Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, September 7, 2008

Xuân Đức






Tiểu sử Xuân Đức
Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Xuân Đức (1947-) là một nhà văn nổi tiếng tại Việt Nam. Ông được Nhà nước Việt Nam trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Sự nghiệp
Ông tên thật là Nguyễn Xuân Đức, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1947, tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Thuở nhỏ ông sống cùng gia đình ở quê mẹ tại bờ Bắc sông Hiền Lương. Sau khi tốt nghiệp phổ thông tại Trường cấp ba Vĩnh Linh vào năm 1965, ông thoát ly gia đình và tham gia tiểu đoàn 47 quân địa phương Vĩnh Linh chiến đấu tại vùng núi Quảng Trị, phía Nam bờ Hiền Lương.

Vốn có kiến thức văn hóa, ông tham gia viết bài cho báo quân đội của Khu đội Vĩnh Linh rồi Quân khu 4. Năm 1976, ông được cử tham gia trại sáng tác của Tổng cục Chính trị. Năm 1979, theo học tại Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị. Ông công tác tại đây cho đến khi giải ngũ với quân hàm Trung tá vào năm 1990.

Sau khi giải ngũ, ông về sống tại thị xã Đông Hà, Quảng Trị và chuyển ngành công tác tại Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Trị, giữ chức Phó giám đốc Sở. Từ năm 1995 đến 2006, ông là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị. Tháng 7 năm 2006, ông nghỉ hưu

Ông trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1982, khi còn đang công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị. Ngày 2 tháng 2 năm 2007, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định trao tặng Giải thưởng Nhà nước chuyên ngành Văn học cho các tác phẩm Người không mang họ (1984), Cửa gió (1982), Tượng đồng đen một chân (1988).

Ngoài ra, ông còn được trao tặng nhiều giải thưởng khác như:

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (cho tiểu thuyết Cửa gió, 1982);
Giải thưởng Bộ Quốc phòng (cho vở Người mất tích, 1990);
Giải thưởng văn học Bộ Nội vụ (1995) cho tiểu thuyết Người không mang họ;
Giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu (1995) cho kịch bản Cuộc chơi;
Giải thưởng cuộc vận động viết về chiến trang Cách mạng và người chiến sĩ (1994), Giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc cho kịch bản Cái chết chẳng dễ dàng gì...
Giải thưởng kịch bản Sân khấu năm 2007 cho kịch bản "Chuyến tàu tốc hành trong đêm"

Một số tác phẩm:



Tôi yêu đất này của tôi


Đôi khi chợt quay đầu nhìn lại
Thấy những khuôn mặt tối sầm và bóng nhẩy
Tôi ngao ngán nghĩ về ngày mai...
Nhưng tôi yêu mảnh đất này
Dù phải sống chung với lũ.

Dù Thị xã đổi lên Thành phố
Ngõ cụt bốc mùi không đổi được hương quê
Và hội nghị chồng mờ hội nghị
Những khuôn mặt quen không là bạn bao giờ..

Tôi vẫn ăn cọng rau của trăm năm xưa
Vẫn uống nước trong mạch nguồn của đất
Vẫn đốt nén nhang lên bàn thờ tổ tiên
Thay nước lã trên mâm cơm giỗ chạp

Trưa Đoan ngọ đi hái lá mồng năm
Tôi yêu cả nắng vàng đổ lửa
Uống ngụm nước lá vằng chát chúa
Tôi nghiện rồi cay đắng của ông cha.

Nói làm gì bạn ơi chuyện người ta
Mình không tủi nhưng đất thì sẽ tủi
Đất này ơi, ta yêu mày mãi mãi
Dẫu rằng mãi mãi vẫn đất thôi ..

Giờ ngọ, tết Đoan ngọ 2008




Năm tháng ơ hờ năm tháng ơi



Năm tháng ơ hờ năm tháng ơi
Soi xuống hồ, giật mình khuôn mặt lạ ?
Chằng chịt những nẻo đường trai trẻ
Vương trên vầng trán, đuôi mày

Năm tháng ơ hờ năm tháng trôi
Thời gian một đi không trở lại
Em ở đầu nguồn, ta cuối bãi
Ngay cả nhớ nhung cũng rơi vãi thưa dần
Ai xui chiều nay gặp lại
Để ta nhầm ngày xưa ấy còn nguyên

Bao năm phố nuôi ta cỗi cằn
Như nuôi gốc Mai trong chậu cảnh
Bỗng một ngày ta xoè năm cánh
Ngỡ mình vàng ánh sắc xuân tươi...

Ta nhầm hay em nhầm đây ?
Tiếng yêu cứ ngập ngừng như thủa trước
Và trái tim...ôi trái tim nghẽn mạch
Cứ nhịp đôi ham hố đập dồn !

11/5/2008


Nguồn: http://www.xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=366&nhom=3

Mảnh làng trong tôi


Vĩnh Hòa, nơi tôi sinh ra, nơi đã gắn bó với cuộc đời cha mẹ tôi, anh em và bao bạn bè khác nữa. Vĩnh Hòa cũng là nơi đẻ ra tên tướng cướp Trương Sỏi mà tôi viết trong " Người không mang họ". Một mảnh làng im lìm và trong trẻo ấy, cuối cùng cũng bị lôi tuột ra giữa nhịp sống hiện đại. Thật sự tôi không biết nên vui hay buồn ? Cách đây một tháng, tôi có dịp về thăm lại và đã viết bài thơ " Vĩnh Hòa". ( đã đăng trên trang web này ) Còn bài bút kí sau đây tôi viết cách đây đã 30 năm. Hôm nay bỗng nhiên muốn đọc lại và muốn bạn bè cùng đọcđể chia sẻ.

Làng tôi cách thị trấn Hồ Xá không xa, người lớn đi bộ gần một giờ, còn trẻ con thì đủ sức níu lấy gánh mẹ mà chạy lon ton từ nhà lên chợ huyện. Thế mà đã có một thời tôi ngỡ cái làng của mình như một miếng bìa rọc bỏ khỏi thân gỗ quý, như bị lãng quên khỏi nhịp tiến văn minh của loài người. Tuổi thơ của tôi lớn dậy trong những lũy tre rậm rịt, bịt bùng, với tiếng ru khàn khàn cuả bà già hàng xóm giữa những buổi trưa xao xác ngọn gió Lào. Chợ kháng chiến họp trong Rú Lịnh, một khoảng rừng còn lại của thời hoang sơ làm ranh giớ cho mấy xã vùng đất đỏ Vĩnh Linh. Có lần giặc Pháp càn về chiếm làng tôi ba ngày, cả làng chạy vào trú giặc trong Rú Lịnh. Vẫn nấu cơm, vẫn mắc nôi ru trẻ và họp chợ. Làng đồng bằng mà cuộc sống không khác mấy dân du mục.
Từ làng tôi đi ngược lên phố huyện, trước đây cũng là một quãng rừng cằn. Một tên thực dân Pháp đã chiếm lấy mở thành Sở cao su. Tuy vậy, rừng vẫn còn nhiều cây cối lúp xúp, đã là nơi trú ngụ của từng đàn lơn rừng, cọp, beo và nhiều hoang thú khác. Dọc con đường lên phố huyện, ngay ở bìa rừng, chẳng hiểu từ đời nào đã dựng lên chiếc am thờ thập thò trong mấy gốc si có bộ rễ chằng chịt, ngoằn ngoèo đến quái dị. Đấy là nơi thiêng liêng khủng khiếp. Tôi không thấy một người dân nào trong làng đến am thờ đó cúng bái, lễ lạc, nhưng hầu như đêm nào cũng được nghe một chuyện ma quái rùng rợn ở chốn âm u đó.
Tôi lớn lên, không hề nhìn thấy một mái nhà gạch. Cả làng có duy nhất một nhà được gọi là giàu thì mái đổ đất, nghĩa là vẫn nhà tranh, rui tre như mọi nhà khác, nhưng phía trên giàn đòn tay được đổ một lớp đất sét để chống cháy. Cuộc đời tôi phải kể ra mấy ấn tượng không phai nhạt về việc khám phá ra "văn minh" của loài người. Đấy là lần đầu tiên tôi nhìn thấy chiếc máy hát quay tay do một cán bộ thông tin của tỉnh mang về dịp giảm tô. Tôi không sao đến gần để nhìn cho rõ chiếc máy, tôi chỉ thấy người điều khiển quay liên tục mấy vòng rồi đặt cái cổ máy cho gục xuống đĩa. Thế là hát. Tôi không thể hiểu được vì sao cái cổ bằng sắt đen bóng như một con đỉa biển kia lại có thể bỏ lên bỏ xuống mềm mại như thế!.
Lần thứ hai, tôi theo bố đi từ nhà khi mặt trời chưa lặn, bới theo gói cơm nhỏ lên phố huyện để "xem" đài. Dọc đường tôi gặp bao nhiêu người khác trong xóm cùng đi. Những đoàn người từ các làng hẻo lánh như làng tôi nườm nượp kéo về Hồ Xá lúc kháng chiến chống Pháp mới thành công chẳng có được mấy nhà cửa. Người ta gắn chiếc loa phóng thanh hút sâu vào đầu hồi một ngôi nhà tranh. Dân quê chúng tôi ngồi san sát phía dưới sân, trật tự, thật nín lặng nghe tiếng đài. Cho đến bây giờ tôi vẫn cứ bẩt bình về việc tại sao hồi đó người ta lại không gắn chiếc loa lồi ra bên ngoài. Thành thử sau một đêm nghe đài no nê, ra về cả làng tôi vẫn không ai biết được tiếng hát, tiếng nói kia phát ra từ đâu. Và cái nhà tranh trên phố Hồ Xá trở nên bí hiểm linh thiêng chẳng kém gì cái am thờ trong Sở cao su người Pháp...

Có ai trả lời được mình trưởng thành từ lúc nào không? Tôi cũng không thể nói cái làng tôi bứơc ra giữa nhịp đời văn minh từ khi nào, những gì nhớ được và kể lại được chỉ là những ấn tượng không thể phai trong ký ức cá nhân tôi mà thôi.
Hình như bắt đầu bằng những điệu múa. Chao ôi, những điệu múa sao mà ngây ngô và dễ thương làm vậy! Tất cả xếp thành một vòng tròn, hát đi hát lại một đoạn lời:

"Nhờ ơn có đảng
Vung tay phát động
Nhà nông chúng ta
Cố gắng tăng gia
Đêm thờ đấu tranh
Ngày ra sản xuất..."
Cứ thế vừa đi vừa múa. Nói cho đúng không phải là múa mà là nhại lại mấy động tác gieo mạ, cấy gặt rồi gánh lúa về. Có thế thôi mà chị hàng xóm cạnh nhà tôi vì không có tốp nào cho đứng chung vào để đi vòng tròn đã khóc ròng rã suốt một đêm. (Bây giờ nhờ trời chị ấy đã thành mẹ của sáu đứa con, có ba là quân nhân cách mạng). Mỗi lần về làng tôi vẫn gặp chị, và không sao quên được cái lần chị khóc vì không được múa. Cái cô gái thiếu niên ngây ngô ấy và bà mẹ chiến sĩ hôm nay, một dấu gạch nối của thời gian thật kinh hoàng dữ dội

Cái dấu gạch nối ấy được chia trọn ra ba phần bằng nhau, y như một sự sắp xếp trọn vẹn của lịch sử.

Nhà thờ Sađi của Ba Tư có 30 năm để học, 30 năm đi thực tế và còn đúng 30 năm cuối đời để viết dưới vườn hồng. Làng tôi có 10 năm để sống đẹp như tuổi dậy thì con gái, 10 năm vật lộn đến tận cùng sức lực với bão táp chiến tranh và còn lại đến hôm nay là chẵn 10 năm để ngẫm nghĩ.
Làng tôi và tất cả các làng quên hẻo lánh khác của Vĩnh Linh bước vào nhịp điệu cuộc sống mới không phải là những cô gái nhà quê ra tỉnh, mà là những cô tấm lam lũ, bần hàn bước về chốn Hoàng cung lộng lẫy. Mười năm xây dựng hòa bình có là bao so với chuỗi dài năm sáu trăm năm trước đó. Những cô gái nhà quê Vĩnh Linh không phải chỉ biết soi gương chải tóc mà có thể nói là đủ tư thế cho bao chàng trai Bác Hà xiêu lòng. Xin đừng cho là quá lời, tôi có thể nói ngay vài dẫn chứng. Đội tuyển bóng chuyền nữ Vĩnh Linh đã làm hoang mang các tuyển thủ mạnh nhất miền Bắc. Đấy là năm 1963. Cũng năm ấy, huy chương vàng bắn súng cũng thuộc về một cô gái Vĩnh Linh sau khi đánh bại tuyển thủ Quảng Ninh ỏ vòng chung kết. Cũng năm ấy, cả hai đội tuyển học sinh giỏi Văn và Toán của Ty giáo dục Vĩnh Linh đã làm cho học sinh phổ thông toàn miền Bắc ngẩn ngơ kinh ngạc. (Đội toán giải nhất, đội văn giải nhì). Ôi, cái năm 1963 thực kỳ diệu! Năm đó Trần Đức Vận đang tốt nghiệp cấp I. Tôi đi nhận phần thưởng học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc gặp anh- lúc ấy là một cậu bé đen điu thấp lùn- cũng đến nhân giải thưởng hoc sinh giỏi toán lớp bốn của khu vực Vĩnh Linh. Và hai mươi năm sau, tôi đến gõ cửa phòng riêng của vợ chồng anh tại khu tập thể trường Đại học ngoại ngữ Hà Nội. Chúng tôi nhận ra nhau mà cũng gần như không nhận ra nhau. Tôi trong bộ quần áo lính của hai mươi năm quân ngũ; anh- nhà toán học trẻ tuổi nổi tiếng vào cỡ hiếm có của thế giới ngày nay.
Rồi, tất cả vóc dáng đẫy đà lực lưỡng ấy, tất cả tâm hồn rào rạt đắm đuối ấy lao ầm vào một cuộc chiến tranh một mất một còn với tên Đế quốc lớn nhất loài người. Làng tôi là một trong những trọng điểm của "pháo đài bay không lồ- B52". Tôi nhớ, những ngày tháng 7 năm 1967. Lúc ấy, tôi đang đóng quân ở một làng cạnh làng tôi, nhìn về xóm nhỏ của mình chỉ thấy ngập trời màu đỏ của lửa than và bụi đất. Đầu tiên là những mái nhà bốc lửa, rồi đến những lũy tre, những tán mít, rặng dầu sở, cuối cùng là cỏ. Cỏ tranh cháy rần tật, cỏ mật cháy ngậm ngùi. Một thời hồi xuân của làng tôi đã cháy. Những lối mòn nhân hậu, những thói quen cộng đồng, cả những bảo thủ, hủ tục cũng cháy nốt. Những năm đó đố tìm thấy một bình hương , một bàn thờ, bói cũng chẳng tìm ra một lời khấn vái... Chim chóc bay đi, ong vàng ong mật cũng lánh đi; gà rừng vắng dần đã đành, gà nhà cũng thực hiếm hoi mới nhìn thấy. Đến lượt người già, phụ nữ, trẻ con cũng đi sơ tán ra phương Bắc. Làng tôi trần sùi đàn ông và đất đỏ. Làng lặn sâu xuống địa đạo. Làng cất tiếng hát giọng trầm, tiếng hát của loại cung bậc thâm trầm nhất trong giàn nhạc, cung bậc của gân bắp và sâu thẳm cõi lòng. Cứ thế làng tôi đi qua mười năm nữa, cộng mười năm mượt mà trước đó để có chẵn cái tuổi thanh niên. Hai mươi năm ngọt bùi nghĩ cũng chẳng ai bằng, đắng cay kể cũng chẳng mấy ai sánh được. Nghĩ cho cùng đời một con người có được một khoảng vài chục năm sống hết mình như vậy thì còn phải nuối tiếc điều chi! Nhưng đây lại không phải là chuyện của một đời người. Tuổi của đất của làng dài lắm. Hai mươi năm đâu có bõ bèn. Hôm nay, ngày mai, mai nữa, làng mình sẽ ra sao?

Một bạn văn của tôi thật chân tình, thật tâm đắc đã hỏi tôi: "Tại sao anh lại cứ bám mãi vào cái làng xưa của anh như thế? Có gì chỗ đó mà viết mãi?".
Tôi có thể trả lời với bạn thật dài dòng, cũng có thể trả lời rất gắn gọn. Dài dòng là những chuyện trên dưới nghìn trang. Ngắn gọn là: chỗ đó có tôi.
Tôi trở về lang với tư cách một người đồng thời với cái gạch nối thời gian hai mươi năm ấy. Có lúc tôi cất vang tiếng gọi giữa làng xưa mà nghe mất hút hồi âm của mình. Cái làng đồi đất đỏ cao nhất huyện Vĩnh Linh ấy đã có nhiều sự đổi dạng. Người ta đổ dần ra phía thị trấn, đổ tràn ra dọc theo trục đường Quốc lộ. Lại nghe đồn rằng chẳng bao lâu nữa, cái vùng đất đỏ ấy sẽ được nhập vào một nông trường lớn để trồng cao su...Người hớn hở nghĩ đến ngày mình được thành công nhân Nhà nước, tự mường tượng ra ngày cao su bạt ngàn phủ kính màu đất đỏ, nhựa trắng loang lỗ thân cây. Cả cái bệ làng xưa sẽ ứa dâng tràn trề tìên của! Người lại ngậm ngùi nhớ lũy tre xưa, nhớ cái nhịp điệu kẽo cà kẽo kẹt mỗi khi nồm lên, nam tới. Một nửa số nhà dời đi, một nửa số nhà vẫn âm thầm nằm lại: Tôi mang trong lòng cả hai nỗi niềm ấy. Làng tôi bỗng nhiên thưa thớt những nếp nhà, nhưng lại bộn bề tính toán trăn trở. Cả người đi, cả người ở lại, ai cũng ngổn ngang lo liệu cho tương lai. Giọng hát ru bây giờ xem chừng cũng vội vàng tất bật như làm ruộng khoán. Một gốc cây lưu niên cắm xuống vườn không còn vẻ trầm tư đĩnh đạc như thuở nào mà nhấp nhổm phập phồng trong mọi dự án khoanh vùng tương lai. Biết làm sao khác được. Làng sinh ra đã lâu, thậm chí là đã quá lâu, nhưng ngỡ như bây giờ mới thật sự tới tuổi thành niên, sắp chọn ngành chọn nghề, sắp lấy chồng, sắp ăn riêng lập nghệp. Làng tôi đã khôn ngoan lên. Đứa con khôn lên thường không chịu nằm trong nôi. Tuy vậy, người có nghĩa là người khi đã trưởng thành vẫn cầm chặt tao nôi ru cho con cháu mình được yên lành giấc ngủ.

Nghĩ vậy, mà tôi trở về làng. Tôi sẽ ở lại với người ở lại và cùng đi với ai ra đi. Tôi sẽ viết bài báo tuyên truyền hùng hồn cho cái nông trường cao su kia và viết đôi dòng lục bát về câu ra khàn khàn của bà già hàng xóm mỗi khi gió lào xao xác. Bởi một lẽ đơn giản là, cái nông trường bạt ngàn kia thì chưa hiện hình mà bà gìa nhà bên thì đã khuất. Mủ cao su còn lâu mới làm bạn với làng còn câu ru thì hiện thời côi cút. May mà cũng còn kịp. Trong tôi, trong anh, trong bao nhiêu người nữa vẫn còn nguyên vẹn những mảnh làng . Những mảnh làng cứ vằng vặc sáng trong tâm thức mỗi người trên con đường đi tới một cộng đồng vĩ đại hơn: Tổ quốc và no ấm. Tôi nghĩ thế và tôi tin như thế, anh bạn văn tâm đắc ạ. Vì vậy mà tôi lại trở về làng.

Vĩnh Linh- 1978

Nguồn: http://www.xuanduc.vn/baiviet.aspx?id=366&nhom=3


READ MORE - Xuân Đức

Phan Văn Dật

Bình Luận Văn Học

Phan Văn Dật

Hoài Thanh - Hoài Chân



Sinh ngày 17-8-1909 ở làng Phú Xuân, huyện Hương Trà (Thừa Thiên). Chánh quán: làng Đạo Dầu, phủ Triệu Phong (Quảng Trị). Học trường Quốc học Huế đến đậu thành chung. Hiện làm thư ký ngạch trước bạ Huế.

Viết văn từ 1924, đến 1927 có đăng Nam Phong, Thần Kinh, Rạng Đông, (ký Tiêu Lang và Thường Nga Phố).

Đã xuất bản: Bâng Khuâng (1935).


Hồi tháng 12-1935 tôi có viết trên báo Tràng An một bài về quyển Bâng Khuâng. Nay xem lại thơ Phan Văn Dật cảm tưởng vẫn không khác xưa. Vậy xin trích mấy đoạn chính trong bài thơ ấy.

Trong làng thơ, Phan Văn Dật thuộc về phái thanh niên. Nhưng có lẽ thanh niên vì tuổi hơn vì thơ. Giữa lúc ấy một luồng không khí mới thúc giục người ta thoát ly gia đình, Phan Văn Dật đã dám ca tụng cái tình cha con, anh em; sách của người, người đề tặng song thân, tưởng ngày nay cũng là một điều ít có.

Những điều người mơ ước cũng giống hệt những điều mơ ước của các cụ ta ngày xưa: một cuộc đời bình dị nơi thôn dã. Tôi thấy ở người cái lòng chán nản, hơn nữa cái lòng căm giận những nơi đô hội. Mối hận dài trong thơ Phan Văn Dật sẽ chẳng là cái hận của Dương Quý Phi bị hy sinh vì lẽ nước, nó là cái hận một người đàn bà bị sức quyến rũ của thành thị cướp mất chồng con. Nguyễn Nhược Pháp với tập "Ngày xưa" đã nhìn vào cảnh vật xưa bằng con mắt một người thời nay, Phan Văn Dật với tập "Bâng khuâng" đã nhìn cảnh vật ngày nay sau bức màn một tâm hồn xưa.

Giữa cuộc đời náo động, người ngoảnh mặt làm ngơ và tự tạo cho mình một thế giới riêng, một thế giới lặng lẽ đầy mơ mộng. Cuộc đời như thế ắt sẽ bằng phẳng vô sự. Nhưng chỉ vô sự đối với những con mắt không tinh. Thực ra trong lòng thi nhân không phải là vô sự: thi nhân không thiết chuyện hằng ngày nhưng vẫn luôn luôn sống với một cuộc đời đã qua rất phong phú:

Tôi không hay hưởng cùng cái hiện tại.
Hững hờ, tôi thường để nó đi qua.
Chuyện ngày nay sau tôi sẽ xót xa,
Tôi chỉ tiếc những giờ không trở lại.

"Những giờ không trở lại" đó, Phan Văn Dật nhắc đến một cách âu yếm. Nào những mối tình xưa, xa hơn nữa, những cảm hoài thời thơ ấu, những khi nô đùa với những trẻ con hàng xóm, những khi anh em dắt tay nhau vơ vẩn trong vườn:

Vào buổi bình minh, năm ấy xưa,
Trong vườn đào lý, phủ sương mờ,
Dắt tay hai trẻ tìm hoa rụng,
Mơ chuyện thần tiên, nghĩ vẩn vơ
.

Những cảnh ấy đã qua trong đời mình có khi thi nhân để lẫn với những cảnh đã qua mấy mươi năm đời trước. Nhân biệt một người bạn, Phan Văn Dật đã thay lời người đàn bà xưa tiễn chồng đi lính viết lên những câu nhịp nhàng và cảm động. Nỗi buồn riêng ấy của thi nhân còn khiến người nghĩ liên miên đến những nỗi đau đớn của người xương phụ cùng cái ngao ngán vì mọi cuộc tang thương.

Nói cho đúng, thi nhân chẳng phải hoàn toàn sống trong cảnh xưa cảnh mộng và cái thế giới chung quanh tuyệt không có trong con mắt thi nhân. Người cũng biết say vì cảnh đẹp thoáng qua trước mắt. Có lúc bỗng sực nhớ mình là một trai trẻ đương tuổi yêu, nghệ sĩ nắn mấy vần thơ:

Ca ngợi tình yêu, vẻ đẹp em,
Lời thơ réo rắt tôi săn tìm.
Cậy người mang tặng cho em đọc,
Em để vào ngăn em chẳng xem.

Thì xưa nay vẫn thế!

Thơ Phan Văn Dật không rực rỡ không réo rắt, không hùng tráng, khong làm tha bồi hồi ngây ngất, nhưng vẫn khiến ta ưa đọc: nó là những vần thơ dễ thương. Ta không cảm phục mà ta lưu luyến, cũng như ta lưu luyến đất Kinh đô là nơi quê hương của thi nhân. Người yêu văn sẽ xem thi nhân như bạn nếu không thể xem như thầy.

Chính Phan Văn Dật cũng không muốn làm thầy ai. Người vốn biết:

Sự hoàn toàn tìm kiếm chỉn thêm hoài.
Ngọc lành là chuyện nói mà chơi,
Chớ kể ngọc nào không có vết!

Tháng 12-1935

Nguồn: Thi Nhân Việt Nam

www.suutap.com/default.asp?id=1247&muc=5 - 23k -

Một tác phẩm của Phan Văn Dật

Tiễn đưa

(Lời một người đàn bà xưa đưa chồng đi lính)



Ngày mai chàng lên đường,

Thân gió bụi tuyết sương,

Tối nay còn với thiếp

Xin cạn chén quỳnh tương.

Chàng mặc áo nhung này,

Thiếp vì chàng mới may,

Thiếp dù xa chân ngựa,

Tơ lòng theo chàng bay.

Đừng nghĩ đến ngày mai!

Hôm nay biết hôm nay,

Thiếp đây mà chàng đó,

Chừng ấy là đủ rồi.

Ngày mai chàng ruổi xa,

Mặc kẻ nước mắt sa,

Yên ngựa rong đường thẳng.

Thức dậy lúc canh gà.

Ngày mai khi chàng về,

Thiếp dù chống gậy lê,

Xin vì chàng dâng rượu,

Tình xưa, cạn chén thề.

Rồi bên chàng có thiếp,

Giấc hoà cùng thiêm thiếp.

Yêu nhau đến trăm năm

Phong trần cho bõ kiếp.

19.10.1927

Nơi xuất bản: NXB Văn học - 2006

http://www.cinet.gov.vn/vanhoa/vanhoc/vh-vietnam/tacgia/20/tho/thothang1/d/phanvandat.htm
READ MORE - Phan Văn Dật

Chế Lan Viên




Tiểu sử và văn nghiệp

Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh năm 1920 tại Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị.

Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành Chung thì thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Có thể xem đây là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của nhà thơ.

Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, có lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của "Trường Thơ Loạn". Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn sáng lập ra "Trường Thơ Loạn" được gọi là nhóm "Bàn thành tứ hữu" của Bình Định.

Quách Tấn, Nguyễn Đình, Chế Lan ViênNăm 1939 ông ra học tại Hà Nội, sau vào Sài Gòn làm báo rồi ra Thanh Hóa dạy học. Năm 1942 ông cho ra đời tập văn "Vàng Sao", tập thơ triết luận về đời với mầu sắc siêu hình, huyền bí.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia phong trào Việt Minh tại Quy Nhơn, sau ra Huế tham gia Đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh, viết bài và làm biên tập cho các báo Quyết thắng, Cứu quốc, Kháng chiến. Phong cách thơ của ông giai đoạn này cũng chuyển dần về trường phái hiện thực. Tháng 7 năm 1949, trong chiến dịch Tà Cơn-đường 9 (Quảng Trị), Chế Lan Viên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương[2].

Năm 1954, Chế Lan Viên tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo "Văn học". Từ năm 1956 đến năm 1958, ông công tác ở Phòng Văn nghệ, Ban tuyên huấn Trung ương và đến cuối năm 1958 trở lại làm biên tập tuần báo "Văn học" (sau là báo "Văn nghệ"). Từ năm 1963 ông là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban thư kí Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các khóa IV, V, VI; Ủy viên Ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội.

Sau 1975, ông vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 19 tháng 6 năm 1989 (tức ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Tỵ) tại Bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, thọ 69 tuổi. Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Chế Lan Viên là bố của nhà văn Phan Thị Vàng Anh.

Nguồn: vi.wikipedia.org/


Thu (I)



Chao ôi! Thu đã tới rồi sao ?
Thu trước vừa qua mới độ nào!
Mới độ nào đây, hoa rạn vỡ,
Nắng hồng choàng ấp dãy bàng cao.

Cũng mới độ nào trong gió lộng,
Nến lau bừng sáng núi lau xanh.
Bướm vàng nhẹ nhẹ bay ngang bóng
Những khóm tre cao rũ trước thành.

Thu đến đây! Chừ, mới nói răng ?
Chừ đây, buồn giận biết sao ngăn ?
Tìm cho những cánh hoa đang rụng,
Tôi kiếm trong hoa chút sắc tàn!

Trời ơi! Chán Nản đương vây phủ.
Ý tưởng hồn tôi giữa cõi Tang!





Xuân


Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,
Ðem chi xuân lại gợi thêm sầu ?
Với tôi, tất cả như vô nghĩa,
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

Ai đâu trở lại mùa thu trước ?
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng,
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây đem chắn nẻo xuân sang.

Ai biết hồn tôi say mộng ảo ?
Ý thu góp lại cản tình xuân.
Có một người nghèo không biết Tết,
Mang lì chiếc áo độ thu tàn.

Có đứa trẻ thơ không biết khóc,
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran.
Chao ôi mong nhớ, ôi mong nhớ,
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn!


Xuân về


Pháo đã nổ đưa xuân về vang động
Vườn đầy hoa ríu rít tiếng chim trong
Cỏ non biếc, giãi mình chờ nắng rụng
Bên lau già, theo gió uốn lưng cong

Đôi bướm lượn. cánh vương làn sương mỏng
Chập chờn bay đem phấn điểm muôn hoa.
Cất tiếng hát ngây thơ trên cỏ rộng,
Đàn chim khuyên đua nhặt ánh dương sa.

Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ
Vài quả xanh khảm bạc hớ hênh phô,
Xoan vươn cành khều mặt trời rực rỡ,
Bên bóng râm lơi lả nhẹ nhàng đu.

Đây tà áo chuối non bay phấp phới
Phơi màu xanh lấp loáng dưới sương mai
Đây, pháo đỏ lập lòe trong nắng chói
Đây hoa đào mỉm miệng đón xuân tươi.

Nhưng lòng ơi sao không lên tiếng hát
Nhớ làm chi cảnh cũ những nghìn xưa
Lòng hỡi lòng! Kìa trời xuân bát ngát
Muôn sắc màu rạng rỡ dưới hương đưa

Hãy bảo ta: cành hoa đào mơn mởn
Khòng phải là khối máu của dân Chàm
Cành cây thắm nghiêng mình trong nắng sớm
Không phải là hài cốt vạn quân Chiêm!

Quả dừa xanh không phải đầu chiền sĩ,
Xác pháo rơi không phải thịt muôn người.
Hãy bảo ta: trời xuân luôn vui vẻ
Và bảo ta: muôn vật đợi ta cười.

Ta những muốn vui cười, ta những muốn
Dẹp sầu tư, ca hát đón xuân tươi

Nhưng, than ôi, xuân về trong nắng sớm
Mà lòng ta, đông lạnh giá băng thôi!




Hoa tháng ba


Tháng ba nở trắng hoa xoan
Sáng ra, mặt đất lan tràn mùi hương
Không em anh chẳng qua vườn
Sợ mùi hương... sợ mùi hương nhắc mình!




Thu (II)


Thu sang chơi! Vườn nghe có thu sang
Với cũ hoa phai, với cũ lá vàng
Ngày chừng buồn! Đêm chừng lên vội lắm
Cửa một lần - hơn ngàn phương phẳng lặng

Bỗng mang buồn đến khắp trước song thưa
Bỗng rộng trời thêm. Thu bỗng mờ mờ
Không còn nghe! Đàn tơ run màu sắc
Thanh âm tươi; đìu hiu trời cung bậc.

Vì qua đây, cất dậy, giữa xanh chiều
Đôi linh hồn đông lạnh phím cô liêu

Sương đã xuống, bụi chừng lên trong nhạc
Líu gặp lại, cổng mòn đi, gầy rạc
Điệu hò trầm: không gian hiện nên người
Lung linh về, chực khóc ở bên tai...

(Bình Định, 20-8-1939)




ĐỌC THÊM

THƠ Chế Lan Viên

Chế Lan Viên, Phạm Xuân Nguyên

Chế Lan Viên, Phạm Khải

Chế Lan Viên, Vương Trí Nhàn

Chế Lan Viên, Vũ Quần Phương 1

Chế Lan Viên, Vũ Quần Phương 2

Chế Lan Viên, Trần Hưng Nguyên

Bỏ trường mà đi, Chế Lan Viên

Quảng Trị trong thơ Chế Lan Viên, Huỳnh Văn Hoa

THƠ CHẾ LAN VIÊN, THI CA.NET
READ MORE - Chế Lan Viên

Phan Thị Vàng Anh




Tiểu sử

Phan Thị Vàng Anh, còn có bút danh là Thảo Hảo, là một nữ nhà văn và nhà thơ Việt Nam, sinh ngày 18 tháng 8 năm 1968 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Y khoa Thành phố Hồ Chí Minh năm 1993, hiện sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1996. Năm 2005, bà được bầu làm ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 7. Bà là con gái của nhà thơ Chế Lan Viên và nhà văn Vũ Thị Thường.

Nhà văn Nguyễn Khải từng khen Phan Thị Vàng Anh một câu ngắn: "Nguyễn Huy Thiệp mặc váy".

Các tác phẩm chính

* Khi người ta trẻ (tập truyện 1993) (đã được dịch và xuất bản tại Pháp với tên Quand on est jeune)
* Ở nhà (truyện vừa, 1994)
* Hội chợ (tập truyện, 1995)
* Nhân trường hợp chị thỏ bông (tản văn dưới bút danh Thảo Hảo)
* Gửi VB (tập thơ, 2006)
* Trong phường Thành Công, có làng Thành Công (phim tài liệu)



Cảm xúc lần đầu tiên


Đoạn thơ dưới đây từng được đưa vào sách giáo khoa tiếng Việt Lớp 1 của Việt Nam.

Sáng nay con vào lớp mẹ
Học trò tíu tít gọi cô
Lần đầu tập làm cô giáo
Con như đang đi trong giấc mơ
Bọn trẻ ngây thơ xinh xắn
Đứa nào trông thật ngoan
Giọng đọc líu lo chim hót
Bình thường mắt ước mơ màng
Hình ảnh cánh buồm mẹ giảng
Đua con tới bến bờ xa
Chuyện của cha con bác ấy
Có gì giống mẹ con ta
Mẹ ơi! Biển xanh quá đỗi
Mịn màng cát trắng dưới chân
Nắng sớm hồng tươi rực rỡ
Mẹ là buồm trắng hoá thân
Con đang dập dềnh giỡn sóng
Lớp mình như biển mênh mông.





Trong Cúc Phương

Đi cả ngày không giáp mặt một con thú
Chỉ những đàn bướm trắng đơn điệu
Bay nhanh nhanh như thôn nữ ngày đi chợ
bị trai trêu

Hoa lít nhít lẫn vào trong cỏ
Muốn ngửi
lại ngại mũi dính đất
Hơi rừng như mật
như kẹo the
như góc phố thuốc Bắc

Tất cả chim hót đều giấu mặt.

2001



Hành trình của cây

Nửa đêm
Cái mầm cây chồi lên từ đất
Lấm lét nhìn quanh rồi nở bung hai lá mầm rất mịn
Trong lành.

Sương, nắng, mưa, gió và tất cả những gì rơi xuống, những gì bao quanh nắn cho thân cây thẳng
Mỗi năm choàng thêm một vòng vân
Cái hành trình khó nhọc được thiên nhiên đánh dấu công bằng
Ghi nhận mơ ước của đời cây là tán.

Mơ ước của đời cây có là gỗ quan tài nổ bừng trong lửa?
Hay trăm năm ẩm áp gói hòm da thịt giữa đất đen?
Khi vươn lên chẳng cây nào nghĩ mình rồi thành giường tủ
Không một thân cây nào uốn mình cho giống hình khung cửa
Kéo rèm.

Mỗi bài thơ tôi tôi giết một ước mơ cây giết đến tận cùng
Thành bột giấy.

4. 2006



Ngày lạnh nhất Hà Nội

Phố nhoen nhoét và mưa van vát
Những chiếc taxi bỗng nhiên trở mặt gọi không dừng lại
Tất cả đàn ông trong hàng thịt chó đều mặc áo đen
Hai đốm lửa – hai cái áo len đỏ một góc phòng nhức mắt
Ngày lạnh nhất
Hôm nay đài báo ngày lạnh nhất.

*

Não đàn bà làm bằng gì mà chỉ nghĩ chuyện tình yêu?
Chụm đầu nghiêm trọng như âm mưu chỉ để bàn về một người đàn ông bé nhỏ?

*

Về thôi
Bóng đèn cuối cùng của chung cư đã cháy
Dò dẫm đi lên những cầu thang ướt như bùn chảy
Cái điện thoại cả tối không một tiếng reng
Trong tay làm một ngọn đèn
Loạng choạng

*

Sao phải chịu mùa đông lạnh nhất ở đây?
Mặc nhiều áo tới nỗi xa lạ với da thịt của chính mình
Phải về nhà thuê chỉ thấy đèn chưa bật
Phải viết nhật ký mỗi ngày chỉ cùng một thắc mắc
Chữ cong queo vì đeo găng?

Nhớ Sài Gòn quá, tựa lưng vào tường mà khóc
Âm thầm thôi, trong đêm chỉ đôi mắt mèo động đậy
Nhớ lúc phong phanh áo mỏng rất gần tim
Nhớ những con hẻm nhỏ ít tiếng nói nhớ những con người lầm lũi...

*

Bước tiếp thôi còn một tầng nữa thôi
Bỗng thấy mình còn sống còn đau còn hạnh phúc
Lại sợ rồi sẽ hết, những ngày này sẽ hết
Hai tiếng nữa thôi, ngày lạnh nhất sẽ qua
Buồn làm sao, chuyện gì rồi cũng thành ấm áp.

PHAN THỊ VÀNG ANH
1. 2005


Đọc thêm

Tuyển tập Phan Thị Vàng Anh

READ MORE - Phan Thị Vàng Anh