Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, October 24, 2023

QUỸ KHUYẾN HỌC CỰU HSNHQT tại SÀI GÒN 30 NĂM NHÌN LẠI - Võ Văn Cẩm


Tác giả Võ Văn Cẩm


QUỸ KHUYẾN HỌC CỰU HSNHQT tại SÀI GÒN. 

30 NĂM NHÌN LẠI (1992 - 2022)

"THAY LỜI TRI ÂN"

Võ Văn Cẫm


Quảng Trị là một tỉnh nhỏ, cách Huế khoảng 60 km về phía Bắc. Trước năm 1950 con em Quảng Trị muốn học Trung học phải vào Huế. Chỉ có con nhà giàu, con quan lớn mới có điều kiện học hành.

Năm 1952, một ngôi trường Trung học Công lập độc nhất tại tỉnh Quảng Trị được thành lập. Do một nhóm nhân sĩ, trí thức, quan lại ở tỉnh khởi xướng như: Ông Hồ Văn Hải, ông Hồ Duy Tình, Ông Nguyễn Văn Triển, ông Phan Quang Đãi, ông Nguyễn Hữu Hiệt, ông Hoàng Trọng Thuần, ông Thái tăng Liên, ông Nguyễn Văn Cổn, ông Hồ Tiềm, ông Đoàn Lỗ Bửu... nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em mình. Đó là Trường Trung Học Công lập (Đệ nhất và Đệ nhị cấp) Nguyễn Hoàng (tiền thân là trường Trung hoc Tư thục QTrị 1951).

Sau nhiều biến cố, trường di dời nhiều nơi như Hải Lăng, Non Nước, Hòa Khánh (Đà Nẵng). Ngôi trường thân yêu chỉ tồn tại chưa đầy 25 năm thì mất tên vào năm 1975.

Người đóng góp công sức, tri tuệ lớn nhất là Thầy Thái Mộng Hùng, người 18 năm làm Hiệu trưởng.

24 năm ấy trường đã đào tạo biết bao thế hệ học trò, đóng góp nhiều nguồn nhân lực hữu ich cho quê hương Quảng Trị nói riêng và Việt Nam hay Thế giới nói chung, dù họ ở bên này hay bên kia.

Năm 1975 học trò Nguyễn Hoàng như đàn chim vở tổ, đã bay khắp mọi miền đất nước, khắp năm châu, bốn bể.

Trong nhiều năm lưu lạc, những năm tháng đói nghèo, dù ở đâu, họ đã có ước nguyện gặp nhau để hàn huyên, để chia sẻ, để có dip sống lại tuổi thơ của mình, để tri ân ngôi trường mà minh đã học, để cám ơn những bậc tiền nhân gầy dựng, cám ơn thầy cô đã dạy dỗ, cám ơn vùng đất diệu kỳ, vùng đất học, vùng địa linh nhân kiệt Quảng Trị, vùng mà Chúa Tiên Nguyễn Hoàng dừng chân khởi nghiệp, mở đầu cho Chúa Nguyễn và Vương Triều Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam, thống nhất đất nước từ Ải Nam Quan đến tận Mũi Cà Mâu khi vua Gia Long lên ngôi (1802).

Mãi tới 18 năm, sau nhiều năm trăn trở, Cựu Học Sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị tại Sài Gòn (Cựu HSNHSG) mới biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Vào năm 1992, một nhóm thầy cô và cựu học sinh Nguyễn Hoàng đang sinh sống tại TP HCM và vùng phụ cận như: Anh Lê hữu Thăng, Nguyễn Bảo, cô Nguyễn Thị Thanh và nhiều CHSNH như: Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Đặng Mừng, Nguyễn Đặng Kỳ, Hồ Sỹ Kỹ, Hồ Sỹ Mừng, Ngô Bá Cương, Võ Văn Cẫm, Lê Cung Bắc, Duơng Văn Tường-Sâm. Nguyễn Thị Kim Loan, vợ chồng Lê Đình Thị Thành-Cương... đã họp mặt tại nhà cô Thanh, đường Nguyễn Thông, Quận 3. Buổi họp chuẩn bi cho lần họp mặt đầu tiên của CHSNHSG mừng xuân 1993.

Trưởng ban tổ chức là anh Lê Hữu Thăng, phó ban là anh Nguyễn Bảo, các thành viên dự họp là các uỷ viên.

Vào thời đó khó khăn đủ bề, cả về tài chánh lẫn an ninh. Ai cũng nghèo khó, phương tiện đi lại chỉ bằng xe đạp, chưa có xe bus, mấy ai có xe gắn máy?.

Người ở phương này kẽ ở phương kia, muốn trao đổi một vấn đề gì phải đến gặp nhau mới trao đổi thông tin, làm gì mà có điện thoại, Facebook, Email, Zalo, Messenger, tin nhắn như bây gìờ.

Anh Thăng, anh Bảo muốn thông báo tin tức phải đạp xe hàng chục cây số, từ nông trường An Hạ, Bình Chánh về quận Phú Nhuận, Bình Thạnh. Thông tin được truyền miệng cho nhau.

Anh em chúng tôi chẳng bao giờ nề hà khó nhọc, ai làm được gì thì làm, không so hơn tính thiệt. Chúng ta mới thấy được sức mạnh của sự ĐOÀN KẾT, THƯƠNG YÊU, CHIA SẺ. Đây chỉnh là MỤC ĐÍCH YÊU CẦU của BLL.

Buổi họp mặt Cựu HSNHSG đầu tiên, tổ chức tại nhà Bảo Tàng Quân khu 7, đường Hoàng Văn Thụ, Quận Tân Bình.

Anh Nguyễn Đặng Mừng tài trợ bia hơi, một loại thức uống cao cấp thời bấy giờ.

Được thông báo cho nhau, bằng phương tiện rỉ tai và truyền miệng, từ người này qua người kia, làm gì có thư mời hay điện thoại như bây gìờ.

Sáng hôm đó mọi người đến rất sớm, đông ngoài sức tưởng tượng của Ban Tổ chức chúng tôi, khoảng gần 150 người.

Không khí buổi họp đầy nghĩa tình đồng môn, bạn bè lâu ngày gặp nhau, người này hỏi thăm người kia, tay bắt mặt mừng. Phòng họp chật hẹp, 2 MC Hồ Sĩ Mừng và Dương Tường không làm sao điều khiển được buổi họp.

Khi Lê Cung Bắc lên chia sẻ cảm xúc thì máy tăng âm bị hư, coi như buổi họp mặt hôm ấy biến thành buổi gặp mặt.

Buổi họp mặt đầu tiên gây một ấn tượng đẹp. Ngay anh Thăng -Trưởng ban tổ chức - cũng không phát biểu hay thông báo được gì.

Buổi gặp mặt đầy yêu thương và đầm ấm, bạn bè thầy cô cứ bịn rịn, quyến luyến không muốn dứt, dù thời gian đã trưa.

Tan buổi họp mặt, Ban tổ chức họp rút ưu khuyết điểm.

Chỉ mấy tháng sau thì anh Lê Hữu Thăng được xuất cảnh, để lại một gánh nặng cho anh Bảo.

Vì tình đồng môn, anh Bảo cùng chúng tôi trải lòng gánh lấy trách nhiệm vô cùng nặng nề ấy.

Dù khó khăn muôn bề, vì tình thương yêu, chúng tôi đã tổ chức tiễn anh Thăng lên đường tại nhà Mẫu giáo Thành phố đường Trần Quốc Thảo quận 3, và kỳ vọng sự quan tâm giúp đỡ của anh trong thời gian khó khăn khi anh qua Mỹ ?.

Anh Bảo tổ chức họp bàn chương trình hoạt động cho lần họp mặt kỳ tới 1994.

Ban LL Cựu HSNHSG có mặt từ lúc ấy, gồm có:

* Trưởng Ban LL anh Nguyễn Bảo.

* Phó ban anh Nguyễn Văn.Vinh, Ngô Bá Cương,.

* Phó ban phụ trách học bỗng và tương tế anh Võ Văn Cẫm.

* Các anh HS Mừng, HS kỹ, NĐ Mừng, NĐKỳ, DV Tuờng, Lê Văn Hoàng,... là uỷ viên.

Khi Ban LL giao cho tôi trách nhiệm nặng nề ấy, tôi nhiều lần từ chối nhưng không được.

Các anh cho việc chia sẻ, giúp đỡ đồng môn là việc làm vô cùng ý nghĩa, và đó là mục đích yêu cầu, là nội dung chính của buổi họp mặt của chúng ta.

Vào thập niên 1990, hầu hết chúng ta còn nghèo, còn gánh nặng gia đình con cái. Tôi và anh Bảo nhiều lần bàn bạc, tìm nguồn quỹ giúp các cháu Sinh Viên, con Cựu HSNH đang học Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp tại Thành phố HCM, để phát vào dip họp mặt Xuân 1994 tại nhà khách Công đoàn Dầu khí ở Thanh Đa (có 05 suất, mỗi suất 500.000₫.). Chúng tôi vận động ông Trần Đàm.

Lần họp mặt ấy có bà Tôn Thất Dương Thanh và ông Hồ Tiềm tham dự.

Lúc đó nghèo lắm, chúng tôi đi gỏ cửa các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm ở trong nước như:

Ông Trần Đàm, Nguyễn Đặng Hiến, Lê Văn Hải, Nguyễn Đạo Khoẻ, Trần Lộc, đặc biệt có Cựu HSNH Trần Quang Đỗng là nhà tài trợ chủ lực trong quỹ học bổng chúng ta ngay từ những ngày đầu.

Chúng tôi còn vận động những mạnh thường quân ở nước ngoài như: Anh Hoàng Kiều, Hoàng Hữu Ly, Nguyễn Khắc Dỏ, anh chị Nguyễn Thị Sen-Trần Đình Khương trong chương trình học bỗng Fraternité Canada.

Cũng trong thời gian này anh Hoàng Kiều tài trợ "Một thế hệ Y khoa" gồm 10 sinh viên Y Khoa, 500 USD/1 SV/năm.

Chúng tôi thay anh Hoàng Kiều làm thủ tục tiếp nhận với các tiêu chuẩn:

* Gốc Quảng Trị.

* Tốt nghiệp trở về quê làm việc.

* Giúp đỡ cho thế hệ đàn em.

(Chương trình này được người nhà anh HK phát được 03 năm thì ngưng vì nhiều nguyên do khách quan).

Hiện nay thế hệ vàng này đều là cán bộ đầu ngành hay giám đốc BV.

Vào thập niên 2.000, Cựu HSNH có kinh tế khá lên, con cháu một số gia đình thành đạt, biết chắt chiu, có tấm lòng rộng mở, biết san sẻ, dù không giàu có nhưng luôn chung tay tiếp sức với chúng tôi như:

Anh chị Nguyễn Văn Xiễn, Lê Đình Ân, Thái Hòa Thuý An, Đặng Duy Định, Tường Sâm, Đức Nhàn, Lộc Lê, Hằng Ngung, N Văn Ta, anh Trần Quang Đỗng...

Còn có các anh chi ở nước ngoài như: Chị Trương Phương, Nguyễn Lịch, anh chị Nguyễn Thị Sen-Trần Đình Khương, Ngô Ngọc Hồng...

Quỹ khá lên mỗi suất trợ cấp là 1triệu/sv.

Vào thập niên 2010.

Nhiều Anh chị có tấm lòng vẫn tiếp tục giúp quỹ khuyến học và san sẻ nhiều Cựu HSNHSG có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoạn nạn.

Ngoài ra có thầy cô mỡ lòng như: gia đinh thầy Cố Hiệu Truởng Tôn Thất Dương Thanh, thầy Lê Văn Quýt, thầy Hồ Sĩ Châm, thầy Cao Xuân Yên, thầy Thanh Bá, thầy Sấm, cô Thanh, cô Tránh, cô Hồng, cô Táo, cô Tương.

30 năm qua, năm nào chúng tôi cũng tổ chức gặp mặt, lúc nơi này mai nơi kia và chưa lần nào thiếu vắng việc trợ cấp học bổng.

Những cây lành trái ngọt chúng ta ươm trồng, nay đã ra hoa kết trái, hầu hết đã thành danh: kỹ sư, bác sỹ, tiến sĩ, giám đốc, có nhiều cháu quay lại giúp quỹ như:

* Cháu Nguyễn Quang Thắng giúp cho 1SV con Cựu HSNH mồ cội cả cha lẫn mẹ, tài trợ suốt thời gian học ĐH, mỗi nặm 6 triệu.

* Cháu Phan Thi Minh Nghĩa (GĐ Cty nước ngoài)

* Cháu Trần Đoàn Ngọc Trân. (Trong luận án Tiến Sĩ Y Khoa ở Mỹ cháu có lời cảm ơn cựu HSNHSG.)

Cháu Cam Ly, ngoài tiền giúp quỹ, cháu còn tài trợ máy vi tính.

Và cũng thời điểm này BLL quyết định trợ cấp 1suất là 1.500.000₫/sv.

30 năm làm khuyến học và tương tế, Ban LL Cựu HSNHSG đã phát gần 1.800 suất trợ cấp HB cho con em Cựu HSNH và SVQT, hàng chục trường hợp khó khăn, bệnh tật. Có nhiều cháu nhận suốt thời gian Đại học, sau đại học.

Ngoài các suất trợ cấp HB đã phát trong 30 năm qua, chúng ta còn có nhiều phần quà dành cho các cháu, mỗi lần dự họp mặt CHSNH ở Hàm Tân, Đồng Nai, Bà Riạ Vũng Tàu, Quảng Trị...

Chúng tôi còn có những phần quà dành cho tài năng trẻ QTrị như cháu:

* Cháu Phạm Huy giải 3 Thế giới "Cánh tay Robot do Intel tổ chức ở Mỹ 2019".

* Cháu Phan Đăng Nhật Minh" cháu bé Google" đạt giải nhất Đường lên Đỉnh Olympia 2018.

* Gần đây, chúng tôi còn gởi quà cho 4 cháu con em QTrị dự thi giải Olympia khu vực và Quốc tế.

Số tiền vận động quỹ Học Bỗng gần 1.600.000.000₫.

Một số tiền khá lớn, công sức này do tất cả chúng ta, do nhiều đời Ban LL và những Đồng môn có tấm lòng, những nhà hảo tâm, trong và ngoài nước.

Quỹ KH do thủ quỹ giữ. Người điều hành nhận và duyệt hồ sơ với sự giám sát của Ban LL. Cấp phát vào ngày họp mặt hằng năm.

Những năm số lượng lớn. Đặc biệt nhiều năm anh chị NTSen + GS Trần Đình Khương trao tặng quỹ học bổng Fraternité lên đến 140 suất phải nhờ TS Ngô Hướng mượn Hội trường Đại học Ngân Hàng để tổ chức phát, trong đó có nhiều SV do CLB SV Quảng Trị giới thiệu.

Một điều tự hào, thế hiện lòng tự trọng và tương thân tương ái của Cựu HSNHSG, trong 30 năm qua chỉ có 1 số ít con Cựu HSNH tại SG nhận trợ cấp Học Bổng , còn lại dành hết cho các cháu con Cựu HSNH ở quê nhà hay ở tỉnh khác.

Công lao lớn nhất là anh Trần Quang Đỗng, anh Trần Đàm, anh Hoàng Kiều, HHLy, anh chị Nguyễn Thị Sen Trần Đình Khương, LĐÂn, Nhàn Đức, Hòa An, Camly. ... Là những người có tấm lòng vàng, đã sát cánh với chúng tôi trong suốt chặng đường dài và khó khăn nhất. Các anh chị còn hứa sẽ tiếp tục giúp quỹ trong chặng đường còn lại.

Trong 17 năm làm Trưởng Ban LL, anh Nguyễn Bảo (hay thầy Bảo) luôn luôn đồng hành với chúng tôi và hiện nay anh vẫn rất tâm đắc với chương trình này.

Thời còn thơ dại, chính anh Đỗng là người học trò mà anh Bảo thương yêu và giúp đỡ, nên anh Đỗng đã thể hiện lòng tri ân của mình.

Tôi xin đại diện cho Ban Liên Lạc Cựu Học Sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị tại Sài Gòn (CHSNHSG), đại diện các Đồng Môn có con em nhận HB, các cháu SV, các anh chị đuợc trợ cấp khó khăn trong suốt thời gian vừa qua. Xin gởi đến quý thầy cô, quý mạnh thường quân, quý nhà hảo tâm, quý anh chị có tấm lòng trong và ngoài nước đã chung tay, tiếp sức với chúng tôi trong 30 năm qua lời cảm ơn sâu xa và lòng tri ân vô hạn.

Các cháu nhận trợ cấp HB, nay đã thành danh, công lao to lớn ấy chắc chắn có công tiếp sức của quý vị. Xin chúc quý vị dồi dào sức khỏe, thân tâm thường an lạc, vạn sự cát tường.

Đến nay con cháu cựu HSNH vẫn còn nhiều, các cháu đang đứng ở Giảng đường ĐH, hoàn cảnh khó khăn.

Ban LL sẵn sàng dang tay giúp các cháu thế hệ thứ 3 ngoan, học giỏi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nên vẫn cần sự giúp đỡ của quý Thầy Cô, các nhà hão tâm và các đồng môn có tấm lòng.

Xin trân trọng cám ơn quý vị.

Saì gòn 15 /9/2022.

Võ Văn Cẩm



READ MORE - QUỸ KHUYẾN HỌC CỰU HSNHQT tại SÀI GÒN 30 NĂM NHÌN LẠI - Võ Văn Cẩm

Chùm ảnh HOA CÔNG VIÊN - Chu Vương Miện

 Bấm chuột vào hình để phóng to.









READ MORE - Chùm ảnh HOA CÔNG VIÊN - Chu Vương Miện

ÁI TỬ QUA CÂC THỜI KỲ LỊCH SỬ - Lê Quang Thái

 

Chùa Sắc Tứ ở phía Tây Nam thị trấn Ái Tử

Ái Tử qua các thời kỳ lịch sử

Lê Quang Thái


Địa danh Ái Tử đã được ghi vào chính sử cho đến nay đã được 577 năm, đánh dấu một cái mốc lịch sử quan trọng trong đấu tranh của người dân từ các tỉnh phía Bắc, kể từ đèo Ngang trở ra, đến đây theo từng triều đại để dựng tỉnh lập nước sau đám cưới của Huyền Trân công chúa năm Bính Ngọ (1306).

Tác giả LÊ QUANG THÁI
(1942-2020)
Nguyên quán: Cổ Thành, Thị xã Quảng Trị,
-Cử nhân Giáo khoa Việt văn (Đại học Văn khoa Huế)
-Cử nhân Giáo khoa Triết học (Đạo học Văn Khoa Huế)
-Cao học Tâm lý Giáo dục (Đại học Sư phạm Sài Gòn).


Sử chép rằng, năm Mậu Ngọ 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hoá đóng tại gò Phù Sa, xã Ái Tử thuộc huyện Đăng Xương (đời Lê là Võ Xương) tức huyện Triệu Phong ngày nay. Sau đó người bình dân bản địa quen gọi là Ái Tử bằng cái tên sâu lắng tình quê hương là KHO CÂY KHẾ (1).

Năm Giáp Tý, 1744, chúa Nguyễn Phú Khoát xưng hiệu là Võ Xương, chia xứ Đằng Trong ra làm 12 dinh, Ái Tử trở thành Cựu Dinh và Phú Xuân trở thành Chính Dinh. Địa danh Ái Tử nghiễm nhiên được nâng cấp và gắn liền với tên gọi mới là Dinh Cát, thủ phủ của một đơn vị hành chính thời phong kiến ngang hàng với Phú Xuân. Chắc rằng thời kỳ này là thời hưng dậy, đắt giá của Ái Tử. Dinh Cát mang tên mới Phủ TOÀN THẮNG khi đã dời sang địa điểm ở làng Trà Bát. Nhiều giai thoại mang tính huyền sử đã gắn liền với tên gọi mới này. Biên cương của tổ quốc dưới thời các chúa Nguyễn dần dần đến Cà Mau dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Đất cũ đãi người mới. Tình đất ở đó mà nói theo cách dân giã là Ái Tử có ngạch đất tốt: trung dũng, hiếu học, tảo tần, tu hành,...

Theo sử gia Trần Trọng Kim, năm Canh Ngọ 1570, Thuỵ Quận Công là Nguyễn phúc Nguyên con trai thứ 6 của Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng dời dinh sở về đóng ở làng Trà Bát, phía đông giáp hai làng Đâu Kinh (nay là Đâu Kênh) và Hoa La (sau đổi thành Bích La). Trà Bát được đổi thành Trà Liên vì kỵ huý, ở đây còn di tích của Phủ cũ TOÀN THẮNG uy nghi một thời gắn liền quyền uy của phủ chúa với những truyền thuyết mang tính chất sử thi. Nhờ nữ thần hoặc nhân dân giúp kế mà chúa Nguyễn đánh tan quân Trịnh. Thời kỳ này các chúa Nguyễn đã dùng chiến thuật tình báo để chống lại đối phương vốn không được lòng dân.

Ngày nay, con cháu của các vị tổ khai canh của các họ Trịnh, họ Bùi vẫn sinh sống, con cháu sây cành sum sê mặc dù cho bom đạn đã trút xuống và những điều kiện khó khăn xã hội bức bách người dân phải tìm đường đi khắp mọi miền đất nước để lập cơ nghiệp mới. Những vị tổ đầu tiên này là những người góc ở Tống Sơn, Thanh Hoá; Nghệ Tĩnh và các tỉnh ở Bắc Hà theo cùng với quân sĩ của Nguyễn Hoàng từ buổi đầu xuôi buồm thuận gió về Nam.

Về cuối đời của chúa Nguyễn, Nguyễn Phúc Thuần con thứ 16 của Võ Vương mới 12 tuổi lên kế vị, quốc phó Trương Phúc Loan chuyên quyền, lộng hành làm bậy, lòng tham vô đáy cố vơ vét cho đầy túi. Gieo gió gặp bão, tháng 9 năm Giáp Ngọ, 1774, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34, Trịnh Sâm cử nội thần là Quốc Lão Việp quận công Hoàng Đình Việp tức Hoàng Ngũ Phúc làm Thượng tướng kéo ba vạn tinh binh tiến đánh miền Nam (2).

Trước bức thế của quân Nam triều bàn nhau bắt quốc phó gian ác đóng cũi đưa lên xe, giải đến nơi đóng quân của Hoàng Ngũ Phúc ở Quảng Bình dâng nộp. Quân Trịnh thừa thắng tiến vào đất Thuận Châu một cách dẽ dàng, Hoàng Ngũ Phúc đóng quân ở Võ Xá truyền hịch đi khắp miền vào tận Phú Xuân. Lú đại binh chuyển vào đóng ở đất Ái Tử, có một thầy đồ già, người huyện Đăng Xương tên là Trần Duy Thông đón đường rước quân và dâng thơ rằng:

Cùng truyền đống trập oanh lôi dạ

Mãn địa khô miêu đắc võ thì

Nguyện chỉ Phú Xuân thôi tiến phạt

Binh cơ quý tộc bất nghi trì

dịch:

Sâu co gặp sấm vừa vang tiếng

Lúa héo chờ mưa đã được thì

Xin thẳng Phú Xuân mà tiến tới

Việc binh nên chóng chớ nên trì (3)

Bản lĩnh chơn chất, tính nết thuần lương của người dân Thuận Châu được bộc lộ rõ nét qua thần khí của tứ thơ. Có thể xem vị đồ già thức thời, vì dân mà đóng đúng vai trò của kẻ sĩ, mạnh dạn đứng lên nói hết thảy tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân đã quá chịu đựng áp bức bấy giờ:

“Quân Nguyễn không quen đánh bộ, chỉ thuỷ quân là giỏi. Đại quân ở xa tới xin đừng tranh ở chỗ sở trường của họ” (4)

Trước thái độ chính trực, căm ghét bạo tàn của vị đồ già, Thượng tướng Hoàng Ngũ Phú đáp lễ bằng cách xin giữ thầy lại ở trong quân ngũ và sau cùng là làm chức Câu kê.

Lê Quí Đôn, chứng nhân thời cuộc một thời, lúc giữ chức Tham hiệp trấn quân cơ trấn Thuận Hoá, bên gác Triêu Dương cạnh bờ sông Hương ở xã Kim Long, đã ghi lại dấu tích còn lại của Ái Tử sau 218 năm ngày Nguyễn Hoàng chon cuộc đất Ái Tử làm điểm dừng chân tiến về Nam:

“Dinh Cát ở đầu núi xã Phúc Toàn do Thuỵ quận công lập ra. Trấn dinh cũ của họ Nguyễn ở phía tây sông Ái Tử, từ dinh mới ra đường cái, sang cầu Ái Tử đi về tay trái nữa khắc là đến nới, nhà quân lính vẫn còn, tức là chỗ dinh của Đoàn quốc công Nguyễn Hoàng khi mới vào trấn. Phía đông sông ấy là hai xã Đâu Kinh và Hoa La...” (5)

Từ giữa thế kỷ 16 trở đi, Ái Tử bắt đầu đi vào thời kỳ xây dựng dinh phủ, các chúa Nguyễn đặt quan chức cai trị theo cơ cấu hành chính riêng biệt khác hẳn với nền hành chính ở phía bắc đèo Ngang.

Nền hành chính đương thời là nên hành chính của một xã hội văn hoá nông nghiệp, quyền lực tập trung về một mối nhưng biên chế dân sự không nặng nề:

“Đoàn quốc công đóng ở Dinh Cát, sau sai quan đóng giữ gọi là Dinh cũ, ở xã Ái Tử, huyện Đăng Xương, chỉ có một lệnh sử, Câu kê, Cai hợp một chức một người, Thủ hợp một người, Lại viên 20 người, giữ viện từ tụng văn án, sổ hộ khẩu và binh suất do một viên Ký lục và viên Thư ký đứng đầu; lại thu tô ruộng hai huyện Hải Lăng, Đăng Xương, xét hỏi việc từ tụng của quân dân” (5)

Thuở ấy ngoài chuyện lo chăm chút công việc đồng áng, chăn nuôi, người dân xã Ái Tử đã biết nấu được đường trắng và đường đen. Công nghiệp bước đầu gắn liền việc trồng mía để lấy mật đường chi dùng và nước đường để trộn với hồ xây dựng thành trì, kho tàng, dinh thự. Các làng bên cạnh bờ sông Thạch Hãn là Xuân Yên, Trung Kiên có lò vô hàu; An Đôn, Thượng Phước cung cấp gỗ từ thượng nguồn sông Thạch Hãn đổ về.

Trên đồi thoai thoải ở phía tây bắc giáp Nại-Cửu thường thuận lợi cho việc chăn nuôi bò. Và bò bê Ái Tử đã nổi tiếng một thời, lai buôn từ phương xa đến bán buôn, trao đổi, chon giống.

Đầu niên hiệu Gia Long, vua đổi Cửu dinh thành dinh (doanh) Quảng Trị và lại chon đất phường Tiền Kiên (so với thời điểm bấy giờ là một làng mới) để xây dựng thành trì. Năm Gia Long thứ 18, 1809 mới dời tỉnh lỵ về địa điểm mới ở làng Thạch Hãn, huyện Hải Lăng.

Ái Tử trở thành tổng kho chứa lương thực dự trữ. Mục lục châu bản triều nguyễn còn ghi rõ ràng của kho Ái Tử qua một bản lệnh truyền thời Gia Long , ngày 20 tháng giêng năm thứ 4,1805:

“Công đồng truyền=dinh Quảng Trị đặng rõ: Kho Ái Tử có 5 toà, cộng 126 gian bỏ trống, đổ đầy lúa hết 88 gian, chỉ con 38 gian bỏ trống, nay nên làm thêm hai toà công khố, mỗi toà 22 gian để tiện trữ lúa năm nay” (7)

Ái Tử là trung tâm của dinh Quảng Trị, nơi thuận lợi cho việc tập trung lúa là tổng kho dự trữ. Việc vận chuyển lương thực, hàng hoá về tổng kho theo đường bộ và đường sông khá tiện lợi - bổi lẽ Ái Tử nằm trên đường thiên lý.

Ngày nay trên dãi đất trải dài dọc bờ bắc sông Thạch Hãn vẫn còn những kỳ tích do bàn tay của các nghệ nhân và công sức đóng góp lớn lao của dân chúng vì lòng ngưỡng mộ đạo lý và nghĩa khí của tiền nhân.

Thuở mới vào lập nên xứ Đằng Trong, các chúa nguyễn đã cho dựng chùa Tịnh Quang ở đất Ái Tử và sau đó chẳng bao lâu được phong là SẮC TỨ TỊNH QUANG TỰ mà ngày nay biển gạch vẫn còn nét vàng son. Dân gian quanh vùng và cả tỉnh quen gọi là chùa SẮC TỨ ( có nghĩa là chùa được vua ban sắc dụ làm Quốc Tự).

Cũng liền theo dãi đất toạ nên cơ cuộc vuông tròn buổi đầu này, chúa Nguyễn cho dựng Văn miếu ở làng An Đôn, năm Gia Long thứ 13,1814 dời đến xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, năm Minh Mạng thứ 21,1840, lại dời về chốn cũ (8)

Lại có đền thờ thần TRẢO TRẢO LINH THU PHỔ TRẠCH TƯỚNG HỰU PHU NHÂN ( trảo trảo là tiếng nước xao dòng sông). Cứ theo sự tích thì buổi đầu Đoan quận công đến trấn giữ Ái Tử, tướng nhà Mạc là Lập Bảo đem quân đánh đuổi. Năm 1572 Nguyễn Hòng đóng quân trên bờ sông Ái Tử, ban đêm ở dưới sông có tiếng nước động nghe “TRẢO TRẢO”. Đêm ấy Đoan quốc công mộng thấy một người đàn bà đẹp xin định “mỹ kế”. Khi thức giấc, nhớ lời thần bảo lấy “mỹ kế” thì phải chăng khiến dùng mỹ nhân kế để đánh lại. Tức thì có lệnh khiến nàng hầu là Ngô thị qua dụ Lập Bảo mời sang bàn luận giảng hoà. Lập Bảo vốn hiếu sắc thấy nàng có sắc đẹp liền mê say nhận lời nên bị phục binh dàn sẵn giết chết (9)

Hơn 200 năm sau sông nước Ái Tử vọng nghe tiếng dậy sấm: Tháng 5 năm Bính Ngọ niên hiệu Cảnh Hưng 47 (1786), Nguyễn Huệ đánh chếm Phú Xuân, các tướng sĩ đóng ở các đồn Cát Doanh (Ái Tử) và Động Hải (Đồng Hới) điều khiếp sợ và tan rã hàng ngũ.

Đến năm Thiệu Trị thứ 2,1842 vua ngự giá Bắc thành đã đi qua sông Ái Tử có đề thơ, sau này được chạm vào bia đa dựng ở phía tả bờ sông. Tháp tùng đoàn hộ giá, vua Thiệu Trị có cử hai con trai (con thứ 10 và 12 của vua Minh Mạng) là hai nhà thơ lớn Tùng Thiện Vương, Tương An quận vương (quê ngoại huyện Gio Linh, con bà Hồ An Tân) đều đươc sung chức Ngự tiền hộ giá (10)

Đối với lịch sử đạo Công giáo thì Dinh Cát là hạt Dinh Cát Cựu dinh Ái Tử tức tỉnh Quảng Trị sau này, các Linh mục giòng Tên đã đến truyền giáo khoảng đầu thế kỷ 17. Trụ sở hạt Dinh Cát ở gần dinh Ái Tử và Trà Bát. Tháng 12 năm 1689, linh mục Cô sơn cô Lân được chính thức cử làm cha sở hạt này. Trước đó 5 năm, ngày 7-2-1694, Linh mục Lân đã trình với Thánh bộ truyền giáo rằng: “Họ Nhu Lý, xứ Dinh Cát có 50 người Công giáo” (11)

Chỉ riêng Họ Nhu Lý (gần Cửa Việt có 50 dân giáo, không rõ toàn hạt Dinh Cát có bao nhiêu tín đồ Công giáo. Gần Dinh Cát có trụ sở của giáo xứ Đồng Giám. Có thể xem Dinh Cát là trung tâm Công giáo đầu tiên trên đất Quảng Trị.

Cạnh xã Ái Tử về phía thị xã Quảng Trị là làng Nhan Biều có một bãi cát trải dài và rộng lan ra tận bờ sông. Dưới thời nhà Nguyễn, Nhan Biểu là bãi chém, chỗ hành hình tội nhân. Trông qua bờ Nam sông Thạch Hãn là bến Hộ, bến Vườn Hoa thuộc xã Thạch Hãn, đò Nhan Biều sớm hôm đưa khách sang sông đi chợ thị xã Quảng Trị.

Bên cạnh làng Ái Tử là lang Phước Toàn, sau đổi thành Phước Mỹ. Có thuyết nói rằng vì sau giấc mộng được giang thần sông Ái Tử mách kế diệt được tướng nhà Mạc là Lập Bảo nên Phước Toàn được đổi thành Phước Mỹ. Ngày nay vẫn còn duy trì bến đò An Mô đưa dân miệt đồng bằng phủ Triệu sang sông Thạch Hãn để thâu ngăn đường đi Ái Tử, Đông Hà.

Năm Thành Thái thứ 18, 1906 vẫn còn bến đò Ái Tử: tả ngạn là làng Ái Tử, Hữu ngạn là làng Phước Mỹ. Đường xe lửa chạy qua địa phận làng song song với đường bộ quốc lộ I, cầu sắt Ái Tử có trước năm 1906 dài 41 thước 20 thông qua làng Hà Xá tiến ra ga Đông Hà.

Đông Hà - Quảng Trị, hai thị xã, hai tỉnh lỵ, mới và cũ cách nhau chưa đầy 12 cây số nằm trên quốc lộ I. Ái Tử chưa nằm hẳn ở vị trí trung tâm của hai tỉnh lỵ cũ và mới, mà lại nằm chếch hướng và thị xã Quảng Trị, từ trên máy bay trông xuống, Ái Tử và thị xã Quảng Trị chỉ cách nhau một giòng sông, vốn là thủ phủ đầu tiên của xứ Đằng Trong.

Quốc lộ I ngày nay có tiền thân là Thiên lý lộ đời Trần đã vạch đôi làng Ái Tử thành hai phần mất cân đối, phía Đông Nam là cả một bãi cát trải dài ra đến tận bờ sông Thạch Hãn, phía Tây Bắc là khu dân cư ăn thông với triền đồi thoai thoải giáp Nại Cửu phường.

Ái Tử, Đông Hà xưa kia đều là làng xã cả, kéo dài từ phía bên kia bờ Bắc sông Thạch hãn cho đến địa giới giáp ranh với các huyện Cam Lộ, Gio linh thuộc tổng An Đôn nổi tiếng là xứ có núi rú: Rú An Đôn, cồn Bái Thượng. Sau này qua bao biến đổi, xã Đông Hà được tách ra nhập vào huyện Cam Lộ và từ đó cơ ngơi đi lên dần dần. Và trong khoảng 50 năm trở lại, Đông Hà trở thành một đơn vị hành chính nhảy vọt khá nhanh. Từ làng xã lên thị trấn, lên quận, lên thị xã, lên tỉnh lỵ. Đất Đông Hà có cánh đi lên như diều gặp gió nhưng tiếc thay là còn thiếu sân bay theo đúng nghĩa của nó.

Dưới tiêu đề TUẦN LỄ DÀI NHẤT CỦA SƯ ĐOÀN TRỪNG GIỚI, Lê Hiếu Ánh trong báo Tuổi trẻ chủ nhật số 1690 ra ngày 29-4-1990 viêt:

“Năm 1971...Theo lệnh Bộ Quốc phòng, quân đoàn i gấp rút hình thành Sư đoàn 3 Bộ binh với thành phần chắp vá. Riêng binh lính đại đa số là lao công đào binh và quân phạm hoặc thuộc thành phần vô kỷ luật. Tất cả được đưa về Ái Tử để sớm thành sư đoàn cuối cùng của quân đội Sài Gòn”.

Cũng trong năm đó, một số binh sĩ trung đoàn 56 (đầu hàng ở cụm căn cứ Tân Lâm) do Trung tá Phạm Văn Đính làm Trung đoàn trưởng đã đào hầm phía sau chùa Ái Tử, gặp hầm chôn xác một con voi. Theo tìm hiểu sơ bộ cho biết xác con voi này được chôn thừ thời chiến tranh Trịnh Nguyễn (1627-1672). Và về sau trung đoàn này lấy quân hiệu VOI TRẮNG.

Từ tháng 3-1972 Ái Tử - Quảng Trị đã sớm được giải phóng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười phụ trách xây dựng đã đến thăm nhân dân Quảng Trị.

Thời đó và tiếp tụ sau này người ta đã “làm thịt” sân bay, căn cứ Ái Tử, phân tán đi bốn phương tám nẻo; chủ thể làm thịt là dân có, bộ đội có, cơ quan nhà nước cũng tham dự chia phần. Nguyễn Quận, người Hải Lăng dưới triều Lê Thánh Tôn vào đánh Chiêm Thành chỉ lấy một cây cờ lớn. Mấy ai nghĩ tới gương sáng của cố nhân lúc chia phần này.

Đau lòng vì thấy những phi đạo có giá trị bị phá, đồng chí Đỗ Mười đã phê phán, đại thể nói rằng: có lẽ các đồng chí và nhân dân cứ đinh đinh rằng không bao giờ ta sử dụng sân bay trên đất Quảng Trị này.

Vâng, ngày nay Quảng Trị đang ở thời kỳ xây dựng tập trung cao điểm không biết các cấp lãnh đạo có hướng đầu tư lâu dài thiết thực để cho Quảng Trị mang tính cách chiến lược, lịch sử, kinh tế và văn hoá chưa. Lẽ nào bước vào năm 1990 (đã hết quý II) nói chuyện năm du lịch mà không đặt vấn đề cho rõ Là QUẢNG TRỊ CẦN CÓ PHI TRƯỜNG (dù là nhỏ đi nữa) một khi công nghiệp du lịch của tỉnh Quảng Trị có thể tạo ra tiền của để xây dựng tỉnh to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Lẽ nào cứ để vùng đất này thanh bãi cát để “cuốn theo chiều gió.”.

L.Q.T

_________________

(1) Trần Trọng Kim, Việt Nam sủ lược, Sài Gòn, Tân Việt (in lần 6) 1958, trang 288.

(2) Bùi Dương Lịch, Lê quí dật sử, Phạm Văn Thắm dịch, nxb KHXH – Hà Nội 1978, trang 28.

(3), (4) Lê Quí Đôn, phủ biên tạp lục nxb KHXH, Hà Nội, 1977, trang 313.

(5) Lê Quí Đôn,sđd, trang 109.

(6) Lê Quí Đôn,sđd, trang 145

(7) Mục lục châu bản triều Nguyễn, tập thứ I, Triều Gia Long, UB phiên dịch sủ liệu viện Đại học Huế, 1960, trang3. Cộng đồng triền là các đạo mệnh lệnh hành chính truyền đi.

(8) Đại Nam nhất thông chí, tỉnh Quảng Trị, tập số 9, Nguyễn Tạo dịnh, Sài Gòn, 1961, trang 49.

(9) Xem Trần Trọng Kim, Sđd tr.288 và Đại Nam nhất thống chí, Sđd tr.49,50. Về sau Nguyễn Hoàng được tôn trọng là Thái Tổ nên mới gọi là vua.

(10) Hoàng Trọng Thược, Hương Bình thi phẩm, Đà Nẵng, 1962 tr.9 và . 41

(11) Nguyễn Văn Ngọc, Lịch sử giáo xứ Như Lý, Huế, 1970, tr.6.


(Tạp chí Cửa Việt, Số 4, 1990.)


READ MORE - ÁI TỬ QUA CÂC THỜI KỲ LỊCH SỬ - Lê Quang Thái

CUỐI CHIỀU | GÓC KHUẤT - Chùm thơ Đàm Ngọc Năm


Nhà thơ Đàm Ngọc Năm



 CUỐI  CHIỀU 


Em đưa vạt nắng sang sông 

Cuối chiều nghiêng bóng giữa dòng nước trôi

Một bên lở, một bên bồi 

Bên bồi em chọn, còn tôi đứng nhìn.

Mơ gì nơi ấy hả em?

Mình qua cái tuổi hồn nhiên rồi mà.

Nghĩ bên nhau đến tuổi già

Ngờ đâu bên đó lại là trong em

Một thời ta sống bình yên 

Vui mà, sao lại bỏ quên cuộc tình?

Lên đò rồi, nhớ quên anh 

Đừng quay lại nhé, an lành nhé em!



GÓC  KHUẤT 


Chưa hề ngỏ ý cùng em 

Một tiếng “yêu” cũng bỏ quên ở nhà

Chưa hề “ghẹo nguyệt, trêu hoa”

Sao em vội nghĩ anh là của em?

Giữa dòng đời, lạ và quen 

Bình thường là thế, buồn phiền làm chi.

Không biết em đang nghĩ gì

Với anh đâu có “đường đi, lối về”

Hai ta chưa một câu thề

Làm sao em đã nghĩ suy cuộc tình?

Xin em đừng vội trách anh

Với anh chỉ có gia đình trong tim.

Thôi đừng nhầm nữa nhé em 

Vô tư đi, mình chỉ quen thôi mà!


ĐÀM NGỌC NĂM

Nghệ An

READ MORE - CUỐI CHIỀU | GÓC KHUẤT - Chùm thơ Đàm Ngọc Năm