Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 10, 2016

ĐỒI CA - Thơ Đình Xuân



                             Tác giả Đình Xuân



ĐỒI CA

Hình như em đang hong tóc bên lưng đồi
Cùng mấy chòm mây về rửa tội
Ta ngu ngơ nhìn
Nơi hội tụ của thực và hư

Em sợ đôi mắt ta xé vỡ buồng thơ em
Nên hoang vắng là lúc ngờ ngợ nhất
Rứa mà chiều nao cũng lên đồi tắm gội
Để thơ ta ngơ ngác giữa lưng trời

Hình như em đang nũng nịu bên đồi
Gió như ru
Chuông chiều lỗi nhịp
Đừng bỏ ta đi

Ta chới với giữa đường thơ muôn lối
Bao muôn trùng ta mới lạ khúc ru
Em cứ tắm giữa trời và cứ làm thơ rối
Ta đời đợi em như đời đợi khắc TRONG VEO


                                               ĐÌNH XUÂN

          

READ MORE - ĐỒI CA - Thơ Đình Xuân

ĐỪNG ĐỂ CƠM ÔI - Phạm Đức Nhì



         Tác giả Phạm Đức Nhì



ĐỪNG  ĐỂ  CƠM  ÔI

Chị Cả sợ cơm ôi
chờ nước sôi
mới đổ gạo vào nồi
rồi chị khơi lò, trở củi
để ngọn lửa cháy đều, cháy mạnh
cho đến lúc nồi cơm cạn nước
“Cơm sôi cả lửa thì ngon”
câu ca dao mẹ dạy
chị vẫn còn ghi nhớ

Qua chuyện gối chăn chồng vợ
chị với anh đã ăn ý rõ ràng
phải đâu đó sẵn sàng
mới đưa “chốt nhập cung”
và rồi tấn công dồn dập, tưng bừng
cho đến lúc gạo thành cơm vừa chín tới

Bài thơ anh đang viết
chị nhắc anh đoạn kết
đừng như nồi cơm ôi.

San Leon tháng 8 năm 2011
Phạm Đức Nhì

Lời Bàn Của Tác Giả
Mỗi chữ, mỗi câu trong bài thơ phải đóng một vai trò nào đó, phải có một nhiệm vụ nào đó và phải hoàn thành nhiệm vụ của mình - giống như mỗi thanh củi trong bếp phải cháy, phải góp lửa để tổng hợp lại, có sức nóng cần thiết nấu đến lúc nồi cơm cạn nước. Đừng cho vào bếp những thanh củi không bắt lửa, không thể cháy, hoặc cháy mà tỏa nhiệt ít. Hãy chọn những thanh củi khô, dễ bắt lửa, cháy đượm và tỏa nhiệt nhiều. Hơn thế nữa, phải khơi lò, xếp củi như thế nào để thông gió, lửa từ thanh củi này bắt sang thanh củi khác, cháy đều để cùng tạo nhiệt nấu chín nồi cơm. Câu chữ trong bài thơ phải chọn lựa để có thể khơi gợi tối đa cảm xúc trong lòng đọc giả, phải nối kết nhau để lượng cảm xúc khơi gợi được ở câu trước có thể cộng chung với lượng cảm xúc khơi gợi được ở câu sau và cứ “sóng sau dồn sóng trước” nối tiếp cho đến câu cuối cùng của bài thơ.
  • Mỗi bài thơ khi đọc lên đều tỏa ra một không khí (ấm áp, vui nhộn, yêu thương, thù hận … ) như không khí trong một chương trình văn nghệ. Thi sĩ là MC, đừng để có những khoảng “thời gian chết” ở giữa chương trình.                                                                                                
  • Để không có “thời gian chết” làm nguội lửa dục, lửa tình trong lúc “yêu nhau” vợ chồng nên tắt hết điện thoại khi bước vào phòng ngủ.
Nấu cơm đừng để cơm ôi.
Làm thơ đừng để hết hơi cuối bài.


READ MORE - ĐỪNG ĐỂ CƠM ÔI - Phạm Đức Nhì

HÈ VỀ - Thơ Hồng Tâm


               Tác giả Hồng Tâm




HÈ VỀ

Hè về phượng vỹ trổ bông
Tháng tư hoa huệ sen hồng nở ra
Bằng lăng tím nở trước nhà
Ve dạo nhạc dàn đồng ca bắt đầu
Nắng ơi ! nắng trốn ở đâu?
Kéo rèm mây lại giọt ngâu rơi hoài
Sấm vang tia chớp điếc tai
Ếch kêu ộp ộp, hoa nhài tỏa hương
Hè về mưa nắng thất thường
Chẳng can nổi gió thổi luồn lạnh căm

                                     06/04/2016
                                     Hồng Tâm

READ MORE - HÈ VỀ - Thơ Hồng Tâm