Châu Thạch
ĐỌC “MỘT MÙA DÂU” THƠ QUANG TUYẾT
Châu Thạch
Ôi! Mùa Dâu lại về. Mùa Dâu Da
Người ta chở tuổi thơ tôi đi qua
Theo từng con đường lạ
Vòng xe quay tròn hối hả
Mang cả hồn xưa theo những trái dâu vàng
Bóng mẫy mịn màng
Chua ngọt hoà tan
Như mối tình xưa của thời chưa biết nhớ
Dưới gốc Dâu Da
Bỗng nghe hồn mở ngõ
Hái chùm dâu xinh bỏ vào ngăn vở chia đôi
Tay chạm tay rồi
Cho má đỏ cong môi
Mắt nguýt chua ngoa, ửng màu mắc cở
Anh xuýt xoa
Ừ! Anh đã lỡ
Đền cho em
Nguyên một gốc dâu da
Nay Mùa Dâu lại về
Tình đã rất xa
Hai đứa chia tay khi quê vào chinh chiến
Cũng mùa dâu
Chuyến tàu đêm đưa tiễn
Sân ga lặng buồn
Anh bỗng hoá xa xôi
Chỉ một lần thôi
Nếm vội đôi môi
Chỉ một lần - chua ngọt vị dâu tươi
Mà đau thắt mỗi mùa dâu đến...
Bởi chuyến tàu duyên không đưa người về bến
Mặn đắng nụ hôn đầu - thao thiết một mùa dâu
Quang Tuyết
2016
LỜI BÌNH: Châu Thạch
Quang Tuyết ở ngoài đời thì sao không biết nhưng nhìn ảnh Tuyết trên Facebook thì đẹp lắm. Lại nhận xét tính cách của Tuyết trên facebook thì tươi vui, năng động dầu mặt trái cũng có lúc buồn thê thiết. Đọc bài thơ “Một Mùa Dâu” của Tuyết kể về một câu chuyện tình “làm đau thắt những mùa dâu đến” ta không thấy chút đau nào, mà ngược lại thấy cuộc đời thêm thăng hoa bởi những mối tình tan vỡ. Bởi vì sao vậy? Bởi vì Quang Tuyết đã làm cho những trái dâu chua trở nên ngọt ngào quá, thắm thiết quá. Bởi vì Quang Tuyết đã làm cho hương vị của Dâu bây giờ không phải là của Dâu nữa, mà là hương vị của tuổi yêu đương :
Ôi! Mùa Dâu lại về. Mùa Dâu Da
Người ta chở tuổi thơ tôi đi qua
Theo từng con đường lạ
Vòng xe quay tròn hối hả
Mang cả hồn xưa theo những trái dâu vàng
Bóng mẫy mịn màng
Chua ngọt hoà tan
Như mối tình xưa của thời chưa biết nhớ
Dâu Da là một loại cây có quả cở nhỏ, khi quả chín dùng để ăn tươi, được bán trên thị trường như một đặc sản miền rừng núi. Cứ đến khoảng tháng 8-9 âm lịch, màu xanh ngút ngàn của núi rừng lại điểm tô thêm sắc ửng đỏ hay trắng ngà của quả Dâu Da đất. Từng chùm quả Dâu Da bám vào thân cây được đồng bào hái và gùi về tận nhà trong niềm reo vui của trẻ thơ. Cùng với các loại sản vật khác, Dâu Da được buôn bán, vận chuyển về xuôi trên những chiếc xe máy vượt qua những chặng đường rừng chông chênh dốc núi. Dâu Da xuống núi, vào chợ nằm lặng lẽ khiêm nhường bên những loại cây trái khác. Chùm quả dâu da được mọi người chuyền tay nhau để đón nhận cái nghĩa tình hoang sơ của núi rừng.
Trong vế thơ nầy ta thấy Quang Tuyết diễn tả hết sự rộn ràng của mùa Dâu, hương vị của trái Dâu nhưng thật ra chỉ để giới thiệu một mối tình thời trai trẻ. Mối tình đó như “Vòng xe quay tròn hối hả”. Mối tình đó đã đi, đi một cách nên thơ và tuyệt đẹp như những trái Dâu mang về đồng bằng: “mang cả hồn xưa theo những trái Dâu vàng”. Thật là tuyệt khi Quang Tuyết đã lồng hết tất cả mọi tinh tiết của Mùa Dâu Da vào “mối tình xưa thời chưa biết nhớ” một cách vô cùng tinh tế. Người đọc vế thơ nầy thấy rỏ hiện tại của quá khứ, thấy trái Dâu Da tươi rói trước mắt, thấy mùa Dâu Da rộn ràng trước mắt và biết mối tình đã xa xưa nhưng cảm nhận nó đang hiện diện bây giờ. Niềm vui của mùa và nét đẹp của mối tình xưa được Quang Tuyết hòa nhập vào tâm hồn người đọc nhờ sự khéo léo dấu tứ thơ mượt mà trong ý thơ bóng bẩy. Thích thú vô cùng khi ta đọc “Người ta chở tuổi thơ đi qua”: Thời gian của tuổi thơ đã được hòa nhập vào những mùa Dâu Da trong quá khứ. “Vòng xe quay tròn hối hả”: Vòng bánh xe qua đèo qua dốc đã chở cả tuổi thơ hay những vòng đời. Rồi thì “Mang cả hồn xưa theo những trái dâu vàng”: Hồn xưa được hình tượng hóa để nhận biết nó đầy đủ qua hệ giác quan tiếp xúc những trái dâu vàng. Mỗi ý thơ mang nhiều tứ thơ và chuyển tải quá khứ về hiện tại, đưa cảm xúc người đọc vào trong màu sắc, trong âm thanh, trong hình ảnh còn tươi như mới là đặc điểm của vế thơ nầy.
Qua vế thứ hai. một pha tình tứ rất trong trắng, rất ngây thơ, rất trẻ và rất sôi động diển ra trước mắt:
Dưới gốc Dâu Da
Bỗng nghe hồn mở ngõ
Hái chùm dâu xinh bỏ vào ngăn vở chia đôi
Tay chạm tay rồi
Cho má đỏ cong môi
Mắt nguýt chua ngoa, ửng màu mắc cở
Anh xuýt xoa
Ừ! Anh đã lỡ
Đền cho em
Nguyên một gốc dâu da
Ta sẽ không bàn thêm về ý và tứ ẩn dụ trong vế thơ nầy vì rõ ràng đây là một đoạn thơ tả chân. Hai nhân vật trong thơ diễn xuất sắc và tài tình như những diễn viên điện ảnh gạo cội, nghĩa là Quang Tuyết đã miêu tả sinh động được những gì xảy ra dưới gốc cây Dâu Da. Đọc vế thơ nầy ta như được ngắm một hoạt cảnh có nhiều gam màu tươi sáng, với nhiều cử chỉ đáng yêu của hai nhân vật, khiến tâm hồn ta tưởng như có tiếng nhạc êm ái, có tiéng cười trẻ trung còn văng vẳng đâu đây.
Qua vế thứ ba là một đoạn thơ lâm ly làm xúc động hàng trăm, hàng ngàn người của thế hệ đi qua trong chiến tranh.:
Nay Mùa Dâu lại về
Tình đã rất xa
Hai đứa chia tay khi quê vào chinh chiến
Cũng mùa dâu
Chuyến tàu đêm đưa tiễn
Sân ga lặng buồn
Anh bỗng hoá xa xôi
Đây cũng chỉ là một màng trong hàng ngàn cuốn phim nói về sự chia tay thời chinh chiến, nhưng nó không bao giờ là nhàm chán và nó cũng chẳng bao giờ không dễ dàng làm cho người đọc xót xa, rơi lệ. Những chiến binh thời xưa còn đó, dầu họ có chia tay hay không chia tay với người yêu khi lên đường nhập ngũ thì họ cũng chứng kiến cả thời đại lao lung và cái tâm trạng chung khi từ bỏ cuộc sống êm đềm vẫn in hằng trong tâm khảm họ. Những giới trẻ sinh ra sau thời chiến đọc đoạn thơ nầy như khám phá thứ tình yêu lãng mạn, bi hùng trong quá khứ. Vế thơ đã khuấy động dĩ vãng, khơi dòng ký ức, tạo bi kịch nhưng nó vẫn đẹp, đẹp như thật muôn vàn mối tình chia tay trong quá khứ mà ngày nay chúng ta nhìn lại. Quang Tuyết thành công ở đây, thành công khi kể mối tình làm “đau thắt những mùa dâu đến” mà vẫn đẹp như những chùm dâu.
Đoạn kết bài thơ là tiếng thở dài:
Chỉ một lần thôi
Nếm vội đôi môi
Chỉ một lần - chua ngọt vị dâu tươi
Mà đau thắt mỗi mùa dâu đến...
Bởi chuyến tàu duyên không đưa người về bến
Mặn đắng nụ hôn đầu - thao thiết một mùa dâu
Đọc đoạn kết bài thơ cho ta biết đây là tiếng sét ái tình. “Chỉ một lần thôi” mà làm cho “đau thắt những mùa dâu đến” chứng tỏ mối tình này vô cùng ngắn ngủi, đến và đi như tia chớp trên trời, làm đôi môi chưa hưởng hết ngọt ngào đã trở nên “mặn đắng”. Nói thế thôi nhưng “mặn đắng” sẽ vơi đi trong ngày tháng mà sự ‘ngọt ngào” thì đã lan tỏa vào tim và nằm luôn ở đó cho đến ngày nay.
Dầu câu chuyện có thật hay chỉ là hư cấu thì mùa Dâu Da đem vào thơ là một sáng tạo làm lạ, làm mới, làm cho mối tình có hương vị khác xa những mối tình đã được kể trên đời. Những cuộc tình miền quê thường đi đôi với cây khế, cây cam, cây bưởi, cây cau. Đem mùa Dâu Da vào thơ đã biến cuộc tình xảy ra ở miền trung du, vùng đất nên thơ hơn, xa lạ hơn, lôi kéo sự tưởng tượng của người đọc đồi dào và xúc tích thêm lên nhiều. “Mùa Dâu Da” không chỉ cho chúng ta thưởng thức hương vị tinh khôi của một mối tình vừa chớm nở mà còn cho chúng ta hưởng toàn bộ cái rạo rực của mùa, của tuổi trẻ yêu đương, của cảnh sắc miền trung du với cây lá, với thứ quả ngọt và chua mà nếu nếm thử thì khó mà quên được.
Và cuối cùng “Mùa Dâu Da” cũng làm se thắt linh hồn ai đó vì nhớ thương. /.
Châu Thạch