Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, March 26, 2013

Châu Thạch đọc "VẪN CÒN Ở ĐÂY", thơ Vĩnh Thuyên




VẪN CÒN Ở ĐÂY

Vàm Cỏ Đông hết trong lại đục
Tựa như đời mình vẩn đục từ trong
Ai xui giòng sông bên bồi bên lở
Ai lỡ đò chiều bến đợi đò không

Trời tháng hạ ngày dài đêm ngắn
Con sóng lăn tăn bỏ dòng im lặng
Tóc chảy bềnh bồng sao đêm thức trắng
Rẽ nhánh qua đồng tóc- lúa trổ bông

Biết bao mùa vẫn ở cạnh giòng sông
Con nước lớn nước ròng rượt đuổi
Vàm Cỏ Đông được bao nhiêu tuổi ?
Em bây giờ quên tuổi mất tên

Vĩnh Thuyên



Lời bình:  Châu Thạch

Hơn nửa thế kỷ qua đã có rất nhiều tác phẩm Thơ-Nhạc viết về dòng sông và không ít tác phẩm đã đi vào lòng người. Đọc VẪN CÒN Ở ĐÂY,  thơ Vĩnh Thuyên,  như mang nặng một lời thề chung thủy cả một đời người và dòng sông Vàm Cỏ Đông quê hương anh.

    Vế một của bài thơ:

    Vàm cỏ Đông hết trong lại đục
    Tựa như đời mình vẩn đục lại trong
    Ai xui dòng sông bên bồi bên lở
    Ai lỡ đò chiều bến đợi đò không

Bốn câu thơ, một sự so sánh. So sánh đời người với dòng sông. Đời người thì nhỏ bé và ngắn ngủi so với dòng sông, nên đời người có ít tác động đến dòng sông mà ngược lại dòng sông thì ảnh hưởng đến hàng vạn đời người. Đem đời người so sánh với dòng sông là một phương pháp tá khách hình chủ để cho tầm quan trọng của đời người lên cao và dòng sông thì không nhỏ lại nhưng được nhân cách hóa thành đời người với những suy tư trăn trở.

 Tác giả dùng câu “Vàm cỏ Đông hết trong lại đục” để so sánh với đời người “vẩn đục từ trong” có nghĩa là tác giả dùng dòng sông để nói đến những thăng trầm của đời người mà cũng để nói đến những góc cạnh của cuộc sống con người trên dòng đời. Trong thể hiện cho sự tốt, đục thể hiện cho sự xấu. Trong và đục cùng có trên một dòng sông cũng giống như con người cùng có hai hình thức sống, hai tư duy, hai cảm nghĩ trong cùng một lúc hay thay đổi với thời gian. Hiện tượng của dòng sông ở đây mặc khải cho hiện tượng sống vật chất và tinh thần của con người và ngược lại hiện tượng sống vật chất và tinh thần của con người được phổ thành thơ bàng bạc trong dòng sông khiến cho cái nhỏ bé của người mang hình ảnh cao rộng của vạn vật và cái cao rộng của vạn vật lại có tư duy như của con người.

  Ở hai câu kế tiếp của vế một, nghịch lý xảy ra trong sự so sánh:

- “Ai xui dòng sông bên bồi nên lở”: Một qui luật của tự nhiên (bồi là được, lở là mất - qui luật Có & Không của tạo hóa)

- “Ai lỡ đò chiều bến đợi đò không”: Lỡ đò chiều bến đợi đò không là mất hết.

Tại sao đem cái được, cái mất của dòng sông để so với cái mất hết của đời người? Vì sao? Tôi đã suy nghĩ rất lâu câu này và tôi nghiệm ra tác giả tinh tế nhắn nhủ rằng: khi dòng sông bị lở hay bồi thì sông vẫn là muôn thuở. Đời người nhỡ một lần rồi sẽ không có lần hai, tựa như bến đò cũng đâu còn nữa, nên con người phải “lỡ đò chiều bến đợi đò không”.

Qua khổ thứ hai của bài thơ, tác giả hoàn toàn tả dòng sông, nhưng dòng sông giống như một thiếu nữ đẹp, như người mẹ hiền ôm ấp đồng bằng Nam Bộ để những lọn tóc bồng bềnh trôi về những miền đất phì nhiêu đầy lúa trổ bông.

  Miền đông nam bộ (Tây Ninh) thường mỗi năm chỉ có 2 mùa : mùa mưa và mùa nắng. Bắt đầu tháng hạ (tháng 4-5-6) ngày dài hơn đêm và mùa mưa cũng thường bắt đầu vào mùa nầy:

 “Trời tháng hạ ngày dài đêm ngắn”

Những khúc sông bồi-lở qua nhiều năm thường rẽ nhánh thành rạch mang nước vào nuôi sống cánh đồng. Để nói sự êm ả dịu hiền của dòng sông thầm lặng đem nguồn vui đến cho đời tác giả đã viết

 “Con sóng lăn tăn bỏ dòng yên lặng”
 “Tóc chảy bồng bềnh sao đêm thức trắng”.

Tại sao không phải là SAO HÔM thức trắng? Vì đầu hôm là Sao Hôm đến sáng là Sao Mai (Sao có ngủ bao giờ?) nhưng đêm thì vạn vật đều nghỉ ngơi. Sao và Đêm thức trắng bằng nhằm đề cao sự khó nhọc cực lực của sông và người để đạt được thành quả.

 “Rẽ nhánh ra đồng tóc - lúa trổ bông”.

Lúa thì trổ bông và tóc người cũng đổi màu. Với khổ thơ thứ hai nầy Vàm Cỏ Đông vừa là dòng sông,vừa là mẹ hiền, là ân nhân đã mang linh hồn nhỏ bé nhưng tinh vi của con người và cả linh hồn của đồng bằng trăng sao miền đông nam bộ. Thật dễ thương đượm chút ngậm ngùi.

Bốn câu thơ cuối của bài thơ này giống như vế kết của Đường thi, gói trọn tư tưởng của mình trong kết luận của bài thơ :

  Biết bao mùa vẫn ở cạnh giòng sông
  Con nước lớn nước ròng rượt đuổi
  Vàm Cỏ Đông được bao nhiêu tuổi?
  Em bây giờ quên tuổi mất tên.

Không biết tuổi của dòng sông là đúng nhưng tên tuổi của mình cũng quên luôn là điều nghịch lý. Đầu đề bài thơ “Vẫn còn ở đây” là một khẳng định sự hiện diện của mình nhưng cuối bài thơ có phải là sự phủ nhận chính mình không? Không, vì thật ra tên dòng sông đã hiện diện luôn bên cuộc đời tác giả, tuổi dòng sông đã gói trọn tuổi tác giả trong lòng, và chính dòng sông mênh mông rộng lớn kia thể hiện cái linh hồn nhỏ nhoi của tác giả, cho nên chính tác giả đã nhập mình vào dòng sông và nhận dòng sông cũng chính là mình. Chính xác, không phải tác giả khiêm nhường trước dòng sông, cũng không phải tác giả muốn hóa mình thành cao rộng, nhưng đứng trước cái cao rộng nầy mấy ai còn nhớ đến mình.

Đọc thơ Vĩnh Thuyên như nhìn một bức tranh nhỏ nhưng bức tranh lại vẽ một dòng sông đẹp, như nghe một bài nhạc ngắn, điệu nhạc nói về thân phận kiếp người. Tranh và nhạc trong thơ Vĩnh Thuyên là nỗi suy tư mà tôi tưởng tượng như nếp nhăn vẫn hằn luôn trên trán của anh vậy

Anh Vĩnh Thuyên thân mến! Sẽ có một ngày tôi về Tây Ninh cùng nhau đi tìm TUỔI cho dòng sông Vàm Cỏ Đông anh nhé.

 Châu Thạch
READ MORE - Châu Thạch đọc "VẪN CÒN Ở ĐÂY", thơ Vĩnh Thuyên

CHÙM THƠ XƯỚNG HỌA - Thy Lệ Trang và các thi hữu



BÀI XƯỚNG:

TÌNH RIÊNG

Mình em góp nhặt mảnh tình riêng
Ngày tháng chưa vơi những muộn phiền
Sáu khắc mơ màng... sầu chất ngất...
Năm canh tỉnh giấc... lụy triền miên
Thề xưa trọn kiếp... toàn gian dối
Nguyện cũ ngàn đời ... chỉ đảo điên
Đã biết lòng người là thế đó
Sao còn ray rứt mãi chưa yên!

                  THY LỆ TRANG



BÀI HỌA:

TÌNH RIÊNG

Một đời ôm ấp nỗi buồn riêng
Khoắc khoải ngày qua dạ luống phiền
Ký ức xưa kia còn thổn thức
Niềm đau thuở ấy mãi liên miên
Tưởng đâu chung thủy người yêu dấu
Khổ nổi tình si kẻ dại điên
Số phận an bày đành lận đận
Từ nay quên hết đặng bình yên

                  THANH TRƯƠNG



ƯU PHIỀN

Cuộc sống tình duyên lắm chuyện riêng
Niềm vui lẫn lộn những ưu phiền
Ngày đêm thổn thức mơ màng suốt
Sáng tối trở trăn ước mộng miên*
Lắm lúc quên đi - lòng thoải mái
Nhiều khi nhớ lại - dạ như điên
Thôi đành chấp nhận đời là thế
Số phận an bày để được yên

                        HOÀNG TỪ
*Ước mong, mộng mị triền miên


HÃY QUÊN ĐI

"Góp nhặt" làm chi để giữ riêng
"Chưa vơi" chuyện cũ chỉ mua phiền
"Mơ màng" tiếc nuối thêm sầu thảm
"Tỉnh giấc" thương gì để lụy miên?
"Trọn kiếp" ghi sâu còn mắc dại
"Ngàn đời" nhớ mãi có mà điên
"Lòng người" bội bạc thường như vậy
"Ray rứt" đeo hoài, chẳng tịnh yên

                     LƯƠNG THẾ HÙNG


AN ỦI

Khuyên ai vướng phải mối sầu riêng
Chớ có suy tư-não dạ phiền
Trúc úa tìm mai-thay thế tiếp
Lan phai kiếm cúc-đổi liên miên
Thương hoài tình cũ-là thương dại
Nhớ mãi nghĩa xưa -ấy nhớ điên
Bão tố qua rồi trời lại sáng
Cuộc đời lập lại-sống bình yên

                            ĐỘC HÀNH


CÕI MUỘN PHIỀN

Sầu muộn đong đầy một cõi riêng
Người đi để lại nỗi ưu phiền
Sớm mai,chim hót- mơ câu nói
Đêm tối, trăng soi- nhớ giấc miên
Nát bút đề thơ, lời gượng gạo
Mềm môi nốc rượu ,trí cuồng điên
Nhủ lòng bỏ hết đừng suy nghĩ
Mà vẫn loay hoay dạ chẳng yên

                              SÔNG THU



NỖI LÒNG

Canh cánh bên lòng nỗi nhớ riêng
Nhân sinh thế tục lắm ưu phiền
Duyên xưa nhắc mãi -buồn dai dẳng
Nợ cũ khơi hoài- khổ lụy miên
Thuở ấy than thân không tỉnh táo
Giờ đây trách phận ́quá rồ điên
Em ơi! Quẳng gánh lo vui sống
Thanh thản tâm hồn thế mới yên.

                                 NHƯ THU



NIỀM RIÊNG

Trăng khuya lẻ bóng gợi niềm riêng
Lắng đọng tâm can với nỗi phiền
Sầu buổi chia uyên còn mãi mãi
Hận ngày rẽ thúy vẫn liên miên
Buồn cho thế sự nhiều gian trá
Thương bởi tình đời lắm loạn điên
Cố sống hồn nhiên quên chuyện cũ
Sao lòng khoắc khoải ,chẳng bình yên.

                           TRẦN VĂN HẠNG



GÁC SỰ ĐỜI

Gác thượng thiền tâm một cõi riêng
Chẳng màng thế sự lắm ưu phiền
Chiều về xếp tính đừng suy tưởng
Tối đến buông toan hết mộng miên
Chụp giật cho nhiều gây nghiệp chướng
Bon chen càng lắm chuốc khùng điên
Mặc ai chìm đắm vòng danh lợi
Bỏ quách đua đòi sẽ tịnh yên

                VÕ LÀNG TRÂM


RIÊNG CHUNG

Có cái chung rồi hé nét riêng
Đời vui nhộn đó đến buồn phiền
Chưa đầy khao khát ôm triền mộng
Chả đủ mong cầu trải lạc miên
Nào muốn từ thân tình xáo xát
Không mong tự thể ý cuồng điên
Kéo rèm thôi thế nhân thành bướm
Trang tử cùng ta lặng cõi yên

                           VÕ SĨ QÚY
READ MORE - CHÙM THƠ XƯỚNG HỌA - Thy Lệ Trang và các thi hữu

Lê Hoàng - CỐ NHÂN



                            Thả bước ngày Xuân đến viếng chùa
                                Ngạc nhiên quen quá dáng em xưa
                                Non cao một dãy bao kỷ niệm
                                Mắt biếc long lanh lắm kẻ ưa
                                Sóng vổ trong lòng ôi luyến nhớ
                                Cổng chùa chờ đợi bước chân thưa
                                Chiếc trâm cài đó tình lưu mãi
                                Mấy kiếp chờ nhau ... một chuyến đò.

                                                                      Lê Hoàng
lehoang775@gmail.com
                                                  (Alameda một chiều Xuân)

READ MORE - Lê Hoàng - CỐ NHÂN

NHẬP CUỘC RONG CHƠI - Chùm thơ Thương Yến Tử



NHẬP CUỘC RONG CHƠI

ta tưởng men đời không chếnh choáng
nhấp vài ngụm
đã thấy ngùi say
đường quê tỉnh giấc 
ôi xa quá
gió động
mành trăng
bóng lắc lay

lắc lay 
ta nhập cuộc rong chơi
chẳng biết nhà đâu
mấy tuổi đời
mãi miết mài gươm
toan chẻ sóng
giật mình
ngoài cửa
áng 
       mây 
                trôi
                            


THÚ CHĂN TRÂU

Đất trời riêng một cõi mênh mông
Ta vẫn là ta thú mục đồng
Một nhánh roi gầy dong bốn hướng
Mấy vòng nón rách gạn sương đông
Sông đời còn bận  triều lên xuống
Mắt cỏ nào vương chuyện có không
Trong nắng đọng lời chim hót khẽ
Đường quê gió mát bước thong dong

                             Thương Yến Tử
READ MORE - NHẬP CUỘC RONG CHƠI - Chùm thơ Thương Yến Tử

NHỚ GẠC MA - Thơ xướng họa của Vân Trinh và Quỳnh Hoa

Ảnh từ báo Việt Nam Net

Bài xướng:

TƯỞNG NHỚ NHỮNG ANH LINH GẠC MA NGÀY ẤY !
Để tưởng nhớ  64 anh hùng, liệt sỹ Hải quân đã hy sinh ngày 14/3 /1988 trong trận hải chiến Gạc Ma

Không thể nào quên được Gạc Ma
Ngày nào máu Việt nhuộm Trường Sa!
Một bầy xâm lược trơ nanh vuốt
Bao tấm kiên trung giữ nước nhà
Cả  trái tim xuân  cũng xuất trận
Trọn con đường trẻ cố xông pha
 Anh linh muôn thuở soi nòi giống
Tưởng nhớ càng thêm vững bước ta. 

                               VÂN TRINH 


NHỚ GẠC MA
(Họa loạn vận)

Mỗi tháng ba về nhớ Gạc Ma
Còn đây tiếng thét  nhói  tim ta
Vì quân ngang ngược bày mưu độc
Nên biển hiền hòa nhuộm máu pha
Uất hận trào theo cơn sóng bổ
Đau thương đè nén lệ lòng sa
Cúi đầu tưởng niệm gương oanh liệt
Sống mãi tên anh đẹp sử nhà.

Trần Thị Quỳnh Hoa
READ MORE - NHỚ GẠC MA - Thơ xướng họa của Vân Trinh và Quỳnh Hoa

Chùm thơ và ảnh của LÊ NHẬT ÁNH




Nhà thơ - nhà nhiếp ảnh Lê Nhật Ánh, hội viên Hội VH-NT tỉnh BR-VT, quê Duy Xuyên, Quảng Nam, sống tại Châu Đức, BR-VT.

Tác phẩm đã xuất bản:
"Thu qua ngõ" (NXBThanh Niên- 2003).
“NGÀY CỦA ANH”- Lê Nhật Ánh, NXB Hội Nhà Văn, 2013
 VNQT giới thiệu với bạn  đọc  Chùm thơ Quảng Trị và  Chùm ảnh về người và cảnh Bên bờ Ô Lâu của anh.


LÊ NHẬT ÁNH.
Chùm thơ Quảng Trị


VĂN QUỸ(*)

Ô Lâu
Dùng dằng con nước
Bãi bờ
Ôm bóng tre xưa
Người đi
Quên mùa trong đục
Ta về
Ngồi đợi nắng mưa.

(*) Làng VĂN QUỸ, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.


HOÀI HƯƠNG

Ăn chi con cá lù đù
Mà thương quê cũ tù mù chiêm bao
Đèo heo cát bỏng gió Lào
Oằn vai mẹ gánh mấy hào nước non...


VẢ

Thương cá rò làm mắm
Rau vả gọi người thương
Nửa đời nghe muối mặn
Ngồi nhớ bạn rưng rưng...


THÀNH CỔ

Súng đạn thử chơi
Mùa hè lửa đỏ
Chết như kiến cỏ
Nào thấy giặc đâu?

LÊ NHẬT ÁNH

Chùm ảnh Bên bờ Ô Lâu



  










































READ MORE - Chùm thơ và ảnh của LÊ NHẬT ÁNH