Tôi đã có một vài chuyến đi về thăm lại Sùng
Nhơn, Đức Linh.
Trong mấy lần về đây, hầu như có gần đủ các
anh chị của anh, còn tôi là người thay thế cho anh trong gia đình bên nội.
Không có anh nhưng những kỉ niệm về anh, về cuộc sống đầy gian khổ trong mấy
năm trời ở vùng đất nghèo khó này cứ theo nhau hiện về. Mọi người thay nhau kể
chuyện ngày nào còn theo đội sản xuất ra đồng lao động. Công sức làm ruộng, cấy
lúa, nhặt cỏ … được tính công và cuối vụ được trả bằng vài thúng lúa. Chẳng qua
một thời để nhớ, để tưởng niệm quá khứ và tự hào vì mình còn đứng vững trong
thời kì bao cấp ấy.
Tôi không hiểu sao vào lứa tuổi thanh niên,
tôi có đủ sức khỏe và nghị lực đến như thế! Năm 1978, tôi đã cùng đoàn người
lên khai phá khu rừng Bắc Ruộng, để cho hôm nay, đây trở thành một khu đông dân
cư. Mùa hè năm sau, từ trường sư phạm Phú Long, tôi cùng anh lên xe về Bắc
Ruộng. Hồi này, xe cộ hiếm hoi, việc đi lại rất khó khăn, chờ đợi mua được vé
phải mất nhiều thời gian. Chiếc xe chạy bằng than ì à ì ạch trên chặng đường
đất đỏ lầy lội, ngồi cạnh thùng than mà thấy người nóng hầm hập, mồ hôi đổ
giọt, có nhiều lúc chúng tôi phải xuống xe, tài xế nóng lòng ngồi trên cabin rồ
máy, còn đàn ông, thanh niên phụ nhau đẩy chiếc xe qua chỗ bị sụp lầy. Đây là
núi Tà Pao, chỉ còn một quãng nữa là đến Bắc Ruộng. Bến xe là bãi đất trống,
vắng ngắt như tờ, quanh đâu đó chỉ một vài ngôi nhà tôn mái lá kè lụp sụp.
Chúng tôi mang xắc lên vai, chẳng có gì ngoài vài món quà đơn sơ đem về thăm
gia đình; chuẩn bị tinh thần lội bộ, nghe chừng gần 30 cây số tính từ đây về
đến Sùng Nhơn. Vừa đi tôi vừa quan sát hai bên đường. Xung quanh vẫn còn lắm
trảng rừng, nhà cửa thưa thớt, đường lộ thật vắng vẻ, ít xe cộ và người qua
lại. Trên đường đi, thỉnh thoảng, chúng tôi gặp một số dân địa phương, tiếng
nói như người dân tộc rất khó nghe; tôi hỏi và được biết đó là người dân gốc ở
đảo Phú Quý, Phan Thiết, vào đây sinh sống. Trời chiều đã xế bóng, mồ hôi nhễ
nhại, bước chân chúng tôi vẫn bền bỉ trên con đường dài băng qua xã Nghị Đức,
Mé-Pu…Vừa đi vừa trò chuyện nên cũng quên đi sự mệt mỏi, lâu lắm mới dừng
lại, ngồi xuống ven đường xoa bóp cho đôi bàn chân bớt tê cứng. Đi mãi cho đến
khi trời vừa sập tối chúng tôi mới về đến nhà.
Tôi đã từng nghe anh kể vào thời gian đầu mới
lên xứ này, anh vào rừng chặt tre về bán ở chợ Vỏ Su. Khi bơi qua sông La Ngà,
anh ôm mấy cây tre, dựa vào sức nước để vượt qua bên kia bờ. Số tiền bán tre,
anh đem về đong gạo nuôi gia đình. Anh còn đưa cho tôi xem mấy vết sẹo còn in
rõ ở trên trán và cánh tay, vì một hôm bị tai nạn, do không có kinh
nghiệm khi đi rừng. Mùa hè năm sau, anh và người chị cả làm đơn đi học sư phạm,
gọi là để thoát ly, để thay đổi cuộc đời, thoát khỏi cảnh khổ. Thời gian đầu và
mãi về sau này, anh hay bị chứng đau nửa đầu, cũng có thể cơn bệnh ngặt nghèo
đã ngấm vào người? Cuộc đời anh thật ngắn ngủi, chưa đủ để làm hết những dự
định đang còn dang dở…Anh để lại cho tôi tiếp nối trên con đường anh đã chọn.
Sùng Nhơn là miền quê mới của người dân Quảng
Trị. Đây là một vùng quê nghèo, nằm cuối cùng của tỉnh Bình Thuận và gần giáp
với tỉnh Lâm Đồng. Phía tây là những dãy núi cao xa tít chân trời. Dân ở đây có
thể đi tắt theo con đường từ Sùng Nhơn ra đến Định Quán, Phương Lâm, rồi từ đó
lên Bảo Lộc, Lâm Đồng. Người ta bảo “Đất lành chim đậu”, điều đó cũng đúng, vì
những năm 1977, 1978 là năm thiếu đói, con người phải biết dựa vào đất để mà
sống; cảm ơn trời đất đã cho con người có cái để ăn qua những năm tháng cơ cực
sau chiến tranh. Dân tứ xứ về đây định cư theo chính sách di dân, khẩn hoang –
kinh tế mới. Giờ đây, hai bên đường, thay thế những trảng rừng là xóm làng, nhà
cửa khá khang trang, xa kia là những đồng lúa xanh rì xen kẻ nhiều nương bắp
trái vụ. Vì đây là một vùng đất trũng nằm gần núi nên đầu mùa hè thường xảy ra
những trận mưa dông kèm theo một vài cơn sét đánh chết người. Nhà nước đã cho
xây những cột thu lôi nằm chơ vơ giữa đồng ruộng. Ngày trước, học sinh đi học
trường cấp 3 ở Vỏ Su, hôm nay ngay tại xã Mé-Pu đã có một trường Trung học phổ
thông, làm cho các em đỡ vất vả, khỏi phải đi học xa nhà. Đường sá đã được làm
mới, tuy nhiên vẫn còn những đoạn đường còn quá hẹp, gồ ghề lắm ổ voi, ổ gà.
Quanh năm, có một số người dân sống bằng nghề
câu cá trên đồng hoặc cất vó ven sông. Một dịp về ngang Vỏ Su, chúng tôi ghé
vào một quán ven đường để thưởng thức món cháo cá lóc. Mùa mưa, nước lủ tràn về
trên sông La Ngà, nước tràn lênh láng vào các ruộng đồng. Dòng sông ở đây hẹp
và sâu, nhìn thấy dòng nước đỏ lừ lừ chảy ùng ục cứ tưởng tượng bao nhiêu nước
trên rừng theo nhau tuôn về xuôi. Có khi tôi nghe người ta kháo nhau đâu đó
trên sông La Ngà có cá sấu, không biết thực hư như thế nào. Từ Sùng Nhơn đi qua
Vỏ Su có khi người ta phải đi đò rất là nguy hiểm, nhất là vào mùa nước dữ,
dòng nước xoáy hung tợn có thể làm cho chiếc đò lật úp, chìm nghỉm.
Đầu mùa hè năm 2009, tôi đi công tác ở Nam
Chính, Vỏ Su. Tôi có ý định buổi tối hôm đó về thăm anh họ tôi ở Sùng Nhơn.
Chúng tôi không đi về đường Bắc Ruộng mà đi theo đường Lạc Tánh - Huy Khiêm- Vỏ
Su. Ghé Lạc Tánh, ngồi nghỉ ở một quán nước bên đường, thật ngạc nhiên khi nhìn
thấy những chú chuột đồng nghe nói là béo ngậy đang được chưng bày như món đặc
sản, món ruột của dân nhậu. Tôi đợi đứa cháu chồng(nhà ngay thị trấn Lạc Tánh
này), gặp nhau tại quán, cùng uống nước chuyện trò. Mới đầu mùa mưa mà dân ở
đây trồng bắp đã thu hoạch, từng thúng bắp chín bày bán dọc đường. Tôi hỏi đứa
cháu về món chuột đồng kia. Cháu tôi cười cười trả lời: “Ai biết đó là chuột
đồng hay chuột nhà, làm sao mà phân biệt được?”.
Tôi không biết Huy Khiêm ở đoạn nào
trên chặng đường mà tôi đã đi qua? Tôi đã quên mất, không nhớ rõ nơi mà ngày
trước vào năm 1976, 1977 sau giải phóng , ba tôi đã gần hai năm sống tại trại
cải tạo Huy Khiêm này. Một vài lần tôi tìm lên thăm nuôi ba tôi. Được phép của
cán bộ trại giam, tôi vào thăm ba. Ông vẫn nụ cười hiền lành, hỏi thăm về gia
đình, nhận quà thăm của nhà mà rưng rưng nước mắt. Tôi hỏi ba làm những công
việc gì, có nặng nhọc lắm không? Ba tôi kể rằng ông được giao cho việc bốc hạt
đậu phụng, thứ nông sản do chính tay các anh em lao động, làm ra. Giờ đây ông
còn được giao việc chăn giữ mấy con bò của trại. Ông hay dắt chúng ra gần hàng
rào cho ăn cỏ. Có khi vài người dân cảm thương khi nhìn thấy liền dúi vào tay
ông ít tiền. Ông không biết dùng để làm gì, để dành lại khi tôi lên thăm ông
gởi về cho mẹ tôi. Khi vào rừng, có vài buồng chuối sắp chín, ông tìm cách bẻ
xuống, đem dú vào bụi cây đến khi chín hẳn đem về cho anh em ăn dần. Ngày mồng
bốn Tết năm 1976, tôi lên thăm ba tôi. Có sự trùng hợp ngẩu nhiên hay linh tính
báo điều không lành, mà ba tôi đưa cho tôi gói đồ gởi về nhà, trong đó có một
chiếc khăn trắng, tôi vô tư lấy khăn cột lên tóc mình. Ai ngờ đó cũng là ngày
ông nội tôi ở Huế sắp từ giã cõi đời khi bên cạnh không có người con trai
trưởng, mà người con ấy chính là ba tôi, đang còn ở trong trại. Tôi cứ suy nghĩ
mãi về điều này, con người chắc chắn có một mối linh cảm, ràng buột với nhau,
nhất là những người thân thích ruột thịt. Ba tôi khi biết tin ông nội mất chắc
đau khổ, dằn vặt vô cùng! Rồi cuối cùng ba tôi cũng rời trại, trở về với gia
đình, tuy nhiên sức khỏe của ông về sau không được tốt lắm.Trại Huy Khiêm đã
gắn với bao kỉ niệm vui buồn của những người như ba tôi đã từng một thời làm
việc cho chế độ cũ, còn sau này qua bao nhiêu năm tháng cố gắng phấn đấu cải
tạo để trở về đời thường, sống hòa nhập với xã hội; nhưng giờ thì đa số những
người ấy đã già nua hay có thể không còn sống trên cõi đời này nữa.
Như ý định, tôi ghé về Sùng Nhơn. Ngang
ngã ba, tôi đã nhác thấy anh tôi đứng chờ. Tôi chia tay người bạn ở đó, hẹn
sáng hôm sau gặp nhau tại chợ để về Vỏ Su. Người bạn tôi cũng tiện dịp về thăm
nhà em trai ở Đa Kai, cách chừng vài cây số. Đa Kai là vùng đất mới khai
hoang sau này, là nơi đang khai thác nguồn tài nguyên nước khoáng. Tôi ở lại
một đêm với gia đình người anh họ, con cậu tôi. Khoảng ba giờ sáng, khi trời
còn tối đen như mực, anh tôi đã đi ra bờ sông. Ngày nào cũng như thế, anh ra
sông gỡ số cá mắc lưới mà chiều hôm trước anh giăng câu. Hôm nay, anh bắt và
bán cá được mười mấy nghìn, còn mớ ốc bươu anh lượm ở ruộng được lưng giỏ, đem
về băm nhỏ làm thức ăn nuôi bầy vịt. Anh còn than vãn năm nay nạn chuột đồng
phá làm mất mùa lúa lấy đâu ra tiền lo cho con ăn học. Chăn nuôi, trồng trọt,
làm ruộng, bắt cá đã biến anh trở thành một nông dân thực sự.Thấy người anh gầy
gò, đen đủi vì dầm mưa dải nắng, tôi rất mủi lòng. Anh là con trai cả của cậu
tôi; gia đình cậu tôi ngày trước ở Quảng Trị thuộc vào hạng công chức, có một
cơ ngơi tương đối khá. Chiến tranh đã cướp mất tất cả. Giờ đây hầu hết các con
của cậu tôi đều lam lũ, sống bằng các nghề lao động là chính.
Người dân về đây lập nghiệp về sau có sự phân
hóa rõ giàu nghèo. Người làm ruộng, người làm thợ ở lò gạch, người làm nghề bốc
hạt sen, hạt điều thuê, kẻ buôn bán, người giàu cho vay lấy lãi… dần dà tạo nên
những tầng lớp trong cái xã hội thu nhỏ ở vùng quê ấy. Có một số gia đình có ý
chí muốn vượt lên cái nghèo khó bằng cách bươn trãi cho con học đại học, cao
đẳng, làm công nhân các nhà máy, có số em trở thành thầy giáo ngay tại địa
phương. Tôi hỏi chị họ tôi bốc hạt sen một ngày được bao nhiêu tiền công? Chị
tôi bảo chỉ hai, ba chục nghìn là mừng rồi, đủ để sống tiện tặn qua ngày. Vậy
thì khi bệnh lấy đâu ra tiền chữa bệnh? Ơn trời, mong cho khỏe mạnh. Chị tôi
cười.
Đất đai xứ này màu mỡ, người ta trồng một năm
mấy vụ lúa. Hầu như nhà nào cũng có vài trụ tiêu trồng trong khu vườn. Dây tiêu
xanh um leo lên trụ bằng thân cây gỗ, dần dà gỗ rừng khan hiếm họ thay thế bằng
mấy trụ gạch. Khí hậu có vẻ khắc nghiệt hơn, ban ngày trời nóng như đổ lửa, về
đêm lại rất lạnh, không có những cơn gió mát mẻ, dễ chịu như mấy vùng ven
biển. Người dân Quảng Trị mình không chịu an phận, một số lại đi tìm vùng đất
hứa: đó là Xuân Sơn, Ngãi Giao, Bình Giã…của tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu; là Trị An,
nơi phát triển nhà máy thủy điện của tỉnh Đồng Nai, ngày xưa còn lừng lẫy chiến
khu D; đi đâu cũng thấy dân xứ mình lưu lạc đến ở và tìm mọi cách để sinh sống.
Phải nói rằng gia đình cậu tôi rời chốn này về Xuân sơn làm ăn thì cuộc sống có
phần tốt đẹp hơn là ở Sùng Nhơn. Còn lại chỉ hai người con của cậu; tôi thật ái
ngại khi nhìn thấy cuộc sống của các anh chị: vì tôi có cảm giác như đây là tận
cùng của sự khốn khổ!
*Khi kết thúc bài viết này là vào đầu mùa hè
tháng 6 năm 2010-vợ chồng người con trai cả của anh họ tôi, cả hai đều là giáo
viên trường trung học cơ sở, hiện đang dạy ngay tại quê nhà Sùng Nhơn. Chiều
này, sau một chuyến đi thăm bà nội ở Xuân Sơn, ghé về thăm tôi. Anh tôi có cả
thảy 7 người con (dân số hèn gì tăng vọt là phải!), trong đó còn có một con gái
đang học đại học xã hội-nhân văn, khoa báo chí, hy vọng sau này cậu cháu xin
cho về làm tại Phan Thiết; một con gái sau hai năm bền chí mới học xong bổ túc,
có bằng trung cấp, đang xin làm việc ở khu công nghiệp Biên Hòa; một con gái
khác cũng làm công nhân tại đó; một con gái đã có gia đình, ở gần nhà, ngoài ra
còn có hai đứa con đang học trung học phổ thông. Anh tôi vẫn có niềm tự hào khi
nói với tôi về truyền thống hiếu học của gia đình, khiến bà con hàng xóm cũng
phải nể phục. Âu cũng là một phần kết có hậu phải không? Tôi tin chắc là như
thế!
ĐTH