Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 13, 2015

KHÚC CA XUÂN - Hoàng Yên Lynh



                 
   KHÚC  CA  XUÂN

    Vườn nhà ai
    Mai vàng khoe sắc thắm
    Ta  đã già
    Nghiêng chén rượu xuống vần thơ
    Vẫn nghe lòng vọng động
    Mùa xuân gõ cửa
    Với đất trời
    Với bao điều khát vọng
    Với tình ta
    Say đắm mãi chưa vừa.

    Ta đã già
    Bên cội mai già
    Đi qua năm tháng
    Chạnh lòng 
    Chợt  nhớ ...
    Có mùa xuân


    Hoàng Yên Linh
    Xuân Ất Mùi 2015


READ MORE - KHÚC CA XUÂN - Hoàng Yên Lynh

CUỐI NĂM QUA ĐÈO NHỚ BẠN - Hoàng Yên Lynh





CUỐI NĂM QUA ĐÈO NHỚ BẠN

Nhớ Tạ Nghi Lễ - Phan Công Tâm

Về lại đèo cao gọi bạn xưa
Cuối năm sương trắng phủ lưng đồi
Góc quán nghiêng nghiêng hình bóng cũ
Ơi bạn bên trời có nhớ tôi ?

Bạn đi thăm thẳm trời mây nước
Còn nhớ mùa xuân trên lối xưa
Quán vắng lưng đèo dăm ba đứa
Tình khúc xuân ca đón giao thừa.

Tôi về đối ẩm chỉ mình tôi
Góc quán chơ vơ bạc áo đời
Có đàn chim én lưng chừng núi
Nhắn bạn xuân về chén rượu cay.

Thôi cũng là xuân bạn biết không
Quán vắng đèo nghiêng lại chạnh lòng
Thời gian mòn mỏi đời cô quạnh
Ơi bạn xuân về chỉ hư không.

                      Hoàng Yên Lynh
                    Đèo B.lao,  02-2015

READ MORE - CUỐI NĂM QUA ĐÈO NHỚ BẠN - Hoàng Yên Lynh

NHỮNG BÔNG LAN VÀ NHÀ SƯ KHIẾM THỊ - Truyện ngắn Nguyễn Bá Trình


Tác giả Nguyễn Bá Trình



 Những bông lan và nhà sư khiếm thị
Truyện ngắn Nguyễn Bá Trình 


Đó là một khu chợ vùng quê. Đường vào chợ có hai vợ chồng người ăn xin, sáng nào cũng dắt nhau đến ngồi dưới gốc cây phượng bên vệ đường. Chồng đàn vợ hát để kiếm tiền. Người chồng mù cả hai mắt, người vợ thì cụt bàn tay bên phải.  Ngoài hai vợ chồng, phải kể thêm một con chó vàng, có lẽ của hai vợ chồng người mù nuôi. Sáng nào người ta cũng thấy con chó chạy chầm chậm phía trước, hai vợ chồng lẻo đẻo theo sau. Cứ đi một quãng ngắn con chó dừng lại ngoái đầu lui coi hai vợ chồng người mù có theo kịp không. Như đã quen vị trí, đến gốc cây phượng con chó sủa lên mấy tiếng rồi ngồi xuống ngoe nguẩy đuôi. Hai vợ chồng vừa đến chỗ con chó, họ trải chiếc chiếu năn cũ bươm lên mặt đất. Người chồng loay hoay tháo cây đàn ghi-ta mang ở vai ra. Họ ngồi xép bằng trên chiếu. Người vợ không quên đặt cái tô ra phía trước để đựng tiền. Con chó thấy cái tô đặt xa mình, nó lết lại gần như có ý giữ cho chủ. Con chó khôn dữ. Có cậu bé  thấy nó lết đến cạnh chiếc tô đã nói như vậy. Cậu ta tinh nghịch lấy một viên đá ném, con chó kêu oẳng một tiếng bỏ chạy ra xa. Sau đó nó trở lại nằm bên cái tô. Ve vẫy đuôi không một chút sợ sệt. Hình như nó cũng biết cậu bé chỉ đùa với nó. Nó có làm gì sai đâu mà đánh nó. Con chó khôn thiệt. Cậu bé lại nói. Giờ thì cậu ta bỏ đi không ném đá nó nữa. Người đến chợ đã bắt đầu đông. Người đàn ông mù đánh đàn dạo một khúc. Và người vợ bắt đầu hát. Vậy mà chị ta lại có giọng hát rất thanh lại  truyền cảm nữa. Phải nói thêm là chị ta trông cũng còn khá trẻ. Chắc cũng vừa qua cái tuổi thanh xuân không lâu, mà có lẽ nếu không bị sự tàn tật và cảnh đói nghèo dày xéo thì chị ta cũng là người đàn bà khá đẹp. Người đàn ông trông cũng không phải lớn tuổi lắm. Vì cặp kính mầu to bản choán khuất đôi mắt  anh ta nên khó đoán được tuổi tác.Vóc dáng cũng mảnh khảnh. Những ngón tay gầy gò nhưng rất dài bấm vuốt  trên những sợi dây đàn trông cũng khá điệu nghệ và mang một chút lãng tử. Những bản nhạc chị ta hát thường là những ca khúc thuộc loại nhạc vàng. Người đi chợ tranh thủ lúc chợ chưa đông cũng bỏ gánh xuống đến bu quanh nghe chị hát.
Giọng chị thanh tao mà trẻ trung đến bất ngờ:
Có ai đã từng nhặt hoa thấy buồn
Cảm thông được nỗi vắng xa người thương
Chị ta đang hát bài Nỗi buồn hoa phượng của nhạc sĩ Thanh Sơn.
Cảnh ồn ào chào xáo của những người đứng chung quanh bỗng im ắng. Tiếng hát truyền cảm của người đàn bà tật nguyền như đã thu hút hồn họ. Như đã chạm đến tâm hồn họ. Ai không có một thời yêu thương! Ai không trải qua những giây phút nhớ thương mong chờ. Cái tuổi học trò, dù được đi học, dù không có cái may mắn để cắp sách đến trường như chúng bạn thì tình yêu trong lòng mỗi người vẫn như nhau. Vẫn chờ đợi, vẫn thắc thỏm, vẫn buồn thương, nhung nhớ. Và khi cái tuổi ấy đã trôi vào dỉ vãng rồi thì ai mà không  tiếc nuối. Vậy thì sao không nghĩ  người đàn bà tật nguyền bất hạnh kia cũng đã có thời sống qua cái tuổi thần tiên yêu dấu ấy. Chị ta đang hát để kiếm tiền mà cũng có thể nỗi lòng của chị đang rung lên trong giọng hát ấy. Nó rung lên thật man mác nhẹ nhàng:
Mỗi lần hè sang kỷ niệm
Người xưa biết đâu mà tìm
 -Giọng hay quá.
-Nầy chị. Vậy thì người đánh đàn bên cạnh chị không phải là người xưa của chị phải không?
Có nhiều tiếng cười. Người mù đánh đàn cũng cười:
-Của ai không biết, bây giờ của mình . Thế là đủ rồi.
Bài hát vừa dứt. Những người đi chợ vội vàng bỏ những đồng tiền lẻ vào cái tô rồi đặt quang gáng lên vai. Chợ đã đông.

                                                                                 *

                                                                            
 Suốt mấy tháng đông người ta không thấy vợ chồng người mù dến ngồi đánh đàn ca hát  dưới gốc cây phượng trước cửa chợ.
 Rồi mùa hè lại tới. Cây phượng đầu ngõ chợ lại bắt đầu nở những bông hoa đỏ rực đầu tiên. Người đi chợ lại thấy người đàn ông mù lòa ăn xin xuất hiện với cây đàn ghi ta quang trên vài như dạo nọ. Nhưng không có người đàn bà dắt đi như trước đây. Con chó vàng đã làm thay việc đó. Người mù cầm sợi dây xích nhỏ buộc vào cổ con chó vàng nhờ nó dẫn đường. Nó đưa người mù đến gốc cây phượng, nhưng ở đó bây giờ đã có một chiếc xe nước mía dàn ra choán chỗ rồi. Con chó nhìn cô gái bán nước mía, nó sủa lên mấy tiếng như muốn nhắc nhở cô gái đây là chỗ của chủ nó.
-Có gì vậy Vàng?
Người mù hỏi con chó.
-Sang bên kia còn chỗ trống kìa. Cô gái chỉ tay và nói với người mù.
Người mù thì làm sao thấy được hướng chỉ của cô gái. Nhưng anh ta cũng hiểu được rằng chỗ của hai vợ chồng anh ta ngồi trước đây nay đã có người khác choán rồi.
-Thôi qua bên đó đi Vàng.
Người mù nói với con chó. Con chó vàng cụp đuôi có vẻ thất vọng, rồi kéo chủ nó qua bên cái chỗ trống cách đó chừng trên mươi mét. Nó lại sủa lên mấy tiếng.
-Được rồi ta ngồi ở đây đi.
Người mù tháo cây đàn ra khỏi vai. Trải chiếc chiếu năn ra. Tự mình đặt cái tô ra phía trước. Con chó vàng lết lại bên chiếc tô. Người đi chợ bắt đầu đông dần. Người mù dạo đàn. Bây giờ thì chính anh vừa đàn vừa hát. Giọng khàn đục.
Mầu hoa phượng thắm như máu con tim
Mỗi lần hè sang kỷ niệm
Người xưa biết đâu mà tìm

Vẫn là bản nhạc Nỗi buồn hoa phượng, mà vợ anh vẫn thường hát trước đây. Bây giờ có phải anh ta đang hát về người đàn bà ấy không nhỉ. Hay hai người chỉ có một bài hát ruột ấy mà thôi!
-Chị đâu rồi mà không đi hát với anh? Một bà đi chợ hỏi.
-Cô ấy bỏ tôi mà đi rồi. Cô ấy không bao giờ trở về với tôi nữa.
-Vì sao vậy? Thấy hai vợ chồng, người đàn người hát trông có vẻ ăn ý lắm mà, sao lại bỏ đi. Mà cô ấy đi đâu vậy? Đi theo người khác hả?
Người đàn ông mù chưa kịp trả lời, thì một người khác đã nói:
-Thôi mà cái chị nầy, hỏi chi mà cặn kẽ vậy. Để anh ta hát còn kiếm ít đồng. Chị có bao nhiêu thì cho anh ấy đi. Hỏi hoàn cảnh người ta làm chi.
Những người đi chợ thay nhau bỏ mỗi người một ít tiền vào cái tô cho anh ta.
Chợ đã bắt đầu đông. Người mù vét hết tiền nhét vào túi rồi đứng dậy. Con chó vàng thấy chủ cầm cái tô đứng dậy chừng như nó đã hiểu ý, cũng đứng lên ngoe nguẩy đuôi.
Con chó vàng dẫn người mù len lỏi đám đông đi sâu vào giữa chợ. Anh vừa đánh đàn vừa hát. Tiếng hát khàn khàn của người mù cất lên hòa lẫn trong tiếng ồn ào của cảnh chợ búa.
                                                                         *
Chợ đang tan dần. Người mù nói với con chó:
-Thôi ta về đi vàng ơi.
Con chó đi trước, người mù cầm sợi xích dài bước theo sau.
Mầu hoa phượng thắm như máu con tim
Mỗi lần hè sang kỷ niệm
Người xưa biết đâu mà tìm…
Đang hát người mù chợt nghe tiếng còi xe  rít lên sát sau lưng. Anh hốt hoảng nhảy sang một bên. Miệng không ngợt gọi:
-Vàng, Vàng, tránh xe đi con.
Hơi nóng của chiếc xe tạt vào mặt người mù. Lẫn trong tiếng xe, tiếng còi sát bên tai người mù vẫn nghe được một tiếng kêu oẳng của con chó vàng.
-Sao vậy Vàng, sao vậy Vàng? Người mù thét lên. Rồi giật giật sợi dây xích. Một cảm giác nhẹ tênh khi anh kéo sợi xích. Con chó vàng không còn mắc vào đầu dây xích nữa.
Chung quanh anh có nhiều tiếng la:
-Chết rồi, xe cán nát con chó vàng của anh mù rồi. Tội ghê chưa!
Người mù ngồi bệt xuống đất, tay quờ quạng tìm con chó vàng.
-Mầy đâu rồi Vàng ơi Vàng! Cô chủ mày bỏ tao mà đi giờ mầy cũng bỏ tao,  tao biết sống với ai đây!  Vàng ơi mầy đâu rồi.
Người mù vừa khua tay tìm con chó vừa nói trong tuyệt vọng.
Những người đi chợ  thấy trong chiếc xe con vừa cán chết con chó, một người đàn ông thò đầu ra khỏi xe. Họ đồng thanh la lên:
-Con chó ấy dẫn đường cho anh mù nầy đi kiếm ăn đấy. Anh liệu mà đền bù miếng ăn cho anh ta.
Người đàn ông từ trong xe vói cổ nhìn người mù rồi nói:
-Thả chó chạy rông ngoài đường làm ô nhiễm môi trường lại gây trở ngại lưu thông. Chưa bị phạt vi cảnh còn đòi bồi thường. Cứ lên tòa  kiện đi rồi tôi bồi thường cho.
 Nói xong hắn rút đầu vào và cho xe chạy.
Một người đàn ông chuyên làm nghề bấm huyệt chữa bệnh và đấm bóp trong vùng bước đến nói:
-Hắn ta nói đúng đấy. Việc chó cán xe không ai xử đâu, không khéo người ta còn quy lỗi cho mình nữa. Đi theo tôi để tôi đưa về nhà, tôi biết nhà anh. Tôi vẫn hay đi chữa bệnh,  giác lể ở vùng đó. Thôi tiếc con chó làm chi. Về nuôi con khác. Mà cũng khỏi cần phải nhờ chó dẫn đường nữa. Tôi sẽ truyền lại nghề làm ăn của tôi cho anh. Ở nhà làm cũng được khỏi phải đi đâu cả.

                                         *

Ở cuối chợ có một vựa cây kiểng có biển hiệu Vạn hoa. Vạn hoa nổi tiếng có nhiều loại lan  đẹp. Không những chỉ những loại lan thường có ở Việt Nam mà còn cả những loại lan mua về từ Thái lan, Nhật bản về.
Một hôm có một chú tiểu dẫn một nhà sư mù cả hai mắt vào hỏi mua lan. Người chủ vựa cây kiểng cung kính chào nhà sư, ông ta định hỏi nhà sư muốn chọn giò lan nảo, nhưng chợt nhìn lên đôi mắt khiếm thị của nhà sư ông ta cảm thấy lúng túng không biết hỏi bằng cách nào. Chợt ông nhìn chú tiểu và nghĩ ngay ra cách hỏi  tế nhị:
-Chú tiểu chọn hoa cho thầy phải không? Vậy thì mời chú cứ tự nhiên xem qua các loại lan trong vựa.
Vị sư như hiểu ý, mỉm cười:
-Chú tiểu đây còn nhỏ chưa thấy hết được vẻ đẹp của các loại hoa lan đâu.
Người chủ vựa lại nghĩ: Vậy thì ai chọn lan cho thầy. Mà thầy thì đâu cần thiết phải có những giò lan thật đẹp. Chắc chắn là thầy mua về cho nhà chùa rồi. Vậy thì sao nhà chùa không cử một thầy sáng mắt mà lại cử một thầy khiếm thị?
Người chủ vựa đang phân vân trước câu nói của nhà sư, một lần nữa nhà sư như đoán được tâm trạng và những suy nghĩ trong đầu ông chủ vựa, mỉm cười:
-Người mà chọn được những giò lan đẹp nhất không ai khác ngoài ông chủ vựa đấy. Thí chủ  chọn giúp cho tôi hai giò. Giá cả đừng bận tâm.
-Dạ. Nếu sư thầy đã tin tưởng thì con xin được chọn hai giò mà con ưa ý nhất cho thầy.
Ông chủ vựa mời nhà sư và chú tiểu vào nhà ngồi để ông đi chọn hai giò lan. Ông đi quanh vựa một lát rồi mang hai giò lan trở lại.
-Dạ bạch thầy, con đã chọn được hai giò lan mà con ưa ý nhất cho thầy.
-A di đà Phật. Cảm ơn thí chủ. Còn giá cả của nó thế nào cho thầy gởi lại.
Người chủ vựa kêu  giá rồi nói:
-Dạ con xin bớt cho thầy ba mươi phần trăm để lấy phước.
-A di đà Phật. Thầy sẽ dùng số tiền của thí chủ để làm việc thiện.
Người chủ vựa rót trà ra mời nhà sư và chú tiểu. Uống xong ngụm trà đầu tiên nhà sư khen:
-Chà, trà của thí chủ mời ngon quá.
Chợt nhà sư cầm một giò lan đưa lên vẻ như ngắm nghía rồi nói:
-Thí chủ nầy.
-Dạ.
-Thầy biết từ nãy giờ thí chủ thắc mắc tại sao nhà chùa lại chọn một người khiếm thị như thầy đi mua lan. Nghe ra có vẻ là chuyện tiếu lâm phải không?
-Dạ bạch thầy con không dám nghĩ vậy.
Nhà sư lại mỉm cười:
-Có nghĩ vậy cũng không sao cả vì đó là thực tế. Thí chủ ạ.
Rồi nhà sư nói giọng chậm rãi khoan thai giông như đang thuyết pháp:
 - Không ai cử thầy đi mua cả, thầy tự mình đi mua thôi. Ở đời không có cái gì là của mình cả. Ngay  bản thân mình cũng vậy. Ngoài Chư Phật, Chánh Pháp, và Chơn tăng ra, cái gì mình   muốn đem về cho mình, dù đẹp đẽ quý giá đến mấy, đều không phải của mình. Con người ta thường đau khổ vì mất cái vốn không phải của mình. Còn cái gì mình cho là tốt đẹp là quý giá, mà mình đem tặng cho người khác, đó mới là của mình.  Nó không còn ý nghĩa vật chất nữa mà thuộc về Phật tính. Phật dạy, Phật tính vốn có trong lòng mỗi người.
Ngưng một lát nhà sư nói tiếp:
-Hai giò lan nầy thầy mua về không để dành cho thầy ngắm, mà để dành cho các tín đồ đạo hữu, những người đến chùa để chữa bệnh ngắm.  Hoa càng đẹp thì đem lại nguồn vui cho người xem càng nhiều. Hoa nào rồi cũng tàn cả.  Nếu một người ngắm thì nó chỉ mang lại một niềm vui. Còn nếu có mười người ngắm thì nó mang lại cho đời mười niềm vui. Đúng thế không thí chủ. Vì vậy nên thầy mới nhờ đến thí chủ là người sành nhất trong việc chọn hoa.
-Dạ. Con đã hiểu. Qua việc mua hoa, sư thầy đã dạy cho con một đạo lý hết sức cao cả. Con xin tâm niệm những lời thầy dạy.
-A Di Đà Phật.
 Nhà sư đứng dậy cáo từ.


                                                               *
Có tin đồn, mấy năm nay vùng Thường Trụ xuất hiện một nhà sư mù có đôi bàn tay vàng. Nhà sư nầy  có tài bấm huyệt và xoa bóp để chữa bệnh. Nhà sư từng chữa lành bệnh cho rất nhiều người. Có những con bệnh mà bệnh viện đã bó tay trả về. Nhà sư đã dựng một thiền am nhỏ và biến nó thành một nơi chữa bệnh từ thiện. Có  người nói: Không cần phải bấm huyệt, xoa bóp. Chỉ cần ngắm những giò lan trong khuôn viên chùa cũng đủ làm cho tâm hồn mình thư thái mà khỏi bệnh. Dân quanh vùng người ta tin rằng nhà sư nầy là một vị La hán giáng trần. Ngài từng làm kẻ ăn xin lang thang khắp các vùng chợ búa để thấu hiểu nỗi bất hạnh của từng kiếp người rồi tìm cách ra tay tế độ!


                                          Sài gòn tháng 1- 2015
                                                        NBT




READ MORE - NHỮNG BÔNG LAN VÀ NHÀ SƯ KHIẾM THỊ - Truyện ngắn Nguyễn Bá Trình

CHÙM THƠ XUÂN CỦA NHẬT QUANG



      Tác giả Nhật Quang


DÁNG XUÂN

Ra giêng xanh biếc mây trời 
Lả lơi ong bướm, ươm ngời sắc Xuân
Hương hoa gió nhẹ lâng lâng
Rung rinh vạt áo trắng ngần mây bay

Ru em Xuân ấm vòng tay
Bờ môi ngan ngát, hương say đắm nồng
Mơn man suối tóc bềnh bồng
Nắng Xuân có ấm tô hồng má em ?

Xinh xinh mắt liễu dịu êm
Ra giêng em bước qua thềm ngây thơ
Xuân tình dệt mộng ước mơ
Dáng Xuân e ấp, hồn thơ đong đầy.


TÌNH CA XUÂN

Lung linh trời ươm nắng
Cánh én gọi mùa sang
Mây gởi hồn mênh mang
Lả lơi theo làn gió

Nhành mai vàng trước ngõ
Khoe áo mới vàng tươi
Nụ cúc đơm sắc ngời
Bên thềm hương ngan ngát

Thì thầm lời em hát
Nhịp nhàng khúc tình ca
Ươm tuổi hồng thiết tha
Vào đời xanh ước vọng

Phố phường hoa trải rộng
Người dập dìu đón Xuân
Em bên anh bâng khuâng
Nghe Xuân trào hạnh phúc.

                   Nhật Quang
                   (TP. HCM)

READ MORE - CHÙM THƠ XUÂN CỦA NHẬT QUANG

TÔN TẪN, BÀNG QUYÊN - Phiếm luận Chu Vương Miện

Tác giả Chu Vương Miện


TÔN TẪN, BÀNG QUYÊN
Phiếm luận Chu Vương Miện

Hai nhân vật thượng thặng võ lâm giang hồ này xuất hiện và cuối thời Chiến Quốc (vào khoảng cuối thế kỷ thứ ba trước công nguyên). Những pho tác phẩm có liên hệ xa gần đến hai nhân vật này là những tác phẩm trường giang đại hải tiểu thuyết như Oanh Liệt Xuân Thu gồm ba cuốn, kế đến là Chung Vô Diệm ba cuốn, sau chót là Phong Kiếm Xuân Thu có một cuốn và chỉ chuyên viết về ân oán giang hồ giữa hai nhân vật Tôn Tẫn và Bàng Quyên mà thôi, y như cuốn La Thông Tảo Bắc về đời nhà Đường nhưng chỉ viết về một nhân vật La Thông con trưởng của tướng La Thành. Chúng tôi đọc những pho sách này trên sáu mươi năm rồi và sau này cũng không có thì giờ đọc lại, thành ra đoạn nhớ đoạn không, tam sao thất bổn. Nhân có vị thân hữu Giáng Ngọc viết một bài biên khảo về "Kế Sách" tức "Tam Thập Lục Kế, Tẩu Vi Thượng Sách", sợ độc giả khó tiếp thu, nên chúng tôi phải gia công viết thêm bài viết này để bổ sung cho bài viết của thân hữu Giáng Ngọc.
Qua các tác phẩm về thời nhà Đông Châu thì bộ truyện vài ngàn trang mang tên là Đông Châu Liệt Quốc gần như quá đầy đủ nhưng lại quá giản đơn, đọc chơi thì không sao, nhưng dùng làm tài liệu tham khảo để khảo cứu thì quá ngắn. Những cuốn khác như Chung Vô Diệm, Oanh Liệt Xuân Thu, Phong Kiếm Xuân Thu thì lại vượt qua giai đoạn giản kép (tức là rất ư là lòng vòng và dư thừa).
Chuyện là vầy, Tôn Tẫn là người con nuôi của nước Tề, đời trước mẫu thân của Tôn Tẫn là Yên Đan công chúa, con của vua nước Yên (đất riêng ở Yên Kinh Hà Bắc bây giờ là Kắc Kinh Bắc Bình), phu quân của công chúa là phò mã Tôn Tháo nguyên soái của nước Yên (con ruột của Tôn Võ Tử), hai người sanh đặng ba người con trai. Tôn Long và Tôn Hổ là hai con trai lớn theo cha tòng quân giúp nước. Khi nước Tề và nước Yên có chiến tranh thì tư lệnh quân của nước Tề là Hoàng Hậu Chung Vô Diệm vốn là sao Mão Doãn Tinh trên thượng giới đầu thai, kẻ đối địch với bà là công chúa Yên Đan lúc đó đang mang bầu. Hoàng Hậu Chung Vô Diệm bấm tay biết là quý tử, vì Tôn Võ Tử sẽ đầu thai trở lại vốn là một tinh đẩu Võ Khúc Tinh xuống thế sau này sẽ là một nhân vật tót chúng nhân tuyển cho giai đoạn chót thời Đông Châu, và bà Chung Vô Diệm đưa ra một yêu sách: Nếu bà bị thua, thì muốn làm gì thì làm, nhưng nếu bà thắng thì đứa nhỏ trong bụng công chúa khi sanh ra phải trao cho bà mang qua nước Tề nuôi làm con nuôi, thế là hai vị nữ lưu chủ soái ô kê kẻ gíao người kiếm, qua lại vài chiêu thì Hoàng Hậu Chung Vô Diệm mang dây Cổn Tiên Thằng trong ba lô quăng lên không trung và hô "biến", thế là Yên Đan công chúa nước Yên bị trói gô lại, Chung Vô Diệm đến gần mà nói rằng: Thật là có lỗi đắc tội với công chúa quá, nếu công chúa chịu khó tìm hiểu ba chữ Chung Vô Diệm thì đâu có chuyện hơn thua sự cố này xẩy ra?
Yên Đan công chúa đựơc cởi trói hú hồn hú vía hỏi lại:
-Vậy ba chữ Chung Vô Diệm có nghĩa là cái thứ gì ?
-Là người đi tới đâu mà có Núi Lửa (tức Hỏa Diệm Sơn) thì ngay lập tức bị dập tắt mà sau này mãi mãi không còn núi Lửa ở chốn đó phun lên nữa. Và hai vị soái kết nghĩa nhận nhau làm chị em, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu.
Bây giờ xin trở lại lý lịch Bàng Quyên, người nước Ngụy. Nước này nguyên ngày trước là nước Tấn, sát với Tần và kết nghĩa Tấn Tần, là một nước cực lớn phía bắc, nhưng bị ba đại thần chuyên quyền chia nước Tấn ra làm ba khúc. Khúc một nửa tỉnh Thiểm Tây thuộc quyền họ Hàn lập ra nước Hàn, tỉnh Sơn Tây thuộc họ Triệu lập ra nhà Triệu, và phía dưới là tỉnh Hà Nam vốn là Đông Kinh thuộc họ Ngụy lên thành lập nước Ngụy, sau vùng đất này sửa lại là nhà Lương. Gia đình của Bàng Quyên cũng thường thường. Bàng Quyên và Tôn Tẫn trên đường tầm sư học đạo có kết nghĩa kim lan là xuống chảo dầu lên núi đao vẫn có nhau, khi hai người tìm đến được Động Quỉ Cốc vào yết kiến tổ sư gia là Vương Hủ (tên tục cúng cơm), còn tên giang hồ là Quỉ Cốc Tiên Sinh hay Vương Thoàn lão tổ, tiên sinh bèn phán như thế này:
- Lão thì chỉ dậy cho những người thông minh mà thôi, chớ cù lần quá thì lão không dậy. Vậy thì ngay bây giờ lão thử tài trí thông minh lanh lẹ của hai trò. Lão đang ngồi đọc sách tại hàng hiên, hai người tìm cách nào để lão phải ra tận ngoài cổng Cốc, thì kể như là qua được một cửa ải.
Bàng Quyên nói ngay :
- Nói như vậy là sư phụ đã có chuẩn bị từ trước, không có cách nào làm sư phụ di chuyển ra ngoài cổng Cốc được,   nhưng con có một cách, nếu sư phụ đi ra ngoài Cổng Cốc thì con có cách dụ sư phụ vào trong nhà được.
Thế là Lão Tổ đứng ngay dậy phăng phăng đi ra ngoài cổng Cốc để chờ học trò dụ khị đi vào.
Ba thầy trò ra tới nơi thì Bàng Quyên cười lên hô hố:
- Con đã dụ được thầy ra ngoài ngõ Cốc rồi.
Vương Hủ cười lên hô hố ô kê con gà quay tức thì, sau đó thì tới phiên Tôn Tẫn.
*
Tổ sư gia Vương Hủ nhìn xuống thung lũng toàn đá tai mèo và hoa dại, nhìn lên thì mây trắng bay, ba người đứng nhìn trời nhìn đất rồi phát biểu:
- Lúc nẫy Bàng Quyên đã làm xong nhiệm vụ, bây giờ đến phiên Tôn Tẫn, vậy theo ý của trò thế nào là Nhân Quả theo quan niệm của Phật Gia.
Tôn Tẫn khom mình vái sư phụ một cái rồi khoanh tay bẩm:
- Đạo Phật, Đạo Khổng, Đaọ Lão cùng một thời gian xuất thế, nhưng chúng ta là người Chung Quốc có thể biết về Đạo Khổng và Đạo Lão chớ Đao Phật viết bằng chữ Pali mà ở mãi tận bên xứ Nepal thuộc Ấn Độ, hai nước lại không có giao lưu giao kéo gì cả, với nữa, chữ Ấn Độ chúng ta có ai đọc và hiểu đâu.
Vương Tổ Sư Gia nói :
- Thầy dậy toàn là tuyệt chiêu, học xong là trèo lên đầu thiên hạ mà ngồi, thành ra học trò của thầy không cần đọc cũng hiểu, chớ ai ai cũng hiểu về Binh Pháp, về Chiến Thuật Chiến Lược thì còn đánh chác gì được nữa. Thầy và các con đều không biết chữ Pali và cũng không hiểu gì về Đạo Phật, vì không ai biết cả nên thầy mới hỏi đệ tử để xem kiến thức của đệ tử ra sao, chớ ai cũng đọc, cũng biết, cũng am tường thì thầy hỏi quả là quá thừa rồi. Thầy ví dụ như vầy, Khổng Tử là to con cũng chết, Mạnh Tử là đang khỏe mạnh cũng chết, Trang Tử là đi đâu cũng trang điểm cho đẹp cũng chết. Sư tử là thầy cũng chết và đệ tử là học trò cũng chết, đại khái là như thế.
Tôn Tẫn hít một hơi dài, rồi thong thả nói :
- Đây là ngu ý của đệ tử, thầy bảo thì phải tuân lời, không được từ chối, theo đệ tử thì nghĩa đen nhân quả nó như thế này, khi người ta làm đám hỏi và đám cưới cho con cái trong nhà thì thường có những chi tiết giống nhau, có nhiều quà bánh rượu trà, heo quay dê quay. Những thứ quà lễ này không được để lộ thiên, mà phải để vào trong một cái hộp, hay là cái quả. Cái quả này có hai phần, phần đáy quả là để đồ quà bánh rượu vào rồi đậy nắp quả lại, trên quả thì chùm khăn đỏ tua vàng, nhưng nhân nào quả đó , vì cái nhân khác nhau, như bánh kẹo, mứt hồng trà thì quả thấp, cái nắp thấp, còn cái quả đựng rượu thì phải cao hơn một chút vì chai rượu thường là cao, và cái quả chứa con heo, con dê không phải là hình tròn, mà là một cái khay dài hình chữ nhật, trên đó để vừa con heo hay con dê, nắp quả thường là tấm vải đỏ, mà cần hai người khiêng cho nó trang trọng hoành tráng, còn các quả nhỏ thì có người bưng 1 tay, người bưng hai tay tùy theo loại, như vậy cái nhân bên trong như thế nào thì cái quả bên ngoài nó y như thế đó cho cân xứng.
Tổ sư gia Vương Thoàn nghe đệ tử Tôn Tẫn nói xong trầm ngâm một lúc rồi nhìn Bàng Quyên mà nói :
- Bàng Quyên, con có nghe rõ điều mà sư huynh của con vừa nói không? Con có cần ghi chép lại để làm kinh nhật tụng không? Thầy nhắc lại một lần nữa là con nhớ câu này nằm lòng: Nhân nào thì quả nấy, gieo cái gì thì gặt cái nấy. Kể từ bây giờ trở đi chúng ta là thầy và trò ...
                                                                  CVM



                                     
READ MORE - TÔN TẪN, BÀNG QUYÊN - Phiếm luận Chu Vương Miện

CA DAO MIỀN QUÊ NGOẠI - thơ Hoài Huyền Thanh



CA DAO MIỀN QUÊ NGOẠI
Hẩm hiu con cò trắng long đong.
Ca dao quê ngoại đắng chát lòng.
“Tân Huề, Tân Quới, Tân Long.
Ba làng hợp laị chẳng xong làng nào.”
Đồng Tháp xa rồi con nước nổi.
Sen tàn héo hắt nỗi nhớ quê.
Nửa đời phiêu bạt buồn xa xứ.
Thấm đẩm hồn khuya nỗi nhớ về.

Quanh co đường đất đỏ
Mái tranh ấm tình quê.
Biết bao cô thôn nữ
Thẹn thùng ươm giấc mơ
Lúa vàng thơm tháng chạp
Bánh phồng giã nhịp nhàng.
Tiếng hò vang sóng nước.
Mai vàng đón xuân sang.

“Bìm Bịp kêu nước lớn anh ơi.
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê.”
Tôi xa quê từ dạo ấy.
Tưởng tiếng bìm bịp kêu.
Nhức nhối nhớ quê nhà.
Dong ruỗi mãi mười hai bến nước.
Sóng dập vùi trôi dạt nẻo xa.
Phận bọt bèo làm sao hiểu được.
Mỏi mê dõi mãi phía trời xa.

                           HOÀI HUYỀN THANH



READ MORE - CA DAO MIỀN QUÊ NGOẠI - thơ Hoài Huyền Thanh