TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Saturday, February 26, 2022
ĐÔI TRIÊNG GIÓNG CỦA MẸ - Khê Giang
Nhà văn Khê Giang |
ĐÔI TRIÊNG GIÓNG CỦA MẸ
Khê Giang
Sống giữa vùng thuần nông, nhưng mẹ tôi là một trong số những người hiếm hoi ở
làng làm nghề buôn bán, vì vậy quanh năm suốt tháng, chẳng kể nắng mưa, đôi
triêng gióng như một phần của cuộc đời mẹ, chúng miết chặt vào đôi vai gầy guộc,
ruỗi rong theo những bước chân của mẹ như hình với bóng. Mỗi buổi sáng sau bữa
ăn sớm một mình, mẹ chải đầu, bối tóc, cẩn thận đứng trước gương chỉnh trang
chiếc áo dài rồi gánh hàng lên chợ. Chợ quê chỉ eo sèo một buổi, ngôi chợ mà từ
nhỏ tôi đã cảm nhận qua những sáng tác nguệch ngoạc:
“Liêu xiêu dăm nóc tranh gầy
Lao xao chưa kịp nửa ngày đã tan
Đâu rồi thúng mủng gióng quang
Dấu chân mẹ lội khắp
hàng chợ quê?”
Những bạn hàng của mẹ, ngoài thời gian lên chợ, họ có hẳn một buổi chiều thư thả
để lo việc nhà, chỉ một mình mẹ là không có cảnh an nhàn đó. Tranh thủ vén séo
từ khuya, sau buổi sáng họp chợ, chiều đến, nếu không vô chợ Hôm Lạng, mẹ lại
gánh hàng đi bán dạo trong xã. Ngày lại ngày những bước chân bươn chải của mẹ
nhịp nhàng đổi phiên trên những nẻo đường làng: mới hôm trước gánh hàng rong và
chiếc bóng của mẹ đổ dài trên con đường trơn trợt lối về thôn Đông thì hôm sau
tiếng rao của bà đã vọng qua từng con ngỏ gập ghềnh sỏi đá tận Trường Xuân, Trường
Thọ.
Đôi triêng gióng của mẹ ít khi chịu nằm không cho dù đó là những ngày mà mọi
người ai cũng có quyền ngơi nghỉ. Những ngày kỵ giỗ hoặc Tết mẹ thường về Mỹ
Xuyên, lối đi chừng ba cây số nếu qua ngã Lương Điền theo đường Thiên Lý, chỉ cần
qua bến đò Hôm Lạng là đã đặt chân lên con ngõ vào nhà ngoại, thế nhưng mẹ lại
nhọc nhằn với đôi triêng gióng trên vai khi phải đi theo con đường khác, cho dù
đi theo lối này chiều dài phải tăng gấp ba: qua cầu Bến Đá, lần theo Quốc lộ một,
băng qua Hải Sơn vượt cầu Mỹ Chánh, theo Quốc lộ 49B về Hội Kỳ rồi qua cầu Phước
Tích, phải đi hết chiều dài của ngôi làng gốm cổ này mẹ mới đặt chân đến quê
ngoại. Việc chọn cái cung đường vời vợi ấy chẳng phải do bà sợ cảnh chờ đò hay
cảm giác tròng trành sông nước, mẹ muốn tranh thủ được một công hai việc: đó là
ghé chợ Mỹ Chánh để mua đồ cúng và tiện thể vòng về mua hàng đem ra chợ
làng.
Năm 1972 sau chuyến di tản kinh hoàng vào Đà Nẵng, không chấp nhận thu mình
trong không gian yên bình của các trại tỵ nạn để chờ trợ cấp, mẹ lại sắm sửa
triêng gióng lên đường. Chẳng biết bằng cách nào, do ai mách bảo, mẹ lại dám mằn
mò lội vào thành phố tìm đến những cây xăng để mua dầu hỏa về bán cho người dân
các vùng định cư, trong khi trước đó mỗi lần có việc vào chốn sầm uất nầy tôi vẫn
thường đi theo để dắt mẹ mỗi lúc qua đường. Với đôi thùng dầu sóng sánh nặng trỉu
trên bờ vai, những bước chân xiêu vẹo, sụt lún của mẹ lại rong ruổi trên những
trảng cát nóng bỏng từ Hòa Long đến Hòa Khánh, về Thuận Thành, vượt Mỹ Thị 2
qua trại 5… Không có trại tỵ nạn nào, chốn định cư nào tại Đà Nẵng lại không in
dấu chân của mẹ.
Không biết có phải do đi sớm, đi nhiều, đi cả những lúc đáng ra phải nghỉ, nên
ông trời đã bắt mẹ phải dừng chân sớm trong quảng đường mười lăm năm còn lại, một
cơn tai biến đã đưa mẹ trở về cái tuổi khởi đầu, cái tuổi mà đơn vị tính chỉ mới
gọi bằng tháng. Thời gian đầu sau cơn bạo bệnh, ngồi nhìn dòng đời cuồn cuộn chảy
qua ô cửa, mẹ vẫn thất thần như chưa kịp tin đôi chân mình đã không còn nghe
mình nữa, rồi đôi chân ấy vĩnh viễn chối từ những bước đi của mẹ cho đến tận cuối
đời.
Trong dòng chảy thời gian, trên những bến đời gập ghềnh khúc khuỷu, có những thời
khắc tôi thấy chán nản, muốn cuộn mình, dừng chân, thậm chí buông bỏ…nhưng khi
nghĩ đến mẹ, có một hấp lực đã kéo tôi vùng dậy bứt thoát ra khỏi cái vòng xoáy
rã rời, luẩn quẩn ấy. Sức mạnh đó đến từ hình ảnh đôi triêng gióng và những bước
chân không biết mệt mỏi của người.
17/02/2017
Khê Giang
ĐỨNG THIỀN - Truyện ngắn Vũ Hùng
ĐỨNG THIỀN
Truyện ngắn
Vũ Hùng
Kể từ khi xuất hiện ở làng Đông Trạch, hắn bỗng dưng là tâm điểm của sự chú ý và bàn tán của mọi người. Không hẳn vì hắn tậu được ngôi biệt thự to đẹp nhất vùng của một đại gia vừa bị phá sản. Không hẳn vì hắn sở hữu chiếc xe con mới coóng đến mấy tỷ... mà vì cứ mỗi sáng từ 5 giờ đến 6 giờ rưỡi hắn đứng Thiền bên vệ đường giữa ngã ba làng. Mặt hắn hướng về phía Tây đầy bí hiểm. Đôi mắt khép hờ, hai tay giơ lên trời giống như kẻ vừa hạ vũ khí xin đầu hàng để tha tội chết.
Ngày nắng cũng như ngày mưa lúc nào cũng vậy. Hắn đứng như trời trồng. Kẻ qua, người lại, tiếng cười đùa nắc nẻ của đám choai choai chạy thể dục, tiếng xe nổ ầm ầm phun khói đen khét lẹt... cũng chẳng hề ảnh hưởng gì đến hắn?
Ai cũng nghĩ mọi sân si trong con người hắn không hề vướng bận?
Nể thiệt!
Sáng nay chú Tư Ròm chở bầu bí ra chợ sớm, chẳng hiểu đứa ôn dịch nào vứt hòn đá ra giữa ngã ba đường làm chú thắng xe không kịp, ngã bổ nhào. Bầu bí văng ra tứ tung. Chiếc xe Wave Tàu cà tàng vẫn nổ bành bạch đè lên người chú. Chú la thất thanh:
- Cứu tôi với! Cứu tôi với!
Khi mọi người chạy tới thì chú đã ngất. Trên trán máu chảy lênh láng.
Tiếng còi xe cứu thương gấp gáp inh ỏi...
Cách chỗ chú Tư Ròm ngã xe chừng 2 mét hắn vẫn cứ ung dung đứng Thiền như mọi khi. Mắt vẫn cứ lim dim, hai tay vẫn giơ lên trời như một kẻ đầu hàng.
Hắn có vẻ không hay không biết gì cả.
Hắn như con bù nhìn vô cảm!
Bình Định,15.01.2022
Vũ Hùng
<hutazox@gmail.com>
DOANH NHÂN MÊ THƠ HƠN CẢ KINH DOANH - Đăng Bình
DOANH NHÂN MÊ THƠ HƠN CẢ KINH DOANH
Ông Phạm Bá Nhơn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm ở Bà Rịa là một doanh nhân thành đạt nhưng anh luôn tự ví mình như một kẻ ngoại đạo đam mê làm thơ. Thơ anh luôn dào dạt cảm xúc về cội nguồn.
Doanh nhân - nhà thơ Phạm Bá Nhơn
Sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, Phạm Bá Nhơn đã có một thời thơ ấu hết sức gian nan vất vả. Anh vật lộn với cuộc sống để học hành và trưởng thành sau lũy tre ở một vùng đất nghèo khó, khắc nghiệt nhưng đầy ắp tình người và để rồi từ giã quê nhà vào đất Phương Nam lập nghiệp. Anh đã lam lũ và cuối cùng đã trở thành một nhà doanh nghiệp có tiếng ở Bà Rịa Vũng Tàu.
Khởi nghiệp của anh từ năm những năm đầu thập kỷ 80 và Công ty TNHH xây dựng Đồng Tâm ra đời từ dạo khó khăn ấy, những thành quả là sự thành công trải dài từ những công trình xây dựng có quy mô nhỏ đến những công trình trọng điểm lớn trên mảnh đất Bà Rịa – Vũng Tàu mà anh đã đến để tìm kế sinh nhai.
Mặc dù công việc doanh nghiệp bận rộn, nhưng anh Phạm Bá Nhơn vẫn dành thời gian cho thơ ca, anh đã cho ra đời tập thơ “Khung trời mây trắng” với trên 100 bài. Tập thơ đã được đông đảo anh chị em trong giới đón nhận, đặc biệt là giới nhạc sĩ.
Đã có gần 100 bài thơ của anh được các nhạc sĩ có tên tuổi như Nguyễn Tất Tùng, Bảo Phúc, Giao Tiên, Vũ Hoàng, Nguyễn Phú Yên, Châu Kỳ, Kiều Tấn, Thiên Toàn, Vĩnh Trí, Võ Công Diên… phổ thành ca khúc, được đài truyền hình và nhiều ca sĩ sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bước vào con đường thơ ca như một cuộc dạo chơi với chính mình, khi công việc kinh doanh đã phần nào thành đạt, dù vậy Phạm Bá Nhơn vẫn nghiêm túc như một người làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Anh tâm niệm thơ chính là cuộc sống mà anh đã trải nghiệm trên hành trình sống và trên bước đường lập nghiệp.
Thơ anh chân chất mộc mạc giản dị vô cùng, thường là những hoài niệm về một thời đã qua. Đọc tập thơ KHUNG TRỜI MÂY TRẮNG, có thể nhận ra thơ của Phạm Bá Nhơn không cầu kỳ, uốn éo câu chữ mà tinh túy, đơn sơ mà hồn hậu như con người anh.
"Tôi muốn vòng quanh những luỹ
tre
Đong đưa nhịp võng giữa trưa hè
Lắng nghe tha thiết lời ru mẹ
Ngọt giọng ca dao mấy điệu vè"
(Tôi muốn)
Thật đáng quý biết bao, thật trân trọng biết bao khi đang có những ngày vinh quang mà anh vẫn còn tha thiết với củ sắn, củ khoai để nuôi nấng con người khôn lớn, chẳng khác nào sự nâng niu, lời tạ ơn quá khứ, tạ ơn quê hương và đó chính là nhân cách làm người. Nhưng không phải chỉ có củ sắn, củ khoai mà còn nhiều điều khác nữa... đã trở thành hơi thở, thành máu thịt của anh và của cả chúng tôi:
“Là đường qua rú qua truông
Là trái sim, trái móc
Ngọt lịm tuổi thơ mấy khúc ca dao
Là mặt nước lung linh con cá móng
giữa rào
Là những trưa hè não nùng tiếng Cuốc!"
(Nhớ về Hải Lăng)
Phạm Bá Nhơn và đạo diễn Lê Cung Bắc là hai người con đồng hương Quảng Trị thành đạt ở phương Nam
Năm 2011, Phạm Bá Nhơn cho ra đời tiếp tập thơ thứ hai mang tên NGUỒN CỘI. Phạm Bá Nhơn viết về nguồn cội chưa hẳn đơn thuần muốn khơi dậy một tiềm thức, mà chính trong tâm những nỗi niềm đã thúc đẩy “tác giả” thổ lộ những cảm xúc hơn là giải bày những nỗi lòng. Trong bài thơ “Hẹn Về Quảng Trị” có những câu:
“Quảng Trị ơi quê hương và nguồn cội
Mới vừa xa mà lòng nhớ khôn vơi
Làm sao quên những chiều nơi xóm nhỏ
Ngày ra đi xao xuyến mãi trong đời”...
Hoặc:
"Quảng Trị ơi hỡi ai từng đi
biệt
Mới hay lòng da diết nổi hoài mong
Trong tim tôi quê hương ngán ước vọng
Hẹn một mai con nước sẻ xuôi dòng"...
Là một doanh nhân thành đạt nặng nợ với quê hương, Phạm Bá Nhơn tâm sự: “Tôi đang vịn vào thơ ca để đứng dậy trong một hành trình tha phương, mưu sinh nơi xa xứ. Ai cũng có một tâm hồn và ai cũng có gì đó để yêu thương nhung nhớ, để dõi trông, để khắc khỏai bồn chồn. Tôi có một quê hương, một vùng quê nghèo khó, đó là Quảng Trị. Mảnh đất có thể nói là khắc khổ nhất nước. Hơn thế nữa, mãnh đất ấy lại mang đầy thương tích khi đi qua cuộc chiến tàn khốc của những năm tháng vẫn còn chưa xa. Tôi yêu thương mãnh đất quê ấy đến nghẹn lòng. Một tình yêu thương của người con dẫu biết rằng không làm sao có thể đền đáp được”.
Dòng sông Ô Lâu ở quê nhà của doanh nhân- nhà thơ Phạm Bá Nhơn
Cùng với hành trình sống, tiếng thơ cứ dội về trong tâm trí của anh. Cùng với công việc bộn bề của một doanh nhân, anh làm thơ. Thơ nâng đỡ cho tinh thần anh. Thơ tạo nên một nguồn sống tâm linh mà cuộc sống ấy ngày càng cho anh cảm nhận cái nhân bản trong đời thường.
“Chính thơ đã làm cho hiện tại và những hoài niệm đan xen nhau. Quê hương và tuổi thơ, hiện tại và công việc mưu sinh cứ quyện vào nhau trong một đời sống thường nhật. Thơ đã thổi qua tôi một âm hưởng nhân văn kỳ lạ. Tôi nghe văng vẳng yêu thương vỗ về và cả tiếng tơ lòng ngọt bùi đắng cay được mất. Và mỗi khi xong một bài thơ, tôi thừơng tự nhủ với lòng như tôi đang trả lại bớt dần những món nợ trong đời”- anh Phạm Bá Nhơn chia sẻ.
ĐĂNG BÌNH
Nguồn https://giadinhonline.vn/doanh-nhan-me-tho-hon-ca-kinh-doanh-d30615.html