Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, June 25, 2017

ĐỂ GIÓ THU VỀ QUÉT NHỮNG TRẬN BUỒN - Thơ Ngưng Thu


Tác giả Ngưng Thu


ĐỂ GIÓ THU VỀ 
QUÉT NHỮNG TRẬN BUỒN

Còn đâu đó nỗi đời bao thống hối
đường ta đi sỏi đá nhọn, chân mềm
còn đau mãi cuộc người?  đâu phải vậy...
tiếng ân tình hoài vọng bước chân đêm.

Nhìn về phía đường chân trời tít tắp
khi bình minh và khi rất hoàng hôn
chân trời tím bởi chiều hoen nắng úa
nhẹ nhàng đêm gió quét những trận buồn. 

Dòng sông xiết, hoài cơn mơ khát cháy
cười lên đi! đời đó... có bao lâu*
yêu thương hãy nắm tay cùng nhau bước 
dịu êm làn sóng mượt khúc nông sâu.

Chiều khe khẽ gọi mùa rơi rơi nhẹ 
đêm manh nha ủ ấp dáng nguyệt mời
nghe làn tóc bay mềm vai quyến rũ
bất chợt thèm thơm nhạc gió thu lơi.

Ngưng Thu


READ MORE - ĐỂ GIÓ THU VỀ QUÉT NHỮNG TRẬN BUỒN - Thơ Ngưng Thu

LẶNG IM... - Tùy bút của Trần Mai Ngân



                            Tác giả Trần Mai Ngân

LẶNG IM...
Lặng im không có nghĩa là không cảm nhận và không thấu hiểu. Nhưng đôi khi lời nói trở nên vô nghĩa hay bất lực nên đành lặng im.
Lặng im không có nghĩa là đã hết yêu thương và chẳng quan tâm. Nhưng đôi khi phía bên kia đã không cần nữa - nên đành lặng im.
Và lặng im đôi khi như một hòn đá nằm yên phơi mình cho nước chảy qua. Có những dòng nước hiền lành, mát dịu - cũng có những dòng nước mạnh bạo, lạnh lùng. Thân đá trơ gan chịu đựng. Thời gian có thể bào mòn viên đá , có thể phủ rong rêu lên viên đá - nhưng - tính rắn chắc, bền vững mãi không thay đổi.
Người ta đau khổ người ta có thể kêu gào, khóc lóc. Còn Viên Đá thì sao... Tôi nghĩ với Viên Đá đã có những nỗi đau như ân sủng... Vâng, thật sự vậy. Có những khổ đau như một ân sủng tuyệt vời! 
                                                             Trần Mai Ngân

READ MORE - LẶNG IM... - Tùy bút của Trần Mai Ngân

VỀ ĐI ANH - Thơ Quang Tuyết


                           Tác giả Đinh Quang Tuyết



VỀ ĐI ANH

Răng anh nói không về thăm Quảng Trị ?
Thầy bạn xưa đang nao nức đợi chờ
Ngày hội trường tháng bảy đến như mơ
Ai cũng rứa sống lại thời áo trắng

Em sẽ đợi trước cổng trường dịu nắng
Can chi mô dù tóc úa màu phai
Vẫn bâng khuâng e lệ trộm nhìn ai
Anh cũng sẽ rộn ràng lòng như thể

Về đi anh
Kẻo tàu khuya đến trễ
Lá trên cây cong dấu hỏi nơi tề
Còn mấy lần ta quay bước về quê?

Răng không nghĩ? Cứ chần chừ suy tính
Em nói thiệt đừng để lòng ân hận
Vùng đất thiêng ghi dấu ấn ngàn sau
Tình mãi xanh dù ta bạc mái đầu
Tim vẫn trẻ chuyển lưu dòng máu đỏ

Về đi anh 
Khi vẫn còn hơi thở
Về đi anh
Về thăm lại chốn xưa....

                                 Quang Tuyết
                             Chiều mưa Pakson

READ MORE - VỀ ĐI ANH - Thơ Quang Tuyết

NỐI LẠI TÌNH QUÊ - Thơ Hoàng Yên Lynh





NỐI LẠI TÌNH QUÊ 
                          
Tôi lưu lạc chông chênh nơi rừng núi
Một lần về ước vọng cố hương ơi
Cơn sóng dữ đã bạc đầu sương gió
Mất quê hương tan nát cả cuộc đời.

Tôi đi mãi theo tháng ngày bươn chải
Vẫn chạnh lòng khi nắng xế chiều buông
Cố tri ơi nơi cuối trời xa thẳm
Còn nhớ không thuở xuôi ngược canh trường.

Chiều nơi đây chênh vênh sầu cô quạnh
Đếm thời gian mòn mỏi cả giấc mơ
Được đi về chốn cũ với người xưa
Để nối lại khúc trường ca dang dỡ...


Tôi đọc lại bài thơ bên mộ bạn
Khói lam chiều thao thức tháng ngày qua
Ở nơi đó một góc trời xa thẳm
Có chạnh lòng vương vấn khúc tình thơ.

Tôi sẽ nói với người xưa quê cũ
Tình quê hương nối lại bước chân xa
Bao cay đắng của một thời bão dữ
Có một ngày rộn rã khúc hoan ca.

                             Hoàng Yên Linh

READ MORE - NỐI LẠI TÌNH QUÊ - Thơ Hoàng Yên Lynh

NẾU ANH VỀ... - Thơ Châu Thạch



             Nhà thơ Châu Thạch


NẾU ANH VỀ...

Nếu anh về hội Nguyễn Hoàng Quảng Trị
Hãy ghé thăm Bồ Đề của em
Trường của anh nay đã mất luôn tên!
Trường của em đã thành ngôi gạch vụn!

Nhớ thuở ấy anh học trường nhất tỉnh
Em trường tư nhưng vẫn cứ yêu nhau
Rồi tình chia mùa đỏ lửa thương đau
Như le lói hai ngọn đèn xa lắc.

Tuy le lói vẫn không hề vụt tắt
Sáng trong tim như một góc đền thờ
Để bên chồng, bên vợ vẫn nằm mơ
Chỉ là ảo có gì đâu tội lỗi?

Nếu anh về hội Nguyễn Hoàng Quảng Trị
Hãy ghé thăm ngôi gạch vụn trường em
Thử nhớ ngày xưa ấy khó nào quên
Hai trường học ở “hai đầu nỗi nhớ”.

Tình tuy ngắn mà yêu còn muôn thuở
Những hương hoa của ngày ấy tinh tuyền
Hai tâm hồn ở hai cõi vô biên
Chắp đôi cánh bay vô miền viễn mộng ./.

                                        Châu Thạch

READ MORE - NẾU ANH VỀ... - Thơ Châu Thạch

MỐI TÌNH XUYÊN LỤC ĐỊA - Phạm Đức Nhì

  
                 Tác giả Phạm Đức Nhì



MỐI TÌNH XUYÊN LỤC ĐỊA 
           
Chị Phuong Kim Ngoc Huynh, một bạn Facebook, muốn nhờ tôi soi cặp kính chiếu yêu của người bình thơ vào bài thơ Muốn Gởi Cho Em của anh Phạm Hữu T, một bạn FB của chị, xem có phải là lời chân thật hay lại là những câu thơ xạo, chót lưỡi đầu môi. 

Tôi chỉ là người làm thơ và bình thơ, không có khả năng, và cũng không muốn, làm công việc “cắt hoặc nối nhịp cầu tình yêu” cho những người tim đang rạo rực lửa tình. Hơn nữa, tôi rất kỵ bình thơ theo yêu cầu mà chỉ bình những bài thơ tôi thích và nghĩ là có thể đem lại một chút gì mới mẻ cho bạn đọc yêu thơ. Hơn nữa, bài thơ phải có gì đó hấp dẫn, gợi hứng thì bình mới … đã. 

Nhưng đọc Muốn Gởi Cho Em - bài thơ tình như một lời cầu hôn – tôi thấy khoái quá, chẳng cần biết chị PKNH có yêu cầu hay không yêu cầu, cứ “xắn tay áo” đưa bài thơ lên bàn mổ.

MUỐN GỞI CHO EM

Muốn gởi cho em
chút gió biển Galveston
để dịu bớt cái nắng Sài Gòn gay gắt
nhưng sợ người ta đang đi mà chợt mát
rồi bồi hồi
nhớ nhớ thương thương.

Những bông hồng tươi thắm trong vườn
muốn gởi cho em – thay những nụ hôn nồng cháy
nhưng sợ lúc hoa tàn
em buồn tự hỏi
“tình mình có tàn nhanh như hoa?”

Muốn chia sẻ với em 
những ước mơ
nhưng sợ phải nghe
“Sao giống của tui quá ‘zậy’?”
rồi khi thơ mình nổi tiếng
tiền tác quyền
người ta bắt chia hai

Muốn gởi đến em một áng mây  
lại sợ sẽ mưa làm Sài Gòn ngập nước
chưa kịp về nhà
người ta sũng ướt
mình ở xa
“con bệnh”
ai chăm nom?

Còn nhiều thứ nữa
muốn gởi cho em
thứ nào cũng rất đẹp, rất “hay”
nhưng vẫn … sợ
thôi thì anh sẽ bay về bên đó
thể xác linh hồn này
giao hết cho em.
(Phạm Hữu T)

Đọc lướt qua độc giả dễ dàng nhận ra đây là bài thơ tình – tác giả từ khu biển Galves ton, tiểu bang Texas (Mỹ) viết cho người yêu của mình, một cô gái Sài Gòn.

Tứ Thơ:

Bài thơ không có ẩn dụ toàn bài nên ý với tứ là một.
Thương nhớ người yêu, tác giả muốn gởi cho nàng mấy món quà nhưng món nào - nếu thực sự gởi -  khi đến tay người nhận cũng gây ra “phản ứng phụ không hay” nên thay vì gởi quà, chàng quyết định sẽ bay về Sài Gòn giao hết thể xác và linh hồn cho nàng.

Dối Trá Đời Thường Và Lối Nói Thậm Xưng

 Khác với dối trá đời thường (trong thơ), lối nói thậm xưng là một kiểu “xạo” đầy tính nghệ thuật. Tác giả cũng “phịa” ra những điều không thật nhưng với mục đích “để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật” (1)

Trong dối trá đời thường tác giả xạo và luôn có ý che dấu hành vi, lời nói giả dối của mình. Độc giả tinh ý, có thể bằng nhiều thủ thuật khác nhau, moi ra những điều không thật ấy. Khi bằng chứng của sự giả dối được trưng ra, độ khả tín của bài thơ xuống rất thấp, và bài thơ hoặc là chết yểu, hoặc sống lây lất để làm trò cười cho thiên hạ.

Ngược lại, trong lối nói thậm xưng, tác giả không có ý che dấu mà còn công khai biểu lộ cái xạo của mình để độc giả càng dễ nhận ra càng tốt. Cái xạo ấy không nhằm mục đích lừa dối mà muốn đưa vào bài thơ nét khôi hài, ý nhị - thoát khỏi cái “thường lệ” quá quen thuộc, gây cảm giác buồn chán. Tác giả phải có tài tạo ra cái xạo đến mức phi lý nhưng cái phi lý ấy phải được dẫn đến chỗ, hoặc trở thành, có lý trong nghệ thuật.

Nghệ Thuật Xạo Trong “Muốn Gởi Cho Em”

Bài thơ có 5 đoạn thì 4 đoạn - ở mức độ khác nhau – có dính dáng đến lối nói thậm xưng.

1/ Xạo tới bến    
                                                                                                        
Muốn gởi cho em
chút gió biển Galveston

là một câu “xạo tới bến” vì gió từ biển Galvston (ở Mỹ) làm sao gởi về Việt Nam được? Nhưng phần sau của đoạn thơ lại là những cái “có lý trong nghệ thuật”.

Gió từ Mỹ gởi về:

để dịu bớt cái nắng Sài Gòn gay gắt.

Có lý quá đi chứ! Và hai câu kế tiếp:

nhưng sợ người ta đang đi mà chợt mát
rồi bồi hồi
nhớ nhớ thương thương.

vừa trữ tình lãng mạn - khi mượn ý của Nguyên Sa trong Áo Lụa Hà Đông -  lại vừa khôi hài ý nhị. Đoạn thơ mở đầu thật tuyệt vời.

2/ Xạo nhưng chưa “hết ga”

Những bông hồng tươi thắm trong vườn
muốn gởi cho em – thay những nụ hôn nồng cháy

Bông hồng trong vườn ở Mỹ mà gởi về Việt Nam không phải là chuyện bất khả thi, nhưng chắc chỉ những tay triệu phú, tỷ phú hoặc những nhân vật thích “chơi bạo lấy tiếng”  mới ngông nghênh kiểu đó chứ người bình thường ít ai làm như vậy. Theo tôi, đây cũng là 2 câu thơ xạo - nhưng chưa xạo đến “hết ga”. Tuy vậy, khi kết hợp vời 2 câu sau:

nhưng sợ lúc hoa tàn
em buồn tự hỏi
“tình mình có tàn nhanh như hoa?”

thì lại là một đoạn thơ hay vì đưa trí tưởng tượng của độc giả đến một “phản ứng phụ” rất hợp tình, đầy thương cảm  và có duyên.

3/ Lời tâm tình pha chút xạo

Muốn chia sẻ với em 
những ước mơ

Ở thời buổi truyền thông bùng nổ như hiện nay, liên lạc bằng điện thư, điện thoại, messenger hay cả bằng “video chat” rất dễ dàng và thường không tốn tiền thì có khó gì đâu việc chia sẻ những ước mơ. Theo suy đoán của tôi, hai nhân vật trong bài thơ không phải mới quen mà “đường tình chung lối” của họ đã có một chiều dài đáng kể.

Câu thơ:

nhưng sợ phải nghe
“Sao giống của tui quá vậy?”

gợi nhớ đến sự tích “chim sợ cành cong”. Độc giả có thể nghĩ Phạm HữuT đang bị một nỗi ám ảnh trong quá khứ nào đó nên giờ như con chim đã một lần bị bắn (hụt), hễ thấy cành cong lại sợ. Theo tôi, nỗi sợ của chàng ở đây khác với nỗi sợ bình thường của người đời mà là - một cách khéo léo - “khoe” sự “gần gũi” và ít nhiều đã tâm đầu ý hợp của hai người. Cái hay, cái độc đáo của câu thơ là ở chỗ đó.

Nhưng đến 2 câu sau:
rồi khi thơ mình nổi tiếng
tiền tác quyền
người ta bắt chia hai

thì đúng là mùi phét lác đã bốc lên khá cao - cứ làm như mình sắp trở thành thi sĩ nổi danh đến nơi rồi, sợ người ta chia mất tiền tác quyền. Chúng đã kết hợp với hai câu đầu thành một đoạn thơ xạo, khôi hài, đầy tính nghệ thuật và thật dễ thương.

4/ Lại xạo “mút chỉ”

Muốn gởi đến em một áng mây 

Cách nhau cả nửa vòng trái đất mà “Muốn gởi đến em một áng mây” thì nếu không là bệnh nhân của nhà thương Chợ Quán thì cũng là một tay nói dóc “một tấc đến giời”. Vậy mà thật lạ! Khi đọc câu thơ xạo này – câu thơ đã thay đổi những cái hợp lý quá nhàm chán của đới thường - độc giả lại cảm thấy thích thú, sảng khoái vì nó dẫn dắt họ vào một cuôc phiêu lưu mà chưa biết điểm đến ở hướng nào. Nhưng độc giả không phải gồng mình, nhắm mắt “nhảy qua dòng sông nghệ thuật” với những câu thơ “tối như hũ nút” theo yêu cầu của những người làm mới thơ quá lố hiện nay. 

Ba câu thơ sau ở đây lại là hậu quả rất hợp lý của việc gởi áng mây đó:

lại sợ sẽ mưa làm Sài Gòn ngập nước
chưa kịp về nhà
người ta sũng ướt
mình ở xa
“con bệnh”
ai chăm nom?

Mây làm mưa, mưa làm Sài Gòn ngập nước, làm ướt người tình, và cuối cùng là “con bệnh ai chăm nom?” Cái phi lý ban đầu đã trở thành cái hợp lý trong nghệ thuật.

Đoạn Kết Của Bài Thơ

Ở Mỹ, sau một thời gian hò hẹn, tình yêu đã “chín” đến một mức độ nào đó, chàng trai không muốn cô gái tiếp tục “lửng lơ con cá vàng” mà phải quyết định có chịu trở thành người yêu của mình, thực sự thuộc về mình hay không. Chàng sẽ chọn một khung cảnh thích hợp, quỳ dưới chân nàng, nắm bàn tay trái của nàng và hỏi” Will you marry me?” (Em có lấy anh không?) Nếu nàng đồng ý, trả lời “Yes” chàng sẽ moi từ trong túi ra một chiếc nhẫn kim cương (bí mật chuẩn bị sẵn) đeo vào ngón tay áp út của nàng. Hai người hôn nhau và từ đó, trước mắt người đời, họ là một đôi tình nhân gắn bó.

Sau 4 đoạn thơ xạo về ý định gởi quà cho em - thật ra tác giả chỉ mượn đó làm cái cớ để, bằng một cách lãng mạn, bày tỏ tình cảm của mình với cô gái - đoạn kết của bài thơ:

Còn nhiều thứ nữa
muốn gởi cho em
thứ nào cũng rất đẹp, rất “hay”
nhưng vẫn … sợ
thôi thì mình sẽ bay về bên đó
thể xác linh hồn này
giao hết cho em.

chính là lời câu hôn trang trọng đó. Đơn giản, không nhẫn kim cương, không đám đông chứng kiến nhưng là lời cầu hôn rất ấn tượng và rất đẹp.

Ngôn Ngữ, Hình Ảnh:

Ngôn ngữ bình dị, sắc sảo nhưng dễ hiểu, dễ cảm, hình ảnh rất thơ nên độc giả đọc một cách thoải mái, không bị khựng vì tứ thơ rất dễ bắt.

Thể thơ:

Bài thơ được viết theo thể thơ mới với một vài phá cách. Số chữ trong câu thay đổi tùy tiện nhưng với biên độ hẹp. 

Câu ngắn nhất 6 chữ:
:
rồi khi thơ mình nổi tiếng

câu dài nhất 10 chữ (2 câu):

Muốn gởi cho em chút gió biển Galveston (Gal – ves – ton)

và:

thứ nào cũng rất đẹp, rất “hay” nhưng vẫn … sợ

Vần:

Vần liên tiếp, khá đều đặn. Bài thơ 20 câu, gieo 8 cặp vần mà chỉ là thông vận nên vị ngọt của thơ vừa dịu. Hơn nữa, ý của mỗi đoạn thơ lạ, đẹp và ý nhị, gây cảm giác thích thú cho người đọc nên bài thơ hoàn toàn không có hội chứng nhàm chán vần.

Cảm Xúc Và Hồn Thơ

Cảm xúc tầng 1 và tầng 2:

Do ngôn ngữ đẹp, dễ cảm, hình tượng rất thơ nên cảm xúc ở tầng 1 khởi đầu đã mạnh. Tác giả dùng 4 đoạn đầu để thố lộ tình mình với người đẹp, đoạn sau như một lời cầu hôn. Thế trận như vậy tương đối hợp tình hợp lý, tạo cảm xúc mạnh hơn nữa ở tầng 2. Thêm vào đó, hiệu ứng của lối nói thậm xưng làm tâm hồn độc giả như bồng bềnh trên gió, trên mây, rất sảng khoái. 
   
Cảm xúc tầng 3 (hồn thơ)

Bài thơ gieo vần liên tiếp nên – xét về phương diện thanh âm – câu này nối câu kia, đoạn sau nối đoạn trước, cứ như ngựa phi bon bon trên đường vì không có mô gò cản trở. Với hình thức thơ và cách gieo vần như thế, nếu tác giả đang cao hứng và tâm trạng tuôn chảy theo chiều dọc, chúng ta ít nhiều cũng sẽ có cảm xúc ở tầng 3. (Nếu tác giả cao hứng đến mức lạc thần trí, cảm xúc tầng 3 sẽ chính là Hồn Thơ.) 

Khốn nỗi bài thơ lại chia làm 5 đoạn, mỗi đoạn là một ý riêng biệt nên tâm trạng của thi sĩ không phát triển theo chiều dọc mà trải rộng theo chiều ngang, không cùng hướng và cùng nhịp với nhạc điệu của bài thơ. Không có sóng sau dồn sóng trước, chúng ta không có hồn thơ.

Tóm lại, Muốn Gởi Cho Em là bài thơ có nhiều điểm nổi bật.
Nó viết theo thể thơ mới nhưng đã vươn tới cái vóc dáng tối ưu của thể thơ này. Số chữ trong câu thay đổi tùy tiện không theo một quy luật nào nên tuy vần liên tiếp, vị ngọt của thơ cũng chỉ ở mức độ vừa phải, không có hội chứng nhàm chán vần.

Bài thơ sử dụng lối nói thậm xưng - một biện pháp tu từ rất khó nhai – không khéo, thay vì “xạo” nghệ thuật lại biến thành giả trá đời thường. Ở đây bài thơ đã có hai đoạn thậm xưng tuyệt vời thấm đẫm chất thơ.

Hai đoạn 2 và 3, tuy chưa đạt hiệu ứng cảm xúc tối đa của lối nói thậm xưng (vì xạo chưa tới bến) - nhưng chỉ ở ngữ nghĩa đời thường – đó vẫn là những đoạn thơ mới lạ, đầy ắp chữ tỉnh, gây cảm giác ấm áp, sảng khoái cho độc giả.

Nhắn Chị Phuong Kim Ngoc Huynh,

Thiệt tình tôi không biết anh chàng Phạm Hữu T của chị mặt ngang mũi dọc ra sao, nhưng đọc bài thơ của hắn thấy quá đã. Theo tôi, Muốn Gởi Cho Em “nặng” hơn một bài thơ tỏ tình; nó vừa tỏ tình vừa lên tiếng cầu hôn – nghĩa là chàng muốn cùng chị đi “tới bến”. Quan trọng nhất, đó là những lời chân thật - vì nếu không chân thật khó viết được những vần thơ nhiều cảm xúc như thế. Chuyện riêng của chị, chị tự quyền quyết định, tôi không ý kiến. Dù sao đi nữa chị cũng tốt phước và đáng hãnh diện tự hào, đã là nhân vật chính - được thương mến và trân trọng – trong một bài thơ hay như Muốn Gởi Cho Em.

Phạm Đức Nhì

CHÚ THÍCH:

1/ Diên Hồng Dương, Có Cái Gì Đó Sai Sai Trong Bài Phê Bình “Một Kịch Bản Thơ ‘Xạo’” https://www.facebook.com/dienhong.duong.5/posts/986680141469017

READ MORE - MỐI TÌNH XUYÊN LỤC ĐỊA - Phạm Đức Nhì

ANH SẼ VỀ - Thơ Châu Thạch



           Nhà thơ Châu Thạch


ANH SẼ VỀ
(Cảm tác một bài thơ hẹn về)
            
Em hỏi anh, anh có về Quảng Trị
Thăm lại Nguyễn Hoàng ngày hội trường ta?
Mấy mươi năm rồi hai đứa cách xa
“Em sẽ đợi trước sân trường dịu nắng”
Anh sẽ về em ơi, nhưng chẳng hẹn
Vì anh về với bà xã của anh
Nếu thấy nhau
thì em chỉ liếc nhìn
Đừng đôi mắt có đuôi như thưở trước
Đừng khóe mắt có cái gì ươn ướt
Đừng đội mũ nồi
đừng mặc áo bông
Xưa em tóc thề
, áo trắng phải không?
Nay em vẫn tinh khôi thời con gái
Để anh giữ trong lòng anh mãi mãi
Bóng hình ai của buổi ban đầu
Th
uở thơ tình chưa viết nổi thành câu
Thuở đắm đuối chỉ thắp đầy trong mắt
Nay vẫn thế lửa ngày xưa chăng tắt
Chỉ dấu vào trong những ngăn tim
Anh sẽ về
tưởng tưởng bước chân chim
Trên lối cũ em vừa đi vừa nhảy
Để đứng xa xa, nhìn em mê mãi
Mái tóc gợn huyền, tà áo bay bay
Tưởng sân trường nghiêng một chút, anh say
Tưởng năm ấy đến nay đời vẫn thế
Ngày xưa đó lời tình anh không thể
Vì con tim còn rất dại khờ
Nhưng bây giờ lời nói ngọt hơn thơ
Anh cũng chỉ giữ trong lòng em nhé
Bởi bây giờ anh đâu còn đơn lẻ
Đủ một đôi đã mấy chục năm rồi
Cả linh hồn ngày ấy vẫn em thôi
Và giai lão của người đi bên cạnh
Những kỷ niệm vẫn bây giờ rất thánh
Những dại khờ buổi ấy dễ đâu quên ./.

                                    Châu Thạch
                        
READ MORE - ANH SẼ VỀ - Thơ Châu Thạch

BÓNG HÌNH TRONG MƠ - Thơ Nhật Quang





BÓNG HÌNH TRONG MƠ

Em ru ta giấc muộn phiền
Đêm gầy thao thức lạc miền chiêm bao...
Mắt em, ta ngỡ vì sao
Lung linh, đắm đuối rơi vào canh thâu

Gối nghiêng lệch nửa mái đầu
Chơ vơ...khép mí muộn sầu tiếng đêm
Em ru ta giấc cô miên
Bấp bênh giữa nhớ và quên, để rồi

Con tim ray rứt không lời
Đam mê lạc giữa môi cười em xinh
Hồn rơi vào cõi lặng thinh
Trăm năm nửa mộng, bóng hình trong mơ...

                                            Nhật Quang

                                             (Sài Gòn)

READ MORE - BÓNG HÌNH TRONG MƠ - Thơ Nhật Quang

CHÓ MÁ - Vĩ văn hồi âm Nhà Văn Nguyễn Bàng của Chu Vương Miện


              Nhà thơ Chu Vương Miện



CHÓ MÁ
Vĩ văn "hồi âm Nhà Văn Nguyễn Bàng"

Thưa Bác. 

Bài bác hồi âm cho CVM đúng gần hết, tuy nhiên CVM cũng bắt chước bác mà nói vớt cho vui, theo sự hiểu biết sơ sài của CVM thì như sau:

Đế quốc Chăm Pa, là người Chăm, người lai giữa Ê Đê (Rhade) và người Chăm là người Ragiai "RaRhai hay Gialai", những người này goi Ma Chó hay Ma Gà, có nghĩa là Con Chó hay Con Gà, từ Ma chỉ thứ vị thứ ba, (không có đực cái), chả hạn từ "A Mỉ Ma Thuột" có nghĩa là Làng của Mẹ con Thuột, mà không có nghĩa là Con mà cũng không có nghĩa là Thằng, sau đó thì chuyển thành “Buôn Ma Thuột” tức là “làng của thằng  Thuột”,  người Việt chuyển thành Ban Mê Thuật (không có nghĩa gì cả).

 Các dân tộc ít người ở các tỉnh sát biên giới Việt Trung  như "Hà Giang, Lào Cai, Bắc Cạn, Cao Bằng,  Lạng Sơn, Quảng Ninh” như người Dao, người Tày, Nùng, người Mèo, Mán, người Thái Đen và Trắng thường gọi là con Má (con Chó), những miền đất này thường là nuôi con Má (chứ không nuôi con Chó) ví dụ như quê nội của CVM ở Quảng Ninh chỉ nuôi con Má và quê ngoại của CVM  ở Kiến An, Hải Phòng chỉ nuôi đươc con Chó.

Con Chó và Con Má bề ngoài thì y như nhau, nhưng nhìn kỹ thì phân biệt được con nào là con Chó và con nào là con Má. Con Chó thì lưỡi nó loang như da con trăn, con Má thì lưỡi nó trắng y như lưỡi người ta. Con Chó thì nuôi ở miền Trung Du, Đồng Bằng, không có tính miễn dịch, nếu bị rắn độc cắn là chết ngay (nếu chữa trị không kịp) trái lại con Má nuôi trên vùng mạn ngược tức Thượng Du, có tính miễn dịch như con bò là bất cứ loại rắn độc nào cắn  cũng không chết (không sao cả), mà sức chịu đựng nóng lạnh cao hơn con Chó. Tuy nhiên con Chó khôn hơn con Má, là con Chó không bao giờ ăn xương đồng loại còn con Má thì xơi tuốt.

Tờ Giấy là tờ Giấy Trắng, nhưng Giấy Tờ là Tờ Giấy đã dùng để viết “Văn Tự” hay “Văn Khế” gọi là Giấy Má, khai thuế chỉ một lần là xong thì gọi là Thuế. nhưng khai đi khai lại vài lần là Thuế Má.

Má là chỉ những cái gì rau mơ rễ má, lòng thòng làm đi làm lại mãi mới xong? 

Ở đời cái gì suông sẻ thì không ai nói tới, hoặc có nói tới thì cũng “ngon như miếng dồi chó” hoặc “ngon như háo chó”, lỡ mà không ra sao cả, thất bại thì thõng tay mà thốt lên rằng: “đúng là đồ Chó Má”

                                                Chu Vương Miện


READ MORE - CHÓ MÁ - Vĩ văn hồi âm Nhà Văn Nguyễn Bàng của Chu Vương Miện

GỞI EM... CÔ BÉ NGUYỄN HOÀNG XƯA - Thơ Quang Tuyết



                           Tác giả Đinh Quang Tuyết


GỞI EM... CÔ BÉ NGUYỄN HOÀNG XƯA

Quê hương mình đẹp lắm em ơi
Dù nắng lửa vẫn xanh màu lúa mạ
Vẫn êm đềm tiếng mõ chiều thong thả
Vọng chim gù giữa trưa nắng hè oi

Dòng sông quê lờ lững bóng chiều soi
Con thuyền nhỏ giăng câu chờ đợi cá
Ngôi trường cũ hồi sinh sau tơi tả
Lại rộn ràng tháng bảy hội đoàn viên

Từng con đường kỷ niệm đã thay tên
Nhưng vẫn đẹp vì thuở nào chung bước.
Ôi nhớ quá áo em màu trắng muốt
Tóc ngang lưng uyển chuyển bước son mềm

Dáng dịu hiền ghi đậm nét trong tim
Giờ tan học anh theo chân Hoàng Thị... 
Đây Quang Trung... biết bao ngày thi vị
Nay bụi mờ hoa cỏ úa thời gian

Anh trở về nghe nỗi nhớ miên man
Mong gặp lại người xưa dù đã lỡ
Tình học trò trong veo nên dể vỡ
Chẳng dám ngỏ lời duyên vuột khỏi tầm tay

Để sân trường một sáng gió heo may
Hoa Phượng nở mình tạ từ Lưu Bút
Anh ra đi sau kỳ thi Đại Học
Chia tay nhau từ buổi ấy hạ tàn
Tình của mình theo khói lửa ly tan
Chừ gom góp chút huơng xưa để nhớ.

Lần gặp lại biết đâu... 
Đừng hẹn nữa
Dấu thời gian đã hằn vết chơi vơi
Hoàng hôn buông... rồi ngày ấy xa xôi...
Còn mô nữa tuổi học trò vụng dại.

Anh sẽ về
Ngắm đôi bờ Thạch Hãn
Mong gặp người dù chỉ một lần thôi...
Để nhìn em thấp thoáng khói sương rơi
Và anh chỉ thì thầm... Xưa anh đã...
Đừng lần lửa... Thời gian nào chờ đợi
Hôm nay còn... Nhưng ai biết rằng mai... ?

                                        Quang Tuyết

READ MORE - GỞI EM... CÔ BÉ NGUYỄN HOÀNG XƯA - Thơ Quang Tuyết

GỢI NHỚ PHÚ ĐÔNG - Thơ Vũ Trầm Tư




Gợi Nhớ Phú Đông

Tôi sẽ về bên dòng sông Cửa Tiểu
Hương lúa đồng phảng phất khúc tình ca
Gò công ơi, câu hò vọng xa xa
Đàn cò trắng bay về, trời chập tối

Làng ven sông, bóng lá bần chấp chới
Ánh trăng soi lấp lánh gió lay cành
Đêm xóm nghèo lặng lẽ mái nhà tranh
Ghé lại đây, ấm tình người Đèn Đỏ

Sớm qua sông, cô lái đò nho nhỏ
Tóc buông dài tha thướt nắng Phú Đông
Mùa nước lên cây lúa đã trổ đồng
Thương lắm cù lao, mùi hương biển mặn

Vườn mảng cầu vẫn xanh màu trong nắng
Trái đúng kỳ nở mạng trắng trên tay
Vị ngọt thanh thao dất phèn mặn Pháo Đài
Nếm thử một lần làm sao quên được

Đứng trên cầu nhìn bên kia rừng đước
Sức sống vươn lên qua sóng gió bão giông
Lá giáo đâm trời dừa nước mênh mông
Hồn dân tộc đã bao đời bám đất

Về với Phú Đông thương áo nâu chơn chất
Chân lội đất phèn, mặt nám da chai
Cực khổ gian nan sau những luống cày
Tiếng hát câu hò thắm tình đất nước


Vũ Trầm Tư
READ MORE - GỢI NHỚ PHÚ ĐÔNG - Thơ Vũ Trầm Tư