Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, February 3, 2021

EM VÀ MÙA XUÂN – Thơ Nhật Quang


 


EM VÀ MÙA XUÂN
 
Gió mênh mang
trải làn hương thắm
xua tan mây xám trập trùng
đàn én đã bay về
hong nắng vòm xuân
 
Vạt lụa thơm
bên rèm e ấp…
vén nghiêng nắng hồng
em xòe tay hấng tuổi xanh
năm ngón nở hoa
đóa quỳnh hương thơm ngát
 
Dáng xuân
trinh nguyên tha thướt
xao xuyến tim anh
thầm thì…lời yêu mời gọi
tình đầu bẽn lẽn lên ngôi
có phải em
ngươì anh mãi đi tìm?
 
               Nhật Quang

READ MORE - EM VÀ MÙA XUÂN – Thơ Nhật Quang

IN DẤU TRĂM NĂM – Thơ Đan Thụy


                              Nhà thơ Đan Thụy


IN DẤU TRĂM NĂM
 
Chẳng thể nào quên màu nắng quê tôi
trong nỗi nhớ là tháng ngày khôn lớn
cơn lốc xoáy
đời miệt mài mưa nắng
vẫn ngời thơm trên những nhọc nhằn
 
Mùa thu nào không đan heo may
kí ức rụng xuống lòng bất chợt
ai đứng đợi trong một chiều sớm lạnh
không là em mà vẫn cứ đợi chờ
 
Mùa thu đến hình như thơ ấu lại
ngập ngừng…
tay níu giữ ban mai
con đường cũ bước chân ngày tháng mới
chỉ có tiếng mùa sâu lắng hoàng hôn...
 
Người bước tới ngã rẽ đời phân lối
sỏi đá mòn con sóng dội cơn mơ
chiếc thuyền nhỏ cặp bến mùa thu cũ
trên đường đời in dấu bụi trăm năm...
 
                                        Đan Thụy
.......
 
Tên thật: Đàm Thị Hải
Công ty Tây Ninh CoSinCo
KM27, QL22B, Long Thành Nam
Hoà Thành - Tây Ninh

READ MORE - IN DẤU TRĂM NĂM – Thơ Đan Thụy

ĐỌC TẬP THƠ “VẪN LÀ EM” CỦA HƯƠNG LAN: GIẤU MÙA CON GÁI SAU LƯNG - Châu Thạch

 


Nhà thơ Hương Lan, quản nhiệm CLB thơ facebook Quảng Trị vừa xuất bản tập thơ “Vẫn Là Em”. Đây là một tập thơ tình dành riêng để trăn trở cho một cuộc tình rất đẹp, rất đẹp trong linh hồn nhà thơ, bởi vì em “Bốn mùa vẫn thương nhớ đến anh”:
 
Vẫn là em sinh ra ở Triệu Phong
Mùi rơm rạ chốn nếp đồng xưa ấy
……
Bốn mùa qua em vẫn nhớ đến anh
Trái tim nhỏ chẳng đoạn đành thay đổi
Vẫn là em của hương đồng gió nội
Không dối gian chẳng nông nổi tình trường
                                                (Vẫn Là Em)
 
Thi nhân là một nàng thôn nữ. sinh ra từ một làng quê huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, một tỉnh mưa rét hắt hiu và gió Lào oi bức, thế nhưng tâm hồn thì ngược lại, nhà thơ lãng mạn đến độ đem tất cả nỗi nhớ biến thanh thơ, để gởi đến cho anh và dâng hiến cho đời:
 
Sông thương ơi sao xẻ chia đôi nhánh
Để bờ xa canh cánh chẳng yên lòng
Có phải anh là nỗi nhớ của em
Khoảng trời ấy làm sao quên nhau được.
            (Có phải anh là nỗi nhớ của em)
 
 Hỏi nhưng không đánh dấu hỏi là một lời khẳng định. Nhớ thì ai cũng nhớ khi yêu nhau nhưng biến anh thành trọn vẹn nỗi nhớ của em là một tứ thơ mới lạ mà không mấy nhà thơ biết dùng đến. Hơn nữa, nỗi nhớ ấy biến thành thơ, và thơ biến thành quà cho anh, quà ấy khẳng định tình yêu bất biến mà em dành cho anh “Mặc dòng đời cản ngại mối tình câm” là một món quà vô giá mà trên đời ít ai có được:
 
Quà của em chỉ có những vần thơ
Trước những giờ vào ca ngồi tâm sự
Thầm nhắc tên… của một Chàng Lãng Tử
Câu chuyện mình như thiên sử ngàn năm
 
…….
Quà của em chẳng đáng là bao nhiêu
Chỉ một điều em luôn luôn giữ lại
Là tình anh trong trái tim mãi mãi
Mặc dòng đời cản ngại mối tình câm
   (Quà của em chỉ có những vần thơ)
 
 Ngày xưa tác giả là một cô gái nông thôn, ngày nay tác giả là người ở thế giới văn minh. Thế nhưng cao thượng biết bao, đẹp biết bao khi trái tim ngày xưa không hề thay đổi, vẫn là em vì em tự nguyện cho trái tim ngủ yên từ ngày xa cách:
 
Trái tim em đã ngủ yên
…..
Nụ hồng còn giữ nguyên xinh
Có nào đâu dám trao tình cho ai
Trái tim đã ngủ giấc dài
Anh đừng thức tỉnh then cài sao yên.
                 (Trái tim em đã ngủ yên)
 
Nàng không muốn chàng đánh thức trái tim, bởi thức dậy làm gì khi mà nhà thơ đã tự nguyện giấu mùa con gái sau lưng, và tình yêu khát đắng còn vấn vương mãi trong lòng:
 
Đừng hỏi trăng nay bao nhiêu tuổi rồi
Cho em dấu mùa trôi đời con gái
Ngọt làn môi chưa một lần nếm trải
Chín bậc trầm quằn quại xót xa đau
………
Em giấu mùa… con gái hết sau lưng
Đẹp đẽ lắm mà lạnh lùng buông hẳn
Kể cả những nụ cười xinh xắn
Trốn tình yêu khát đắng… vấn vương lòng
                 (Em giấu mùa con gái sau lưng)
 
Nhà thơ giấu mùa con gái sau lưng, có nghĩa nhà thơ vẫn còn như đóa hoa phơi phới đương xuân, nhưng tự nguyện giấu mùa xuân của mình sau lưng để tránh đi loài ong bướm gây phiền. Bài thơ thổ lộ một tình yêu rất lớn, chung thủy. tuyệt đối và hy sinh vô biên cho Chàng Lãng Tử của mình.
 
Không những chỉ dấu mùa con gái của mình sau lưng cho một mối tình xa cách, có mấy ai như nhà thơ Hương Lan chỉ muốn vì anh mà một mình chịu chén đắng ly bôi, để một mình cùng mưa khóc trong đêm:
 
Có khi nào mưa biết khóc trong đêm
Sao hôm nay mà sụt sùi đến vậy
Hỏi mưa ơi mưa nhớ ai bên ấy
Thút thít hoài cứ chảy mãi không nguôi
 
Thôi để ẹm chịu chén đắng ly bôi
Những ngọt bùi đầu môi xin ru mãi
Trọn giấc say người thương luôn xa ngái
Ngủ đi anh gác lại chuyện vui buồn
                    (Mưa khóc trong đêm)
 
 Mưa không biết khóc bao giờ. Chỉ có người mới biết khóc trong mưa. Nhà thơ đã đồng hóa mình và mưa. Mưa thì sụt sùi còn nhà thơ thì thút thít. Đọc thơ ta nghe cả tiếng mưa và tiếng khóc hòa quyện trong nhau, khiến không gian và tâm hồn nên một trong nỗi sầu xa cách, trong giấc ngủ nàng khuyên chàng “gác lại chuyện vui buồn”, nhưng chính nàng thì lại khóc mãi trong đêm.
 
Tình yêu như thế trong thơ Hương Lan là tình yêu của Hương Lan, tình yêu của thế kỷ đã qua trong thời hiện đại, thời mà thay tình như thay áo. Thế nhưng chính tình yêu đó giữa đời nầy như viên ngọc sáng long lánh nằm trên sỏi đá, nó là phẩm chất nguyên thủy của tình yêu, phù hợp với vẻ đẹp và vẻ sáng trong thơ, trong nhân cách con người mà Chúa dựng lên cho A-Đam và Ê-Va từ thời Sáng Thế Ký.
 
“Vẫn Là Em” của Hương Lan là một tập thơ tình, thứ tình rất lãng mạn nhưng đằm thắm vô cùng. Với 125 bài thơ trong sách, ta có 125 chủ đề về tình yêu thanh khiết. phần nhiều là tâm sự những nỗi niềm ẩn chưa trong sâu kín tâm hồn. Tâm sự đó của nhà thơ Hương Lan, như đúng là mùi hương của hoa Lan, tỏa bay ngan ngát trong vòm trời tình yêu, gợn màu mây, màu trăng và màu tuyết lạnh, theo gió thổi trong bốn mùa yêu đi tám hướng.
 
 Thơ Hương Lan là thứ thơ bình âm hưởng, trôi trong thời gian đời con gái, như dòng sông, dầu êm ái hay dầu ba đào thì âm vọng của nó vẫn là tiếng thơ thẩm thấu vào con tim yêu, như tiếng nhạc trong đêm khuya bình tịnh làm say đắm mọi tâm hồn!
 
                                                            Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC TẬP THƠ “VẪN LÀ EM” CỦA HƯƠNG LAN: GIẤU MÙA CON GÁI SAU LƯNG - Châu Thạch

THƠ XUÂN LÊ VĂN TRUNG (1)


 


ĐOẢN KHÚC XUÂN
 
1.
Muôn ngàn hạt nắng lung linh
Nở vàng như vạn nụ tình đang hương
Nhớ bàn tay hái hoa xuân
Chạm vào thơ nhuộm thắm hồn thi ca.
 
2.
Gió hoàng mai trải vàng ươm
Trên tà áo mỏng tình xuân lụa là
Người về từ mộng - mai - hoa
Tay cầm lệ ngọc mở tòa thiên hương.
 
3.
Người về ôm nắng vào xuân
Tay mai hoa nở nụ vàng tỏa hương
Người về nhẹ gót tình nương
Hồn như sương lụa chập chờn áo mây
Người về môi thắm men say
Ngậm lời thơ đã ướp đầy rượu thơm
Tình vừa chín ngực thanh tân
Người về rót cả mùa xuân vào hồn.
                              
 
EM VỀ VI DIỆU BÓNG XUÂN SANG
 
Trời đất cũng không đành phụ rẫy
Cho ta vàng với cánh mai vàng
Cho ta xanh với lòng xuân mới
Và nắng hồng thơm hương phấn son
 
Em cười một đóa trăng hồng ngọc
Gió cũng trầm hương áo lụa là
Em về! Như bóng chim huyền thoại
Nhiệm mầu đậu giữa giấc mơ ta
 
Trời đất cũng mở lòng ân điển
Cho ta về tắm bến xuân người
Ta nghe rộn rã từng con sóng
Một thời hoa mộng tuổi đôi mươi
 
Em về áo đính sương như ngọc
Và tấm lòng xưa cũng tỏa hương
Ta thấy màu xuân trên suối tóc
Vàng ươm như sắc thắm mai vàng
 
Trời đất cũng không đành phụ rẫy
Em về! Vi diệu! Bóng xuân sang!
                   
 
NỤ TÌNH NGUYÊN XUÂN
 
Tình nhau vừa tháng chạp
Lòng đã vội giao thừa
Nôn nao mùi áo mới
Xuân đã về hay chưa?
 
Mùa ơi đang hàm tiếu
Anh mơ tình mãn khai
Nở vào nhau em nhé
Vàng thắm nụ hoàng mai
 
Em? Hay là chim én
Bay vào anh Trời xanh
Trăm năm còn hò hẹn
Một nụ tình nguyên xuân.
 
 
TÌNH XUÂN
 
Lòng đã chạp, vàng hoa tôi vội nở
Mà mùa xuân còn ở cuối phương người
Lòng chưa tết mà đất trời ươm nỗi nhớ
Rượu lòng ai còn ủ mật phía đời vui
Chiều đã chạp, chiều xanh, chiều biếc ngọc
Con én tình rối rít gọi tình ơi
Ai gõ nhẹ vào đàn tôi suối nhạc
Rừng xôn xao gió hát gọi mây trời
Lòng đã chạp, lòng xanh tôi trổ lộc
Mà xuân em còn bến cũ neo thuyền
Tôi - sóng - vỗ vào bờ em thao thiết
Lòng xuân chưa? Tình đã nở vô biên
Áo hoa nở hay lòng hoa nở tết
Vàng hoa tôi nhuộm thắm giấc mơ người
Xin về nở giữa lòng tôi tháng chạp
Tô lên chiều màu đỏ thắm son môi.
               
 
TÌNH XUÂN
 
Tháng chạp đã vàng ươm màu áo mới
Mà mùa xuân còn ngủ ở phương người
Ai là lụa hương bay từng nhánh gió
Cho tình xanh mềm mượt cả hồn tôi
Tôi ngồi nghe những mầm non thức dậy
Dưới tàng cây sương cũng dậy men nồng
Xin uống cạn cùng tôi đất trời tháng chạp
Bay cùng tôi hỡi mây trắng mênh mông
Em đâu đó. Ủ hương nồng thục nữ
Tóc cài hoa, xiêm áo, mộng thiên đường
Ôi yến tiệc tình yêu, mi ngà môi ngọc
(Đã một thời, em, quốc sắc thiên hương)
Xin mở cửa cho nghìn phương lộng gió
Cho trăm năm về nở một rừng hoa
Cho cát bụi cũng thơm tho mùi tình ái
Cho đất trời cũng rờn rợn xương da
Ôi giữa chạp mà hồn xuân giục giã
Mà tình xuân cuồn cuộn máu xuân nồng
Ai nhã nhạc mà hồn tôi rộn rã
Xuân sẽ về, em có trở về không?
                               
 
XUÂN LÒNG
 
Lòng đã vàng mai từ cuối chạp
Tình chưa hàm tiếu đợi xuân về
Em, con chim én phương trời cũ
Vỗ cánh bay hoài trong giấc mơ
Lòng đã trầm hương, đàn nhã nhạc
Câu thơ nhuộm thắm nhụy hương người
Có đôi bướm nhỏ vờn trong gió
Cứ hỏi thầm nhau chuyện lứa đôi
Lòng đã say nồng men rượu ngọt
Xin rót đầy trăng nguyệt ướm rằm
Đôi mắt tình như sương tuyết ngọc
Xuân về giăng thắm lụa vàng ươm
Em - hoa từ độ thầm khai nhụy
Em - trăng từ buổi lòng chớm xuân
Mà tôi vàng quá mùa đang chín
Như má thơm hương nụ phấn hồng.
 
 
XUÂN CA
 
Lòng chớm xuân vàng men ướp mật
Tình ơi hàm tiếu đừng mãn khai
Để nắng mùa xanh hương biếc ngọc
Chải mềm mây lụa tóc trên vai
 
Tôi nghe trong gió lời chim én
Gọi những mùa xuân triệu tấm lòng
Em mở rừng hương khai suối ngọc
Bướm hồng về lã lướt bên song
 
Em trải vào thơ dãi lụa là
Tình ơi đàn ngân nhịp nhã ca
Mùa xuân kẻ một đường son thắm
Lộng giữa hồn em đóa ngọc ngà.
 
Gió gọi lòng xuân chờ tuyết nguyệt
Tình ơi hàm tiếu đừng mãn khai
Để rượu ngàn năm còn ủ mật
Men đời còn ngan ngát hương say.
 
                                Lê Văn Trung

READ MORE - THƠ XUÂN LÊ VĂN TRUNG (1)

TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN # 5, PHỤ LỤC 3 – Nguyên Lạc

 

 
DẪN NHẬP
 
Trước khi vào phần phụ lục 3, tôi xin tóm lược các phần trước đã nói để độc giả dễ theo dõi:
Trong các bài trước, chúng tôi đã nói:
 
1- Kim Vân Kiều Lục là một bản văn viết bằng chữ Hán của một người rất thân cận với Nguyễn Du; ông đã được chính Nguyễn Du chia sẻ từng ý trong từng câu thơ lục bát truyện Kiều của mình nhờ đó viết ra quyển này để giảng rõ thơ Truyện Kiều. Vai trò của Kim Vân Kiều Lục là sách xưa nhất chú giải Truyện Kiều một cách nhẹ nhàng, đáp ứng những thắc mắc có thể có. Lối hành văn chọn lọc từ ngữ, tác giả không bao giờ dẫn một điển tích nào của Trung Hoa để lý giải từ ngữ; tác giả chỉ diễn thơ Kiều ra văn xuôi và bổ sung một ít tình tiết mà trong câu thơ Kiều nói chưa rõ. Tóm lại Kim Vân Kiều Lục đóng vai trò: “Bổ khuyết sử cho thành tín sử”, nó giống như là tư liệu bổ sung tin cậy để chú giải Truyện Kiều. Kim Vân Kiều Lục về thực chất không là một cuốn tiểu thuyết, cũng không là một cuốn tóm tắt hoặc dịch Truyện Kiều, mà là cuốn giảng thơ Truyện Kiều bằng văn xuôi.
 
2- Duy Minh Thị đã dựa vào quyển Kim Vân Kiều Lục viết dài thêm ra, bằng một thứ văn phong của người kinh doanh chữ nghĩa, dạng bạch thoại chương hồi, ngôn ngữ luận viết theo kiểu Tam Quốc Chí diễn nghĩa, sao cho phù hợp với thị hiếu của những người có nhu cầu đọc sách giải trí biến Kim Vân Kiều Lục thành quyển tiểu thuyết thương mại tầm thường: Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân A.953.
 
Duy Minh Thị lấy người này một câu thơ, tỉ như lấy câu thơ của Phong Tuyết Thập Thanh Thị ở chỗ này, ở chổ kia lấy trọn một bài thơ, cũng như lấy trọn một bài tứ tuyệt trong Kim Vân Kiều Lục - bài thơ tuyệt mệnh của Kiều trước khi nàng nhảy xuống sông Tiền Đường vì ân hận; hay “copy” lấy thứ tự tình tiết, hành vi của vở tuồng Kim Vân Kiều của Tiến sĩ Đình Nguyên Ngụy Khắc Đản (1817–1873).

Để thỏa mãn thị hiếu độc giả:
– Duy Minh Thị thêm những chi tiết tình dục vào Kim Vân Kiều Lục, ở đoạn Tú Bà dạy các kỷ năng lôi kéo khách làng chơi cho Thúy Kiều ở thanh lâu - khiến truyện Kiều bị xem nhầm là dâm thư  (Đàn ông chớ kể Phan Trần/ Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều)
– Duy Minh Thị tả thêm cảnh Thúy Kiều xử tội báo oán gớm ghê, dã man, vô nhân tính với Bạc Hạnh, Bạc Bà, Tú Bà … (trong hồi thứ 18) khiến người ta phải chau mày và chán ghét Thúy Kiều.
Bởi những điều trên, nhà nghiên cứu Laiquangnam mới nói: “Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân đã làm nhiểm bẩn Truyện Kiều, phá hỏng giá trị của Truyện Kiều”. [*]
 
Mời các bạn tìm hiểu thêm về Kim Vân Kiều Tuồng mà Duy Minh Thị dựa vào qua bài viết của nhà nghiên cứu Lê Nghị
 
 
 
 
SO SÁNH KIM VÂN KIỀU TUỒNG VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN – Lê Nghị
 
Trên con đường tìm hiểu các tác phẩm Hán Nôm liên quan đến Truyện Kiều, để thấy sự kế thừa của tác phẩm, trước hết chúng tôi sắp xếp theo thời gian các tác phẩm ra đời có di lục ghi nhận. Tiếp đến là so sánh nội dung, nếu hai tác phẩm có nội dung giống nhau, thì cuốn ra đời sau đương nhiên kế thừa cuốn ra đời trước.
 
1. Theo thời gian xuất hiện
Truyện Kiều => Kim Vân Kiều Lục => Các phóng tác Truyện Kiều (văn, thi, phú… Tuồng Kim Vân Kiều, Đào Hoa Mộng Ký) => Thanh Tâm Tài Nhân Truyện => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Tử => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân.
Quá trình diễn tiến từ Truyện Kiều đến Kim Vân Kiều truyện, các tác phẩm kế thừa trải qua khoảng 100 năm kể từ năm 1820, năm cụ Nguyễn Du qua đời đến năm 1925. Chúng tôi đã có những bài chứng minh tổng quát. Bài này nhằm giới thiệu sâu hơn về một tác phẩm quan trọng vào hàng bậc nhất, là cha đẻ trực tiếp ra KVKT (mà giai đoạn 1902-1905 sách gọi là Thanh Tâm Tài Nhân Truyện), đó là cuốn Tuồng Kim Vân Kiều.
 
 2. Địa vị của Kim Vân Kiều Tuồng trên văn đàn
Cũng như Kim Vân Kiều Lục, Kim Vân Kiều Tuồng (theo phiên âm chữ Nôm là Kim Vân Kiều Chiệp) gần như không được nhắc tới trong các bài viết của các nhà Kiều học. Trước đây chúng tôi chỉ thấy Phạm Đan Quế trích đoạn Hoạn Thư hành hạ Thúy Kiều và không có nhận xét gì. Hình như nếu có cái gì cộm lên, ngược với thuyết của mình thì người ta không muốn nhắc tới. Trong các bài viết trước chúng tôi cũng đã trích đoạn để chứng minh Kim Vân Kiều truyện đã lấy chất liệu từ tuồng này.
Trong bài này chúng tôi giới thiệu thêm cho bạn đọc hiểu hơn: Tuồng Kim Vân Kiều được cho là từ những vở tuồng Lãm Thúy Hiên Ký của Ngụy Khắc Đản, một vị quan có tiếng giỏi văn thơ thời Tự Đức, ông qua đời năm 1872. Bản in chữ quốc ngữ đầu tiên năm 1896 được Trương Minh Ký chuyển sang quốc ngữ hồi thứ nhất.

Về việc xác định, tác giả bài viết chỉ dựa vào thông tin ít ỏi: quảng cáo sách Tuồng Kim Vân Kiều trên Gia Định Báo số 52 ngày 29/2/1930 (2), chứ không in trong tập hiện lưu. Thông tin trên báo này cho biết Trương Minh Ký đã chuyển Tuồng Kim Vân Kiều sang quốc ngữ hồi 1 và năm 1930 Bùi Quang Nhơn đem in hồi thứ 2. Trọn tập 3 hồi mới vừa được Phan Thị Thu Hiền phiên âm và phát hành đầu tháng 12/2020, nguồn từ thư viện của Pháp.

Xét ra, sau 30 năm Trương Minh Ký qua đời mới có thông tin trên dòng quảng cáo của một tờ báo, độ chính xác tới đâu về tác giả và dịch giả chúng tôi không dám chắc. Nhưng vì chưa có thông tin khác, tạm thời mặc định tác giả là Ngụy Khắc Đản (1) để dễ phân biệt với các vở tuồng khác sau này.
 
Theo trang đầu ấn bản tập 1 năm Ất Dậu 1875, vở Tuồng Kim Vân Kiều chữ Nôm này tên nguyên thủy là Lãm Thúy Hiên Ký. Lần in 1875 có thể đủ 3 tập, có bổ sung trước khi in, nhưng người bổ sung đem in lại không có tên. Tập 2, 3 đi kèm chỉ còn bản in năm Quí Mùi 1883 tức không cùng bản in 1875, chúng ta không chắc 2 tập này có được hiệu chỉnh lại bản 1875 lần nữa hay không. Hiện nay chưa tìm được bản Nôm gốc Lãm Thúy Hiên Ký, nhưng ít nhất cũng cho biết Lãm Thúy Hiên Ký là một tác phẩm phóng tác Truyện Kiều ra tuồng đầu tiên. Đồng thời nếu Ngụy Khắc Đản là tác giả, thì bản của ông soạn phải trước năm 1872, năm ông qua đời.
 
Sách 3 tập đều ghi Ninh Định Đường tàng bản. Xét ra 2 lần in cách nhau 9 năm, bản in tốt, cùng một thương hiệu, cùng một khổ và nét chữ, có ít sai sót trong việc khắc chữ nên nhà in này uy tín, tồn tại khá lâu nhưng không có tên ở Việt Nam. Từ đó cho phép suy luận sách được in tại Quảng Đông, cùng thời nhóm Duy Minh Thị hoạt động mạnh mẽ, hoặc do chính nhóm Duy Minh Thị hiệu chỉnh in ở Quảng Đông. Dễ nhận ra tuồng là do người trung-trung bộ viết bởi chen nhiều phương ngữ như: mần, ri, răng, rứa… Với những đoạn “nói lối”, giọng Xuân, Ai, Tán, Vãn… cho biết đây là tuồng hát bộ Quảng Nam, chứ không phải tuồng cung đình Huế hoặc tuồng Nam bộ. Ngụy Khắc Đản từng làm Án sát Quảng Nam, nên có thể chính ông là tác giả.
 
 

 
3. So nội dung với Kim Vân Kiều Lục
Là một phóng tác cho sân khấu, do đó Tuồng chú trọng lời thoại nhân vật, không miêu tả hành động và ngoại cảnh, việc đó là sáng tạo của đạo diễn và diễn viên sân khấu khi sử dụng kịch bản. Tuồng viết bằng chữ Nôm, tức đọc ra âm tiếng Việt ngày nay. Tuy trong tuồng đôi khi có câu tiếng Hán thông dụng hoặc bài thơ chữ Hán khi phiên âm Hán Việt, từ ngữ cũng rất quen nghe. Đặc biệt tiếng Việt trong sáng gần với ngôn ngữ đời sống ngày nay. Ta không ngờ cách nay gần 200 năm mà tiếng Việt đã phong phú, tinh nghĩa và diễn cảm gần với các sáng tác trong 2 thập niên 1925-1945, tức là ngôn ngữ đời sống thường nhật ngày nay.
 
Đặc điểm của Kim Vân Kiều Tuồng có 2 chi tiết khác với Kim Vân Kiều Lục: Theo Tuồng, Kiều quê Bắc Kinh, và lần đầu hò hẹn là Kiều qua nhà Kim Trọng (theo chúng tôi tác giả hiểu lầm câu thơ Kiều hoặc cố tình phóng tác). Tuy nhiên dễ nhận ra tuồng có tham khảo Kim Vân Kiều Lục vì trong tuồng có trích ý và thơ của Kim Vân Kiều Lục. Ví dụ:
 
a.
– Kim Vân Kiều Lục:
 
“Chưa tới một năm, gió nổi lên ở Đông Hải, mọi người đều hoảng sợ, muốn bỏ chạy mà chẳng biết chạy đi đâu nên còn trù trừ chưa quyết. Bỗng thấy tinh binh nghìn số, ngựa xe như nước dừng trước trướng của Kiều, nói; có thư xin đón phu nhân về”
 
– Tuồng Kim Vân Kiều:
 
Dân:
Thị kinh hoàng, thị kinh hoàng
Chân khủng khiếp, chân khủng khiếp
Quân tướng trùng trùng điệp điệp
Tinh kỳ lẫm lẫm hoàn hoàn
Kêu nhau vào núi vào non
Âu kíp cõng con cõng vợ
Hú sợ, hú sợ
Kinh mang, kinh mang
Chạy đã mất gói cơm
Lại bỏ đòn bánh tét
 
Kiều:
Rày tôi sớm biết
Xin đó an cư
Đã hẹn hò cùng đó ngày xưa
Dầu sống thác không dời chốn ấy
 
Các tướng:
Chúng tôi vâng lời dạy
Lễ đem rước phu nhân
Đại vương còn hãy đồn quân
Tiểu tướng trước qua nghinh giá
 
b.
– Kim Vân Kiều Lục (bản AC521)
 
Sáng tác bài tuyệt bút, ta không thấy trong Truyện Kiều rất hay:
 
Thập ngũ niên tiền hữu ước
Kim Triêu chi đáo tiền đường
Bách thế quang âm hỏa thước
Nhất sinh sự nghiệp hoàn lương
Triều tín thôi nhân khứ giả
Đẳng gian khước liễu đoạn trường
 
– Tuồng Kim Vân Kiều:
 
Bài thơ trên của Kim Vân Kiều Lục được biến tấu trong vở tuồng:
 
Thập ngũ niên tiền tằng hữu ước
Kim Triêu phương thị đáo Tiền Đường
Vô đoan triều tín thôi nhân khứ
Giá lý hồng nhan liễu đoạn trường.

 
Rất nhiều bằng chứng cho thấy tác giả vở tuồng có tham khảo Kim Vân Kiều Lục. Điều này càng cho thấy Kim Vân Kiều Lục ra đời xưa hơn mọi phóng tác sau này.
 

 

4. So với Kim Vân Kiều Truyện.
Vở tuồng đã phân ra 3 hồi với 3 câu đối chữ Hán tóm tắt nội dung. Mỗi hồi lại phân ra nhiều đoạn, mỗi đoạn là định hướng bằng trích dẫn một câu Kiều. Ví dụ: “Ngổn ngang trăm mối bên lòng” là báo hiệu đoạn Kiều mộng thấy Đạm Tiên sau khi đi thanh minh về…
Kim Vân Kiều Truyện là tiểu thuyết văn xuôi chương hồi: Ta dễ thấy 3 hồi trong Tuồng được phân thành 20 hồi nhỏ trong tiểu thuyết Kim Vân Kiều Truyện. Đặc điểm của tiểu thuyết chương hồi bao giờ cũng diễn đạt ngoại cảnh kèm thái độ nhân vật, kết hợp với lời thoại.
 
Trong các bài trước chúng tôi đã dẫn chứng Tuồng Kim Vân Kiều cung cấp trình tự và nội dung lời thoại cho tiểu thuyết Kim Vân Kiều Truyện. Nói cách khác, Kim Vân Kiều Truyện dựa trực tiếp vào Tuồng Kim Vân Kiều, chứ không chỉ dựa vào Đoạn Trường Tân Thanh và Kim Vân Kiều Lục để diễn ra thành văn xuôi. Riêng kiến thức sử học, tác giả vở tuồng biết sâu hơn tác giả Kim Vân Kiều Truyện: Kim Vân Kiều Truyện gọi Hồ Tôn Hiến là Đốc phủ - đó là cách gọi của Mao Khôn tường trình cho triều đình - không thể hiện Hồ Tôn Hiến là một trọng thần. Tuồng phóng tác có thêm vua nhà Minh, Thượng Thư (Người đỡ đầu Hồ Tôn Hiến ở triều, trong chính sử là Nghiêm Tung), và tuồng đổi tên Hồ Tôn Hiến thành Hồ Tôn Chánh.
 
Nội dung Tuồng Kim Vân Kiều đã phóng tác thêm nhân vật và tình tiết Đoạn Trường Tân Thanh nhiều hơn cuốn giảng văn Kim Vân Kiều Lục và Kim Vân Kiều Truyện. Kim Vân Kiều Truyện lại phóng tác từ Tuồng nên càng xa nguyên bản Đoạn Trường Tân Thanh hơn. Tuy nhiên tính logic của chi tiết, cũng như tâm lý nhân vật Tuồng Kim Vân Kiều đi sát với Đoạn Trường Tân Thanh hơn Kim Vân Kiều Truyện. Về hành văn dĩ nhiên lời hát tuồng gần với thơ: câu ngắn, thường có cước vận. Chỉ cần bỏ cước vận, dùng các liên từ nối vào thì trở thành câu văn dài hơn.
 
Ngay ở tập 1, sự liên quan rõ ràng giữa Tuồng Kim Vân Kiều với Kim Vân Kiều Truyện. Ví dụ tờ thề nguyền giữa Kiều và Kim Trọng sẽ dẫn đoạn dưới giống hệt nhau. Tuồng xuất hiện nhiều nhân vật hơn tiểu thuyết. Sân khấu là thể loại nghệ thuật trực quan: Thay vì tiểu thuyết kể tên và giới thiệu nhân vật, Tuồng sẽ cho nhân vật xuất hiện trên sân khấu và tự giới thiệu mình. Ví dụ ở hồi 1 của Tuồng Kim Vân Kiều, ai đó đọc vài lời giáo đầu ở hậu trường, nhân vật Vương Quan xuất hiện trên sân khấu, ra điệu bộ rồi hát:
 
Vương Quan là tên mỗ
Sanh gặp vận triều Minh
Dòng nho gia nối dấu trâm anh
Đạo thánh chuyên nghề hàn mặc
 
Lại nói:
 
Kinh bố chưa vầy duyên cầm sắt
Xuân huyên còn êm bóng môn đình
 
Ngoài tên nhân vật, trong Truyện Kiều đương nhiên phải có đủ trong Tuồng. Tuồng tạo nhiều nhân vật phụ hơn. Dưới đây là liệt kê tên nhân vật tuồng sáng tạo, mà Kim Vân Kiều Truyện mượn lại, lược bỏ, đổi tên, tạo thêm:
 
– Mượn lại: Thúc Thủ, Bộ Tân, Thúc Chánh, Huyền Động, Sử Chiêu, Lôi Phong, Âm Mưu, Trương Năng.
 
– Lược bỏ: Dân ấp, Đầu Sưu, Ấp trưởng, gia nhân thúc sinh, thể nữ của Kiều (quanh nhà riêng Kiều-Thúc). Trương Hổ, Thiên Hùng, Vạn Dũng (tướng của Từ Hải). Vua nhà Minh, Thượng Thư. Phí Hư, Nguy Kỳ, Cừu Nhiêu, Ngươi Tề, Lý Vu, Đỗ Vận (tướng của Hồ Tôn Hiến) Tuyên, Nghĩa (hai cô gián điệp Hồ tặng hầu Thúy Kiều), vài nhân vật khác không quan trọng.
 
– Đổi: Hoạn phu nhân (thành Hoạn Kế), Biện Báo (thành Hạ Báo).
– Tạo thêm: duy nhất Vệ Hoa Dương (bạn Thúc Sinh).
 
Ta thấy nhân vật trên sân khấu tuồng cổ Việt Nam lẫn Trung Hoa mang tính ước lệ từ cách ăn mặc, trang điểm… Khi nhân vật vừa bước ra sân khấu khán giả đã nhận ra vẻ chánh- tà, bi-hài… Khi xưng tên, điệu bộ, giọng, lời thì biết ngay tính cách. Nhưng tên gọi thì không ước lệ, chỉ là danh xưng, không có ý nghĩa gì. Ví dụ: Phạm Công, Cúc Hoa, Đổng Kim Lân, Vu Quế Nương, Đào Phù Nô…
 
Truyện Kiều chỉ có 3 nhân vật Thúy Kiều - Từ Hải - Hồ Tôn Hiến có tên trong chính sử, còn lại là tên hư cấu. Truyện Kiều có 1 tên nhân vật trùng tên nhân vật trong vở kịch Hổ Phách Trủy Trung Hoa. Tại vở kịch lầu xanh này có nhân vật Thúc Giãn. Nếu hiểu nghĩa theo âm Hán Việt thì Thúc là bị bó lại, Giãn là xa ra. Nói cách khác là anh chàng sợ vợ nhưng luôn tìm cách lén lẹo tẹo cô khác. Trong Bắc hành tạp lục, Tố Như đã có lần xem kịch và chắc ông có xem vở Hổ Phách Trủy mới mượn tên nhân vật Thúc Giãn biến thành Thúc Kỳ Tâm (nghĩa bản chất bị quản thúc), đồng thời hư cấu ước lệ tên các nhân vật qua cách chơi chữ liên tưởng của người Việt: Thúy Vân, Vương Quan, Kim Trọng, Thúc Kỳ Tâm, Sở Khanh, Hoạn Thư, Bạc Hạnh, Giác Duyên, Tam Hợp…Mỗi tên mang một đặc điểm hoặc tính cách nhân vật đó. Ví dụ Thúy Vân: vẻ đẹp rạng rỡ như nước mây; Vương Quan: dòng nho học sẽ làm quan; Kim Trọng: nghĩa trọng thiên kim, chung tình; Hoạn Thư: tiểu thư nhà quan; Bạc Hạnh: hạnh kiểm bạc bẽo…
 
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du miêu tả hành động nhân vật rất sinh động, dễ thành điệu bộ trên sân khấu: “Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm” ta hình dung ngay diễn viên múa tay viết trong không khí. “Lạ thay oan khí tương triền/ Kiều vừa phục xuống, Từ liền ngã ra”, là những hình ảnh kịch tính gần gũi sân khấu. Điều đó góp phần dễ tạo rất nhiều tuồng, chèo, cải lương minh họa hoặc phóng tác Truyện Kiều, hơn những truyện khác.
 
Tác giả vở tuồng tạo thêm nhiều nhân vật là đặc điểm phóng tác của kịch nghệ. Ví dụ trong văn người ta chỉ viết:  “Quân lính thay phiên đưa tin cấp báo” là đủ. Nhưng trên sân khấu một anh lính tên A chạy tới quỳ: báo!… anh này vừa ra thì anh B chạy tới: báo!… Nhìn thái độ hấp tấp và thay nhau báo, khán giả biết là các tin dồn đập. Nhìn gương mặt diễn viên người ta biết tin lành hay dữ, không cần phải nói như văn: gương mặt người nghe báo rạng rỡ, vuốt râu đắc chí hay thất sắc hồn kinh.
 
Chính đặc điểm các tên nhân vật ước lệ trong Truyện Kiều, nó cho ta khẳng định Truyện Kiều khác với cách đặt tên nhân vật trong các tác phẩm của Trung Hoa ở mọi thể loại văn học, trong các thời đại. Ngay cả ở Việt Nam cũng không thấy tác phẩm nào hư cấu ước lệ tên nhân vật, trừ các tác phẩm phóng tác theo Truyện Kiều.
 
Duy Minh Thị đi sát kết cấu vở tuồng, mượn tên nhân vật lẫn lời thoại trong tuồng diễn ra văn xuôi. Vì vậy kết luận rằng: Kim Vân Kiều Tuồng có tham khảo Kim Vân Kiều Lục khi chuyển thể cốt truyện Đoạn Trường Tân Thanh từ thơ ra tuồng. Kim Vân Kiều Truyện lại chuyển thể từ tuồng ra tiểu thuyết văn xuôi.
 
Việc đối chiếu từng hồi, từng đoạn dễ dàng nếu người đọc có cả 3 cuốn Kim Vân Kiều Lục, Kim Vân Kiều Tuồng và Kim Vân Kiều Truyện sẽ thấy sự kế thừa. Đặc biệt giữa Tuồng và Truyện có thể nói nhiều đoạn giống nhau như đúc. Ở đây chúng tôi chỉ ra vài chi tiết giúp các bạn đọc chưa có Kim Vân Kiều Lục, Kim Vân Kiều Tuồng và Kim Vân Kiều Truyện trong tay. Kim Vân Kiều Truyện sử dụng những câu này của Kim Vân Kiều tuồng:
 
a.
- Truyện Kiều:
 
Tiên thề cũng thảo một chương
Tóc mây một món dao vàng chia đôi.
 
– Kim Vân Kiều Tuồng (tập 1) phóng tác Kim Trọng viết bản minh thệ:
 
Phu phụ trọng nghĩa, nghĩa trọng chung thân bất di
Nhi nữ đa tình, tình thiết cổ kim vô phụ
Kiều nguyện hữu gia
Kim nguyện hữu thất
Liên tài ái sắc
Thâm kết vu đồng tâm
Trọng lự kỳ thủy
Kiều lự kỳ chung
Lịch phủ khuynh tâm
Cảm hàn minh vu dị nhật
Nam kỳ cửu phi vô biến
Nữ nguyện nhất tiết chung thân
Cẩu dư thử minh
Thần nhân cộng giám
 
– Kim Vân Kiều Truyện, hồi 3 (hiện chưa so bản Hán Văn, qua bản dịch của Tô Nam trong Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Tử, đọc bản dịch cũng biết chính là bản Hán văn trên)
 
Vợ chồng trọn nghĩa, nghĩa phải chung thủy không rời
Nhi nữ đa tình, tình dẫu tử sinh không phụ
Trước đây:
Kiều muốn lấy chồng, Trọng mong có vợ, thương tài mộ sắc, đã nguyện đôi chữ đồng tâm
Ngày nay:
Trọng lo buổi mới, Kiều sợ về sau, tạc dạ ghi lòng cùng thề đến khi mãn kiếp
Sau giờ minh thệ ví thử chẳng may
Gặp cảnh bất thường quyết không thay đổi
Ai mà phản bội lời ước
Cúi xin thần thánh xét soi
 
Rõ ràng là sao chép gần như nguyên văn.
 
b.
- Truyện Kiều: Đoạn Quan huyện nghe Thúc Sinh trình bày Kiều có ăn học, quan thử cho làm bài thơ “cái gông” (mộc già):
 
Cười rằng đã thế thì nên
Mộc già hãy thử một thiên trình nghề
Nàng vâng cất bút tay đề
Tiên hoa trình trước án phê xem tường.
 
Tuy nhiên ta không biết bài thơ mộc già như thế nào?
 
- Kim Vân Kiều Tuồng, tập 2, phóng tác: Thơ đề cái gông theo điệu Hoàng Oanh Nhi khúc:
 
Tuy dữ nhất vi cừu
Hạnh khuyên sáo trung đắc xuất đầu
Cảm phương viên già cái toàn thân xú
Đãn khán tài tử chi tọa khả ưu
Khả liên lệ lưu bất biệt chẩn hòa tụ
Tạ Giám hầu xá nhân
Cường hạng bất hứa phóng ca dư.
 
– Kim Vân Kiều Truyện, hồi 12, cũng theo điệu Hoàng Oanh Nhi khúc, xáo xào chút nguyên văn:
 
Ngã dữ mộc vi cừu
Hỉ khuyên sáo trung đắc xuất đầu
Cảm phương viên già cái toàn thân xú
Hạ tằng mi vũ tu
Tọa tĩnh khả ưu
Khả liên lệ ngẫm lệ lưu đáo chẩn hòa tụ
Tạ hiền hầu
Giao nhân cường hang, tái bất hứa phóng ca hầu.
 
c.
- Truyện Kiều (đoạn Hoạn Thư thấy Thúc Sinh nghe Kiều đàn rớm lệ, thét bảo Kiều đổi khúc vui):
 
Tiểu thư lại thét lấy nàng
Cuộc vui gảy khúc đoạn tràng ấy chi.
Nhưng ta không biết khúc vui thế nào, Tuồng đệm vào.
 
-  Tuồng Kim Vân Kiều:
 
Lang bỉ phù tang hề khứ Doanh Châu
Yếu đương thục nữ hề vi hảo cầu
 
- Kim Vân Kiều Truyện biến tấu thành:
 
Lang phù điêu hề thoại Doanh Châu
Yêu liệt tử hề vi hảo cầu
 
d.
– Truyện Kiều: Kim Trọng lập đàn tế Thúy Kiều bên sông Tiền Đường:
 
Chiêu hồn thiết vị lễ thường
Giải oan lập một đàn tràng bên sông.
 
Bài Chiêu hồn trong Truyện Kiều không có.
 
– Tuồng Kim Vân Kiều lấy bài thơ Chiêu Hồn của Tống Ngọc để ngâm:
 
Hồn hề quy lai
… 55 câu …
Vãng quy cố hương.
 
– Kim Vân Kiều Truyện, hồi thứ 20 cũng chép lại nguyên bài thơ của Tống Ngọc như trên.
 
Như trên đã nói, Tuồng có 2 chi tiết ngược Kim Vân Kiều Lục: chi tiết cho rằng quê Kiều ở Bắc Kinh, Kiều qua nhà Kim Trọng lần đầu. Kim Vân Kiều Truyện lại hệt theo Tuồng. Chứng tỏ rằng Kim Vân Kiều Truyện ảnh hưởng trực tiếp từ Kim Vân Kiều Tuồng, dựa theo kết cấu chi tiết của Tuồng. Nói cách khác Kim Vân Kiều Truyện là chuyển thể từ tuồng sang văn xuôi.
 
Điểm khác nhau là cùng chi tiết, nhưng tâm lý Kim Vân Kiều Tuồng gần gũi người Việt, trong khi Kim Vân Kiều Truyện xa lạ với tâm hồn người Việt. Ví dụ Tuồng miêu tả Kiều đền ân báo oán phải lý phải tình. Nhấn mạnh những chiến công dồn dập, nêu bật vai anh hùng của Từ Hải khi chiến thắng cũng như lúc sa cơ. Tuồng nhấn mạnh đến bi kịch Kiều bị Hồ Tôn Chánh lừa, chiếm đoạt thể xác. Tuồng cũng không diễn cảnh dâm ô chốn lầu xanh… đúng theo như tinh thần trong thơ Đoạn Trường Tân Thanh.
 
Trong khi đó, Kim Vân Kiều Truyện thì ngược lại: Kiều trả thù tàn khốc, không nêu tính cách anh hùng của Từ Hải. Ngược lại miêu tả tỉ mỉ trận thắng của Hồ Tôn Hiến và bỏ qua phẩm cách đồi bại của Hồ, xem đó là lẽ thường tình. Cũng như miêu tả nghệ thuật lầu xanh câu khách, rẽ tiền.
 
Tất cả cho thấy Kim Vân Kiều Tuồng thể hiện tính cách các nhân vật với tâm hồn người Việt khi phóng tác Truyện Kiều; trái lại, người viết Kim Vân Kiều Truyện phá nát tư tưởng và tâm lý Truyện Kiều. Tuy cùng là xuất phát từ Việt Nam nhưng cách hiểu Truyện Kiều, tư duy văn hóa của người Việt khác với người Minh Hương như Duy Minh Thị rất rõ.
 
Tóm lại Tuồng Kim Vân Kiều chẳng những đóng góp vào văn học sử như là tiền thân gần nhất của Kim Vân Kiều Lục, mà còn là một tác phẩm sân khấu rất giá trị. Tiếc thay, trước đây các nhà Kiều học và đạo diễn sân khấu chẳng đoái hoài. Dịp 200 năm ngày giỗ cụ Nguyễn Du không thấy đóng lại, diễn lại vở Kim Vân Kiều Tuồng này.
 
TỔNG KẾT

Để bàn đến nguồn gốc Truyện Kiều và chú giải truyện Kiều, việc nghiên cứu sách nước ngoài cũng quan trọng, nhưng các tác phẩm Hán Nôm của Đại Nam mới thật sự chứng minh được Kim Vân Kiều Truyện là do người Việt viết.
 
Các công trình của tác giả nước ngoài dẫn tới kết luận: tên tác giả Thanh Tâm Tài Tử không có ở Trung Hoa (cho là viết nhầm Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Hoa theo lý thuyết của người Việt). Tại Trung Hoa, cho đến 1983 tác giả Thanh Tâm Tài Nhân không thấy ghi trên cuốn sách nào, lạ thay học giả Hoa lẫn Việt đều nhận quàng Thanh Tâm Tài Nhân quốc tịch Trung quốc. Đến nay họ cũng không biết nhân thân bút danh này. Không có cuốn sách nào đi sát với nội dung Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân hiện nay. Chỉ có vài truyện ngắn đi sát với sự kiện Từ Hải - Hồ Tôn Hiến. Có đọc bao nhiêu sách cũng chỉ chừng ấy kiến thức mơ hồ.
 
Tại Việt nam, các tác phẩm Hán Nôm lại cho thấy từ sự kiện Từ Hải - Hồ Tôn Hiến và một người thiếp tên Thúy Kiều của Từ Hải, Nguyễn Du xây dựng nên trường thi Đoạn Trường Tân Thanh. Tiếp theo là sách giảng Kiều, thi phú ngâm vịnh, chuyển thể, đi sát với nội dung Đoạn Trường Tân Thanh. Trong đó, một tác phẩm vừa chuyển thể vừa phóng tác nổi bật là tuồng Lãm Thúy Hiên còn gọi là Kim Vân Kiều Tuồng, ra đời giữa thế kỷ 19. Tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện ra đời đầu thế kỷ 20 phóng tác Truyện Kiều trên cơ sở tham khảo Truyện Kiều, Kim Vân Kiều Lục, Đào Hoa Mộng Ký, Kim Vân Kiều Tuồng. Trong đó Kim Vân Kiều Tuồng được Kim Vân Kiều Truyện mượn trực tiếp từ bố cục, nhân vật, lời thoại, thơ chữ Hán chuyển thành tiểu thuyết chương hồi.
 
Người yêu Truyện Kiều, nhất là người muốn tham gia bình giảng Truyện Kiều cho chính xác, tối thiểu cần phải đọc kỹ thêm 3 cuốn: Kim Vân Kiều Lục, Tuồng Kim Vân Kiều và Kim Vân Kiều Truyện. Các bạn tự so sánh nội dung, sau đó các bạn kiểm tra mỗi cuốn được công chúng biết đến sớm nhất tại thời điểm nào. Đối chiếu, kiểm tra xong các bạn sẽ biết cuốn Kim Vân Kiều Truyện là sách của Việt Nam. Tên tác giả và quá trình hình thành chúng tôi đã trình bày trong loạt bài: Ai viết Kim Vân Kiều Truyện? Ở đây xin nhắc lại nhanh: Duy Minh Thị (Trần Quang Quang) viết vào cuối thế kỷ 19. Một khi xác định tác giả và tác phẩm ở Việt Nam thì khỏi tìm ở nước khác mất công.
 
Cuốn Kim Vân Kiều Truyện bạn có thể không cần mua, tải trên mạng bản PDF: “Truyện Kiều đối chiếu”, bản dịch Kim Vân Kiều Truyện của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, và bản chuyển quốc ngữ Truyện Kiều của Đào Duy Anh. Bạn chỉ cần mua 2 cuốn Kim Vân Kiều Lục và Tuồng Kim Vân Kiều, cộng lại chưa tới 500k VNĐ. Chỉ với bấy nhiêu tiền bạn sẽ thay đổi tư duy về truyện Kiều trên căn cứ sự thật, chứ không cần phải nghe lời ai. Chưa đọc 3 cuốn trên, bạn sẽ tốn thời gian tranh cãi và nhiều lúc sai lầm. – Lê Nghị
 
 
(Nguyên Lạc biên tập)
 
……………….
 
Ghi chú

[*] Trang Facebook “Tình Tự Dân Tộc”, tác giả Lai Quang Nam.
https://www.facebook.com/groups/1141641829504367

Mời đọc:

– 200 năm, hậu thế nhớ Tố Như: Thử ‘giải mã’ lại Truyện Kiều - Lê Nghị
https://tuoitre.vn/200-nam-hau-the-nho-to-nhu-ky-cuoi-thu-giai-ma-lai-truyen-kieu-20200916201701822.htm?fbclid=IwAR0UvQrKM5yPbCeL8XovA-jp-nkho4KmpA5r6A_jaAfFTRjJn6gi3gYVyQY

– Từ Đoạn Trường Tân Thanh Đến Phát Sinh Kim Vân Kiều Truyện
Click to access lenghi_KimVanKieu.pdf

READ MORE - TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN # 5, PHỤ LỤC 3 – Nguyên Lạc