Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, February 23, 2015

CHỢ QUÊ, TẾT BUỒN - thơ Huy Uyên




Chợ quê, tết buồn

Nắng hắt chiều người có về quê cũ
bên sông hiu bóng chợ-tiêu-buồn
hàng quán liêu xiêu đầu cuối chợ
đã nhạt phai rồi ngày cuối năm.

Mẹ già quần áo túm ngang hông
lồng nhốt ít gà bên rỗ cá
hàng câu có cơi má em hồng
ngày xưa qua đi sao vội quá.

Giăng phía chòi tranh dăm hàng mã
xót lạnh cuối năm một linh-hồn
cây nêu rung rinh chao cùng gió
tôi tiếc tình tôi những rưng rưng.

Ngày cũ em đi có không buồn?
bỏ quê bỏ con-đường-quan tái lạnh
từng chuyến xe qua xóm không ngừng
để tôi một mùa đông chờ ngóng.

Bên đe bầy trâu nghèo chậm bước
ngọn cỏ cuối trời xanh mắt em
từ độ  dặm đường khôn xuôi ngược
xa nhau tấc dạ nổi đoạn đành.

Mong lòng quê cũ một ngày về
lặng lẻ bóng chiều hoàng-hôn khuất
em ạ tôi gọi mà có nghe
tình ta coi như giờ đã mất.

Thôi chợ quê tan người đi hết
đường trôi từng cơn gió qua làng
tiếng trống cầm canh đêm chìm khuất
hỏi em buồn không lúc xuân sang!
                         Huy Uyên


READ MORE - CHỢ QUÊ, TẾT BUỒN - thơ Huy Uyên

Thơ Hoàng Anh 79: SẦU XƯA và 4 bài khác

Tác giả Hoàng Anh 79



SẦU XƯA     

Cà Mau tháng chạp còn mưa
Trên sông Ông Đốc sầu xưa rụng chiều
Em đi đường cũ buồn thiu
Thương con bìm bịp kêu chiều nước lên.

GIỌT ĐÀN ĐÊM

Tầm xuân trổ nụ tháng giêng
Thềm xưa vọng tiếng đàn đêm giọt buồn
Bạc Liêu  muối trắng màu sương
Cung sầu cung oán cung thương kiếp người.

LẺ LOI

Sông Tiền đất lở cát bồi
Nước chia dòng chảy lẻ loi cuộc tình
Thì thôi làm gã si tình
Nốc khô bầu rượu một mình mình đau.

Hoàng Anh 79

 CHIỀU CUỐI NĂM

Chia tay chiều cuối năm
Ta về phía xa xăm
Em buồn như cổ mộ
Mai rồi tình biệt tăm

Thôi chia tay từ đây
Tình chết theo tháng ngày
Em một thời mộng mị
Ta một đời cuồng say

Áo giang hồ rũ bạt
Chưa tàn giấc ngủ mê
Đời chia muôn nhánh rẽ
Thiên thu một lối về

Chiều mù sương ly biệt
Hoa rơi theo gió ngàn
Trăng tròn rồi trăng khuyết
Ta ngậm ngùi trăng tan

Giao thừa mai vàng nở
Giáo đường vọng chuông sầu
Em bên câu kinh nguyện
Ta bên đời bể dâu.

Chiều 30 tết 2015
Hoàng Anh 79

SỐNG MÃI CÒN YÊU

Sông chia trăm ngã tuôn ra biển
Lá đỏ lá xanh rụng về nguồn
Một ngày ta sống còn yêu mãi
Mặc kệ thân mình mấy vết thương

Chưa sang nước Chúa về đất  Phật
Có nghĩa gì đâu chuyện bể dâu
Ban mai nắng xuống nghe đất thở
Đêm nhìn trăng rụng dưới chân cầu

Ta bước qua đời nhau một thuở
Tóc thề phai dấu bụi thời gian
Nên tình em đó ta còn nợ
Nước mắt biệt ly lắm phũ phàng

Kiếp nầy một kiếp đời lang bạt
Uống rượu ta say với nước mây
Công danh đã lỡ thời vận mạt
Túi rỗng tiền không tay trắng tay

Tà huy chếch bóng bên sườn núi
Đường về La Mã xếp tàn y
Ước gì em đến đây lần cuối
Rót chén rượu nồng tiễn người đi !

Ngày 20/2/2015
Hoàng Anh 79

Bút danh: Hoàng Anh 79
Tên thật: Hồ Mạnh Phi Hùng
Năm sinh: 14/09/1973.
Địa chỉ mail: homanhphihung.mt@gmail.com
Blog : hoanganh79.blogspot.com
Điện Thoại: 0918.974.522
Địa chỉ nhà : 1S5 lầu 1, Lương Văn Can, Chung cư Bình Khánh, P. Bình Khánh, Long Xuyên, An Giang


READ MORE - Thơ Hoàng Anh 79: SẦU XƯA và 4 bài khác

Tào lao với thơ đón tết của Kha Tiệm Ly và Tú Xương - Châu Thạch

Châu Thạch
Tào lao với thơ đón tết 
của Kha Tiệm Ly và Tú Xương 
.
 Đón tết
(Gởi Nguyễn vô Cùng)
Kha Tiệm Ly


Chẳng hẹn mà mi lại tới rồi
Hè nhau nhằm tớ lấy đùa chơi?
Ngoài sân chủ nợ la khàn tiếng
Dưới bếp thằng cu vét lũng nồi!
Nhuận bút leo heo chờ mỏi cổ
Cháo hoa lỏng bỏng húp cầm hơi
Người vui, ta cũng vui ra phết
Kéo xệch hai môi, Đọ! Cũng cười ./.
                (Trích web datdung.com)


Lời bình: 
Châu Thạch


Tác giả Châu Thạch
Nếu tôi là ông nào đó thì tôi sẽ hỏi tội Kha Tiệm Ly ngay, vì bài thơ “Đón tết” tưởng như bi thảm hóa cái xã hội nầy. Nói đùa thế chứ tôi cũng biết ông nào đó sẽ cười khề khà bên ly rượu hảo hạng và khen ông Kha Tiệm Ly nầy làm thơ tự trào hay ghê. Ông đó cũng dư biết rằng ngày tết thì dân chúng sẽ vui chơi ba ngày, nhưng nhà thơ nầy chắc chắn sẽ túy lúy đến ba mươi ngày, nhưng vì làm thơ trào phúng nên cường điệu lên đấy thôi, mà cũng nhờ vậy nên ông mới có giọng  tự trào  độc đáo được như thế. Người ta nói rượu vào thì lời ra, cái ông nhà thơ họ Kha nầy chắc là say lắm đây nên lời ra của nhà thơ thì có khác, ngông ơi là ngông. Cái ông Kha Tiệm Ly nầy không những ngông đội đá vá trời mà còn hỗn láo nữa. Ông dám qua mặt cụ Tú Xương là nhà thơ trào phúng tiền bối, đã nổi danh trước đây cả trăm năm. Ông qua mặt cụ Tú Xương ở chỗ nào? Cụ Tú Xương ngày xưa cũng nghèo rớt mồng tơi nhưng vẫn còn nói trạng không nhận mình nghèo:

Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chữa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hàng biến quấy
Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu
Bánh đường sắp gói e mồm cháy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi đành tết khác
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo.
                      (Cảm tết)

Cụ Tú Xương thơ hay là thế, cụ càng nghèo thơ lại càng hay. Thế mà cụ còn lấp liếm dấu cái nghèo của mình. Cụ chuẩn bị trịnh trọng đủ thứ nào tiền bạc, rượu cúc, trà sen, bánh đường, giò lụa để đón tết, tuy rằng những thứ đó cụ chỉ nói chống chế khỏa lấp đễ che cái sĩ diện của mình. Chẳng bằng cái cái anh chàng cuồng sĩ Kha Tiệm Ly ngày nay, tết mới vừa đến cửa, không những chẳng đón tết mà còn  ngạo mạn chỉ tay chưởi tết ngay, tự vạch lưng cho người biết mình chẳng có cùi xơ nào đón tết:

Chẳng hẹn mà mi đã đến rồi
Hè nhau nhằm tớ lấy đùa chơi

Đã ngạo mạn Kha Tiệm Ly còn hỗn xược nữa. Tết đến là ba ngày chúa xuân vào nhà, người ta hương đèn hoa quả xì xụp lạy, vậy mà Kha Tiệm Ly lại dám gọi tết bằng mi, lại kết tội tết kéo bè kéo đảng đến diễu cợt mình. Thần thơ Tú Xương ngày xưa nghèo thì nghèo nhưng cũng sắm một mâm mứt ngon lành đễ đón tết:

Tết nhất năm nay khéo thật là
Một mâm mứt rận mới bày ra
Xanh đồng thắng lại đen nhưng nhức
Áo đụp bò ra béo thực thà
Kẹo chú Sìu Châu đâu đọ được
Bánh bà Hạnh Tú cũng thua xa
Sang năm quyết mở ngôi hàng mứt
Lại rưới thêm vào tý nước hoa ./.
                            (Sắm tết)

Cái anh Kha Tiệm Ly nầy thơ có hay hơn cụ Tú xương không? Tôi không biết, nếu mà nói thơ anh dở hơn thơ cụ Tú thì tôi sợ anh lấy cái ngông đập vỡ đầu tôi, vì tôi biết anh còn ngông hơn cụ Tú nữa. Không ngông hơn cụ tú sao được khi ba ngày đón xuân cụ Tú còn có mâm mứt rận, chớ anh cứ thây kệ nó, mặc cho chủ nợ đứng đầy sân chưởi khan cả tiếng,  trong nhà thì một thảm cảnh xảy ra, vậy mà còn vui được mới lạ làm sao:

Ngoài sân chủ nợ la khàn tiếng
Dưới bếp thằng cu vét lũng nồi
…………………………………
Người vui, ta cũng vui ra phết

 Cụ Tú Xương ngày xưa cũng ngông dở trời nhưng không dại, còn cái anh Kha Tiệm Ly này nay vừa ngông mà lại vừa dại nữa. Ai đời thời buổi nầy mà đi chờ tiền nhuận bút để ăn tết :

Nhuận bút leo heo chờ mỏi cổ
Cháo hoa lỏng bỏng húp cầm hơi

Châu Thach tôi viết đêm viết ngày, viết đến vợ chưởi con la mà chẳng có xu nào. Kha Tiệm Ly thì có hơn Châu Thạch nhưng chờ tiền nhuận bút để ăn tết thì còn khuya mới có. Dại như thế nên để vợ con liên lụy, cả nhà húp cháo hoa là đáng đời. Cụ tú ngày xưa tuy cũng làm thơ, cũng ngông, cũng thiệt thà, nhưng cũng còn một chút đầu óc biết kinh doanh. Ngày tết cụ sắm mâm mứt rận thấy ngon liền nghĩ ngay ra kế hay, sẽ mở một của hàng mứt vào tết năm sau. Anh chàng Kha Tiệm Ly ngày nay thì sao?Nghèo như thế, đói như thế mà mà không biết lo xa như cụ tú, lại cứ tỉnh bơ chơi trò con nít. Ngày tết thấy người ta vui cười mình cũng bắt chước cười theo. Cười không được thì dùng tay kéo xệch hai môi đọ cùng nhau, cũng cười:

Người vui, ta cũng vui ra phết
Kéo xệch hai môi. Đọ! Cũng cười!

Cái cười của Kha Tiệm Ly bây giờ không còn là cái cười ngông nữa. Cái cười nầy thế gian nhìn vào có thể nói là cái cười của thằng khờ, nhưng người hiểu Kha Tiệm Ly, biết Kha Tiệm Ly là con người văn chương tài hoa thì chắc cũng đau lòng xót dạ lắm.

Ô! Hậu sinh khả úy. Nếu cụ Tú Xương biết được một trăm năm sau còn có Kha Tiệm Ly thì chắc vui cười hả hê nơi chín suối./.
                                                      
                                                            Châu Thạch



READ MORE - Tào lao với thơ đón tết của Kha Tiệm Ly và Tú Xương - Châu Thạch

KHI MÀ… - Thơ Kha Tiệm Ly


Tiemly Kha
                    Tác giả Kha Tiệm Ly



KHI MÀ…


Khi việc thiện mãi đầu hàng cái  ác
Nhìn bốn bên ai cũng phải giật mình
Phật đã dạy, khi đến thời mạt pháp
Thì thiền môn quỷ sứ vọc chân kinh

Khi thơ con cóc lên ngôi ngự trị
Văn ba xu khua lưỡi mối miệng lằn
Trét trấu bôi vôi không hề ê mặt
Bút điếm đàng làm nát bét văn chương

Khi cân công lý còn bên cao bên thấp
Thì pháp đình sẽ đầy rẫy oan khiên
Khi dương quang bị mây mù che khuất
Thì ban ngày đâu có khác đêm đen

Kẻ hám lợi danh tự lấy tro bôi mặt
Kẻ bởi áo cơm nên cam phận thằng hèn
Khi bút Đồ Chiểu chịu thua phường gian ác
Thị đạo tặc bầy đâu ngán gậy Vân Tiên

                                      Kha Tiệm Ly

READ MORE - KHI MÀ… - Thơ Kha Tiệm Ly

VIẾT VỀ ÔNG LÊ CUNG (MINH CẨN) - Minh Đạo


VIẾT VỀ ÔNG LÊ CUNG (MINH CẨN)

   Thời gian mãi trôi đi, cuộc sống nào cũng đến lúc xế chiều rồi khuất bóng nhưng những điều tốt đẹp thể hiện qua thơ ca của một con người sẽ mãi lan truyền trong nhân gian.

   Hôm nay, cầm trên tay tập thơ của ông Lê Cung, bút hiệu Minh Cẩn người làng Trường Sanh – Quảng Trị, tôi thật bồi hồi, xúc động nhớ về một quá khứ tuổi thơ, nhớ những âm điệu trầm bổng khi ngâm những vần thơ mà ông vừa sáng tác về quê hương.

   Sinh ra trên vùng đất không được màu mỡ, khô cằn như bao vùng khác trên tỉnh Quảng Trị, đời sống người dân rất chật vật, khó khăn (Mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu cơm). Nhưng cũng chính  hoàn cảnh khó khăn ấy mà sản sinh ra nhiều con người tài hoa về thơ ca, hò vè như ông Lê Văn Tuệ, ông Lê Dư, ông Võ Mẫn, v.v… và ông Lê Cung cũng là một trong những con người như thế.

   Vì hoàn cảnh gia đình, năm 1984 ông Lê Cung phải rời quê hương, định cư tại Bình Thuận, rồi vào Trị An – Đồng Nai, sinh sống cùng con cháu và đến năm 2011 thì mất, hưởng thọ 91 tuổi (1920 – 2011).

  Xuất phát từ những tình cảm kính mến đối với nhà thơ Lê Cung, hôm nay tôi xin trân trọng giới thiệu một số bài thơ mà ông đã sáng tác qua từng thời kỳ về quê hương Trường Sanh với độc giả gần xa.

                                                                 Minh Đạo                           


                     
Bài Đường luật sau đây là một trong những bài thơ ông viết khi đang làm nhiệm vụ trấn giữ đảo Hoàng Sa (1943).

                     1-  Bốn bề vắng vẻ cảnh hoang sơ
                          Lấp ló vầng trăng tỏ lại mờ.
                          Giọt điểm ly sầu sương tí tắc
                          Khơi niêm trường hận rế u ơ
                          Gió lay phốt phát nghe xao xác
                          Sóng lượn san hô bãi nhấp nhô.
                          Biết tỏ cùng ai tâm sự ấy,
                          Quê nhà quá nhớ ruột vò tơ.

            

Kéo rớ tại cổng Biền Quan
(1957)

Cứ mỗi sáng đàn bà bưng đi chợ,
Và mỗi chiều vác rớ chạy bờ sông
Xóm tôi nghèo tôm cá vẫn nhờ chung
Độ lương thực gia đình vài ba tháng,
Tiết thu đông tự chiều cho đến sáng
Tôi canh phòng thử cá lội khi mô,
Bỗng giữa sông nghe oạp một cái to,
Miệng nhầm khấn lại ngài cho con nớ.
Thế là tay nhè nhẹ nâng cây sào rớ
Cóng  vù lên có khi hỏng khi may
Cũng có khi vát tối với vát mai
Họa  đổi được năm mười loong gạo
Tiết đông lạnh mảnh mong chiếc áo
Gió heo may lạnh buốt tận xương,
Quá khuya không chịu nỗi suốt đêm trường
Bỏ tơi xuống nữa nằm nữa đắp.
Mưa phùn rơi ướt dầm mái tóc,
Hai bàn chân ăm ắp đầy bùn,
Bỗng giật mình vừa ngáp vừa run,
Mới ghé tỷ, ôi chao, trời mau rạng,
Được, chim chạng vạng, cá thì tang tảng.
Có con mô, vát sáng, kiếm vài con.
Bà con ơi, tui đã hết sức bòn,
Cá mụn lắm, hôm nay không mấy cả
Xếp rớ lại, tay chao,tay vã.
Về mau thôi, chợ đã sắp đông.


Nhớ Trường Sanh
(1997)

Nhớ và nhớ trong tình thương nỗi nhớ
Đất Trường Sanh nơi phụ mẫu sinh thành
Dọc hói Ô Khê đi học trường làng,
Chợ Bến Đá cũ trước trường tiểu học,
Chợ cây lớn voi ”vua” hay ghé cột (nghỉ)
Nay đất trường làng đã dựng ngôi đình,
Mảnh đất nầy bao thế hệ học sinh,
Lời giảng dạy nền luân thường đạo lý,
Đất kết tụ, ngọc hoa, bao tinh túy,
Địa linh, sinh tuấn kiệt, ứng tương lai.
Giáp Mỵ, năm xóm, dọc một dãy dài,
Từ Thượng An về xóm Sen đình cũ.
Cỗng Biền Quan, ngăn phòng mùa lụt lũ,
Lúa hè, thu, cho tất cả cánh đồng.
Đường ga cũ, mấy troong nước xóm Trằm,
Hào cây rậm, liên ranh, Vời, Hậu giáp,
Trằm Vụng, Trằm Khang, bốn mùa ẩm ướt,
Ngôi chùa xưa ở sát bờ Vời.
Dọc theo quốc lộ cũ, một dãy dài
Mấy troong nước dĩ, chảy về đồng nội,
Phe tư Diên sanh có phân mốc giới,
Khoai Trưa Trào dọc xuống hói Canh đào .
Cổng nội phủ, phòng, thu nước lũ vào.
Mấy hói nhỏ chắp giáp dòng sông lớn.
Cổng Hà Cháu, hói Bàu Pheo xuôi lượn,
Chốn Dà Dây, bụi tre một Âm hồn,
Bụi la ngà độc chiếc giữa cánh đồng,
Giáp cạnh thôn Đông, bên sông bên ruộng,
Hói ông Vũ, hói thuở xưa, cửu đoạn,
Cửa lấp ngang, khúc hói đã thành đìa,
Hói mới đào, phân ranh giới xóm đò,
Hàng tre “dăng”, dọc lên miền Rộc lộ.
Đường vận tải cồn cầu, đường thuở nọ,
Bến thôn Trung,cho đến tận truông Voi,
Giữa Trung, trường, như một, một mà hai
Điểm Dà là đình vừa dời năm trước,
Trường tiểu học, chợ, đưa lên trạng cát,
Trụ sở  chính quyền đóng sát kề bên,
Khuông Tịnh Đức  đường một cũ mặt tiền,
Nhà giáo xứ hư nền thời giông bão,
Trạng cát trắng từ Trung, sang Mỵ, Hậu.
Quí tiền nhân khai sáng trên 600 năm
Cộng hoang cồn, thủy thổ, dự ấp lân.
Châu bộ ký, trên 2000 diện tích,
Bao gầy dựng bao công trình hữu ích,
Ơn tổ tiên sự nghiệp biết bao la,
Gương hiếu, trung, nhân nghĩa, kết tinh hoa,
Tuy tứ giáp,  như một nhà huynh đệ.
Mấy mươi ngôi miếu vũ, tương tuyền kế thế,
Mười mấy ngôi nhà thờ họ trang nghiêm,
Lạy thần hoàng, bổn thổ địa linh thiêng,
Phù hộ cho dân yên làng thịnh vượng.
Dân lập nghiệp di cư ngoài vạn dặm,
Nhớ cây đa,chốn cũ, bến đò xưa,
Ngồi nhớ buồn,tả nhớ, một vần thơ,
Xin bổn xã âm dương tình quãng lượng.
                                                          20- 6- 1997

( Để gởi tặng bà con người làng Trường Sanh ta ở xa xứ sở quê hương trên mọi miền đất nước )
READ MORE - VIẾT VỀ ÔNG LÊ CUNG (MINH CẨN) - Minh Đạo

MƯA XUÂN ĐỢI AI VỀ - thơ, Trầm Mặc





Mưa xuân đợi ai về

                              Thơ Trầm Mặc 

Tháng Hai rồi, mưa vẫn còn đổ bụi
Bến đò xưa, vắng khách chuyến sang sông
Đồng Khánh ơi! Thừa Phủ đâu còn nữa
Khách đường xa “sao lâu lắm chẳng về?”
Vẫn còn đó, đường phượng bay năm trước
Đợi ai về, chung lối cũ ta đi
Lê Lợi đó, Văn Khoa(*) còn nghiêng dáng
Buổi trở về, cứ ngỡ bóng ai theo
Ơi Huế ơi! Dưới mưa phùn se lạnh
Bỗng giật mình đếm bước một mình ta
Chiều mưa Huế sao mãi buồn ảm đạm
Hoàng thành kia đã phủ kín rêu phong
Ta lặng đi với giọt nhớ mơ hồ
Chuông xa vọng trong buổi chiều cô tịch.

                                         TM

 *****

 (*) Trường Đại học Văn Khoa Huế trước năm 1975.

Thông tin cá nhân:
Họ và tên: Nguyễn Thị Bê
Nơi sinh :Vỹ Dạ thành phố Huế
Học sinh: Trường nữ Trung học Đồng Khánh Huế
Nghề nghiệp: Giáo viên
Số điện thoại : 0127475737586
Email:dongkhanhxua@gmail.com
READ MORE - MƯA XUÂN ĐỢI AI VỀ - thơ, Trầm Mặc