Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, June 4, 2013

QUA VÙNG ĐẤT ĐỎ - chùm thơ Trúc Thanh Tâm

Ảnh Trần Liệt Hùng

 1- BÓNG TÀ HUY PHAI

 Lên rừng lạc mất dòng sông
 Lộc Ninh, cô bé lấy chồng miệt xa
 Buồn xưa treo ngọn bấc già
 Thời gian nhỏ giọt, bóng tà huy phai!




   2- TÂY NINH NỖI NHỚ

   Anh ôm những buồn, vui lẫn lộn
   Tháng ngày trôi, quên, nhớ không rời
   Những góc phố, con đường đã khác
   Tòa Thánh vàng vạt nắng chiều rơi!

   Qua Bàu Năng, ngày cơn mưa muộn
   Gặp lại em mà ngỡ trong mơ
   Mấy mươi năm, mắt buồn vẫn thế
   Tân Uyên xưa, đất khách bây giờ !

   Em Dầu Tiếng theo chồng xa xứ
   Bạn bè anh già khú hết rồi
   Đêm nay trăng xuống, Hòa Thành đẹp
   Rượu tình, rượu nghĩa đã mềm môi!

   Anh nhớ lại, thời làm văn nghệ
   Bạn Củ Chi, Định Quán gặp hoài
   Con thuyền cũ trôi vào quá khứ
   Nay đếm hoài chưa giáp bàn tay!

   Núi Bà Đen, Trảng Bàng thêm nhớ
   Vắt hồn anh chảy xuống khổ thơ
   Xin quá giang đường xuân lụa nắng
   Còn em yêu, đứng nép cửa chờ!


                      
    3- VỀ CÙ LAO PHỐ

    Ta nghe mùa hè trở giấc
    Thủ Đức nhiều lạ, ít quen
    Mộng mơ một thời mới lớn
    Làm thơ tình để tặng em

    Biên Hoà như thay áo mới
    Gió ru, ru chiều ngủ quên
    Ánh mắt nào ta xao xuyến
    Để tình quấn quýt trong tim

    Vậy mà, một lần gặp gỡ
    Đâu ngờ xa mãi đời nhau
    Hai nhánh sông buồn muôn thuở
    Ta và em chỉ chiêm bao

    Chiều nay, ngang qua thành cũ
    Kỷ niệm nhoà dưới bóng mưa
    Đâu rồi, tiểu thư áo trắng
    Ngô Quyền thương của ngày xưa

    Chợ đời ngày thêm đông khách
    Sông Đồng Nai nhớ và đau
    Mình ta giữa Cù lao Phố
    Cầu Ghềnh còn hẹn, thương nhau!

                  
Ảnh Hoàn Vũ
       

    4- VŨNG TÀU PHỐ BIỂN          

    Như là cây lá ngủ quên
    Vườn trong phố, nắng êm êm lưng người
    Như là sợi tóc biết cười
    Màu pha lê rụng một trời sắc hương!

    Lạ kỳ lớp bụi vô duyên
    Em nheo mắt, ta để nguyên cái nhìn
    Áo ơi, gió lại lại vô tình
    Em ơi, ta có vô tình được không!

    Vũng Tàu phố biển, chưa thân
    Vẫn là hai kẻ người dưng, chung đường
    Vẫn là em, mắt đen tròn
    Cớ gì rung động một nguồn thơ ta!

                  

 5- BIỂN HÁT VỚI RỪNG

         Kính tặng Giáo sư Trần văn Khê

 Cung đàn đắm đuối mưa ngâu
 Thời gian chiết nắng bắc cầu bao dung
 Phù sa, biển hát với rừng
 Hoa nhân nghĩa tỏa hương cùng muôn sau!



6- LONG THÀNH CHIỀU MƯA BAY

Gió buồn se con tóc
Lời hát về bay cao
Trong nỗi niềm theo dấu
Cõi đời lạ bến nhau!

Ngưng vầng trăng cuối nẻo
Trên bến sông đợi chờ
Em có về cố quận
Cho ta gởi niềm mơ!

Tháng ngày đi ẩn mặt
Người xa, xa lối về
Bây giờ em còn khóc
Và đời vẫn còn mê!

Mưa sầu tình cây trái
Bóng mát nào ru em
Hồn trinh còn khắc khoải
Chia xa những bậc thềm!

Buồn sâu trong đáy mắt
Long Thành chiều mưa bay
Buổi chiều ta cuối mặt
Nghe thời gian lưu đày!


Ảnh Võ Chí Hà

7- ĐÀ LẠT KHÓI SƯƠNG

Mấy năm trở lại đồi thông
Mới hay người cũ sang sông mất rồi
Tôi về soi lại nụ cười
Nghe chiều Đà lạt, ngậm ngùi khói sương!

Ngày đi, lá nhớ hoàng hôn
Đâu mùi tóc quyện góc hồn tương tư
Ai mua, tôi bán nỗi sầu
Ai mua, tôi bán những câu vỗ về!

Em đi mang cả đam mê
Tôi về đốt lá hẹn thề tháng năm
Đêm nay Đà Lạt mưa dầm
Tôi nghe da diết trong ngần tiếng chuông!



    8- NÚI RU TÌNH

    Ngày xa phố chợ đồng bằng
    Tây nguyên khép nép một vầng trăng non
    Núi, đồi thay áo trong sương
    Chim chiều gọi bạn kéo hồn thời gian

    Suối mơ róc rách nhịp đàn
    Ngày lên nắng mỏng, bản làng hồi sinh
    Mây đan mộng, núi ru tình
    Ta nghe đâu đó còn hình bóng xưa

    Đời  thay lá đợi cơn mưa
    Tình nhau dỗ ngọt mấy mùa nhớ nhung
    Quen sông giờ lại quen rừng
    Nên ta từ đó nợ nần cùng em!
             
    TRÚC THANH TÂM

        ( Châu Đốc )
READ MORE - QUA VÙNG ĐẤT ĐỎ - chùm thơ Trúc Thanh Tâm

THỜI BÃO GIÁ - thơ Trần Thị Quỳnh Hoa


Vật giá tăng nhanh, mệt tháng ngày
Đời thêm khốn khó kể từ đây
Tối nằm tính toán căng đầu óc
Trưa chạy lăng xăng nám mặt mày
Teo tóp đồng lương không với kịp
Đìu hiu quán xá cũng buồn lây
Thắt lưng buộc bụng, thôi đành vậy
Chỉ khổ người nghèo… ngẫm tủi thay!

 TT Quỳnh Hoa
READ MORE - THỜI BÃO GIÁ - thơ Trần Thị Quỳnh Hoa

Truyện ngắn truyền kỳ: CHÉN NGỌC TRƯƠNG CHI - Nguyễn An Bình


Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.
(Truyện Kiều-Nguyễn Du)

Ngày mùng một và ngày rằm mỗi tháng, bao giờ trường học của quan tư đồ Vương Doãn cũng tấp nập môn sinh, vì đây là những ngày bình văn thường kỳ.Tháng thì bình thơ, khi thì văn, phú, tế, biểu, đối…. Tất cả các loại văn cần thiết trong thi cử điều được quan tư đồ ra đề để các môn sinh rèn tập và chuẩn bị từ trước đến đợt bình văn đem ra thi thố và luận bàn. Quan tư đồ từng giữ chức vụ cao trong triều và từng là thầy dạy của đương kim hoàng thượng bây giờ. Nên khi ông cáo lão từ quan về mở trường dạy học thì từ các bậc công hầu khanh tướng trong triều cho đến các gia đình giàu có đều mong muốn gởi gấm con cháu của mình đến học cùng ông để có thể nên danh nên phận sau nầy. Ông dạy rất nghiêm minh và cẩn trọng không hề thiên vị một môn sinh nào dù đó là con của quan to chức trọng hay con của hoàng thân quốc thích đi chăng nữa, nhiều học trò ông đổ đạc cao và có danh phận trong triều. Trước ngày bình văn ông đều yêu cầu các môn sinh nộp quyển để ông chấm qua đó ông chọn chừng năm quyển được ông phê ưu đem ra bình và chính tác giả của những quyền đó phải đọc cho các bạn đồng môn nghe và lắng nghe lời những nhận định cũng như giải đáp những vướng mắc của các môn sinh khác.

Lần nào cũng thế, trong năm quyển được chọn bao giờ cũng có quyển của con trai quan ngự sử Trương Học Phi. Không phải quan tư đồ vị nể người môn sinh ấy là con quan ngự sử, bạn thân của ông mà là tài học của chàng trai mười sáu tuổi ấy thật nổi trội, văn chương lưu loát, lập luận sắc sảo mà lời bình văn thì thật hấp dẫn, lôi cuốn.Trương Chi đối đáp rất linh hoạt, đầy sức thuyết phục. Nhiều bạn đồng môn ganh với tài học của chàng tìm mọi sơ hở trong bài văn để đặt câu hỏi nhằm bắt bí, hạ thấp chàng đều thất bại. Quan tư đồ đặt nhiều kỳ vọng vào người học trò yêu quí của mình trong kỳ thi năm nay sẽ chiếm bảng vàng đem lại vẻ vang cho ông và gia đình quan ngự sử. Nhưng một tai họa khốc liệt xảy ra đã làm đảo lộn những dự tính tốt đẹp đó, một trận hỏa hoạn cực lớn đã thiêu rụi cả ngôi nhà của quan ngự sử, già trẻ lớn bé không một ai sống sót chỉ trừ Trương Chi. Dân chúng quanh vùng không hiểu vì sao ngọn lửa lại lan nhanh đến thế, có người cho rằng trời cao không có mắt nên tai họa đổ xuống gia đình một viên quan thanh liêm, chính trực, có người hiểu chuyện, chép miệng than: Đời nào cũng thế, bọn tham quan ô lại đầy rẫy, chống lại nó,nó mà không chết thì mình phải chết thôi. Vì cách đây không lâu quan ngự sử đã dâng sớ lên vua xin trị tội bảy kẻ nịnh thần, tham quan, nhất là sau vụ vỡ đê ở sông Nhĩ Hà, bọn chúng đã ăn xén vật tư, kê khống ngày công nhân lực để bỏ túi riêng,chia nhau làm giàu gây nên hậu quả nghiêm trọng khôn lường làm khổ lê dân bá tánh.

Nghi án về vụ phóng hỏa giết người nhà quan ngự sử không đi đến đâu vì triều đình không tìm được chứng cứ hay kẻ gian hùng đã xóa sạch mọi dấu vết, thế lực quá mạnh chăng thì không ai biết, cuối cùng theo thời gian cũng trôi vào quên lãng. Chỉ tội cho Trương Chi, mặc dù thoát chết trong cơn hỏa hoạn khủng khiếp đó, nhưng khuôn mặt thanh tú của chàng hầu như bị hủy hoại hoàn toàn, cũng may đôi mắt và thanh âm không bị hư tổn. Trương Chi được người chú ruột đem về nhà chăm sóc, nuôi dưỡng gần một bến sông. Ông nầy làm nghề chèo đò, đánh cá trên sông để sinh sống qua ngày. Sau mấy tháng chữa trị thì Trương Chi cũng bình phục nhưng gương mặt không còn lành lặn như xưa, nó biến dạng đến nổi chàng không còn muốn nhìn vào gương nữa. Để khỏi làm người khác hoảng sợ vì gương mặt dị dạng của mình Trương Chi luôn đội chiếc nón rộng vành kéo sụp xuống, phía trước mặt được che thêm một miếng vải mỏng sậm màu che khuất đi phần da mặt bị kéo nhúm lại vì bỏng. Rồi người chú cũng qua đời, Trương Chi trở thành người lái đò, đánh cá trên sông từ đấy.

Làm bạn với chàng từ nay là con đò, hằng ngày lênh đênh trên sông nước để mưu sinh, nỗi cô đơn buồn tủi với thân phận đắng cay nghiệt ngã Trương Chi chỉ còn biết gởi gấm qua tiếng sáo, giọng hát của mình. May mắn ngọn lửa đã không lấy mất những gì còn lại của chàng.Tiếng sáo vẫn du dương, đằm thắm, giọng hát vẫn mượt mà, trôi chảy, có khác chăng là giờ đây nó chất chứa nỗi buồn nhiều hơn vui và cũng từ đây trên bến sông nầy người ta quen dần với một anh ngư phủ có tiếng sáo và giọng hát tài hoa làm say đắm lòng người. Từ nay chuyện thi cử, danh hoa phú quí không còn vướng bận lòng chàng, nó chỉ là những bọt sóng đầu ghềnh mà thôi.

Trên bến sông nầy có một dinh thự của viên quan thượng thư bộ hình Trần Công. Ông cho xây dinh thự nầy để làm vui lòng người con gái mà ông hết lòng yêu quí: tiểu thư Trần Mị Nương. Mị Nương tuổi vừa đôi tám, nhan sắc xinh đẹp tuyệt vời, tính nết lại thùy mị đoan trang nên nhiều gia đình quyền thế trong kinh thành cho người đến dạm hỏi, mai mối nhưng nàng chưa nhận lời ai cả, quan thượng thư vì yêu con nên cũng không nài ép làm gì. Không giống như những gia đình vọng tộc khác, nàng Mị Nương xinh đẹp ngoài việc thêu thùa khéo léo, nàng còn được phụ thân mướn thầy về dạy học cho nàng nên cầm kì thi họa môn nào nàng cũng am tường cả. Cảnh tấp nập chốn kinh thành làm nàng mệt mõi không vui nên quan thượng thư cất riêng cho nàng dinh thự gần bến sông nầy, sống gần gủi với thiên nhiên,cây cỏ hợp với tâm tánh của nàng. Một đêm trăng thanh gió mát, Mị Nương trằn trọc không ngủ được, nàng bước ra hiên ngoài vọng lâu để ngắm trăng cho khuây khỏa thì từ xa phía bến sông tiếng sáo cất lên lúc khoan lúc nhặt, chơi vơi, chất chứa nỗi buồn nhân thế đã làm rung động tâm hồn của nàng tiểu thư con nhà đài các.Trái tim chưa hề biết rung động của Mị Nương với nhạc khúc tình yêu đã bắt đầu xao xuyến. Trên bến sông vắng Trương Chi vẫn thả hồn theo tiếng sáo u hoài.Tai họa đã cướp đi của chàng tất cả nhưng đã bù đắp cho chàng tiếng sáo tài hoa đa cảm.Tiếng sáo cất lên nói thay lòng chàng, như an ủi cuộc đời đầy nghiệt ngã mà chàng phải hứng chịu. Trương Chi đâu biết rằng nơi lầu son gác tía ở bên sông kia đang có một cô tiểu thư xinh đẹp đang say đắm thả hồn theo tiếng sáo của chàng.

Mị Nương nhờ nàng hầu nữ Nghi Xuân dò hỏi xem ai là người thường thổi sáo trên bến sông ấy thì được biết đó là một chàng trai sống nghề hạ bạc tên Trương Chi. Rung động trước tiếng sáo tài hoa ấy nàng muốn tìm gặp mặt nhưng nàng hầu nữ Nghi Xuân cố sức can ngăn vì quan thượng thư biết được sẽ rất nguy hiểm. Thấy chủ có vẻ không Nghi Xuân bèn bày kế cho Mị Nương nói dối quan thượng thư đi vãn cảnh rồi giả dạng nam nhân xuống bến sông mướn đò đi du ngoạn để có dịp nghe lại tiếng sáo tài hoa đó. Ngồi trên đò xuôi theo dòng nước một lúc lâu chàng công tử họ Trần kia không biết phải bắt chuyện từ đâu. Mùa nầy bông lau nở trắng cả triền sông, xa xa vài chiếc thuyền đánh cá tung chài trên sông nước, sương còn lãng đãng trên đầu cây ngọn cỏ, cảnh thật hữu tình. Công tử họ Trần cất tiếng ngâm:

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Hai câu thơ trong bài Đề tích sở kiến xứ của Thôi Hộ đời Đường. Ở câu thơ thứ hai chàng công tử họ Trần cố ý ngân dài ra chậm lại rồi dừng hẳn. Không gian như chìm vào cõi không tịch mịch thì bỗng phía sau mũi đò cất lên một tiếng ngâm đầy thanh tú:

Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.*

Cả hai thầy trò công tử họ Trần cùng quay mặt lại mũi đò, cậu tiểu đồng Nghi Xuân cười lém lỉnh nhìn về cô chủ như thầm khen tiểu thư nhà mình thông minh thật. Chàng công tử họ Trần lộ vẻ hân hoan, hai tay cung kính trước mặt, hỏi chàng lái đò:

- Thì ra huynh cũng là người am hiểu thơ phú. Thành thật xin lỗi huynh, đệ đã dám múa rìu qua mắt thợ rồi.

Người lái đò lật đật buông mái chèo, hai tay cung kính đáp lễ:

- Xin công tử thứ lỗi tôi đã làm mất nhã hứng ngâm thơ của công tử, thấy công tử dừng lâu quá bất giác tôi đọc tiếp hai câu sau cho tròn nghĩa mà thôi.

- Huynh là người có học, sao không cố chí học hành để mai sau vinh hiển lại làm nghề hạ bạc nầy?

- Xưa thân phụ còn sống có được cho học đôi ba chữ thánh hiền. Nay thân phụ mất nhà nghèo làm nghề sông nước sống cho qua ngày, không dám mơ cao.

Công tử họ Trần đề nghị:

- Nếu được phép đệ có thể kết bằng hữu với huynh được chăng?

Chàng lái đò vội vã từ chối:

- Tôi không xứng đáng làm bằng hữu với công tử đâu, thân phận tôi nghèo hèn, công tử thứ lỗi cho.

Nhưng trước tấm chân tình của chàng công tử họ Trần, Trương Chi không tiện từ chối. Cuộc gặp gỡ lần đầu của họ là như thế, tuy chưa thật sự gần gũi, thân mật nhưng hình như có mối dây ràng buộc họ như một định mệnh đã an bày. Hai người hẹn nhau mỗi tháng sẽ gặp mặt nhau một lần. Chàng Trương thì thổi sáo, còn công tử họ Trần thì ngâm thơ. Đôi lúc họ ra đề cho nhau cùng đối họa thơ phú, trăm phần tương đắc. Từ ngày được kết bạn với Trần Công Tử, tiếng sáo của Trương Chi không còn u oán, buồn bã nữa, tiếng sáo lại cất lên âm điệu réo rắt, yêu đời như thuở chàng còn là môn sinh của quan tư đồ Vương Doãn.Trương Chi đã vẽ tặng cho Trần công tử một bức chân dung với gương mặt thật xinh đẹp như một nàng thiếu nữ diềm tuyệt, tay đang xòe quạt, trên thân quạt có đề bài thơ của Thôi Hộ  như là kỷ niệm nhờ bài thơ mà hai người kết bằng hữu với nhau. Nhìn bức tranh khi vẽ xong Trương Chi chợt ao ước phải chi Trần công tử là gái nhỉ? Chỉ suy nghĩ đến đây thôi là chàng đã vội xua đi cái tư tưởng điên rồ ấy ra khỏi đầu óc của mình. Riêng Trần công tử có vẻ thích bức tranh mỹ nam nhân của mình lắm, đem về treo trong phòng ngắm nghía rồi tự hỏi: Nếu Trương Chi biết mình là gái thì sao nhỉ? Chỉ nghĩ đến đó thôi Mị Nương đã ửng hồng đôi má không dám nghĩ tiếp nữa. Nhiều lần gặp gỡ, ngâm vịnh trên đò Trần công tử dợm hỏi xin được xem rõ mặt người bằng hữu của mình nhưng Trương Chi lại khéo léo từ chối, lấy lí do mình bị dị dạng từ nhỏ nên không sợ làm hoảng hốt người khác.Thấy chàng Trương từ chối quyết liệt nên Mị Nương thôi không đề cập đến nữa nhưng cứ thắc mắc mãi. Những lần không có dịp gặp gỡ Mị Nương lại lên vọng lâu nhìn về bến sông lắng nghe tiếng sáo của Trương Chi theo gió đưa về mà miên man nghĩ về mối tình chớm nở lớn dần theo năm tháng của mình đối với chàng Trương mà mỉm cười hạnh phúc.

Một hôm trong lần gặp mặt, đò đang xuôi theo dòng thì cơn dông bắt đầu ập đến, Trương Chi vội quay mũi để tấp đò vào bờ,gió mạnh đã hất tung chiếc nón rộng vành mà chàng đang đội.Hoảng hốt chàng vội với thêm nắm giữ, nhưng không kịp nữa rồi, chiếc nón đã rơi xuống sông, cùng lúc ấy là một tiếng kêu á đầy sửng sốt kinh hoàng của Trần công tử. Vô cùng lo sợ,Trương Chi luống cuống lấy tay che mặt quay lại nhìn. Trần công tử đã ngã nhoài xuống sạp gần như bất tỉnh, chiếc mũ đội đầu văng mất hồi nào không biết, lộ ra mái tóc dài xỏa xuống bờ vai.Trương Chi há hốc miệng, kinh ngạc:

- Trần công tử là…là… Tên tiểu đồng Nghi Xuân trong cơn hoảng loạn hét lớn:

- Trần công tử, Trần công tử cái gì? Đó là Trần tiểu thư con quan thượng thư đó. Người chèo đò tấp vào bờ mau, kêu phu kiệu đưa tiểu thư về dinh để chữa trị không nguy mất.

Thì ra khi cơn gió làm tốc chiếc nón rộng vành hằng ngày che khuất gương mặt xấu xí của Trương Chi, Mị Nương đã kịp nhận ra gương mặt dị dạng,gớm giếc mà chàng cố gắng che giấu, sợ làm tổn thương đến người khác, nàng hoảng hốt ngất đi vì sợ hãi. Chuyện không thể giấu được nữa rồi, cái ngày mà Trương Chi lo sợ đã đến nhưng chàng không ngờ là nó đến nhanh như vậy.

Suốt mấy ngày hôm sau Trương Chi lãng vãng nơi cửa dinh quan thượng thư để dò la tin tức nhưng không được gì, cũng không thấy con hầu nữ Nghi Xuân xuất hiện. Sốt ruột chàng lân la dò hỏi quân canh thì bọn chúng xua đuổi chàng như đuổi tà. Thất vọng, mòn mõi chàng quay về bến sông nằm dài không thiết ăn uống, thân hình ngày thêm tiều tụy đáng thương. Hình ảnh của Mị Nương luôn lởn vởn trong đầu óc của chàng. Chàng đã yêu Mị Nương từ bao giờ.Từ khi kết bằng hữu với Mị Nương chàng luôn ao ước phải chi Mị Nương là gái thì hạnh phúc biết bao, nhưng chàng quên rằng với gương mặt xấu xí, thân phận thấp hèn của mình chỉ làm cho sự việc thêm tệ hại mà thôi. Chàng nghĩ đến cái chết. Phải rồi, chỉ có cái chết mới giải quyết hết mọi việc. Rời xa thế giới đầy ô trọc nầy là một giải thoát cho cả mình và Mị Nương.

Một buổi sáng lão ngư Lê Thái như thường lệ đi chài lưới ngang qua chiếc đò của Trương Chi lấy làm lạ. Đã hai hôm nay rồi con đò vẫn nằm im một chỗ không vời đi đâu.Thường lão đi ngang qua đã thấy Trương Chi thức từ lúc nào, pha ấm trà mới mời lão uống một chén cho ấm bụng rồi mới đi chài. Lão cất gọi nhưng không ai trả lời, lão khom người cúi xuống vén tấm sáo mỏng bước vào con đò.Trương Chi nằm đó người lạnh tanh đã chết từ lúc nào, hai tay để lên ngực phía dưới có kẹp một mảnh giấy. Lão đở nhẹ một cánh tay của Trương Chi lên, cầm mảnh giấy đọc. Đó là bài thơ tuyệt mạng của chàng:

Bụi trần chi vướng bận lòng nhau
Một tấm chân tình biết gởi đâu?
Tiếng sáo giao duyên tràn nỗi nhớ
Câu thơ ly biệt cạn thương sầu
Nửa vầng nhật nguyệt ngàn năm hận
Một khối u tình vạn kiếp đau
Tro bụi xin người hòa sông nước
Ân tình chưa trọn hẹn mai sau.

Lão ngư Lê Thái thở dài. Lão thực hiện theo nguyện vọng sau cùng của Trương Chi, đem thi hài của chàng đi hỏa táng rồi đem tro cốt của chàng rải trên dòng sông mà hằng ngày con đò chàng ngược xuôi đưa đò và đánh cá. Khi lấy tro cốt của Trương Chi đi rải sông lão ngư phát hiện trái tim của chàng không tan thành tro bụi mà lại kết thành một khối đá cứng. Đem xuống sông rửa trôi đi những vết dơ bẩn bên ngoài, viên đá lấp lánh màu đỏ huyết như viên ngọc.Lấy làm lạ lão bỏ viên đá ấy và bài thơ tuyệt mệnh vào một cái hộp rồi cất đi.

Riêng Mị Nương sau cơn hoảng loạn đó nàng nằm mê sảng cả tháng trời. Quan thượng thư ngày đêm mời thầy thuốc chữa trị bệnh tình mới thuyên giảm. Họ nói tiểu thư bị tâm bệnh cần phải có thời gian lâu dài mới hết được.Mỗi lần nhìn bức chân dung mà Trương Chi vẽ tặng mình mà Mị Nương ứa nước mắt, nàng nhớ tiếng sáo của Trương Chi. nhớ những lúc cùng chàng ngâm vịnh trên sông nước, nàng hiểu ra rằng nàng không thể sống thiếu chàng, chẳng qua là khi thấy bộ mặt gớm giếc một cách bất ngờ, đột ngột làm cho tâm trạng nàng hoảng hốt, đau khổ mà thôi. Mị Nương nhờ nàng hầu nữ Nghi Xuân đi dò la tin tức của Trương Chi thì gặp lão ngư Lê Thái. Lão đã kể hết sự tình, đưa chiếc hộp đựng bài thơ tuyệt mạng và viên tim đá cho Nghi Xuân đưa về cho tiểu thư của cô vì chính Mị Nương là chủ nhân của chiếc hộp nầy chứ không phải lão, lão giữ cũng không có ích lợi gì cả.

Đọc bài thơ tuyệt mệnh và viên tim đá trong tay Mị Nương càng đau buồn, bồi hồi khôn tả. Nàng tự trách mình trong giây phút nông nổi đã làm mất đi mối chân tình cùng Trương Chi, thế gian nầy còn tìm đâu ra tiếng sáo tài hoa ấy.Thấy con có vẻ quý viên ngọc đá, quan thượng thư nhờ thợ kim hoàn chạm khắc thành một chén ngọc vô cùng tinh xảo để tặng cho con. Ngày nọ Mị Nương rót trà vào chén ngọc, bỗng nhiên dưới đáy chén hiện lên hình ảnh con đò, văng vẳng tiếng sáo vi vu như kể lể nỗi nhớ nhung thương tiếc.Hình ảnh cũ lại ùa về, nàng bật khóc, những giọt nước hối tiếc chân tình rơi vào chén ngọc.Trong lòng chén như có một khói mỏng xanh xuất hiện càng lúc càng lớn dần.Cuối cùng cả chén ngọc hóa thành làn khói xanh tan vào khoảng hư không mất dạng.

Mị Nương lâm trọng bệnh, ngày càng thêm nặng.Trong cơn mê sảng nàng nghe như có tiếng sáo của Trương Chi rót vào tai,kể cho nàng nghe bao nỗi nhớ nhung vì xa cách. Đêm Mị Nương mất, người ta kể lại rằng có đôi hạc trắng bay từ dinh quan thượng thư về phía bến sông nơi ngày trước hai người thường thổi sáo, ngâm vịnh thơ phú đảo ba vòng, kêu vang ba tiếng rồi bay về hướng tây mất hút. Bức chân dung treo trên tường cũng mờ dần nét vẽ rồi mất hẳn như chưa từng được ai đó đặt bút vẽ lên bao giờ.

Tháng 6/2013


* Tạm dịch:                 
Đề chỗ đã thấy năm trước
Cửa nầy, năm ngoái, hôm nay
Hoa đào phản chiếu mặt ai ửng hồng
Mặt người giờ ở nơi nao?
Hoa đào vẫn đó, cười chào gió đông 
(Thôi Hộ)
Trần Trọng San dịch 


READ MORE - Truyện ngắn truyền kỳ: CHÉN NGỌC TRƯƠNG CHI - Nguyễn An Bình

MƠ AI - Chùm thơ Lê Ngọc Phái

Lê Ngọc Phái và phu nhân Tuyết Mai trước điện Capitol - trụ sở Quốc hội Hoa kỳ

MƠ AI
(Viết cho Mai)

Mơ ai trong đêm nay
Sương lạnh ướt vai gầy
Mắt buồn thôi chẳng ngủ
Biết hồn mình tỉnh - say?



CHIỀU CŨ

Về thương chiều cũ, người xa nhớ
Hoa mướp vườn em nắng nhạt rồi
Chim khách gọi gì nghe khắc khoải
Bưởi bòng vô cớ tự dưng rơi.




TRONG MƠ

Biết mấy mùa trăng bóng nhạt mờ
Chiều nay chợt thấy  – nắng xanh mơ
Gặp lại người em nơi xứ lạ
Tuyết trắng tan trong nỗi đợi chờ!

                   

KHÔNG ĐỀ

Có gì là lạ mà thao thức
Hình như trời đã chớm heo may
Thời gian lặng lẽ trên màu tóc
Sợi khói đời ta mỏng mỗi ngày!



HÒA NHỊP

Giữa khuya, lặng nhìn em ngủ
Êm đềm nhịp đập con tim
Nụ hoa giật mình chớm nở
Bao năm khao khát đi tìm…



SÓNG 

Khi sóng tình trỗi dậy
Ta tan vào mắt nhau
Sông lần đầu biết chảy
Biển lần đầu biết sâu



BÊN LY CÀ PHÊ

Bên ly cà phê sớm
Giọt buồn vui lặng thầm
Lắng nghe lời chim hót
Nắng cũng vừa hoa râm!



READ MORE - MƠ AI - Chùm thơ Lê Ngọc Phái

TÌNH THƠ - La Thuỵ và các thi hữu




  
                                          


                  TÌNH THƠ

     Ruột tằm rút mãi đã xong chưa
 

     Vấn vít đong đưa đến tận giờ 


     Xướng họa gieo vần thêu ý bút 


     Tâm giao nâng chén dệt đường tơ
 

     "Diêu bông" lá mộng kìa ai đợi *


     "Cổ điển" mùa mơ nọ khách chờ *

     Cánh bướm Trang Chu còn lãng đãng
 

     Đắm hồn ươm kén ủ tình thơ


                                     La Thuỵ

   * Lá diêu bông: Tên một bài thơ của Hoàng Cầm

   * Mùa cổ điển:  Tên một tập thơ của Quách Tấn

   
                       HOẠ


     1/        KHÔNG ĐỀ

     Cái nợ văn chương trả chán chưa?
     Đeo mang buổi ấy đến bây giờ
     Ngôn từ vật vã bờ danh vọng
     Chữ nghĩa hoa hòe mớ tóc tơ

     Lụy ngã bạc tiền, cong bút múa
     Thăng trầm cơm áo, nấu thi chờ
     Thời nay lãng mạn ai cần đến?
     Ngẫm ngợi càng đau mấy áng thơ
                                              PyN

    2/             TRI ÂM
    Nửa kiếp tìm người đã thấy chưa? 
    Tri âm kiếm mãi đến bao giờ.
    Lang thang khắp mạng khôn vào web
    Sục xạo muôn miền khó kết tơ.
    Chốn ảo đêm đêm lòng vẫn ngóng
    Vùng chân sáng sáng dạ còn chờ.
    Đói lòng thử hỏi sao ăn chữ?
    Chua xót nỗi niềm ta với thơ.
                                   Huy Vụ 
                                 

     3/             NỢ THƠ
    “Thi trái”*  duyên hờ cởi hết chưa
    Thẩn thờ vướng mãi đến bao giờ
    Gieo lòng dệt mộng vương hồn bút
    Tạc dạ ươm tình kết tóc tơ
    Hoa nở xuân tươi bừng ý đợi
    Tuyết rơi đông lạnh lịm hồn chờ
    Thương vay khóc mướn chi nên nghiệp
    Mấy bận quyết lìa, nghĩ tội thơ
                                             Nhã My
    *Thi trái : nợ thơ


    4/     MỘT ĐỜI...NỢ !
    Cái nợ nhân quần rũ sạch chưa!
    Ngàn năm vóc cũ tạc đến giờ
    Cụ Đồ luyện bút đền ơn nước
    Bác Nguyễn phơi gan lọc mối tơ
    Vay thế sinh tồn lăn bóng nguyệt
    Trả đời tử kiệt gạn mong chờ
    Đẻo từ vặn chữ gieo niềm luyến
    Kẻo phí hoài tình một tứ thơ!
                    Mai Trang Huỳnh


    5/         DUYÊN THƠ

    Duyên kiếp thi nhân mộng vẫn chưa
    Loay hoay tìm lối bấy lâu giờ
    Nghiên son giữ đẹp xanh hồn bút
    Nét ngọc gìn tươi thắm sắc tơ
    Một chữ tri âm còn ngóng đợi
    Năm câu bằng hữu vẫn mong chờ
    Sân hòe tỉnh giấc trăng về núi
    Nghĩ thẹn cho mình cũng khách thơ…
                                       Điều Giản Dị 


    6/        TÌNH THƠ   
    Ta gởi bài thơ đã họa chưa 
    Từ tuần lễ trước đến bây giờ. 
    Kết giao học hỏi tìm đường chỉ
    Du lịch viếng thăm kiếm mối tơ.
    "Trốc Nguyệt" có còn người đứng vớt 
    "Hạc Lâu" đây vẫn kẻ đang chờ.
    Bao la thắng cảnh đà qua mắt 
    Đã gợi trong lòng chút vị thơ
                 Hoàng Kim Liên

     7/        VẦN THƠ LẺ
     Suối ngàn mây núi đã về chưa
     Chốn cũ thâm u tự bấy giờ
     Kẻ mộng tang bồng chi hẹn bến
     Người mong phúc lạc cố quay tơ
     Trượng phu gió bụi pha màu nhớ
     Thục nữ xuân tình quyện sắc chờ
     Chợp mắt hòe an chừng thấm lạnh
     Vườn xưa dang dở lẻ vần thơ !
                                Quỳnh Lý Đức

     8/         DUYÊN THƠ
     Đường thi xướng họa đã bưa chưa?
     Từ độ quen hơi mãi đến giờ.
     Bút trổ thơ xinh giàu tiết điệu.
     Vần gieo tứ đẹp mượt cung tơ.
     Rảnh rang lên mạng tìm đề họa.
     Thư giản bày trang kiếm vận chờ.
     Thỉnh thoảng muốn lờ - đâu có nỡ...
     Dường như duyên nợ với nàng thơ.
                                     Hồ Trọng Trí
                                  Kim long, BRVT


     9/         TÌNH THƠ
     Ngàn xưa mãi đến tận bao giờ
     Hóa kiếp tằm luôn giữ kén tơ
     Xướng chọn vần gieo câu tứ lộng
     Họa nương từ cảm ý tình chờ
    Trang Chu hóa bướm điều chân thật
    Hồ điệp mơ tiên ấy tính thơ
    Em hỡi muôn năm đời vẫn đẹp
    Thả hồn ấp mộng đã bưa (*) chưa
                                 Lê Văn Thanh
   (*) Bưa (phương ngữ) :  đủ , vừa

     10/      TRANG THƠ
    Tâm tư dào dạt viết rồi chưa ?
    Lỡ vận muốn gieo kẹt hết giờ
    Thơ bạn xướng lên câu bóng gió
    Bút ta họa lại chữ ươm tơ
    Dẫu không đáp ứng lời châu ngọc
    Thì cũng giao lưu ý hẹn chờ
    Mong ước nàng cùng hòa đối nhịp
    Cho tình bay bổng những trang thơ ./.
                                      Vĩnh Hoàng
                          
READ MORE - TÌNH THƠ - La Thuỵ và các thi hữu