Ảnh: sachxua.net
LGT: Sau hơn chục năm nghiên cứu kết hợp với nhiều chuyến điền dã, ông Lê Quang Thái đã ghi chép lại Vè thất thủ Kinh đô (kể cả dị bản) trên cơ sở chú giải tỉ mỉ và cặn kẽ nhằm mở ra cho độc giả một cái nhìn bao quát về bối cảnh Kinh đô Huế ngày thất thủ và những năm tháng kế tục.
Trân trọng tâm huyết và công lao của tác giả, Sông Hương xin giới thiệu tới bạn đọc một chương khá quan trọng trong công trình kể trên của ông Lê Quang Thái, hiện công tác tại Trung tâm Liễu quán Huế.
S.H
Nói vè, không phải đơn thuần bán buồn mua vui. Đây còn là dịp để hậu duệ tưởng nhớ và tri ân người xưa, nghe được tiếng lòng dân tộc, cảm được hồn nước lung linh và tờ mờ ẩn tàng vô hình, vô tướng theo cùng với vận nước có lúc thịnh lúc suy.
1) Người Việt biết liên kết giàu sáng tạo, hài hòa trong sáng tạo tập thể:
Không phải chỉ giới văn nhân tài tử, nghệ sĩ ca công sáng tạo theo lối chuyên nghiệp, chuyên ngành mà bất cứ ai cũng có thể sáng tác, sáng tạo thi ca, hò vè là những thể tài văn học mang đậm tính cách đại chúng và dân dã. Vượt xa hơn trong sáng tác là tinh thần tổng hợp một cách hòa điệu những câu ca, lời vè, nói lối nhuần nhuyễn thành từng đoạn bài ngắn, nhiều bài ngắn được kết dệt thành khổ, thành trang, thành tuồng, thành tích.
Không có tinh thần văn nghệ và yêu chuộng nghệ thuật thì chẳng bao giờ quảng đại quần chúng có những lớp vè trường thi bằng thơ lục bát và biến thể phá cách của thể thơ thuần túy Việt Nam như hai bài vè lịch sử phản ảnh sinh mệnh, hơi thở và cuộc sống, cuộc chiến đấu anh hùng và bi thương của dân tộc ta từ những năm 1883 đến 1885 và những năm tháng khó quên về sau nữa. “Tứ nguyệt tam vương” rồi thất thủ Kinh đô Huế, vua Hàm Nghi xuất bôn. Giữa đường tên mũi đạn, người Việt làm thơ, trong tháo chạy hốt hoảng mà vẫn làm thơ, thậm chí lúc ở bên bờ sinh tử, cấp táng vội vàng vẫn có thơ làm niềm tin gởi lại cho đời. Thơ để tiếc thương, tiễn biệt người thân cùng huyết thống cùng chí hướng và đồng hội đồng thuyền thể hiện tinh thần bất khuất, nuôi dưỡng ý chí quật cường. Cho dù gặp cảnh bi thương cùng cực, người Việt vẫn giữ tròn đạo trung hiếu:
“Trung thần hết sức phò vương,
Chừ ngài bạc phận giữa đường không ai.”
(câu 904 - 905, Hồi II)
hoặc:
“Hãy còn có mặt mầy đây,
Thành đô khôi phục nhớ ngày quảy đơm
Ví dầu dĩa muối bát cơm,
Cô dì thúc phụ quảy đơm (cho) nhớ ngày.”
(câu 939 - 942, Hồi II)
Phải là người trong cuộc, chứng nhân thời loạn mới có những tình tiết đầy bi thương ấy. Có thực sống trong khoảnh khắc bi lụy thì mới nẩy sinh những ý tưởng truyền lại như là di chúc thiêng liêng để lại cho con cháu và cho cả khe rừng nghe mà ghi nhớ, hòa nhập vào hồn nước non nặng nghĩa lời thề son sắt.
Hàng trăm, hàng nghìn tình tiết ấy, tương tự như thế được kết dệt lại thành một thể thống nhất, liên hoàn đầy tính cách bi ai, chịu khốn khổ và kham nhẫn đến mức cùng cực. Người viết sử, nhà làm phim, nhà đạo diễn tài hoa nào tìm thấy được những tình tiết ấy, những thước phim ấy thì thiết tưởng họ tôn quí biết chừng nào về phẩm chất cao quý của người Việt.
2) Ngôn ngữ dân gian phong phú, trung thực tổng hòa với ngôn ngữ cung đình, tao đàn và hàn lâm.
“Ca” là thể tài văn học đi sánh đôi cùng với “vè” để biểu lộ tâm tư, tình cảm, ý chí, niềm hy vọng, niềm tin yêu. Ngôn ngữ của vè mang tính dân gian trung thực, chất phác. Vì vậy rõ nét hơn, lấn lướt cả thi ca về vốn ngôn từ của vè dân dã mộc mạc mà cũng không kém phần thâm hậu.
- Viết về thảm cảnh chiến tranh:
“Khói lên hình tựa long phi,
Đạn ra ngoài biển trúng gì chẳng hay.
Tây bắn (vô) người lọi chân (kẻ lọi) tay, Bể đầu lủng ruột khổ này quân ta.”
(câu 199 - 202, Hồi I)
- Hoặc viết về cảnh quân thù đày đọa dân lành vô tội:
“Ngày thời nó điệu như tù,
Đụng đâu (nó) đánh đấy, nổi u nổi nần.
Ngùi ngùi thân lại tủi thân,
Ngày bắt đi mần đêm bỏ thảm thương.
Bữa ăn bữa uống không thường,
Một ngày bát gạo, cơm lương muối vừng.
Lo ăn lo uống cho xong
Ăn kẻo đói lòng, ăn kẻo chết khô.
Bao nhiêu những giếng với hồ
Kéo thây xuống dập chỗ mô cũng đầy.”
(câu 501 - 510, Hồi II)
- Quân dân vẫn nuôi dưỡng niềm tin phục hận, phát huy nội lực:
“Phò theo dọi đức Hàm Nghi,
Quan Tướng với quan Đề Soạn, với thì quan Đề Ngô.
Ngũ trụ có quan lớn Hữu Hồ,
Ngài làm Thị vệ thủa mô tới chừ.
Chẳng qua Nam Việt thời hư,
Quân thần phụ tử lên chừ rừng xanh.
Thở than trong chỗ rừng xanh,
Bao giờ khôi phục chốn thành kinh đô.”
(câu 837 - 844, Hồi II)
Các tác giả vô danh chung cùng tiếng nói, tiếng gọi đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, tất cả đều chung tâm tư và chí hướng mới sáng tạo được những vần thơ vừa trữ tình vừa hiện thực đến mức cao điểm như vậy.
Văn chương cung đình - hàn lâm không tách biệt xa rời văn chương dân gian chơn chất, nặng tình nặng nghĩa với non sông cẩm tú.
Ước gì ngày nay những nhà sử học, những đạo diễn sân khấu nghệ thuật, nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử sẽ từ đó xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật để giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần tự do dân tộc cho thế hệ trẻ được sinh trưởng và thành tài trong cảnh đất nước thanh bình.
3) Phân hóa, chia rẽ là quỷ kế của giặc, thống nhất ý chí và đoàn kết một lòng chóng vượt qua mọi thảm họa.
Sau ngày mất của Tự Đức, trong lịch sử đã diễn ra nhiều tấn tuồng điên đảo tạo lợi thế cho quân xâm lược hả hê lấn sâu thị uy triều đình Huế sớm trao quyền bảo hộ cho ngoại bang.
Đọc và học lịch sử giai đoạn bốn tháng ba vua (tứ nguyệt tam vương), ai mà chẳng đau lòng quặn thắt cho vận nước điêu linh vì thù trong giặc ngoài mà ca dao lưu truyền.
Nhất giang lưỡng quốc nan phân Thuyết
Tứ nguyệt tam vương triệu bất Tường
(Một sông hai nước khôn ăn nói
Bốn tháng ba vua việc chẳng lành)
mà vè thất thủ Thuận An đã mạnh dạn đả kích ở câu 47 - 48 của Hồi I:
“Mặc lòng hai gã quyền hành
Muốn cho ai loại ai thành thì cho”
Ba vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc lần lượt bị loại trừ với nhiều mưu đồ, tính toan bất chính của ông Quận Tường và ông Tướng Thuyết:
“Thánh hoàng ngài mới băng hà,
Những tham với cách vậy mà tứ tung.”
(câu 65 - 66, Hồi I)
Những quan lại trung chính, hiền lương như Phan Đình Phùng, Trần Tiễn Thành đều lần lượt bị ám hại:
“Đáo để (cho) ông Phan Đình Phùng,
Nói lời trung nghĩa mắc vòng gian lao.”
(câu 43 - 44, Hồi I)
Tướng tài như quan Tiểu phủ sứ Ông Ích Khiêm cũng bị đày bị hại trong lao tù chốn biên viễn thuộc tỉnh Bình Thuận. Quyền thần lộng hành, ai có đề nghị trái ý thì nghi kỵ, tìm cách đốn đi khác nào đốn cây một cách vô cảm, không nương tay. Quả thật, quyền thần tự chặt tay chân của mình:
“Chớ cho lai vãng trong trào,
Cưỡng ngôn nghịch lý, phản phao tới mình.
Quan Tiểu mắc phải vầy binh,
Người trung mắc nạn, lý hình tà gian.”
(câu 237 - 240, Hồi II)
Việc hai vua Dục Đức và Hiệp Hòa bị ám hại có bài bản rồi vua Kiến Phúc kế vị cũng bị “trúng thuốc” một cách bất ngờ làm cho tình cảnh trong dân gian thêm hoang mang, rối rắm trăm đường. Mây mù đã che ám cả bầu trời kinh đô phủ đầy oán cừu, tang tóc:
“Giáp Thân lục nguyệt bằng nay,
Vừa đức Kiến Phúc tuần này thăng thiên.
Bá quan văn võ phân phiền,
Giận trong nhà nước không yên bề gì.
Hội triều tôn đức Hàm Nghi,
Ngài lên trị vì ai cũng cần yên.”
(câu 287 - 292, Hồi II)
Tình thế đã bi đát lại càng bi lụy thê thảm hơn chỉ vì nội tình triều đình Huế suy vi dễ dàng dẫn đến suy vong, mất nước không chóng thì chầy. Nhân dân khó lòng lay chuyển được tình thế bất an, khốn khổ đến mức trầm trọng. Xưa, danh thần Nguyễn Trãi đã dâng hiến cho đời bài học nhân nghĩa, thu phục tâm công để toàn dân quân đoàn kết một lòng thực thi chủ trương lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thừa lúc diệt mạnh. Cả một tình trạng phân hóa và đầy u ám trong triều chính đương thời như thế thì con đen dân đỏ làm sao hiến kế hy sinh để chống giặc. Thù trong chưa dẹp yên thì làm sao mà diệt được giặc ngoài có tàu đồng, đại bác tân tiến.
Bài học phát huy nội lực, thu phục tâm công và đoàn kết một lòng đã bị xé nát tan tành. Việc bỏ quên thù riêng để chung sức lo hận chung mất nước chỉ lóe sáng trong việc đồng tình giữa Phan Đình Phùng với ông Tướng ngày xưa ở sơn phòng Hà Tĩnh, khó lòng xoay chuyển được tình thế. Ấy là chưa kể việc thực dân Pháp nắm quyền đối ngoại với 2 hiệp ước bất bình đẳng: Hòa ước Harmand và Hòa ước Patenôtre.
Cái giá phải đổi cho cuộc chiến đấu anh dũng và bi thương của dân tộc Việt là nước mất nhà tan khiến cây
cỏ cũng nhuốm màu tang thương:
Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương.
(Khuê phụ thán - Thượng Tân Thị)
Hoặc như Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã cảm xúc trong bài thơ “Cảnh mới nhà Thương Bạc”:
Giảng hòa mực ký xong hai chữ/ Bảo hộ cờ treo đã sáu đời.
Cuối cùng với ý chí quật cường của dân tộc đã thôi thúc những nhà cách mạng tiền bối và thời cận đại sớm tìm ra kế sách giữ nước, chống trả quân thù để giành lại quyền tự quyết và độc lập dân tộc - một dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất với dáng đứng oai hùng bên bờ biển cả Thái Bình dương.
L.Q.T
Nguồn: Trang web: http://tapchisonghuong.com.vn
No comments:
Post a Comment