Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, June 24, 2016

LỜI BÌNH NGẮN TẬP 2 - Phạm Đức Nhì


         
                  Tác giả Phạm Đức Nhì




LỜI BÌNH NGẮN TẬP 2

Lời Nói Đầu
1/ Bài Hát Đi Tìm Chúa Tôi
2/ Bài Thơ Có Câu Thơ Nội Gián
3/ Ai Yêu Ai Say Đắm?
4/ Câu Đối Về Chữ Hiếu
5/ Chăn Trâu Đốt Lửa: Bài Thơ Có Ý Tứ Rất Hay
6/ Hai Phong Cách Bình Thơ
7/ Một Cách Diễn Đạt Khác Về Tứ Thơ
8/ So Sánh Chăn Trâu Đốt Lửa Và Sông Lấp
9/ Sự Chờ Đợi
10/ Vị Trí Của Thơ Đường Luật

Lời Nói Đầu

Đây là những Lời Bình Ngắn, đứng riêng rẽ, nhắm vào một câu, một đoạn, một ý thơ riêng biệt. Đôi khi cũng bàn đến một điểm nhỏ (rất nhỏ) liên quan đến Thơ nói chung. Lời Bình Ngắn cũng có khi được trích từ một bài bình thơ hoặc một bài tiểu luận bàn về Lý Thuyết Thơ. Mục đích của việc “cắt nhỏ” như vậy là để “vừa miếng” cho những người mới làm quen với thơ, đang bước đầu tìm hiểu cách thưởng thức một bài thơ, đang tìm cách trả lời câu hỏi “Thế nào là một câu, một đoạn, một bài thơ hay?” Và “Thế nào là một câu, một đoạn, một bài thơ dở?” Một đôi khi cũng có Lời Bình Ngắn hơi “dài”. Lý do: người viết muốn bàn sâu về một điểm đặc biệt nào đó của lý thuyết thơ hay một tiêu chí quan trọng để thẩm định giá trị nghệ thuật của bài thơ.

Xin nhắc các bạn trẻ - đối tượng chính của những bài viết như thế này – nên luôn để mắt vào Cái Đẹp Tổng Thể Của Bài Thơ. Có những câu thơ đứng riêng một góc trời thì rất hay, rất tuyệt. Nhưng khi đưa vào bài thơ thì lại không hợp, có khi còn trở thành vật cản đối với dòng chảy của tứ thơ. Nhận biết được một câu thơ, đoạn thơ hay là một bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, phải đặt câu thơ , đoạn thơ đó vào khung cảnh bài thơ, cân nhắc, xem xét những tiêu chí khác - đặc biệt là dòng chảy của tứ thơ, hơi thơ và hồn thơ - để sau cùng đi đến kết luận chung cuộc, có tính tổng hợp về giá trị nghệ thuật của bài thơ.

BÀI HÁT ĐI TÌM CHÚA TÔI

Mỗi năm cứ đến giữa tháng 12 là các đài truyền thanh, truyền hình Việt ngữ, các nhà thờ, các Mall, các trung tâm sinh hoạt của người Việt lại rầm rộ phát nhạc Giáng Sinh. Tôi chú ý đến bản nhạc Đi Tìm Chúa Tôi vì có 2 câu đầu, theo tôi, tác giả viết hơi vội, hơi ẩu hoặc vô ý.
Này một hài nhi vừa sinh ra đời Hãy đến mau kính dâng lạy ngườiTại sao thấy hài nhi sinh ra đời lại phải đến dâng lạy? Như thế thì (chỉ riêng ở Houston) một ngày phải lạy biết bao nhiêu hài nhi? Nếu hai câu ấy nằm ở giữa bài thì không nói làm gì. Thính giả ít nhất cũng đã được dẫn dắt vào khung cảnh ngày lễ và hiểu được là hài nhi được nói đến chính là Chúa Hài Đồng. Đàng này chưa biết ất giáp gì đã bị hối thúc đi lạy hài nhi. Những người không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo sẽ thấy ngỡ ngàng, gai gai khó chịu. Mà ngay đối với con dân Chúa cũng thấy chướng; một bài hát về đạo mà vô ý đến độ gây phản cảm. Tác giả đã dựa vào tâm cảnh của mình mà viết, đã không quan tâm nên không có sự hiệp thông với khán thính giả. Chức năng truyền thông của bản nhạc (ở đoạn này) thất bại.

BÀI THƠ CÓ CÂU THƠ NỘI GIÁN

Chăn Trâu Đốt Lửa
Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.

Trong bài Lục Bát Và Chăn Trâu Đốt Lửa ông Nguyễn Lâm Cúc đã viết:
Khung cảnh trong bài thơ là cánh đồng miền Bắc, nơi mà dù vụ gặt vừa mới xong rạ rơm cũng không còn lại bao nhiêu, vì suốt cả một vùng đồng bằng dọc theo châu thổ sông Hồng, người nông dân quí rạ không khác gì sản phẩm khác. Họ tận thu rơm rạ để làm thức ăn cho trâu, bò; để đun nấu, để làm vách đất nữa. Vì vậy, cánh đồng sau vụ gặt mùa Đông chỉ còn rất nhiều gió và cái lạnh thấu xương.
http://nguyenlamcuc.vnweblogs.com/print/2509/129996 
Trong bài “Chăn Trâu Đốt Lửa”: Sâu Sắc Một Triết Lý Nhân Sinh nhà phê bình Đức Thọ cũng đề cập đến sự hiếm hoi của rơm rạ sau vụ gặt Đông:
Câu thơ thứ hai nhà thơ khẳng định “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều”. Đúng vậy, trong mùa hanh heo mà đã gió đông thì khi thổi cháy bao nhiêu rơm rạ cho vừa.
http://lucbat.com/news.php?id=3470 
Trong đầu tôi tức khắc hiện ra câu hỏi: Trong hoàn cảnh đó làm sao có đủ than lửa để củ khoai cháy thành tro được?
Tôi có điện thoại hỏi một ông chú họ xa ở ngoại thành Hà Nội thì được cho biết: “Nếu chịu khó kiếm cành khô, củi mục ở nơi khác gom lại thì với chút ít rơm rạ còn sót ở cánh đồng cũng có thể tạo được “bếp lửa” để nướng khoai nhưng phải chăm chút, che chắn cẩn thận, chứ như thi sĩ của chúng ta “Mải mê đuổi một con diều” thì chỉ chốc lát là rơm rạ đã bay tung tóe, lửa tắt, củ khoai chưa chắc đã chín chứ làm gì có cái cảnh “Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.” Mà dù - cứ cho là với cái tài “gầy bếp” đặc biệt của trẻ chăn trâu - củ khoai nướng đã thực sự thành tro thì câu thơ “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều” cũng đã “đi ngược đường” với tứ thơ.

Trong quân đội đôi khi có những người lính “vô tích sự”, cháu của ông Bộ Trưởng này, con của ông Tổng Cục kia, có mặt ở Bộ Chỉ Huy, Bộ Tư Lệnh chỉ để làm vì, để bảo vệ “chữ Thọ”, để khỏi phải lao vào chỗ sống chết nơi trận địa. Khi đụng chuyện chẳng những không giúp ích được gì cho đơn vị mà có khi còn vướng chân, vướng tay những người lính khác trong việc hoàn thành nhiệm vụ của họ. Đặc biệt hơn, còn có những người lính làm nội gián cho địch để cản trở, để phá hoại việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Trong thơ, tôi đã gặp khá nhiều những câu thơ “vô tích sự”. Có lẽ tôi sẽ đề cập đến những câu thơ “thừa” này vào một dịp khác. Riêng trường hợp Chăn Trâu Đốt Lửa thì “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều” chính là câu thơ nội gián. Không những nó không giúp làm tăng độ khả tín, sức thuyết phục của tứ thơ mà ngược lại, đã trở thành một chướng ngại vật ngăn cản hành trình qua đó độc giả tiếp cận tứ thơ để rồi đi đến chỗ đồng cảm với tác giả.


                                                                         Phạm Đức Nhì 

                                                                  nhidpham@gmail.com

 AI YÊU AI SAY ĐẮM?

Qua bài Lạm Bàn Thêm Về Tranh Luận Việc Bình Thơ của Châu Thạch viết để tham dự cuộc bàn cãi vui xung quanh bài thơ Trăng Lên của Lưu Trọng Lư tôi thấy anh với tôi đồng ý với nhau ở nhiều chỗ nhưng có một khác biệt khá quan trọng trong việc hiểu ý nghĩa của bài thơ. Nhận định của anh như sau:

Nếu “Trăng lên” là lời của cô gái thì nhất định là cô ta đã công nhận chàng lọt vào mắt xanh của mình như Phạm Đức Nhì đã nói. Ngược lại, “Trăng lên” là lời của người nam thỉ rõ ràng người nam chỉ muốn bày tỏ “sự say đắm si mê của chàng” như Nguyễn Khôi đã viết, vì chuyện người nam chỉ nhìn vào mắt cô gái mà khẳng định cô ta đã yêu mình say đắm thì thật ra quá hấp tấp …

Khi viết những dòng chữ này anh Châu Thạch đã dựa vào một “nguyên tắc” mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã có lần phát biểu: … Vì nhà thơ nhìn bằng con mắt của người đầu tiên. Đó là những hình ảnh mới tinh, chưa có vết nhòa của thói quen, không bị dập khuôn vào những ý niệm trừu tượng định trước. Mượn câu nói của một nhà văn Pháp, nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất.

Bởi vậy, nếu từ 2 câu thơ:
     Mắt em là một dòng sông
     Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.
mà hiểu là “nàng đã yêu ta đắm say” (như PĐN) thì theo Châu Thạch, coi chừng bị … sai. Lý lẽ của anh xem chừng quá vững; độ chính xác ít nhất cũng phải 99,9%.

Nguyên tắc “nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất” có mục đích kêu gọi thi sĩ bày tỏ chân thật cảm xúc của chính mình, không dùng thơ để thương vay khóc mướn, nói hoặc đoán mò tâm trạng của người khác. Nhưng nguyên tắc này lại có ngoại lệ. Một trong những ngoại lệ được một vài thi sĩ áp dụng liên quan đến đội mắt. “Mắt là cửa sổ linh hồn”. Đặc biệt khi cảm xúc dâng cao, tâm trạng con người càng thể hiện rõ nét qua khung cửa sổ ấy. “Nhìn đôi mắt, đặt tâm trạng” (dĩ nhiên là tâm trạng của người khác), trong thơ vẫn có thể chấp nhận được. Mà đâu cần phải “bốn mắt nhìn nhau, nhìn thật lâu” mới cảm được tâm trạng; chỉ cần một cái liếc thoáng qua là cũng có thể “thấy” được khá chính xác.

Chúng ta thử đọc 2 câu thơ của Thâm Tâm trong Tống Biệt Hành:
       Bóng chiều không thắm không vàng vọt
       Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.
Ta biết người buồn lắm vì nhìn mắt người như chứa cả bóng hoàng hôn. Đây là lời nói của người đưa tiễn nhưng lại là tâm trạng của người ra đi. Thâm Tâm đã không chịu nghe lời khuyên của nhà văn Pháp nào đó - làm thơ ở ngôi thứ nhất - nhưng câu thơ của ông vẫn được xếp vào những câu thơ hay nhất trong khung cảnh tiễn biệt. Đó là vì ông đã cho người đưa tiễn “nhìn đôi mắt, đặt tâm trạng” của người ra đi. Người ra đi thì buồn như thế, còn người đưa tiễn có buồn không? Chắc chắn là có buồn, nhưng độ sâu đậm của nỗi buồn ra sao thì 2 câu thơ trên không nói đến vì đó không phải là chủ đích của tác giả mà chỉ là “phản ứng phụ tất yếu” của tứ thơ. Chính vì thế trước đó tác giả vì cũng muốn nói đến tâm trạng của người đưa tiễn đã phải viết riêng 2 câu thơ khác, ở ngôi thứ nhất:
         Đưa người ta không đưa qua sông 
         Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Và đây cũng là 2 câu thơ trác tuyệt.
Bây giờ trở lại 2 câu thơ của Lưu Trọng Lư:
        Mắt em là một dòng sông 
        Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.
Chàng có cần nhìn vào mắt nàng thật kỹ, thật lâu mới có thể biết được nàng đang nhìn mình say đắm? Cũng giống như Tống Biệt Hành, câu trả lời là không. Chỉ cần một thoáng nhìn, có khi chỉ nửa giây, chiếc máy ảnh của thi sĩ có thể khắc họa được, chụp được tấm hình có đầy đủ chi tiết của bài thơ: vầng trăng, mái tóc, cảnh thu vắng lặng, mắt em … đủ cả. Tấm hình sẽ được lưu trữ trong bộ nhớ. Những vần thơ sẽ không tuôn ra ngay lúc ấy mà thường phải một lúc sau, vài tiếng sau, vài ngày sau, có khi nhiều năm sau khi có hoàn cảnh gợi hứng tấm hình mới hiện ra để thi sĩ làm thơ.

Cách hiểu như anh Châu Thạch “Lời của người nào thì là tâm trạng của người đó” trong thơ ca sẽ đúng với tuyệt đại đa số trường hợp. Nhưng, giống như 2 câu “bóng chiều … mắt trong” của Tống Biệt Hành, đây là ngoại lệ “nhìn đôi mắt, đặt tâm trạng”. Theo câu cuối của bài thơ thì cô gái đang thu hút cả bóng hình chàng trai vào đôi mắt - như một dòng sông - của mình, “cho phép” chàng được bơi lặng trong dòng sông ấy, nghĩa là nàng đang nhìn chàng say đắm. (1) Nếu theo đúng mạch suy luận – thì trong khung cảnh nên thơ đó - độc giả sẽ nhận ra là “nàng đã yêu chàng”. Theo tôi, suy luận để đi đến kết luận như thế là rất hợp lý, không có gì là hấp tấp cả. Còn nếu có người đặt câu hỏi “Thế chàng có yêu nàng không?” thì câu trả lời sẽ là “Dĩ nhiên! Ít nhiều gì cũng có. Nhưng đó không phải là chủ đích của tác giả mà chỉ là ‘phản ứng phụ tất yếu’ của tứ thơ”. Bằng chứng là chàng đâu có đặt hết tâm hồn vào “đối tượng” như nàng mà còn để ý đến nhiều thứ khác, nào là vầng trăng, mái tóc, cảnh thu vắng lặng, hương thu thơm nồng rồi mới đến mắt em. Nếu tác giả cũng muốn nói đến tình cảm của mình với cô gái thì – cũng giống như trong Tống Biệt Hành – ông sẽ viết riêng mấy câu khác.

Dẫu sao cũng cám ơn anh Châu Thạch. Trên sân chơi thi ca, đặc biệt là bình thơ, khác biệt ý kiến là chuyện bình thường. Điều đáng nói, đáng nhớ là phong cách của người bước vào cuộc chơi. Nhắc đến Châu Thạch, Nguyễn Khôi, ngoài những bài thơ đậm tình người, những bài bình luận sắc sảo, người đọc chắc sẽ không quên thái độ lịch thiệp, hòa nhã của hai vị trong đối thoại văn chương. Được thỉnh thoảng “bàn ra tán vào” với hai vị, Phạm Đức Nhì tôi thấy thơ ca thật đáng yêu và đời cũng thật đáng sống.


                                                                          04/2016 

                                                                          Đức Nhì 
                                                               nhidpham@gmail.com

 Chú thích:
1/ Thuyền Ta Bơi Lặng Trong Dòng Mắt Em, Phạm Đức Nhì, 
t-van.net

CÂU ĐỐI VỀ CHỮ HIẾU

Hôm nọ lên Austin thăm một anh bạn tù. Gia đình nề nếp, gia giáo, con cháu đối với ông bà, cha mẹ và với khách rất mực kính trọng, lễ phép. Ở một chỗ khá trang trọng trên tường có đôi câu đối:
Vế 1: Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ.
Vế 2: Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.
Ý nghĩa của câu đối hiện ra ngay trước mắt: tình mẹ công cha thật vô cùng to lớn, không sao đo lường được.
Về nhà chép lại chuyển cho một người bạn già vẫn còn mẹ để trước là, chia sẻ mấy câu văn hay, sau nữa gọi là “nhắc nhở nhau” về lòng hiếu thảo với cha mẹ. Email gởi xong thì khoảng 20 phút sau đã thấy chuông reng. Ra mở cửa thì ông bạn già đã đứng sờ sờ trước mặt. Chưa kịp bắt tay chào hỏi hắn đã vào đề ngay:
  • Ai gởi cho ông câu đối đó vậy?
Tôi kể cho hắn nghe xuất xứ của câu đối. Nghe xong hắn bảo tôi:
  • Ông gọi lên Austin coi có phải anh bạn tù của ông viết ra câu đối đó hay ai tặng anh ta?
Tôi gọi điện thoại cho anh bạn tù thì được trả lời:
  • Người ta khắc lên tre, lên gỗ bán ở cửa hàng Mỹ Nghệ, thấy hay hay thì mình mua về treo chơi.
Đến lượt tôi hỏi anh bạn:
  • Câu đối có gì rắc rối đâu mà sao điều tra kỹ vậy cha?
  • Từ từ để tôi phân tích cho ông nghe nhé. Vế 2 thì thật rõ ràng: mây trời lồng lộng (rất lớn, rất rộng) cũng không thể phủ kín công cha. “Công Cha” ở đây được hình tượng hóa thành một vật có kích thước, diện tích rất lớn, mây trời to rộng cỡ nào cũng không thể phủ kín được.
    Điểm mà tôi thấy lấn cấn, khúc mắc nằm ở vế 1: nước biển mênh mông (nhiều lắm) mà cũng không thể đong đầy tình mẹ. “Tình Mẹ” ở đây cũng được hình tượng hóa thành một cái hố có sức chứa rất lớn, nhưng cái hố rất lớn, rất sâu, trên miệng cắm một tấm bảng vĩ đại “Tình Mẹ” đó lại “trống rỗng” đến độ nước biển mênh mông cũng không thể đổ đầy. Nói thẳng ra thì theo vế 1 của câu đối “Tình Mẹ” chỉ là cái hố trống rỗng, không chứa đựng cái gì trong đó hết.
Tới đây hắn ngước mắt hỏi tôi:
  • “Ông thấy chưa?”
  • “Thấy rồi”, tôi trả lời
  • “Thấy cái gì?”
  • “Thì thấy là ở vế 1 “Tình Mẹ” chỉ là con “số không” to tướng, trong khi ở vế 2 “Công Cha” vô cùng rộng lớn. Câu đối trở nên mất cân bằng, không chỉnh.  
  • Còn thấy gì nữa không?
  • Câu đối này mấy tay còn mẹ như ông đọc thì chắc là “tức cành hông” chứ gì!
  • Không tức mới là lạ! Nhưng trường hợp này có lẽ chẳng ai có ý chơi khăm ai đâu. Chắc là con cháu ông đồ nho nào đó kẹt tiền viết mấy câu đối để “kinh doanh” nhưng không lường hết được uy lực của chữ nghĩa. Mẹ kiếp! Làm mình tốn mấy Gallons (1) xăng. 
Chú thích:
1/ Đơn vị đo dung tích tương đương với 3,7854 lít

                                                            Tuần cuối tháng 5/ 2016
                                                                   Phạm Đức Nhì
                                                             nhidpham@gmail.com

CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA: BÀI THƠ CÓ Ý TỨ RẤT HAY

Chăn Trâu Đốt Lửa
Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.
(Đồng Đức Bốn)

Bài thơ ngắn nhưng tứ thơ rất hay: mê thả diều để củ khoai nướng, có thể là bữa ăn đạm bạc của trẻ chăn trâu, cháy thành tro. Khung cảnh rất thực, rất dân dã của bài thơ khiến tứ thơ dễ bắt, người đọc có thể hiểu ngay. Nhưng ngụ ý của tác giả thì hơi có vẻ mờ mờ ảo ảo, bềnh bồng, lung linh sương khói đòi hỏi một trực giác nhạy bén, một khả năng liên tưởng mạnh mẽ và chính xác để cảm nhận. Sau đây xin trích dẫn liên tưởng của nhà bình thơ Đức Thọ:
“Trẻ chăn trâu mải mê theo đuổi một con diều (cái đó là tất yếu sẽ diễn ra với trẻ chăn trâu). Nhưng trong cuộc sống ngày nay có biết bao nhiêu cá thể cũng mải mê theo đuổi một “con diều”. Một con diều không hơn không kém và đúng nghĩa là một thú vui của trẻ chăn trâu, nhưng còn “con diều” của những cá thể chúng ta thì nó nhiều vô kể. Mải mê vậy để một củ khoai nướng đốt cả chiều thành tro thì quả là một kết cục rất thực đời. Mải mê nghe điện thoại khi đang điều khiển xe dẫn đến mất mạng sống. Mải mê theo đuổi ánh kim của tiền bạc dẫn đến tan cửa nát nhà hoặc lâm vào trong vòng lao lý và mải mê… v.v. và v.v.…” (5)

Đúng là bài thơ có ý tưởng rất tuyệt, tuyệt đến mức ông Đức Thọ đã đưa nó lên hàng “triết lý nhân sinh”. Tôi nể phục và đồng ý với việc nâng cấp ấy nhưng lại có ý kiến rất khác với ông về những thí dụ minh họa.
Cái chuyện “Mải mê nghe điện thoại khi đang điều khiển xe dẫn đến mất mạng sống.” hoặc “Mải mê theo đuổi ánh kim của tiền bạc dẫn đến tan cửa nát nhà hoặc lâm vào trong vòng lao lý” làm sao có thể cho là một “triết lý nhân sinh” được. Đó chỉ là một sự dại dột và bướng bỉnh đến độ coi thường mạng sống hoặc tham lam đến độ mờ mắt, coi thường đạo lý và pháp luật, để rồi trong một phút bất cẩn gây tai nạn, hoặc đổ bể sự việc – không những mất mạng mình mà còn mang khổ ải đến cho bao nhiêu người khác. Đó không phải “triết lý” mà là cái dại, cái tham làm hại cái thân. Nếu hiểu như ông Đức Thọ thì bài thơ Chăn Trâu Đốt Lửa đã đi vào quên lãng từ lâu rồi chứ đâu còn được lưu truyền đến ngày hôm nay để người này nguời kia tham gia lý sự. 
Có một cách hiểu khác có vẻ có lý hơn là “Hãy sống thực tế, đừng mơ mộng viển vông”. Miền bắc Việt Nam vào những năm ĐĐB viết CTĐL là một vùng “người khôn của khó”, quần quật suốt ngày kiếm đủ cơm khoai dưa mắm cho gia đình đã là may mắn lắm rồi. Hơn nữa, trận đói năm Ất Dậu (1945) là một cơn ác mộng, một nỗi kinh hoàng lúc nào cũng ám ảnh tâm trí mỗi người. Nắm gạo, củ khoai, con cá, lá rau là những món thiết thực, gần gũi với mọi gia đình. Những câu “Có thực mới vực được đạo” hay “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông lại nhất nông nhì sĩ” đã là những câu nói cửa miệng nhắc nhở con cháu trong nhà – hãy bước đi bằng đôi chân chạm đất chứ đừng có bay lơ lửng trên không kẻo lại “giật mình tỉnh dậy thấy mình đói meo”. Nhưng nếu hiểu theo cách này thì ý tưởng trong bài thơ của ĐĐB có gì đặc biệt đâu, cũng chỉ lập lại những điều mà người dân đồng bằng Bắc Bộ đã nhắc nhở nhau, dặn dò nhau đến nhàm đến chán.
Theo tôi, ngụ ý của Đồng Đức Bốn như sau:
Con người nhiều khi chạy theo những cái viển vông, cao tít trên trời mà quên đi những thứ thiết thực, gắn bó với cuộc sống, ngay trên mặt đất. Nhưng cũng chẳng có gì nuối tiếc vì những thứ viển vông, cao tít đó chính là thức ăn cho tinh thần, cho phần hồn của con người; đó chính là niềm vui, hạnh phúc mà vật chất không thể tạo ra được.
Ở môi trường xã hội mà cái đói luôn là nỗi ám ảnh - dầm mưa dãi nắng từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới có được 2 bữa ăn - con người lắm khi bị kéo xuống rất gần với con vật. Vâng ở cái môi trường đó mà dám “coi thường” củ khoai (mặc cho nó cháy thành tro) để đánh đổi lấy một niềm vui tinh thần, được cùng với con diều bay bổng trên bầu trời chiều thì theo tôi, đó là hành vi vô cùng dũng cảm. Ở đây cũng có một chút vô tâm, bất cẩn và sau đó là một chút tiếc rẻ khi bụng – vì thiếu củ khoai – đã bắt đầu cồn cào. Nhưng việc đổi củ khoai lấy những giây phút sảng khoái, hạnh phúc trên cánh đồng vẫn là một thương vụ có lời. Cậu bé trong thơ ĐĐB tối hôm ấy có thể bị lên giường ngủ với cái bụng trống không nhưng chắc là miệng sẽ mỉm cười và có một giấc mơ thật đẹp. Cậu bé đã dám “quên” củ khoai, chấp nhận chịu đói để được hưởng những giây phút sảng khoái trong tâm hồn. ĐĐB đã cho cậu bé chăn trâu bước ra khỏi “cái trại mà ở đó con người gần ngang hàng với con vật”, lùa trâu về chuồng trên con đường làng mà lòng tràn ngập niềm vui và tự hào vì thấy hồn mình đang bay lên một tầm cao mới, tầm cao của CON NGƯỜI được viết hoa thật đẹp. Ý tưởng của bài thơ tuyệt vời là ở chỗ ấy. Và triết lý nhân sinh cũng là ở chỗ ấy. 
         Rất tiếc ĐĐB đã phạm một lỗi nặng trong kỹ thuật thơ ca là dung dưỡng một câu thơ nội gián. Câu “rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều” tuy không tệ hại, mâu thuẫn, câu sau chửi cha câu trước như bài thơ:
       “Trên đường có nhị chàng trai
       Đầu râu tóc bạc cỡi hai ngựa hồng
       Ngựa thì trắng toát như bông
       Giữa đường cát trắng bụi hồng tung bay”
nhưng đã làm mạch thơ, con thuyền tứ thơ - đang băng băng chảy thì bị một dòng đối lưu cản lại – tròng trành như muốn vỡ. Cuối cùng nhờ tài lèo lái của tài công, thuyền cũng trôi tới bờ, tới bến nhưng đã bị tổn thương nặng.
Có 2 cách phát biểu về bài thơ Chăn Trâu Đốt Lửa:
     1/ Nếu không có phần ý và tứ tuyệt vời như thế thì với cái lỗi “dung dưỡng một câu thơ nội gián” trong bài thơ chỉ có 4 câu người đọc đã có thể gạt bài thơ qua một bên để đọc những bài thơ khác. Và bài thơ sẽ hoàn toàn đi vào quên lãng.
     2/ Nếu ĐĐB không phạm lỗi “dung dưỡng một câu thơ nội gián” thì với phần ý và tứ thơ tuyệt vời như thế Chăn Trâu Đốt Lửa chắc sẽ chiếm một vị trí trang trọng trong kho tàng thơ ca Việt Nam và theo tôi, còn cao hơn Sông Lấp của Tú Xương một bậc.  
Ngoài ra, qua CTĐL mối tương quan giữa tác giả, ý, tứ và độc giả cũng hiện ra rõ ràng:
Tác giả đã hoàn thành chức năng truyền thông của bài thơ, tạo được nhịp cầu để người đọc ai cũng có thể “bắt” được, đến được với tứ thơ, hiểu được nghĩa đen (trên văn bản) của bài thơ và hiểu giống nhau (không thể có chuyện người hiểu tứ thơ thế này, người hiểu tứ thơ thế khác). Dĩ nhiên có thể mỗi người mỗi ý khi nói đến cái hay (hoặc dở) của câu chữ, hình tượng, kỹ thuật thơ … nhưng nội dung của bài thơ phải hiểu đúng như ngôn ngữ đã chuyên chở nó.
Riêng với ngụ ý của bài thơ thì tùy theo óc tưởng tượng, khả năng liên tưởng và trực giác thơ ca của mình, mỗi người đọc có thể sẽ cảm nhận khác nhau (có khi khác với tác giả)Một trong những nhiệm vụ của người bình thơ là tìm ra, thuyết phục để người yêu thơ đến với, và chấp nhận cách hiểu vừa hợp lý vừa nâng giá trị của bài thơ lên cao nhất.

HAI PHONG CÁCH BÌNH THƠ

Phong Cách Nguyễn Khôi

Cách đây không lâu tôi tình cờ đọc được bài Kim Lũ Y – Thơ Xưa Mà Vẫn Mới của Nguyễn Khôi, trong đó ông phản bác cách nhìn nhận bài “thơ” Kim Lũ Y (Đỗ Thu Nương) của tôi. Tôi cho rằng Kim Lũ Y không phải là thơ vì chỉ là lời giáo huấn của bậc trưởng thượng đối với lớp hậu bối – không có cảm xúc. Cách nhìn nhận của Nguyễn Khôi hoàn toàn trái ngược: Kim Lũ Y là thơ, không những thế, Thơ Xưa Mà Vẫn Mới. Ông đã, không tương nhượng, phản bác cách nhìn nhận của tôi hoàn toàn. Nhưng ông có lối phản bác rất lịch sự. Ông cho rằng có hai cách nhìn nhận bài thơ và ông dùng lý luận của mình chứng minh cách nhìn nhận của ông là đúng.
Tôi không đồng ý, viết lại một bài khác (Kim Lũ Y Có Phải Là Thơ?) để làm rõ cách nhìn nhận của mình. Ông Nguyễn Khôi đọc được, gởi e-mail cho tôi đại ý: Với Kim Lũ Y, anh cảm nhận cách của anh, tôi cảm nhận cách của tôi; sư bảo sư phải, vãi bảo vãi hay; hãy để công luận phán xét. Lời lẽ trong e-mail rất hòa nhã, biểu lộ cung cách của một bậc trưởng thượng. Tôi, để bảo vệ quan điểm của mình, e-mail trả lời.
Cuối cùng hai người vẫn còn nhìn ở hai hướng khác nhau nhưng trong tôi đã có một ấn tượng rất đẹp về người đã phản bác mình. Ông Nguyễn Khôi đã “thắng” tôi, không phải bằng kiến thức văn học, khả năng lý luận mà bằng phong cách lịch sự, hòa nhã trong đối thoại văn chương. Xin được bày tỏ lòng kính phục.

Phong Cách Đỗ Hoàng

Trên trang VanDanViet tình cờ đọc được bài “Dấu Chân Qua Trảng Cỏ” CủaThanh Thảo - Dở, Kém Toàn Diện của Đỗ Hoàng, tôi có một số nhận xét sau đây:


 1/ Thái độ kiêu binh: Ngay những dòng đầu phía dưới bài thơ, Đỗ Hoàng viết:
          Nhà thơ Thanh Thảo tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ với tư cách dân sự. Ông xếp sau Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm ….
        Tại sao lại có thái độ kiêu binh, mỉa mai, miệt thị “tư cách dân sự” của tác giả như vậy? Tư cách lính hay dân sự có ăn nhậu gì đến giá trị nghệ thuật của bài thơ? Một nhà thơ được xếp trước ai, sau ai là do thi tài chứ đâu phải do có mặc áo lính hay không.
        2/ Đấm vào hạ bộ:
            Ông được cưng nựng và lăng xê khá đều đặn trên văn đàn chính thống.

            Nếu Đỗ Hoàng chứng minh được Dấu Chân Qua Trảng Cỏ là bài thơ dở thì không cần nói người đọc cũng sẽ suy ra đúng điều Đỗ Hoàng muốn nói. Đàng này bình thơ mà chưa đá động gì đến bài thơ đã bô lô bô loa nói xấu tác giả. Chắc Đỗ Hoàng muốn chứng minh gián tiếp: tác giả xấu thì bài thơ phải dở chăng! Đây là lối bình thơ bá đạo, như võ sĩ quyền anh đấm vào hạ bộ của đối thủ.
        3/ 
           Chiếc bòng con đựng những gì
           Mà đi cuối đất mà đi cùng trời
           Chiếc bòng đựng nhiều nhất chỉ bộ áo quần bà ba là cùng, hoặc nữa là hai bơ gạo (!)

           Tại sao bình thơ mà lại đi bới móc chiếc bòng của người ta? Con người dù thời nào cũng vậy, được đánh giá cao hay thấp là ở số lượng và phẩm chất của sản phẩm và dịch vụ họ đóng góp cho xã hội chứ không phải ở chiếc bòng lớn hay nhỏ, ba lô nặng hay nhẹ.
       4/ Lỗi vận:
           Đọc kỹ, tôi thấy cả bài thơ không có chỗ nào lỗi vận. Có lẽ muốn giảm bớt vị ngọt quá đậm của thơ lục bát, tác giả, trong vài chỗ, đã dùng thông vận thay vì chính vận. Những đoạn Đỗ Hoàng trích dẫn để chê là lỗi vận như:

                    Những gì gởi lại chỉ là dấu chân
                    Vùi trong trảng cỏ thời gian
                    Vẫn âm thầm trải mút tầm mắt ta
          và:
                    Tiếng bầy chim két bỗng thành mênh mang
                    Lối mòn như sợi chỉ giăng
                    Còn in đậm đặc vô vàn dấu chân
       theo tôi, không sai, không lỗi, chỉ không khéo - điệp vận không cần thiết.
       5/ Nếu biết học tiền nhân một chút thì có thể viết khổ kết bài thơ trên có sức mạnh khái quát hơn, nâng tầm thơ lên hơn.
          Đồng ý chúng ta cũng cần “luận cổ suy kim”. Nhưng làm thơ mà không chịu học cái mới, cái lạ, không dám đứng trên đôi chân của mình, mà cứ ru rú theo bước tiền nhân thì có ngày bước xuống … hố.
        6/ Sửa chữa nâng cao
            Bình thơ thì cứ phân tích rồi phán nó hay, hoặc dở; hay ở chỗ nào - chứng minh, dở chỗ nào - chứng minh. Ở đây Đỗ Hoàng chơi cái màn “sửa chữa nâng cao”,viết lại cả bài thơ của tác giả. Với tôi, đó là thái độ kiêu ngạo đến lố bịch.                                                                         
Quốc có quốc pháp, gia có gia quy - ở đâu có lề luật đó. Trên chiếu văn chương cũng có một số quy luật bất thành văn. Trong thơ, không gian để tâm tình của thi sĩ chuyển động rộng rãi hơn, tự do hơn vì đó là thế giới riêng tư.
                    Trên trang thơ của mình
                    tôi chỉ trung thành
                    với nhịp đập
                    của chính trái tim tôi.
       Khi bình thơ là đã bước vào một không gian khác. Đó là không gian của cuộc đối thoại giữa người bình thơ và thi sĩ, có rất nhiều khán giả theo dõi. Để giữ cho không khí của sân chơi vui vẻ, lành mạnh, một số lề luật, cung cách ứng xử cần phải được tuân thủ; tuân thủ để tôn trọng thi sĩ, tôn trọng độc giả đang chú tâm theo dõi. Đối với cả hai ông Nguyễn Khôi và Đỗ Hoàng tôi đều không quen biết, nhưng qua phong cách bình thơ tôi đã thấy hai ông ngồi ở hai vị trí khác nhau trên chiếu văn chương. Chỗ ngồi ấy chính hai ông đã tự chọn bằng tài năng và cung cách ứng xử của mình.
                                                                    PHẠM ĐỨC NHÌ

MỘT CÁCH DIỄN ĐẠT KHÁC VỀ TỨ THƠ

Tứ thơ là tâm tình của thi sĩ gởi đến người đọc ở dạng thông điệp mở (open message) - hiển hiện trên bề mặt chữ nghĩa.
Ý: là thông điệp được dấu kín trong tứ thơ (hidden message) bởi phép ẩn dụ toàn bài. Người đọc phải “bắt” được tứ, rồi từ tứ suy ra ý.
Trường hợp không có phép ẩn dụ thì Tứ cũng là Ý; Tứ và Ý là một.

Ba Nhiệm Vụ Của Tứ Thơ

1/ Chứa thông điệp: tâm trạng, tâm tình của thi sĩ. Đối với văn xuôi thì thông điệp có thể là: tin tức, mệnh lệnh, tư tưởng, tình cảm … nhưng với thơ thì phải là tình cảm hoặc ít nhiều phải dính líu tới tâm trạng, tình cảm.

2/ Thông điệp phải đồng thời là lời chỉ dẫn để người đọc lần theo đó, vừa đọc vừa đi đến hết bài thơ (đến cuối đường) và phải “bắt” được thông điệp; đây là chức năng truyền thông của thơ.

3/ Chức năng thẩm mỹ: Con đường của tứ thơ được chia làm nhiều đoạn nhỏ, dài ngắn khác nhau. Tôi gọi mỗi đoạn nhỏ đó là một “đơn vị tạo khoái cảm”. Trong mỗi đơn vị đó, tác giả thể hiện chức năng thẩm mỹ của thơ bằng cách tổ chức trận địa chữ nghĩa để có thể trao tặng người đọc (và chính mình) cái cảm giác khoan khoái, sung sướng khi tiếp xúc với “cái đẹp” của các con chữ (làm thơ là nói để được cái thú nghe lời mình nói).

Như vậy, tứ thơ là bảng chỉ dẫn, là tấm bản đồ chỉ đường, là cái GPS từng bước đưa người đọc đến cánh cửa bước vào “trái tim”, bước vào ngôi nhà chứa tâm tình, cảm xúc của tác giả. Bởi thế, tứ thơ phải rõ ràng, mạch lạc; nếu không, người đọc sẽ bối rối, đi lạc đường.

Bài thơ dù có ngụ ý hay ẩn dụ sâu kín đến đâu chăng nữa tác giả cũng phải làm thế nào để người đọc có thể tìm đường đến nơi, bước vào ngôi nhà cảm xúc, thoải mái ngồi uống trà thưởng thức vẻ đẹp cũng như không khí ấm cúng của nó, và từ từ chiêm nghiệm, thẩm thấu cái nỗi lòng sâu kín đó của mình.

Đừng bắt người đọc phải xoay ngang trở dọc tấm bản đồ, mồ hôi nhễ nhại, vừa căng óc suy nghĩ, vừa ghé chỗ này, chỗ kia hỏi đường mà cuối cùng cũng không tìm được địa chỉ cần đến.

SO SÁNH CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA VÀ SÔNG LẤP

Chăn Trâu Đốt Lửa:
  • Ý tưởng độc đáo, tuyệt vời, “sâu sắc một triết lý nhân sinh” (3)
  • Hình ảnh đứa bé chăn trâu, con diều, củ khoai rất gần gũi, dân dã nhưng lại rất hợp, rất ăn khớp với đề tài; có thể nói tứ thơ rất khéo, hay và dễ thương.
  • Cái dở của CTĐL là có câu thơ nội gián, thế trận chữ nghĩa xộc xệch.
Sông Lấp:
  • Ý tưởng: nuối tiếc nền Nho học đang lụi tàn, cùng với một số bài thơ khác là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam, không hay bằng CTĐL
  • Tứ thơ hay hơn vì có 2 tầng ẩn dụ rất khéo.
  • Chữ dùng rất đắt, thế trận chặt chẽ.
  • Bài thơ toàn bích, không một chút sơ hở.
Kết luận:
        Theo nhận định chủ quan của người viết thì Sông Lấp hay hơn. Chăn Trâu Đốt Lửa cũng như cô gái đẹp nhưng bị khuyết tật. Dưới con mắt của các anh hùng hảo hán đi tìm người yêu vẻ đẹp của cô gái ấy đã giảm đi quá nửa. Cũng vậy, ý tứ có hay cách mấy mà kỹ thuật thơ kém, thế trận chữ nghĩa xộc xệch thì bài thơ sẽ bị coi là hỏng, hoặc ít ra, giá trị cũng bị giảm đi rất nhiều.

SỰ CHỜ ĐỢI

 Nó không hình không sắc
Tuyệt không có tiếng có lời
Nó không có gì. Chỉ là một sự chờ đợi lặng lẽ
Thế thôi.
 Nó là sự chờ đợi từ vô thuỷ đến vô chung
Ai nấy lần lượt đến với nó, không ai gặp nó
Tất cả đều hướng về nó, như hướng về ý nghĩa cốt tuỷ của chính mình
Tất cả đi về hướng nó. Nó chờ.
Nó chờ một con kiến, nó chờ một con voi.
Nó chờ một hạt bụi, nó chờ một đoàn quân.

Trên dòng thời gian đang trôi, những kẻ xanh mặt bảo nhau: “Nó chờ.”
Những kẻ mặt xám như tro bảo nhau: “Nó chờ đấy.”
Những kẻ run rẩy, tắc cổ, nghẹn họng thì thào: “Sắp rồi. Nó thôi.”
Trông cái nắng ngoài song cửa, tôi nghĩ: Nó đang chờ.
Nhìn chiếc răng em trắng muốt, tôi thầm nghĩ: Nó đang chờ.
Mắt nhìn con chữ đang thành hình trên giấy, tôi kêu thầm trong trí: Nó đang chờ.

Sự chờ đợi không lời mỗi lúc mỗi thiết tha
Và mỗi khẩn trương.
12/1995
Võ Phiến

Lời Bình Ngắn

Nó ở đây là ai? Đối với con người và những vật hữu tình (cây cỏ …) thì nó là cái chết. Đối với những vật vô tình thì nó là sự chuyển hóa từ trạng thái vật thể này sang trạng thái vật thể khác sau một chu kỳ thành trụ hoại diệt. Đây chính là lẽ vô thường của đạo Phật. Bài thơ không dùng vần mà tạo vị ngọt thơ ca bằng nhịp điệu và tình tiết hấp dẫn trong thủ pháp Show, Not Tell. Đây cũng là bài thơ có hình thức khác biệt hoàn toàn với thơ mới, tránh được hầu hết các khuyết điểm của thơ truyền thống và thơ mới. Tuy nhiên cảm xúc của tầng 3 (hồn thơ) hầu như không có. Chất trí tuệ nặng hơn chất tình.

                                                                         Phạm Đức Nhì

     VỊ TRÍ CỦA THƠ ĐƯỜNG LUẬT

Đường luật thất ngôn bát cú là một thể thơ có nhiều luật lệ khắt khe; vần đối niêm luật với những trói buộc của nó khiến thi sĩ luôn phải xoay ngang trở dọc đối phó nên ít có cơ hội chăm chút cho phần cảm xúc, hồn thơ. Dĩ nhiên, năm thì mười họa cũng có những bài thơ hay nhưng ngay cả những bài thơ hay đó cũng có vẻ khô cứng so với thơ đương đại.
Giờ đây Nàng Thơ đã có bộ mặt mới. Các thi sĩ đã cố công tìm tòi, thể nghiệm nhiều thể thơ “mới”, sao cho vừa giữ được vị ngọt của thơ ca, vừa cởi trói cho người làm thơ khỏi những luật lệ quá khắt khe, gò bó. Đâu là thể thơ tối ưu của thi ca đương đại? Công cuộc chọn lựa, tranh cãi còn chưa ngã ngũ. Nhưng chắc chắn đã có rất nhiều thể thơ, ở mức độ khác nhau, cho phép người làm thơ thời nay được thoải mái hơn, tự do hơn, thể hiện tứ thơ của mình, và nhờ đó, có thể dễ dàng đưa cảm xúc của mình, thả tâm hồn của mình vào thơ.

Thơ Đường luật bỗng trở thành cô gái lỡ thì, thân hình khô cứng lại kênh kiệu, khó tính, bị những chàng trai trẻ ngoảnh mặt làm ngơ. Họ nhìn về hướng khác để tìm những cô gái đang xuân, vóc dáng, trang phục hợp thời hơn, hấp dẫn hơn, tính tình cởi mở hơn, gần gũi hơn với cái “gu” thẩm mỹ của thời đại mới.(3)

Tôi nhớ hồi còn ở trại tù A20 Xuân Phước, anh bạn thân của tôi, chiều đến, không biết bắt đâu được con nhái khá to - bằng 3 ngón tay xếp sát nhau. Sau đó, tôi lùng sục hái được mấy cộng rau dền mọc hoang. Anh bạn tôi xé con nhái thành mấy mảnh, rửa sơ rồi cho cả rau và nhái vào lon ghi-gô, đổ đầy nước, len lén đem xuống nhà bếp nấu sôi, nêm tí muối, cho thêm vào nắm mì ăn liền. Hai đứa chia nhau xì-xụp húp. Thật tuyệt vời! Vị ngon ngọt của chén canh còn lưu lại trong ký ức tôi rất lâu. Năm ngoái, gặp lại anh bạn ở California, nhớ đến chén canh chiều hôm ấy và những năm tháng tù đày, hai đứa ôm chầm lấy nhau, mừng mừng, tủi tủi.

Giờ đây, những ai đã từng trải qua năm tháng khổ cực, nghiệt ngã trong nhà tù cộng sản, gặp nhau hay nhắc đến những món ăn kiểu “mì nhái rau dền” như những kỷ niệm khó quên. Nhưng nếu vì thế mà sau này trong mỗi tiệc tùng, họp mặt lại cứ tiếp tục “rau dền mì nhái” rồi xì xụp húp, khen ngon với nhau thì… chán lắm. Trong thời gian tù tội, hoàn cảnh thiếu thốn, đói khổ, chén canh đó rất quý, rất ngon. Chúng ta không phải loại “có lê quên lựu, có trăng quên đèn” nên sẽ không phụ rẫy, sẽ không quên những “chén canh kỷ niệm” ấy. Nhưng thời thế đã khác, hoàn cảnh đã khác. Chung quanh còn có biết bao nhiêu món ngon, vật lạ trong tầm tay để chúng ta chọn lựa.

Một người bạn thích thơ truyền thống cắc cớ hỏi tôi: “Nếu ở thời điểm này (2013) mà vẫn cứ thích làm thơ Đường luật thì có sao không?” Câu trả lời là: “Chẳng sao cả. Quả địa cầu sẽ chẳng vì thế mà nổ tung. Dĩ nhiên, làng thơ vẫn dang rộng vòng tay đón chào. Trên trang thơ của mình, trong cõi thơ của mình, thi sĩ là Hoàng Đế, có toàn quyền chọn lựa, quyết định. Từ tứ thơ, thể thơ, cách gieo vần, câu dài, câu ngắn, bài thơ dài hay ngắn, sử dụng các biện pháp tu từ…tuốt tuột. Không ai có thể chõ miệng vào bắt anh (chị) phải làm thơ kiểu này, kiểu nọ.”

Có một nhà thơ đã nói:
“Làm thơ tự do giống như đánh tennis mà không có lưới.”
Lời phát biểu ấy đúng hay sai đến mức độ nào, xin để những người làm thơ tự do lên tiếng. Riêng tôi, nhân có hình ảnh của môn thể thao tennis, nghĩ đến thơ Đường luật, xin đưa ra một so sánh khác:

“ Làm thơ Đường luật ở thời đại này giống như đánh tennis với đối thủ (là những nhà thơ khác) mà khi banh về đến phần sân của mình thì lưới đột nhiên được nâng cao hơn, đường biên sân phía bên sân đối thủ ngắn và hẹp hơn, mình chỉ được di chuyển không quá 2 bước, lần trước đánh banh bằng tay phải thì lần sau phải đánh banh bằng tay trái…”

nghĩa là bị gò bó đủ mọi bề; đánh banh hợp lệ vào đúng phần sân phía bên kia đã là khó chứ đừng nói chi đến thể hiện sự nhanh nhẹn, nhạy bén nghệ thuật. Tranh tài kiểu này thi sĩ làm thơ Đường luật sẽ ở vào thế hạ phong, phần thua nhiều hơn phần thắng. Tạo được bài thơ nên vóc, nên hình đã mệt đứ đừ rồi, còn hơi, còn sức đâu mà để ý đến hồn thơ hay cảm xúc.

Làm thơ, thưởng thức thơ, nói chung, là một thú vui tao nhã. Làm thơ Đường luật, xướng họa thơ Đường luật, đọc và thưởng thức thơ Đường luật nói riêng, là phương cách giải trí của các tao nhân, mặc khách. Ngoài nhu cầu đối âm, người làm thơ Đường luật phải biết cả đối ý (trong 2 câu thực và 2 câu luận). Do đó việc sử dụng ngôn ngữ trong thơ Đường luật, theo tôi, được để ý kỹ hơn (đôi khi phải “chẻ sợi tóc làm tư”). Kết quả là người làm thơ Đường luật thường có khả năng dùng chữ chính xác hơn, đắt hơn, tinh tế hơn những người chuộng các thể thơ khác.

Đối với những vị chuộng thơ Đường luật, đã “quen” với thơ Đường luật, thích thù tạc xướng họa thơ Đường luật, thì chẳng việc gì mà phải từ bỏ cái thú vui tao nhã ấy. Xin cứ tiếp tục làm thơ để góp cho đời những bông hoa tươi đẹp. Xin cứ tiếp tục đọc thơ Đường luật để thưởng thức những cảm nghĩ, những rung động nhẹ nhàng, thanh thoát của người xưa.

Những quý vị làm thơ Đường luật, theo tôi, như võ sĩ lên võ đài, rất ương ngạnh và oai hùng, chấp nhận chịu trói cả 2 tay, 2 chân để đấu với đối thủ. Khi bị bươu đầu sứt trán, hoặc nằm thẳng cẳng đo ván thì (dù không nói ra) thường cho là tại bị gò bó, trói buộc. Những quý vị đó quên rằng chính họ đã tình nguyện lên võ đài với tư thế ấy.


Phạm Đức Nhì

nhidpham@gmail.com
Blog Chuyên Bình Thơ
READ MORE - LỜI BÌNH NGẮN TẬP 2 - Phạm Đức Nhì

ÔN CHUYỆN CŨ: THI CỬ TRƯỚC ĐÂY - Bài viết của Hoàng Đằng



                              
                                  Tác giả Hoàng Đằng 



        ÔN CHUYỆN CŨ: THI CỬ TRƯỚC ĐÂY

                                                 Bài viết của Hoàng Đằng

Từ 01/7 đến 04/7/2016, kỳ thi Phổ Thông Trung Học Quốc Gia sẽ được tổ chức nhằm đánh giá kết quả học tập của tất cả học sinh Việt Nam học xong chương trình lớp 12. Kỳ thi có 2 mục đích: một là công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, hai là làm cơ sở xét tuyển vào đại học.
Nhân dịp này, tôi muốn ôn lại chuyện thi cử trước đây với người xưa và cung cấp một ít thông tin cho người nay.

Trước đây, kể từ khi mới vỡ lòng cho đến xong bậc phổ thông trung học, học sinh phải qua 5 kỳ thi đánh giá (examen) lực học mỗi giai đoạn, chưa kể các kỳ thi tuyển (concours); sau mỗi kỳ thi, nếu đỗ, được cấp chứng chỉ - certificat - hay bằng – diplôme.
Bài viết này chỉ giới hạn trong thời kỳ tân học (chương trình học dùng chữ Pháp thời Pháp thuộc rồi chữ Quốc Ngữ trong vùng Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát), không “với” tới thời kỳ cựu học (chương trình học dùng chữ Hán) và thời kỳ tân học trong vùng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa kiểm soát.

Trước năm 1945, bậc tiểu học gồm 6 năm. Xong ba năm đầu, thi Yếu Lược; học thêm 3 năm nữa, thi Tiểu Học. Người học xong yếu lược về trong cộng đồng, được trọng vọng, có thể giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, điều hành việc hương thôn, làng xã (lý trưởng, hương chức ...). Sau năm 1945, bậc tiểu học rút bớt 1 năm, còn 5 năm; kỳ thi Yếu Lược bỏ; học sinh học xong 5 năm thi bằng Tiểu Học. Người có bằng tiểu học có thể đi làm công sở nhà nước, có thể làm giáo viên dạy các lớp bậc yếu lược.
Bậc trung học gồm 7 năm, chia ra 2 cấp:
- Xong 4 năm đầu, thi bằng Thành Chung (trung học đệ I cấp); người có bằng Thành Chung có thể xin làm công sở nhà nước, sau một thời gian kinh nghiệm, có thể lên hàng lãnh đạo: quản lý, điều hành, giữ những chức vụ như chủ sự phòng (trưởng phòng); người có bằng thành chung cũng có thể xin bổ dụng giáo viên dạy bậc tiểu học, vào quân đội, trước năm 1962, được gởi đi học để ra sĩ quan.
- Nếu không đi làm, học thêm 2 năm nữa, thi Tú Tài phần 1; đỗ Tú Tài phần 1 chỉ được cấp chứng chỉ, không cấp bằng. Xong Tú Tài phần 1, học thêm một năm nữa, thi Tú Tài phần 2 (trung học đệ II cấp), đỗ Tú Tài phần 2 được cấp bằng, gọi là bằng Tú Tài. Người có bằng Tú Tài, nếu không học tiếp đại học, có thể xin tuyển dụng vào nhiều việc: công chức trung cấp, đào tạo thành sĩ quan quân đội hiện dịch …
Thi cử không chỉ dành cho học sinh mà còn dành cho những người tự học, gọi là thí sinh tự do. Thành phần thí sinh tự do này, bằng nhiều cách, cố gắng học xong chương trình cấp mình muốn thi. Trong hồ sơ xin thi, có thêm giấy chứng nhận đã dạy thí sinh hết chương trình bậc học liên quan do một vị nào đó có trình độ cao hơn theo quy định cấp - thi Tiểu Học, vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phải có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp; thi Trung Học Đệ I cấp, vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phải có bằng Tú Tài; thi Tú Tài, vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phải có bằng Cử Nhân.
Và mỗi kỳ thi được tổ chức 2 lượt cách nhau khoảng trên 2 tháng (khoảng đầu kỳ nghỉ hè và cuối kỳ nghỉ hè); lượt 2 dành cho những người không đỗ lượt 1 hay, vì một lý do gì đó, không dự thi lượt 1 được
Theo thời gian, khi số học sinh tăng lên nhiều, do thi cử tổ chức tốn kém, các kỳ thi rút bớt hoặc bỏ dần.
Năm 1956, kỳ thi Tiểu Học bỏ. Năm 1966, kỳ thi Trung Học Đệ I Cấp (Thành Chung) bỏ.
Năm 1973, kỳ thi Tú Tài phần 1 bỏ. Như thế, sau 12 năm học (5 năm tiểu học + 7 năm trung học), học sinh chỉ còn  kỳ thi cuối bậc phổ thông, gọi là thi Tú Tài.
Đó là nói thi cử dành cho học sinh; còn đối với những thành phần tự học, hàng năm vẫn có tổ chức thi cử để chứng nhận trình độ học vấn từng bậc học mà ban phát quyền lợi tương ứng cho họ.
 Thi Tiểu Học chỉ có thi viết; còn thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, thi Tú Tài phần 1 và thi Tú Tài phần 2 gồm 2 phần: thi viết và thi vấn đáp; đỗ thi viết mới được thi vấn đáp. Tuy nhiên, vào giai đoạn sau, phần thi vấn đáp cũng bỏ dần - phần thi vấn đáp kỳ thi Thành Chung bắt đầu bỏ từ năm 1960; phần thi vấn đáp kỳ thi Tú Tài bỏ từ năm 1968.
Cách làm bài thi theo hình thức “tự luận”; mãi đến năm 1974, thi “trắc nghiệm” được đem ra sử dụng và bài thi của thí sinh được chấm bằng máy điện toán.

Ngày trước, thi cử khó, mức đỗ của thí sinh không cao như bây giờ (trên 90%); trường nào có mức đỗ 50% thì đã có thành tích vang dội.
Các tân khoa có 5 cách xếp hạng: Thứ (trung bình); Bình Thứ (trung bình khá); Bình (khá), Uu (giỏi) và Tối Ưu (rất giỏi). Đỗ hạng Thứ là may lắm rồi, đỗ hạng Bình Thứ rất ít; đỗ hạng Bình đã là hiếm, đỗ hạng Uu thuộc loại quý hiếm, vài ba năm mới có thí sinh đạt hạng Ưu, còn đỗ Tối Ưu, e rằng không có.
Trong cộng đồng, do nhiều lý do (nghèo, khả năng tiếp thu chậm …), số người đi học ít, người đi học rất được xã hội trọng vọng, lại được sàng lọc qua nhiều kỳ thi, vì vậy, trước đây, trình độ những người cùng cấp học không chênh lệch nhau bao nhiêu.
Tôi viết ra những gì mình nhớ để ôn lại chuyện cũ cùng người xưa và giúp các thế hệ đến sau biết về quá khứ. Thế thôi!

                                                            Hoàng Đằng
                                               02/6/2016 (27/4/Bính Thân)

READ MORE - ÔN CHUYỆN CŨ: THI CỬ TRƯỚC ĐÂY - Bài viết của Hoàng Đằng