Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, March 26, 2021

NGUYỄN ĐẶNG MỪNG VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN Ở LÀNG QUÊ NÀO ĐÓ… - Trần Thùy Mai

 


NGUYỄN ĐẶNG MỪNG

VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN Ở  LÀNG QUÊ NÀO ĐÓ…

(Đọc Bóng chiều hôm, tập truyện của Nguyễn Đặng Mừng, NXB Hội Nhà Văn)

 

Trần Thùy Mai

 

“Bóng chiều hôm”, tập truyện đầu tay của Nguyễn Đặng Mừng có thể nói là một cái nhìn quay về quá khứ, một quá khứ chưa xa mà ai cũng nhớ nhưng lại chưa được phản ánh trong văn chương Việt. Mười bốn truyện ngắn, trong đó là mười bốn câu chuyện đời, mười bốn số phận, đa số là những số phận của thời hậu chiến, của những người thuộc bên này hay bên kia. Cũng như những con người  ngoài đời thật, nhân vật của Đặng Mừng rất khó có thể liệt vào bên kia hay bên này… Những nhân vật của Nguyễn Đặng Mừng rất thật, cuộc đời của họ trải qua nhiều thăng trầm, vui ít buồn nhiều, có những lúc trầm luân cơ cực, đời họ là hình chiếu của cuộc sống trong suốt một thời kỳ ba mươi năm sau ngày thống nhất… Thông thường một tác phẩm có hai con đường đề gây hiệu ứng nơi người đọc, một là gây sự xúc động, hai là gây cười. Ở tác phẩm của Đặng Mừng có cả hai hiệu ứng trên. Đọc nhiều truyện ta không khỏi bật cười, nhưng đó là những chuyện cười ra nước mắt.


Nhà văn Nguyễn Đặng Mừng

Mặc dù không ồn ào và không được lăng xê như một số khuôn mặt thời thượng,  nhưng sự xuất hiện của nhà văn Nguyễn Đặng Mừng trong năm vừa qua thực sự có thể nói  là một hiện tượng.

Truyện ngắn của Đặng Mừng xuất hiện đầu tiên trên Sông Hương, rồi sau đó trên Văn Nghệ, Tia Sáng, Người Đại biểu Nhân dân... Ngay từ lần đầu xuất hiện , tác phẩm của anh đã để lại trong lòng bạn đọc một ấn tượng mạnh mẽ. Dù  không mang một dấu ấn thời thượng nào, nhưng văn chương Nguyễn Đặng Mừng cho ta cảm giác về một cái gì đó thực sự mới : Nó báo hiệu rằng thời ta sống đã khác, tâm thức thẩm mỹ đã khác, và đã có thể nói với nhau nhiều chuyện hơn trong văn chương cũng như cuộc sống.

Trong bầu không khí văn chương hiện nay, có thể nhận thấy rất rõ hai xu hướng đang chi  phối những người cầm bút. Một là xu hướng cách tân về hình thức nghệ thuật, tìm những biện pháp thẩm mỹ mới, như nhiều cây bút trẻ đang làm với tất cả sự háo hức và táo bạo, nhiều khi táo tợn: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đỗ Thế Hoàng Linh, Vi Thùy Linh ...... Xu hướng thứ hai là xu hướng nhìn lại quá khứ, bổ sung vào văn học  những điều chưa nói để làm rõ diện mạo một thời đại. Tiêu biểu cho xu hướng này, có thể kể Bùi Ngọc Tấn, Võ Văn  Trực, Tô Hoài.... và nhiều tác giả khác nữa. Những nhà văn này thường đã lớn tuổi, trải nghiệm nhiều, chứng kiến nhiều, luôn bị thôi thúc bởi quá khứ và kỷ niệm.

Nguyễn Đặng Mừng mới viết , nhưng không còn trẻ. Sinh năm 1953, lẽ ra anh đã có thể viết từ lâu. Nhưng những năm tháng trong trại cải tạo , rồi về làng quê Quảng Trị làm nông dân trồng lúa cắt cỏ , lại di cư vào Nam buôn bán làm ăn...những đoạn đời lăn lộn truân chuyên ấy dường như là quãng thời gian tích lũy vốn sống , kinh nghiệm để bây giờ khi cầm bút viết ra thì tất cả đều đã chín muồi , đủ độ chín của hồi tưởng , suy ngẫm và cảm xúc .

“Bóng chiều hôm”, tập truyện đầu tay của Nguyễn Đặng Mừng có thể nói là một cái nhìn quay về quá khứ, một quá khứ chưa xa mà ai cũng nhớ nhưng lại chưa được phản ánh trong văn chương Việt. Mười bốn truyện ngắn, trong đó là mười bốn câu chuyện đời, mười bốn số phận, đa số là những số phận của thời hậu chiến, của những người thuộc bên này hay bên kia. Cũng như những con người  ngoài đời thật, nhân vật của Đặng Mừng rất khó có thể liệt vào bên kia hay bên này: Như chị Mịn, con gái một ông lý trưởng, đi theo du kích lên rừng, hết chiến tranh về làng làm cán bộ phụ nữ xã rồi lại bỏ làng trốn vào Nam. Như Bình, sĩ quan chế độ cũ, đi học tập xong về hợp tác xã làm thư ký đội (Buồn vui mấy lần); Anh Nợ tù binh chiến tranh được tha, sung vào đoàn vận tải, về làng với nón cối áo bộ đội hẳn hoi (Tím cả chiều hoang); Bà Thắm người nữ thanh niên xung phong có giọng hát say người, cuối đời đến khi lãng trí vẫn còn hát  những bài hát thời con gái... (Bóng chiều hôm). Những nhân vật của Nguyễn Đặng Mừng rất thật, cuộc đời của họ trải qua nhiều thăng trầm, vui ít buồn nhiều, có những lúc trầm luân cơ cực, đời họ là hình chiếu của cuộc sống trong suốt một thời kỳ ba mươi năm sau ngày thống nhất.  

Thông thường một tác phẩm có hai con đường đề gây hiệu ứng nơi người đọc, một là gây sự xúc động, hai là gây cười. Ở tác phẩm của Đặng Mừng có cả hai hiệu ứng trên. Đọc nhiều truyện ta không khỏi bật cười, nhưng đó là những chuyện cười ra nước mắt. Sở dĩ vậy là vì cái tài của tác giả biết lẫy ra từ cuộc đời những tố chất bi hài lẫn lộn, làm người đọc thấy buồn cười thì rất buồn cười mà xót xa cũng thật xót xa. Như câu chuyện phiên họp kết án đôi nam nữ đồi trụy vì  đã  dám "Hun chắc bằng mui", chuyện chị Nần chung thủy cự tuyệt bao nhiêu người đến ve vãn để rồi chửa hoang vì tưởng vong hồn người chồng nhập vào xác lão thầy bói, chuyện cửa hàng mậu dịch phân phối quần đen cho con trai, quần xà lỏn cho con gái, chuyện nông dân ngồi họp bên đống lúa trong sân hợp tác, sáng ra thấy đống lúa nhỏ lại còn phân nửa....Nói những chuyện không phải không lớn, những chuyện can hệ đến phận người, đến vận mệnh của cá nhân, cộng đồng, dân tộc nhưng tác giả không hề đao to búa lớn mà lại rất dí dỏm, như cười cợt nỗi đau của chính mình. Đọc truyện Đặng Mừng tôi liên tưởng đến cảm giác khi xem phim "Phải Sống" của Trương Nghệ Mưu: cả một thời kỳ trải qua những ấu trĩ, lầm lạc, có cả thành công và thất bại, hạnh phúc và đau đớn, có lúc trả giá bằng cả sinh mạng, nhưng cuối cùng đọng lại vẫn là niềm hy vọng, lòng nhân ái, sự tha thứ, những gì tốt đẹp giúp người ta đi tới để tiếp tục cuộc sống.

Nhân vật Đặng Mừng đa số là nông dân. Các nhà văn viết về nông dân khá nhiều, nhưng thú thực, đọng lại trong lòng tôi cho đến nay chỉ có hình ảnh người nông dân của Tô Hoài trong Quê người, Trăng thề, Chớp bể mưa nguồn... những con người hiền lành , chân chất có số phận nhỏ nhoi  luôn làm ta xót xa. Đấy là những người nông dân thời Pháp thuộc . Người nông dân trong truyện Đặng Mừng thời nay đã khác, trong truyện của Mừng, người nông dân có cuộc sống chất phác mà mãnh liệt, khép mình trong nề nếp của đạo nghĩa mà vẫn phóng túng hồn nhiên đôi khi có phần hoang dã. Đấy là người nông dân trong cuộc sống thực của họ, được miêu tả sinh động dưới ngòi bút của một tác giả có thời thơ ấu gắn bó với làng quê Việt Nam,  cho đến nay vẫn luôn gắn ngòi bút của mình với tấm lòng "Nhớ ruộng nhớ đồng".

Nhà phê bình  Đặng Tiến, khi nhận xét về tác phẩm Nguyễn Đặng Mừng, có nhận định rằng tâm thức sáng tạo của nhà văn là một nguồn sáng vô minh, có khi chính nhà văn ấy cũng không ý thức hết được. Có lẽ tâm thức cảm thụ của người đọc cũng vậy, sự biết hay biết dở khi đọc một tác phẩm cũng là một trực giác bẩm sinh, vì vậy những người đọc bình thường không phải là nhà phê bình cũng có thể nhận ra cái hay cái dở của tác phẩm văn học. Bằng trực giác, khi khen một tác phẩm , người Huế thường dùng hai chữ"Có hồn". Truyện của Đặng Mừng rất có hồn, vì anh viết từ chính xương tủy cuộc đời mình. Cách viết của anh giản dị, hầu như chẳng hề sử dụng kỹ xảo truyện ngắn. Khi người ta đã có một vốn sống phong phú, khi sự thật được nói bằng lời lẽ chứng nhân, thì hình như chẳng cần đến một thủ pháp nào cả. Nguyễn Đặng Mừng đã viết như vậy, chẳng hề quan tâm chạy đôn chạy đáo kiếm cho mình một tấm áo thời trang, anh xuất hiện bằng thể cách tự nhiên, cứ tưng tửng, thật thà với cái giọng nông dân của anh, kể những câu chuyện ở làng quê nào đó mà ngẫm kỹ lại, ta mới nhận ra cái làng ấy chính là đất nước của mình....


TRẦN THÙY MAI 

Nguồn: www.lethieunhon.vn

READ MORE - NGUYỄN ĐẶNG MỪNG VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN Ở LÀNG QUÊ NÀO ĐÓ… - Trần Thùy Mai

THÔN VÔ ƯU NGÁT HƯƠNG ĐỜI – Thơ Nhật Quang


 

 
Thôn Vô Ưu Ngát Hương Đời
 
Mây hồng vương nhẹ mùa hoa
Vòm xanh chim hót mượt mà phố quen
Vườn ươm thơm thoảng hương sen
Dịu dàng…ngát nụ cười em thật hiền
 
Vai mềm nón lá nghiêng nghiêng
Anh như khao khát chung chiêng xuân ngời
Vấn vương khoảnh khắc lên ngôi
Chút tình rót lại - tim bồi hồi …say
 
Tháng Ba lãng đãng trời mây
Thôn Vô Ưu* gợi đong đầy niềm thương
Về đây hoa lá đơm hương
Buông sầu cõi tạm vô thường…trầm luân
 
Vô ưu giữa cõi định phần
Tiếng cười hạnh phúc ru ngần ước mơ.
 
                                         Nhật Quang
 
Thôn Vô Ưu: Điểm dã ngoại, cà phê sân vườn tọa lạc tại P. Thạnh Xuân - Q.12 - TP. HCM.
                                                 
READ MORE - THÔN VÔ ƯU NGÁT HƯƠNG ĐỜI – Thơ Nhật Quang

CHÀO THÁNG GIÊNG XA... – Thơ Tịnh Bình


               Nhà thơ Tịnh Bình


CHÀO THÁNG GIÊNG XA...
 
Chạm mùa e ấp thanh tân
Hôm nào Giêng mới tần ngần qua đây
Vòm xanh lá nõn ru cây
Tiếng chim biêng biếc gọi ngày nắng nhen
 
Bần thần bóng dáng ai quen
Dùng dằng bông gạo thắp đèn ngõ quê
Tầm xuân đâu hẹn đâu thề
Ôm vần lục bát bùa mê vào lòng
 
Tàn Giêng... Gió nhắn gì không?
Ỡm ờ diều sáo bềnh bồng chân mây
Con đường trải nắng thơ ngây
Thong dong cánh bướm lượn bay la đà
 
Vẫy tay chào tháng Giêng xa
Áo hoa khuất lối ngỡ là chiêm bao
Chợt nghe khúc gió lao xao
Hình như hạt nắng phai màu tương tư...
 
                                       TỊNH BÌNH
                                         (Tây Ninh)

READ MORE - CHÀO THÁNG GIÊNG XA... – Thơ Tịnh Bình

CHUYỆN VỀ “BẠN” NGUYỄN THANH LÂM - Đặng Xuân Xuyến

 

Tác giả Đặng Xuân Xuyến

*


CHUYỆN VỀ “BẠN” NGUYỄN THANH LÂM 


\

Năm kia, muộn hơn chặp này khoảng mươi ngày thì phải, lão đến nhà thi sĩ Nguyễn Thanh Lâm chơi. Anh em lâu ngày mới gặp nên có nhiều chuyện để nói, nhưng chuyện gì thì chuyện, hai anh em cũng quay về chuyện Tử Vi lý số, xem thời gian tới bố con lão nên làm những gì và tránh những gì.

Lần đấy, sau vài câu chuyện về nhà nọ nhà kia, anh bấm bấm ngón tay rồi hỏi:

- Có muốn nghe anh nói sang năm vận hạn thế nào không?

Lão cười, bảo:

- Đến thăm anh toàn được lãi thế này thì tháng nào cũng nên đến hầu chuyện anh, anh nhỉ?

Anh giãy nảy lên:

- Thôi! Cậu tham thế? Sang nhà anh chơi chỉ muốn nghe anh nói về kinh nghiệm xem tử vi mà chẳng bao giờ mời anh bữa nào cả.

Lão gãi gãi đầu, giả đò:

- Thì tí nữa anh em mình tìm quán nào ngồi lai rai vậy?

Anh bĩu môi:

- Mẹ! Biết anh đếch uống được bia rượu nên toàn mời đi nhậu! Đểu!

Lão cười:

- Thì anh vừa bảo em chẳng chịu mời anh bữa nào cả mà?

Anh nhăn mặt:

- Thằng khỉ! Biết gu của anh rồi mà cứ giả vờ! Mày bị “xịt” chứ anh có bị “xịt” đếch đâu mà ngồi cùng chiếu!

Lão hì hì cười:

- Hỏi thật anh nhé. Không sợ chị à?

Anh khẽ rướn mắt nhìn lão, rồi lim dim mắt, thủng thẳng:

- Cậu nhầm! Chị cậu hơi văn minh đấy. Với lại, đi này nọ với gái mà để vợ biết thì còn đáng mặt đàn ông không?

Anh đang cao hứng thì chị về.

Thấy chị vào, anh hắng giọng:

- Nói rồi. Vận Đào - Hồng - Hỷ sang năm sẽ không có đâu, cậu đừng có mong! Thằng Cô - Quả nằm phưỡn bụng thế kia thì đố cậu bước qua nó được, cứ là chấp nhận cô đơn lẻ bóng hết năm Giáp Ngọ… Này, cái thằng Cô - Quả không chỉ cản phá tình cảm đôi lứa đâu. Nó còn cản phá, gây rắc rối các mối quan hệ khác cũng ác liệt đấy. Tóm lại là sang năm Giáp Ngọ cậu đen lắm, thất bại toàn tập về chuyện tình cảm, luôn sống cô đơn, buồn bực.

Quay sang chị, anh bảo:

- Chiều vợ chồng mình đến thăm bác Long (nhà thơ Chử Văn Long). Bác ấy ốm mấy ngày rồi.

Chị cười:

- Vâng! Anh em nhà anh cứ bàn luận chuyện lý số đi. Em ra chợ mua ít quà, rồi chiều vợ chồng mình sang thăm bác ấy.

Chị đi rồi. Anh lại thủng thẳng:

- Cậu nghiên cứu về lý số mà cứ thích cãi cùn với mệnh số. Mấy lần giới thiệu cho cậu, toàn các cháu sinh năm 87, 88, xinh, trẻ, ngoan, hợp với căn số của cậu mà cậu cứ giãy nảy lên. Lần thì kêu trẻ quá, xinh quá, chắc gì sẽ là vợ của em? Lần thì Mệnh hội họp nhiều dâm tinh như thế, em lại yếu khoản kia có mà “nuôi con người” à... Bị anh phản bác, không lại được thì cãi cùn, em biết số em cưới vợ lần 2 rồi cũng lại bỏ, mấy thằng con đều sống với mẹ của chúng, em thui thủi sống một mình mà con cái lại bất hòa, không giỏi giang nên thôi “nhịn tập 2” để cu Tuấn Hưng đỡ khổ... Nghe muốn cho cậu mấy cái bạt tai. Viết sách, cậu vẫn khuyên đọc giả là lựa theo số để sống tốt hơn thế mà cậu lại cưỡng lại số mệnh thì không được. Với lại, số cậu đi tiếp tập 2, biết cách lái sẽ ngon chứ không xấu như thế đâu...

Hôm nay cũng vậy, lão vừa điện đến, nhờ anh chút chuyện. Tư vấn xong, anh lại chuyển sang chuyện tử vi:

- Này, sang năm cậu gặp nhiều chuyện khá rắc rối đấy. Tình cảm đã chả đâu vào đâu mà còn dính chuyện lôi thôi, không khéo phải lôi nhau ra tòa. Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, tuy cậu không thua nhưng cũng khá là mệt mỏi. Năm nay cậu còn tạm được, chứ sang năm thì Kình Dương chềnh hềnh như thế, lại hãm địa, tại NGỌ, gặp Tuế, Phá, Thiên Hình, Kiếp, Không, Song Hao... hội họp sẽ đau đầu lắm. Thôi, hôm nào đến anh. Ngồi làm ấm trà, anh em đàm đạo chuyện nọ chuyện kia chứ cứ gặp nhau qua điện thoại thế này có khi chạm mặt lại chẳng nhận ra là anh em nữa.

Lão vâng vâng dạ dạ, chưa kịp mời anh trưa thứ 7 này đến nhà lão làm vài chén rượu quê thì anh đã tiếp lời:

- Bận trước mưa như thế nên anh không đến nhà cậu được. Thông cảm nhé. Định mời anh cuối tuần đến nhà dùng cơm à? Trưa thì được chứ tối anh ngại đi lắm. Rét.

Lão cười, hỏi:

- Sao anh biết?

Anh hề hề cười, rồi mắng:

- Thằng khỉ. Anh em chơi với nhau gần hai mươi năm rồi mà lại thắc mắc điều đó. Cậu điện đến, đúng lúc anh cũng nghĩ tới cậu nên “bấm quẻ”, biết cậu điện cho anh “động” tới 2 việc, trong đó có một việc là ăn uống.

Đang định chào anh, rồi cụp máy thì anh tiếp:

- Cậu còn nhớ cô bé T. ở Phương Liên - Đống Đa không? Cô bé có cái răng khểnh, sinh năm 1988 đấy. Ừ. Cũng lại bỏ chồng rồi. Cung phu của nó nát quá nên khó lái lắm. Đã Cự, Kỵ đồng cung, lại hãm địa, trong khi Mệnh, Thân, Phúc đều xấu như thế thì gia đạo chắp nối nhiều lần là phải. Ngày đó, cậu cưới nó thì cả cậu và nó có khi giờ đều ổn vì cậu đã qua gãy đổ hôn nhân, các cung Phúc, Mệnh, Thân và Thê của cậu có thể “bù trừ” phần nào cho các cung Phúc, Mệnh, Thân, Phu của nó. Tiếc là ngày đó cậu sợ nó xinh quá, cậu sẽ không giữ được vợ nên viện cớ thằng cu con không cho cưới để ngãng ra. Vụ đó, anh ngại với mẹ con cô bé đó mãi.

Tưởng anh sẽ cụp máy, anh lại tiếp:

- Cái thằng Cự Môn, Hóa Kỵ là khốn nạn lắm, dù có đắc địa thì khi đóng ở Phu - Thê cũng gây những trắc trở cho gia đạo, nhất là khi đồng cung thì phá hại càng lớn. Thằng Thiên Hình cũng ghê gớm ra phết. Khi đi với sao tình dục, Thiên Hình làm cho tình duyên bị trắc trở, tan nát... Đấy là xét về lý thuyết, còn khi luận giải phải linh hoạt vào sự hội tụ của các sao tại bản cung mà suy luận. Cậu nên nhớ: Tử vi là dòng sông, là biển cả mênh mông. Cậu muốn giỏi tử vi phải hóa thân vào tử vi như là cá mới biết nỗi lòng của nước, nỗi lòng của biển của sông. Nguồn gốc của tử vi là Kinh Dịch. Linh hồn Kinh Dịch là thời và Kinh Dịch là hóa sinh, biến thiên, bất biến và vô lượng biến dịch.

Rồi anh cười, chốt:

- Thôi, trưa thứ 7 gặp nhau đàm đạo tiếp. Anh thấy cậu có vẻ lấn cấn phí điện thoại rồi.

Cụp máy, lão cứ lẩn thẩn nghĩ, sao bạn tri kỷ của lão toàn là bạn vong niên, bạn cao tuổi nhỉ? Bạn ít tuổi hơn tri kỷ với lão cũng có nhưng không nhiều, ít lắm.

Lôi lá số ra. Nhìn vào cung Nô, cung Di, thấy lão đã có ít các mối quan hệ xã hội, mà trong các mối quan hệ ấy, lão thường bị “kẻ dưới chơi đểu”... Thảo nào, lão thường nhận được tình tri kỷ ở những “bạn cao niên”!

*.

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2016

ĐẶNG XUÂN XUYẾN


READ MORE - CHUYỆN VỀ “BẠN” NGUYỄN THANH LÂM - Đặng Xuân Xuyến

CHIỀU NGHE TIẾNG CHIM CU - Thơ Mặc Phương Tử

 




CHIỀU NGHE TIẾNG CHIM CU

 

Nghe tiếng Chim Cu phương trời viễn xứ

Chạnh lòng ta miền cố xứ xa xôi!

Áo vai mỏng, gót mòn đời lữ thứ,

Nẻo mây ngàn còn đọng bóng chiều trôi.

Giữa bận rộn bao sắc màu dâu bể

Muôn âm thanh lay động mấy vui buồn!

Theo dòng đời, dẫu lên tuồng ngạo nghễ,

Cát bụi mê lầm chìm dưới hoàng hôn.

Trăng vẫn nhớ bao mùa về Hiệp Phố

Thuyền xa xưa, dù lạc bến xa xưa.

Vẫn lay động máy chèo trên sóng nước,

Tình trăng sao còn hẹn buổi giao mùa.

Chim Cu gáy, tiếng rơi trong bóng nắng

Dấu thời gian chấm phá xuống quê hương.

Trời cố xứ dẫu muôn trùng xa vắng

Nhưng tình thơ nào lạc giữa mê đường.

          Florida (USA) tàn đông 2021.

          MẶC PHƯƠNG TỬ

          tongminh2016@yahoo.com;

READ MORE - CHIỀU NGHE TIẾNG CHIM CU - Thơ Mặc Phương Tử

THÁNG BA – Thơ Lê Phước Sinh

 
                     Nhà thơ Lê Phước Sinh

 
THÁNG BA
 
Nắng bắt đầu bung nụ
giữa trưa, Em choàng áo ra đường
phủ thân thấp thoáng màu trắng
miệng tô vội môi son
nhăn nhó tựa đèn signal
định hướng
Ồn ào ngựa xe
Anh - gã xà-ích trong trái tim
thì thầm niệm Chúa
Nắng chín,
có mùi vị chua
như bã cà-phê hắt bên lề vương rải.
 
                         LÊ PHƯỚC SINH

READ MORE - THÁNG BA – Thơ Lê Phước Sinh

TRƯƠNG CHI – Thơ Lê Kim Thượng



             Nhà thơ Lê Kim Thượng

 
TRƯƠNG CHI
 
Mùa qua, mùa nắng, mùa mưa
Nhớ ngày tháng ấy mình chưa... Một mình...
Em còn tuổi nhỏ nguyên trinh
Áo dài trắng xóa lung linh dáng hiền
Nắng rơi tà áo nghiêng nghiêng
Làm duyên em xõa tóc tiên xanh trời
Tóc chia bao sợi tình rời
Sao em buộc chặt cuộc đời của tôi
Đôi con mắt liếc gọi mời
Dáng xuân em đứng giữa trời mộng mơ
Nụ hoa hàm tiếu đón chờ
Nụ hôn rơi xuống đôi bờ hồng non
Tóc ôm khuôn mặt thon thon
Rèm mi cong vút... Mắt tròn, Mắt Nai
Theo em ngàn dặm đường dài
Bao mùa lá rụng, miệt mài mộng du
Lầu Ông Hoàng, vắng tịch u
Cho tôi mười ngón tay ru thiên thần
Ánh trăng trải sáng trên sân
Ánh trăng trải sáng, trắng ngần ngực em
Giọt tình đọng ngọt môi mềm
Giọt tình đọng ngọt, êm êm da trần... 
 
Qua cầu... Rơi lại dấu chân
Cầu quê lắt lẻo, đỡ nâng gót hồng
Bóng em ngã xuống dòng sông
Tình trôi theo sóng, mênh mông tình buồn
Em đi tóc liễu dài suôn
Mắt Nai vương giọt mưa tuôn ngập ngừng
Giọt buồn trên mắt rưng rưng
Nửa chừng gãy gánh, nửa chừng niềm vui...
Em đi mang hết ngọt bùi
Vây quanh tôi những ngậm ngùi nắng mưa
Sân ga kỷ niệm đón đưa
Công viên in dấu tình xưa xuân thì
Vẫy tay giã biệt em đi
Để tôi thành gã Trương Chi... héo già
Rượu hồng đưa tiễn tình xa
Vững tin rằng mãi trong ta... có người...
Bóng chim, tăm cá xa khơi
Mùa đi, mùa đến, lá rơi ngập đàng
Thơ tình giờ đã sang trang
Tôi - Em lòng vẫn buộc ràng... Thủy chung...                   
 
                         Nha Trang, tháng 03. 2021         
                                   Lê Kim Thượng 

READ MORE - TRƯƠNG CHI – Thơ Lê Kim Thượng