LẦN ĐẦU TIÊN RA ĐẢO PHÚ QUỐC
Vào đầu tuần tháng 12 vừa rồi, chúng tôi có dịp đi thăm bà
con ruột thịt ở Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh, nên cũng tranh thủ ra
đảo Phú Quốc tham quan du lịch một chuyến cho biết vùng đảo này.
Chúng tôi bay chuyến bay từ tp.HCM ra đảo Phú Quốc chỉ trong
35 phút. Hôm ấy thời tiết tốt. Người ngồi trên máy bay đang bay yên bình như
ngồi trong phòng nhà, không có một chút lắc lư, rung động mạnh nào cả.
Khi tàu bay sắp hạ cánh, chúng tôi nhìn xuống hòn đảo thật
là đẹp. Núi đồi, sông suối, nhà cửa và đường sá hiện rõ dần giữa biển trời
trong xanh mát mẻ. Tàu bay giảm tốc độ rồi hạ cánh nhẹ nhàng xuống sân bay Quốc
tế Phú Quốc. Xe của Khách sạn Anh Thi đón chúng tôi về nhận phòng ở. Chúng tôi
ở phòng cuối tầng hai có cửa kính nhìn ra biển trông cảnh nước xanh, sóng vỗ
nhẹ nhàng, thuyền tàu vào ra tới tấp, thật rộn ràng sinh động cả buổi sáng sớm
cho đến lúc chiều tà...
Khách sạn Anh Thi chúng tôi đang nghỉ là trên đường Trần
Hưng Đạo. Đây là con đường chính kéo dài dọc các sườn đồi của đảo. Trên đảo Phú
Quốc dài và có ngọn núi cao như Núi Chùa
với độ cao 603 mét, núi Rồng dài 10 km, núi Hàm Ninh dài gần 30 km. Ban ngày
chúng tôi đi tham quan một số danh lam của đảo như: Làng Chài Hàm Ninh, Suối
Tranh, Bãi Sao… Đến địa điểm nào cũng thấy khách du lịch nội địa và ngoại quốc
đông đúc ngắm nhìn cảnh vật rồi chụp ảnh, quay phim và vui cười thích thú. Cũng
không phải ở đảo Phú Quốc có gì đẹp đẽ hấp dẫn hơn ở nơi khác mà vì đây là một
hòn đảo lớn ở phía Đông Nam Việt Nam tại một vị trí đắc địa chiến lược. Phú Quốc
có hơn 12 nghìn dân. Diện tích đảo này là 593km2 (bằng cả nước Singapore),
nhưng Singapore thì thiếu nguồn nước ngọt, họ phải mua nước ngọt của Malaysia
dẫn đường ống về, còn ở đảo Phú Quốc của Việt Nam chúng ta thì có 5 con sông,
con suối và hồ nước ngọt Dương Đông. Do đó, nước ngọt cho cả huyện đảo này sử
dụng qua nước máy thoải mái. Lãnh đạo Nhà nước và tỉnh Kiên Giang đang tích cực
đầu tư cho Phú Quốc phát triển kinh tế du lịch mạnh dần.
Tại Phú Quốc có 10 đơn vị hành chính, trong đó có 2 Thị
trấn: Dương Đông và An Thới, có 8 xã: 1.Cửa Can, 2.Giành Dầu, 3.Bãi Thơ, 4.Hàm
Ninh, 5.Cửa Dương, 6.Dương Tơ, 7.Thổ Châu và 8.Hòn Thơm. Hầu hết các xã này nằm
phía Nam đảo Phú Quốc, gần thị trấn An Thới.Còn phía Bắc đảo PQ thì có đền thờ
vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, khu rừng nguyên sinh quốc gia, và khu du
lịch nghỉ dưỡng Vinpearl rất đẹp, là nơi vừa rồi tổ chức thi hoa hậu VN năm
2014.
Công ty du lịch ở Phú Quốc ban ngày đưa xe chở chúng tôi đi
tham quan các nơi. Trên chuyến xe 16 chỗ ngồi với ba nhóm người, hai nhóm người
Việt và một nhóm người Italia. Chúng tôi có đến thăm nhà tù Phú Quốc, xí nghiệp
sản xuất nước mắm PQ, công ty nuôi trai lấy ngọc, vườn hồ tiêu xứ đảo, công ty
sản xuất rượu sim v.v…
Khi vào thăm nhà tù PQ, mọi người rất xúc động khi nhìn thấy
khu giam giữ tù nhân trong 13 trại giam dài chật hẹp, mái lợp bằng tôn về mùa
hè rất nóng. Có mấy “chuồng cọp” ngoài trời, một chuồng sắt đóng kín. Chung
quanh nhà tù này bị bao bọc bốn lớp hàng rào cao và giữa là vòng dây thép gai
dày đặc, bốn phía đều có lính canh giữ với chó Bec-Rê. Bốn góc khu nhà tù có 4
tháp canh, đèn pha quét sáng liên tục.Mỗi tháp có lính đứng sát bên khẩu súng
đại liên 12 ly/7, chờ nổ súng khi nghi ngờ có người vượt ngục. Trong phòng Bảo
tàng nhà tù PQ có ghi danh sách những tử tù chính trị quê quán ở nhiều vùng
trên ba miền đất nước ta. Chúng tôi đến thắp nhang tưởng niệm và tri ân những
chiến sĩ cách mạng bị giặc thù tra tấn dã man và đã hy sinh trong tù trong thời
giặc Pháp và giặc Mỹ chiếm đóng.
Sau một tiếng tham quan nhà tù, chúng tôi đến xí nghiệp sản
xuất nước mắm PQ xuất khẩu nổi tiếng với độ đạm rất cao 45 độ. Đây là cơ sở sản
xuất nước mắm gia truyền từ xưa có tiếng của ông Sơn Tỷ(con trai cụ Phụng Hùng
mà ngư dân PQ thường gọi là “quỷ biển”, vì mỗi lần ra biển đánh cá cơm là
thuyền của cụ Hùng rất nhanh chóng đầy ắp cá cơm). Cá cơm là loài cá làm nước
mắm rất ngon.Nước mắm PQ làm từ loài cá cơm vùng biển quanh đảo PQ có hương vị
thơm ngon đặc biệt. Trong xưởng làm nước mắm này, người ta đặt những chiếc
thùng gỗ tròn rất lớn có ướp đầy từng lớp cá cơm với muối rồi đóng kín. Sau 2
năm thì được mở vòi tháo nước mắm ra chảy theo đường ống đến bể chứa. Tiếp đó
cán bộ chuyên nghiệp lo xử lý kỹ thuật, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm rồi
đóng chai xuất xưởng. Phải nói rằng, quy trình sản xuất nước mắm PQ hiện nay
rất bảo đảm an toàn thực phẩm và được khách hàng trong và ngoài nước tin cậy
đặt hàng mua rất nhiều. Nhưng tiếc rằng, nguồn cá cơm tại PQ không đủ để cho xí
nghiệp thực hiện sản xuất một khối lượng lớn để cung cấp cho thị trường. Do đó
phải mua thêm cá cơm ở những vùng biển lân cận mới bảo đảm đủ lượng để sản xuất
nước mắm.
Sau khi xem xong xí nghiệp sản xuất nước mắm, chúng tôi đến
2 trang trại nuôi trai biển để lấy ngọc. Các trang trại này đều do chuyên gia
nước ngoài Nhật Bản và Australia tư vấn kỹ thuật và kinh nghiệm. Khi khách du
lịch đến, họ trình bày cách nuôi trai trong các lồng đặt ngoài biển gần đảo. Họ
lấy ra con trai đã được cấy hạt cát mầm chất trai xà cừ vào trong thân trai và
đã nuôi 2 năm, họ lấy dao cắt con trai
đang sống đó ra và lấy kẹp gắp hòn ngọc bỏ ra trên đĩa cho mọi người xem. Người
đứng xung quanh nhìn thấy viên ngọc rất đẹp mà đem lòng khâm phục những bậc cổ
nhân trước đây đã sáng tạo ra cách làm giàu từ con trai biển. Ngay tại công ty này
có cửa hàng trưng bày các loại trang sức bằng những chuỗi ngọc trai với nhiều
màu sắc rất tinh xảo, đẹp đẽ. Có những chuỗi ngọc trai quý hiếm với giá lên tới
hàng trăm triệu đồng.
Sau khi xem xong cửa
hàng trưng bày ngọc trai, chúng tôi lên xe chạy đến thăm vườn hồ tiêu đặc sản
chất cay gia vị ở PQ. Hồ tiêu ở đây có vị cay thơm, ít nồng. Nhà hàng tiêu ở
đây có bán các loại tiêu xanh, tiêu chín sấy khô. Tiêu xanh sấy khô thành tiêu
màu đen, còn tiêu chín đỏ, họ làm lóc vỏ, sấy khô thành tiêu sọ có màu trắng
đục. Tiêu sọ rất cay và có mùi thơm lâu. Nhiều người thích mua tiêu sọ này về
làm quà gia vị cho bà con, bạn bè.
Trời về chiều, những đám mây trắng đang nhởn nhơ bay trên
những đỉnh núi của đảo. Xe du lịch chở chúng tôi chạy băng băng con đường nhựa
tới bên sườn đồi có công ty chế biến rượu sim PQ. Loại mật sim, rượu sim là đặc
sản có thương hiệu nổi tiếng mà nhiều người gần xa đã biết. Cửa hàng rượu này
đã rót sẵn ra các cốc ly nhỏ từng loại cho khách tham quan nếm thử. Tôi cũng
nếm thử cho biết mùi vị ra sao mà nhiều người bạn của tôi trước đây đã từng mua
về dùng các thứ rượu này và đều khen ngon.
Đúng là mật sim, rượu sim ngon thật! Chúng tôi và nhiều
người rất ưa thích mua loại mật sim và rượu sim này về dùng. Chúng tôi còn
tranh thủ ra xem vườn đồi sim của công
ty. Hoa sim tím nở rộ khắp vườn trông rất đẹp mắt. Người hướng dẫn viên du lịch
nói rằng, đây là vườn sim có tính chất tương trưng để cho du khách biết cây
sim, hoa trái sim mà thôi, còn đến mùa sim chín
thì công ty phải đi thu mua trái sim chín từ trong dân ở các vùng đồi
núi nhiều sim. Khi nghe như vậy và nhìn cảnh vườn sim làm cho tôi càng nhớ lại
đồi hoa sim tím vùng quê nội tôi ở thôn Phú Long, Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị,
mà nơi đây thời niên thiếu của tôi đã từng rủ nhau lên đồi hoa sim chơi vui,
rồi đến mùa sim chín lại cùng nhau đi lên đồi hái sim ăn cho thỏa thuê rồi mang
về cho người ở nhà thưởng thức hương vị trái quả của núi rừng. Khi hồi tưởng
đến đay, tôi bỗng thầm nghĩ rằng, có lẽ tôi nên viết thư về cho ông Trưởng làng
tôi tìm cách học hỏi chế biến mật sim, rượu sim để kinh doanh phục vụ cho du
khách thường xuyên đến hành hương tại Thánh địa La Vang(sát làng tôi) thì sẽ
được phát triển.
Buổi tối, chúng tôi đi dạo dọc bờ biển và ngắm cảnh chiều
tà, hoàng hôn buông dần xuống biển. Sau đó ghé vào đường phố “Chợ đêm” Dinh Cậu
nằm gần bờ biển. Khoảng 8 giờ tối là chợ đêm này bắt đầu đông đúc du khách đến
mua sắm các đồ vật hải sản để lưu niệm. Đặc biệt là các hàng ăn với các món ăn
hải sản tươi ngon ở biển PQ như mực, cua, ghẹ, tôm hùm, cá bớp, cá thu v,v… Tôm
cá mực bơi lội trong các chậu thủy tinh, du khách cứ thỏa thích nhìn rồi chọn
lựa theo ý mình và đặt luộc, nướng, chiên, xào hoặc nấu cháo, bún, miến để
dùng. Tại chợ đêm này, tôi thấy có rất nhiều khách nước ngoài như: Nhật, Úc,
Singapore, Malaysia, Nga. Nhiều nhất là người Nga (Vì có chuyến bay thẳng từ
nước Nga sang đảo PQ). Tại các cửa hàng dọc các đường phố, chúng tôi thấy đề
các bảng hiệu bằng 3 thứ tiếng: Tiếng Việt- Tiếng Anh và tiếng Nga. Vợ chồng
chúng tôi cũng vào chợ đêm thưởng thức vài món ăn cho biết. Nhưng rất tiếc là
các món ăn tại hàng ăn chợ đêm này nấu cũng không ngon bằng ở Huế. Tuy thế,
điều ngạc nhiên của tôi là du khách ngoại quốc vào ăn đầy kín các nhà hàng, họ
còn ngồi dãy bàn ra tận ngoài hiên.
Sau hơn 2 ngày du lịch thú vị ở đảo PQ, chúng tôi đặt vé tàu
bay từ PQ ra thẳng Hà Nội trong buổi chiều. Ngồi trên tàu bay gần 2 giờ thì đến
sân bay Nội Bài. Chúng tôi trở lại cái không khí tấp nập, hối hả dòng người
trên xe cộ đi về trên các đường phố ở Thủ đô vẫn như mọi ngày. Về đến nhà, cuộc
sống gia đình chúng tôi trở lại sum vầy, ấm áp. Vợ chồng chúng tôi kể lại cho
các con cháu nghe về chuyến du lịch đầu tiên của ông bà tới đảo Phú Quốc thật
là yên vui, thú vị!...
Hà Nội ngày 12-12-năm 2014.
Nguyễn Hồng Trân