Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, April 7, 2015

GẶP GỠ - Phan Thạch Nhân

       
                  Tác giả Phan Thạch Nhân


                                   GẶP GỠ   
                             Phan Thạch Nhân

Sớm mai thức dậy, sau khi chạy mấy vòng quanh sân vận động tôi đạp xe quay về nhà giữa lúc hồi chuông tan lễ vang lên từ thánh đường giáo xứ Hiệp Lực. Hôm nay là ngày chúa nhật, sáng sớm trời trong xanh và mát dịu, tôi tắm vội vã rồi thay đồ để chuẩn bị cho một ngày mới.
Vẫn như mọi ngày, người bạn trẻ đồng nghiệp bưng hai tách cà phê và ấm trà ra bộ ghế đá trước sân nhà mời tôi uống rồi cùng bàn bạc công việc. Sắp vào mùa phục sinh, dòng người tan lễ ở nhà thờ tràn ra mọi ngả đường, mấy cô mấy chị dịu dàng với những bộ áo dài thướt tha đủ màu sắc làm cho buổi sáng cuối tuần thêm tươi đẹp hơn. Tết nguyên đán đã qua hơn tháng, tháng Giêng trôi quá nhanh nhưng dù sao cũng còn mùa xuân để rồi sáng nay lại có một cuộc hẹn hò với anh em, với bạn bè để thực hiện một chuyến rong chơi gặp cuộc họp mặt cựu học sinh Nguyễn Hoàng tại La Gi - Bình Thuận vào ngày 22/3/2015.
Vượt qua gần chín mươi cây số, đúng bảy giờ mười lăm phút sáng, chiếc Ford bảy chỗ ngồi chạy thẳng vào sân nhà tôi, từ trong nhà, tôi vội chạy ra chào đón khách. Chuyến đi này không phải chỉ bốn anh em là anh Giang, bạn Liên Hưng, cô út Vĩnh Phước và tôi  như dạo du xuân đầu năm mà trên xe bước xuống còn có cô Giáng Hương – cựu giáo sư trường Nguyễn Hoàng và hai chị Nguyễn Hoàng lớp trước: Đó là chị Quang Tuyết ở Saigon và chị Lê Lan ở Bảo Lộc về cùng tham gia đi họp mặt hôm nay. Thật là vui và vinh dự được đón tiếp, đúng là một cuộc hội ngộ bất ngờ, bởi vì dù sao thì cũng hơn bốn mươi năm qua kể từ mùa hè năm ấy ở quê nhà tôi đã mất tất cả. Chính tôi cũng không ngờ qua những cuốn nội san của trường Nguyễn Hoàng tôi đã được biết tin tức về thầy cô, những vị giáo sư năm xưa dạy mình với những năm ngắn ngủi được vào học một ngôi trường nổi tiếng tại quê nhà Quảng Trị. Và cũng nhờ những lần họp mặt Nguyễn Hoàng đây đó mà tôi đã gặp lại được thầy cô và một số bạn bè thân yêu của một thời cắp sách. Thật tình sáng nay đối với tôi quá bất ngờ bởi vì ngoài anh Giang, Liên Hưng, Vĩnh Phước và chị Quang Tuyết đã quen thuộc, tôi chỉ biết cô Giáng Hương hay chị Lê Lan qua những hình ảnh trên sách báo. Tôi ngẩn ngơ ngắm nhìn cô giáo cùng các anh chị và bạn bè trong những bộ trang phục lịch sự, quý phái mà không kém phần trẻ trung, xinh đẹp như những diễn viên điện ảnh xuất hiện ở nhà mình, tuy tuổi đời mọi người đã trên dưới sáu mươi. Tôi những muốn kêu lên: Chao ơi! Cô trò của Nguyễn Hoàng xinh tươi quá! (Mà không dám nói ra).
Từ mấy hôm trước, qua những cuộc đàm thoại tôi đã biết để có cuộc tham gia họp mặt này, cô và mấy chị em đã hẹn hò nhau tập trung tại thành phố Biên Hòa từ hôm qua và “ém quân” tại nhà bạn Liên Hưng. Bất giác tôi mỉm cười một mình với ý nghĩ “hành quân” sớm thế chắc phải dậy từ 3 giờ sáng mới chuẩn bị kịp.
Ngồi ở phòng khách uống nước, chúng tôi như người một nhà. Sau những câu thăm hỏi, câu chuyện cứ nổ như bắp rang cùng tiếng cười đùa vui vẻ. Dù ngày tháng đã đi qua hơn nửa đời người, dù nắng gió đã làm phai nhạt những mái tóc xanh ngày nào cũng như trên mỗi khuôn mặt ít nhiều đã xuất hiện những dấu ấn của thời gian, song tâm hồn người Nguyễn Hoàng luôn chan hòa tình thân ái nên dù mới gặp nhau lần đầu đi nữa thì cũng cứ như quen biết tự bao giờ, không có gì lại ngại ngùng, bỡ ngỡ. Sáng nay tôi không mời khách những ly trà như mọi ngày mà tự mình nấu bình nước chè xanh, thêm miếng gừng tươi đập dập như ngày xưa mẹ tôi thường làm cho cả nhà uống với ý nghĩ đôi khi ly nước chè xanh có hương vị gừng sẽ đưa những người khách xa quê chợt nhớ về quê nhà, để mà thương mà nhớ về những quãng ngày xa xưa ấy. Và suy nghĩ của tôi đã không sai vì sau khi nhấp ngụm nước, câu chuyện chè xanh lại tiếp nối từ người này sang người khác. Sau bữa điểm tâm nhẹ, tôi xin được ghi lại những tấm hình lưu niệm trong chuyến gặp gỡ thi vị này rồi lên xe hướng về Bình Thuận.
Đường Quốc lộ 1 sáng nay khá nhiều xe, ngoài các chuyến xe chạy đường dài ra Trung, ra Bắc; số còn lại là  đi tham quan, du lịch các cảnh quan như Mũi Né, Đồi Dương hoặc đi lễ xứ Tà Pao v.v...
 Bỏ lại cột mốc ranh giới tỉnh Đồng Nai đằng sau, chúng tôi thong dong trên đất Bình Thuận. Sáng nay gió biển thổi vào dịu dàng khiến ai cũng khoan khoái. Ngoài cậu tài xế trẻ im lặng chú ý lái xe, trên xe luôn đầy ắp tiếng cười nói của bảy nhân vật bởi những câu chuyện khá vui nhộn do các nghệ sĩ nghiệp dư của con cháu Nguyễn Hoàng sáng tác. Một Liên Hưng hoạt bát, một Quang Tuyết sôi động bên cạnh cô út Vĩnh Phước nhẹ nhàng, thùy mị. Chị Lê Lan thì ít nói nhưng nụ cười thân thiện luôn nở trên môi, còn anh cả Phan Thạch Giang dù đã vào hàng U70 mà vẫn còn nghịch ngợm vì dám sửa lời một bản nhạc nổi tiếng khiến ai cũng phì cười. Và tiếng cười dòn tan của cô Giáng Hương là một hấp lực dễ lây lan nhất với những câu chuyện mà đám học trò hết kể lại trêu nhau. Cười, cười đến đau cả ruột và cũng nhờ thế mà xe vượt qua chặng đường dài lúc nào không hay.
Đến đoạn rẽ vào Hàm Tân, tôi nhìn tấm biển báo có mũi tên chỉ về phía trái là Phan Thiết, có lẽ anh Giang cũng nhìn thấy. Hai anh em tôi cùng ngồi hàng ghế sau nên tôi liếc nhìn qua, thấy trong ánh mắt anh Giang có một chút suy tư và hơi thoáng buồn. Muốn chia sẻ cùng anh nên tôi đọc nho nhỏ bài GÁC TRỌ của anh viết từ năm 1962 và đã đăng trong tập san Xuân giới tuyến – 1962.

         GÁC TRỌ

                          Gác trọ lên màu bệnh viện
Lệ nhòa theo tiếng mưa đêm
Hẹn hò nhau về Quảng Trị
Phan Thiết có buồn không em?
Hãn Giang dâng sầu uốn khúc
Tâm tư theo bóng vai gầy
Mắt chiều vọng về Phan Thiết
Mấy mùa tay trắng bàn tay.
Đại lộ đông người không em
Mà sao không về Quảng Trị?
Hay em sợ mưa ướt áo
Hay đường phủ kín lối đi.
Gác trọ buồn thương nín lặng
Bờ mi khép kín hoàng hôn
Hãn Giang nhạc sầu thế kỷ
Con tàu gãy nát ru hồn.
Đêm nay lạnh về xứ Quảng
Nghẹn ngào viết khúc mưa đêm
Hẹn hò nhau về Quảng Trị
Phan Thiết có buồn không em?
            Ái Nghĩa 
   (Quảng Trị 1962)

        Tuy bài thơ đã viết cách đây trên năm mươi năm, nhưng có lẽ với những tâm hồn thi nhân thì thời gian ấy không là gì cả.
Theo chương trình của nhóm thì điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là ghé nhà thầy Lê Văn Quýt thắp nhang tưởng niệm thầy. Tuy nhiên khi đến nơi thì đồng hồ đã chỉ 9 giờ, chắc chắn giờ này người nhà của thầy đã đến điểm họp mặt nên đành hẹn sẽ ghé lại khi trở về. Xe tiếp tục di chuyển chậm về hướng trung tâm thị trấn La Gi vì tài xế sợ bị bắn tốc độ. Điểm họp mặt hôm nay ở tại một resort mới mở sau này mà tôi chưa biết, chị Quang Tuyết làm hướng dẫn viên chỉ đường bằng tấm bản đồ in sẵn trên bao thư mời nhưng đi hoài vẫn chả thấy đâu là đâu, đành phải tấp vào lề đường hỏi người dân bản xứ đến 3 lần, khi đó mới biết thì ra hướng dẫn viên đã lật ngược tấm bản đồ, vậy mà chị còn bảo tại bản đồ vẽ… sai khiến cả xe ai cũng bật cười.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến với điểm họp mặt của Nguyễn Hoàng Bình Thuận và đây là nhóm đến muộn nhất. Đã vậy mà có ai đó còn đùa: "Mình đến muộn coi chừng hết chỗ ngồi" để rồi lại phá lên cười trước khi bước xuống xe. Mấy anh trong ban tổ chức niềm nở đón chúng tôi kèm theo những lời hỏi thăm rất vui, thoáng một vòng quanh lên sân khấu, tôi thấy thầy cô tham dự rất ít, một chút ngậm ngùi tôi chợt thầm hỏi: "Tìm đâu đây hình bóng của thầy Quýt năm nào?". Trong hội trường, anh chị em cựu học sinh Nguyễn Hoàng các nơi về dự như Sài Gòn, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai khá đông. Rải rác vài Nguyễn Hoàng các vùng miền khác còn lại là các cựu học sinh Nguyễn Hoàng của Bình Thuận. Đang ngẩn ngơ tìm bạn bè thì anh Đoàn Phú  kêu lại chụp hình lưu niệm. Tiếng nhạc trỗi lên từ sân khấu, thì ra chị Quang Tuyết đã có mặt kịp thời để cùng các chị ở NH/Saigon trình bày ca khúc giúp vui cho chương trình, một sân khấu quá vui nhộn với những tiết mục khá sôi động và giọng hát nào cũng hay cả.

           
                                       Phan Thạch Nhân và Đoàn Minh Phú

Khu resort mới này nằm giữa một khu đất trống, nhà ở thưa thớt nên gió biển thổi vào lồng lộng, mấy anh em đồng môn đứng lại trước khuôn viên chụp mấy tấm hình lưu niệm, hỏi thăm nhau và chuyện trò qua những quãng ngày phiêu bạt.
11giờ 30, tiệc mặn với những món hải sản hấp dẫn được nhà hàng dọn ra, mọi người vào bàn và giao lưu mừng ngày hội ngộ qua những chiếc ly cụng côm cốp. Sân khấu lại càng sôi động hơn với những lời thơ, những bản nhạc hay một thời đi qua giữa lúc gió biển thổi vào lồng lộng. Anh Trương Tuyến và các anh trong ban tổ chức đi qua từng bàn chào khách và hỏi thăm nhau, tôi ngồi vào một bàn cùng các đồng môn mà có mặt cả ba đơn vị: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Đặc biệt hơn nữa là tôi được ngồi bên cạnh thầy Văn Chương người Long Hưng - một vị cựu giáo sư của trường trung học Nguyễn Hoàng. Nhiều người đến chào thầy và thầy trả lời khiêm tốn, tôi nhận thấy thầy ít nói nhưng hay cười. Đây là một trong những người thầy được học sinh quý mến nên bạn bè tôi vẫn thường nhắc đến khi gặp nhau. Vì thế tuy chưa được học với thầy nhưng trong tôi sự quý mến không vì thế mà suy giảm. Sau những món ăn rất biển thì bầu trời La Gi cũng xuôi về chiều, nắng gió bạt ngàn trên khu resort, chúng tôi bắt tay chào ban tổ chức và những người đồng môn La Gi - Bình Thuận để về Đồng Nai, chị Quang Tuyết chia tay nhóm để theo xe về thành phố cùng đoàn Saigon. Nhóm NH 67-74 mời ra biển uống cà phê hóng gió nhưng chúng  tôi đành xin lỗi và nói một lời cảm ơn vì chương trình của nhóm nhỏ này đã sắp xếp theo dự định, chúng tôi mời anh Hiêu (NH 62-69) lên xe cùng về.
Chiếc Ford Everest chuyển bánh rời khỏi resort, bạn Liên Hưng bấm số đàm thoại với người nhà thầy Quýt, nhưng lại không có người ở nhà. Khi xe chạy ngang qua ngõ vào nhà thầy, tôi nghe văng vẳng tiếng ai đó: Lạy thầy! Lạy thầy!... Hình như của Liên Hưng và Vĩnh Phước, trên xe chợt lặng lẽ bất ngờ.
Ra khỏi thị trấn La Gi tôi nhắc tài xế ghé vào một quán cà phê sân vườn nghỉ chân, trong buổi trò chuyện ở quán sân vườn thoáng mát, cảm ơn hai vị đàn anh là Nguyễn Văn Hiêu và Phan Thạch Giang đã trang trải nỗi lòng đầy cảm xúc với những vần thơ ngày cũ.
16giờ xe về tới Xuân Lộc, khu chợ Xuân Đà vẫn đông như buổi sáng. Chúng tôi tấp xe vào một quán bánh xèo chiều trên quốc lộ 1 để thưởng thức ẩm thực món ăn miền Trung như đã dự định, rồi tiếp tục lăn bánh đưa mọi người trở về nhà trong chiều nắng nhẹ sau một ngày rong chơi gặp gỡ. Tôi chào tạm biệt cô giáo và anh chị em trong nhóm và xin hẹn một ngày hội ngộ tiếp theo để đi thăm trang trại gà ta của anh Hiêu ở Xuân Định, sau đó qua Bà Rịa - Vũng Tàu thưởng thức món bồ câu hầm đậu xanh ở nhà út NH/Vĩnh Phước làm ai cũng bật cười và Liên Hưng phải kêu lên: Ôi! Vĩnh Phước chỉ “chăn nuôi” có một cặp bồ câu làm cảnh mà Phan Thạch Nhân cứ đòi hầm đậu xanh riết.
Đến điểm dừng tôi rời xe, vẫy tay tạm biệt những Nguyễn Hoàng thân thương rồi băng qua đường về nhà. Có cậu bé trai chừng mười tuổi đầu chít khăn tang  phơi nắng tóc cháy vàng hoe đi theo bên cạnh: “Mời bác mua giùm con tờ vé số”.
Nhìn tấm thân gầy gò với chiếc áo thun quá khổ, nước da đen sạm, nhưng giọng nói Quảng Trị rất dễ thương. Trên đôi tay đen gầy xơ xác còn bốn tờ vé số, tôi cầm lấy tất cả và đưa cho cháu một tờ giấy bạc: “Khỏi thối cháu nhé!”
Cậu bé khoanh tay cúi đầu cảm ơn rồi lặng lẽ đi vào ngõ vắng.
Tôi mỉm cười vừa đi vừa hát nho nhỏ khúc ca ngày cũ  "NÓ"; hầu như đã quá  xa xôi  của  nhạc sĩ nào đó mà không nhớ tên:

Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ
Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo.
......................................................                                                                                   
                                                                 Phan Thạch Nhân
                                                                     Xuân Lộc,23/3/2015

READ MORE - GẶP GỠ - Phan Thạch Nhân

HƯƠNG QUẢNG TRỊ PHƯƠNG XA - Quang Tuyết

     
           
                     Tác giả Đinh Thị Quang Tuyết


                HƯƠNG QUẢNG TRỊ PHƯƠNG XA

   Hẹn hò rồi cũng đến ngày họp mặt Nguyễn Hoàng Lagi. Đúng ra tôi cùng đoàn Nguyễn Hoàng Sài Gòn do anh Lê Đình Ân làm trưởng đoàn về trước Lagi hai ngày, nhưng vì thời gian không cho phép,  tôi đi theo tiếng gọi của cô trò Liên Hưng và anh Phan Thạch Giang. Ba giờ chiều, tôi và chị Giáng Hương gặp nhau ở bến xe Bus, về Biên Hoà. Lê Lan thì từ Bảo Lộc xuống, Vĩnh Phước từ Bà Rịa ngược vào, cùng ở lại nhà Liên Hưng trước một đêm, để sáng sớm anh Giang  đến đón. Liên Hưng sắp xếp thật chu đáo, nhờ Do lên chăm mẹ , rồi chỉ định chỗ ngủ cho mỗi người. Tối ấy, sợ rằng lâu ngày gặp nhau cô trò ham chuyện sẽ không ngủ được, nên sau khi ăn bữa cơm gia đình đầm ấm, Liên Hưng phát cho mỗi người một viên thảo dược an thần, tôi đòi uống 2 viên với lý do không đủ “đô”, út Hưng không cho nên trăn trở mãi… Thương hai chị em Hưng-Phước trải chiếu nằm dưới sàn, nhường giường cho tôi và Lan. Cô Giáng Hương chủ quyền một phòng riêng để giữ sức khoẻ. May là toàn nữ nhi nên chẳng ai kéo gỗ nên có thao thức gì tôi cũng ngủ thiếp đi. Đến tờ mờ sáng đang bay bổng trong mộng đẹp, thì bị kéo chân ngồi dậy… Tất cả đang chuẩn bị trang điểm, tôi và cô Giáng Hương được gọi sau cùng. 

        

Và đúng như út Hưng báo, anh Giang là kim đồng hồ chuẩn xác, 5g sáng anh và xe đến nhà, mọi người lục tục ra xe trực chỉ căn cứ 4, đến nhà Phan Thạch Nhân. 
Những tô mì Quảng đã được Nhân tự tay vào bếp làm từ sớm, thật ngon và đậm đà, tiếc là thời gian không thể kéo dài nên ly café chỉ nốc cạn chứ không được phép nhâm nhi. Vậy mà đến Lagi cũng muộn, tài xế cũng như khách chẳng ai biết chắc địa điểm nên đi tìm, rồi hỏi. Loanh quanh một hồi cũng về điểm hẹn, khu resort và băng rôn : "Họp mặt Nguyễn Hoàng Lagi Bình Thuận" kia rồi. Xe vào sân thở phì, tiếng nói từ âm thanh phát ra: Đã bắt đầu chương trình. Chúng tôi đến hơi muộn. Những tình tiết trong chuyến đi, chắc chắn các cây bút còn lại sẽ viết, tôi đi quanh hướng khác: đó là tình nghĩa Nguyễn Hoàng, một tình nghĩa thiêng liêng và gắn kết, tôi tin chắc không có ngôi trường nào có được như tình cảm cũng như ý nghĩa bằng trường của chúng tôi.
    Vừa bước lên khỏi bậc cấp, đã có những tiếng chào hỏi lao xao. Anh Nghị Na-uy đến kéo tay tôi đến chào vài anh chị đang ngồi dãy ngoài. Rồi đến bàn tiếp khách ký tên nhận huy hiệu, bắt tay những cô bạn thân quen mấy năm mới gặp mặt lại. Cái nóng của nắng đã được gió biển thổi đi hết, cái nóng tâm hồn đã được tưới mát từ những nụ cười, ánh mắt thân thiện mà dung dị của anh chị em Hàm Tân làm dịu đi. Tôi thấy mình như đang trở về quê hương Quảng Trị thân yêu.

       

            
                                   
   Tôi đứng một bên phòng họp quan sát chung quanh, tìm xem nhóm NHSG ngồi ở đâu rồi đi lần đến, vì theo lời Mỹ Liên báo anh Trương Tuyến yêu cầu chúng tôi đóng góp vài tiết mục văn nghệ giúp vui. Mấy cái đầu châu lại thầm thì, chia phần đoạn hát. Một tiết mục cộng âm không cần dzợt trước. Không sao, cứ hát hết sức, cháy hết mình là đẹp rồi… Đứng trên sân khấu, nhìn xuống các anh chị đồng môn, thiếu rất nhiều người quen thuộc… Nhất là thiếu một người thầy tôi hằng kính yêu. Lòng nao nao xúc động… Thầy ơi! Cô học trò vất vở bụi tre hôm nay về đây, không còn thầy đến thoa đầu rồi bảo với mọi người:” Cô học trò cưng của tui đây nì”…

 
                   Nhóm văn nghệ Bồ Chao của NH SG

     Ngày họp mặt đầu năm của Nguyễn Hoàng Bình Thuận lần này, ngoài tình cảm thân quý của anh chị em trong BLL cùng tất cả đồng môn về tham dự, đặc biệt có những điều cho tôi cảm thấy rất ấm lòng.
Thứ nhất là sự hiện diện của anh chị Hoà An.
Hôm lên chúc Tết anh chị, nghe anh bảo rằng sẽ đi Hàm Tân vì ở đó tình người, và khung cảnh giống quê hương Quảng Trị mình, mộc mạc mà thân tình, và ở đó còn in đậm bóng hình của thầy Lê Văn Quýt. Dù thầy không còn nữa nhưng trong lòng anh, thầy luôn hiện hữu. Hình ảnh người thầy 90 tuổi ra đến tận cửa đón từng học sinh NH cũ từ xa về, ôm choàng thương mến anh không thể nào quên, dù anh chưa học thầy một ngày nào. Nghe anh nói, tôi không tin chắc lắm vì Anh còn ngồi trên xe lăn, và luôn phải cần có người hỗ trợ di chuyển. Dù Chị luôn theo sát bên anh như hình với bóng, nhưng chị cũng không phải là người có đầy đủ sức khoẻ thì làm sao đây? Thế mà Anh chị đã về trước một ngày, ghé vào thắp hương kính thầy bằng tất cả tình thương quý trân trọng. Tôi không có mặt để chứng kiến, nhưng qua câu chuyện kể lòng cũng rưng rưng, khi biết anh đã không cầm được nước mắt trước di ảnh, và cả lúc chuyện trò với  anh con trai của thầy. Nén hương anh dâng chính là nén hương lòng thật trọn vẹn nghĩa tình trước sau.

 
                      Anh chị Hoà - An với CHS NH

   Sáng họp mặt, anh ngồi trên chiếc xe lăn, chăm chú nhìn và lắng nghe mọi người phát biểu với ánh mắt thương mến bao la. Tôi nhìn thấy rất rõ trên nét mặt của anh, tình yêu quê hương, tình thương trường cũ, thầy bạn xưa vô cùng sâu sắc. Anh còn khoe với tôi: " Anh về đây ăn ngon miệng lắm, và ngủ một giấc từ đầu hôm đến sáng. Dù đường xa nhưng anh không hề thấy mệt mỏi khi ngồi hơn ba tiếng trên xe "Đúng là phép lạ..." Chị mừng, và tôi cảm thấy rất vui. Sự lo lắng trước đó bay theo gió ra biển. Sự có mặt của anh chị trong buổi họp mặt là nét chấm phá tuyệt vời nhất, ý nghĩa nhất mà tôi cảm nhận được… ở Lagi hôm ấy. Lòng tràn trề hy vọng tháng 6 anh chị sẽ cùng về Quảng Trị, về thăm quê hương thân yêu của mình.
+ Đó là sự có mặt của anh Jeff và chị Phương:
Anh là người Mỹ, lập gia đình với chị là người VN... và là một chs Nguyễn Hoàng. Năm ngoái anh về hưu, không còn là cơ trưởng điều khiển máy bay đi các nước trên thế giới nên theo vợ về VN sinh hoạt cùng mọi người. Lúc nào gặp gỡ, tôi đều bắt gặp ở anh tình cảm đậm đà của người chồng khi trìu mến nhìn vợ, khi ngồi lặng im nghe, nhìn ngắm vợ vui vẻ cười nói với anh em bạn bè, dù anh không hiểu tiếng Việt nhiều. Anh bảo: "Chỉ cần chị vui, chị cười là anh cảm thấy hạnh phúc...". Tất cả những sinh hoạt tập thể NH, nơi nào có chị là có anh... Rất hoà đồng, vui vẻ và dễ mến. Ánh mắt anh trao gởi chị đẹp như ánh mắt của thầy tôi (Lê Hữu Thăng) khi nhìn cô. Cảm ơn chị đã mang về một chàng rể Quảng Trị quý giá...
Cảm ơn anh chị Lê Đình Ân đã tạo ra những điều kiện để mọi người vui vẻ xích lại gần nhau.


   
                                    Vợ chồng anh Jeff và chị Phương 

+ Đó là chị yêu quý: Cô Giáo Giáng Hương từ Gia Lai xuống
Các học trò của cô vô cùng sung sướng khi gặp lại cô giáo, thấy cô sức khoẻ, xinh đẹp và trẻ trung như hoa vừa độ, còn tôi không ngớt ngắm chị yêu quý mà thầm cảm ơn Trời Phật gia hộ cho chị tìm lại được nụ cười và hy vọng cho tương lai
Tôi không học với cô, nhưng rất yêu quý cô từ câu chuyện một cô giáo sau mấy mươi năm cùng số phận như dân QT tứ tán bốn phương, sau 1975 đã cùng gia đình lên tận Gia Lai tiếp tục nghiệp dĩ đã chọn, cất công đi tìm những em học sinh Nguyễn Hoàng ngày xưa của mình, dù cô về dạy trường NH chỉ vài ba năm.
Cô đã theo học trò xưa về Hàm Tân phó hội, vì cô yêu quý những tháng ngày ngắn ngủi đứng trên bục giảng Nguyễn Hoàng, vì cô thương mến những mảnh đời thăng trầm theo con sóng thời cuộc mà vẫn đậm đà tình nghĩa Đoàn Kết - Chia Sẻ và Thân Thương...


   
                       Cô Giáng Hương với CHS NH

+ Hắn đứng trước mặt tôi, ngay trước hành lang vào hội trường với nụ cười tươi nhẹ. Thật không thể nghĩ đây là người đàn ông lục tuần, quá trẻ so với số năm hắn có mặt trên cõi đời này, dù theo những nguồn tin từ các kênh bạn bè đồng môn tôi biết hắn từng trải qua những tháng ngày không bình yên gì, nếu không nói cũng gặp nhiều mất mát đau thương, vậy mà hắn vẫn vượt qua thật vững vàng bây giờ đứng trước mặt mọi người bình yên và vui vẻ, xứng đáng là trụ cột gia đình, đúng nghĩa của giới tính ba mẹ hắn ban cho hắn. Tôi chợt nảy sinh ý so sánh nụ cười và nét mặt tươi tắn trẻ trung này với những đóa hoa xương rồng tôi xem trên Net mấy hôm truớc... Ừ! So sánh một người đàn ông với hoa thì hơi khập khiễng thật, nhưng đọc giọng văn, câu thơ đầy hào khí của hắn, rồi nhìn dáng dấp một thư sinh nho nhã kia, thật trái ngược hoàn toàn... Sự mạnh mẽ của hắn nằm trong khối óc và tư duy.
Hắn hỏi:” Sao xe ra trễ vậy”.
Tôi vừa tháo chiếc khăn quàng vừa trả lời: "Xe lạc đường, quanh quẩn các ngã ba, tư nên đến muộn". Định hỏi đùa hắn là đang muốn hỏi ai. Nhưng trông mặt hắn, tôi biết lần này không có sự lẫn lộn nữa.
Đó là những ba lần họp mặt Nguyễn Hoàng Bà Rịa và Hàm Tân hắn cứ nhầm lẫn tôi với Ngò Rí Liên Hưng. Lần đầu tiên tôi cũng ngỡ ngàng, khi một khuôn mặt lạ hoắc đến chào mình rất thân thiết, thấy ánh mắt ngạc nhiên của tôi, hắn nói: Không nhớ mình sao? Tệ vậy…


   
                   Đinh Quang Tuyết và Đoàn Minh Phú

Tôi cười trả lời qua loa: "xin lỗi mình chưa nhớ ra, dù thấy mặt hơi quen" rồi chào đi vào trong hội trường tìm anh em bạn bè. Lần thứ hai, không nhớ ở đâu, hắn lại đến chào và trách:” Có lần chụp hình chung cùng bạn bè vui vẻ thân tình vậy, bộ quên hết sao?”. Tôi lại cười cười xã giao rồi chào đi theo bạn mà lòng thì cứ băn khoăn mãi:” Ai rứa hè?” Rồi cố moi tim óc ra tìm xem mình đã gặp gỡ và chụp hình ở đâu. Chết thiệt, chẳng có một ấn tượng gì. Hoàn toàn bộ nhớ không lưu gì về hắn. Mà trông nét mặt của hăn rất chân tình nên không phải đùa cho vui được. Chà! lo lắng thiệt chẳng lẽ mình lão hóa nên trí nhớ bị xơ cứng đến vậy sao? Ngẩn ngơ một chặp, chắc hắn cũng ngạc nhiên, vì quá tam ba bận, không lẽ gặp 'trạng" đầu thai? nên hắn hỏi:” Có phải Liên Hưng không?” Lúc đó tôi mới vỡ òa ra lý do, hắn nhận nhầm tôi với nhỏ Liên Hưng. Tôi đính chính: Tui là Quang Tuyết, hắn ngẩn tò te, nhìn nhưng ánh mắt vẫn bán tín bán nghi, tôi đi tìm Liên Hưng kể lại và bảo Ngò Rí cùng xuất hiện để giải tỏa tư tưởng cho hắn, hì hì… Khi đó, cùng bật cười xòa và nói:” Xin lỗi, nhưng hai người giống nhau quá”…Từ đó, tôi và hắn biết nhau không chỉ qua cái tên Thầy Đồ, và hắn cũng phân biệt được tôi và LH. Không mấy đời trò chuyện, chỉ vài ba cái email chuyển bài, gởi bài trao đổi tin tức ngược xuôi. Có khi gặp nhau trên diễn đàn thơ Đường Luật với những bài họa vận…Rồi có gì thắc mắc về Internet, hay trục trặc của Computer, tôi nhờ vã kiến thức của hắn. Qua Blog tôi thấy hắn là người có tài, và có tâm hồn, nên rất ngưỡng mộ. Gặp ngoài đời, dáng vẻ của hắn dễ đánh lừa người chưa thân thiết. Có lẽ nhiều người nghĩ đây là anh chàng yếu đuối, đa cảm… trói gà không chặt. Nhưng có tiếp xúc chuyện trò suy nghĩ ấy sẽ thay đổi vì sự thật hoàn toàn khác. Hắn có vẻ quyết đoán, không ít nói nhưng cũng không bô lô. Có một chút bất cần đời, thêm một chút khuôn phép chững chạc của nghề nghiệp hắn đã và đang theo đuổi, và tính tình khá là nhạy cảm. Bây giờ biết thêm hắn có giọng ngâm thơ ấm áp, khá truyền cảm… Nói chung hắn là người bạn đa tài và tốt. Tôi rất vui khi có người bạn đồng môn như hắn… Mọi người đoán được đó là ai rồi chứ, xin thưa hắn chính là Đoàn Phú... em trai cô bạn cùng lớp với tôi: Đoàn Hoa, hay còn có nick-name là Thầy Đồ (không gàn đâu nhé).
Mỗi năm, cây rụng lá vàng thay lá mới xanh tươi. Trường chúng ta hao mòn dần sĩ số mà không thể có điều kiện chuyển giao thế hệ khác... Còn một ngày trân trọng và yêu quý một ngày...Vì thế: "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ", hãy đến với nhau trọn vẹn tình nghĩa cho đến khi tên trường Nguyễn Hoàng không còn đủ sắc thắm trên môi người.
                                                Đêm Sài Gòn không một ánh sao
                                                                   22/02/15
                                                       Đinh Thị Quang Tuyết

READ MORE - HƯƠNG QUẢNG TRỊ PHƯƠNG XA - Quang Tuyết

KHI MÙA XUÂN Ở LẠI - Liên Hưng


          
                        Tác giả Nguyễn Thị Liên Hưng



       KHI MÙA XUÂN Ở LẠI

                                  Nguyễn Thị Liên Hưng (NH 69-75)     
    
        Từ buổi du xuân Ất Mùi vào ngày mồng 10 tết nhân NH/BR-VT mời cà-phê hội ngộ đầu năm tại Cù Bị 2, nhóm nhỏ 4 người gồm hai anh em Phan Thạch Giang – Phan Thạch Nhân và hai chị em Liên Hưng – Vĩnh Phước đã hẹn nhau sẽ cùng đi “phó hội” Nguyễn Hoàng tại Hàm Tân. Nhưng niềm vui không chỉ là 4 mà thành 7, thật là một điều bất ngờ thú vị.
        Trước đó, cô Giáng Hương từ Gialai đã gọi điện thoại, bảo chuyến này cô về Saigon sẽ ở lại lâu để ra Hàm Tân họp mặt cùng Liên Hưng khiến tôi vui không kể xiết. Rồi gần đến ngày đi chị Quang Tuyết ở Saigon báo chị sẽ đi cùng cô Giáng Hương, thế là thêm một niềm vui. Và niềm vui bất ngờ nhất là chỉ hai ngày trước khi đi, chị Lê Lan ở Bảo Lộc gọi về hỏi LH có dự họp mặt Nguyễn Hoàng tại Hàm Tân không mà chị đọc trong mail danh sách đoàn NH/Saigon không có tên em? Tôi trả lời là em đi nhóm riêng chứ không nhập cùng đoàn NH/Saigon như những lần trước. Chị liền bảo thế thì chị sẽ về Biên Hòa để đi cùng em và a lê hấp: Chị gọi đặt vé xe ngay bây giờ đây.
        Chị Lan đã cúp máy mà tôi còn ngẩn ngơ. Ui chao là vui! Quả là niềm vui bất ngờ. Tôi không báo cho chị Lan biết vì chị vừa qua cơn bệnh nặng hơn nữa đường sá xa xôi. Thế mà…
        Lòng mở hội, tôi hát nho nhỏ một khúc nhạc vui trong khi loay hoay dọn dẹp nhà cửa rồi phóng ra chợ mua thêm mấy đôi dép đi trong nhà vì những đôi dép qua sử dụng đã cũ. Chàng của tôi thường nhắc: Lòng bàn chân là nơi tập trung những huyệt đạo chính trong người nên đừng đi chân trần, không tốt. Dù cô giáo và chị em về ở lại có một, hai đêm nhưng tôi muốn mọi điều phải tươm tất.
        Sáng Thứ Bảy thời tiết vào giữa xuân vẫn còn mát mẻ vì tháng Giêng vừa dời gót chỉ 2 ngày, sau khi lo bữa sáng cho mẹ xong, tôi đi chợ rồi về chuẩn bị sơ chế sẵn mấy món ăn trong ngày. Hôm nay, vào lúc 7g chị Lan đã lên xe tại Bảo Lộc, chốc chốc tôi lại điện thoại hỏi chị đến đâu rồi. Đúng 11g trưa chị báo đã đến điểm hẹn ngoài Quốc lộ I và tôi vội vã đi đón chị.
        Từ nhà tôi ra đến điểm chị xuống xe chừng vài cây số, tôi loay hoay quanh công viên Tam Hiệp vài phút và rồi cũng thấy nhân dáng quen thuộc của chị trong chiếc áo hoa màu tím bên ghế đá. Vừa gặp nhau tôi đã nói ngay: Chị là người ở xa nhất mà có mặt sớm nhất đó khiến chị cười dòn dã.
        Đến nhà, chị dừng lại ngắm những dây hoa sử quân tử rủ xuống, đong đưa trong gió như những chiếc lồng đèn, khen:
        -  Cổng nhà em dễ thương quá!
        Tôi phổng mũi:
        -  Chị biết không? Tháng Chạp năm rồi mẹ em không khỏe, em bận chăm sóc mẹ không có thì giờ quét hoa lá rụng nên thuê người cắt trụi hết, thế mà nay nó ra phủ đầy rồi đấy.


Vào nhà, chị vừa chào mẹ tôi vừa mở xách lấy quà cao nguyên tặng bà khiến lòng già cảm động. Chị Lan là thế đấy, chị sống nặng tình cảm, từ khi chị em kết mối dây liên lạc, chưa có mùa xuân nào chị quên gởi quà tết cho mẹ tôi dù số lần chúng tôi gặp nhau đếm chưa đầy trên đầu ngón tay. Chị thường nói: Sự quan tâm của con cháu là niềm vui lớn nhất đối với người già.
        Ăn trưa xong, hai chị em nằm bên nhau trò chuyện, tôi bảo chị ngủ một lát đi cho khỏe nhưng làm sao mà ngủ được? Những câu chuyện của hai chị em tôi chẳng đâu vào đâu nhưng nói hoài không hết.
        Đúng 3g chiều Vĩnh Phước gọi cổng rồi cô Giáng Hương và chị Quang Tuyết cùng đến. Mọi người gặp nhau cười chào râm ran vui ơi là vui! Nói về cô Giáng Hương, tôi không thể không nhắc đến những tình cảm mà cô dành cho gia đình tôi. Những chai mật ong rừng nguyên chất từ cao nguyên, những hộp sữa ensure cho người già luôn là món quà cô dành cho mẹ tôi. Nhưng điều quý nhất không phải là những tặng phẩm ấy mà là tấm lòng của cô. Nhớ cái lần tôi lâm trọng bệnh cô đòi về thăm, tôi từ chối. Tôi nói em khỏe rồi, để bữa nào em lên Saigon gặp cô nhưng cô không nghe, cô vẫn lặn lội về Biên Hòa. Từ nhà con trai cô ở Saigon, cô phải qua 3 chuyến xe bus mới đến nhà tôi trong khi cô cũng chưa khỏe hẳn vì những đợt hóa trị của năm trước. Đón cô, tôi vừa mừng vừa thương, tôi đã trách sao cô không nghe lời học trò, lặn lội tìm thăm chi mà khổ quá nhưng cô nói cô phải về nhìn thấy em cô mới an lòng. Ôi! Những tình cảm trân quý như thế hỏi mấy ai trên đời có được nhỉ ?
        Sau giây phút hàn huyên, bữa ăn tối nhanh chóng được dọn ra. Tôi quảng cáo món canh măng khô “nhà làm” hầm giò heo “mọi” ngon ngọt, hợp vệ sinh đến khản cổ mà vẫn ế so với món salad trộn của Vĩnh Phước. Ăn xong, cả nhóm kéo nhau ra thềm ngồi hóng gió, trò chuyện. Ánh đèn đường cao áp chiếu hắt những cành dây leo chung chiêng trên vách tường rào, mùi hoa sử quân tử tỏa hương thoang thoảng khiến tâm hồn ai cũng nhẹ nhàng, khoan khoái – nhất là Liên Hưng. Hiếm khi nhà tôi có đủ những người thân ở cách nhau hàng trăm cây số cùng về tụ hội như thế này. Tôi nói đùa:
-  Cô Giáng Hương từ Tây Nguyên xuống, chị Lê Lan tận cao nguyên Di Linh về, út Vĩnh Phước ở xứ biển Bà Rịa – Vũng Tàu lên, chị Quang Tuyết từ Saigon hoa lệ đến. Thế là hôm nay nhà LH có hội trùng dương rồi.                    
Nghe thế chị Quang Tuyết liền lên tiếng:
-  Hội trùng dương thì phải có tiết mục gì chứ?
Tôi nheo mắt hỏi lại :
4g sáng lo dậy rồi mà chừ dám đòi tiết mục hả?
Vĩnh Phước nhìn đồng hồ la lên:
-  Chao ơi! Mới đó mà đã gần 10g rồi. Thời gian qua nhanh quá!
        Thế là tôi lấy quyền chủ nhà mời mọi người đi nghỉ. Dành riêng cho cô giáo một phòng, còn lại 4 chị em cùng vào một phòng lớn, bật máy lạnh lên rồi quăng cho mỗi người một chiếc gối, một tấm chăn, thế là xong. Sợ chị em lâu ngày gặp nhau ham tán chuyện nên tôi bắt mỗi người uống một viên thuốc ngủ. Tôi còn quảng cáo đây là loại thuốc ngủ ngoại nhập, uống vào sẽ có giấc ngủ sâu, tỉnh dậy khỏe khoắn, không mệt làm ai nấy phì cười. Và nhờ thế nên câu chuyện “vói” từ giường này sang giường khác thưa dần rồi mất hẳn lúc nào không hay, chỉ còn lại những tiếng thở nhẹ cho hồn trôi vào cõi mộng êm đềm.
        Tôi tỉnh giấc vào lúc 3g30’, đầu óc tỉnh táo nên dậy luôn dù tôi đã cài điện thoại báo thức vào lúc 4g. Thế là tôi bước nhẹ vào toilet đánh răng rửa mặt, vừa xong thì thấy Vĩnh Phước cũng ngồi dậy. Đúng 4g sáng tôi bật đèn lên khiến hai nàng còn lại trong phòng không thể ngủ tiếp. Rồi đèn bên phòng cô Giáng Hương cũng sáng lên. Thế là năm nàng - một cô bốn trò chênh nhau vài tuổi vội vàng trang điểm nhẹ rồi se sua áo váy. Tôi lặng ngắm những người thân, thầm nghĩ: Cô Giáng Hương qua cơn bạo bệnh nay trông trẻ ra và xinh tươi trở lại; chị Lê Lan vừa phẫu thuật hai tháng trước mà khuôn mặt vẫn tươi roi rói, dù có gầy đi chút ít nhưng mi-nhon hơn; chị Quang Tuyết qua cơn sốc tâm lý sút giảm cả chục ký nay đã phục hồi dần nên có eo hơn so với trước và dung nhan thì coi bộ còn tươi tắn hơn xưa; út Vĩnh Phước năm rồi bị tai nạn khá nặng phải phẫu thuật hai lần nhưng nay đang trên đà bình phục và vẫn duyên dáng, trẻ trung dù đã có 6 đứa cháu nội lẫn ngoại. Còn tôi, nhờ thời gian qua chăm sóc mẹ bệnh khá vất vả nên dáng người cũng gọn lại đến nỗi ai cũng ngạc nhiên. Cảm ơn ông trời!
        Anh Phan Thạch Giang hẹn 5g sáng đến đón nên chúng tôi vội xuống lầu, mở cửa. Đèn đường vẫn sáng trưng, rải rác vài người qua lại tập thể dục buổi sáng. Chợt điện thoại reo lên, Nhân gọi:
        - Liên Hưng chuẩn bị xong chưa? Chừng 5 phút nữa mình đem xe đến đón đó nghe!
        Tôi giật mình:
        - Ủa! Nhân đến đón? Hôm qua ông về Biên Hòa hả? Thế ai nấu ăn sáng cho mọi người?
        Nhân cười ha hả:
        - Mình dậy sớm, nấu xong rồi nên đi đón quý nương đây.
        Nói xong hắn tắt máy. Tôi đang bán tín bán nghi thì có tiếng xe dừng trước đường. Tôi ra mở cổng và mọi người ra theo. Anh Giang bước xuống xe chào cô Giáng Hương và các cô em gái Nguyễn Hoàng. Tôi ngó nghiêng vào xe, ngoài tài xế ra chẳng còn ai. Tôi chợt hiểu ra và phì cười, cái anh chàng này chuyên môn chơi cú lừa, hèn chi anh Giang thường ghẹo là chú ở Xuân Lộc, cách xa Biên Hòa cả trăm cây số sao nổ khiếp thế? (Ý anh Giang nói Biên Hòa có kho đạn Long Bình thời trước 1975 đó).
        Nhân là em trai anh Giang đồng thời là bạn học Nguyễn Hoàng cùng khóa với tôi nhưng hè 1972, khi vượt qua Đại lộ kinh hoàng hắn chạy thẳng vô Biên Hòa luôn. Vì thế mấy năm trước dù biết tôi học cùng khóa nhưng Nhân ngại ngần không dám nhận, còn kêu tôi bằng chị nữa chứ! Gần đây khi hắn mạnh dạn nhận mình là bạn Nguyễn Hoàng tôi liền phán ngay: “Nè! Đã là bạn học thì mi tau chứ không có chị em chi hết nghe chưa?” Nghe tôi nói thế Nhân rất vui, từ đó rào cản không chỉ giữa hai chúng tôi mà cả giữa Nhân với cả các bạn học cũ khóa 69-75 được tháo dỡ để tình thân ngày càng rộng mở.
        Để chuẩn bị cho cuộc hội ngộ hôm nay, Nhân nhận phần lo điểm tâm sáng cho nhóm. Hắn còn nói sẽ tự tay nấu đãi mới oai chứ! Dù không tin mấy vào tay nghề nấu nướng của anh chàng hành nghề kinh doanh chuyên chạy như ngựa này nhưng tôi cũng không dám nói không, sợ hắn buồn. Và tôi dặn thêm là phải tránh món lươn; ngoài ra các món thịt bò, cá lóc và vịt cũng đừng nấu vì trong 5 nường thì đến 2 nường không bao giờ chịu ăn mấy thứ đó. Nhân bật mí rằng hắn sẽ nấu món mì Quảng, mới học từ  bà xã (người Đà Nẵng) mấy hôm trước. Tôi nói điều đó với mọi người và ai cũng hồi hộp, không biết món điểm tâm sáng nay sẽ ra sao đây?
        Nhìn mấy cô trò, anh Giang vui vẻ nói:
        - Hôm nay Giang rất hân hạnh được đón các tiểu thư xinh đẹp.
        Tôi bật cười:
        - Anh Giang ơi! Coi rứa mà không phải rứa! Sứt đầu gãy gọng hết rồi anh nợ.
        Nghe thế, cả nhóm cười vang. Mà tôi có nói ngoa đâu. Vì các nàng mà anh Giang khen này mấy năm qua đã bị bệnh tình, tai ương hành hạ cho trầy vi tróc vảy. May mà qua khỏi.
     Trời còn sớm, xe cộ trên Quốc lộ I còn thưa thớt nhưng tài xế vẫn không dám cho xe chạy nhanh vì biết các tay công an bắn tốc độ đang đón lõng đâu đó. Vì thế khi đến Xuân Lộc thì đồng hồ đã chỉ 7g. Nhân và con trai vui vẻ ra đón khách, tôi hỏi bà xã đâu? Nhân bảo bà ấy hầu như luôn “đóng đô” căn nhà ngoài chợ với hàng hóa. À! Ra thế! Bây giờ thì tôi tin món ăn sáng tự tay Nhân nấu rồi chứ khi trên xe chị Quang Tuyết cứ bảo chắc là Nhân nhờ vợ nấu (!).
        Qua vài câu thăm hỏi và chụp vội mấy tấm ảnh kỷ niệm, Nhân cùng con trai vào bếp bưng món ăn lên mời mọi người. Cảm động quá nên tôi bấm liền một phô ảnh    


Chà! Mới nhìn mấy tô mì Quảng mà đã rọ nước miếng, hấp dẫn hết biết. Còn thêm mấy miếng bánh tráng dòn rụm và dĩa rau sống có nõn chuối cây trắng phau kèm rau thơm nữa chứ! Không khách sáo, mọi người cùng ngồi vào bàn và thưởng thức. Món mì Quảng hôm nay thật là ngon, ngon hơn cả món mì Quảng của một cửa hiệu nổi tiếng hồi chúng tôi đến Đà Nẵng, mấy chị em đều nhận xét thế. Có lẽ món ăn không chỉ ngon vì sự chế biến mà vì nó còn mang cả tấm lòng của người bạn Nguyễn Hoàng quý khách nữa.
    Sau món điểm tâm, Nhân còn mời mọi người thưởng thức những ly chè xanh có hương vị gừng để nhớ quê hương nữa. Ai bảo người làm kinh doanh thì tâm hồn khô lạnh nhỉ?
        Không dám rề rà nhưng khi xe rời Quốc lộ I để rẽ vào hướng Lagi thì cũng đã hơn 8 giờ. Trong chuyến đi Hàm Tân này, theo chương trình anh Phan Thạch Giang và cô trò tôi dự định sẽ đến nhà thắp hương tưởng nhớ thầy Lê Văn Quýt trước khi về điểm họp mặt, tuy nhiên vào lúc đó không có ai ở nhà nên đành hẹn sẽ ghé vào khi quay về. (Thế mà lúc quay về chúng tôi cũng không vào được vì khi liên lạc người nhà của thầy qua điện thoại thì chị ấy đang cùng bạn bè ở buổi hậu hội ngộ nên nhà đóng cửa. Thật là đáng tiếc! Khi xe ngang qua nhà thầy, tôi chấp tay khấn vái: Lạy thầy! Chúng con muốn đến thắp nhang viếng thầy mà không có duyên nên đành chịu. Xin hương hồn thầy hiểu cho tấm lòng của chúng con).
        Địa điểm họp mặt hoàn toàn xa lạ với nhóm người trên xe nên phải mấy lần quanh qua, quẹo lại “đậu phụng đường” cười đến chảy nước mắt vì tấm bản đồ trên thư mời bị lật ngược, cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi – một nhà hàng nằm bên bờ biển lộng gió. Hình như buổi họp mặt sắp bắt đầu, chúng tôi là nhóm người đến sau cùng thì phải. Các anh trong ban tổ chức vội ra đón, tôi chào anh Lam, anh Tuyến và lòng se lại khi thấy mây trắng từ trời cao đã ngự trị trên mái đầu của các anh tự bao giờ. Mà thôi, buồn làm chi – tôi tự nhủ. Trường cũ đã không còn tên 40 năm rồi thì học trò làm sao còn son trẻ? Nắng gió thời gian đã làm phai đi những mái đầu xanh ngày cũ, bây giờ trong chúng tôi hầu như toàn là tóc bạc với tóc nhuộm thôi. Và tự an ủi: Song, thử hỏi có trường nào đầy những tâm hồn trẻ trung như Nguyễn Hoàng mình không nhỉ?
        Tiếng người trên micro giới thiệu thành phần tham dự cắt ngang dòng suy tưởng của tôi. Những lẵng hoa tươi thắm chào mừng ngày hội dựng đầy sân khấu. Tôi nhìn quanh, nhẩm đếm và bất giác nghe lòng chùng xuống khi số lượng người tham dự lần này ít hơn so với các lần trước, thầy cô có mặt cũng chỉ vài người. Giữa khung cảnh thân quen này, tôi lại nhớ đến những lần họp mặt năm cũ – thời thầy Lê Văn Quýt còn tại thế. Ngày ấy thầy cô cùng các cựu môn sinh Nguyễn Hoàng về dự mới đông làm sao! Và dù tuổi đã cao nhưng thầy Lê Văn Quýt vẫn tươi cười, nhanh nhẹn lui tới suốt từ bàn đồng nghiệp đến bàn học trò. Còn bây giờ… Tôi nhìn lên những ngọn cây lao xao ngoài kia và tưởng như hương hồn thầy đang lẩn quất đâu đây, hay là thầy vẫn về dự ngày vui cùng học trò mà mắt trần không thấy được.

              
        Toàn cảnh  hội trường buổi họp mặt đồng môn NH tại La Gi Hàm Tân
                                              (Ngày 22/3/2015)

        Xong buổi “nghi thức”, mọi người tản ra chụp ảnh lưu niệm để nhà hàng chuẩn bị bữa ăn. Nhóm chúng tôi cũng lăng xăng ghi hình kỷ niệm. Anh Lê Cao Đảm đưa anh Hoàng Hữu Bản đến nhập nhóm. Tôi chào thầy Thích Lệ Nhân, anh chị Phương Trương, anh chị Minh Đạo và những anh chị đồng môn khác. Tôi gặp anh chị Hòa – An và thật xúc động khi thấy anh Thái Hòa ngồi xe lăn vẫn lặn lội từ Saigon tìm về họp mặt. Ai cũng đến chào anh trong tình thân quý và cảm động. Khi thấy tôi bước đến, anh cầm tay tôi lắc lắc khiến tôi nghẹn lời, chỉ lí nhí mấy chữ không rõ thế mà anh lại hẹn:
        -  Tháng Sáu về họp mặt tại Quảng Trị nhé! Anh chị sẽ về.
        -  Dạ!
        Tôi chỉ nói được thế nhưng tôi nghĩ nhiều hơn. Rằng tuổi của anh em mình đều đã cao. Trong cái vòng bốn cửa sinh lão bệnh tử thì anh em chúng mình đều đã và mấp men ở cửa thứ ba, không biết bệnh tật quái ác sẽ ập tới lúc nào. Thế nên đi họp mặt để gặp nhau không biết được mấy lần nữa. Vậy khi nào còn đi được thì cứ đi chứ đến một lúc nào đó… Ôi! Tôi không muốn nghĩ tiếp nữa.

   
 Khi bàn ăn đã dọn ra thì buổi họp mặt vẫn tiếp tục với những bài ca, câu thơ đầy tình nghĩa. Những món ăn xứ biển tươi roi rói nên với người ở xa về rất chi là ngon miệng. Ngoài ra ban tổ chức không quên đặt thêm món bánh bột lọc “rất Quảng Trị” để mọi người thưởng thức mà gợi nhớ quê hương. Câu chuyện vẫn râm ran với những lời thăm hỏi, với những chiếc ly “một trăm em ơi chiều nay hai tờ năm chục”. Tôi vừa cụng ly nước lọc với Cao Mừng, Đoàn Phú vừa hát: “Một trăm em ơi chiều nay năm tờ hai chục” khiến cô Giáng Hương và út Vĩnh Phước bên cạnh không nén được tiếng cười.

        Tiệc tàn, những bàn tay nắm chặt hẹn gặp lần sau trong bịn rịn. Dù rất tiếc nhưng chị Quang Tuyết phải tách nhóm, theo xe Saigon về nhà để hoàn thành sứ mạng cao cả “bà nội cu Tin” vào sáng sớm ngày mai. Nhóm bạn khóa chị Lê Lan mời nhóm chúng tôi ra biển chơi nhưng nhìn bãi cát trắng giữa trưa nắng chang chang, các cô đều lắc đầu chịu thua. Không ai đủ can đảm xách giày lội qua bãi cát ấy để đến bờ biển nên đành cám ơn anh Thiên rồi lên xe trở về. Anh Giang liền mời anh Nguyễn Văn Hiêu nhập nhóm. Và thế là vẫn… Bảy anh em  trên một chiếc xe… Ford. Bánh xe chưa lăn mà… thơ văn đã trào ra cuồn cuộn.


Dọc đường, chọn một quán cà phê thoáng mát, xe dừng lại cho cả nhóm nghỉ chân. Nhấp ngụm cà phê chiều và thưởng thức làn gió biển trong lời tâm sự, tiếng đọc thơ đầy cảm xúc của những người đồng hành rồi xe tiếp tục lăn bánh cho câu chuyện tiếp nối, chuyện thơ văn Nguyễn Hoàng đan xen với những lời nhắc về những kỷ niệm nho nhỏ của thầy cô đối với học trò một thuở bằng thứ tình cảm quý báu mà thời nay khó tìm thấy làm xao động lòng người. Đến Xuân Đà, Nhân lại chiêu đãi món  bánh xèo (bánh khoái) miền Trung dòn rụm trước khi chia tay.
        Lagi mất hút về phía sau, Xuân Đà rồi Long Khánh cũng đi qua. Số người trên xe cũng vơi dần đi, chỉ còn bốn cô trò và anh Giang về bến. Buổi tối Biên Hòa đèn điện sáng trưng khi cô trò tôi rời xe, giàn hoa sử quân tử trước cổng nhà lại đưa hương chào đón. Những đứa trẻ - cư dân của con đường Dương Bạch Mai đang chở nhau trên những chiếc “xích lô đồ chơi” đầy những chùm đèn điện trang trí vui mắt, những khúc nhạc “hot” từ xích lô thi nhau vang ra làm nhộn cả con đường và bất giác tôi hát theo: “Đừng vội vàng em hãy là em của ngày hôm qua. Uhhhhhh. Xin em hãy là em của ngày hôm qua. Uhhhhhh...”
                                                                        Liên Hưng
                                                      (Biên Hòa, Tháng Ba 2015) 
                                                                    
READ MORE - KHI MÙA XUÂN Ở LẠI - Liên Hưng

TỪ MÊNH MÔNG XA KHUẤT - thơ Hoàng Văn Chẩm

Tác giả Hoàng Văn Chẩm


Hoàng Văn Chẩm

TỪ MÊNH MÔNG XA KHUẤT

Có một ngày em xô cuốn hết mong manh
Tay buông tay bắt nỗi buồn qua nhanh
Ai một lần trầm mình trong mùa hoa
Biền biệt mấy mươi mùa trăng em trong xa vắng
Ta du mục nỗi nhớ cùng em
....
Một bất chợt ngày về có màu mắt thời gian
Vắng hoe mùa hoa tháng sáu
Em thôi quên ngày qua sông áo lụa buồn vội vã
Tóc gió bây chừ thành biển nhớ mênh mông
Bay theo duyên kiếp

Lỡ làng từ buổi ban sơ
Hỏi em có biết ai chờ mưa ngâu
Tri âm một tiếng nặng sâu
Tri âm một tiếng thương câu ân tình

Vọng một đời theo từng hao khuyết em
Ta bỏ lại dấu chân ngày đi lạc
Cánh hoa bằng lăng mùa về  hẹn ước
Lắng nghe từng nhịp thở
Theo chút mộng khói sương
Xa thì thật xa!
Gần cũng thật gần!
Ái ân chưa thả tiếng buồn rơi bên chăn chiếu
Cánh hoa lẻ loi bên gối sao như thương bóng đêm

Nửa em còn lại một vỡ tan
Nửa ta còn mãi một dâng tràn

Nhớ chi hơn!
Một tiếng bật khóc như trùng khơi dậy sóng

Ngậm ngùi chia hết bão bùng
Trong nhau còn mãi vô cùng thoáng xưa

                                                 HVC



READ MORE - TỪ MÊNH MÔNG XA KHUẤT - thơ Hoàng Văn Chẩm

THƠ NHẶT - Chu Vương Miện



THƠ NHẶT
chu vương miện

Hàn MặcTử Mộng Cầm
lầu ông Hoàng Phan Thiết
tình bi đát

*
trăng méo khổ ít
trăng tròn khổ nhiều
đổ nợ cho tình yêu

*
vô tình khổ hữu hạn
hữu tình khổ cả đời
chả ai khôn hơn ai?

*
dây tơ hồng vàng au
bám trên bụi trà tàu
anh chờ em nơi này
bao lâu?

*
ngỏ quên ngỏ
im lặng hoài
giờ trách ai?

*
sông chả sâu
nhà liền nhà
chỉ một bụi mồng tơi
không dám qua

*
trời già
trăng non
chuyện đã qua
chuyện vẫn còn

*
chiến trường thành đồng lúa
đồng lúa thành chiến trường
thay phiên

CVM




READ MORE - THƠ NHẶT - Chu Vương Miện