Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, December 20, 2012

CHUYỆN NGƯỜI LÁI XE CHO VUA BẢO ĐẠI ĐI LÍNH CỤ HỒ - Nguyễn Hồng Trân


Cụ Nguyễn Như Đào và ba tôi đều là cựu chiến binh bộ đội cụ Hồ. Hai người trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đều phục vụ trong cung đình nhà Nguyễn ở Huế. Cụ Đào thì lái xe cho vua Bảo Đại, còn ba tôi là Nguyễn Chương là cai lính Khố vàng lo việc canh gác tại Đại Nội cùng với ông Đội trưởng Nguyễn Viết Lương, ông Phạm Thảng, ông Lê Quang Xung…      
Ba tôi và cụ Đào rất quen thân nhau từ hồi ấy. Mỗi lần đến thăm cụ Đào, cụ rất vui và chuyện trò với tôi thân tình, cởi mở.
Vào dịp Tết năm Tân Mão (2011), tôi đến thăm cụ, mừng thọ cụ lên tuổi 96. Cụ tươi cười phấn khởi lắm. Cụ nói:
“Cám ơn anh Trân đã luôn nhớ đến tôi và hay sang thăm tôi”.
Tôi cười vui nói với cụ:
“Bạn thời xưa của ba cháu ở Huế chỉ còn lại cụ đây thôi. Mỗi lần đến thăm cụ là cháu cứ nhớ đến hình ảnh của ba cháu. Cháu rất tiếc là ba cháu thì mất sớm quá, lúc mới 34 tuổi (năm Đinh Hợi -1947), còn cụ được trở về Huế sau ngày hòa bình thống nhất đất nước mà sống đến bây giờ là quá quý rồi. Cháu kính chúc cụ sống lâu thêm nữa với con cháu để nhìn thấy đất nước đổi thay, con cháu trưởng thành…”.
Sau khi tôi và cụ Đào đàm đạo nhiều chuyện ngày xưa về đất nước và con người xứ Huế; về gia đình vua Bảo Đại và những người quen thân đã phục vụ cho triều đình Nhà Nguyễn, tôi cũng tò mò muốn hỏi cụ nhiều chuyện:

-Hồi ấy, cơ hội nào mà cụ lại được chọn vào lái xe cho vua Bảo Đại?

-Tôi có may mắn là đã có người cha làm quan trong Đại Nội là Nguyễn Như Xán (Ngũ đẳng thị vệ điện Cần Thành và điện Cần Chánh thời vua Khải Định) và ông nội tôi là Nguyễn Như Bình trước đây làm quan tại Khâm Thiên giám và được phong là Hồng lâu tự khanh. Do đó năm 1936, tôi được chọn vào lái xe cho nhà vua. Hồi ấy tôi tròn 20 tuổi.Tôi sinh năm Bính Thìn (1916).


-Lái xe cho nhà vua hồi đó chỉ có mình cụ hay nhiều người khác nữa?

-Không riêng chỉ có tôi mà còn một đội lái xe có một số người khác nữa, nhưng tôi lái cho vua Bảo Đại và bà Nam Phương hoàng hậu là chủ yếu. Tôi phục vụ lái xe cho nhà vua từ năm 1936 đến  cuối năm 1945. Sau khi vua Bảo Đại được cụ Hồ mời ra Hà Nội làm Cố vấn cho Chính phủ lâm thời. Lúc đó anh Lâm Thanh Đàn lái xe đưa ông Bảo Đại ra Hà Nội, còn tôi ở lại Huế vẫn còn lái xe phục vụ cho gia đình bà Nam Phương tại Cung An Định.
  Cụ Đào kể tiếp rằng:
“Hồi đó vua Bảo Đại có một số xe con toàn loại sang  trọng như: Nash, Ford, Packard, Cadillac...
Nhà vua rất thích săn bắn nên thường hay đi lên Đà Lạt, Buôn Ma Thuộc. Mỗi lần đi vua chỉ mang theo vài cận vệ. Vua không thích ngủ lại dọc đường nên thường bảo tôi lái xe chạy một mạch từ Huế lên Đà Lạt.
Đến nơi, người ta tổ chức đưa vua cỡi voi vào rừng săn bắn. Thường thường vào buổi chiều vua đá bóng với đám thị vệ và lính quan ở địa phương rất sôi nổi, vui vẻ, bình đẳng…”.


-Trong cuộc đời lái xe cho nhà vua của cụ có những sự kiện gì còn nhớ mãi không?

-Có nhiều chuyện lắm nhưng xin nêu ra vài chuyện thôi. Đó là chuyện tôi đưa ôtô sang Pháp và lái xe cho vua Bảo Đại trong thời gian chữa bệnh tại Paris vào năm1939; Chuyện tôi lái xe cho vua Bảo Đại trong dịp lễ vua thoái vị; Lái xe cho bà Nam Phương đi đóng góp quỹ ủng hộ cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà  trong “Tuần lễ vàng” tại Huế.
Cụ Đào kể tiếp:
“Năm 1939, khi nhà vua đi săn ở Buôn Ma Thuộc, cũng vì ham mê đá bóng nên có lần bị gãy chân. Sự việc xẩy ra quá bất ngờ, tôi lái xe chở ngài về nhà thương Sài Gòn băng bó tạm, sau đó vua và hoàng hậu Nam Phương đi máy bay sang Pháp để chữa trị, còn tôi về Huế lo liệu việc đưa xe ôtô riêng của ngài xuống tàu sang Pháp bằng đường thuỷ để phục vụ nhà vua. Ngài thích như vậy chứ không cần thuê xe tại Pháp. Thế cũng là chuyện ngược đời ‘Chở gỗ về rừng’!.
Nước Pháp lúc bấy giờ đang trong hoàn cảnh thế chiến thứ II nổ ra, nên tôi và nhà vua chỉ ở được mấy tháng rồi về nước”.


Cụ Đào kể sang chuyện thứ hai:
“Chuyện tôi lái xe cho vua Bảo Đại trong dịp lễ vua thoái vị. Đó là vào buổi chiều ngày 30/8/1945, tôi chở vua Bảo Đại trên chiếc xe Nash đến Ngọ Môn để dự lễ thoái vị của nhà vua tại lầu Ngũ Phụng. Hôm đó vua Bảo Đại mặc triều phục đại lễ gồm: chiếc áo hoàng bào màu vàng, đội khăn đóng màu vàng, đi giày cườm màu vàng. Khoảng chừng hơn 30 phút thì lễ tuyên bố thoái vị của nhà vua và làm thủ tục trao ấn kiếm cho ông Trần Huy Liệu -Trưởng đoàn Đại diện Chính phủ lâm thời từ Hà Nội vào tiếp nhận. Sau khi tan lễ, ông Vĩnh Thụy vui vẻ, vẫy tay chào tạm biệt quốc dân đồng bào rồi lặng lẽ rút lui và xuống dưới phía sau lễ đài, cỡi hết trang phục nhà vua ra bỏ lại, lấy chiếc huy hiệu cờ đỏ sao vàng do đoàn Đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tặng cài lên ngực áo vét, đến ngồi vào xe và tôi lái về điện Kiến Trung để nghỉ ngơi. Sau đó chuyển về cung An Định với gia đình. Về sau, có thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Vĩnh Thụy ra làm Cố vấn cho Chính phủ cách mạng, còn gia quyến vẫn còn ở lại tại cung An Định.  Tôi vẫn tiếp tục lái xe cho gia đình cố vấn Vĩnh Thụy thêm một thời gian nữa”.


Chuyện thứ ba là chuyện cụ Đào lái xe cho bà Nam Phương đi đóng góp quỹ ủng hộ cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà  trong “Tuần lễ vàng” tại Huế.
 Cụ ấy kể rằng:
“Vào một buổi sáng mùa thu ấm áp, tôi đến cung An Định đón bà Nam Phương đi ủng hộ “Tuần lễ vàng”. Hôm đó (17-9-1945), bà mặc áo dài và trang điểm rất đẹp, bà đeo các đồ trang sức vào người gồm vòng kiềng vàng, dây chuyền vàng, xuyến vàng, nhẫn vàng và hoa tai vàng. Tôi đưa bà ấy đến chỗ tổ chức lễ quyên góp tại vườn hoa Tứ Tượng (bên bờ sông Hương, gần cầu Trường Tiền). Bà xuống xe, thong thả đến bàn lạc quyên. Ban tổ chức vui vẻ, trân trọng đón bà và mời bà ngồi vào ghế. Mọi người đều nhìn bà một cách thán phục. Bắt đầu vào buổi lễ, Ban Tổ chức tuyên bố lý do “ Tuần Lễ Vàng” và mời bà lên bàn đầu tiên làm thủ tục ủng hộ. Bà vui vẻ nhìn mọi người xung quanh rồi đưa tay gỡ vòng kiềng vàng, xuyến vàng, dây chuyền vàng, hoa tai vàng… bỏ vào thùng lạc quyên. Ban tổ chức cám ơn bà, bà cười vui và chào ra về.
Động thái cử chỉ tinh tế của bà Nam Phương cứ gỡ từng vật quý đang trang điểm cá nhân của mình để ủng hộ cho Chính phủ đang lúc thiếu thốn công quỹ. Điều đó làm cho tôi và đồng bào, cán bộ có mặt hôm đó rất cảm kích tinh thần yêu nước của bà đã hưởng ứng tích cực, thành tâm đối với cuộc vận động này”.


-Cụ được tiếp xúc gần gũi nhiều với vua Bảo Đại và bà Nam Phương, cụ thấy ông bà đó thế nào? Có dễ chịu, hay khó chịu?

-Phải nói rằng cả hai ông bà này rất hiền lành, dễ chịu lắm. Vua Bảo đại là người đàng hoàng, phóng khoáng tự nhiên, không kiêu ngạo, quan cách, hống hách như một số quan lại khác trong triều. Theo tôi thấy ông Bảo đại là người không tham danh vọng quyền hành chính trị mà chỉ quan tâm đến thể thao văn hoá là chính.Có lẽ vua Bảo Đại cũng tự thấy mình là vị vua dưới quyền điều khiển của quan thầy Pháp. Còn bà Nam Phương là một người đàn bà thông minh, lịch lãm và nhạy cảm trong đối nhân xử thế rất tinh tế, khéo léo đối với mọi việc trong gia tộc, bà con, đồng bào, đất nước…”

-Hồi đó cụ nghĩ thế nào mà không ở lại Huế làm ăn sinh sống mà thoát ly đi kháng chiến?

-Kể ra rồi đó tôi ở lại Huế theo nghề lái xe làm ăn sinh sống cũng tốt, bọn giặc và tay sai cũng chẳng để ý ám hại gì tôi cả mà trái lại nó phải nể tôi. Vì tôi là người lái xe trước đây cho nhà vua mà! Nhưng lúc đó tôi nghĩ rằng Bác Hồ đã kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống giặc mà mình là đàn ông khoẻ mạnh lại ở nhà cầu an thì hèn lắm! Hơn nữa các vị quan to nhà Nguyễn cũng không ngại gian khổ một lòng yêu nước nghe theo Bác Hồ đi kháng chiến cứu quốc như các ông: Thái Văn Toản, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại,v.v… làm cho tôi rất cảm kích họ và kiên quyết ra đi kháng chiến. Cho hợp với câu tục ngữ dân gian thường nói: ‘làm trai cho đáng nên trai!’.
Thế là năm 1947, tôi bắt đầu rời Huế đi kháng chiến. Ba người em của  tôi là: Nguyễn Như Kỵ, Nguyễn Như Hùng, Nguyễn Như Quảng cũng lên đường theo cách mạng”.
Có tài liệu đã ghi công lao của cụ Đào như sau: “Đi kháng chiến, với kinh nghiệm của người đã từng lái xe nhiều năm cho vua Bảo Đại, cụ Đào trở thành tay thợ bậc cao về xe cộ quân dụng. Chính đồng chí Đào là người đã tập hợp đưa toàn bộ máy móc thiết bị ở Trường Kỹ nghệ Huế ra Hà Tĩnh -an toàn khu của ta, chuẩn bị vũ khí, phương tiện cho chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 1948, anh lính Nguyễn Như Đào được triệu tập ra miền Bắc chuẩn bị thành lập cục vận tải, trở thành người đào tạo lái xe cho các chiến sĩ cánh mạng trong trường lái xe của quân đội.
Cụ Đào cho biết thêm, cuối năm 1950, chính cụ trong những người dẫn đầu qua biên giới Trung Quốc nhận các loại xe và vũ khí, quân dụng mà Liên Xô và Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam đem về chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ và phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lăng của dân tộc.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, cụ tiếp tục tham gia đào tạo lái xe cho chiến trường, nhiều lần lái xe chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1960, cụ Đào chuyển ngành sang làm ở Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương cho đến năm 1973 thì về hưu. ”(theo tạp chí VĂN HÓA HUẾ  số 11/2010 Xuân Canh Dần -bài của TB)
Sau ngày hoà bình thống nhất đất nước 1975, cụ Đào trở về quê hương tại Huế sinh sống cùng gia đình con cháu tại khu tập thể Xã Tắc.  Tuy cụ đã cao tuổi (96), nhưng cụ vẫn còn minh mẫn, chuyện trò tỉnh táo. Thỉnh thoảng cụ gặp các lớp con cháu chắt, cụ thường nhắc lại những chuyện ngày xưa của một thời trai trẻ đầy kỷ niệm vui buồn của một anh lính cụ Hồ trên quê hương đất nước để thấy càng vinh dự, tự hào mà sống có ích cho xã hội.


Nguyễn Hồng Trân
Cựu GV Đại học Huế
nghongtran38@gmail.com
Phước Vĩnh, Huế
READ MORE - CHUYỆN NGƯỜI LÁI XE CHO VUA BẢO ĐẠI ĐI LÍNH CỤ HỒ - Nguyễn Hồng Trân

Nguyễn Tường - CHÍ PHÈO DIỄN CA (4)



TIẾP THEO KỲ TRƯỚC:

CHÍ PHÈO DIỄN CA (1)

CHÍ PHÈO DIỄN CA (2)

CHÍ PHÈO DIỄN CA (3)

4

  Binh Phục chết tưởng rằng đã hết
thì năm nay nảy ra Chí Phèo,
một thằng hiền như cục đất, nghèo-
tội nghiệp hắn, lần lý Kiến thấy
hắn bóp đùi cho bà ba ấy,
vừa bóp lại vừa run run tay!
Bỗng vùng dậy nói lời không hay,
toàn giọng uống máu không tanh tưởi.
Thì già néo đứt dây cũng bởi.
Cụ tiên chỉ Vũ Đại nói rằng:
đè nén con em đến bỏ làng
làm như vậy ấy là làm dại.
Mười thằng đi chín thằng quay lại
với cái vẻ ương ngạnh, hung đồ
mà chúng học được ở đâu đâu.
Người khôn chỉ bóp chừng phân nửa.
Ngầm đẩy xuống sông sắp tắt thở
lại kéo lên, chúng sẽ mang ơn.
Đập bàn ghế đòi đủ 5 đồng,
nhưng đủ rồi cho lại cho 5 cắc
“vì thương anh ”! Nhưng đứa máu mặt:
những đứa giàu, vợ đẹp, con đàn,
là những thằng cứ bóp dễ dàng;
trái lại đứa vô thân tứ cố
giết được chúng không phải chuyện khó,
nhưng giết xong, chỉ còn bộ xương;
mà gây với chúng chỉ thêm vương
tạo dịp phe nghịch quay chống báng.
Làng nào cũng gây bè, kết đảng
tạo cánh chia phe quanh một người:
cánh cụ bá Kiến, đội Tảo, rồi
cánh ông Bát Tùng, ông Tư Đạm...
Ngần ấy cánh, ngần kia phe đảng
du lại với nhau bóc lột dân,
nhưng bọn chúng chia rẽ ngấm ngầm,
nhè mà trị nhau những chỗ hở.
Cụ lại nhận ra điều này nữa:
ở cái đất quê, bọn dân lành
è cổ nuôi bọn nắm quyền hành,
nhưng bọn nầy lại phải ngậm miệng
cung cấp cho những thằng liều lĩnh,
bọn lúc nào cũng dám cầm dao
đâm mình hay bất kể người nào.
   Nhưng cụ, người không ưa than thở.
Than thở có ích lợi gì chứ?
Bởi dân đinh bị đè suốt đời,
vì chỉ biết ngồi than thở thôi
ngoài ra không biết làm gì nữa..
Cụ bá Kiến không cần than thở:
thấy trị không lợi thì cụ dùng.
Cụ nghĩ trong bụng rằng nhìn chung
phải có những thằng đầu bò chứ?
Không có những thằng đầu bò thử,
lấy ai để trị đám đầu bò?
Thế lực cụ sở dĩ mạnh do
cụ là người biết mềm biết cứng,
thằng bạt mạng cụ biết thu dụng,
thứ không sợ chết, hoặc tù đày.
Những thằng ấy lại được việc thay.
Khi cần, cho dăm hào uống rượu,
có thể sai nó xách mã tấu
hại bất cứ ai không nghe mình.
Gặp phải người bướng bỉnh tính tình,
nó lừa đốt nhà hay chém chết;
gặp phải người mặt mày non choẹt,
thì nó quăng chai rượu lậu vào,
hay gây sự rồi lăn ra gào.
Phải cần có chúng nó sinh chuyện,
thì mình mới có dịp kiếm miếng,
nếu không thì giữa đám dân lành,
khéo lắm chỉ bóp nặn loanh quanh
cũng chỉ có ba đồng tiền thuế.
Thuế một năm một lần, có thế,
nếu chỉ trông vào mỗi khoản nầy
thì bán cha cũng không đủ xoay
chỗ ba, bốn ngàn chạy chiếc triện.
   Vì thế, đêm ở nhà bá Kiến,
khi về, Chí Phèo rất hả hê!
Bá Kiến đã không vu vạ gì
còn giết gà cho ăn, rượu uống,
xong lại cho đồng bạc tiền thưởng
để về mua thuốc uống khỏe người.
Đồng bạc như thế quá nhiều rồi.
Hắn vừa đi vừa cười hơn hớn;
chỉ cần ba xu là quá lớn.
Hắn học mót khi còn ở tù
mấy bài thuốc giấu: nắm lá khô,
chỉ vậy là mặt đâu vào đấy.
Còn đồng bạc lại uống rượu vậy...
   Hắn uống được đâu có ba hôm,
hôm thứ tư mắt hắn trợn tròn,
bảo con mẹ hàng rượu thật sẳng:
- Hôm nay ông không có tiền sẵn;
nhà mày bán chịu ông một chai.
Tối ông mang tiền đến trả ngay.
   Mụ bán hàng rượu hơi ngần ngại.
Thế là hắn rút diêm bật cháy,
châm lên mái nhà lửa đỏ lòm.
Mụ hoảng hốt kêu la om sòm
vội dập ngọn lửa vừa mới cháy.
Rồi khóc khóc, mếu mếu tiến lại
mụ đưa chai rượu. Hắn đằng đằng,
chĩa vào mặt mụ mà bảo rằng:
- Cái giống nhà mày không ưa nhẹ!
Ông mua chứ không xin đâu nhé!
Mày tưởng rằng ông quỵt phải không?
Mày thử hỏi cả làng xem ông
có quỵt của đứa nào không hả?
Ông không thiếu! Tiền gửi cụ bá,
chiều ông đi lấy trả cho mày.
   Mụ vừa quẹt nước mũi chảy dài,
vừa bảo, “Chúng cháu không chắc lép,
nhưng quả là vốn liếng eo hẹp."
  Hắn quát, “Ít vốn thì tối nay,
Nhà mày bộ bây giờ chết ngay?"
   Rồi hắn xách chai rượu quay bước.
Hắn về cái miếu con bờ nước,
vì vốn từ trước nay không nhà.
Lúc đi đường, hắn đã ghé qua
vặn của ai đó bốn quả chuối
và bốc cô hàng xén nhúm muối.
Giờ hắn uống rượu với chuối xanh
chấm chút muối và thấy ngon lành.
Hắn uống trượu với gì cũng được.
   Uống xong, ngật ngà ngật ngưỡng bước,
hắn đến thẳng nhà bá Kiến liền.
Gặp ai cũng bảo: đi đòi tiền!
Mới trông thấy hắn đến đầu ngõ,
bá Kiến biết kiếm chuyện rồi đó.
Cái mắt thì cứ đỏ ngầu lên,
hai chân thì lảo đảo, liêng nghiêng,
cái môi bầm lại run bần bật.
Cũng may, hắn không mang chai thật,
bá Kiến dõng dạc, “Đi đâu đây?”
Hắn chào to, “Bẩm cụ việc nầy...
Con đến cửa cụ kêu một việc.”
   Giọng hắn lè nhè như mỏi mệt.
Nhưng bộ điệu lại như hiền lành;
hắn gãi đầu gãi tai loanh quanh:
- Bẩm cụ, từ cái ngày cụ nhớ,
ngày cụ bắt con đi tù ở,
con lại đâm ra thích đi tù,
con nói dối đất diệt trời tru,
bẩm có thế, đi tù quá sướng.
Đi tù có cái ăn, cái uống,
giờ về làng thước đất cũng không,
chả làm gì nên ăn mà trông.
Bẩm cụ, con lại đến kêu cụ,
cụ cho con đi tù lần nữa...
    Cụ bá quát, cũng như mọi lần,
bắt đầu phải quát thử tinh thần. 
- Anh nầy lại say khướt rồi nhỉ!
    Hắn xông lại, giơ tay lên chỉ,
đảo ngược mắt, “Bẩm cụ không say.
Con đến xin cụ cho tù ngay
mà nếu không được thì...thưa cụ... 
   Hắn lục khắp mọi túi tìm đủ,
móc một cái gì đó, đưa ra:
một con dao nhỏ, bén, sáng lòa.
Hắn nghiến hàm răng và nói tiếp:
- Bẩm cụ, nếu không, con đâm chết
dăm ba thằng, rồi cụ bắt con...
   Rồi hắn cúi xuống cái bàn tròn
tần ngần gọt cái bàn lim quý.
Cụ bá cười giòn, mắt nhắm hí.
Cụ vẫn thường tự phụ hơn đời
giống Tào Tháo ở chỗ cái cười.
Cụ đứng lên vỗ vai bảo hắn:
- Anh Chí ạ, anh còn bứa lắm.
Nhưng anh muốn đâm người khó gì.
Đội Tảo nợ năm mươi đồng kìa,
anh chịu khó đến đòi cho tôi,
đòi được tự nhiên có vườn thôi.
   Đội Tảo trong làng, có vai vế.
Ông ta mạnh vây cánh quyền thế,
kình với nhà cụ bá đã lâu
mà cụ bá phải chịu do đâu,
hắn là cựu binh, lương hưu lớn,
quen biết nhiều, có tài lý luận.
   Hắn vay cụ bá năm mươi đồng,
cũng đã lâu nhưng nay khi không
trở mặt vỗ tuột, vin vào cớ
số tiền ấy lý Cường còn nợ
tính vào món chưa tạ tiền chè
lý Cường làm lý trưởng êm re.
Cụ bá tức như bị chọc tiết,
nhưng làm thế nào hắn, chưa biết,
bởi binh Chức là đứa tay chân,
khả dĩ đương đầu được họa hoằn,
nhưng binh Chức đã chết năm trước.
Bây giờ gặp Chí Phèo cũng được,
có thể thay binh Chức việc này.
Cụ thử nói khích xem biết ngay.
Nếu trị được đội Tảo thì tốt.
Nếu nó bị đội Tảo trị ngược
thì cụ cũng chẳng phải thiệt gì,
cụ không lợi này cũng lợi kia.


(Còn tiếp)

NGUYỄN TƯỜNG

New York
tuong_lan88@yahoo.com
READ MORE - Nguyễn Tường - CHÍ PHÈO DIỄN CA (4)

TẬN THẾ - truyện ngắn Lưu Quang Minh




Và ngày ấy cuối cùng đã đến. Chị thấy trời đất ngả nghiêng chao đảo, trên mặt đường lồi lõm những vết nứt từ đâu càng lúc càng toác ra, lan rộng. Anh ở ngay bên kia đường. Chị định thần, ráng nhấc chân chạy đến bên anh. Đột nhiên một cái hố vừa to vừa sâu hoắm xuất hiện ngăn giữa hai người, chỉ cách mũi chân chị vài mi-li-mét. Từ đầu này chị cố gọi vọng sang.
“Anh ơi! Em đây! Chồng ơi…”
Anh dường như không mảy may nghe thấy. Chị cố nhìn kỹ hơn. Anh đang nói chuyện điện thoại với ai đó, cười nói rất vui vẻ. Trời ơi, giờ này mà còn…
Đất trời vặn mình thêm lần nữa. Chị ngã nhào theo cơn rung lắc dữ dội của vạn vật.

* * *
            Ánh nắng chói chang rọi thẳng vào mặt làm chị bừng tỉnh giấc. Chị nhận ra sự êm ái từ cái giường đang nằm, chung quanh nhá nhem khung cảnh quen thuộc. Nhà mình đây mà. Chị đảo mắt một lượt. Căn nhà sao mà lạnh lẽo…. Bỗng nhớ ra. Anh đâu? Chị hoảng hồn, vội vã cất tiếng gọi:
            “Anh ơi! Chồng ơi!”
            Đáp lại chỉ một sự im lìm. Toàn thân bải hoải, chị ngồi dậy một cách khó khăn.
            “Chồng ơi… anh có sao không…”
            Đứng dậy, nhanh tay bám vào thành giường, chị men theo vách tường bước đi một cách khó khăn.
            Ra đến phòng khách, ti vi còn đang mở. Chị mừng rỡ.
            “Anh! Sao không trả lời em?”
            Chẳng có ai ở ngoài này cả. Ti-vi đang phát nhưng ở chế độ câm. Lập lòe trên màn hình nhiều cảnh tượng hệt như những gì chị đã trải qua, đổ nát và hoang tàn. Phim hay là thật đây? Chị rùng mình.
* * *
            Anh đứng đó, gọi tên chị đến khi cổ họng hoàn toàn khô khốc. Một tòa cao ốc nữa lại vừa đổ sụp ngay trên đầu. Thoát chết chỉ trong gang tấc, anh lao đi thật nhanh, tiếp tục tìm kiếm trong điên cuồng.
            “Em ơi! Vợ ơi…. Trả lời anh đi em!”
            Trong cảnh hỗn loạn này, đứng giữa sự sống và cái chết, tim anh đập mạnh từng hồi nhanh đến nỗi muốn nhảy tung khỏi lồng ngực. Nước mắt không gọi mà ứa ra, nhòe hoen mọi cảnh tượng kinh khủng chung quanh.
            Từ nơi xa xăm nào đó của ký ức, loáng thoáng cảnh chị và anh ngồi xem ti-vi bên nhau dần hiển hiện.
            “Anh yêu… Nếu ngày mai là tận thế, hôm nay anh sẽ làm gì?”
            Anh trầm ngâm trông vào màn hình ti vi to xộ trước mặt, tự cuốn mình vào khoảng không gian hun hút. Năm tháng trôi qua, hình như trong tim anh đã mất dần sự tươi mới của lãng mạng. Hình như bàn tay của thời gian rất dễ dàng làm người ta dửng dưng, thờ ơ, xóa nhòa ký ức và quên đi nhiều điều. Cuộc sống dưới một ngôi nhà của hai con người sao cứ êm đềm tới độ lặng lẽ chán chường đến thế. Đi vào rồi lại đi ra. Câu nói của ngày còn yêu nhau ngọt ngào khi chưa thành vợ thành chồng le lói định thốt ra nơi cửa miệng đành vội vã tắt ngóm.
            Đó là một bộ phim nói về ngày tận thế.
            Nhưng anh không nhớ anh đã trả lời chị như thế nào. Anh lục tung trí óc vẫn không sao nhớ nổi. Hai người ngồi xem phim, anh chỉ đột ngột nhớ chị đã từng hỏi anh như thế, từ một vùng thời gian nào đó rất xa.
            Phim chưa kết thúc, chị đã uể oải đứng lên, vào phòng. Chị có thói quen ngủ sớm, trước anh rất nhiều. Còn lại mình anh, trong rất nhiều đêm khuya, dõi theo những hình ảnh nhợt nhòe, cho đến khi thiếp đi rũ rượi trên ghế xô-pha.
            Với anh, những đêm khuya vắng xao xác lòng đó không khác gì tận thế.
            “Ầm!”
            Tiếng nổ long trời lở đất đập chan chát vào tai. Từ ti-vi, sự thực, hay là cơn ác mộng của mỗi anh thôi?
            “Em ơi! Em đâu rồi! Vợ yêu của anh ơi…”
* * *
            Dù không chứng kiến tận mắt, chị vẫn tin anh đã ngoại tình. Phải rồi, thật vậy rồi…
Ngày còn săn đón cho đến khi chính thức nhận lời yêu là biết bao nhiêu lời mật ngọt anh rót vào tai chị. Anh bảo chị là tất cả đối với anh. Không có chị anh làm sao sống nổi?
            “Thế lỡ ngày mai đã là tận thế, hôm nay anh sẽ làm gì?”
            Chị chuyên môn làm khó anh, đặc biệt thích nhất hỏi câu này. Nếu tận thế thật thì sao, anh nhỉ, chúng mình sẽ ra sao?
            Lẽ nào anh giờ đã dành trọn câu trả lời cho một ai khác, trẻ trung xinh đẹp hơn chị gấp nhiều lần.
            Cơn ghen chỉ ngấm ngầm như thế thôi. Chị không còn nói chuyện với anh nữa, từ khi nào chẳng rõ. Vì sao vậy, chị hết yêu anh rồi? Anh hết yêu chị rồi?
            Thật ra là cả hai…?
            Động đất. Một cái hố vừa to vừa sâu hoắm xuất hiện ngăn giữa hai người, chỉ cách mũi chân chị vài mi-li-mét. Từ đầu bên này chị cố hết sức gào vọng sang:
            “Anh ơi! Em ở đây! Chồng ơi…”
            Cái hố ngày một rộng ra, phút chốc đã kéo phăng hai bóng hình ra xa nhau tít tắp. Từ đầu bên này nhìn người bên kia chỉ còn một chấm đen nhỏ xíu xiu.
            Hết rồi. Không thể cứu vãn được nữa. Chấm dứt rồi.
            Tận thế của chúng ta.
* * *
            Sau tận thế, những gì của hiện tại đều biến thành quá khứ. Chẳng ai còn nhớ quá khứ đó có hình thù ra làm sao. Không chỉ một, nhân loại đã từng nhiều lần quên mất nó. Họ cứ ngơ ngơ ngác ngác, chứng kiến sự kỳ vĩ từ những kim tự tháp của người Ai Cập cổ đại lại qua đến người Maya. Làm sao tổ tiên ta xây dựng được những kiến trúc này, công nghệ ở đâu, kỹ thuật ở đâu?
            Ngay cả chuyện loài người từng đặt chân lên mặt trăng, sao Hỏa, sao Kim họ cũng quên béng rồi.
            Chị thì quên mất anh. Anh không còn nhớ chị. Anh chị quên mình từng có với nhau một điều vô giá.
            Lảo đảo, anh bước đi trong hoang mạc. Chẳng một bóng cây, nhà cửa, những tiến bộ thời công nghệ cao. Nước, ai cho tôi nước…. Làm ơn, cho tôi xin…
            Chị không thấy mặt trời ở đâu nữa. Nơi này quang cảnh toàn một màu tối tăm lạnh lẽo. Những núi băng trập trùng phủ tuyết quanh năm. Cơn rét căm chiếm trọn lấy bộ phận không rõ tên đập đều đặn trong lồng ngực trái của mỗi sinh vật còn tồn tại.
            Vì sao phải gắn bó với nhau? Sự hòa hợp trong tâm hồn, cảm xúc là của nhau… tất cả những thứ đó là thế nào? Người thời này không hiểu được tổ tiên họ muốn diễn đạt chuyện gì nữa. Điều quái quỷ chi đang xảy đến với những con người không có thực chỉ tồn tại trong cái gọi là “văn học”, “thi ca” vừa được khai quật kia?
            Đó là một trong vô số bí ẩn còn chờ khoa học giải đáp.
            Năm 2288, người ta tìm được cách du hành vượt thời gian, mở hé nhiều khả năng những bí mật sẽ được làm sáng tỏ.
            Họ tìm về vùng thời gian được cho rằng trước khi tận thế xảy ra. Vì lý do an toàn, tất cả nhà du hành thời gian đều được trang bị những máy “quên” để người thời đại này nếu bắt gặp sẽ không thể nhớ họ là ai. Hai con người trong một ngôi nhà được chọn lựa ngẫu nhiên để tiến hành thí nghiệm.
            Trên ti-vi là cảnh tượng hoang tàn đổ nát. Anh và chị đang chăm chú từng thước phim. Kinh khủng quá. Không kìm được, chị quay sang hỏi anh:
            “Anh yêu… Nếu ngày mai là tận thế, hôm nay anh sẽ làm gì?”
            Anh cười trìu mến nắm lấy bàn tay mềm mại của chị:
            “Nếu ngày ấy xảy ra thật thì anh sẽ…”
            Đột nhiên, đầu óc anh hoàn toàn trống rỗng. Anh buông tay chị ra, thật nhanh.
            Phim chưa kết thúc, chị đã uể oải đứng lên, vào phòng. Chị có thói quen ngủ sớm, trước anh rất nhiều. Còn lại mình anh, trong rất nhiều đêm khuya, dõi theo những hình ảnh nhợt nhòe, cho đến khi thiếp đi rũ rượi trên ghế xô-pha.
            Chị không còn nói chuyện với anh nữa, từ khi nào chẳng rõ.
            Thí nghiệm đã thành công hay thất bại? Nhà du hành thời gian đứng ngơ ngác. Hình như chỉ phút trước gã đã bấm nhầm vào công tắc “quên”. Một khi đã bấm nút thì không thể phục hồi. Gã thở dài ngao ngán, bước vào trong cỗ máy, quay trở về thời đại của mình.
            Rốt cuộc vẫn không thể biết, sau tận thế, nhân loại chúng ta đã quên mất cái gì.
            Và bí ẩn mãi mãi là bí ẩn. 


Lưu Quang Minh 
Đc: 63/14/4 Lê Văn Sỹ, F13, Q. Phú Nhuận, TP HCM.
 Đt: 0908018518 – 0822110885
Mail: lqmproduction@gmail.com



READ MORE - TẬN THẾ - truyện ngắn Lưu Quang Minh

Phạm Ngọc Thái - NHỚ EM ĐÊM NOEL




Trái tim anh mưa tạnh, sóng lặng rồi
Dẫu nhớ nhung lòng chỉ hơi man mác
Em ngủ bên chồng chắc cũng đã yên bề ngon giấc?
Tình chúng mình chấm hết, thế là xong.

Những đêm yêu thành cổ tích, phải không em?
Ôi, cái thời không chiếu không màn bên trăng gió
Đời thiếu nữ em trôi hoá câu vọng cổ
Anh cũng chỉ ru anh trong bóng nhạt khuya về.

Nhớ ngày nào anh vẫn đón em đi
Tối phố, trời sao... tình yêu tuổi trẻ!
Ta trút cho nhau cả trời lẫn bể
Năm tháng qua tất cả ngỡ chiêm bao...

Đêm Noel đó em! Trai gái vẫn rủ nhau
Chỉ có hai ta hai trời cách biệt.

                                 Phạm Ngọc Thái
READ MORE - Phạm Ngọc Thái - NHỚ EM ĐÊM NOEL

HỒN NHIÊN - Chùm thơ Vũ Miên Thảo




HỒN NHIÊN

Khi về ...thương tuổi hoa niên
Yêu mưa không tuổi
Quý miền ấu thơ
Lỡ mai
đời có hững hờ
Ta hồn nhiên với câu thơ
tặng người! 




KHÔNG ĐỀ

chân đơn giữa ngõ quê người
vàng thu
mưa xám nụ cười
cố nhân
về đâu đôi mắt bâng khuâng
nghiêng bay tóc gió ngại ngần giọt thu
bếp nhà ai chạm sương mù
khói - mây huyễn mộng
ta vu vơ buồn!
hiên người khép nép hoàng hôn
đêm len lén chạm cội nguồn tương tư
giá như có tiếng tạ từ
đêm qua ngõ vắng còn dư âm tình!
VŨ MIÊN THẢO

vumienthao@gmail.com


READ MORE - HỒN NHIÊN - Chùm thơ Vũ Miên Thảo

TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH - Lê Đăng Mành




Tin đồn ngày tận thế
Lan khắp cả địa cầu
Bình tâm cứ đi,về...
Không phiền não khổ đau
  
Vạn pháp có trong nhau
Hữu sanh thì hữu diệt
Có SẮC khi đủ duyên
Về KHÔNG thì từ biệt
  
Tâm hằng luôn nguyện cầu
Tự tánh rực DI ĐÀ
Thường Quang ánh nhiệm mầu...
Dẫu đi giữa Ta Bà.
  
Triệu triệu năm phía trước
Và triệu triệu năm sau
Ta: Gió Lửa Đất Nước
Ung dung bước bên nhau
  
Vạn vật trong vũ trụ
Luôn biến đổi khôn lường
Sanh,diệt từng sát na
Khởi niệm là Vô thường

Mặt trời cần mẫn thức
Hành tinh mãi mãi xanh                     
Sân trước cành mai nở*
Cầu pháp giới an lành 

Chúng sanh đón bình minh
Muôn mùa xuân miên viễn
Tâm bình thế giới bình
Tự tại bước an nhiên.

* Đình tiên tạc dạ nhất chi mai (Thiền sư Mãn Giác)

Lê Đăng Mành
READ MORE - TÂM BÌNH THẾ GIỚI BÌNH - Lê Đăng Mành

SÓNG SÁNH - thơ Trương Nguyễn


con chim cút côi

bay qua bầu trời đầy nắng và gió

đôi cánh mỏng gầy như gọng cỏ

mang trong mình dị tật bẩm sinh


nỗi đau vô hình

tím hoàng hôn yên lặng

mong tìm cánh rừng hoang vắng

giải bày cuộc vật vã nhân sinh


con chim tách bầy

vỗ cánh hướng bình minh

bỏ lại sau lưng ngàn con đường rộng

nhẳn mòn ngôn từ sáo rỗng

son phấn trá hình che kín vết bầm đau


bỏ lại đây thảm cỏ nát nhàu

ngổn ngang chữ nghĩa

câu – tứ chưa lần cắt tỉa

mảnh ruộng hoang hổn loạn sắc màu


ngày qua mau

nhức nhối quen dần xương thịt

con tim nén dồn yêu thương chân thực

vỡ òa thấm xuống cỏ cây


con chim cút côi ngày xưa ấy

một chiều quay lại

lướt qua ruộng đồng tươi xanh hoa trái

hót với người…
                         sóng sánh những lời thơ.

TRƯƠNG NGUYỄN 
truongnguyen49@gmail.com
READ MORE - SÓNG SÁNH - thơ Trương Nguyễn