Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, May 1, 2021

VÀI CẢM NHẬN KHI XEM PHIM BỐ GIÀ (WEB DRAMA) CỦA TRẤN THÀNH - Đặng Xuân Xuyến



VÀI CẢM NHẬN KHI XEM PHIM

BỐ GIÀ (WEB DRAMA) CỦA TRẤN THÀNH

*

BỐ GIÀ (Web drama) là bộ phim giải trí, đậm đặc chất thương mại, thực hiện rất kỹ ngay từ khâu viết kịch bản. Từ việc quy tụ các ngôi sao "ăn khách", các "hiện tượng mạng" đã được Trấn Thành cẩn thận "đo chân đóng giày" (cho diễn viên thể hiện) với từng hình tượng nhân vật để hút fan tới rạp, đến việc lồng quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ... vào phim đều được tác giả kịch bản kiêm nhà sản xuất Trấn Thành khéo léo "bày binh bố trận" theo đúng chiến lược kinh doanh của một doanh nghiệp.

Kịch bản được viết theo kiểu "đo chân đóng giày" cho từng vai diễn nên các diễn viên có nhiều đất diễn để tròn vai. Ví như: “Má Ngọc Giàu” diễn tự nhiên, rất đời, khiến những tình tiết trong các phân đoạn có sự xuất hiện của nghệ sĩ Ngọc Giàu trở nên chân thực, sống động. Hay như Khả Như xuất hiện chỉ thoảng qua nhưng cô vẫn kịp để lại dấu ấn khó quên bởi sự xinh đẹp và nét duyên của cô trong vai diễn có nhiều nét hài tình huống. Hoặc Trúc Nhân, chàng ca sĩ nổi đình đám với những ca khúc: "Bốn chữ lắm", "Thật bất ngờ".... vẫn nhí nhố đáng yêu trong tạo hình một chàng "bóng lẹo hám trai". Đặc biệt là Lê Giang, với lối diễn “thật như thật” đã làm “mồi” để nâng cảm xúc, kéo Trấn Thành nhập vai diễn...

Sở dĩ phim Việt Nam những năm gần đây thường bị khán giả quay lưng có nhiều nguyên nhân, trong đó có khâu kịch bản thiếu thực tế, không đưa được hơi thở thực của cuộc sống vào trong phim... "BỐ GIÀ" (Web drama) của Trấn Thành đã làm rất tốt ngay từ khâu viết kịch bản, đã đưa được những lát cắt "phổ cập" của cuộc sống vào trong phim mà các gia đình người Việt Nam ít hay nhiều đều có.

Báo chí ca ngợi Trấn Thành quá nhiều khi anh đảm nhận vai ông bố (Ba Sang) trong BỐ GIÀ chiếu ở rạp, coi đó là “hiện tượng”, và khen ngợi Trấn Thành thực sự đã trở thành “diễn viên ngôi sao”... Chưa xem phim BỐ GIÀ chiếu ở rạp nên tôi không biết Trấn Thành có xứng đáng với những lời khen ngút ngàn về diễn xuất như vậy hay không nhưng xem BỐ GIÀ (Web drama) thì tôi thấy anh đã hoàn thành vai diễn khá tốt.

Tuy vậy, xem Trấn Thành diễn trong BỐ GIÀ (Web drama), tôi thấy anh trội về diễn hài nhưng đuối về diễn bi. Chẳng hạn, ở cảnh quay Sang (Tuấn Trần) chịu thay ông Thành (Trấn Thành) nhát dao đâm trả thù của bọn cướp, Trần Thành diễn khá đơ, nhất là khi quay cận cảnh khuôn mặt ông Thành, Trấn Thành không những để lộ khả năng diễn bi không giỏi còn “tố” tay nghề nghiệp dư của anh. Cũng may, chỉ sau vài nhịp, Trấn Thành đã nhập vai trở lại, cùng Tuấn Trần lấy nước mắt của khán giả. Ở những thước phim này, diễn viên trẻ Tuấn Trần vào vai khá nhuyễn và chính sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý của cặp đôi bố con Thành - Sang đã cống hiến cho khán giả những thước phim "chân thực", lột tả được tình cha con đang hiện hữu trong cuộc sống đời thường.

Hay như ở những thước phim cuối của tập 4, ở cảnh quay Sang (Tuấn Trần) đặt con dao ở bàn và nói: -“Ba sinh một đứa con, ba cho nó sự sống nhưng ba không cho nó sống theo cách mà nó muốn sống thì lấy lại đi!”. Ở cảnh quay này, đạo diễn cho ông Thành đấm Sang 2 cú đấm không đủ mạnh chỉ mang tính chất hù dọa vì tức giận rồi đổ sập người xuống là hợp lý, phù hợp với tâm lí và tính cách của ông Thành: ngoài cứng trong mềm, yêu con hết mực; vì bực mà đánh con nhưng vẫn sợ con đau nên 2 cú đấm "tung ra" chỉ "nửa vời", rồi bất lực đổ gục người xuống. Ở cảnh quay này, Trấn Thành chưa diễn bật được: thành trì cứng rắn của người cha gia trưởng, cố chấp (vì sợ con không phát triển được sự nghiệp sẽ nghèo khổ) và bao đồng  bị thách thức, bị đe dọa sụp đổ (nhưng chưa sụp đổ) trước phản kháng của Sang. Hình ảnh ông Thành, qua cách diễn của Trấn Thành đã trở thành ông bố nhu nhược, yếu đuối, dễ đầu hàng, thoái lui. Tôi nghĩ, đấy không phải là hình tượng nhân vật trong ý đồ của tác giả kịch bản, của đạo diễn phim BỐ GIÀ (Web drama). Và tôi thấy cũng lạ là Trấn Thành diễn nội tâm không giỏi mà đạo diễn (hình như) lại thích khai thác quay cận cảnh những cảnh đòi hỏi diễn viên phải là người thực sự có nghề! Rất may, Trấn Thành cũng có những thước phim diễn nội tâm khá tốt, ví như khi phân đoạn Sang nằm cấp cứu trong bệnh viện (tập 5): người xem đã thấy được những đau đớn, những giằng xé, những ân hận, xót xa và nỗi bi ai tuyệt vọng trong con người ông Thành qua ánh mắt, giọng nói và nét mặt của diễn viên Trấn Thành. 

(Vai Sang, một trong những vai chính của BỐ GIÀ (Web drama), do diễn viên trẻ Tuấn Trần đảm nhiệm cũng để lại ấn tượng tốt với người xem. Tuy nhiên, vai diễn này cũng có những hạt sạn để người xem dễ dàng nhận ra đấy là sản phẩm tay nghề của diễn viên nghiệp dư ví như khi ở phân đoạn Sang tập bài cùng nhóm nhạc, vô tình bị bố Thành (Trấn Thành) bắt gặp, ở cảnh quay này Tuấn Trần diễn (bị) thoát vai, người xem không thấy nhân vật Sang mà chỉ thấy người mẫu Tuấn Trần đang làm mẫu ảnh.)

Xem 5 tập BỐ GIÀ (Web drama), đã thấy rõ những nét diễn chuyên nghiệp của diễn viên Trấn Thành nên tôi tin: khoảng thời gian từ 2020 với BỐ GIÀ chiếu trên mạng đến 2021 với BỐ GIÀ chiếu ở rạp, đủ để một người đa tài và đầy tham vọng chinh phục những thành công như Trấn Thành có thể tỏa sáng như những lời khen của báo giới.

Viết vài cảm nhận khi xem phim BỐ GIÀ (Web drama) để tặng con trai yêu Đặng Tuấn Hưng khi 2 giờ sáng thấy con viết trên tin facebook: “Xem phim Bố Già (chiếu rạp) thấy nhớ Bố quá”.

*.

Hà Nội, chiều 29 tháng 04-2021

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

 


READ MORE - VÀI CẢM NHẬN KHI XEM PHIM BỐ GIÀ (WEB DRAMA) CỦA TRẤN THÀNH - Đặng Xuân Xuyến

TẢN MẠN VỚI “CON TIM ỐM ĐÓI” THƠ LÊ THỊ QUỲNH DUNG - Châu Thạch


 
                 Nhà thơ Lê Thị Quỳnh Dung


CON TIM ỐM ĐÓI
 
Trong cơn mơ ta thấy mình trẻ lại
Cũng bao người cũng vậy cũng như ta
Ta thấy bình minh thấy bóng tùng già
Thấy hoàng hôn nhỏ từng giọt đỏ
 
Không biết uống
Vỡ cả đời không biết uống
Để đấy mà trông
Trông rượu chảy trong hồn
Mùi nho thơm
Mùi dâu chín bâng khuâng
Cho cảm giác mình còn tỉnh táo
 
Ngồi một góc nhìn cuộc đời xông xáo
Họ đi đâu xe và cộ dập dìu
Chuyện mưu sinh chuyện muôn thuở ngoài kia
Duy góc tối chỉ có mình tư lự
 
Sống chậm lại
Dầu tay chưa chống gậy
Tập buông xuôi
Cho nước chảy qua cầu
Mình nhớ gì nhớ cũng thật lâu
Là khờ khạo là con tim ốm đói.
 
                 Lê Thị Quỳnh Dung
 
 *

Nhà bình thơ Châu Thạch

TẢN MẠN VỚI “CON TIM ỐM ĐÓI” THƠ LÊ THỊ QUỲNH DUNG 
                                                             Châu Thạch
 
Bài thơ “Con Tim Ốm Đói” quả là khó hiểu. Khó hiểu nhưng tôi thấy hay bằng thứ cảm giác mập mờ không dễ nói ra ngay được. Vậy bây giờ, xin hãy cùng tôi đi vào từng khổ thơ, để tìm cho ra, làm sáng tỏ phần nào cái hay mà ta cảm nhận được mập mờ từ lúc ban đầu.
 
Mời đi vào khổ thơ đầu tiên:
 
Trong cơn mơ ta thấy mình trẻ lại
Cũng bao người cũng vậy cũng như ta
Ta thấy bình minh thấy bóng tùng già
Thấy hoàng hôn nhỏ từng giọt đỏ
 
Nhà thơ “thấy mình trẻ lại trong cơn mơ” tức là nhà thơ đã già. Đã già nhưng trong cơn mơ nhà thơ thấy lại thế giới lúc trẻ của mình, thấy người xưa không thay đổi, thấy bình minh chiếu trên cây tùng, thấy hoàng hôn nhỏ từng giọt đỏ. Vì mơ nên tất cả cái thấy đó như một cuốn phim diễn ra trong lặng lẽ.
 
Cuốn phim thấy đó, đem buồn hay đem vui tác giả không nói. Vậy thì cuốn phim đó phải không sống động, phải không có hồn, phải làm cho tác giả tê cứng người trong sự vô cảm giác. Câu thơ “Thấy hoàng hôn nhỏ từng giọt đỏ” có cái gì rờn rợn như nói lên phần nào tâm trạng của người đi trong cơn mơ.
 
Bốn câu thơ trên mô tả cơn mơ như bốn dòng cát trên sa mạc chảy về quá khứ, đưa tâm hồn người đọc trôi vào một thế giới khô, khô đến độ niềm vui không có mà nỗi sầu cũng cháy đi bốc khói. Bóng người đi không tiếng động, bình minh trên cây tùng già, tùng già tất nhiên xơ xác, hoàng hôn le lói, chảy từng giọt máu, tất cả cho ta một quá khứ đau, một quá khứ cô đơn, một quá khứ xa lạ với người và với chính cả mình, không tình yêu, không hận thù và không lý tưởng. Thơ vậy tôi cho là hay, vì nó nói thật bâng quơ mà nó làm xót lòng ta!
 
Vậy thì ta vào khổ thơ thứ hai:
 
Không biết uống
Vỡ cả đời không biết uống
Để đấy mà trông
Trông rượu chảy trong hồn
Mùi nho thơm
Mùi dâu chín bâng khuâng
Cho cảm giác mình còn tỉnh táo
 
Lạ nhỉ? Đang nói về cơn mơ lại nhảy qua làm thơ về rượu. Cả đời không biết uống mà lại “rượu chảy trong hồn”“Vỡ cả đời không biêt uống” là sao? Chữ “Vỡ” khó hiểu quá đi. Thôi cứ hiểu là dầu cuộc đời phải nhận chịu bao nhiêu tan vỡ nhưng cũng chẳng bao giờ uống rượu giải sầu. Không uống rượu thì rượu ở đâu mà “chảy trong hồn”, mà rượu đó lại là rượu hảo hạng, có “Mùi nho thơm/Mùi dâu chín bâng khuâng” ?.
 
À hiểu rồi, hóa ra đây chỉ là phản ứng tự nhiên trong cơn mơ, là chất bạch cầu của tâm hồn, là chất kháng thể của tâm trí phát tiết ra để chống lại các tác nhân gây hại, khử độc những tư duy yếm thế gây cho tâm thần phiền muộn, lo âu và chán nản. Bởi vậy tác giả dùng thứ rượu tự phát sinh trong tâm hồn của mình, để làm “Cho cảm giác mình tỉnh táo trong cơn mơ”
 
Bốn câu thơ của khổ hai như một lời thách thức với hoàn cảnh, với số phận với đời. Tác giả tự tạo cho mình sinh khí, nguồn vui để yêu cuộc sống. Nhà thơ ưỡn ngực thách thức với khó khăn và nói lớn: Để đó mà trông, ta sẽ làm cho tâm hồn ta đầy hương thơm của mùi rượu nho, rượu dâu và ta sẽ tỉnh táo để nhận lãnh sự ngọt ngào mà ta đấu tranh để có.
 
Thế rồi qua khổ thơ thứ ba ta mới biết rõ rằng tác giả không mơ, nhà thơ chỉ muốn ví cuộc đời như một giấc mơ mà thôi. Cảnh vật và sinh hoạt diễn ra trước mắt tác giả, nhưng tâm trí nhà thơ phiêu lưu vào dòng sông ký ức của mình, đi như một giấc mộng du:
 
Ngồi một góc nhìn cuộc đời xông xáo
Họ đi đâu xe và cộ dập dìu
Chuyện mưu sinh chuyện muôn thuở ngoài kia
Duy góc tối chỉ có mình tư lự
 
Khổ thơ nầy cho thấy tác giả ngồi một mình, nhìn người qua lại, tư lự, nhớ quá khứ, rồi ví cuộc đời trải qua như một cơn mơ. Từ những phút giây nhìn đời đó, nhà thơ tự hứa với lòng mình, sẽ sống như thế nào để có hạnh phúc trong tương lại:
 
Sống chậm lại
Dầu tay chưa chống gậy
Tập buông xuôi
Cho nước chảy qua cầu
Mình nhớ gì nhớ cũng thật lâu
Là khờ khạo là con tim ốm đói.
 
Với khổ thơ chót, tác giả tự nhủ lòng minh, nhưng cũng như khuyên đời bằng những lời triết ly đơn sơ ma chí lý:
 
Sống chậm lại/ Dầu tay chưa chống gậy: Là một phương pháp sống nghịch với thời đại hiện nay, nhưng có ích cho mọi người, kể cả những người trai trẻ.
 
Tập buông xuôi/ Cho nước chảy qua cầu: Hai câu thơ mang trọn vẹn tư tưởng Lão Giáo, hòa nhập thiên nhiên, vô vi giữa trời đất, thanh thản trong linh hồn
 
Mình nhớ gì nhớ cũng thật lâu/ Là khờ khạo là con tim ốm đói: Hai câu thơ nầy xuất sắc nhất, như đôi cánh thiên thần nâng bài thơ bay bổng lên trời cao, như một triết thuyết mới mẻ mà Quỳnh Dung vừa đặt ra, vừa truyền bá cho đời.
 
Nhà thơ khuyên nhớ thật lâu, tức là nhớ cả vui và cả buồn để làm hành trang tốt cho mình đi đến suối nguồn hạnh phúc. Nhà thơ khuyên mình và khuyên người làm khờ khạo, làm con tịm ốm đói để khao khát sự khôn ngoan, để khao khát lòng nhân ái, để khao khát hạnh phúc, để khiêm nhường, ẩn nhẫn, vì chỉ ai đói thì mới biết mình cần gì, còn ai no thì không đòi hỏi nữa.
 
Lời kinh Thánh nói: “Hễ ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên.” (Mt 23,12). Quỳnh Dung không theo đạo Thiên Chúa, nhưng hình như lời Chúa tự nhiên được mặc khải trong lòng.
 
Quả tim khờ khạo và ốm đói của Quỳnh Dung chính là quả tim của người làm theo luật nước Trời mà Chúa Jesus đã dạy một lần trên núi cao tại xứ I-Sơ-Ra-El, 2021 năm trước đây. Nhà thơ sẽ mang một con tim ốm đói nhưng chắc chắn con tim đó làm đẹp lòng Đấng Cứu Thế vì nó luôn luôn có rượu chảy trong hồn, có mùi nho thơm và có mùi dâu chín của bông trái Thánh Linh ướp thơm tâm hồn mình và tỏa ngát cho đời!
 
                                                            Châu Thạch

READ MORE - TẢN MẠN VỚI “CON TIM ỐM ĐÓI” THƠ LÊ THỊ QUỲNH DUNG - Châu Thạch