngồi bệt bên nấm mồ, tay cầm hòn đất còn mới mân mê trong tay, miệng lẩm bẩm: “Thương mày lắm Hoang ơi!...”. Kéo tôi ra ngồi xuống vạt cỏ gần bên nấm mồ, Thắng kể chuyện thằng Hoang cho tôi nghe.          
…Bà Tám, người hàng xóm sang nhà thằng Hoang, thấy nó đói lả, ngất xỉu trong bếp. Bà hô hoán mọi người đến giúp đỡ. Người xoa dầu, người cho uống nước, một lúc nó tỉnh dần. Bà Tám nấu cháo cho nó ăn và đưa nó về nhưng nó lắc đầu. Bà biết tính khí thằng bé lì đòn lắm nên bà chẳng nài. Bà sang chăm sóc nó được mấy hôm thì nó khỏe lại. Bà bảo:             
- Từ nay, cháu sang chăn trâu giúp bà, thay chị Tí đi học trường huyện nhé.              
- Dạ! Thằng Hoang lí nhí đáp.
Thắng lớn hơn Hoang một tuổi, hai đứa cùng học một lớp và rất thân nhau. Từ ngày Hoang bỏ học Thắng vẫn thường qua lại chơi với nhau, bày cho Hoang học, có miếng bánh, tấm quà hai đứa cùng chia nhau. Cái Nụ, con bà Tám thương Hoang lắm. Mỗi lần mẹ bảo Nụ đưa cơm cho Hoang, lúc nào Nụ cũng kiếm miếng ngon thêm vào.                            
Hôm nay trời mát, mấy con trâu ngoan ngoãn gặm cỏ. Hoang đang nằm bên bụi cây nghĩ ngợi mông lung, mắt đang thiu thiu thì nghe tiếng ồn ào trên đê.   
- Ê! Con nhỏ! Cái gì mà xách nặng vậy? Đưa lại đây cho tụi tao coi! Mấy đứa đi học về gặp Nụ đưa cơm cho Hoang nên chặn  lại hỏi.      
- Em đưa cơm cho anh Hoang mà! Cái Nụ nói như mếu.     
Rồi chúng nó xông vào giằng co túi cơm với Nụ. Một đứa giật mạnh, túi cơm văng ra, cơm canh đổ lăn lốc trên đê. Thằng Hoang chạy nhanh đến, không nói không rằng cầm cái gậy chăn trâu đánh mạnh vào đứa lớn trong bọn. Mấy thằng vật thằng Hoang đè ngửa xuống, đứa đấm, đứa tát. Thằng Hoang cũng không vừa, nó khua tay trúng viên đá, rồi nhằm vào đầu đứa đang đè ngực nó đập mạnh, máu chảy tứa ra. Cả bọn thấy thế hoảng hồn đứng cả dậy. Lúc này Thắng cũng vừa đến kịp, lên tiếng:    
- Chúng mày hãy thôi ngay thói bắt nạt người khác đi! Nói xong, nó  nhổ nắm cỏ hôi nhai ngấu nghiến đắp vào vết thương cho bạn trong sự ngỡ ngàng của cả bọn.                               
Một buổi sáng, thằng Hoang lùa bầy trâu  đi ngang qua đầm làng, nó dừng lại xem mấy chiếc máy hút bùn đang hoạt động. Tiếng máy chạy ầm ầm, bùn theo dòng nước chảy tràn lên ruộng. Người ta vét đầm để làm gì nhĩ? Có lẽ để chống hạn!. Nó vừa hỏi vừa tự trả lời, rồi tư lự. Đầm sâu thế này trẻ con đến tắm nguy hiểm lắm!          
Mấy hôm nay nắng nóng. Mới sáng, ông mặt trời đã dậy từ lâu mang theo khối lửa đỏ au chiếu xuống làm mặt đất rực lên. Càng trưa, cái nóng oi nồng càng bức, phả vào mặt rát bỏng. Một nhóm học trò đi học về sớm, ngang qua đầm thấy nước trong xanh liền rủ nhau xuống tắm. Từ xa, Hoang thấy thế liền chạy lại để can ngăn chúng. Vừa tới nơi, thằng lớn trong đám học trò hôm nọ thấy Hoang liền bảo:
- Oắt con! Đến để gây sự nữa hả! Cút đi để chúng tao tắm.              
Hoang tức giận bỏ đi nhưng lòng nó thấy không yên. Mấy đứa cũng không bận tâm đến Hoang nữa, chúng cùng nhau nhẩy tùm xuống đầm. Đi được mấy bước, Hoang nghe tiếng “Cứu! Cứu…với…”. Hoang quay lại thì thấy hai ba đứa chới với, còn lại mấy đứa biết bơi lao nhanh vào bờ. Không kịp suy tính, Hoang nhảy xuống, lặn một hơi như rái cá, kéo lên được một đứa. Bọn trẻ hoảng quá không kịp mặc quần áo chạy về làng gọi người lớn ra cứu. Hoang nghỉ sức, lại lao xuống, ngụp lặn một hồi kéo lên một đứa nữa.  Thằng Hoang thấy thấm mệt, mặt tái xanh, nó thấy đói lắm rồi. Từ sáng nó vội đưa trâu ra đồng sớm để cày nên chưa lót dạ gì. Nghỉ một lúc, nó laị  lao xuống đầm. Trong xóm, từng đoàn người lủ lượt chạy ra. Người lớn chạy đến cấp cứu cho hai đứa, một lúc thì hai đứa tỉnh lại.  Một số người biết bơi lao xuống để cứu đứa còn lại. Một lúc sau, họ cũng kéo được lên bờ. Người xóc nước, người hà hơi mong sao thằng bé qua khỏi. Thằng Thắng cũng vừa đến kịp, nó hỏi: “Thằng Hoang, thằng Hoang đâu?”. Lúc đó mọi người mới sững sốt nghĩ đến Hoang. Thế là mấy thanh niên sức lực, bơi giỏi lại lao xuống đầm. Lặn một hồi không thấy Hoang đâu, họ lên bờ lấy lại sức rồi lao xuống tìm kiếm…         
Khi thằng Hoang được đưa lên bờ thì cái xác đã tím tái, tay chân lạnh ngắt. Mọi người đưa  thằng Hoang về và làm các thủ tục cần thiết cho một người qua đời.  Kể đến đây, Thắng  chép miệng:           
- Thật tội nghiệp! Thằng Hoang ra đi quá sớm, một cái chết oan uổng, nhưng cũng thật ý nghĩa phải không chú!     
Ngọn gió thoảng qua, sương khuya đã giăng giăng bao phủ màn đêm. Tôi và thằng Thắng chậm rải trên con đê đầu làng. Lòng tôi như thấy có cái gì nghèn nghẹn. Một con người tốt như Hoang mà không có được một cuộc sống trọn vẹn, thật chua xót. Trời về đêm càng tĩnh mịch, yên ắng nhưng tôi nghe như có tiếng văng vẵng bên tai: “Chú ơi! Hãy có lời cảnh báo về cái đầm “tử thần” để các bạn cháu không ai bị đưối nước nghe chú!”
                                                                                   
Quán Hàu, tháng 3  năm 2019
Nguyễn Đại Duẫn
51, Nguyễn Hữu Cảnh, Hùng Phú, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình
DĐ: 0977194533
TK: 53110000581134 BIDV




READ MORE - THẰNG HOANG - Truyện ngắn Nguyễn Đại Duẫn

LÀ CÁNH CỬA KHÔNG MỞ - Thơ Vĩnh Thuyên



            Nhà thơ Vĩnh Thuyên


LÀ CÁNH CỬA KHÔNG MỞ

Sau lưng là cánh cửa không mở
Sau cánh cửa là dòng sông uốn khúc bên người đàn bà lặng lẽ
Lặng lẽ ba bốn mươi năm trời tựa con nước lớn ròng vất vả mang theo
Nhiều lần em muốn hỏi
Sông ơi!
Vì sao?

Cánh đồng không còn xâm mặn khi nước lũ về
Lúa đã chín xoay quanh cuộc đời tất tả
Hết rồi bữa đói bữa no
Chỉ thời gian uốn cong thân phận và bao điều được-mất

Trước mặt là cánh cửa đã mở
Mấy mươi năm rồi không tìm làm sao gặp
Anh đã bỏ lại sau lưng một trời ký ức cùng em và dòng sông mang tên...
Sau lưng cánh cửa vẫn chưa mở
Sóng ơi!
Giờ biết làm sao?


                                                                  Vĩnh Thuyên

*

Tên thật: Dương Văn Thạnh
ĐT 0913955275.
Email: duongvinhthuyen@gmailm com
Địa chỉ: Cty Tây Ninh COSINCO số ;610 QL 22b Long Thành Nam
Hòa Thành Tây Ninh

READ MORE - LÀ CÁNH CỬA KHÔNG MỞ - Thơ Vĩnh Thuyên

NON NƯỚC ĐẠI NAM, NƯỚC ĐỔ ĐẦU VỊT, NGHÈO NGHÈO, MUỐN, THƠ “NỤC BÁT” - Thơ Chu Vương Miện






NON NƯỚC ĐẠI NAM

tiểu tòng đại
nhược tòng cường
lý thê giã, thiên giã
(Khổng Tử Gia Ngữ) *
lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng **
nhưng theo ta thì kẻ mạnh cũng thua
sử biên niên truyền lại tới giờ
lọc phần chính bỏ đi phần ba xạo
khi dư giả ăn cơm toàn gạo
khi cùng đường nhếch miệng cười trừ
dân tộc nào? mà chả nên hư
khi hưng thịnh khi thì mạt vận
từ Đông Châu Đại Đường Đại Tống
cũng cứ thua dài dài mất nước như không
từ Liêu Kim, Tiên Ty đến Khiết Đan
Dày xéo rách bươm giang san nhà Đại Hán
nước Việt ta trên ngàn năm quốc nạn
một cái vèo đuổi tuốt bọn xâm lược xâm lăng
vào thời nhà Lý
Lý Thường Kiệt xua quân chiếm Châu Ung
làm mưa gió trên đất đai Lưỡng Quảng
thời nhà Trần
3 lần đánh tan quân Thành Cát Tư Hãn
cọc Bạch Đằng cắm sừng sững còn đây ?
kể làm cái gì ?
chuyện đánh Tàu, đánh Nhậ,t đánh Tây
bao bành trướng trên đất này
trước hoặc sau thua hết trọi
rồi tháo lui bất thần không kịp nói
rời âm thầm lặng lẽ chuồn đi ?
ôi bao thời mang tiếng man di
mà sức mạnh như thần
đánh đâu thắng đó
vũ trụ cứ quay
tuần hoàn muôn thủa
đảo Trường Sa, Hoàng Sa, thác Bản Dốc
cũng chỉ là chuyện nhỏ
chả có con đường nào
cách núi ngăn sông là khó
mà chẳng qua đất nước chúng ta
đang sửa soạn trở mình

[*] nhỏ phục lớn, yếu phục mạnh
cái lí là vậy, cái thế là vậy; ý trời cũng vậy
[**] E'dop


NƯỚC ĐỔ ĐẦU VỊT

Nước chảy lá môn
Cơm đường cháo chợ
Nước chẩy đá mòn
Một khối tình lớn
Dăm khối tình con
Hết vuông lạu trỏn
Hết tròn lại méo
Tinh như kẹo kéo
Càng kéo càng dài
Càng nhai càng ngọt
Con chim đang hót
Con bướm đang bay
Ta lạc chốn này
Trăm hoa đua nỏ
Muôn hồng ngàn tía


NGHÈO NGHÈO

Sáng dậy sớm đi cày
Chờ mưa đi bừa
Một năm mười hai tháng
Có thiếu có thừa
Có ngày no ngày đói
Có muà đuọc mùa thua
Hai con trâu di trưóc
Theo sau là cái cày
Theo sau chót
Là hai vợ chồng con lừa
đồng cạn đồng sâu
bát gạo bát mồ hôi
chán mớ đời ?
từ xưa từ ngàn xưa
đến bây giờ
vẫn vác cày vác bừa
vẫn cặp bò cặp trâu
hết mưa cùng nắng
dãi dầu
giầu sang thì không màng tới
nghèo sát đất
nghèo rớt mồng tơi
bao nhiêu chế độ đã đi qua
ngưoì vãn ngang với vật


MUỐN

muốn giầu nuôi cá
muốn khá nuôi heo
muốn nghèo nuôi vịt
muốn nhai xơ mít
mua số đề ?

Chó mèo trâu
Bò lừa ngựa
Nuôi lâu ngày
mến chuồng mến chủ
cá không rõ
nhưng chim xổ lồng
là dông


THƠ “NỤC BÁT”

1
Ngày xưa ngời ngó em cười
Bây chừ lại ngó con ruồi chết toi ?
sinh ra khóc thác nằm cười
Ôi thôi cái chuyện con dòi đớng phân ?
Giầu sang khăn áo chơi quần
Miền cao đóng khố cởi trần chả sao ?

2
Người dưới thấp kẻ trèo cao
Cách nhau tới một con sào đẩy ghe
Đĩa xôi nằm cạnh tô chè
Trên cây phượng một lũ ve thét gào
Hè, hè bườn biết là bao ?
Không trường, không bạn lòng nao nao lòng
Nhìn về cố quận mù tăm

                                          Chu Vương Miện

READ MORE - NON NƯỚC ĐẠI NAM, NƯỚC ĐỔ ĐẦU VỊT, NGHÈO NGHÈO, MUỐN, THƠ “NỤC BÁT” - Thơ Chu Vương Miện

VỌNG TRI ÂM - Thơ Tuyền Linh - Nhạc: Nguyễn Văn Thơ - Biễu diễn: Lệ Tuyền -

READ MORE - VỌNG TRI ÂM - Thơ Tuyền Linh - Nhạc: Nguyễn Văn Thơ - Biễu diễn: Lệ Tuyền -

ĐỌC TÂP CÁO. PHÚ, HỊCH. VĂN TẾ. VĂN BIA “TÂM THÀNH LỄ BẠC” CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN PHÚC VĨNH BA - Châu Thạch



ĐỌC TÂP CÁO. PHÚ, HỊCH. VĂN TẾ. 
VĂN BIA  “TÂM THÀNH LỄ  BẠC”
      CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN PHÚC VĨNH BA
                                                      Châu Thạch

Nhà thơ Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, một cây bút  thuộc bậc thượng thừa thành phố Huế, chuyên về lối văn Biền Ngẫu, là lối văn có cấu trúc văn chương cổ xưa, trong đó lấy đối làm nguyên tắc cơ bản, tạo cho lời văn sự nhịp nhàng cân đối.

Nhà văn Nguyễn Phúc Vĩnh Ba

Theo nghĩa chữ Hán, “Biền” là hai con ngựa chạy song song với nhau, “Ngẫu” là chẳn đôi. Biền ngẫu là cách nói hiện tượng hóa, chỉ những thể văn trong đó có các câu sóng đôi đối nhau từng cặp, có vần điệu hài hòa,sử dụng điển tích, từ ngữ xúc tích.

Nhà thơ  Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, người chúng tôi thường gọi là Mệ, vì họ Vĩnh Phúc cúa ông thuộc hoàng tộc triều Nguyễn. Nhà thơ đã xuất bản một tập sách trong đó bao gồm các bài cáo, phú, hịch, văn tế, văn bía, viết theo cấu trúc văn chương biền ngẫu, lấy tựa đề sách là “Tâm Thành Lễ Bạc”

Châu Thạch tôi, thật tình dốt về các thể văn nầy, nhưng khi đọc sách của Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, cảm nhận được đây là một tập sách rất có giá trị văn học, cần cho thế hê bây giờ và mai sau , nên cao hứng phải viết về nó, như con dế  nằm trong cỏ thấy ngôi sao lóe sáng trên bầu trời thì gáy vậy.

Trước khi đi vào sách nầy ta cần có khái niệm  về các thể văn biền ngẫu, hầu tác động trí tò mò muốn đọc cúa ta. Tôi tra cứu trên google và tạm định nghĩa ngắn gọn như sau:

Văn Cáo:  Cáo là một thể văn thư có cội nguồn từ thời xa xưa, nhà vua dùng để ban bố cho thần dân nhằm trình bày chủ trương, công bố kết quả một sự nghiệp. Sau nầy đổi tên gọi thành chiếu, chiếu chỉ.

Văn Phú : Phú là một thể văn chương cổ của Việt Nam, xuất phát từ Trung Hoa. Đây là một thể văn vần có từ thời nhà Hán, nhưng thể phú thông dụng nhất tại Việt Nam là loại đặt ra từ đời nhà Đường, nên còn gọi là Đường phú. Những thể khác ít dùng.

Văn Hịch: Hịch là thể văn nghị luận thời xưa, thường được vua chúa, tướng lĩnh viết ra một phong trào dùng để cổ động, thuyết phục hoặc kêu gọi đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. Hịch có kết cấu chặt chẽ, có lý lẽ sắc bén, có dẫn chứng thuyết phục. Đặc điểm nổi bật của hịch là khích lệ tình cảm, tinh thần người nghe. Hịch thường được viết theo thể văn biền ngẫu (từng cặp câu cân xứng với nhau). 

Văn Tế: Thời xưa, trong thủ tục tế lễ trời đất, núi sông thường có bài văn cầu chúc. Về sau, khi chôn cất người thân người ta cũng dùng văn tế để tưởng nhớ người đã mất.  Cùng với sự phát triển của xã hội, nội dung văn tế cũng ngày một phong phú thêm. Đó là sự uất ức về cảnh nước mất nhà tan, xót thương cho những người dám hi sinh vì nghĩa lớn, lên án bất công như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế đồng bào chết vì nạn bão lụt ở Nghệ - Tĩnh của Phan Bội Châu...; hay bộc lộ nỗi đau thương có pha lẫn tiếng cười trong Văn tế sống vợ của Trần Tế Xương, mỉa mai giễu cợt trong Văn tế thuốc phiệnVăn tế xôi thịt của tác giả khuyết danh, châm biếm và đả kích trong Văn tế Cutxô của Nguyễn Văn Từ, văn tế Nguyễn Du của Kha Tiệm Ly đoạt giải nhất toàn quốc vừa qua. 

Văn bia:Văn bia là một loại thư tịch, có niên đại rõ ràng, có giá trị như những tác phẩm văn học, nghệ thuật, chứa đựng hệ thống thông tin nhiều mặt về lịch sử, kinh tế, xã hội... đương thời, không chỉ có giá trị trong quá khứ mà còn cả trong hiện tại. Văn bia (Bi văn) là từ dùng để chỉ bài văn khắc trên bia đá.


 Tập sách “Tâm Thành Lễ Bạc” của Nguyễn Phúc Vĩnh Ba có 17 bài  văn, trong đó gồm có 1 bài cáo, 1 bài hịch, 2 văn bia, 9 văn tế, 3 bài phú và 1 điếu văn. Theo nhận định của nhà văn Nguyễn Văn Uông thì “văn phong trang trọng, chỉnh tề, đúng vần luật . Đọc qua một lần nghe  nhạc điệu biền ngẫu râm rang hùng tráng; đọc lại thấy tư tưởng  phấn chấn rộn ràng như những hồi kèn xung trận. Thật là một dụng công hiếm có”.

Vì thể văn  cáo, Phủ, tế… nầy rất dài nên tôi chỉ xin trích ra đây một đôi câu đầu bài văn để chúng ta có ý niệm về bút pháp của Nguyễn Phúc Vĩnh Ba mà thôi:

 “Vua một nước lưu đày vì nước, khổ ấy là vinh
Người hai quê khoắc khoải nhớ quê, chết mà như sống
Việc bôn tẩu mưu đồ diệt tặc, dân còn ghi khắc cốt tâm mình
Chuyện bại hư hữu chi vô thời, sử đã chép công bình chính thống”
                                  (Văn tế vua Hàm Nghi)

“Hỡi ơi!
Trời còn nổi gió hướng Nam
Đất đà khóc người xứ Bắc
Những tưởng xông xáo trường văn trận bút, cho thỏa lòng mong muốn thuở: Tiếng ta còn
Ai hay vắng hoe gò trống đồi hoang, mà thắt ruột đau một đời: Tiên sinh mất
Con trẻ Tạo sao quá đành hanh?
Lão già Thiên lẽ nào quá quắt!”
                 (Văn Tế Nam Phong Chủ Bút) tức  cụ Phạm Quỳnh

“Khéo thay
Rồng đã hết hạn
Rắn đã tới phiên
Rồng bay trên cao, bay bổng tời xanh, lộn ngược lộn xuôi, thế cũng có ngày cong đuôi chạy
Rắn bò dưới thấp, bò lê đất đỏ, quẳn qua quẳn lại, ai ngờ gặp buổi ngẩn đầu lên
Sự thế đổi thay, âu cũng là điều tất yếu
Việc đời biến hóa, chẳng qua vốn lẽ đương nhiên.
                           (Quy Tỵ Tân Niên Phú)

Qua một vài câu văn mở đầu trên, ta thấy lời văn biền ngẫu của Nguyễn Phúc Vĩnh Ba thật là giản dị, dân dã mà xúc tích, hàm chứa trọn vẹn ý tứ, cũng như đối ngẫu nhẹ nhàng, thanh thoát. Còn về sự sâu nhiệm thì nhà văn Nguyễn Văn Uông đã viết trong lời bạt như sau:

“Đọc Tâm Tình Lễ Bạc của  Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, người đọc cảm khái được cái hào sảng đong đầy từng câu chữ, khơi dậy hào khí dân tộc qua những thăng trầm lịch sử”
“Một tập sách gắn bó với tình tự dân tộc như thê xuất hiện trong gia đoạn “Cái học nhà nho đã hỏng rồi”. Một “tấm lòng” với dân với nước cần được nhìn nhận như một cống hiến đáng trân trọng, cổ xúy”

Nhà thơ ZuLu DC, một cây bút bình luận văn thơ có uy tín ở hải ngoại đã nhận định như sau:

“Công phu và tâm huyết lắm bạn ta. Một chi tiết rất quan trọng, đó là cách gieo vận trong văn biền ngẫu, văn biền ngẫu thường là độc vận, nó chứng tỏ khả năng, bản lãnh và trí tuệ của người sáng tác, về mặt này, hiện nay chưa có tác giả nào qua mặt NPVB !
Một điều cần nêu rõ là, từng chi tiết trong bài viết của Mệ là chính xác, không hư cấu, hứng tình viết bừa bãi, theo cảm tính của nhiều tác giả xử dung biền ngẫu gần với thơ tự do!”

Nhà thơ Kha Tiệm Ly. Người vừa đoạt giải nhất tòan quốc năm 2020 trong  cuộc  thi viết văn tế Nguyễn Du đã viết: “Tôi nể phục anh Nguyễn Phúc Vĩnh Ba về tài năng lẫn đức độ.”

Nhà thơ Lang Trương, cây bút viết phú, viết văn tế đầy uy tín, được mến mộ hiện nay đã viết về Nguyễn Phúc Vĩnh Ba  như sau:

“Anh Nguyen Phuc Vinh Ba là hậu duệ đời thứ 06 của Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế Gia Long. Anh là nhà giáo đầy tài năng và tâm đức được các đồng nghiệp kính trọng. Trong anh vẫn chảy dòng máu cao quý của dòng dõi vương giả. Tôi thực sự ngưỡng mộ, kính trọng anh về nhân cách và tài năng. Tâm Thành Lễ Bạc là tuyển tập những bài văn biền ngẫu theo thể Phú Đường Luật Độc Vận, một thể văn cổ rất khó viết, đòi hỏi tác giả phải có tâm, tầm và vốn liếng ngôn ngữ phong phú, khoáng đạt. Tuy tập sách in kiểu nhà nghèo chỉ dành tặng bạn bè nhưng là ấn phẩm rất có giá trị văn học. Tôi học hỏi được nhiều điều từ các bài viết của anh. Kính.”

Châu Thạch trân trọng giới thiệu cùng quý thân hữu và bạn đọc tập sách  có giá trị nầy. Ước mong sách sẽ đi vào lòng người và nhà trường để những gia trị văn chương văn hóa dân tộc còn tồn tại mãi mãi trong thế hệ hậu sinh ./.
                                          Châu Thạch


READ MORE - ĐỌC TÂP CÁO. PHÚ, HỊCH. VĂN TẾ. VĂN BIA “TÂM THÀNH LỄ BẠC” CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN PHÚC VĨNH BA - Châu Thạch