Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, October 6, 2024

Trang thơ Lê Thanh Hùng: NGHE NÓI EM VỀ TRÊN LỐI CŨ | MƯA PHAN THIẾT | NGÀY EM TRỞ LẠI

 

Nhà thơ Lê Thanh Hùng

Nghe nói em về trên lối cũ

 

Bao năm rồi ta không cùng nhau

Trên lối cũ một thời hoa mộng

Bàn chân giờ dường như lạc lõng

Chiều dần phai, dấu cát rũ nhàu


Nhớ thương nào còn lại dửng dưng

Nghe nói em mới về bên phố

Biết là em có nơi có chỗ

Sao loay hoay nỗi nhớ vô chừng


Đã lâu rồi, buông một vòng tay

Hình như có chút gì xốc nổi

Sao mình lại dại khờ gấp vội

Cứ cào bằng nghĩa trả tình vay


Anh cũng vui, em đã an yên

Thôi cuộc sống đã trôi như vậy

Sao hoài vọng mơ hồ còn thấy

Trong thẳm sâu đầy ắp muộn phiền…


Mưa Phan Thiết

 

Mưa lặng lẽ, trắng trời Phan Thiết

Mắt đăm đăm, ngóng bước ai về

Con thuyền nhỏ, một mình tách biệt

Lênh đênh trong mưa gió mãi mê


Trên vụng biển, cơn giông lấn bấn

Sóng xô nghiêng xác rác bãi bờ

Trong tiếng sóng, tiếng mưa quyện lẫn

Chiếc thuyền con một dấu chấm mờ


Ánh mắt lo âu, mưa giăng tối

Chiều bao giờ, đã xuống từ lâu

Sóng tiếp sóng từng làn chìm nổi

Cứ lao xao như thuở ban đầu


Đời bận rộn, buồn hiu cơm áo

Lãng quên thời hoa mộng ngày xưa

Chỉ còn lại đôi bờ thực ảo

Lẫn vào trong tím biếc cơn mưa


Chợt con sóng vun bờ òa vỡ

Chiếc thuyền con chếch hướng nẻo về

Bờ ngực trẻ vồng cong cõi nhớ

Sóng dập dờn cuốn níu đam mê…


Ngày em trở lại

 

Không ra đi, sao em trở lại

Nối mối tình hoa mộng ngày xưa

Như sông xa thương bờ nhớ bãi

Đã trở về dưới những cơn mưa


Biết không thể như ngày đã cũ

Người bây giờ cũng đổi thay rồi

Bao khắc khoải, một đời sương phụ

Theo nỗi buồn năm tháng dần trôi


Còn nguyên đó, dấu tình đắm đuối

Bỏ quên bờ xuân mộng từ lâu

Con nước lững lờ như đếm tuổi

Còn không em, một thuở ban đầu?


Có một chút ngượng ngùng bổi hổi

Nghe dư âm đọng lại xa xăm

Cơn gió thổi, khoảng xanh vồi vội

Tiếng lòng nghe gờn gợn sóng ngầm


Rồi anh sẽ lấy gì bù đắp

Cho thời gian vướng víu đam mê

Rơi đâu đó tiếng cười ngượng ngập

Bùng vỡ đêm, quên mất lối về

 

Lê Thanh Hùng

Bắc Bình, Bình Thuận

READ MORE - Trang thơ Lê Thanh Hùng: NGHE NÓI EM VỀ TRÊN LỐI CŨ | MƯA PHAN THIẾT | NGÀY EM TRỞ LẠI

TỪ ĐIỂN PHƯƠNG NGỮ QUẢNG TRỊ (Kỳ 4/5) - Võ Công Diên biên soạn

TỪ ĐIỂN PHƯƠNG NGỮ QUẢNG TRỊ 

(Kỳ 4/5) 

Võ Công Diên biên soạn

 

Lọi = Gãy (Lọi tay = gãy tay)

Lú lẫn = Trí trí tuệ kém phát triển, hay quên

Lũng = Rách (Lủng quần = Rách quần)

Lũi đi = Đi mà có tính chất dấu diếm

Mạ / Mự = Mẹ

Mạ mi = Lời xưng hô thân mật giữa vợ chồng (=Bà xã)

Mắm đam = Mắm cua đồng.

Mần = Làm (Đi mần roọng = đi làm ruộng)

Mần đị = mần đĩ, làm đẹp, (ngày nay còn hiểu là làm gái)

Mần cho cấy = Làm cho với

Mần răng = Làm sao

Mần trạng = Nói quá lên (Nói dóc, không đúng sự thật)

Mấy thằng lóc chóc họoc mần Người nậy = Mấy đứa nhỏ học làm người lớn…

Mệ = Bà nội, ngoại

Mẽ trèng = Mảnh chai

Méc = Mách bảo (Tui về tui méc mạ tui = Tôi về nói lại với mẹ tôi)

Mem = Nhai cơm cho nhỏ ra để cho em bé ăn

Méng = Miếng (Méng nác = Miếng nước)

Mẹng = Miệng

Mi = Mầy (Mi làm chi rứa? = Mầy làm gì vậy?)

Mi coi chi sa đà rứa? = Mầy xem gì mà mê mẩn thế?

Mi đi ga ni? = Bạn đi ga này hả?

Mi lo mi đi. = Mầy tự lo việc của mầy đi.

Mi ra ga mô? = Mầy ra ga nào?

Mi trẻ cấy áo mới à? = Mầy khoe cái áo mới hả?

Miềng = Mình (Dà miềng = Nhà của mình)

Mò về = Đi về có tính chất lén lút... tùy theo ngữ cảnh

Mô rứa = Đâu đó (Đi mô rứa = Đi đâu đó )

Mỏ xảy = Dụng cụ dùng để phơi rơm rạ...(Cái lưỡi bằng sắt thép, cong như móng vuốt của loài chim)

Mói = Muối

Mỏi chắc = Mệt trong người

Môộng = Nảy mầm  (Làm môộng = Làm giá đỗ)

Một chắc = Một mình

Mự = Mợ (Cậu mợ)

Mụ = Người đàn bà cao tuổi (Mụ Phán = Bà Phán)

Mụi = Mũi (Lỗ mũi)

Mược = Mặc áo vào

Mược áo xốông dư con đị = Ăn mặc không đàng hoàng như con đĩ

Mượt / mược = Mặc kệ (Mượt hắn= Kệ hắn)

Nác = Nước (Uống nác)

Nác chộ ni cắn, nắc chỗ tê cáu = Nước chỗ nầy trong, nước chỗ kia đục

Nác méng = Nước miếng (Chảy nác méng = chảy nước miếng)

Nác lã = Nước giếng, nước sông chưa nấu chín

Nằm chộ = Nằm mơ

Nậy = Lớn (O ni nậy hi = Cô ấy lớn nhỉ)

Néc = Còn gọi là nách, phần dưới vai (nách)

Néc = Động tác dùng phần hông và tay để mang một vật như cái thúng, cái rổ đi

Nót = Nuốt (Nuốt thức ăn = Nót thức ăn)

Nôm = Cởi lên, đè lên

Ngá = Ngứa

Ngá trốôc = Ngứa đầu

Ngái = Xa (Ngái lắm = Xa lắm)

Ngày tê = Sau ngày mai 1 ngày

Ngày tể = Sau ngày mai 2 ngày

Ngày tề = Sau ngày mai 3 ngày

Nghẹc = Nghạch cửa.

Ngó = Nhìn

Ngờ ngợ = Nhìn hơi quen

Ngoài nớ = Ngoài ấy

Ngón cẳng mạ = Ngón chân cái

Ni = Bên này

Nớ = Bên kia

Nỏ = Không (Nỏ biết = Không biết), tương tự tiếng xứ Nghệ

Nói nghếch = Nói tầm bậy, không đúng

Nói rứa bơ răng nữa = Nói vậy rồi làm sao nữa

Nó bất trẹo lại = Nói đến nỗi cong lưỡi

Nơi tay mọc bít = Ở tay mọc nhọt

Nôm = Cày, bừa (Đi nôm = Đi cày)

Nôm = Nằm trên (Tui thấy hắn nôm con nớ = Tôi thấy hắn nằm trên cô ấy)

Nòng nanh = chàng ràng, xí xọn

O = Cô gái, chị gái (O nớ = Cô ấy)

Ô lác lác, đế đế = Chưa giãi thích được, chờ bổ sung

Ở lỗ = Không bận quần, có thể bận áo

Ở trần = Không bận áo, có thể bận quần

Ở truồng = Không bận quần áo (Trần truồng)

Ốôc dôộc  = Xấu hổ mắc cỡ lắm, (mức cao hơn: "Đỡ đang")

Ôông = Người đàn ông lớn tuổi (Ôông mệ = Ông bà)

Phá = Vùng đầm nước rộng lớn, (sông Ô Lâu đổ ra phá Tam Giang, kéo dài đến Huế ) (Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.)

 

Phần bổ sung chưa xếp theo vần Alphabet

Phơ mấy giánh nè = Chặt bớt mấy nhánh cây tre

Quăng tui cấy rạ = Ném cho tôi mấy bó mạ

Queng = Quanh (Quanh đây )

Rạ = mạ (lúa mạ)

Ra ga Nam Ô = Đi ra ga Nam Ô (Nam Ô là một địa danh ở Đà Nẵng.)

Răng đông như ri? = Sao đông người vậy?

Răng hèo = ???

Răng ri = Sao vậy (Sao vậy nhĩ )

Răng rứa = Tại sao

Răng tề = Như thế nào

Rào = Sông

Rẹ tóc cho con với = Rẻ tóc cho thẳng, chải tóc…

Rẽng = Rãnh rỗi

Ri hèo = Thế hả

Ri tề = Như Thế này

Rọ = Nước chảy ri rỉ (Rọ nác méng = Chảy nước miếng)

Roọng = Ruộng

Rôồng tre = Bụi tre

Rọt = Ruột.  (Mát rọt = Mát ruột)

Rọng = Ruộng

Rú = Đồi cát thấp (Lên rú cát)

Rú= Đồi đất cát có cây mọc thấp và thưa

Rứa mà = Vậy mà

Rún = Rốn (Chôn nhau cắt rún.)

Sèm = Thèm

Sớn sác = Hấp tấp (=Làm không đạt yêu cầu)

Sồn sồn = Chỉ phụ nữ tuổi trung niên chưa quá 50


READ MORE - TỪ ĐIỂN PHƯƠNG NGỮ QUẢNG TRỊ (Kỳ 4/5) - Võ Công Diên biên soạn

TRANG THƠ VỀ NGƯỜI LÍNH (Kỳ 2)- Tác giả: Nguyễn Văn Trình

 

Tác giả Nguyễn Văn Trình

Người lính ngã xuống vì hòa bình                                         

 

Người lính ngã xuống vì hòa bình

vì độc lập chẳng ngại hy sinh

trong cuộc chiến địch, ta đẫm máu

Tổ quốc muôn đời nhớ anh linh

 

Người lính ngã xuống vì hòa bình

vì đất nước, anh nguyện quên sinh

quên thân mình khi còn rất trẻ

quên những dấu yêu, những cuộc tình

 

Người lính ngã xuống vì hòa bình

thân xác anh hòa vào lặng thinh

hòa vào đất mẹ những hồn thiêng

sông núi, biên cương mãi đượm tình

 

Người lính ngã xuống vì hòa bình

để biển trời hôm nay tươi xinh

để quê hương, thắm tình mãi mãi

mong mai sau, sống tốt thay mình

 

                        Đông Hà, 8/2024

                                 NVT


Khát vọng hòa bình

                Nguyễn Văn Trình

 

Chiến tranh kết thúc đã lâu rồi

người còn, người mất nỗi đau ôi !

có được hòa bình bao xương máu

bao gia đình, bao cảnh nổi trôi

 

Chiến tranh kết thúc đã lâu rồi

bao đứa trẻ sống cảnh mồ côi

bao người cha vĩnh viễn ra đi

bao bà mẹ khóc thầm bên gối

 

Chiến tranh kết thúc đã lâu rồi

các anh về yên nghỉ trên đồi

nhìn hàng bia mộ lệ thêm rơi

nay nghĩa trang khói hương sớm tối

 

Chiến tranh kết thúc đã lâu rồi

nhớ thời chinh chiến, nhớ bồi hồi

vết thương quê hương rồi lành lại

hòa bình khát vọng cháy lòng tôi

 

                         Đông Hà, 8/2024

                                 NVT



TRẠI SÁNG TÁC VHNT CHỦ ĐỀ:

“NGƯỜI LÍNH VỚI SN BẢO VỆ TỔ QUỐC VÀ QUÊ HƯƠNG QUẢNG TRỊ” 

NĂM 2024

TÁC GIẢ: NGUYỄN VĂN TRÌNH

HỘI VHNT TỈNH QUẢNG TRỊ

Email: nguyenvantrinh58@gmail.com

READ MORE - TRANG THƠ VỀ NGƯỜI LÍNH (Kỳ 2)- Tác giả: Nguyễn Văn Trình