Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, May 4, 2023

CƠ TRỜI VẬN NƯỚC: SÙNG TRINH, SẤM VƯƠNG LÝ TỰ THÀNH... - Nguyên Minh ngoại truyện của Chu Vương Miện



Sĩ Nông Công Thương Binh, năm giai cấp này thay phiên nhau mà lãnh đạo đất nước Trung Quốc, sau đó thì thêm một giai cấp mới toanh nữa là giai cấp quan thị, nói nôm na là hoạn quan thái giám, mà nói theo thời hại điện [hiện đại là pêđê], chúng ta cũng không  nên có thành kiến với ai cả, vì quốc gia hưng vong thất phu hưũ trách, đã là công dân thì đều có trách nhiệm ngang nhau, với đất nước, kẻ thì dựng nước, kẻ thì giữ nước, kẻ thì bán nước. Những năm cuối cùng cuả nhà Đại Minh, thì quyền yêu nước thương nòi lọt vào tay Đại thái giám Tào Hoá Thuần, rồi sang tay cho đại công công Nguỵ Trung Hiền. Hai vị này học lóm ở đâu được câu thành ngữ đọc nghe chơi cũng đỡ buồn:

- Thập niên chi kế mạc nhược thụ mộc,
Bách niên chi kế  mạc nhược thụ nhân.
                            [cổ văn Trung Quốc]
- Kế sách 10 năm không gì bằng trồng cây,
Kế sách 100 năm không gì bằng trồng người.
                                       [dịch ra Nôm ngữ]

Hai lão công công này truyền tay nhau một cuốn cẩm nang cuả tiên sinh Bàng Đức Công, quân sư Khổng Minh Gia Cát Lượng và Quân sư Lưu Bá Ôn nghiền ngẫm ngày đêm. Sau cùng thì hai vị tiên sinh đi đến một quyết định, kiến nghị lên vua Sùng Chính mở một buôỉ họp mật Giao Ban Đêm. Các vị có tên như sau: Sấm Vương Lý Tư Thành, Bình tây Vương Ngô Tam Quế, Minh chủ võ lâm Giang Nam Viên Thừa Chí.

Buổi họp được chủ trì bởi vua Sùng Chính đương triều nhà đại Minh, Sấm Vương Lý Tự Thành khởi loạn chiếm 1/3 đất nước, Bình tây Vương Ngô tam Quế, quyền thần thái giám Tào Hoá Thuần, đại Công Công Nguỵ Trung Hiền, giáo chủ Ngũ Độc giáo Hà Thiết Thủ, Minh chủ Võ lâm Giang Nam Viên Thừa Chí. Vua Sùng Chính mở lời khai mạc:
- Cơ trời vận nước, chó đớp nhằm ruồi lên vù vù, chó đớp nhằm gốc cây thơì gẫy răng đứt lưỡi. Có ngừơi lo ăn cho một gia đình, có người lo ăn cho một nước. Chuyện thành hay bại, vinh hay nhục là để sau này bàn dân thiên hạ ở không sẽ luận bàn. Còn ý kiến cuả Trẫm là theo ý kiến cuả các vị khanh gia, trẫm không có ý kiến riêng tư gì cả trong vấn đề này.
Tiếp lời là Sấm Vương Lý Tự Thành:
- Nhà Đại Minh bắt đầu từ Chu Nguyên Chương Minh Thái Tổ đến bây giờ cũng kéo dài trên 290 năm rồi, một triều đại như vậy là number one rồi, mấy năm nay mất mùa đói kém đó là điềm thay đổi chế độ, nên Lý mỗ cũng chuẩn bị tam bang tứ trại, dựa theo thời cơ lòng ngừơi lòng trời, làm một chế độ kế thừa nhà đại Minh, là nhà Đại Thuận [thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn] . Hai vị Công Công đẩy qua đẩy lại cuối cùng thì Tào Hoá Thuần lên tiếng bẩm bạch:
- Thuận thiên giã tồn, nghịch thiên giả vong, trong thiên điạ moị sự đều tuần hoàn, thứ tự từ muà xuân qua muà hạ, muà hạ qua muà thu, muà thu qua muà đông, một năm có ba trăm sáu mươi lăm ngày. Về lịch sử bắt đầu từ nhà Hạ qua nhà Thương, chuyển qua nhà Xác rồi nhà Nghiã Điạ nhân dân, chuyện an cư lạc nghiệp, quốc thái dân an, dân cơm no aó ấm, ai mà chả biết như thế. Vấn đề con ngươì là vấn đề cung cầu, trời sinh voi trơì sinh cỏ, nhưng mà đất đai cằn cỗi quá, không đủ cỏ cho voi ăn thì lại phải giết bớt voi, Thời Đông Châu là thơì đại loạn, cả ngàn nước lớn nhỏ, đánh chác lẫn nhau, cho chết bớt ngừơi đi, rồi thì thu gom lại còn bẩy nước [gọi văn chương là thất hùng]. Sau cùng thì nhà Tần nuốt trọn, giết tùm lum tà la xây Vạn Lý Trừờng Thành cho chết dân bớt đi, dân nhiều quá lấy cái gì mà đút vào mồm vào mõm. Rồi thời Nam Bắc triều nuốt thêm 1/3 đất đai cuả các rợ Phương Bắc, quay đi quẩn lại đến thơì nhà Đường thế kỷ thứ tám đến thứ mười , dân số tăng vọt lên quá nhanh, đến cả gần trăm triệu, sắp đến nỗi nhai cả cỏ mà sống, thì may quá loạn An Lộc Sơn kéo dài ba năm, giết chết toàn bộ trong cả nước là 1/2 [một nửa dân số]. Đến thơì nhà Tống thì dân số lên đến 200 triệu, chiến tranh liên miên từ Liêu qua Kim rồi Mông Cổ, rồi nuốt luôn cả Mông Cổ, Tây Tạng, Tây Hạ. Bây giờ đến nhà Minh mình dân số tăng lên là 300 triệu, không biết sẽ tính làm sao đây? giải pháp nào đây?
Tiếp lời là Bình Tây Vương Ngô Tam Quế:
- Thế này nhá! Bọn Mãn Thanh ở phiá bắc Sơn Hải Quan, tức là dân tộc thiểu số Nữ Chân [Tiên Ty] ở Liêu Đông, Kiến Châu, thường hung hăng con bọ xít, nay đánh nhà Minh, mai đánh nhà Minh. Nhân dịp này, thần mở Sơn Hải Quan cho chúng uà vào xâm lăng nước mình, dân quân toàn bộ lớn bé nước Mãn Thanh này cao lắm là 2 triệu ngừơi, chỉ làm Ấp trưởng, xã trưởng toàn Trung Quốc cũng không đủ người. Mông Cổ thì chỉ cần 90 năm là rửa cẳng con vịt đẹt, mất cha nó cả nước. Mãn Thanh thì cũng khoảng trong thơì gian đó, là xong ngay. Vậy Sấm Vương có hai lựa chọn, nếu nuốt trọn nhà Minh thì không noí làm gì ? Ngựợc lại mà thua thì mang hết quân bản bộ sang Liêu Đông, Kiến Châu chiếm luôn đất cuả nhà Mãn Thanh cho quân lính định cư không cho quân nhà Thanh có chỗ trở về nưã, sống và chết tại Trung Thổ mà thôi!
*
Ngụy Trung Hiền khề khà nói :
- Suy bụng ta ra bụng người, chúng ta cứ nghĩ rằng đầu óc cuả ngừơi Kim bằng gỗ bằng cây khô chắc, chúng ta phải làm như hoả mù, bát môn kỳ trận, cứ lộn tùng phèo cả lên, diện tâm lý thì chúng ta chi tiền cho các văn nhân thi sĩ làm thơ viết văn ca tụng nhan sác Trần Viên Viên lên như mây, để cho mấy thằng tướng quân dê cụ  mê mẩn tâm thần mà mang quân xâu xé đánh lộn đánh lạo, đánh vung xích chó. Bên cạnh đó tam bang tứ trại cùng quần hùng cuả Võ lâm Minh Chủ mang toàn bộ toàn lực, yểm trợ cho Sấm Vương Lý Tự Thành, còn Ngũ Độc giáo cuả Hà Thiết Thủ thì mang toàn bộ giáo chúng 5 tỉnh miền dứơí sông Trừơng Giang yểm trợ tối đa quân triều đình. Trước tiên quân triều đình đánh vơí Sấm Vương, lực lượng triều đình thua từ từ, Sấm Vương nhào qua đánh vơí Ngô tam Quế, quân Ngô Tam Quế đánh cuội một thơì gian rồi giả vờ thua và nhờ quân Mãn Thanh nhập quan cưú bồ, rồi ở lại chặn ngay Sơn Hải Quan, không cho quân nhà Mãn Thanh rút lui nưã, bắt ở lại Trung Quốc mà chờ bị đồng hoá luôn, cho chết luôn. Trong cuộc đại loạn này dân quân đủ thứ chết dùm đi cho một ít càng nhiều càng tốt, càng quí.
Trong lúc cuộc chiến tranh đang tiếp diễn và gây cấn, thì vua Sùng Chính phải theo dõi chiến sự từng ngày, từng giờ, khi mà Sấm Vương Lý Tự Thành chiếm đọat đựợc kinh thành và đăng cơ lên ngôi, lập lên nhà Đại Thuận, cho quân lính ăn cướp thả dàn trong ba ngày ba đêm để cải thiện đời sống, thì lo giải quyết chuyện gia đình cá nhân rồi di tản  ra Môi Sơn tự túc tự tử cho kịp lúc kịp thời, để tránh hiểu sai và hiểu lầm về sau này.
Sau cùng thì Hà Thiết Thủ giáo chủ Ngũ Độc Giáo lên tiếng:
- Bất chiến tự nhiên thành, theo phong thuỷ truyền lại thì từ ngàn xưa trời đất đã ban cho dân Hán cái tài làm chủ thiên hạ, trên thuận vơí trời, dưới thuận với người, cứ chỗ nào có ngừơi và có chó là có người Trung Quốc đến để đặt nền cai trị, đô hộ. Ngay thời Tam Quốc Tiên Sinh Bàng Đức Công đã nhìn thấu, tiếp đến  đồ đệ cuả ngài là Khổng Minh Gia cát Lượng đi tiếp, và sau rốt thì Lưu Bá Ôn nhà Minh hoàn tất, đây là giai đoạn chót cuả kế hoạch, [mã đáo thành công]. Thành ra chúng ta là dân Đại Hán, dù sống hay chết cho đất nước, dù nổi danh như cồn hay vô danh tiểu tốt phải có trách nhiệm trọng đại  này. Cái khổ bây giờ, cái hy sinh trong thơì gian khó khăn khai phá này, mở ra cho  một đất nước phồn vinh thanh bình rạng rỡ ngửa mặt nhìn nhân loại mà cười mà khóc?
 
chuvươngmiện

READ MORE - CƠ TRỜI VẬN NƯỚC: SÙNG TRINH, SẤM VƯƠNG LÝ TỰ THÀNH... - Nguyên Minh ngoại truyện của Chu Vương Miện

NHỚ HUẾ KHÔNG ANH | HOA GẠO THÁNG BA | HẠ - Chùm thơ Phong Nguyễn

 

Nhà thơ Phong Nguyễn

NHỚ HUẾ KHÔNG ANH

   

Xa Huế rồi! Có nhớ không anh

Trời tháng tư đã chừng như hạ

Mưa chiều ni ngó răng là lạ

Bởi cuối mùa nên quá mong manh

Qua tràng tiền em cứ ngó quanh

Biết mô được gặp duyên kỳ ngộ

Như thuở nớ xa rồi mấy độ

Tình cờ thôi em gặp được anh

Buổi làm quen cứ nói loanh quanh

Mười hai nhịp răng cầu cứ ngắn

Bước nhẹ đi sợ chiều tắt nắng

Bóng hoàng hôn phủ kín chân thành

Chia tay anh em bước chẳng đành

Nghiêng nón mãi răng lòng cứ nhớ

Chiều tháng tư nổi buồn vô cớ

Bước chân đi lòng cứ buồn tênh

Xa Huế rồi! Có nhớ không anh

Mùa trăng đợi bên tê Vỹ dạ

Con nước mãi buồn thương đôi ngã

Mặc sóng chao bỏ bến răng đành

Tháng tư về phượng chớm trên cành

Mà dốc đợi Nam giao  cứ vắng

Cư xá ơi! Tình chi mãi nặng

Ngóng tìm mô theo bước lữ hành

Bao năm rồi ngược phía không anh

Đồi thông gió cứ reo biền biệt

Nghe đau lắm tình em đã kiệt

Bốn mùa ơi tóc chẳng còn xanh

Nắng chiều ni cứ ngã vàng hanh

Chao chi lắm đò ơi! Thừa phủ

Khúc hát dạo sông hương ai rủ

Mà người đi mãi bước độc hành...

 

 26-4-2022

 

 

HOA GẠO THÁNG BA

  

Hạ về

cõng nắng qua sông

Đỏ mùa hoa gạo

bên đồng tháng ba

Phượng khoe

mấy nụ cành xa

Chờ con ve dạo

khúc ca giao mùa

Tháng ba

chợt nhớ người xưa

Gió lay tà áo

đong đưa đường chiều

Theo ai

chỉ ước một điều

Chia tay xin nhớ

Ít nhiều cho nhau

 

21-4-2016

 

 

HẠ…

 

Chiều chưa kịp buông lơi

Ngày đã nghe xâm xẩm

Xuân vớt còn lưng nắm...

Hạ ngoe nguẩy đến rồi...

Tháng ba say... mùa gọi

Hoa bưởi rưng rức cười

Tóc phơi đời đã bạc

Đá buồn... lăn lóc trôi

Gió len  chi là lạ

Cứ xào xạc bên hè

Rượu lên tăm sùi sụt

Nhấp môi cười trong mê...

 

10-4-20.

PHONG NGUYÊN

READ MORE - NHỚ HUẾ KHÔNG ANH | HOA GẠO THÁNG BA | HẠ - Chùm thơ Phong Nguyễn

LỜI TỎ TÌNH CỦA CON TIM – Thơ Khê Kinh Kha




 
Lời tỏ tình của con tim
 
anh yêu
xin anh hãy đưa em về thăm quê mẹ
một quê hương hình chữ S
và hơn bốn ngàn năm văn hiến
thăm những con đường đất về làng
những vầng trăng mười sáu
những tiếng gàu tát nước trong đêm
những thành phố, những tà áo, những tóc dài
những dòng sông, những ruộng vườn
những cánh đồng lúa chín
những rừng lá Trường Sơn
đứng giữa đèo Hải Vân
nhìn cánh mây chiều theo gió qua đèo
ngắm sóng Thái Bình Dương
để nhớ mắt ai trong
 
anh yêu
anh hãy đưa em về thăm quê mẹ
một quê hương của giống nòi Rồng Tiên
em sẽ đi thăm từng ngôi mộ
và đốt nén nhang để tạ ơn
bao chiến sĩ đã hy sinh cho tổ quốc mến thương
em sẽ đọc lại từng trang sử oai hùng của Nguyễn, Trần, Lê, Lý
em sẽ ngâm lại từng câu thơ Kiều lả lơi như cánh bướm
những câu ca dao trong tiếng mẹ ru
em sẽ thả những cánh diều giữa trưa hè hanh nắng
ngồi bên hiên nhà xưa của mẹ cha một thuở yêu nhau
để nghe những giọt mưa rơi xào xạc trên mái rơm
em sẽ trồng lại những cây nhãn cây xoài cho ngoại
những cụm hẹ, rau húng và vườn rau cải cho mẹ
giàn hoa bìm bịp cho đứa em gái nhỏ
chậu lan cho ba
và cây bưởi cho anh
để anh hái những bông hoa bưởi vừa mới nở
kết vào mái tóc buông dài của em
và để được nghe anh đọc câu thơ tình thuở mới yêu em
“hoa bưởi này anh tặng em
hoa trắng thơm nồng như tình đôi ta”
 
anh yêu
hãy đưa em về thăm quê mẹ Việt Nam
dù quê hương mình giờ đây quá nghèo đói
dù quê hương mình giờ đang bị ngoại xâm cướp đất
dù mẹ cha đã qua đời
dù ruộng vườn bỏ hoang
dù bao thiếu nữ tha hương theo chồng
dù bao người yêu nước phải ngồi tù
dù bạo tàn vẫn đè nặng trên vai dân lành
dù bao em thơ bỏ trường đi lượm rác
dù chị đã hủy hại đời mình ở xứ Hàn
dù anh đã chết vì nhiễm bô xít
dù cô dì chú bác đã lưu lạc muôn phương
xin cũng đưa em về thăm quê mẹ anh nhé
để em được một lần trong đời
cúi hôn lòng đất quê hương mến thương
quê hương Việt Nam
Việt Nam của em
Việt Nam của anh
Việt Nam của Tiên Rồng
 
Khê Kinh Kha

READ MORE - LỜI TỎ TÌNH CỦA CON TIM – Thơ Khê Kinh Kha

TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (9a) - Nguyên Lạc

                                   (Kỳ 9a)



VI. COGNAC – ĐỆ NHẤT MỸ TỬU
“Mỹ tửu khó kiếm – Mỹ nhân dễ tìm”
 
Xin được sơ lược lại vài hàng về rượu Brandy, rồi sau đó chúng ta tìm hiểu rõ về “đệ nhất mỹ tửu” Cognac, tôn vinh nó để làm đẹp lòng các tửu sĩ thuộc môn phái Cognac (Cỏ-nhắc).
 
1. Rượu Brandy
Rượu Brandy là tên gọi chung của các loại rượu mạnh (spirit) có 35-60 độ cồn (70-120 proof của Mỹ). Rượu Brandy là loại rượu được chưng cất (distill) từ các loại nước ép trái cây đã lên men, chủ yếu là nho, táo và các loại trái cây khác; rồi sau đó ủ trong thùng gỗ sồi (ít nhất là hai năm) để lên tuổi rượu.
Quy trình sản xuất rượu mạnh Brandy thay đổi từ loại này sang nhà máy chưng cất khác. Nhưng quá trình chỉ quy lại có bốn bước cơ bản như sau:
– Đầu tiên, nước ép trái cây được lên men, sau đó được chưng cất thành rượu.
– Khi quá trình chưng cất hoàn tất, quá trình ủ bắt đầu. Bước này là chìa khóa để phân biệt cả chất lượng và chủng loại của rượu brandy.
– Bước tiếp đến là pha trộn rượu
– Cuối cùng là đóng chai, dán nhãn hiệu
Phần lớn các loại brandy được đóng chai ở mức 40% độ cồn (khoảng 80 proof của Mỹ).
 
2. Về rượu Cognac brandy

Rượu Cognac là loại rượu Brandy, chúng được chưng cất từ trái nho trồng và thu hoạch tại vùng Cognac thuộc tỉnh Charente, nước Pháp. Tên của vùng trồng nho và chưng cất rượu được lấy đặt tên cho rượu.
Nhiều người lầm tưởng là rượu Cognac và Brandy là hai loại rượu khác nhau. Thực sự chúng chỉ là một: Rượu Cognac là một nhánh của loại rượu Brandy.
Theo luật hiện hành của nước Pháp, để chai rượu được mang nhãn hiệu Cognac, phương thức sản xuất trong việc chưng cất rượu phải theo đúng các yêu cầu pháp lý đặt ra, để đảm bảo chất lượng không đổi cho một sản phẩm đã được sản xuất ra hơn 300 năm qua.
Nước rượu phải được làm từ một số loại nho nhất định; trong số này có Ugni Blanc, được biết đến với cái tên địa phương là Saint-Emilion, là loại nho được sử dụng rộng rãi vào ngày nay. Nước rượu phải được chưng cất hai lần trong các bình chưng cất bằng đồng và được ủ ít nhất là 2 năm trong các thùng gỗ bằng loại gỗ sồi (oak) của Pháp từ vùng Limousin hay Tronçais.

2.1. Quy trình sản xuất Cognac
 
Rượu Cognac được làm từ eaux-de-vie (water of life – nước của sự sống, hay còn gọi nôm na là nước sinh thủy), tinh chế bằng cách hai lần chưng cất rượu.
– Chưng cất rượu
Chưng cất rượu được làm từ các bình bằng đồng có dáng kiểu Charentais, hay còn được biết đến dưới cái tên Alembic. Kiểu dáng và kích thước của các bình chưng cất này cũng được kiểm soát theo đúng tiêu chuẩn định ra. Rượu phải được chưng cất hai lần, và sản phẩm tạo thành được gọi là eau-de-vie không màu và có nồng độ Alcohol lên đến 70%.
– Ủ Rượu
Sau khi được chưng cất xong, rượu phải được ủ (Aging) ít nhứt là 2 năm trước khi được gọi là rượu Cognac và đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Sản phẩm sau cùng là loại rượu có nồng độ 40% Alcohol (80 proof của Mỹ) và phần còn lại là nước lọc tinh khiết và nước đã được chưng cất.
– Pha trộn rượu
Tuổi của rượu Cognac được tính bằng tuổi thấp nhứt của nước rượu eau-de-vie được sử dụng để pha trộn ra rượu (Blending). Các nước rượu này thường có tuổi rượu khác nhau và (trong trường hợp các nhà sản xuất rượu loại lớn) có thể từ các khu vực khác hơn. Nước rượu pha trộn này, từ nhiều loại nước rượu eau-de-vie rất quan trọng trong việc tạo thành vị của rượu. Mỗi nhà sản xuất rượu có một chuyên gia chuyên nếm rượu (Master Taster hay Maître de Chai), người nếm rượu này chịu trách nhiệm trong việc tạo ra nước rượu hòa trộn để đạt được một chất lượng của rượu không đổi theo thời gian, hay nói cách khác đi, một loại rượu Cognac ra lò hôm nay không khác loại rượu đã ra lò cách đây 50 năm. Một số nhỏ các nhà sản xuất rượu, như Guillon Painturaud và Moyet, không pha trộn sản phẩm của họ từ các nước rượu eaux-de-vie có độ tuổi khác biệt nhằm tạo thành một loại sản phẩm tinh khiết hơn theo vị rượu. Hàng trăm nhà vườn trồng nho tại vùng Cognac AOC bán ra sản phẩm rượu Cognac với tên riêng của họ. Các loại rượu này được pha trộn từ các nước rượu eaux-de-vie với tuổi rượu khác nhau, nhưng từ cùng một vườn nho, và chúng có vị khác nhau theo từng năm tùy theo vị nếm rượu của nhà sản xuất, và do đó không nổi danh như các sản phẩm thương mại. Tùy theo phương thức khuyến mãi của họ, các nhà sản xuất nhỏ có thể bán phần lớn hoặc nhỏ sản phẩm của họ cho người tiêu dùng, chủ vựa rượu, các quán Bar hay nhà hàng, và phần còn lại được các nhà sản xuất rượu Cognac lớn hơn mua lại để pha trộn.
– Đóng chai, dán nhãn hiệu
Phẩm lượng của các loại rượu Cognac được định theo các chỉ tiêu sau đây (từ cơ quan Bureau National Interprofessionnel du Cognac – BNIC).
Các tên phân loại rượu này thường được thấy trên nhãn hiệu của các chai rượu:
 
Trên nhãn rượu, trước hết là tên của hãng làm rượu. Theo tác giả Alec Waugh, tại Cognac có 8 hãng được liệt vào hàng nổi tiếng quốc tế. Đứng đầu “Cỏ-nhắc bát đại gia” này là Hennessy, 7 hãng còn lại là (theo thứ tự ABC) Bisquit, Courvoisier, Delamain, Hine, Martell, Otard và Remy Martin.
Kế tiếp là thứ hạng của rượu. Trái với một số tài liệu (không chính xác) viết về cognac, việc ghi thứ hạng trên nhãn rượu không bị ràng buộc bởi bất cứ luật lệ nào của nhà chức trách, mà các hãng muốn ghi thế nào tùy ý. Tuy nhiên cũng có những thông lệ được đa số các hãng lớn nhìn nhận, theo đó rượu cognac được phân hạng bằng sao và mẫu tự.
 
* Sao: 3 sao là rượu được ủ trong thùng 5 năm; 4 sao là rượu được ủ 6 năm; 5 sao là rượu được ủ 7 năm, có khi lên tới 10 năm.
 
* Mẫu tự:
– V.S. (Very Superior, có sách nói mẫu tự S là viết tắt của chữ Special): là loại thấp nhất, tương đương với 3 sao. Cũng có hãng ghi là V.O. (Very Old)
– V.S.O. (Very Superior Old): trên V.S. một bậc, tương đương với 4 sao.
– V.S.O.P. (Very Superior Old Pale): trên V.S.O. một bậc, tương đương với 5 sao. V.S.O.P. là hạng cognac phổ biến nhất, và bốn mẫu tự này đã được dân uống rượu “chế” thành những vẹc-xông khá thú vị; chẳng hạn “Verser Sans Oublier Personne”: rót không được quên một người nào, hoặc “Vendu Sous l’Ordre de Palais”: Chỉ được bán theo lệnh của triều đình!
– Napoleon: trên V.S.O.P. một bậc. Lưu ý: chữ “Napoleon” ở đây là thứ hạng của rượu cognac chứ không phải tên một loại rượu brandy rẻ tiền khá phổ biến (cũng của Pháp), nhái theo để mập mờ đánh lận con đen. Thường thấy nhất là các chai Courvoisier Napoleon, Remy Martin Napoleon, riêng hãng Martell không dùng chữ Napoleon mà dùng chữ Cordon Bleu. Thông thường, hạng rượu này được ủ ít nhất 15 năm.
– X.O. (Extra Old, cũng có sách viết là Extraodinary: ngoại hạng), thường được ủ từ 25 năm trở lên.
Cũng như chữ “Napoleon”, hai mẫu tự X.O. đã bị các hãng rượu brandy mượn đỡ để đặt tên cho rượu “xịn” dổm của họ.
– X (Extra) là loại cognac tối cao, được mỗi hãng đặt tên riêng, sản xuất rất hạn chế, trên mỗi chai đều có đánh số thứ tự. Thí dụ chai Paradis của hãng Hennessy, chai Chateau Limoges của hãng Courvoisier đựng trong bình bằng sứ, chai Louis XIII của hãng Remy Martin đựng trong bình pha-lê của hãng Baccarat, v.v…
Ngoài những mẫu tự nói trên, một số hãng còn sử dụng những mẫu tự khác như E (Extra, hoặc Especial), F (Fine), Q (Quality). Cũng cần giải thích: sở dĩ rượu Pháp nhưng lại lấy tiếng Anh để phân thứ hạng là vì xưa kia, thị trường chính của rượu cognac là giai cấp quý tộc, thượng lưu ở đế quốc Anh, chuyên uống cognac và hút xì-gà!
Trên thực tế, thứ hạng từ V.S. lên tới X.O. chỉ có giá trị tuyệt đối khi so sánh các loại rượu của cùng một hãng, còn so sánh với rượu của hãng khác, nhiều khi không chính xác.

Hennessy Paradis
 
..........

@. Vài nhận xét lý thú từ “đại tửu sĩ” Lão Ngoan Đồng:

1. Về VS: Theo như lời những tay uống cognac chuyên nghiệp thì VS chỉ mới có đây thôi. Họ nói rằng mục đích của các ông tây khi tung ra loại rượu này là để “dụ” những người thích được tiếng là “dân uống cognac” mà không biết rằng VS là hạng kém hơn VSOP, hoặc biết nhưng không có đủ tiền, hoặc không dám bỏ tiền mua VSOP (ở Úc, giá một chai VS bằng khoảng 2/3 giá VSOP – tức là bằng hoặc mắc hơn chút đỉnh so với một chai whisky Johnnie Walker nhãn đen, hay whisky Chivas Regal).
Theo nhận xét của LNĐ, các ông Tây mũi lõ còn “ma giáo”, ít khi viết tắt là VS mà thường chơi nguyên 2 chữ “Very Special” (Rất đặc biệt) chần dần trên chai rượu, khiến người không sành cognac cứ tưởng đây là rượu “chiến”!
LNĐ viết những điều này ra không phải để chê bai hay châm chọc người mua VS cognac, mà chỉ có mục đích góp ý với quý độc giả không rành về loại rượu này. Mua VS về uống trong gia đình thì không sao, mua để đãi đằng cũng còn được (vì chưa chắc khách đã là dân sành cognac), nhưng mua để làm lễ vật trong các đám cưới hỏi, hoặc mua để biếu “anh sui” thì không nên; bởi vì cho dù anh sui không biết, con anh sui cũng không biết, nhưng lỡ có người quen (vô tình) nói cho anh sui biết giá trị của cặp cognac Very Specail nó là “như dzậy”, thì sẽ mang tiếng. Thà mình biếu cặp whisky chiến (cũng giá cỡ VS cognac) thì lại không sao!
2. Về VSOP: Đó là viết tắt của hàng chữ “Very Special Old Pale”, hoặc “Very Superior Old Pale”. Theo tự điển Collins, VSOP dùng để chỉ bất cứ loại rượu mạnh, rượu port nào đã được cất giữ trong thùng gỗ từ 20 tới 25 năm trước khi vô chai.
Trên nguyên tắc, 4 chữ VSOPcó thể ghi lên nhãn của bất cứ chai rượu brandy, rượu port nào có tuổi rượu từ 20 tới 25 năm, nhưng trên thực tế vì VSOP đã được các hãng rượu cognac sử dụng từ bao năm qua (trong khi các loại rượu khác không sử dụng), nên một khi nói tới VSOP, là dân uống rượu biết ngay đó là một chai cognac.
(VSOP đã được dân uống cognac diễn dịch thành nhiều câu rất hay ho, độc đáo, mà theo LNĐ thú vị nhất có lẽ là câu tiếng Pháp “Verser Sans Oublier Personne” – (Rót không sót một ai cả).
3. Về XO: Đó là viết tắt của chữ Extraordinary (tiếng Anh) hay Extraordinaire (tiếng Pháp), có nghĩa là “phi thường” (cũng có hãng không viết tắt là XO mà viết nguyên chữ Extraordinaire trên nhãn chai rượu). Thường thường, một chai XO cognac giá đắt gấp 2 lần rưỡi, hoặc gấp 3 lần một chai VSOP cùng hiệu.
Cũng giống như trường hợp của VSOP, trên thực tế nói tới XO, là người uống rượu nghĩ ngay tới rượu cognac. Vậy khi quảng cáo tặng rượu XO mà không phải cognac thì cũng nên ghi rõ (chẳng hạn, XO brandy) để tránh bị hiểu lầm là cố tình “lập lờ đánh lận con đen”!
4. Cách đây ít năm, khi phong trào đi du lịch bắt đầu rộ, một số văn phòng du lịch của người Việt đã quảng cáo đại khái “mỗi vé máy bay về thăm quê hương hay đi ngoại quốc sẽ được tặng một chai rượu XO của Pháp”.
Dân không sành uống rượu nhưng đã từng được nghe người ta nói “XO” là loại rượu cao cấp nhất, thấy quảng cáo như thế cũng khoái, liền đem về nhà hãnh diện trưng bày trong tủ kính.
Nếu không được bạn bè, người quen (sành uống rượu) giải thích cho thì không bao giờ biết được cái chai rượu này chỉ là XO brandy chứ không phải XO cognac, mà một chai XO brandy thì giá chỉ tương đương với một chai whisky 12 năm tuổi (chẳng hạn Johnnie Walker nhãn đen), hiện nay giá khoảng 45-50 đô-la, tức rẻ hơn một chai cognac bình thường (VSOP), hiện giá khoảng 70-80.
5. Chuyện bên lề: tại sao rượu cognac của Pháp lại xài tiếng Anh? Muốn có câu trả lời chính xác thì phải hỏi mấy ông Tây sáng lập ra các hãng rượu, mà giờ này thì họ đã về Thiên đường từ khuya rồi, cho nên LNĐ chỉ có thể đoán mò là ngày xưa dân Pháp thích xài tiếng Anh, cũng như dân Anh khoái xài tiếng Pháp.
Bằng cớ là Hoàng tộc Windsor – tức Hoàng gia Anh – cho tới nay vẫn giữ 4 chữ Dieu Et Mon Droit (Thượng đế và Quyền hạn của Trẫm) trên phù hiệu của mình; đồng thời trên phù hiệu của Cảnh sát Victoria cũng chơi một câu tiếng Pháp Tenez La Loi (Hãy duy trì luật pháp), và mới chỉ đổi lại sang tiếng Anh (Uphold The Law) cách đây mấy năm mà thôi.
(Tản mạn về nghệ thuật uống rượu – Lão Ngoan Đồng)
 
Remy Martin XO

Nên nhớ rằng, cách phân loại này chỉ áp dụng cho Armagnac, Cognacs còn những loại brandy khác sẽ có cách phân loại với ý nghĩa khác. Thí dụ brandy Mỹ:
Brandy Mỹ bao gồm nhiều thương hiệu và không có nhiều luật định. Bất cứ nhãn tuổi như VS, VSOP và XO đều không được kiểm soát chặt chẽ, bạn cần cẩn thận khi mua. Chỉ có 2 quy định ở Mỹ ảnh hưởng tới người tiêu dùng được áp cho brandy.
Theo luật, nếu brandy chưa được tới 2 năm tuổi thì phải được dán nhãn “chưa chín” (immature).
Bổ sung theo luật, nếu rượu đó không làm từ nho thì phải nói rõ loại trái cây làm nên nó trên nhãn.
Do không có luật quy định phân loại, nên mỗi hãng rượu khác nhau lại có phân loại tuổi riêng và quá trình ủ có khi không dài lắm. Hãy kiểm tra trên website của họ để biết thêm thông tin về biến thể và tuổi đời rượu.
Họ cũng không có yêu cầu bắt buộc nào quy định về kỹ thuật chưng cất nên được sử dụng.
 
2.2. Các nhãn hiệu rượu Cognac nổi danh

Như đã nói trên, các nhãn hiệu rượu Cognac nổi danh bao gồm: Hennessy, Martell, Remy Martin, Delamain, Hine, Courvoisier, Otard…
 
Các nhà sản xuất rượu Cognac nổi danh cũng thường cho ra lò các nhãn hiệu đắc giá, bao gồm:
Rémy Martin’s Louis XIII được pha trộn từ hơn 1,200 loại eaux-de-vie có tuổi rượu tối thiểu là 55 năm, thường từ 65-100 năm hơn, được ủ trong những thùng rượu đóng bằng gỗ sồi, với các số và tên người chủ được đăng ký hẳn hòi.
Richard Hennessy là một loại rượu pha trộn từ hơn 100 loại eaux-de-vie với tuổi rượu lên đến 200 năm và được đặt tên từ người sáng lập ra công ty.
L’Esprit de Courvoisier là loại rượu pha trộn từ các loại eaux-de-vie có tuổi rượu lên đến 200 năm, và được đóng số theo từng chai một.
Moyet’s Très Vieille Fine Champagne và Très Vieille Grande Champagne cognacs được hòa trộn từ một số thùng rượu eaux-de-vie có tuổi rượu trên 150 năm, đóng số theo từng chai và các nhãn hiệu được người chủ lò ký tên.
 
 
(Hình các loại rượu Cognac nổi danh)
 
2.3. Tác quyền rượu Cognac

Các quốc gia thuộc Liên Hiệp Âu Châu đã đưa tác quyền rượu Cognac là cái tên chỉ sử dụng cho loại rượu Brandy sản xuất và chưng cất tại vùng Cognac thuộc nước Pháp, và Armagnac từ vùng Gascony của nước Pháp, sử dụng các kỹ thuật cổ truyền trong việc tinh chế rượu. Vấn đề này được xem như vấn đề bảo vệ tác quyền bản gốc: Thường không được xem như thể loại rượu Cognac, mà là những loại Brandy được sản xuất tại một vùng nhứt định nào đó mà thôi nếu không sản xuất và chưng cất tại 2 vùng vừa kể . Thí dụ như rượu Brandy được làm tại California theo đúng nguyên phương pháp làm rượu Cognac, và có vị tương tự như vị rượu Cognac, nhưng nó không được gọi là rượu Cognac vì không được sản xuất tại ngay vùng Cognac của nước Pháp.
Rượu nho Brandy thường được uống tại các quốc gia Phương Tây bằng các ly có hình dạng như bông hoa Tulip, trong khi đó, tại Đông Nam Á thì người ta lại thích uống với đá cục. Có lẽ ảnh hưởng bởi thời tiết và phong tục của từng vùng và từng giống dân khác nhau.

2.4. Vài điều cần biết thêm về rượu Cognac

– Rượu Cognac là một trong những loại rượu Brandy nổi tiếng nhất. Cognac được bảo vệ bởi “Cognac AOC“ (AOC là viết tắt của Appellation d’Origine Controlée). Đó vốn là phân hạng cao nhất của rượu vang Pháp được làm ra để bảo vệ xuất xứ của rượu vang. Theo luật, nó chỉ có thể được sản xuất ở vùng Cognac của nước Pháp.
AOC của Cognac cũng nổi tiếng giống như AOC của Champagne và Bordeaux của rượu vang. Nó được thành lập lần đầu tiên vào năm 1909 và được sửa đổi hai lần vào những năm 1930. Cho đến khi nó đạt đến hình thức hoàn thiện ở hiện tại vào năm 1938. Phân hạng này cho người dùng thông tin về khu vực sản xuất và terroir của vùng. Hoặc về vùng đất trồng nho, cũng như phương pháp chưng cất hai giai đoạn riêng biệt.
Các loại rượu cognac phải được làm bằng 90 phần trăm nho Ugni Blanc, Folle Blanche và/ hoặc nho Colombard. Ngoài ra còn khoảng 10% các giống nho khác cũng được sử dụng. Rượu vang được sản xuất từ ​​những loại nho này có hàm lượng axit cao và ít cồn. Điều đó giúp mang lại cho Cognac hương vị hấp dẫn nhất.
Cognac thường được coi là một loại rượu Brandy cao cấp và giá rượu brandy này khá đắt tiền. Tuy vậy, vẫn có những loại có giá cũng khá hợp lý phù hợp nhiều khách hàng. Thường thì brandy sẽ được dùng trực tiếp không pha trộn. Nhưng nó cũng có thể được sử dụng để làm rượu nền tạo ra một số loại cocktail rất ấn tượng.
Cognac một loại rượu nổi tiếng làm từ nho với công nghệ không thay đổi từ 300 năm nay. Nó có nồng độ cồn khoảng 40-45%. Ở Liên minh Châu Âu chữ “Cognac” được bảo hộ bản quyền chỉ cho loại rượu sản xuất ở quanh thành phố nhỏ Cognac, vùng Charente nước Pháp. Người dân vùng Armenia là những người đầu tiên làm ra rượu Cognac và vài thế kỷ sau nó mới được làm ở nước Pháp.
Từ “Cognac” đã dùng từ năm 1617, và không lâu sau đó có cơ sở đầu tiên sản xuất một loại rượu mạnh mang tên rượu vang cháy (tiếng Pháp là “vin brûle”, tiếng Anh “brandy”). Cognac nằm trong vùng trồng nho mà từ đó trong nhiều thế kỷ đã xuất khẩu rượu nho đi Anh, Hà Lan và cả các nước trên bán đảo Scandinave. Từ rất lâu họ đã chưng cất rượu vang để chế rượu mạnh từ rượu vang. Ưu điểm của việc chưng cất là bớt đi một lượng nước để giảm thể tích mà vẫn giữ được hương vị và các chất quý của rượu nho, việc chưng cất lại rất có lợi khi mà giao thông đường biển hồi ấy đắt và thời gian lâu. Vấn đề chưng cất rượu vang đã được nhắc đến đầu tiên trong cuốn sách của ông Arnolda de Villeneuve, giáo sư khoa Y ở Monpellier, tựa đề: „Về việc kéo dài tuổi trẻ”, xuất bản năm 1309. Trong cuốn sách tác giả khuyên dùng rượu nho qua chưng cất để sống lâu và gọi nó là “nước của cuộc sống”. Do vậy loại rượu Brandy sản xuất ở vùng quanh thành phố nhỏ Cognac sau đó được gọi là nước thần của vùng Cognac (“eau-de-vie du Cognac”, “eau-de-vie” tiếng Pháp nghĩa là “nước của cuộc sống”).

Để chế rượu Cognac người ta chỉ dùng ba giống nho trắng đặc biệt, trong đó giống chính có tên là Ugni blanc (hay còn gọi là trebbiano). Thành phần đất giàu can-xi và khoáng chất cũng như khí hậu của vùng là những nhân tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng rượu. Mùa thu hoạch nho này là vào tháng 10 và rất ngắn. Nho thu về đem nghiền trong các máy xay hay máy ép, sau cho vào bình chứa để cho lên men. Sau một tuần rượu nho này mang ra chưng để có nồng độ 28% có tên là “brouillis”. Nó lại mang ra chưng cất lần thứ hai để có thứ “nước thần” đạt nồng độ khoảng 68 đến 72%. Vậy từ khoảng 8 lít rượu vang ta có được 1 lít “eau-de-vie”. Cách chưng cất rượu vang ở vùng Cognac đã lưu truyền qua nhiều thế hệ và đòi hỏi sự tập trung cao độ, khéo tay và sự thuần thục được rèn luyện từ tuổi nhỏ. Thêm nữa là luật quy định buộc các nhà sản xuất phải kết thúc chưng cất trước ngày cuối cùng của tháng ba, vì mùa xuân khi nhiệt độ cao hơn sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng rượu vang. Dụng cụ để chưng cất là các nồi đồng đốt bằng lửa. Quan trọng nhất là việc điều khiển lửa, khi nào tăng khi nào giảm để đạt yêu cầu.

Thứ chất lỏng sau chưng cất có màu trắng đục được đóng vào các thùng rượu bằng gỗ vào giai đoạn tiếp theo là giai đoạn để rượu ngấu. Để sản xuất thùng rượu chỉ được dùng một hay hai loại gỗ sồi của một vùng nhất định. Cây sồi phải thỏa mãn một số điều kiện khác như: cây phải 100 năm tuổi, không bị bệnh và phải thẳng. Gỗ được xẻ ra các thanh có chiều cao thích hợp và phải để cho khô trong vài năm. Thùng rượu được làm và sửa bằng tay với các dụng cụ truyền lại từ đời này qua đời kia. Với thời gian rượu giảm độ cồn và có dần các đặc điểm quan trọng của rượu cognac: chuyển màu sang màu vàng với sắc tuyệt đẹp, có hương vị làm say lòng người.
Giai đoạn cuối cùng là pha trộn rượu ở các thùng với nhau, vì thứ “nước thần” chỉ ở một thùng vẫn chưa thể là rượu cognac. Người quyết định trộn ra sao là ông quản lý hầm rượu (cellar master – tiếng Pháp: “Maître de Chai”): ông ta trộn các thứ “nước thần” ở các thùng khác nhau, chỉ dùng khứu giác, sao cho kết quả cuối cùng rượu cognac phù hợp với mẫu chuẩn.
 
(Còn tiếp nhiều kỳ)
 
Nguyên Lạc

READ MORE - TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (9a) - Nguyên Lạc

Chùm ảnh HOA NGOÀI CÔNG VIÊN - Chu Vương Miện

Bấm chuột vào hình để phóng to.





 

READ MORE - Chùm ảnh HOA NGOÀI CÔNG VIÊN - Chu Vương Miện

LÊN THÁC CHỜNG | KHE TRÁI | KÝ ỨC - Chùm thơ Võ Văn Hoa |

  

Nhà thơ Võ Văn Hoa

 

Lên thác Chờng

 

Lên với thác Chờng

Đỗ quyên mọc trên đá

Loài hoa kỳ lạ

Trắng, đỏ rực ngày xuân!

 

Hoa dịu dàng tình nhân

Mắt nguồn Mỹ Chánh

Ráng chiều lấp lánh

Vài lão tiều về xuôi 

 

Ven mé rừng

Những đàn ong mật về tổ

Sơn nữ về đâu?

Mướt xanh mái đầu

 

Đêm thơm mùa hoa

Hồn đá núi làm ta thức giấc

Thơ xẹt sáng như vì sao rót lạc

Thác Chờng ơi!

 

Tây Hải Chánh, 12/02/ 2009

 

 

 

Khe Trái

 

Bãi sắn, biền ngô đồi bát úp

Làng quê xanh ngát những đồi nương

Du thuyền Thạch Hãn lên mạn ngược

Khe Trái(1) hoa Rì(2) chót lá hương.

 

Cá bống thượng nguồn sao lắm thế!

Nước trong như lọc cứ vây chân

Trưa nắng anh săn từng viên cuội

Bàn mài Như Lệ có đầy sân?

 

Ngoài vùng phủ sóng.

Em hướng đạo

Mời gọi lời ca động núi rừng

Anh thấy ngày đi sao quá ngắn!

Se sắt chiều lên...bóng nguyệt rưng.

 

Rằm tháng tư Kỷ Sửu, 2009.

 

(1) Khe Trái: Một nhánh của dòng sông Thạch Hãn phía thượng nguồn, phong cảnh đẹp.

(2) Hoa Rì: Loài hoa mọc trên đá, hoa màu trắng.

 

 

Ký ức

 

Gió đồng sàn sạt áo tơi

Mưa rơi lộp độp đất trời thấp te

Bắt con săn sắt lượn vè

Cá rô, cá cấn, cá mè và tôi

 

Ở đây Vụng Côống(1) ta ngồi

Nhắp câu, cá mớm một hồi buông ra

Tìm về Hói Tộ(2) gần nhà

Trặc con cá hẻn(3) mừng ba bốn ngày

 

Mưa nguồn thác lũ vần xoay

Chốn xưa về lại ngần này còn đâu

Tranh xưa “...ông Lữ đi câu”(4)

Còn trong ký ức thẳm sâu cõi người!

 

Sáng 02/5/2010 

 

 

(1,2) Các địa danh ở làng Thi Ông.

(3) Tiếng địa phương, chỉ cá trê đớp mồi.

(4) Ca dao: “Chiều chiều ông Lữ đi câu/ Cái be, cái chén, cái bầu sau lưng”.

READ MORE - LÊN THÁC CHỜNG | KHE TRÁI | KÝ ỨC - Chùm thơ Võ Văn Hoa |