Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, December 31, 2010

LÊ QUANG THÁI - BÀI HỌC LỊCH SỬ QUÝ GIÁ TỪ VÈ THẤT THỦ KINH ĐÔ

Ảnh: sachxua.net

LGT: Sau hơn chục năm nghiên cứu kết hợp với nhiều chuyến điền dã, ông Lê Quang Thái đã ghi chép lại Vè thất thủ Kinh đô (kể cả dị bản) trên cơ sở chú giải tỉ mỉ và cặn kẽ nhằm mở ra cho độc giả một cái nhìn bao quát về bối cảnh Kinh đô Huế ngày thất thủ và những năm tháng kế tục.

Trân trọng tâm huyết và công lao của tác giả, Sông Hương xin giới thiệu tới bạn đọc một chương khá quan trọng trong công trình kể trên của ông Lê Quang Thái, hiện công tác tại Trung tâm Liễu quán Huế.

S.H


Nói vè, không phải đơn thuần bán buồn mua vui. Đây còn là dịp để hậu duệ tưởng nhớ và tri ân người xưa, nghe được tiếng lòng dân tộc, cảm được hồn nước lung linh và tờ mờ ẩn tàng vô hình, vô tướng theo cùng với vận nước có lúc thịnh lúc suy.

1) Người Việt biết liên kết giàu sáng tạo, hài hòa trong sáng tạo tập thể:

Không phải chỉ giới văn nhân tài tử, nghệ sĩ ca công sáng tạo theo lối chuyên nghiệp, chuyên ngành mà bất cứ ai cũng có thể sáng tác, sáng tạo thi ca, hò vè là những thể tài văn học mang đậm tính cách đại chúng và dân dã. Vượt xa hơn trong sáng tác là tinh thần tổng hợp một cách hòa điệu những câu ca, lời vè, nói lối nhuần nhuyễn thành từng đoạn bài ngắn, nhiều bài ngắn được kết dệt thành khổ, thành trang, thành tuồng, thành tích.

Không có tinh thần văn nghệ và yêu chuộng nghệ thuật thì chẳng bao giờ quảng đại quần chúng có những lớp vè trường thi bằng thơ lục bát và biến thể phá cách của thể thơ thuần túy Việt Nam như hai bài vè lịch sử phản ảnh sinh mệnh, hơi thở và cuộc sống, cuộc chiến đấu anh hùng và bi thương của dân tộc ta từ những năm 1883 đến 1885 và những năm tháng khó quên về sau nữa. “Tứ nguyệt tam vương” rồi thất thủ Kinh đô Huế, vua Hàm Nghi xuất bôn. Giữa đường tên mũi đạn, người Việt làm thơ, trong tháo chạy hốt hoảng mà vẫn làm thơ, thậm chí lúc ở bên bờ sinh tử, cấp táng vội vàng vẫn có thơ làm niềm tin gởi lại cho đời. Thơ để tiếc thương, tiễn biệt người thân cùng huyết thống cùng chí hướng và đồng hội đồng thuyền thể hiện tinh thần bất khuất, nuôi dưỡng ý chí quật cường. Cho dù gặp cảnh bi thương cùng cực, người Việt vẫn giữ tròn đạo trung hiếu:

“Trung thần hết sức phò vương,

Chừ ngài bạc phận giữa đường không ai.”

(câu 904 - 905, Hồi II)

hoặc:

“Hãy còn có mặt mầy đây,

Thành đô khôi phục nhớ ngày quảy đơm

Ví dầu dĩa muối bát cơm,

Cô dì thúc phụ quảy đơm (cho) nhớ ngày.”

(câu 939 - 942, Hồi II)

Phải là người trong cuộc, chứng nhân thời loạn mới có những tình tiết đầy bi thương ấy. Có thực sống trong khoảnh khắc bi lụy thì mới nẩy sinh những ý tưởng truyền lại như là di chúc thiêng liêng để lại cho con cháu và cho cả khe rừng nghe mà ghi nhớ, hòa nhập vào hồn nước non nặng nghĩa lời thề son sắt.

Hàng trăm, hàng nghìn tình tiết ấy, tương tự như thế được kết dệt lại thành một thể thống nhất, liên hoàn đầy tính cách bi ai, chịu khốn khổ và kham nhẫn đến mức cùng cực. Người viết sử, nhà làm phim, nhà đạo diễn tài hoa nào tìm thấy được những tình tiết ấy, những thước phim ấy thì thiết tưởng họ tôn quí biết chừng nào về phẩm chất cao quý của người Việt.

2) Ngôn ngữ dân gian phong phú, trung thực tổng hòa với ngôn ngữ cung đình, tao đàn và hàn lâm.

“Ca” là thể tài văn học đi sánh đôi cùng với “vè” để biểu lộ tâm tư, tình cảm, ý chí, niềm hy vọng, niềm tin yêu. Ngôn ngữ của vè mang tính dân gian trung thực, chất phác. Vì vậy rõ nét hơn, lấn lướt cả thi ca về vốn ngôn từ của vè dân dã mộc mạc mà cũng không kém phần thâm hậu.

- Viết về thảm cảnh chiến tranh:

“Khói lên hình tựa long phi,

Đạn ra ngoài biển trúng gì chẳng hay.

Tây bắn (vô) người lọi chân (kẻ lọi) tay, Bể đầu lủng ruột khổ này quân ta.”

(câu 199 - 202, Hồi I)

- Hoặc viết về cảnh quân thù đày đọa dân lành vô tội:

“Ngày thời nó điệu như tù,

Đụng đâu (nó) đánh đấy, nổi u nổi nần.

Ngùi ngùi thân lại tủi thân,

Ngày bắt đi mần đêm bỏ thảm thương.

Bữa ăn bữa uống không thường,

Một ngày bát gạo, cơm lương muối vừng.

Lo ăn lo uống cho xong

Ăn kẻo đói lòng, ăn kẻo chết khô.

Bao nhiêu những giếng với hồ

Kéo thây xuống dập chỗ mô cũng đầy.”

(câu 501 - 510, Hồi II)

- Quân dân vẫn nuôi dưỡng niềm tin phục hận, phát huy nội lực:

“Phò theo dọi đức Hàm Nghi,

Quan Tướng với quan Đề Soạn, với thì quan Đề Ngô.

Ngũ trụ có quan lớn Hữu Hồ,

Ngài làm Thị vệ thủa mô tới chừ.

Chẳng qua Nam Việt thời hư,

Quân thần phụ tử lên chừ rừng xanh.

Thở than trong chỗ rừng xanh,

Bao giờ khôi phục chốn thành kinh đô.”

(câu 837 - 844, Hồi II)

Các tác giả vô danh chung cùng tiếng nói, tiếng gọi đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, tất cả đều chung tâm tư và chí hướng mới sáng tạo được những vần thơ vừa trữ tình vừa hiện thực đến mức cao điểm như vậy.

Văn chương cung đình - hàn lâm không tách biệt xa rời văn chương dân gian chơn chất, nặng tình nặng nghĩa với non sông cẩm tú.

Ước gì ngày nay những nhà sử học, những đạo diễn sân khấu nghệ thuật, nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử sẽ từ đó xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật để giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần tự do dân tộc cho thế hệ trẻ được sinh trưởng và thành tài trong cảnh đất nước thanh bình.

3) Phân hóa, chia rẽ là quỷ kế của giặc, thống nhất ý chí và đoàn kết một lòng chóng vượt qua mọi thảm họa.

Sau ngày mất của Tự Đức, trong lịch sử đã diễn ra nhiều tấn tuồng điên đảo tạo lợi thế cho quân xâm lược hả hê lấn sâu thị uy triều đình Huế sớm trao quyền bảo hộ cho ngoại bang.

Đọc và học lịch sử giai đoạn bốn tháng ba vua (tứ nguyệt tam vương), ai mà chẳng đau lòng quặn thắt cho vận nước điêu linh vì thù trong giặc ngoài mà ca dao lưu truyền.

Nhất giang lưỡng quốc nan phân Thuyết

Tứ nguyệt tam vương triệu bất Tường

(Một sông hai nước khôn ăn nói

Bốn tháng ba vua việc chẳng lành)

mà vè thất thủ Thuận An đã mạnh dạn đả kích ở câu 47 - 48 của Hồi I:

“Mặc lòng hai gã quyền hành

Muốn cho ai loại ai thành thì cho”

Ba vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc lần lượt bị loại trừ với nhiều mưu đồ, tính toan bất chính của ông Quận Tường và ông Tướng Thuyết:

“Thánh hoàng ngài mới băng hà,

Những tham với cách vậy mà tứ tung.”

(câu 65 - 66, Hồi I)

Những quan lại trung chính, hiền lương như Phan Đình Phùng, Trần Tiễn Thành đều lần lượt bị ám hại:

“Đáo để (cho) ông Phan Đình Phùng,

Nói lời trung nghĩa mắc vòng gian lao.”

(câu 43 - 44, Hồi I)

Tướng tài như quan Tiểu phủ sứ Ông Ích Khiêm cũng bị đày bị hại trong lao tù chốn biên viễn thuộc tỉnh Bình Thuận. Quyền thần lộng hành, ai có đề nghị trái ý thì nghi kỵ, tìm cách đốn đi khác nào đốn cây một cách vô cảm, không nương tay. Quả thật, quyền thần tự chặt tay chân của mình:

“Chớ cho lai vãng trong trào,

Cưỡng ngôn nghịch lý, phản phao tới mình.

Quan Tiểu mắc phải vầy binh,

Người trung mắc nạn, lý hình tà gian.”

(câu 237 - 240, Hồi II)

Việc hai vua Dục Đức và Hiệp Hòa bị ám hại có bài bản rồi vua Kiến Phúc kế vị cũng bị “trúng thuốc” một cách bất ngờ làm cho tình cảnh trong dân gian thêm hoang mang, rối rắm trăm đường. Mây mù đã che ám cả bầu trời kinh đô phủ đầy oán cừu, tang tóc:

“Giáp Thân lục nguyệt bằng nay,

Vừa đức Kiến Phúc tuần này thăng thiên.

Bá quan văn võ phân phiền,

Giận trong nhà nước không yên bề gì.

Hội triều tôn đức Hàm Nghi,

Ngài lên trị vì ai cũng cần yên.”

(câu 287 - 292, Hồi II)

Tình thế đã bi đát lại càng bi lụy thê thảm hơn chỉ vì nội tình triều đình Huế suy vi dễ dàng dẫn đến suy vong, mất nước không chóng thì chầy. Nhân dân khó lòng lay chuyển được tình thế bất an, khốn khổ đến mức trầm trọng. Xưa, danh thần Nguyễn Trãi đã dâng hiến cho đời bài học nhân nghĩa, thu phục tâm công để toàn dân quân đoàn kết một lòng thực thi chủ trương lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thừa lúc diệt mạnh. Cả một tình trạng phân hóa và đầy u ám trong triều chính đương thời như thế thì con đen dân đỏ làm sao hiến kế hy sinh để chống giặc. Thù trong chưa dẹp yên thì làm sao mà diệt được giặc ngoài có tàu đồng, đại bác tân tiến.

Bài học phát huy nội lực, thu phục tâm công và đoàn kết một lòng đã bị xé nát tan tành. Việc bỏ quên thù riêng để chung sức lo hận chung mất nước chỉ lóe sáng trong việc đồng tình giữa Phan Đình Phùng với ông Tướng ngày xưa ở sơn phòng Hà Tĩnh, khó lòng xoay chuyển được tình thế. Ấy là chưa kể việc thực dân Pháp nắm quyền đối ngoại với 2 hiệp ước bất bình đẳng: Hòa ước Harmand và Hòa ước Patenôtre.

Cái giá phải đổi cho cuộc chiến đấu anh dũng và bi thương của dân tộc Việt là nước mất nhà tan khiến cây

cỏ cũng nhuốm màu tang thương:

Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự

Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương.

(Khuê phụ thán - Thượng Tân Thị)

Hoặc như Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã cảm xúc trong bài thơ “Cảnh mới nhà Thương Bạc”:

Giảng hòa mực ký xong hai chữ/ Bảo hộ cờ treo đã sáu đời.

Cuối cùng với ý chí quật cường của dân tộc đã thôi thúc những nhà cách mạng tiền bối và thời cận đại sớm tìm ra kế sách giữ nước, chống trả quân thù để giành lại quyền tự quyết và độc lập dân tộc - một dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất với dáng đứng oai hùng bên bờ biển cả Thái Bình dương.

L.Q.T


Nguồn: Trang web: http://tapchisonghuong.com.vn

READ MORE - LÊ QUANG THÁI - BÀI HỌC LỊCH SỬ QUÝ GIÁ TỪ VÈ THẤT THỦ KINH ĐÔ

NGUYỄN HỮU LIÊM – SỨ MẠNG GÁO DỤC NHÂN VĂN: TÂM HỒN VIỆT, CON ĐƯỜNG THẾ GIỚI

Ở Việt Nam hiện nay, trong nỗ lực chấn hưng nền giáo dục đại học, vấn đề “giáo dục nhân văn” đang được các nhà giáo bàn thảo. Để đóng góp cho đề tài này, xin gởi đến đọc giả bài tham luận của tôi trong buổi hội thảo mang chủ đề “Giáo dục nhân văn cho sinh viên Duy Tân cốt lõi là những vấn đề gì?” tổ chức tại Đại học DuyTân, Đà Nẵng, tháng 9, 2010. Mặc dù đề tài chỉ nói về Đại học Duy Tân, nhưng nội dung bài viết thì liên quan đến một vấn đề phổ quát cho các đại học ở Việt Nam.

Trong tác phẩm triết học lừng danh “Phê phán lý tính thuần tuý” triết gia Immanuel Kant có nêu lên một mệnh đề tri thức cơ bản rằng “Khái niệm mà không có trực giác thì trống rỗng; trực giác mà thiếu khái niệm là mù lòa.” Điều mà Kant nói tới là bản chất nhị nguyên bao gồm hai phương diện, khái niệm và trực giác, hình thức và nội dung, trong cấu trúc tri thức của con người. Khái niệm là phương tiện, là con đường. Trực giác là tánh biết trực tiếp có sẵn trong cơ năng tri thức. Cả hai là cần thiết và hỗ tương lẫn nhau cho sự hình thành của kinh nghiệm và tri kiến. Hãy hình dung ra cơ năng tri thức của con người như là một chiếc phi cơ. Khái niệm là hai cánh; trực giác là động cơ. Chiếc phi cơ chỉ có thể bay khi hội đủ hai điều kiện thiết yếu và hỗ tương này.

Trong truyền thống và ý chí khai mở dân trí mà các tiền nhân xứ Quảng này, những vị như Phan Chu Trinh, Phan Khôi, đã đi trước, tôi xin lấy mệnh đề tri thức nầy của Kant để bàn đến một nội dung giáo dục nhân văn cho thế hệ sinh viên Việt Nam đương thời, đặc biệt là cho miền Trung, và riêng cho đại học Duy Tân mà tôi có được vinh hạnh tham gia giảng dạy.

Nói một cách rất gọn là vậy: Con đường giáo dục nhân văn, như là một dự án hành động cho tương lai của đại học Duy Tân, là tiền đề: Góp phần khai mở và vun đắp một thế hệ sinh viên Việt Nam với những giá trị nhân văn dân tộc và nhân loại xứng đáng với khả năng tri thức được tiếp nhận từ thế giới.

Ở tiền đề này, con người Việt với tâm hồn và bản lĩnh Việt là chính; nhân loại và thế giới là khái niệm, là mô thức và phương tiện cho tâm hồn và trực giác Việt Nam mà chúng ta phải đánh thức và khai sáng. Kiến thức và phương tiện kỹ thuật của thế giới là đôi cánh; tâm hồn Việt là động cơ. Cả hai là cần thiết cho chiêc phi cơ con người Việt Nam có thể bay lên cao trong tiến trình hiện đại hóa đất nước.

Đây là một tiền đề mang tính công thức giáo dục và đào tạo mà thiết yếu tính nội tại của nó không những chỉ nằm trên bình diện triết lý mà phải được mang giá trị giả thuyết vốn đòi hỏi rằng nó phải được thử nghiệm và thực thi trên bình diện chính sách thực tiễn.

Muốn thoả mãn nhu cầu thiết yếu tính chính sách cho tiền đề này thì chúng ta phải trả lời hai câu hỏi chính của nó. Thế nào là tâm hồn và trực giác Việt Nam? Và thế nào là nhân loại và thế giới?

Câu hỏi thứ nhì, theo tôi, thì dễ dàng để trả lời. Trong chiều hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập vào cộng đồng nhân loại chung, thì giá trị thế giới là tập hợp những chọn lựa từ những gì của văn minh đương đại vốn thích hợp và cần thiết cho đất nước và con người Việt Nam.

Ví dụ ngắn gọn: Đại học Duy Tân có thể chọn một mô hình giáo dục theo kiểu mẫu Hoa Kỳ, một mô thức đại học mà theo đó thì huấn luyện, đào tạo là ưu tiên. Chúng ta có thể tham khảo và du nhập mô thức tổ chức, nội dung giáo trình từ một đại học nào đó ở Hoa Kỳ, như Pennsylvania State hay Canergie Mellon. Mô hình chọn lựa này, như là một thí dụ cụ thể và điển hình, là một con đường thế giới, một phương tiện pháp, nói theo nhà Phật, để chúng ta phát huy con người Việt Nam cho nhu cầu cá nhân và xã hội.

Còn câu hỏi thứ nhất, trông có vẻ như là đơn giản, nhưng không phải là dễ để trả lời thỏa đáng. Giống như là mệnh đề của Kant, chúng ta hình như ai cũng nhận ra, hay cảm thấy rằng, mỗi người Việt Nam chúng ta đều mang một tâm hồn, một bản sắc trực giác Việt Nam vốn đặc thù và đơn biệt. Đây không phải là một giả định – mà là một sự thể thiết yếu và hiển nhiên. Bản sắc tâm hồn hay trực giác của người Việt đã phân biệt họ ra khỏi cộng đồng nhân loại và các sắc dân khác. Nó cũng là điều kiện và nguyên nhân cho sự hình thành của lịch sử lập quốc và nhân cách con người Việt Nam xưa và nay. Nhưng nếu có ai hỏi rằng đâu là một định nghĩa về một “tâm hồn” hay ”trực giác” Việt Nam thì câu trả lời cũng vẫn còn là một vấn nạn, một bí ẩn tuy gần nhưng xa, hiển bày nhưng cũng bị vùi kín.

Ở đây tôi xin dựa vào định nghĩa của triết gia Aristotle, cha đẻ của logic, siêu hình học và tâm lý học Tây phương, thì tâm hồn (psyche) là cái nguyên tắc tổ chức và điều khiển các khuynh hướng chọn lựa và hành động của cá nhân. Từ định nghĩa này, chúng ta có thể phân giải phần còn lại của câu hỏi: Cái nguyên tắc tổ chức và điều hướng (psyche) của con người Việt Nam là (những) gì? Định nghĩa của Aristotle là về con người hay cá thể phổ quát, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian hay bối cảnh nhân văn, lịch sử, địa lý. Định nghĩa này có thể coi như là một nhận diện về cấu trúc của tâm hồn – nhưng không bàn tới nội dung của tâm hồn đó, tức là những khuynh hướng chọn lựa và hành động nào của một cá nhân đặc thù. Tâm hồn, theo sự nhận diện cấu trúc này, chỉ là một “guồng máy,” hay nói gần hơn với Aristotle, là một năng lực định hướng cá nhân, mà người Việt chúng ta đều chia sẻ một mẫu số chung.

Khi chúng ta thay thế “tâm hồn” bằng định nghĩa của Aristotle thì câu hỏi sẽ trở nên rằng, trong một bối cảnh nhất định có sẵn, cá nhân và tập thể các con người Việt Nam sẽ có một thể loại hay khuynh hướng chọn lựa hay hành động như thế nào? Và khuynh hướng hay cái mode chọn lựa này được đặt trên cơ bản nguyên tắc và nguyên lý nào?

Khi chúng ta nhận diện ra được cái nguyên tắc chọn lựa và hành động của người Việt Nam, trên cơ bản cá thể hay tập thể, thì chúng ta đã nhận ra một bản sắc cho cái gọi là “hồn Việt Nam.” Khi cơ bản tâm hồn Việt Nam đã được định vị và nhận dạng, thì từ đó mà một dự án giáo dục nhân văn mới cho con người Việt Nam có thể sẽ được triển khai.

Vì vậy, bước đầu cho một phác thảo của dự án nhân văn cho sự nghiệp giáo dục của đại học Duy Tân chính là một nỗ lực tự soi sáng chính mình ở nơi tập thể lãnh đạo và nhân viên nhà trường, của đội ngũ giảng dạy, và của tất cả sinh viên và phụ huynh liên đới. Soi sáng chính mình ở đây có nghĩa là mình hiểu thấy được cái bản sắc, cái tâm chất, cái nguyên tắc hướng dẫn cho cuộc sống của chính mình được đặt trên một số những động cơ và giá trị nào.

Hãy trở lại tiền đề giáo dục nhân văn cho Duy Tân. Nó bao gồm hai vế: Một thể loại hay nội dung tâm hồn Việt Nam, vốn cần được khai sáng và vun trồng, đối diện một thế giới và thời đại cần phải được học hỏi và tiếp thu. Tuy là có hai vế, nhưng trên cơ sở logic, tiền đề này phát sinh ra một yếu tính mới: tính liên hệ giữa hồn Việt Nam và con đường thế giới. Nhận chân ra thiết yếu tính của mối quan hệ này để chúng ta định vị và nhận dạng ra tính điều kiện và nhân quả giữa hai vế. Những cá thể mang tâm hồn Việt Nam đang thay đổi và lớn dần, một cách thụ động và bất định, theo một thế giới vốn đang thay đổi nhanh hơn. Đâu là cơ bản giá trị để cho con người Việt Nam có thể chủ động chọn lựa và hành hoạt trước vô vàn khả thể tính mà thế giới và thời đại đang đưa đến?

Bây giờ chúng ta cùng đọc lại “Sứ Mạng của Đại học Duy Tân” mà Hội Đồng Quản Trị đã công bố:

“Bằng bản lĩnh Việt Nam, phát huy truyền thống của phong trào Duy Tân trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, Đại học Duy Tân bám chặt những yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của miền Trung và đất nước, hướng tầm nhìn ra thế giới hiện đại, mở rộng hợp tác quốc tế, nhanh nhạy đón bắt công nghệ và tri thức mới nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.”

Đây là một thông điệp sứ mạng mạnh mẽ, rõ ràng cho mục tiêu hiện hữu của Duy Tân – là một đại học đào tạo và huấn luyện một tập thể lao động có chất lượng trên tiêu chuẩn thế giới nhằm phục vụ cho một nhu cầu của tập thể dân tộc. Nhưng chính vì chủ trương huấn luyện, thay vì nghiên cứu hay lý thuyết, và phục vụ cho sự nghiệp đất nước, thay vì xây dựng cá nhân sinh viên, mà Duy Tân đang nhấn mạnh đến cái vế đôi cánh của “nhân loại và thế giới” mà tiền đề giáo dục trên đã nêu lên.

Vì thế, nay đã đến lúc mà Duy Tân phải khai vực lại cái vế thứ nhất. Đó là sứ mạng giáo dục nhằm khai sáng và vun trồng những “hồn Việt Nam” trên cơ bản nhân văn và ý thức mới trước nhu cầu của đất nước và văn minh nhân loại. Hãy đọc lại “Sứ Mạng” của Duy Tân lần nữa. Nó nói rõ rằng mục tiêu của Trường là đào tạo một nguồn nhân lực có “chất lượng” trên cơ sở “công nghệ và tri thức” thế giới. Vì thế, “Sứ Mạng” này sẽ phải bao hàm một nội dung giáo dục nhân văn theo tiêu chuẩn thời đại của cộng đồng nhân loại, xứng đáng với tầm vóc và mẫu mực con người phổ quát, trên cơ sở tâm hồn Việt Nam, trong ý thức và hành xử văn hóa và nhân bản của những cá thể có khả năng tự ý thức cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng của chính mình.

Đây không phải là một luận cứ đạo đức vốn chỉ được đặt trên một giả định đầy tính chất huyền thoại cho một cứu cánh tính về một mẫu người Việt Nam trừu tượng nào đó. Chúng tôi cũng không muốn nêu lên một lý luận mộng tưởng trên một số giả định mơ hồ, không minh bạch về cái gọi là “hồn Việt” trong mỗi cá nhân Việt Nam. Trái lại, khi bàn về tiền đề “giáo dục nhân văn” này chúng tôi nhận chân ra cái nhu cầu khẩn cấp và thiết yếu của cái vế “con người” trên cơ sở văn hóa và văn minh trong dự án “trồng người” mà tổ tiên chúng ta đã hằng từng hoài bảo.

Làm sao để tiếp nhận công nghệ và tri thức thế giới và thời đại nếu chúng ta, như là những cá thể Việt Nam, chưa xứng đáng với giá trị của công nghệ và tri thức nhân loại đang có? Hay hỏi thực tế hơn. Làm sao mà các đại công ty, hay những nhà đầu tư, muốn chuyển giao công nghệ và tri thức tiên tiến đến cho Việt Nam nếu đội ngũ nhân lực chúng ta không đủ khả năng và tầm mức văn hóa xứng đáng để làm chủ công nghệ và sử dụng tri thức đó?

Hỏi như vậy đề chúng ta nhận thức rằng khi chưa xứng đáng với tầm mức nhân văn và khả năng tự ý thức để làm chủ công nghệ và tri thức thế giới thì chúng ta sẽ chỉ còn là những anh thợ, những nhân công khéo tay làm thuê cho chủ nhân ngoại quốc, tức là làm kiếp nô lệ trong một trật tự chủ-nô mới vốn được hóa trang bằng những hình thức hào nhoáng của cái gọi là tiên tiến và văn minh.

Hỏi như thế để chúng ta, những người làm giáo dục, cố gắng khai sáng được cái huyền thoại “tâm hồn” hay “bản lĩnh” Việt Nam nhằm biết được cái tiềm năng, khuynh hướng cũng như những biên độ giới hạn của con người Việt Nam nhằm khẩn cấp thực thi những chính sách giáo dục nhân văn cần thiết và thích ứng.

Ở đây, chúng tôi chưa muốn đưa ra một trả lời về câu hỏi giáo dục nhân văn là gì, hay làm như thế nào. Những cái đó thuộc về phạm vi chính sách mà nhà trường sẽ phải cùng thảo luận và đề ra. Ở đây chúng ta muốn nhấn mạnh đến nhu cầu giáo dục nhân văn cho sinh viên đại học Duy Tân. Vì sao? Xin phép được giải trình rằng chúng ta đang phải đối diện với một khủng hoảng nhân văn khá trầm trọng trong thế hệ sinh viên mới ngày hôm nay. Bản chất của sự khủng hoảng này phát xuất từ sự chuyển hướng tự nhiên của con người Việt Nam trước một thế giới mà tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đã đưa họ ra khỏi những cơ sở văn hóa và tinh thần truyền thống vốn là căn cứ vững vàng xưa nay.

Từ trong truyền thống của nền văn hóa nông nghiệp mà chúng ta phát xuất, tự nó đã có những bất cập, những khuyết điểm và giới hạn tự nhiên. Khi tâm thức nông dân Việt Nam, bằng hành trang văn hóa dân tộc này, phải đi vào một khung cảnh văn minh công nghiệp của thời đại thì nó phải trải qua khủng hoảng nhân văn. Vì thế, trách nhiệm giáo dục chung là làm thế nào để trang bị cho sinh viên thời đại một hành trang văn hóa dân tộc, linh động nhưng có cơ bản từ một tâm hồn Việt Nam, với năng lực tự chủ, tự do và sáng tạo nhằm xứng đáng ngang tầm với nhân loại ngày nay? Đây là thách thức lớn, không những chỉ ở bình diện lý thuyết mà là phạm vi thực tiễn qua chính sách giáo dục và đào đạo mà Duy Tân phải thực thi. Sinh viên Việt hôm nay khi đi ra với thế giới hiện đại cũng như anh chàng dưới quê đi ra khỏi luỹ tre làng. Làm sao mà cho dù các em có phải đi ra khỏi quê nhà nhưng quê nhà không có rời khỏi các em? Sứ mệnh nhân văn của chúng ta, do đó, là làm sao tạo điều kiện tri thức và nhân cách để cho thế hệ Việt Nam mới không đánh mất cái hồn tinh hoa văn hóa Việt Nam trước thời đại.

Để kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện về đạo học huyền nhiệm. Có vị sư giác ngộ vốn mang khả năng nhìn suốt không và thời gian để biết trước cái gì sẽ xẫy ra trong tương lai – kể cả những tin tức về kinh tế tài chánh mà nếu nắm được sẽ là cơ hội làm giàu lớn. Có kẻ doanh nhân nọ muốn có được khả năng kiến thức này xin theo học vị sư để được giàu có. Nhưng vị sư từ chối và đã nói với doanh nhân rằng, muốn được đạt đến trình độ tri kiến này, điều kiện tiên quyết là ngươi phải xứng đáng với nó. Khi sử dụng khả năng huyền nhiệm cho mục tiêu duy lợi vị kỷ thì khả năng tri kiến đó sẽ bị tiêu huỷ.

Ý nghĩa của câu chuyện là rõ ràng. Cá nhân phải được tiến hóa về nhân cách và tâm thức xứng đáng với khả năng tri kiến về phương tiện pháp thế gian. Sự bất cập giữa hai vế, giữa tâm thức nhân văn và khả năng tri kiến phương tiện, là nguyên nhân của mọi thảm họa. Câu hỏi cho chúng ta là, liệu những tâm hồn Việt Nam ngày nay có xứng đáng với khả năng tri kiến mà họ đang hấp thụ từ thế giới hiện đại chưa? Tức là, thế hệ sinh viên mới của Duy Tân có được trang bị bằng một tâm hồn và trực giác Việt Nam đủ xứng đáng với khả năng chọn lựa và hành động trước những gì mà nhân loại và thế giới đang đưa đến? Nguyên lý và giá trị nào để các em sống và hành hoạt khi giòng sông dân tộc đang đi ra hội nhập với đại dương nhân loại?

Soi sáng và hệ thống hóa một cách khoa học các phương cách tiếp cận cho những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta bắt tay vững chắc hơn vào sứ mệnh giáo dục nhân văn mà Đại học Duy Tân đang vươn đến vậy.


Nguồn: Trang web của Nguyễn Trọng Tạo: http://nguyentrongtao.org

READ MORE - NGUYỄN HỮU LIÊM – SỨ MẠNG GÁO DỤC NHÂN VĂN: TÂM HỒN VIỆT, CON ĐƯỜNG THẾ GIỚI

Tuesday, December 28, 2010

Bùi Phước Vĩnh – NỖI LÒNG



Còn gì đâu nữa mà chờ mong
Thuyền xưa đã bỏ bến xuôi dòng
Thời gian lặng lẻ âm thầm giết
Chôn xuống mộ sâu một tấm lòng

Em đứng đầu sông mơ cuối sông
Chỉ còn nhìn thấy khoảng hư không
Còn ai đâu nữa mà trông ngóng
Người đã xa rồi lạnh chiều đông

Thuyền đã ra đi bỏ lại bờ
Sông xưa bến vắng vẫn mong chờ
Trách người sao nỡ vô tâm quá
Bỏ lại sau lưng bao hững hờ

Đếm lá thu rơi đã bao lần
Người đi biền biệt chẳng dừng chân
Sông xưa còn đó con đò vắng
Bến cũ rêu phong tủi má hồng

Thôi đã quen rồi chuyện dòng sông
Bao năm khắc khoải nỗi chờ mong
Rì rào tiếng sóng âm thầm vỗ
Lặng lẻ xuôi dòng ra biển đông.

11-2010

BPV
READ MORE - Bùi Phước Vĩnh – NỖI LÒNG

VĂN KẾ THẾ - VỀ ĐÂU



Em đã về đâu đó

Rơi rớt lại bơ vơ

Bước chân nào trên phố

In dấu vết hững hờ


Không còn là em nữa

Những thay đổi chông vênh

Mong chờ gì hương lửa

Nửa đời ta buồn tênh


Vôi vàng ôi ngày tháng

Chút giận chút yêu thương

Ngỡ ngàng không ? một thoáng...

Bất chợt ở bên đường


Nửa chừng hoa chưa nở

Cành lá nhạt màu tươi

Những thanh âm tan vỡ

Xé nát một đời người.


VKT

READ MORE - VĂN KẾ THẾ - VỀ ĐÂU

LÊ BÁ LƯ - PHAN VĨNH LONG: MỘT NÔNG DÂN SẢN XUẤT GIỎI VÀ BIẾT SỐNG VÌ CỘNG ĐỒNG


Hình 1:Anh Phan Vĩnh Long

Đến xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, một địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Thuận, chúng tôi nghe những câu chuyện về anh Phan Vĩnh Long, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã- một điển hình của phong trào nông dân sản xuất giỏi và có nhiều đóng góp cho xã hội tại địa phương.

Qua sự giới thiệu của anh Trần Kim Lân, Chủ tịch UBMT Tổ quốc xã, tôi tìm gặp Long tại trang trại của anh. Dáng người tầm thước, da ngâm đen, trán cao, nói năng từ tốn, bên cốc chè xanh, Lân đã kể cho tôi nghe cuộc đời của anh, một nông dân đã đi lên từ hai bàn tay trắng tại vùng đất xa xôi hẻo lánh này.

Sau giải phóng, năm 1976, khi đó mới 10 tuổi, học lớp 3, cậu bé Phan Vĩnh Long theo gia đình từ Quảng Trị vào lập nghiệp tại xã Tân Thắng (xã Thắng Hải bây giờ), một vùng kinh tế mới của tỉnh Thuận Hải lúc bấy giờ. Đây là căn cứ kháng chiến cũ, đất đai màu mỡ nhưng chỉ là rừng rú, chưa có dân sinh sống. Anh đã cùng bố mẹ phá rừng làm rẫy, trồng trọt, chăn nuôi và cuộc sống dần ổn định. Nhờ chăm chỉ và biết cách làm ăn, gia đình đình anh đã dành dụm được số vốn nho nhỏ.

Năm 1985, anh lập gia đình và được cha mẹ cho ra ở riêng cùng với số vốn ít ỏi. Vợ chồng Long đã nổ lực lao động, quyết chí vươn lên làm giàu. Đôi vợ chồng trẻ đã làm nhiều việc, từ mở rộng diện tích trồng trọt, tăng thêm quân số của đàn heo, đàn gà, đào ao thả cá, nuôi tôm…Cuộc sống vợ chồng dần khá lên; tổ ấm của anh càng thêm hạnh phúc khi hai đứa con trai ra đời.

Tuy mới học đến lớp 10, nhưng Phan Vĩnh Long có những suy nghĩ rất tiến bộ và ham học hỏi. Anh đã tìm đọc các tài liệu khoa học về chọn giống, phương thức chăm bón… và suy nghĩ cách chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho hiệu quả nhất, đồng thời tìm hiểu nhu cầu thị trường để vừa kịp thời đáp ứng, cũng như “đón đầu” cơ hội kinh doanh.

Long cho biết, năm 2000, kinh tế địa phương đã bắt đầu khá lên, nhiều hộ dân đã có điều kiện xây dựng nhà của kiên cố, anh bàn với vợ mở lò gạch và cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng. Chồng phụ trách sản xuất gạch với 30 công nhân, vợ kinh doanh cửa hàng vật liệu xây dựng. Năm sau, anh thành lập thêm một đội xây dựng với 12 công nhân, nhận thi công các công trình tại địa phương. Do biết cách làm ăn theo khoa học và nhạy bén thị trường, cơ ngơi của anh ngày càng phát triển.

Khi Nhà nước có chính sách giao đất trồng rừng, Phan Vĩnh Long mạnh dạn xin nhận 25 ha rừng và đổ hết vốn liếng vào đây trồng cao su. Trong thời gian cao su còn nhỏ chưa khai thác được, anh đã trồng xen những loại cây ngắn ngày như bắp, đậu…, lấy ngắn nuôi dài rất hiệu quả. Hiện nay, vườn cao su của anh đã lên 7 tuổi, bắt đầu đi vào khai thác. Long cho biết, trong năm 2010, anh mới khai thác 4 ha trồng đầu tiên đã thu được hơn 200 triệu đồng. Công nhân chăm sóc cao su hiện có 6 người, được anh mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, trả lương 3 triệu đồng/tháng và có chế độ tăng lương, thưởng tết như công nhân Nhà nước, nên ai cũng muốn gắn bó lâu dài với anh…

Phan Vĩnh Long cho biết, anh đang tiến hành thành lập trang trại nuôi heo nái tập trung trên diện tích 6 ha, với số lượng hơn 1.200 con, tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên do lãi suất ngân hàng hiện nay cao quá, nên dự án đang gặp khó khăn. Theo anh, nếu lãi suất vay khoảng 15- 16%/năm thì đầu tư chăn nuôi có thể có lãi, còn lãi suất như hiện nay thì quá khó khăn. Anh đang trông chờ thu nhập từ vườn cây cao su, để bằng nguồn vốn tự có của mình tiếp tục thực hiện dự án nuôi heo….


Hình 2: Anh Phan Vĩnh Long và tác giả.

Anh Trần Kim Lân, Chủ tịch UBMT Tổ quốc xã Thắng Hải cho biết, là một nhà doanh nghiệp với nhiều dự án đang làm, công việc ngày đêm bận rộn, nhưng Phan Vĩnh Long vẫn thích tham gia công tác xã hội. Với cương vị Phó Chủ tịch Hội nông dân xã, anh thường phối hợp với mặt trận, chính quyền tập hợp bà con nông dân, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về các chương trình khuyến nông. Đồng thời anh luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hướng dẫn bà con cách làm ăn hiệu quả. Phan Vĩnh Long còn là một nhà hảo tâm, mạnh thường quân nổi tiếng tại địa phương. Anh luôn ủng hộ các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, bão lụt; sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cơ cực và tạo cơ hội vươn lên cho những ai có chí hướng làm ăn.

Ông Trần Đăng Tấn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thắng Hải đã đánh giá cao tài năng làm kinh tế và cách sống vì cộng đồng của Phan Vĩnh Long và khẳng định, đây là một hạt nhân tích cực, đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo tại địa phương./.

Lê Bá Lư (TTXVN)

READ MORE - LÊ BÁ LƯ - PHAN VĨNH LONG: MỘT NÔNG DÂN SẢN XUẤT GIỎI VÀ BIẾT SỐNG VÌ CỘNG ĐỒNG

Monday, December 27, 2010

NGUYỄN HỮU LIÊM – NƠI BẾN ĐÒ CUỐI THÁNG TƯ


Đình làng Bích La


Hầu như hằng năm tôi vẫn trở về lại dòng sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, đứng bên bờ sông cũ, nơi miếng đất mà 35 năm trước đã từng là căn nhà thơ ấu của tôi. Dòng sông vẫn như xưa. Vẫn đôi bờ, bên lở, bên bồi. Ở nơi mà dòng nước chảy ngang qua vùng đất này, những tháng ngày của hơn 35 năm trước, bao nhiêu bom đạn và máu xương đã đổ xuống đây.

Tôi nhìn dòng nước phản chiếu dưới ánh nắng hè của miền Trung, nhìn kỹ vào từng khoảng bờ đất lở loang lổ, như là nhìn lại chính lòng mình với đầy vết thương từ quá khứ. Tôi nhìn qua bên phải của bụi tre cuốn mình trong gió để coi lại cái hố bom B52 vẫn còn trũng xuống nơi mà nền nhà của tôi đã từng ở đó. Không ai nhìn lại nỗi đau trên ba lần – người ta có nói. Nhưng tôi đã nhìn lại cái hố bom đó, nhìn lại bờ đất lở Thạch Hãn này nhiều hơn là ba bốn lần. Nhìn lại vết thương của mình có lẽ là một phương thức trị liệu tinh thần cho một con người đã đi xa quê nhà nhưng chưa từng rời khỏi quê hương.

Năm nay, một ngày 30 tháng Tư nữa lại về. Tôi nhớ lại trong huyền thoại cổ xưa của Hy Lạp thì cái gì đã xảy ra sẽ xảy ra lần nữa, và lần nữa, trở lại mãi mãi, trong tương lai. Nó sẽ trở lại không phải vì bản chất biến cố chỉ nằm trên bình diện vật thể – mà là của tâm thức. Mọi chuyện ở thế gian từ thực tính là hiện thân của một ý niệm, một thoáng của tâm. Thời quán ý niệm này là khuôn thức cho hiện tượng. Và con người với hiện trạng bị đày đọa vào lịch sử trần gian chỉ là một nét cọ trên bản vẽ của dòng tâm ý vĩnh hằng này.

Vâng! Ngày 30 tháng Tư 1975 là một chuyện đã xảy ra hầu như rất xa vời trong quá khứ. Đã 35 năm rồi còn chi? Nhưng cái tâm ý về sự kiện lịch sử này vẫn còn đó bên ngoài cõi hiện tượng lịch sử. Và tôi đang trải nghiệm trong tôi, với cộng đồng người Việt ở California, một sự dấy động trong tâm ý về câu chuyện tưởng như là không còn nữa.

Tôi nhớ lại mùa Hè năm 1972. Khi dòng Thạch Hãn đã là chiến tuyến mới chia cách đôi bờ. Tôi đã đứng bên ni, nhìn sang bên tê, kẻ thù đâu không thấy, người thân cũng bặt dạng tăm hơi. Tôi đã chỉ thấy lấp lánh bóng dáng chính mình phản chiếu dưới mặt nước cùng với luỹ tre kia.

Bây giờ là mùa Hè 2010. Có những lần bên bờ biển từ California tôi nhìn về phía Tây, tưởng như là nhìn thấy bờ biển Việt Nam, cũng bên này, bên kia, như cũ, như xưa. Nhưng bến bờ đâu thấy. Tôi chỉ thấy vất vưởng những bến bờ quá khứ vẫn còn chia cách như là một tâm tưởng của cõi vĩnh hằng đứng trên thời gian và không gian hữu hạn. Cái mất, cái còn như là bên bồi bên lở từ một cuộc chiến xưa cũ vẫn hằn sâu như là bờ đất của con sông Thạch Hãn hôm nay.
Mỗi lần dân tộc Việt Nam phải kinh qua một biến cố lớn – như ngày 30 tháng Tư của 35 năm trước – cái được, cái mất đã là một sự bù trừ. Từ chính cá nhân mình, tôi mất hết quá khứ để có được một tương lai khác. Từ lịch sử, dân tộc ta đã bước qua một chân trời ý thức mới mà nhu cầu ngày cũ nay đã không còn. Từ bình diện vĩnh hằng, một thoáng ý niệm về hiện tượng con người Việt Nam đã hoàn tất một thời quán tiến hóa.

Nếu đem tâm lý vui buồn ra làm thước đo thì tôi lại rơi vào vũng lầy của hiện tượng. Nhưng có một điều không thể chối cãi rằng, con người Việt Nam, từ viễn cảnh bên bến bờ California, thì đối với ngày 30 tháng Tư, cái buồn vẫn nặng hơn cái vui. Rất nhiều.

Tôi mất đi căn nhà ấu thơ bên bờ Thạch Hãn để có một nơi chốn khác bên bờ biển California. Một khối rất đông dân ta mất đi cái Sài Gòn cũ để có được các khu phố Little Saigon ở Quận Cam và San Jose. Tôi đã bao lần tự nhủ rằng đừng cố níu kéo cái gì đã mất. Tôi cũng đã viết bao nhiêu lần rằng chúng ta hãy quên đi ngày 30 tháng Tư. Nhưng cái gì tự nó đã xảy ra thì phải đi theo quy luật vượt qua chủ ý con người. Tôi so sánh chuyện này với sự kiện bồi lở của dòng sông đang đe dọa khu vườn nhà ấu thơ, tôi đã cố gắng tìm cách chặn bờ đất, nhưng cuối cùng, như là lịch sử và hoài niệm, nó vẫn như là dòng sông Thạch Hãn cứng đầu và mãnh liệt, vẫn ngang tàng chuyển động theo quy luật vĩnh hằng.

Ít nhất, cho đến khi chính mình và dân tộc có một cái Tôi khác, đứng cao hơn một nấc, để nhìn kỹ vào dòng lịch sử, bên lở bên bồi này, nhìn ra vết thương lòng, công nhận nó là một nỗi đau chung của Việt Nam, không riêng chi mình, không chỉ là hơn, là thua, mà là đôi bờ phải được bao gồm vào tâm ý.
Nhưng với cái tôi đang là, cứ mãi nhìn hố bom, nhìn bờ đất lở của làng xưa, mà quên bẵng đi rằng, dưới dòng nước kia, vẫn còn đó chuyến đò kiên tâm chở dân làng qua chợ Hôm mỗi buổi chiều. Chuyến đò vẫn còn, dù mái chèo nay đã thay bằng động cơ dầu, với những chiếc nón lá, những gánh rau quả, cuộn lá chuối của bà con. Tôi hình dung ra hình ảnh mạ tôi, em gái tôi đang gánh rau, lá chuối qua sông đi chợ mua mắm ruốc về lo cho con, cho cả nhà. Chuyến đò sang sông đó, trước và sau 30 tháng Tư 1975, vẫn còn đang nối liền hai bờ, mãi mãi với dòng chảy thời gian.

Tôi lắc đầu trở về với thực tại, từ giã hố bom, khu vườn, bờ đất lở để đi lần xuống bãi cát, bước lên mái đò chòng chành. Tôi muốn vượt qua sông này thêm lần nữa. Bác lái đò nhìn tôi cười sún răng trong ngạc nhiên: “Ôi chao, chú Liêm hà! Chú về khi mô rứa?” “Dạ chào bác, tui mới lại trở về.”
                                         © 2010 Nguyễn Hữu Liêm
READ MORE - NGUYỄN HỮU LIÊM – NƠI BẾN ĐÒ CUỐI THÁNG TƯ

Saturday, December 25, 2010

PHAN VĂN QUANG - GIÁNG SINH THIÊN SỨ


Cupid and Psyche
1889
William Bouguereau



Giọt nước mắt hạnh phúc long lanh

Đêm Chúa giáng sinh

Niềm vui người phụ nữ

Tái sinh bởi tình yêu thiên sứ

Mùa Đông trong ổ rơm vàng mùa Hạ

Mẹ ủ thay cha - niềm tin qua cuộc chiến tranh...

Mùa Thu không thể lặng im

Không thể đứng nhìn mùa Đông ngập ngừng tới

Những chiếc lá còn màu nắng ải

Con mắt của mùa thu cũ

Phải cháy hết lòng câu thơ

Tình yêu không là mật ngọt

Tình yêu không là chồi non

Khoảng cách xa xôi của địa lý sẽ không còn

Cả nỗi buồn tan trong tâm khảm

Khi Mẹ sinh ra anh

Cây rùng mình trút lá

Cái đớn đau tận cùng

Phục sinh niềm hạnh phúc

Phục sinh sự chai lỳ của đất

Bằng những ổ lá mùa Đông

Tiếng chuông nhà thờ ngân vang

Báo hiệu giờ sinh nở

Những tấm lòng rộng mở

Anh gõ cưả nhà em - giấc mơ Thiên sứ.



PVQ

READ MORE - PHAN VĂN QUANG - GIÁNG SINH THIÊN SỨ

Friday, December 24, 2010

MAI THANH TỊNH - VIẾT VỘI TRƯỚC MÙA NOEL




Tặng: Yến Nhi


Noel về cây thông chờ thắp lửa

Phía bờ xa con sóng vỗ miên man

Giấc mơ ngoan em nguyện cầu trước Chúa

Cho tình yêu bừng cháy chiều đông



Đêm cầu kinh lẻ bóng giữa giáo đường

Xin ngôi trên ban nửa bờ môi nóng

Vòng tay ngà ôm trái tim bé bỏng

Đốt tương tư nhặt tro ấm miền thương



Mùa Giáng sinh xin Chúa gột nỗi buồn

Bám víu em bao tháng ngày vô vọng

Ban cho em muôn ngàn con sóng

Để vỗ về hạnh phúc hoài mong...



Ta tội đồ ngoại đạo đắm môi cong

Không xám lễ xưng tội cùng cha xứ

Vì yêu thương nên rối bời ngôn ngữ

Xưng tội cùng em ta đã yêu người



Noel về nhung nhớ lên ngôi

Tiếng chuông rơi em buồn - ta mang tội

Cầu Chúa ngôi cao giang tay cứu rỗi

Cho Giáng sinh em ngọt lịm nụ cười.



Mùa Noel 2010

READ MORE - MAI THANH TỊNH - VIẾT VỘI TRƯỚC MÙA NOEL

LÊ BÁ LƯ - PHAN XUÂN NGUYÊN: NGƯỜI CHĂM LO NGUỒN SÁNG CHO ĐẢO PHÚ QUÝ



Ấn tượng đầu tiên khi gặp kỹ sư Phan Xuân Nguyên, Giám đốc Điện lực huyện đảo Phú Quý, thuộc Công ty Điện lực tỉnh Bình Thuận, là một thanh niên dáng vẻ phong trần, nghiêm khắc. Mang cặp kính cận, dáng người gầy gầy, trông anh có vẻ khó tính và già hơn cái tuổi 38 của mình. Thế nhưng qua câu chuyện, mới hiểu anh là một con người bản lãnh trong công việc, nhưng rất cởi mở, chân tình với mọi người.

Kỹ sư Nguyên được người dân ở đây gọi một cách thân thương: “Người chăm lo nguồn sáng cho đảo”. Anh em trong đơn vị thì thường gọi anh là “thủ lĩnh”- một cách gần gũi và nể phục.

Đảo Phú Quý nằm giữa biển khơi, thường có gió lớn và hàng năm đều xảy ra những cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới nên mạng lưới điện dễ bị đứt, gãy và gây khó khăn trong công tác vận hành, khai thác lưới điện. Hơn nữa không khí ở đây có nồng độ nhiễm mặn cao nên các máy móc thiết bị điện dễ mau hư hỏng.

Là một đơn vị ở xa đất liền, độc lập tác chiến, kỹ sư Phan Xuân Nguyên đã cùng với cộng sự của mình nổ lực, với tinh thần tự lực cánh sinh, đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật để hoàn thành nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả phục vụ của ngành điện trên địa bàn. Anh đã cùng bộ phận kỹ thuật nghiên cứu điều kiện khí hậu ở đảo và sức chịu đựng của các thiết bị, máy móc để tăng cường lắp đặt các loại thiết bị có tính năng kỹ thuật cao; chuẩn hóa các thiết bị, vật tư sử dụng trong sản xuất, phân phối điện. Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và vận động tiết kiệm điện luôn được đẩy mạnh. Nhiều cơ quan, hộ dân đã nâng cao ý thức tiết kiệm điện. nhiều gia đình đã sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện. Riêng trong năm 2010, qua các phong trào vận động, Điện lực Phú Quý đã làm lợi cho Nhà nước và nhân dân hơn 700 triệu đồng.

Điện lực Phú Quý có 32 cán bộ, công nhân, trong đó có 14 kỹ sư, và có trình độ đại học, cao đẳng và 2 trung cấp, phần đông từ đất liền ra công tác. Giám đốc Nguyên được gọi là thủ lĩnh, bởi anh đã sống hết mình vì mọi người. Trong công việc, anh rất quyết đoán và sẵn sàng chịu trách nhiệm về mình đối với cấp trên và cả cấp dưới. Làm việc đúng nguyên tắc, nhưng Nguyên cũng rất linh hoạt trong giải quyết những tình huống cần thiết cấn thiết; thẳng thắn góp ý để mọi người làm công việc tốt hơn, đồng thời sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác để học hỏi. Thủ lĩnh Nguyên đã thực sự tạo được mối đoàn kết thống nhất trong đơn vị.

Phan Xuân Nguyên còn là tấm gương về tinh thần ham mê học hỏi. Phòng làm việc của anh có khá đầy đủ tài liệu phục vụ công tác chuyên môn, ngoài ra còn có nhiều loại sách báo để nghiên cứu các lãnh vực khác. Anh đã tự học ngoại ngữ và hiện nay đã có thể giao tiếp dễ dàng bằng tiếng Anh với du khách nước ngoài. Nguyên cho biết, anh rất thích nói chuyên với dân Tây ba lô đến đảo du lịch, để vừa có cơ hội luyện giọng, vừa có thể giới thiệu cho khách nước ngoài tiềm năng về đảo. Nguyên còn là một cây văn nghệ và tài kể chuyện hài hước.

Trong mấy năm trở lại đây, nhiều nơi trên đảo đã trồng cây bàng, một loại cây phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại đây, và nhiều người cũng biết, chính kỹ sư Phan Xuân Nguyên, Giám đốc Điện lực Phú Quý là người đã mang giống bàng ra đảo. Đầu tiên, anh trồng thử nghiệm tại vườn cây của cơ quan mình, sau đó thấy phát triển tốt, anh đã mang giống bàng đến tặng cho các trường học và giới thiệu cho nhiều người biết. Hiện nay, bàng là một trong những loại cây đã được trồng nhiều để phủ xanh đất trống, đồi trọc tại đảo Phú Quý.

Nguyên tâm sự, anh là con cả trong một gia đình nghèo, đông anh em.Thi đỗ vào Trường Đại học Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, học đến năm thứ 2 thì cha anh lâm trọng bệnh qua đời, gia đình lâm vào cảnh túng quẫn. Anh vừa đi học, vừa phải làm thêm đủ nghề, từ nhận dạy kèm, chạy xe ôm, phục vụ các quán ăn…để tiếp tục học xong đại học và còn gởi tiền về phụ giúp các em học hành. Nhờ được rèn luyện bản lãnh trong gian khó, anh đã sớm trưởng thành và tự tin về nhiều mặt.

Ra trường, về công tác ở Công ty Điện lực tỉnh Bình Thuận. Khi Chi nhánh Điện lực Phú Quý thành lập năm 1998, Phan Xuân Nguyên đã tình nguyện vác ba lô đến phục vụ ở đảo xa. Chỉ 1 năm sau, từ năng lực và nhiệt tình, anh đã được đề bạt làm phó giám đốc và sau đó là giám đốc đơn vị cho đến nay.

Nguyên cho biết, vì nhiệm vụ công tác, có khi vài tháng mới được về thăm gia đình, vợ anh là cô giáo, rất thông cảm công việc của chồng. Hai đứa con của anh đều học giỏi, các em của anh đều học hành đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định, đó là chỗ dựa tinh thần, giúp anh yên tâm công tác.

Hơn 12 năm phục vụ nơi đảo xa, “Người chăm lo nguồn sáng cho đảo Phú Quý” đã được lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Thuận đánh giá cao về năng lực và phẩm chất. Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Điện lực tỉnh Bình Thuận cho biết, Phan Xuân Nguyên là một thanh niên có nhiều năng lực, phẩm chất tốt và hoài bảo cao đẹp. Kỹ sư Phan Xuân Nguyên xứng đáng là một bông hoa đẹp trong vườn hoa của nghành Điện lực Bình Thuận cũng như ngành điện của cả nước./.


Lê Bá Lư (TTXVN)



MỘT VÀI HÌNH ẢNH TRONG BUỔI GIAO LƯU









READ MORE - LÊ BÁ LƯ - PHAN XUÂN NGUYÊN: NGƯỜI CHĂM LO NGUỒN SÁNG CHO ĐẢO PHÚ QUÝ

Thursday, December 23, 2010

VÕ THỊ NHƯ MAI - CHỢ TÌNH




hay mình cùng lên chợ tình Khâu Vai
lang thang một hôm
trộm ngắm đôi mắt long lanh thẹn thùa áo phẳng
khèn trống réo rắt du dương văng vẳng
vó ngựa
lục lạc
rượu nồng
khơi lại thuở còn yêu
khơi lại ánh trăng rằm
anh đánh đàn - em thêu
tay có chạm nhau đâu mà ngại ngùng bối rối?

buổi sáng tháng mười hai

đặt cốc nước chưa vơi
anh đi làm rất vội
linh lan rất gầy khép cửa tỏa hương

em đã quên hàng dương rợp mát con đường

quên buổi chợ quê nôn nao hàng tôm hàng cá
quên người lính hát nghêu ngao giữa trời sao sáng tỏa
quên bờ đá không dấu chân người rêu phủ xanh um

chú tiều lum khum

trên đồi nhặt củi
em gieo may rủi
đếm lá trong vườn

"à ơi

bên kia tít tắp đại dương"
có một dãy nhà lặng lẽ
lời ru con trẻ
chỉ còn là ký ức khó phai phôi

anh rất hiền của em ơi

quê hương em ở xa nên anh là tất cả
hoài niệm một ngày về cứ lã chã mặn môi
hay mình cùng lên chợ tình xa xôi?

vtnm

Tây Úc 21/12/2010
READ MORE - VÕ THỊ NHƯ MAI - CHỢ TÌNH

VÕ VĂN HOA - CHÙM THƠ



PHÙ SA THÁNG GIÊNG


Về Càng* bờ bãi phù sa

Mạ non ai chiếc bung ra giữa đồng

Cánh diều xa tít tầng không

Bàn tay cấy hái mây bồng bềnh trôi

Nương dâu em đợi lâu rồi

Còn nong kén ấy tinh khôi anh về

Tháng giêng tháng của hội hè

Ấy ai bù đắp mấy bè chung chiêng!


* Địa danh ở Hải Lăng, Quảng Trị




Tranh của Shijun Munns


TRANH MÈO


Vờn sau liếp tranh

Mèo như mê ngủ

Nàng xuân đến rủ

Mèo ra thị thành...

*

Sắm sanh tam thể

Thế cũng đủ rồi

Trở lại chốn ngồi

Nhích nha vuốt mép

*

Xin ông chủ ơi!

Đừng đem đấu giá

Phải chi mèo mả

Gà đồng í a...!


Tối 05/12/2010

Võ Văn Hoa

READ MORE - VÕ VĂN HOA - CHÙM THƠ