(Trích từ tập Du
Ký)
|
Tác giả Lê Liên |
Bằng chiếc xe máy mới được vá lốp ở ven đường, chúng tôi đã
chạy đua với cơn mưa và đêm tối để trở về với mái ấm của mình! Y hệt như hôm
chúng tôi cũng mang tơi, đội mủ rời mái ấm của mình để đến với buôn làng xa
xôi, vẫn còn quá nghèo nàn lạc hậu vậy.
Tôi yêu những chuyến đi như thế! Bởi vì, tôi đang trở về với
thời thanh niên đầy sôi nổi của mình! Nhưng chỉ khác một chút, ngày ấy chúng
tôi là những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, còn bây giờ chúng tôi là những con ong góp mật cho đời bằng những nghề thủ công (móc chỉ, thêu thùa, đan
len, v.v...) mang lại thu nhập cho thời khắc nông nhàn của phụ nữ và cải tiến kỹ
thuật nông nghiệp, mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn: Thoát nghèo!
Bản làng SƠN ĐIỀN (Di Linh) là những qủa núi trẻ, xanh ngắt
chập trùng bên nhau. Cho nên đường đến bản làng là những khúc quanh, ngan ngát
hương rừng và phủ mờ hơi sương dìu dịu, cảm giác mát lạnh vây bủa, cho người
ta phấn chấn hẵn lên khi đến với công
việc..
Ô! Có những đường mòn nâu đất ngoằn ngoèo, dốc thấp, dốc cao
khi ẩn , khi hiện bên kia những sườn núi xanh... Tự nhiên tôi nhớ đến mấy câu
thơ trong Bích Câu Kỳ Ngộ:
.....
Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều.
Một vùng non nước quỳnh-giao ,
Phất-phơ gió trúc, dặt-dìu mưa hoa…..
Lòng tôi bỗng xuyến xao khi tìm lối đi, về của những chú bé
chăn trâu, của những cô sơn nữ quấn sà-rông, chúi mình theo từng chiếc gùi xếp
đầy bầu nước, được lấy từ dưới suối lên, hay của những chàng trai vai vác
sà-gạc ngày ngày lên nương.. nhưng những lao nhọc ấy không làm mất đi nét hồn nhiên
và tính mộc mạc của con người nhỏ bé trước thiên nhiên kỳ vỹ.
Bản làng không thơm tho mùi cây trái bởi gia súc, gia cầm
thả rong nên quanh mỗi căn nhà nhỏ không có mầm sống của rau xanh…vì những bà
bầu bụng phệ ủn ỉn… miệt mài ủi đất cho bầy con chí chóe, lít nhít chạy theo
sau… Chẳng biết chúng kiếm được gì trong bùn, đất mà cái đuôi cứ vui vẻ quay
tít, không ngừng vẽ những vòng tròn trong không gian?
Đến với bản làng tôi bắt gặp rất nhiều vòng tròn:
Này là: Đôi mắt của trẻ con khi nhìn thấy người lạ bất ngờ
xuất hiện, chúng mắc cở, túm tụm, núp vào nhau, gương to đôi mắt xoe tròn, đen
láy tò mò nhìn chúng tôi.
Nếu Nguyễn Du ca ngợi Thúy Vân: “Khuôn trăng đầy đặn, nét
ngài nở nang” thì tôi cũng ngẩn ngơ bởi những khuôn mặt bầu bỉnh, màu da bánh mật,
hàng lông mày không tỉa nhỏ, đôi mắt
cũng đen tròn vừa thẹn thùng, vừa tinh nghịch quan sát chúng tôi! Rồi cười giòn
tan khi chúng tôi có một sự đồng cảm nào đó với họ.
Này là những cụ bà ùi cháu sau lưng, nhưng đôi cánh tay vẫn
uyển chuyển sàn sẩy, mà thân hình không đong đưa, lại là nơi bình yên cho giấc
ngủ trẻ thơ. Họ hay bẽn lẽn, có khi móm mém cười với chúng tôi, với nụ cười
mang hình chữ o thật đôn hậu!
Tôi nhớ cả những người đàn ông đôi mắt căng đầy đăm chiêu,
chất chứa nỗi bất an của cuộc sống có quá nhiều bất trắc bởi thiên tai, địch
họa và những chính sách bất cập mà với thân phận của những người dân thấp cổ bé
họng, họ đành cam chịu….
Nghèo nàn, lạc hậu có thật đáng sợ không? Từ trong sâu thẳm
lòng mình, tôi thật xót xa khi nơi đây đời sống tinh thần thật thiếu thốn. Tôi
ước gì có một giáo sỹ nào đó về ở đây, chung cùng với bản làng. Chắc rằng cuộc
sống của bà con sẽ được nâng đỡ hơn lên.
Tạm khép lại du ký, bây giờ ngôi đây, trong căn nhà nhỏ ấm áp của mình, tôi nhớ về
những dãy núi như muốn vươn cao hơn trong nắng,
hoặc những thung lũng tràn ngập sương mù, và những liếp nhà thấp lè tè,
nhả những lọn khói lam cả trời chiều.
Tôi nhớ cả mùi amoniac phảng phất trong không gian trường
học, nơi tôi đến dạy nghề và tạm nghỉ
ngơi trong mấy tháng hè, mà những bầy dê hiền lành, nhút nhát, ngày ngày vắt
vẻo cheo leo trên vách núi kiếm ăn, đêm về không có chuồng ngủ, nên rủ nhau
vào tránh gió mưa, ở bất cứ nơi nào
không có người cư ngụ, rồi rắc đầy nước giải và những viên phân tròn vo, đen
tuyền.
Ôi! Ngôi trường chúng tôi ở tạm, (cùng chung với một đội thi
công, bảo dưỡng cầu đường) đang bị khóa nước máy, (vì nhà trường không đóng tiền
nước), nên chiều chiều chúng tôi theo những anh chị em công nhân cùng đi
"tắm tiên" cách nơi ở 3km. Nước suối không được trong, và khu vực tắm
lắm lúc có vắt, nên với chúng tôi, đi tắm tiên quả là vui nhưng cũng nhờm
nhợn...
Thật thương! Ngôi trường tiểu học không đủ tiện nghi học tập
cho học sinh vùng sâu, nằm chơ vơ trên ngọn đồi, không có tàn cây lớn chắn gió,
nên đêm đêm gió từ thung lũng cuống lên, lồng lộng, ào tới, xoáy vào mái tôn
kêu ken két, hoặc có khi đánh phần phật, phần phật vào một bộ phận lỏng lẻo
nào đó của ngôi trường... và gió cũng va vào những ô cửa kính không được dán
silicon kỷ lưỡng, nên cứ kêu tanh tách, tanh tách... Những âm thanh hổn tạp ấy,
như tiếng thét gào của thiên nhiên đang phẩn nộ trước sự tàn phá của con người
vào lòng đất mẹ. Khiến chúng tôi thao thức, và mất đi cái thú lắng nghe tiếng
côn trùng trong đem thâu.
Nhưng chẳng sao! Hằng đêm tôi vẫn nghe NGHE TIẾNG MUÔN TRÙNG của cồ nhạc sỹ Trinh
Công Sơn vọng lại trong tâm thức của mình đó thôi:
Đêm nghe gió tự tình
Đêm nghe đất trở mình
vì mưa
Đêm nghe gió thở dài
Đêm nghe tiếng khóc cười của bào thai
Nghe trăm tiếng ngậm ngùi
Nghe lăng miếu trùng vây
Nghe xa cách cuộc đời
Nghe hoang phế cạnh đây
Xin trên những đường dài
Cho nghe bước rộn vui
Xin trên những nụ cười
Còn rạng rỡ mặt trời
Đêm nghe gió than hoài
Đêm nghe lá đưa lời hàm oan
Đêm thân xác mịt mùng
Đêm nghe tiếng muôn trùng đẩy đưa
Tôi có kỷ niệm buồn nhưng thật đáng yêu với bài hát này và
trong những đêm mưa gió tơi bời giữa
vùng sâu, có những khoảnh khắc tâm hồn mình chìm xuống, sâu lắng, tôi cảm thấy
thật thấm thía khi được trãi nghiệm với từng giai điệu trong bài hát này. Tôi
muốn thắp nén hương trầm, để tưởng nhớ cố NS Trịnh Công Sơn biết bao!
Tôi chợt nhận ra mình có nhiều duyên nợ với đồng bào dân
tộc…và tôi hiểu nơi nào có tình yêu thương thì nơi đó có mùa xuân và mạch sống
sinh sôi, nẩy nở. Tôi yêu bản làng dân tộc, vì nơi đó tôi có những vòng tròn
đáng yêu. Ơi, Tôi muốn hiến tặng cho bản làng dân tộc trái tim căng tròn nhiệt huyết và tình yêu
của mình.
Ước gì...
Xin trên những đường dài
Cho nghe bước rộn vui
Xin trên những nụ cười
Còn rạng rỡ mặt trời
Lê Liên
(
Đà Lạt, tháng 08/2014)