Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, April 7, 2015

KHI MÙA XUÂN Ở LẠI - Liên Hưng


          
                        Tác giả Nguyễn Thị Liên Hưng



       KHI MÙA XUÂN Ở LẠI

                                  Nguyễn Thị Liên Hưng (NH 69-75)     
    
        Từ buổi du xuân Ất Mùi vào ngày mồng 10 tết nhân NH/BR-VT mời cà-phê hội ngộ đầu năm tại Cù Bị 2, nhóm nhỏ 4 người gồm hai anh em Phan Thạch Giang – Phan Thạch Nhân và hai chị em Liên Hưng – Vĩnh Phước đã hẹn nhau sẽ cùng đi “phó hội” Nguyễn Hoàng tại Hàm Tân. Nhưng niềm vui không chỉ là 4 mà thành 7, thật là một điều bất ngờ thú vị.
        Trước đó, cô Giáng Hương từ Gialai đã gọi điện thoại, bảo chuyến này cô về Saigon sẽ ở lại lâu để ra Hàm Tân họp mặt cùng Liên Hưng khiến tôi vui không kể xiết. Rồi gần đến ngày đi chị Quang Tuyết ở Saigon báo chị sẽ đi cùng cô Giáng Hương, thế là thêm một niềm vui. Và niềm vui bất ngờ nhất là chỉ hai ngày trước khi đi, chị Lê Lan ở Bảo Lộc gọi về hỏi LH có dự họp mặt Nguyễn Hoàng tại Hàm Tân không mà chị đọc trong mail danh sách đoàn NH/Saigon không có tên em? Tôi trả lời là em đi nhóm riêng chứ không nhập cùng đoàn NH/Saigon như những lần trước. Chị liền bảo thế thì chị sẽ về Biên Hòa để đi cùng em và a lê hấp: Chị gọi đặt vé xe ngay bây giờ đây.
        Chị Lan đã cúp máy mà tôi còn ngẩn ngơ. Ui chao là vui! Quả là niềm vui bất ngờ. Tôi không báo cho chị Lan biết vì chị vừa qua cơn bệnh nặng hơn nữa đường sá xa xôi. Thế mà…
        Lòng mở hội, tôi hát nho nhỏ một khúc nhạc vui trong khi loay hoay dọn dẹp nhà cửa rồi phóng ra chợ mua thêm mấy đôi dép đi trong nhà vì những đôi dép qua sử dụng đã cũ. Chàng của tôi thường nhắc: Lòng bàn chân là nơi tập trung những huyệt đạo chính trong người nên đừng đi chân trần, không tốt. Dù cô giáo và chị em về ở lại có một, hai đêm nhưng tôi muốn mọi điều phải tươm tất.
        Sáng Thứ Bảy thời tiết vào giữa xuân vẫn còn mát mẻ vì tháng Giêng vừa dời gót chỉ 2 ngày, sau khi lo bữa sáng cho mẹ xong, tôi đi chợ rồi về chuẩn bị sơ chế sẵn mấy món ăn trong ngày. Hôm nay, vào lúc 7g chị Lan đã lên xe tại Bảo Lộc, chốc chốc tôi lại điện thoại hỏi chị đến đâu rồi. Đúng 11g trưa chị báo đã đến điểm hẹn ngoài Quốc lộ I và tôi vội vã đi đón chị.
        Từ nhà tôi ra đến điểm chị xuống xe chừng vài cây số, tôi loay hoay quanh công viên Tam Hiệp vài phút và rồi cũng thấy nhân dáng quen thuộc của chị trong chiếc áo hoa màu tím bên ghế đá. Vừa gặp nhau tôi đã nói ngay: Chị là người ở xa nhất mà có mặt sớm nhất đó khiến chị cười dòn dã.
        Đến nhà, chị dừng lại ngắm những dây hoa sử quân tử rủ xuống, đong đưa trong gió như những chiếc lồng đèn, khen:
        -  Cổng nhà em dễ thương quá!
        Tôi phổng mũi:
        -  Chị biết không? Tháng Chạp năm rồi mẹ em không khỏe, em bận chăm sóc mẹ không có thì giờ quét hoa lá rụng nên thuê người cắt trụi hết, thế mà nay nó ra phủ đầy rồi đấy.


Vào nhà, chị vừa chào mẹ tôi vừa mở xách lấy quà cao nguyên tặng bà khiến lòng già cảm động. Chị Lan là thế đấy, chị sống nặng tình cảm, từ khi chị em kết mối dây liên lạc, chưa có mùa xuân nào chị quên gởi quà tết cho mẹ tôi dù số lần chúng tôi gặp nhau đếm chưa đầy trên đầu ngón tay. Chị thường nói: Sự quan tâm của con cháu là niềm vui lớn nhất đối với người già.
        Ăn trưa xong, hai chị em nằm bên nhau trò chuyện, tôi bảo chị ngủ một lát đi cho khỏe nhưng làm sao mà ngủ được? Những câu chuyện của hai chị em tôi chẳng đâu vào đâu nhưng nói hoài không hết.
        Đúng 3g chiều Vĩnh Phước gọi cổng rồi cô Giáng Hương và chị Quang Tuyết cùng đến. Mọi người gặp nhau cười chào râm ran vui ơi là vui! Nói về cô Giáng Hương, tôi không thể không nhắc đến những tình cảm mà cô dành cho gia đình tôi. Những chai mật ong rừng nguyên chất từ cao nguyên, những hộp sữa ensure cho người già luôn là món quà cô dành cho mẹ tôi. Nhưng điều quý nhất không phải là những tặng phẩm ấy mà là tấm lòng của cô. Nhớ cái lần tôi lâm trọng bệnh cô đòi về thăm, tôi từ chối. Tôi nói em khỏe rồi, để bữa nào em lên Saigon gặp cô nhưng cô không nghe, cô vẫn lặn lội về Biên Hòa. Từ nhà con trai cô ở Saigon, cô phải qua 3 chuyến xe bus mới đến nhà tôi trong khi cô cũng chưa khỏe hẳn vì những đợt hóa trị của năm trước. Đón cô, tôi vừa mừng vừa thương, tôi đã trách sao cô không nghe lời học trò, lặn lội tìm thăm chi mà khổ quá nhưng cô nói cô phải về nhìn thấy em cô mới an lòng. Ôi! Những tình cảm trân quý như thế hỏi mấy ai trên đời có được nhỉ ?
        Sau giây phút hàn huyên, bữa ăn tối nhanh chóng được dọn ra. Tôi quảng cáo món canh măng khô “nhà làm” hầm giò heo “mọi” ngon ngọt, hợp vệ sinh đến khản cổ mà vẫn ế so với món salad trộn của Vĩnh Phước. Ăn xong, cả nhóm kéo nhau ra thềm ngồi hóng gió, trò chuyện. Ánh đèn đường cao áp chiếu hắt những cành dây leo chung chiêng trên vách tường rào, mùi hoa sử quân tử tỏa hương thoang thoảng khiến tâm hồn ai cũng nhẹ nhàng, khoan khoái – nhất là Liên Hưng. Hiếm khi nhà tôi có đủ những người thân ở cách nhau hàng trăm cây số cùng về tụ hội như thế này. Tôi nói đùa:
-  Cô Giáng Hương từ Tây Nguyên xuống, chị Lê Lan tận cao nguyên Di Linh về, út Vĩnh Phước ở xứ biển Bà Rịa – Vũng Tàu lên, chị Quang Tuyết từ Saigon hoa lệ đến. Thế là hôm nay nhà LH có hội trùng dương rồi.                    
Nghe thế chị Quang Tuyết liền lên tiếng:
-  Hội trùng dương thì phải có tiết mục gì chứ?
Tôi nheo mắt hỏi lại :
4g sáng lo dậy rồi mà chừ dám đòi tiết mục hả?
Vĩnh Phước nhìn đồng hồ la lên:
-  Chao ơi! Mới đó mà đã gần 10g rồi. Thời gian qua nhanh quá!
        Thế là tôi lấy quyền chủ nhà mời mọi người đi nghỉ. Dành riêng cho cô giáo một phòng, còn lại 4 chị em cùng vào một phòng lớn, bật máy lạnh lên rồi quăng cho mỗi người một chiếc gối, một tấm chăn, thế là xong. Sợ chị em lâu ngày gặp nhau ham tán chuyện nên tôi bắt mỗi người uống một viên thuốc ngủ. Tôi còn quảng cáo đây là loại thuốc ngủ ngoại nhập, uống vào sẽ có giấc ngủ sâu, tỉnh dậy khỏe khoắn, không mệt làm ai nấy phì cười. Và nhờ thế nên câu chuyện “vói” từ giường này sang giường khác thưa dần rồi mất hẳn lúc nào không hay, chỉ còn lại những tiếng thở nhẹ cho hồn trôi vào cõi mộng êm đềm.
        Tôi tỉnh giấc vào lúc 3g30’, đầu óc tỉnh táo nên dậy luôn dù tôi đã cài điện thoại báo thức vào lúc 4g. Thế là tôi bước nhẹ vào toilet đánh răng rửa mặt, vừa xong thì thấy Vĩnh Phước cũng ngồi dậy. Đúng 4g sáng tôi bật đèn lên khiến hai nàng còn lại trong phòng không thể ngủ tiếp. Rồi đèn bên phòng cô Giáng Hương cũng sáng lên. Thế là năm nàng - một cô bốn trò chênh nhau vài tuổi vội vàng trang điểm nhẹ rồi se sua áo váy. Tôi lặng ngắm những người thân, thầm nghĩ: Cô Giáng Hương qua cơn bạo bệnh nay trông trẻ ra và xinh tươi trở lại; chị Lê Lan vừa phẫu thuật hai tháng trước mà khuôn mặt vẫn tươi roi rói, dù có gầy đi chút ít nhưng mi-nhon hơn; chị Quang Tuyết qua cơn sốc tâm lý sút giảm cả chục ký nay đã phục hồi dần nên có eo hơn so với trước và dung nhan thì coi bộ còn tươi tắn hơn xưa; út Vĩnh Phước năm rồi bị tai nạn khá nặng phải phẫu thuật hai lần nhưng nay đang trên đà bình phục và vẫn duyên dáng, trẻ trung dù đã có 6 đứa cháu nội lẫn ngoại. Còn tôi, nhờ thời gian qua chăm sóc mẹ bệnh khá vất vả nên dáng người cũng gọn lại đến nỗi ai cũng ngạc nhiên. Cảm ơn ông trời!
        Anh Phan Thạch Giang hẹn 5g sáng đến đón nên chúng tôi vội xuống lầu, mở cửa. Đèn đường vẫn sáng trưng, rải rác vài người qua lại tập thể dục buổi sáng. Chợt điện thoại reo lên, Nhân gọi:
        - Liên Hưng chuẩn bị xong chưa? Chừng 5 phút nữa mình đem xe đến đón đó nghe!
        Tôi giật mình:
        - Ủa! Nhân đến đón? Hôm qua ông về Biên Hòa hả? Thế ai nấu ăn sáng cho mọi người?
        Nhân cười ha hả:
        - Mình dậy sớm, nấu xong rồi nên đi đón quý nương đây.
        Nói xong hắn tắt máy. Tôi đang bán tín bán nghi thì có tiếng xe dừng trước đường. Tôi ra mở cổng và mọi người ra theo. Anh Giang bước xuống xe chào cô Giáng Hương và các cô em gái Nguyễn Hoàng. Tôi ngó nghiêng vào xe, ngoài tài xế ra chẳng còn ai. Tôi chợt hiểu ra và phì cười, cái anh chàng này chuyên môn chơi cú lừa, hèn chi anh Giang thường ghẹo là chú ở Xuân Lộc, cách xa Biên Hòa cả trăm cây số sao nổ khiếp thế? (Ý anh Giang nói Biên Hòa có kho đạn Long Bình thời trước 1975 đó).
        Nhân là em trai anh Giang đồng thời là bạn học Nguyễn Hoàng cùng khóa với tôi nhưng hè 1972, khi vượt qua Đại lộ kinh hoàng hắn chạy thẳng vô Biên Hòa luôn. Vì thế mấy năm trước dù biết tôi học cùng khóa nhưng Nhân ngại ngần không dám nhận, còn kêu tôi bằng chị nữa chứ! Gần đây khi hắn mạnh dạn nhận mình là bạn Nguyễn Hoàng tôi liền phán ngay: “Nè! Đã là bạn học thì mi tau chứ không có chị em chi hết nghe chưa?” Nghe tôi nói thế Nhân rất vui, từ đó rào cản không chỉ giữa hai chúng tôi mà cả giữa Nhân với cả các bạn học cũ khóa 69-75 được tháo dỡ để tình thân ngày càng rộng mở.
        Để chuẩn bị cho cuộc hội ngộ hôm nay, Nhân nhận phần lo điểm tâm sáng cho nhóm. Hắn còn nói sẽ tự tay nấu đãi mới oai chứ! Dù không tin mấy vào tay nghề nấu nướng của anh chàng hành nghề kinh doanh chuyên chạy như ngựa này nhưng tôi cũng không dám nói không, sợ hắn buồn. Và tôi dặn thêm là phải tránh món lươn; ngoài ra các món thịt bò, cá lóc và vịt cũng đừng nấu vì trong 5 nường thì đến 2 nường không bao giờ chịu ăn mấy thứ đó. Nhân bật mí rằng hắn sẽ nấu món mì Quảng, mới học từ  bà xã (người Đà Nẵng) mấy hôm trước. Tôi nói điều đó với mọi người và ai cũng hồi hộp, không biết món điểm tâm sáng nay sẽ ra sao đây?
        Nhìn mấy cô trò, anh Giang vui vẻ nói:
        - Hôm nay Giang rất hân hạnh được đón các tiểu thư xinh đẹp.
        Tôi bật cười:
        - Anh Giang ơi! Coi rứa mà không phải rứa! Sứt đầu gãy gọng hết rồi anh nợ.
        Nghe thế, cả nhóm cười vang. Mà tôi có nói ngoa đâu. Vì các nàng mà anh Giang khen này mấy năm qua đã bị bệnh tình, tai ương hành hạ cho trầy vi tróc vảy. May mà qua khỏi.
     Trời còn sớm, xe cộ trên Quốc lộ I còn thưa thớt nhưng tài xế vẫn không dám cho xe chạy nhanh vì biết các tay công an bắn tốc độ đang đón lõng đâu đó. Vì thế khi đến Xuân Lộc thì đồng hồ đã chỉ 7g. Nhân và con trai vui vẻ ra đón khách, tôi hỏi bà xã đâu? Nhân bảo bà ấy hầu như luôn “đóng đô” căn nhà ngoài chợ với hàng hóa. À! Ra thế! Bây giờ thì tôi tin món ăn sáng tự tay Nhân nấu rồi chứ khi trên xe chị Quang Tuyết cứ bảo chắc là Nhân nhờ vợ nấu (!).
        Qua vài câu thăm hỏi và chụp vội mấy tấm ảnh kỷ niệm, Nhân cùng con trai vào bếp bưng món ăn lên mời mọi người. Cảm động quá nên tôi bấm liền một phô ảnh    


Chà! Mới nhìn mấy tô mì Quảng mà đã rọ nước miếng, hấp dẫn hết biết. Còn thêm mấy miếng bánh tráng dòn rụm và dĩa rau sống có nõn chuối cây trắng phau kèm rau thơm nữa chứ! Không khách sáo, mọi người cùng ngồi vào bàn và thưởng thức. Món mì Quảng hôm nay thật là ngon, ngon hơn cả món mì Quảng của một cửa hiệu nổi tiếng hồi chúng tôi đến Đà Nẵng, mấy chị em đều nhận xét thế. Có lẽ món ăn không chỉ ngon vì sự chế biến mà vì nó còn mang cả tấm lòng của người bạn Nguyễn Hoàng quý khách nữa.
    Sau món điểm tâm, Nhân còn mời mọi người thưởng thức những ly chè xanh có hương vị gừng để nhớ quê hương nữa. Ai bảo người làm kinh doanh thì tâm hồn khô lạnh nhỉ?
        Không dám rề rà nhưng khi xe rời Quốc lộ I để rẽ vào hướng Lagi thì cũng đã hơn 8 giờ. Trong chuyến đi Hàm Tân này, theo chương trình anh Phan Thạch Giang và cô trò tôi dự định sẽ đến nhà thắp hương tưởng nhớ thầy Lê Văn Quýt trước khi về điểm họp mặt, tuy nhiên vào lúc đó không có ai ở nhà nên đành hẹn sẽ ghé vào khi quay về. (Thế mà lúc quay về chúng tôi cũng không vào được vì khi liên lạc người nhà của thầy qua điện thoại thì chị ấy đang cùng bạn bè ở buổi hậu hội ngộ nên nhà đóng cửa. Thật là đáng tiếc! Khi xe ngang qua nhà thầy, tôi chấp tay khấn vái: Lạy thầy! Chúng con muốn đến thắp nhang viếng thầy mà không có duyên nên đành chịu. Xin hương hồn thầy hiểu cho tấm lòng của chúng con).
        Địa điểm họp mặt hoàn toàn xa lạ với nhóm người trên xe nên phải mấy lần quanh qua, quẹo lại “đậu phụng đường” cười đến chảy nước mắt vì tấm bản đồ trên thư mời bị lật ngược, cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi – một nhà hàng nằm bên bờ biển lộng gió. Hình như buổi họp mặt sắp bắt đầu, chúng tôi là nhóm người đến sau cùng thì phải. Các anh trong ban tổ chức vội ra đón, tôi chào anh Lam, anh Tuyến và lòng se lại khi thấy mây trắng từ trời cao đã ngự trị trên mái đầu của các anh tự bao giờ. Mà thôi, buồn làm chi – tôi tự nhủ. Trường cũ đã không còn tên 40 năm rồi thì học trò làm sao còn son trẻ? Nắng gió thời gian đã làm phai đi những mái đầu xanh ngày cũ, bây giờ trong chúng tôi hầu như toàn là tóc bạc với tóc nhuộm thôi. Và tự an ủi: Song, thử hỏi có trường nào đầy những tâm hồn trẻ trung như Nguyễn Hoàng mình không nhỉ?
        Tiếng người trên micro giới thiệu thành phần tham dự cắt ngang dòng suy tưởng của tôi. Những lẵng hoa tươi thắm chào mừng ngày hội dựng đầy sân khấu. Tôi nhìn quanh, nhẩm đếm và bất giác nghe lòng chùng xuống khi số lượng người tham dự lần này ít hơn so với các lần trước, thầy cô có mặt cũng chỉ vài người. Giữa khung cảnh thân quen này, tôi lại nhớ đến những lần họp mặt năm cũ – thời thầy Lê Văn Quýt còn tại thế. Ngày ấy thầy cô cùng các cựu môn sinh Nguyễn Hoàng về dự mới đông làm sao! Và dù tuổi đã cao nhưng thầy Lê Văn Quýt vẫn tươi cười, nhanh nhẹn lui tới suốt từ bàn đồng nghiệp đến bàn học trò. Còn bây giờ… Tôi nhìn lên những ngọn cây lao xao ngoài kia và tưởng như hương hồn thầy đang lẩn quất đâu đây, hay là thầy vẫn về dự ngày vui cùng học trò mà mắt trần không thấy được.

              
        Toàn cảnh  hội trường buổi họp mặt đồng môn NH tại La Gi Hàm Tân
                                              (Ngày 22/3/2015)

        Xong buổi “nghi thức”, mọi người tản ra chụp ảnh lưu niệm để nhà hàng chuẩn bị bữa ăn. Nhóm chúng tôi cũng lăng xăng ghi hình kỷ niệm. Anh Lê Cao Đảm đưa anh Hoàng Hữu Bản đến nhập nhóm. Tôi chào thầy Thích Lệ Nhân, anh chị Phương Trương, anh chị Minh Đạo và những anh chị đồng môn khác. Tôi gặp anh chị Hòa – An và thật xúc động khi thấy anh Thái Hòa ngồi xe lăn vẫn lặn lội từ Saigon tìm về họp mặt. Ai cũng đến chào anh trong tình thân quý và cảm động. Khi thấy tôi bước đến, anh cầm tay tôi lắc lắc khiến tôi nghẹn lời, chỉ lí nhí mấy chữ không rõ thế mà anh lại hẹn:
        -  Tháng Sáu về họp mặt tại Quảng Trị nhé! Anh chị sẽ về.
        -  Dạ!
        Tôi chỉ nói được thế nhưng tôi nghĩ nhiều hơn. Rằng tuổi của anh em mình đều đã cao. Trong cái vòng bốn cửa sinh lão bệnh tử thì anh em chúng mình đều đã và mấp men ở cửa thứ ba, không biết bệnh tật quái ác sẽ ập tới lúc nào. Thế nên đi họp mặt để gặp nhau không biết được mấy lần nữa. Vậy khi nào còn đi được thì cứ đi chứ đến một lúc nào đó… Ôi! Tôi không muốn nghĩ tiếp nữa.

   
 Khi bàn ăn đã dọn ra thì buổi họp mặt vẫn tiếp tục với những bài ca, câu thơ đầy tình nghĩa. Những món ăn xứ biển tươi roi rói nên với người ở xa về rất chi là ngon miệng. Ngoài ra ban tổ chức không quên đặt thêm món bánh bột lọc “rất Quảng Trị” để mọi người thưởng thức mà gợi nhớ quê hương. Câu chuyện vẫn râm ran với những lời thăm hỏi, với những chiếc ly “một trăm em ơi chiều nay hai tờ năm chục”. Tôi vừa cụng ly nước lọc với Cao Mừng, Đoàn Phú vừa hát: “Một trăm em ơi chiều nay năm tờ hai chục” khiến cô Giáng Hương và út Vĩnh Phước bên cạnh không nén được tiếng cười.

        Tiệc tàn, những bàn tay nắm chặt hẹn gặp lần sau trong bịn rịn. Dù rất tiếc nhưng chị Quang Tuyết phải tách nhóm, theo xe Saigon về nhà để hoàn thành sứ mạng cao cả “bà nội cu Tin” vào sáng sớm ngày mai. Nhóm bạn khóa chị Lê Lan mời nhóm chúng tôi ra biển chơi nhưng nhìn bãi cát trắng giữa trưa nắng chang chang, các cô đều lắc đầu chịu thua. Không ai đủ can đảm xách giày lội qua bãi cát ấy để đến bờ biển nên đành cám ơn anh Thiên rồi lên xe trở về. Anh Giang liền mời anh Nguyễn Văn Hiêu nhập nhóm. Và thế là vẫn… Bảy anh em  trên một chiếc xe… Ford. Bánh xe chưa lăn mà… thơ văn đã trào ra cuồn cuộn.


Dọc đường, chọn một quán cà phê thoáng mát, xe dừng lại cho cả nhóm nghỉ chân. Nhấp ngụm cà phê chiều và thưởng thức làn gió biển trong lời tâm sự, tiếng đọc thơ đầy cảm xúc của những người đồng hành rồi xe tiếp tục lăn bánh cho câu chuyện tiếp nối, chuyện thơ văn Nguyễn Hoàng đan xen với những lời nhắc về những kỷ niệm nho nhỏ của thầy cô đối với học trò một thuở bằng thứ tình cảm quý báu mà thời nay khó tìm thấy làm xao động lòng người. Đến Xuân Đà, Nhân lại chiêu đãi món  bánh xèo (bánh khoái) miền Trung dòn rụm trước khi chia tay.
        Lagi mất hút về phía sau, Xuân Đà rồi Long Khánh cũng đi qua. Số người trên xe cũng vơi dần đi, chỉ còn bốn cô trò và anh Giang về bến. Buổi tối Biên Hòa đèn điện sáng trưng khi cô trò tôi rời xe, giàn hoa sử quân tử trước cổng nhà lại đưa hương chào đón. Những đứa trẻ - cư dân của con đường Dương Bạch Mai đang chở nhau trên những chiếc “xích lô đồ chơi” đầy những chùm đèn điện trang trí vui mắt, những khúc nhạc “hot” từ xích lô thi nhau vang ra làm nhộn cả con đường và bất giác tôi hát theo: “Đừng vội vàng em hãy là em của ngày hôm qua. Uhhhhhh. Xin em hãy là em của ngày hôm qua. Uhhhhhh...”
                                                                        Liên Hưng
                                                      (Biên Hòa, Tháng Ba 2015) 
                                                                    

No comments: